Nữ nhà giáo giàu lòng nhân ái Nữ nhà giáo giàu lòng nhân ái , Người xứ Nghệ Kiev
15/05/2020
(HNM) - Nhiều người ở phố Nguyên Hồng (quận Đống Đa), nhắc đến bà Hoàng Lan Dung như một người giàu lòng nhân ái, khi hằng tháng đều trích lương hưu để làm từ thiện, chia sẻ với những hoàn cảnh nghèo khó. Song, ít người biết rằng, người phụ nữ có 70 năm tuổi Đảng ấy từng là một nhà giáo đã vinh dự được gặp Bác Hồ 3 lần.
Ấn tượng 3 lần gặp Bác
Tiếp tôi tại căn nhà cuối ngõ 28, phố Nguyên Hồng, bà Hoàng Lan Dung bồi hồi xúc động nhớ lại quãng thời gian đã qua. Bà Hoàng Lan Dung, tên thật là Đỗ Thị Kim Dung, sinh năm 1934, quê ở làng Thạch Khối, tổng Vĩnh Thuận (nay là phố Hàng Than, phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình). Là con gái duy nhất của một gia đình khá giả, song khi mới 14 tuổi, bà Hoàng Lan Dung đã tham gia Đoàn học sinh, sinh viên kháng chiến Hà Nội, làm nhiệm vụ rải truyền đơn, giúp đỡ đồng bào, bán công phiếu... Với sự gan dạ, dũng cảm và tấm lòng yêu nước, bà Hoàng Lan Dung luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, sớm được kết nạp Đảng.
Theo bà Hoàng Lan Dung, ấn tượng nhất trong những năm tháng tuổi trẻ là đã được gặp Bác Hồ 3 lần. Đó là vào năm 1955, khi đang là cán bộ của Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội, bà Hoàng Lan Dung vinh dự cùng 2 cán bộ được cử vào Phủ Chủ tịch làm các loại bánh dân tộc để Bác Hồ tiếp khách quốc tế. Trước giờ đón khách, Bác vào tận nơi làm bánh, hỏi han ân cần chúng tôi...
“Khi ấy, tôi 21 tuổi. Cũng không tránh khỏi lo âu, hồi hộp khi nhận nhiệm vụ và biết rằng có thể được nhìn thấy Bác. Đến khi được nhìn Bác, được nghe Bác nói, tôi cảm nhận tình cảm của một người cha hiền hậu, ân cần và giản dị luôn quan tâm tới mọi người. Việc Bác tiếp khách quý bằng các loại bánh dân tộc với sự chu đáo thể hiện sự trân trọng, không hình thức, lãng phí. Những cảm xúc, suy nghĩ ấy đã truyền vào tâm hồn tôi và lan tỏa trong suốt chặng đường công tác sau này...”, bà Hoàng Lan Dung xúc động kể lại.
Năm 1958, bà Hoàng Lan Dung được cử sang dạy học ở Trường Mẫu giáo Mầm non A (số 88 phố Thợ Nhuộm, quận Hoàn Kiếm). Tại đây, bà có vinh dự được gặp Bác Hồ vào ngày 31-12-1958, khi Bác đến thăm trường và vào lớp học bà đang dạy. Sau khi thăm hỏi, chia kẹo cho các cháu học sinh, Bác còn trìu mến, ân cần quay sang hỏi thăm hoàn cảnh gia đình các giáo viên và căn dặn phải đoàn kết, giúp đỡ nhau tiến bộ; chăm sóc, nuôi dưỡng các cháu học sinh cho tốt. Bà nhớ lại: “Bác ra về, cô cháu chúng tôi lưu luyến nhìn theo Bác. Một vị lãnh tụ vĩ đại kính yêu, nhưng lại như một người ông, người cha giàu lòng nhân ái, gần gũi, giản dị... Đó là cảm xúc lần thứ hai gặp Bác”.
“Đến năm 1963, tôi lại có cơ hội được gặp Bác. Lúc đó, tôi chỉ được nhìn Bác từ xa khi nhận nhiệm vụ đưa các cháu mẫu giáo đến Phủ Chủ tịch. Nhưng chỉ cần chứng kiến ánh mắt, cử chỉ âu yếm của Bác dành cho các cháu thiếu nhi, tôi thực sự kính trọng và học hỏi được nhiều điều...”, bà Dung bồi hồi khi nhắc về kỷ niệm này.
