Sân khấu về hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân: Để vở diễn đi vào đời sống Sân khấu về hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân: Để vở diễn đi vào đời sống , Người xứ Nghệ Kiev
(HNM) - Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân” lần thứ IV năm 2020, đang diễn ra sôi nổi tại Hà Nội. Số lượng 33 tác phẩm thuộc các thể loại kịch nói, chèo, cải lương, dân ca kịch của 27 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trên cả nước tham gia cho thấy, đây là một đề tài hấp dẫn. Song, để những vở diễn không chỉ để dự thi mà đi vào đời sống, là thách thức không nhỏ với người sáng tạo.
Đa dạng chất liệu sáng tác
Khi xem xong vở “Bộ cảnh phục” của Nhà hát Tuổi trẻ, nhiều khán giả vẫn còn vương nước mắt. Lay động người xem là câu chuyện về nữ chiến sĩ Công an nhân dân với ước mơ mặc bộ cảnh phục trong ngày cưới, nhưng không kịp thực hiện đã hy sinh, khi dấn thân vào nhiệm vụ triệt phá một đường dây buôn bán ma túy. Từ kịch bản về người chiến sĩ Công an nhân dân của tác giả Đỗ Đức Trung, Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Sĩ Tiến đã thổi vào đó nhiều câu chuyện xã hội đương đại, khiến khán giả hồi hộp hòa mình vào vở diễn.
Cũng về đề tài phòng, chống ma túy, nhưng các vở “Vẫn sống” (Nhà hát Công an nhân dân), “Thầm lặng những chiến công” (Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn), “Lằn ranh” (Nhà hát Kịch thành phố Hồ Chí Minh), “Tái sinh” (Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội)… lại khai thác ở nhiều khía cạnh, đôi khi là sự đối đầu trực tiếp với tội phạm, có lúc đấu tranh ngầm, hoặc phản ánh cuộc sống của người chiến sĩ phía sau vụ án…
Bên cạnh đó, những vấn đề được dư luận quan tâm thời gian gần đây, như phòng, chống tham nhũng, chạy án… cũng được các đơn vị đưa lên sân khấu nhằm tô thắm sự mưu trí, dũng cảm của các chiến sĩ Công an nhân dân. Điển hình như vở “Kẻ trộm” của Nhà hát Kịch Hà Nội, tác phẩm “Vụ án am Bụt Mọc” của tác giả Minh Nguyệt, được 3 đơn vị Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa, Trung tâm Sân khấu và Phát triển, Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ dàn dựng.
Còn Nhà hát Kịch Việt Nam với vở “Nữ cảnh sát”, Sân khấu Lệ Ngọc với vở “Hoa sen lửa”… lại hướng đến khắc họa nữ chiến sĩ Công an. Nhà hát Chèo quân đội với 2 vở “Hai mươi năm thù hận”, “Ngày trở về” thể hiện góc nhìn giao thoa giữa hai lực lượng bảo vệ bình yên cho đất nước. Nhiều vở diễn đưa các chiến sĩ an ninh, cảnh sát điều tra, cảnh sát hình sự, quản giáo… lên sân khấu, cho thấy sự đa dạng chất liệu sáng tác.
Chị Phan Thu Hoài (phường Láng Thượng, quận Đống Đa) chia sẻ: “Cùng đề tài nhưng góc nhìn đa dạng, hình thức phong phú, nên các vở không bị nhàm chán. Tôi đưa cả con trai đi xem, bởi cháu ước mơ trở thành chiến sĩ Công an”.
Để những vở diễn không “xếp kho”
Lâu nay, nhiều tác phẩm sân khấu dàn dựng để dự thi, sau đó “cất kho”, nhất là với kỳ cuộc về chủ đề mang tính chuyên ngành. Song, nửa chặng đường đã qua của liên hoan cho thấy sự thay đổi tư duy, mục tiêu dàn dựng tác phẩm hướng đến đại chúng của các đơn vị. Tại đây, không chỉ những nghệ sĩ kỳ cựu tham gia dàn dựng, mà còn có nhiều đạo diễn tài năng, sung sức như Nghệ sĩ nhân dân Hoàng Quỳnh Mai; các Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Sĩ Tiến, Lâm Tùng, Bùi Như Lai… tạo nên sự mới lạ, hiện đại cho các tác phẩm.
Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Sĩ Tiến, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho rằng, ngành Công an luôn đối đầu với tội phạm hiểm nguy, khốc liệt là chất liệu tuyệt vời cho sân khấu vốn ưa sự xung đột. Song, đây là ngành đặc thù, chưa nhiều người hiểu sâu, nên để đi vào đời sống, người sáng tạo cần tham vấn chuyên môn và đan cài những chi tiết đời thường.
Ở khía cạnh khác, Nghệ sĩ nhân dân Trương Hải Thọ, đạo diễn vở chèo “Vụ án am Bụt Mọc” nhìn nhận: “Cải lương, chèo hay dân ca kịch là sân khấu nghệ thuật lãng mạn, trữ tình, bay bổng. Xử lý không khéo sẽ làm hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân thiếu mạnh mẽ, quyết đoán, trở thành ủy mị”. Trong khi đó, diễn viên Lê Thiện Tùng (Nhà hát Kịch Hà Nội) tham gia vở “Kẻ trộm” chia sẻ: “Muốn khắc họa thành công hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân, đòi hỏi nghệ sĩ phải nghiên cứu, tìm hiểu về ngành, đào sâu hơn trong cách thể hiện thì tác phẩm mới thuyết phục, dễ đi vào lòng người”.
Về phía Ban tổ chức, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định, ngành Công an luôn tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ đi sâu tìm hiểu, khai thác những khía cạnh mới trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm của người chiến sĩ Công an. Ban tổ chức kỳ vọng, sau liên hoan lần này, các tác phẩm sẽ được thường xuyên biểu diễn phục vụ công chúng, nhằm giúp nhân dân hiểu, tin tưởng, gần gũi hơn với lực lượng Công an nhân dân, từ đó tham gia tích cực cùng ngành Công an trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc.