Người dân các xã huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) đã phải mang đồ dùng và các tài sản như trâu, bò, lợn, gà... chạy lên trên đê để tránh lụt.
ảnh minh họa
» Áp thấp nhiệt đới tiếp tục gây thời tiết xấu ở Vịnh Bắc Bộ trong những ngày tới
» Áp thấp nhiệt đới sẽ suy yếu dần thành một vùng áp thấp, gây ngập lụt
» Tắm biển lúc sóng lớn, người chết, người mất tích
» Đổ xô ra đường bơi lội, đánh cá sau hai ngày mưa ngập
Sáng nay (23/7), tại khu vực xã Thạch Định, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) ở khu vực ngoài đê quanh sông Bưởi, hàng trăm hộ dân vẫn chìm sâu trong nước. Tài sản, gia súc, gia cầm được người dân đưa hết lên đê để tránh lụt.
Ông Đỗ Văn Hùng (trú thôn La Thạch, xã Thạch Định, huyện Thạch Thành) cho biết, vào chiều 21/7, khi mưa lớn nước sông Bưởi dâng cao, gia đình ông đã di chuyển hết tài sản trong nhà lên đê để tránh nước lũ. Tất cả các sinh hoạt từ nấu nướng, ăn uống đều diễn ra trên đê, chỉ có ngủ là cả nhà ông dồn lên trên tầng 2.
Theo ghi nhận, tại địa bàn xã Thạch Định đa số các hộ dân ở các thôn đều đã di dời tài sản của gia đình hết lên đê, căng bạt dựng thành lều để làm nơi sinh hoạt tạm thời.
Bà Nguyễn Thị Luận (55 tuổi) trú thôn Thạch An, xã Thạch Định cho hay: “Các cháu nhà tôi đều đi làm ăn xa, chỉ có 2 vợ chồng tôi ở nhà. Vì nước ngập sâu nên lợn, gà, trâu phải đưa hết lên bờ đê và thay nhau ngủ trên bờ đê để canh, chờ đợi nước rút mới về dọn dẹp nhà cửa quay trở lại cuộc sống bình thường".
Đến sáng nay (23/7), hàng trăm ngôi nhà ở xã Thạch Định vẫn ngập trong nước
Tất cả các tài sản, đồ dùng của gia đình được người dân đưa lên đê tránh lụt
Và mọi sinh hoạt của bà con vẫn diễn ra trên đê
Một hộ dân tranh thủ mắc sào phơi quần áo
Trước đó, vào khoảng 18h ngày 22/7, mực nước sông Bưởi trên địa bàn huyện Thạch Thành đã lên 12m ở mức báo động 3 và tối cùng ngày đã lên trên mức báo động 3.
Còn tại thôn 3 và thôn 4 (xã Thành Kim), nằm ngay cạnh bờ đê sông Bưởi có hơn 100 hộ dân bị cô lập vì nước ngập và phải di dời đến nơi khác.
Theo báo cáo đến cuối ngày 22/7, toàn huyện Thạch Thành có hơn 700 ngôi nhà bị ngập nước, 827 hộ dân phải di dời, Gần 1.500 ha mía bị ngập, đỗ, gãy và hơn 1.000 ha lúa bị ngập sâu trong nước, đường giao thông tỉnh lộ 523 và QL217B ngập úng chia cắt nhiều địa phương trong huyện.
Đến thời điểm hiện tại nước sông Bưởi đang rút dần nhưng rất chậm khiến hàng trăm ngôi nhà của các hộ dân sống dọc 2 bên bờ sông Bưởi vẫn ngập sâu trong nước.
Dưới đây là những hình ảnh về "cuộc sống trên đê" của người dân sống 2 bên bờ sông Bưởi huyện Thạch Thành:
Gia súc, gia cầm như: Gà,
lợn, đều được bà con chuyển lên đê tránh lụt
Các sinh hoạt hằng ngày như: Nấu nướng, ăn uống, ngủ nghỉ của bà con cũng ở ngay trên đê, dưới tấm bạt che tạm bợ
Một số hộ dân ở trên cao tranh thủ nước rút đã về nhà dọn rửa
Tuy nhiên, còn rất nhiều gia đình do nước còn ngập sâu nên buộc phải di chuyển hết đồ đạc: Giường tủ, bàn ghế... lên những khu vực cao hơn
Làm lều tạm ngay trên đê