(HNM) - Tối nay (11-8), cuộc thi âm nhạc quốc tế cho violon và hòa tấu thính phòng Việt Nam lần đầu tiên khép lại sau hơn một tuần tranh tài sôi nổi.
Với sự góp mặt của 64 thí sinh thuộc 19 quốc gia và vùng lãnh thổ, đúng như lời Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông khẳng định: “Cuộc thi đã trở thành sự kiện giao lưu, trao đổi chuyên môn ở tầm khu vực và quốc tế, tạo cơ hội vươn xa cho âm nhạc hàn lâm Việt Nam”.
Cơ hội học hỏi
Nếu trước đây chỉ có cuộc thi piano quốc tế Hà Nội do Nghệ sĩ nhân dân Đặng Thái Sơn khởi xướng, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam tổ chức, được ghi nhận là cuộc thi âm nhạc thính phòng theo đúng chuẩn mực quốc tế, thì nay, sau nhiều nỗ lực, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam phối hợp với Vietnam Connection Music Festival đã tạo nên một sân chơi tầm cỡ quốc tế cho violon và hòa tấu thính phòng. Kinh nghiệm của 4 lần tổ chức cuộc thi piano quốc tế Hà Nội đã giúp ích rất nhiều cho các khâu của cuộc thi lần này, “ghi điểm” trong mắt thí sinh và giới chuyên môn quốc tế.
Điểm nhấn đầu tiên phải kể đến là việc thu hút được đội ngũ giám khảo gồm 16 người đều là những nghệ sĩ uy tín thế giới, như Viktor Tretyakov (Nga), Max Levinson (Mỹ), Honna Tetsuji (Nhật Bản), Kyung Sun Lee (Hàn Quốc), Vilmos Szabadi (Hungary)... Trong đó, Nghệ sĩ nhân dân Viktor Tretyakov được coi là một tượng đài nghệ thuật của Nga, hiện vẫn thường xuyên giảng dạy, biểu diễn và làm giám khảo.
Một phần vì có Hội đồng giám khảo uy tín như vậy mà cuộc thi âm nhạc quốc tế cho violon và hòa tấu thính phòng Việt Nam thu hút được đông đảo thí sinh. Có nhiều tài năng từng có thành tích cao tại các cuộc thi uy tín đến từ những cơ sở đào tạo danh tiếng như Nhạc viện Tchaikovsky (Nga), Nhạc viện Hoàng gia London (Anh), Nhạc viện Trung ương Bắc Kinh (Trung Quốc), Nhạc viện Hoàng gia Bỉ (Bỉ)…
Ở vòng thi chính thức, Ban Tổ chức đã mời 64 thí sinh đại diện cho 19 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự. Đáng chú ý, số thí sinh Việt Nam ở bảng violon chiếm 5/29 người, còn ở bảng hòa tấu thính phòng chiếm 7/11 nhóm. Không những vậy, nhiều nhóm có cả thí sinh Việt Nam và quốc tế, như Duo Aquila, Viva Trio gồm các thí sinh Việt Nam, Đức; Ulysses Quartet & Trung gồm thí sinh Việt Nam, Ba Lan, Mỹ, Canada… Điều này cho thấy sự hội nhập tốt của tài năng trẻ Việt Nam.
Có lẽ nhiều người ngạc nhiên khi nghệ sĩ piano Lưu Đức Anh, người gặt hái được nhiều giải thưởng âm nhạc quốc tế, đã từng tham gia cuộc thi piano quốc tế Hà Nội năm 2010 và đoạt giải Nhì, lại tham gia cuộc thi lần này trong nhóm Amici Quartet cùng Nguyễn Thiện Minh (violon), Phùng Hoài Thu (viola), Phan Đỗ Phúc (cello). Nghệ sĩ Lưu Đức Anh chia sẻ: “Thật vui và tự hào khi có thêm một cuộc thi dành cho violon và hòa tấu thính phòng quy mô quốc tế. Được cọ xát trong những hoạt động âm nhạc sôi nổi ở trình độ cao sẽ giúp nghệ sĩ tiến bộ nhanh”.
