Điều thôi thúc nhà khoa học trẻ mới 33 tuổi muốn trở về quê hương là chị nhận thấy ở Hàn Quốc, thế hệ sinh năm 1960 trở về sau này được Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi, cấp học bổng du học ở các nước có nền giáo dục và khoa học phát triển nhưng sau khi học xong, họ đều trở về đất nước làm việc và làm giàu cho quê hương. Từ thực tế đó, Trần Phương Thảo cũng muốn sau khi học xong tiến sĩ sẽ trở về Việt Nam làm việc dù nhận được lời mời từ các tổ chức, công ty Hàn Quốc muốn chị ở lại làm việc.
Ngoài ra, chị còn mong muốn tiếp tục nghiên cứu thêm về bệnh Alzheimer. Vì ở Việt Nam, căn bệnh đang ngày càng tăng lên theo độ tuổi. Ước mơ đến một ngày tìm ra loại thuốc đặc hiệu chữa trị bệnh Alzheimer cho người dân cũng thôi thúc chị trở về quê hương.
Theo TS Trần Phương Thảo, hiện nay, các thuốc chủ yếu vẫn là điều trị triệu chứng của bệnh Alzheimer mà chưa có thuốc nào nói rõ về nguyên nhân gây nên căn bệnh này.
Ý tưởng nghiên cứu về bệnh Alzheimer được chị Phương Thảo bắt đầu triển khai khi đang là nghiên cứu sinh tại ĐH Quốc gia Seoul (Hàn Quốc) năm 2010. Sau khi bảo vệ luận án Tiến sĩ ở Hàn Quốc, đến năm 2015, chị Thảo trở về nước công tác tại khoa Hóa dược, ĐH Dược Hà Nội và lại tiếp tục theo đuổi đề tài của mình.
Biết là để nghiên cứu một hoạt chất có nguồn gốc hóa dược điều trị bệnh có thể mất hàng chục năm và tốn kém nhiều tiền bạc nhưng chị Thảo và các đồng sự vẫn miệt mài nghiên cứu.
Nhà khoa học Trần Phương Thảo cho biết, đến nay, công trình nghiên cứu đang trong giai đoạn thử nghiệm trên tế bào, sau đó sẽ được thử nghiệm trên động vật. Hy vọng khoảng 2 năm tới sẽ có hoạt chất thử nghiệm tiền lâm sàng trên người.
Tuổi trẻ phải có đam mê và tầm nhìn mới về khoa học
Trực tiếp làm chủ nhiệm hay gián tiếp hướng dẫn nghiên cứu sinh thực hiện một đề tài nghiên cứu nào, chị Phương Thảo luôn cảm nhận được sự khó khăn khi nữ giới tham gia nghiên cứu khoa học, phải cân đối quỹ thời gian để vừa làm tốt công việc vừa giữ gìn hạnh phúc gia đình, nuôi dạy con cái.
Bởi vì có nhiều thí nghiệm bắt buộc các nhà khoa học phải ở lại muộn tận 23-24h đêm. Còn nếu nghiên cứu ở nước ngoài, có hôm chị Thảo phải thức thâu đêm theo dõi các phản ứng hóa học, các mẫu vật thực nghiệm. Bởi trong lúc thí nghiệm, các hợp chất hóa học có thể tỏa nhiệt gây nên cháy nổ, rất nguy nhiểm.
Trong quá trình nghiên cứu, không phải lúc nào các nhà khoa học cũng thành công. Có lần chị Phương Thảo đã xác định được hợp chất và khi mang chất đó đi thử hoạt tính nhưng kết quả lại không thành công nên chị phải làm lại hợp chất khác rồi thử lại nhiều lần cho đến khi có được kết quả như mong muốn.
Mặc dù khó khăn là vậy nhưng với niềm đam mê cháy bỏng, TS Trần Phương Thảo đã gặt hái được những thành quả nhất định cho công tác nghiên cứu khoa học.
Chị đã công bố 12 bài báo đăng trên tạp chí SCI, là báo cáo viên tại 7 hội thảo Quốc tế chuyên nghành (AIMEC 2015, TETW2014, PSK2013, …) và là đồng tác giả của 9 bài báo tạp chí quốc gia và quốc tế. Ngoài ra, hiện chị còn đang chủ trì 1 đề tài cấp Nhà nước (Nafosted) và là thư ký khoa học, thành viên nghiên cứu chủ chốt của 2 đề tài cấp Nhà nước khác.
Niềm vui còn lớn hơn khi chị Thảo vinh dự là là 1 trong 3 người được trao học bổng Nhà nghiên cứu khoa học nữ tài năng 2017.
Bày tỏ về mong ước và dự định trong tương lai, nhà khoa học trẻ Trần Phương Thảo cho biết sẽ nỗ lực phối hợp với các đối tác Hàn Quốc để sớm cho ra đời loại thuốc đặc hiệu điều trị bệnh Alzheimer để chữa trị cho người dân.
Không chỉ đam mê khoa học, TS Trần Phương Thảo còn tích cực tham gia giảng dạy, hướng dẫn cho các nghiên cứu sinh trẻ tuổi khác. Chị luôn mong muốn “truyền lửa”, lòng nhiệt huyết, khát khao chinh phục khoa học tới các bạn trẻ.
“Tuổi trẻ là phải cống hiến hết mình cho khoa học và cần có tầm nhìn mới. Dù đang học tập, làm việc ở nơi xa xôi nào thì các bạn trẻ hãy hướng về Tổ quốc vì đây là nơi nuôi dưỡng và chắp cánh ước mơ”, nhà khoa học Phương Thảo chia sẻ.
vov.vn