Tự hào lịch sử dân tộc trong chương trình ''''Lời thề độc lập'''' Tự hào lịch sử dân tộc trong chương trình ''''Lời thề độc lập'''' , Người xứ Nghệ Kiev
(HNMO) - Kỷ niệm 75 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/2020), tối 2-9, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức chương trình đặc biệt "Lời thề độc lập". Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1.
Tới dự chương trình có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng - Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, Bí thư Trung ương Đảng - Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai.
Cùng dự có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn và các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, các đồng chí đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương và thành phố Hà Nội.
Chương trình "Lời thề độc lập" được dàn dựng công phu gồm 3 chương, tái hiện 3 giai đoạn của lịch sử Việt Nam từ những năm 1900 đến nay. Khán giả được xem nhiều hoạt cảnh, trình diễn nghệ thuật kết hợp với phóng sự tài liệu và câu chuyện của các nhân chứng lịch sử.
Chương 1 - Đêm đen, tái hiện bối cảnh Việt Nam những năm cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, khi người dân Việt Nam nói riêng, trên xứ Đông Dương và nhiều nước khác trên thế giới sống dưới sự cai trị hà khắc của thực dân. Nhưng cũng chính từ những "đêm đen" tưởng không lối thoát ấy đã bùng lên tinh thần độc lập dân tộc, nhen lên những cuộc phản kháng liên tiếp.
Chương 2 với tên gọi "Lời thề độc lập", là câu chuyện tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ở phần này, khán giả được nghe câu chuyện ly kỳ về những sáng kiến rải truyền đơn của những cô cậu học trò Trường Bưởi thuộc Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu năm xưa tới những câu chuyện thú vị tại lán Khuổi Nặm..., để từ đó thêm cảm phục lòng quả cảm của các thế hệ cha anh. Nhiều tư liệu lịch sử quý trong quãng thời gian hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Cao Bằng được giới thiệu ở phần này đã mang đến sự xúc động, tự hào cho người xem.
Chương cuối có tên "Con đường độc lập", thể hiện tinh thần "không có gì quý hơn độc lập, tự do" của người dân Việt Nam, tái hiện hình ảnh lớp lớp người con Việt Nam lên đường, cầm súng chiến đấu để bảo vệ nền độc lập của đất nước.