Một sự việc tưởng chừng như đơn giản (thu hồi hoặc hủy bỏ quyết định bổ nhiệm Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thanh Hóa không đúng quy định đối với bà Lê Thị Thu Hà), dường như đang được cơ quan có thẩm quyền thành phố Thanh Hóa làm phức tạp thêm tình hình.
Theo đó, thay vì hủy quyết định bổ nhiệm cán bộ không đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì mới đây, Ủy ban nhân dân thành phố Thanh Hóa tiếp tục kiến nghị, chờ ý kiến tỉnh Thanh Hóa về việc tuyển công chức không qua thi tuyển đối với bà Lê Thị Thu Hà (cô Hà được bổ nhiệm Phó phòng khi chưa chuyển từ viên chức sang công chức).
Tại báo cáo số 1473/UBND-TTr báo cáo thực hiện các nội dung theo kết luận Thanh tra số 2580/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ ngày 24/4/2018, Ủy ban nhân dân thành phố Thanh Hóa nêu rõ:
“Đối với trường hợp bà Lê Thị Thu Hà, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo, khi làm quy trình đã đủ điều kiện, tiêu chuẩn, tuy nhiên thành phố chưa kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét tuyển dụng từ viên chức thành công chức.
Ủy ban nhân dân thành phố Thanh Hóa đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét tuyển công chức không qua thi tuyển đối với bà Lê Thị Thu Hà, đến nay đang đợi ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa”, công văn của Ủy ban nhân dân thành phố Thanh Hóa nêu rõ.
Bà Lê Thị Thu Hà, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thanh Hóa. Ảnh của truyền hình VTC. |
Đến đây, chúng tôi xin viện dẫn lại quy định tại mục 6, Nghị định số 29/2012/NĐ-CP về việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức ngày 12/4/2012 có nêu: Điều 42. Chuyển đổi giữa viên chức và cán bộ, công chức để khẳng định rằng, cô Lê Thị Thu Hà được bổ nhiệm Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thanh Hóa trái với các quy định hiện hành.
Cụ thể, theo quy định này: “Viên chức khi được tiếp nhận, bổ nhiệm vào các vị trí việc làm được pháp luật quy định là công chức trong các cơ quan, tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội thì phải thực hiện quy trình xét chuyển thành công chức không qua thi tuyển theo quy định của pháp luật về công chức; đồng thời quyết định tiếp nhận, bổ nhiệm là quyết định tuyển dụng.
Viên chức được bổ nhiệm giữ các vị trí trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập mà pháp luật quy định là công chức khi bổ nhiệm vào ngạch công chức tương ứng với vị trí việc làm phải hoàn thiện tiêu chuẩn của ngạch được bổ nhiệm; đồng thời được giữ nguyên chức danh nghề nghiệp đã bổ nhiệm, được hưởng chế độ tiền lương và các chế độ khác như viên chức của đơn vị sự nghiệp công lập”.
Như vậy, chiếu theo quy định này, bà Lê Thị Thu Hà được bổ nhiệm Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thanh Hóa khi chưa phải là công chức là không đúng quy định.
Mặt khác, việc Ủy ban nhân dân thành phố Thanh Hóa cho rằng quy trình (để bổ nhiệm – PV) đối với bà Hà “đã đủ điều kiện, tiêu chuẩn” là không chính xác, thậm chí có dấu hiệu bao che cho vi phạm mang tính hệ thống trong việc bổ nhiệm cán bộ.
Hay nói cách khác, cần khẳng định rõ ràng việc bổ nhiệm cán bộ thiếu quy trình xét tuyển thành công chức (điều kiện trước khi bổ nhiệm) đối với bà Hà là không đúng quy định chứ không thể ngụy biện cho hành vi sai trái theo kiểu quy trình bổ nhiệm cán bộ này "đủ điều kiện, đủ tiêu chuẩn", hoặc "chưa kịp thời báo cáo" như cách trả lời của Ủy ban nhân dân thành phố Thanh Hóa.
Trụ sở phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thanh Hóa. Ảnh của Xuân Quang/giaoduc.net.vn. |
Cũng cần phải nói rõ thêm rằng, vị trí Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy thành phố Thanh Hóa quản lý. Do vậy, việc hủy quyết định bổ nhiệm đối với cán bộ không đủ tiêu chuẩn thuộc thẩm quyền của cơ quan này.
Nhưng không hiểu sao, trong rất nhiều báo cáo của cơ quan có thẩm quyền thành phố Thanh Hóa đều một mực đề nghị tỉnh Thanh Hóa xem xét tuyển công chức không qua thi tuyển đối với bà Lê Thị Thu Hà theo kiểu “hợp thức hóa” cho việc bổ nhiệm cán bộ không đủ điều kiện, tiêu chuẩn.
Đây là việc làm hết sức phi lý nếu đối chiếu với các quy định về tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ.
Việc làm này cũng được cho là đi ngược lại với nội dung của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, vừa được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành trong đó có nêu (rõ):
Cần làm rõ động cơ phía sau của ông Đào Trọng Quy trong việc bổ nhiệm cán bộ
|
"Hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ, đồng thời xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm, không có “vùng cấm”.
Và đến nay, sau 3 năm tỉnh Thanh Hóa cũng chưa có phán quyết cụ thể về trường hợp này (có hay không việc chấp thuận chuyển công chức đối với bà Lê Thị Thu Hà?). Trong khi đó, trách nhiệm cá nhân tổ chức có vi phạm trong việc bổ nhiệm bà Hà vẫn chưa được xử lý triệt để.
Hôm 16/7, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về sự việc nói trên, bà Lê Thị Thìn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa cho biết, tỉnh chưa có văn bản nào đồng ý chuyển công chức đối với bà Lê Thị Thu Hà.
“Việc thành phố có văn bản (xem xét tuyển công chức không qua thi tuyển đối với bà Lê Thị Thu Hà) là việc của họ. Còn việc đồng ý hay không việc của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa. Trường hợp này chưa có ai đồng ý cả", bà Thìn cho biết.
Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm, không thể hợp thức hóa cho những trường hợp bổ nhiệm không đủ tiêu chuẩn.
"Dứt khoát những trường hợp bổ nhiệm phải đủ điều kiện, tiêu chuẩn. Làm sao lại có chuyện ưu ái trong việc bổ nhiệm cán bộ thiếu tiêu chuẩn được. Việc xử lý vi phạm khi bổ nhiệm bà Lê Thị Thu Hà thuộc trách nhiệm của Thường vụ Thành ủy thành phố Thanh Hóa", bà Thìn cho hay.
Trước đó, trao đổi với phóng viên về nội dung trên, ông Đầu Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nội vụ Thanh Hóa cho rằng, việc bổ nhiệm chức danh Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thanh Hóa đối với bà Lê Thị Thu Hà là không đúng quy định.
Theo ông Tùng: “Trước khi bổ nhiệm bà Lê Thị Thu Hà, cơ quan có thẩm quyền phải thực hiện quy trình xét chuyển thành công chức đối với cán bộ này và phải được sự đồng ý bằng văn bản/quyết định của Chủ tịch ủy ban nhân dân.
Tuy nhiên, sau khi phát hiện việc bổ nhiệm sai thì thành phố mới làm văn bản xin khắc phục (đề nghị công nhận công chức không qua thi tuyển đối với bà Hà).
Đây là việc làm không đúng quy định”, ông Đầu Thanh Tùng nói và cho biết thêm, trên cơ sở rà soát việc bổ nhiệm cán bộ, tùy theo từng trường hợp cụ thể, cơ quan có thẩm quyền sẽ có phương án xử lý phù hợp, đúng quy định.
Đến đây, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cũng nên có văn bản trả lời dứt khoát thành phố Thanh Hóa về việc có hay không việc tuyển công chức không qua thi tuyển đối với bà Lê Thị Thu Hà - cán bộ được bổ nhiệm khi chưa đủ tiêu chuẩn? Hoặc chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ hoặc thu hồi quyết định bổ nhiệm đối với cán bộ này.