Nỗ lực học và làm theo Bác
Từ một giáo viên mầm non, bà được tin tưởng, bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Mầm non A. Có dạo, nhà trường với hơn 300 trẻ phải sơ tán khỏi thành phố, điều kiện chăm sóc rất khó khăn, hầu hết giáo viên của trường đều chỉ từ 18 đến 20 tuổi, chưa nhiều kinh nghiệm.
Nhớ lời Bác dặn khi đến thăm trường, với trách nhiệm nghề nghiệp và tình yêu thương với trẻ, bà Hoàng Lan Dung cùng tập thể giáo viên xác định nhiệm vụ quan trọng nhất là bảo đảm dinh dưỡng và an toàn cho trẻ. Ngoài nhiệm vụ chính, các cô giáo còn dành thời gian nuôi lợn, gà, trồng rau... để cải thiện bữa ăn cho trẻ. Suốt 4 năm sơ tán, nhà trường đã nuôi dưỡng các cháu mạnh khỏe, an toàn tuyệt đối và học đầy đủ nội dung chương trình quy định... Truyền thống ấy đã được Trường Mẫu giáo Mầm non A duy trì và phát huy, trở thành một địa chỉ tin cậy của nhân dân Thủ đô hiện nay.
“Giản dị, ân cần, gần gũi, trìu mến, yêu thương, chia sẻ... và còn rất nhiều điều khác nữa tôi đã học và luôn luôn nỗ lực làm theo Bác. Những tình cảm và lời căn dặn của Bác đã lan tỏa, truyền cảm hứng, tạo động lực cho tôi trong suốt quá trình còn công tác và cả sau này”, bà Dung chia sẻ. Được đồng nghiệp tin tưởng, cấp trên tín nhiệm, năm 1967 bà được điều động về Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, công tác tại Phòng Giáo dục mầm non, rồi làm Chánh Thanh tra đến khi được nghỉ hưu vào năm 1990.
Nhớ lời Bác dạy, bà Hoàng Lan Dung đã nỗ lực cố gắng, không quản ngại khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ dù ở bất kỳ cương vị nào. Khi nghỉ hưu, bà cùng chồng là một cán bộ quân đội đã nghỉ hưu, góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh ở khu dân cư và xây dựng khu dân cư văn hóa. Không những vậy, vợ chồng bà luôn quan tâm, giúp đỡ những người xung quanh và đặc biệt là với những mảnh đời éo le, thiệt thòi. Những địa chỉ mà vợ chồng bà Dung thường xuyên trao quà hỗ trợ, đó là Trung tâm Nuôi dưỡng người già cô đơn và trẻ em tàn tật Hà Nội (huyện Ba Vì), Làng Hữu nghị Việt Nam (huyện Hoài Đức)...
Dù mức lương không cao, nhưng từ năm 1995 đến năm 2008, hằng tháng bà Dung đều dành 100.000 đồng để hỗ trợ cho một trường hợp cô đơn không nơi nương tựa ở số 67 Trần Xuân Soạn cho đến khi người được hỗ trợ qua đời. Hiện tại, bà vẫn là thành viên tích cực của Quỹ Trái tim nhân ái, Báo Hànộimới...
Nhắc đến vị cựu Hiệu trưởng Hoàng Lan Dung, bà Phạm Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Mầm non A bày tỏ: “Trải qua hơn 60 năm thành lập, Trường Mẫu giáo Mầm non A đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý. Để nhà trường đạt được bề dày thành tích như ngày hôm nay có sự đóng góp của nhiều thế hệ cán bộ, giáo viên, trong đó có bà Hoàng Lan Dung - một trong những vị hiệu trưởng gắn bó với trường lâu nhất. Thế hệ kế tiếp chúng tôi rất tự hào, song cũng nhận thức rõ trách nhiệm phải phát huy hơn nữa truyền thống của trường và sự kỳ vọng của thế hệ trước, quyết tâm đoàn kết, chăm sóc, giáo dục trẻ với tấm lòng và trách nhiệm nghề nghiệp cao nhất, giữ vững nhiệt huyết và đạo đức nghề nghiệp để chăm sóc trẻ chu đáo”.
Ở tuổi 86, bà Hoàng Lan Dung vẫn luôn ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ, thường xuyên vận động con cháu cùng mọi người học tập và làm theo gương Bác. Ngày 12-5 vừa qua, bà Hoàng Lan Dung vinh dự là một trong những điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tham gia chương trình giao lưu nghệ thuật “Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2020” do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức tại Hà Nội.