Nghệ sĩ ưu tú Bùi Công Duy, Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giám khảo bày tỏ: Cuộc thi này được kỳ vọng trở thành hoạt động định kỳ để giới âm nhạc giao hưởng, thính phòng Việt Nam có cơ hội giao lưu, học hỏi. Bởi bên cạnh phần thi của các thí sinh, cuộc thi còn có đêm biểu diễn của các giám khảo. “Thưởng thức trực tiếp các nghệ sĩ hàng đầu thế giới biểu diễn là sự cộng hưởng phát triển cho nghệ sĩ Việt Nam”, nghệ sĩ Bùi Công Duy khẳng định.
Nâng vị thế âm nhạc Việt
Có một điều luôn khiến khán giả theo dõi cuộc thi xúc động là tác phẩm “Bài ca chim ưng” của nhạc sĩ Đàm Linh vang lên rất nhiều lần trong phòng hòa nhạc lớn Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, bởi những nghệ sĩ đến từ nhiều quốc gia khác nhau.
Nghệ sĩ ưu tú Bùi Công Duy cho biết, cũng chính bản nhạc này đã góp phần đưa nghệ sĩ Viktor Tretyakov đến Việt Nam làm giám khảo cuộc thi. Chuyện là, trong một lần đưa thí sinh Việt Nam tham dự cuộc thi violon quốc tế có nghệ sĩ Viktor Tretyakov là giám khảo, tiết mục “Bài ca chim ưng” của thí sinh này đã thu hút được sự chú ý và trầm trồ của ông: “Thật bất ngờ vì âm nhạc Việt Nam có tác phẩm hay, tầm cỡ như vậy”.
“Bài ca chim ưng” là tác phẩm bắt buộc trong phần thi của các thí sinh bảng violon lọt vào vòng 2, bên cạnh các tác phẩm của những nhà soạn nhạc đỉnh cao thế giới như Beethoven, Brahms, Debussy, Prokofiev, Ravel, Schumann, Shostakovich, Ysaye, Kreisler… Trước đó, trong đêm khai mạc (3-8), nghệ sĩ Bùi Công Duy đã gây ấn tượng khi thể hiện chính tác phẩm này. Sức hấp dẫn, hưởng ứng của các nghệ sĩ và giới chuyên môn quốc tế cho thấy một vị thế mới của âm nhạc Việt Nam.
Giám khảo người Trung Quốc Xi Chen bày tỏ: “Tôi chấm ở bảng thi violon và đánh giá cao thí sinh Việt Nam so với các đại diện từ quốc gia khác. Một số thí sinh tỏa sáng ở kỹ thuật cao, lối chơi trong trẻo”. Giám khảo người Thụy Sĩ Lorenz Gamma cũng đồng quan điểm. Nghệ sĩ Lorenz Gamma đã 4 lần đến Việt Nam biểu diễn và lần thứ năm này trở lại với tư cách giám khảo chia sẻ: “Tôi vui mừng nhận thấy rất nhiều thí sinh Việt Nam tham gia cuộc thi nổi bật. Họ không chỉ có kỹ thuật tốt mà còn thể hiện sự đam mê mãnh liệt trong mỗi bản nhạc”.
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông, âm nhạc vượt lên trên rào cản ngôn ngữ để gắn kết con người. Âm nhạc nói riêng và văn hóa nói chung chính là cầu nối hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc. Cuộc thi âm nhạc quốc tế cho violon và hòa tấu thính phòng Việt Nam 2019 cho thấy khát vọng kết nối âm nhạc Việt Nam với thế giới, thể hiện sự chủ động hội nhập quốc tế, khẳng định vị thế âm nhạc nước nhà.