Thứ Hai ngày 08/01/2018
(HNM) - Đỗ Phương Nhi trở thành quán quân cuộc thi “Sparre Olsen” dành cho tài năng trẻ tại Gjovik, Na Uy, sau một năm du học tại đây. Vừa bước sang tuổi 20, cô trở về nước, tham gia biểu diễn solo trong chương trình hòa nhạc đặt vé trước số 107 của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Trò chuyện với phóng viên Báo Hànộimới, Đỗ Phương Nhi cho biết sẽ hết sức nỗ lực với con đường âm nhạc đang theo đuổi để truyền đạt sức hấp dẫn của âm nhạc cổ điển tới khán giả.
- Chúc mừng Phương Nhi với buổi diễn thành công tác phẩm “khó” - bản Concerto số 1 cung son thứ của nhà soạn nhạc Max Bruch. Tại sao Phương Nhi lại chọn bản nhạc này?
- Cách đây 2 năm tôi may mắn được mời sang Mỹ biểu diễn bản concerto này cùng Dàn nhạc Fort Collins Symphony do nhạc trưởng Wes Kenney chỉ huy. Được trở lại quê nhà và biểu diễn dưới sự dẫn dắt của ông, tôi mong rằng ông và khán giả sẽ hài lòng về sự tiến bộ của mình sau một thời gian học tập. Hơn nữa, đây là một tác phẩm đỉnh cao của nhà soạn nhạc và chỉ huy người Đức thời kỳ hậu lãng mạn, được coi là viên ngọc sáng lấp lánh mà bất cứ nghệ sĩ violon nào cũng muốn làm chủ.
- Từng được coi là thần đồng và theo học violon từ khi lên 4 tuổi với sự dẫn dắt của Giáo sư - Nghệ sĩ nhân dân Ngô Văn Thành, nay theo học tại Trường Âm nhạc Baratt-Due ở Oslo, Na Uy, Phương Nhi thấy hai môi trường học tập có gì khác biệt?
- Ở Việt Nam tôi được thầy dìu dắt tận tình, bố mẹ chăm lo mọi chuyện. Còn ở Na Uy, tôi phải tự lực hoàn toàn. Thời gian đầu mọi việc từ học hành đến sinh hoạt với tôi đều khá bỡ ngỡ. Nhưng rồi, tôi được thầy cô, bạn bè và nhiều người tốt giúp đỡ nên hòa nhập dần. Ở bên này họ đánh giá cao sự nỗ lực của bản thân nên mình luôn phải cố gắng hết sức.
- Phương Nhi thích biểu diễn âm nhạc của ai và thần tượng nghệ sĩ nào?
- Mỗi tác giả và mỗi thời kỳ đều có chất hay riêng. Khi được học một tác giả mới, tôi tập trung tìm những thú vị trong sáng tác của họ. Ví dụ, bản “Carmen” tác giả Sarasate viết cảm giác từng nốt nhạc đều bật lên tính cách sôi nổi của nàng Carmen. Hoặc với tác giả Sibelius, tôi bị cuốn hút bởi màu sắc Phần Lan trong những bản nhạc của ông. Ngoài ra, âm nhạc của Bach, Mozart, Beethoven, Brahms, Tchaikovsky, Bruch, Prokofiev, Shostakovich… đều cuốn hút tôi.
Hiện tại, thần tượng của tôi là nghệ sĩ violon Janine Jansen - vì kỹ thuật điêu luyện và tiếng đàn ngọt ngào đầy nội lực của cô ấy. Tôi cũng hâm mộ Henning Kraggerud. Bên cạnh lối chơi tuyệt đỉnh, ông ấy còn là một thiên tài sáng tác.
- Ở Việt Nam, những người theo đuổi âm nhạc cổ điển luôn thiệt thòi hơn so với các dòng nhạc khác. Phương Nhi có suy nghĩ về điều này?
- Âm nhạc cổ điển ở nước ta hiện nay đã được quan tâm hơn trước, nhưng khán giả của nó so với nhạc pop khác xa nhau. Đó cũng là một điều thiệt thòi cho nghệ sĩ theo đuổi. Nhưng có đam mê và mục đích thì sẽ vượt qua tất cả. Tôi cũng như những người trong giới luôn mong muốn, bằng nỗ lực của mình truyền đạt sức hấp dẫn của âm nhạc cổ điển để ngày càng có nhiều khán giả yêu thích hơn.
- Phương Nhi đã nghĩ đến con đường hoạt động âm nhạc xa hơn của mình chưa?
- Niềm đam mê lớn của tôi là được thể hiện những tác phẩm kinh điển, vì vậy tôi đang tập trung vào việc học. Còn tương lai xa, tôi vừa muốn trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp, vừa muốn là giảng viên để truyền tình yêu nhạc cổ điển cho những người trẻ.
- Cảm ơn Đỗ Phương Nhi!
Yên Nga thực hiện
Nguồn hanoimoi.com.vn
http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Am-nhac/887758/no-luc-truyen-dat-suc-hap-dan-cua-am-nhac-co-dien
|