Với một quốc gia có tần suất truy cập và tìm kiếm những trang web người lớn vào loại nhiều nhất thế giới thì từ khoá "không nội y" là loại "thính" cực thơm để những nhà làm phim lựa chọn nhằm tăng độ thu hút cho sản phẩm của mình.
Bộ phim Thương nhớ ở ai đang phát trên VTV3 của đạo diễn Lưu Trọng Ninh theo ý kiến cá nhân người viết là một sản phẩm như vậy.
Nếu ai đã từng xem Bến không chồng - một tác phẩm điện ảnh cũng của đạo diễn Lưu Trọng Ninh chắc chắn sẽ thấy, ở tác phẩm này, dù là phim nhựa màu và cần độ đột phá mạnh hơn nhưng các nhân vật trong phim ăn mặc vẫn rất nền nã, mực thước.
Và rõ ràng tác phẩm kinh điển này vẫn rất tôn trọng lịch sử. Bến không chồng được sản xuất năm 2000, đây cũng là thời điểm mà các đạo diễn có thể mặc sức sáng tác, "săn bắt nghệ thuật".
Các cơ quan quản lý nhà nước cũng không quá mạnh tay với những phim nghệ thuật kiểu này, miễn là nó đừng trần trụi và thô tục quá.
Gần 20 năm sau, khi làm lại tác phẩm của mình, Lưu Trọng Ninh thừa hiểu ông cần phải làm gì để tạo ra điểm nhấn cho đứa con tinh thần của mình.
Một trong những cách thức mà đạo diễn này áp dụng đó là cho diễn viên mặc áo yếm trong những cảnh quay cũng chẳng nhất thiết phải mát mẻ đến mức như vậy.
Cảnh quay phát sóng trong bộ phim "Thương nhớ ở ai"
Trả lời truyền thông, đại diện của đơn vị sản xuất bộ phim này đã thẳng thắn thừa nhận, việc để diễn viên mặc yếm chính là cách tôn trọng lịch sử, tôn trọng sự thật.
Thực ra, có nhiều cách để phim tôn trọng lịch sử, phản ánh đúng sự thật của thời cuộc, ví dụ như cho nhân vật mặc thêm một chiếc áo mỏng, rách rưới bên ngoài. Nhưng làm như vậy sẽ rất khó để khán giả nhớ và nhắc tới Thương nhớ ở ai.
Phim thì luôn cần khán giả, cần có rating cao, khi đó quảng cáo mới đổ về. Đây là nguyên tắc sống còn của những bộ phim truyền hình hiện nay.
Và áo yếm trong Thương nhớ ở ai đã thu hút mọi công cụ truyền thông cùng lên tiếng một cách nhiệt tình, miễn phí để làm nóng bộ phim.
VTV với tư cách là đơn vị kiểm duyệt, phát hành họ thừa biết đâu là những cảnh quay có thể gây phản ứng, có thể tạo ra những tranh cãi nhưng vẫn nằm trong giới hạn cho phép.
Họ có thừa quyền năng để yêu cầu chỉnh sửa, cắt bỏ nhưng chẳng ai dại gì làm như vậy. Phim Thương nhớ ở ai không vi phạm thuần phong mỹ tục, thậm chí nếu nói theo cách của nhà sản xuất nó còn rất "truyền thống" là đằng khác.
Vì vậy, những cảnh quay này mặc nhiên được tồn tại, cơ quan quản lý cũng không thể sờ gáy ai được, diễn viên vẫn mặc nội y đầy đủ đấy thôi.
Nhiều năm qua, chiếc áo yếm luôn là chất liệu cực tốt để tạo ra những quả "bom" truyền thông với sức công phá dữ dội.
Chiếc áo yếm luôn là chất liệu cực tốt để tạo ra những quả "bom" truyền thông với sức công phá dữ dội.
Chúng ta đã từng thấy một hotgirl Thái Nhã Vân một bước lên sao như thế nào khi cô mặc yếm không nội y chụp ảnh bên hồ sen. Gần đây nhất là hai hotgirl xoã không thương tiếc với yếm trong bộ ảnh Tuyệt tình cốc được chụp tại Hải Phòng.
Ngay lập tức những bức ảnh này đã được phát tán chóng mặt. Xét riêng về độ thu hút công chúng (và cả tôn trọng lịch sử) thì áo yếm đã giúp các hotgirl này cực kỳ thành công.
Nhưng một tên tuổi lớn, gạo cội như ông Lưu Trọng Ninh, một đơn vị truyền thông lớn và uy tín như VTV3 mà cũng phải dựa vào áo yếm không nội y để thu hút khán giả thì mới hiểu, áp lực cạnh tranh giữa phim truyền hình với các loại hình giải trí khác đang khốc liệt đến mức nào.
Và ở góc nhìn khác cũng có thể hiểu, đạo diễn đã "cạn vốn" và buộc phải tìm hướng đi hợp thời cuộc nhất
Nhưng xét cho cùng VTV3 hiện vẫn đang là kênh giải trí phát miễn phí. Vì miễn phí nên lâu nay, khán giả sẽ buộc phải chấp nhận những cái "bẫy truyền thông" mà các đơn vị hợp tác sản xuất với VTV3 giăng ra kiểu như người mẫu siêu siêu gày lên sóng, người mẫu cãi đánh nhau như hàng tôm cá... khán giả càng phản ứng thì chương trình càng hot.
Với cái bẫy "không nội y", từ nay đến khi phim kết thúc phát sóng, đơn vị sản xuất sẽ chẳng phải lo lắng nhiều. "Thính" đã thả, rất thơm, "cá" sẽ vào, rất nhiều. Dù bị phản ứng hay ủng hộ thì những người làm phim vẫn có lý do để ăn mừng (ngay cả bài viết này cũng vậy).
Thật may, đạo diễn Lưu Trọng Ninh không làm phim truyền hình về thời kỳ đồ đá, khi loài người chưa có gì để mặc.
Nếu không, khán giả sẽ đương nhiên phải chấp nhận những cảnh quay thực tế hơn, thậm chí trần trụi hơn rất nhiều. Nhưng biết làm sao được, chúng ta phải tôn trọng lịch sử và sự thật.