Tân Nhàn gây bất ngờ khi hát xẩm, ca trù, quan họ với nhạc giao hưởng Tân Nhàn gây bất ngờ khi hát xẩm, ca trù, quan họ với nhạc giao hưởng , Người xứ Nghệ Kiev
(HNMO) - Tối 16-3, liveshow “Trở về” của ca sĩ Tân Nhàn đã diễn ra tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô, Hà Nội, mang đến nhiều cảm xúc cho khán giả.
Nhiều bài dân ca cổ như: Đào liễu, Tương phùng tương ngộ, Mục hạ vô nhân… được nữ ca sĩ thể hiện trên nền nhạc giao hưởng. Lần đầu tiên, dân ca truyền thống Việt Nam được khoác một diện mạo mới, lạ lẫm và cũng đầy bất ngờ.
Tân Nhàn thực hiện liveshow "Trở về" với hy vọng khán giả trẻ sẽ yêu mến hơn âm nhạc dân tộc.
Ở liveshow cá nhân đầu tiên trong sự nghiệp, Tân Nhàn rất kiệm lời. Nữ ca sĩ dồn toàn bộ tâm tư của mình vào các phần trình diễn, đến cuối chương trình mới dành lời tâm sự, cảm ơn những người thầy đã dạy dỗ mình có được sự trưởng thành này, đó là NSND Trung Kiên, cô giáo Lan Anh, nghệ nhân Đình Cương - người thầy dạy âm nhạc truyền thống.
Liveshow “Trở về” truyền tải dụng ý rất rõ ràng mà nữ ca sĩ gửi gắm, đó là đưa khán giả trở về với âm nhạc truyền thống. Nhưng lần trở về này của Tân Nhàn mang một tâm thế rất khác, đó là sự liều lĩnh nhưng đầy tính toán khi quyết định kết hợp âm nhạc dân gian với dàn nhạc giao hưởng. Những làn điệu dân ca cổ quen thuộc thể hiện trên nền các nhạc cụ hiện đại phương Tây rõ ràng tạo được hiệu ứng.
Phần đầu chương trình, nữ ca sĩ thể hiện lại những tác phẩm dân ca quen thuộc như: Hai quê, Gặp nhau giữa rừng mơ, Trăng khuyết, Xa khơi, Người con gái sông La.
Trong phần mở đầu liveshow, Tân Nhàn thể hiện lại những ca khúc dân ca đã làm nên tên tuổi của mình như: Trở về, Tình đất, Quê mẹ, Hai quê, Gặp nhau giữa rừng mơ, Trăng khuyết, Xa khơi, Người con gái sông La… với phong cách mới. Giọng hát dân ca mềm mại, thanh thoát vốn có của nữ ca sĩ đưa khán giả trở về những miền quê tuyệt đẹp với giai điệu dân ca ngọt ngào, truyền cảm.
Nhưng có lẽ, sự chờ đợi nhất của khán giả ở liveshow “Trở về”, đó là lúc Tân Nhàn làm mới những bài dân ca cổ như chèo, xẩm, ca trù, quan họ… khi hát với nhạc giao hưởng. Chắc chắn có nhiều khán giả cảm thấy lạ lẫm khi nghe Tân Nhàn tung tẩy bài chèo cổ Duyên phận phải chiều, Đào liễu với violon, celo, thay vì phải lả lơi trong sự réo rắt của nhạc cụ cổ truyền. Nhưng đến bài quan họ Tương phùng tương ngộ thì sự lạ lẫm ấy có phần được giải mã. Âm nhạc cổ truyền Việt Nam hoàn toàn có thể kết hợp với nhạc cụ phương Tây. Thanh âm nền nã, sang trọng của dàn nhạc giao hưởng khiến những bài dân ca truyền thống Việt Nam mang một diện mạo rất mới, đúng tinh thần “tân cổ giao duyên”, mà không quá chông chênh, lạc lõng.
Tân Nhàn với NSƯT Văn Ty trong tiết mục xẩm chợ Mục hạ vô nhân.
Điểm nhấn trong sự “giao duyên” ấy là phần biểu diễn của Tân Nhàn và NSƯT Đình Cương với bài hát văn Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa và phần trình diễn đầy biến hoá, bất ngờ cùng NSƯT Văn Ty trong tiết mục xẩm chợ Mục hạ vô nhân. Có lẽ, chưa bao giờ, khán giả được nghe bản hát văn và xẩm chợ nào lại khác lạ và đầy hứng thú như vậy. Âm thanh của tiếng đàn violon, viola, celo… khi kết hợp trình diễn cùng tiếng đàn nhị, đàn nguyệt, sáo trúc tạo nên bản hoà tấu tuyệt diệu của âm nhạc Đông và Tây.
Tân Nhàn cùng NSƯT Đình Cương trong tiết mục hát văn Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa.
Tiết mục cuối cùng là bài hát văn Cô đôi thượng ngàn cùng phần trình diễn thăng hoa, tái hiện màn hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu tứ phủ của người Việt rõ ràng là màn trình diễn lộng lẫy, đẹp cả về phần nhìn lẫn phần nghe. Tân Nhàn quả thực đã rất nỗ lực khi sân khấu hoá một nghi thức tín ngưỡng dân gian.
Xem tiết mục Mục hạ vô nhân:
Trước khi Tân Nhàn thực hiện liveshow “Trở về”, đã có nhiều hoài nghi về việc làm mới dân ca cổ truyền với dàn nhạc giao hưởng. Không ít người đặt câu hỏi cho cả Tân Nhàn lẫn nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng, người đảm nhiệm việc chuyển thể giai điệu dân ca sang giao hưởng, rằng: Sự thể nghiệm này nếu không thành công thì Tân Nhàn có trở thành “tội đồ” của nhạc truyền thống, chịu tiếng là “phá” âm nhạc truyền thống. Lúc đó, Tân Nhàn chỉ nói rằng, nếu không thử nghiệm sao biết thành công! Âm nhạc cổ truyền của dân tộc có thể sẽ có một diện mạo mới, tạo sự hứng thú cho khán giả trẻ để trở về với cội nguồn.
Tiết mục Cô đôi thượng ngàn.
Lịch sử âm nhạc Việt Nam đã chứng kiến nhiều cuộc “làm mới” của các nghệ sĩ khi thay đổi cách thưởng thức nghệ thuật cho khán giả. Nhiều cuộc “cách mạng âm nhạc” đã gây tranh cãi nhất định, có người khen, kẻ chê. Tân Nhàn đã có một cuộc “cách mạng” ngoạn mục với nhạc dân ca. Phản ứng của khán giả với sự thay đổi này bằng những tràng pháo tay có lẽ là một phần minh chứng cho thấy, nữ ca sĩ đã thành công với con đường đã chọn.
Dù con đường làm mới nhạc cổ truyền còn nhiều chông gai, tranh cãi, nhưng rõ ràng, với nỗ lực và tâm huyết của các nghệ sĩ với âm nhạc dân tộc, họ rất đáng nhận được sự ghi nhận và khích lệ.