Mục tiêu của chương trình lớp 1 (cụ thể ở môn tiếng Việt, Toán) là học sinh sẽ đọc thông, viết thạo, hiểu và làm được các phép tính cơ bản trong phạm vi 100 khi học xong chương trình.
Ở môn Toán, các em dễ đạt mục tiêu hơn vì theo nhiều giáo viên dạy lớp 1, dạy một học sinh yếu làm toán dễ dàng hơn nhiều những học sinh yếu đọc và viết.
|
Học sinh vào lớp 1 đã có nhiều em đọc thông viết thạo (Ảnh minh họa Báo Nhân dân) |
Vì thế, để đạt mục tiêu môn tiếng Việt, học sinh đọc thông viết thạo vào cuối năm lớp 1 cũng chẳng đơn giản gì.
Cũng vì sợ điều này nên nhiều năm trở lại đây, cha mẹ thường cho con đi học chữ từ khi các bé còn học mẫu giáo.
Có em vào lớp 1 nhưng đã có “thâm niên” đi học chữ 2 năm rồi.
Bởi thế vào lớp 1, những em này đã có thể đọc truyện, viết bài chính tả như một học sinh lớp 2.
Dù thế thì, khi vào lớp 1, các em vẫn phải học lại (đơn giản là nghe lại) từng âm, từng vần như những bạn chưa hề biết một chữ bẻ đôi. Học như thế quả là chán với nhiều em.
Chúng tôi đã hỏi chuyện một số giáo viên lớp 1 điều mình thắc mắc:“Những em biết chữ trước, sẽ học thế nào trong lớp?
Giáo viên đã làm gì để tạo hứng thú cho các em với những điều đã quá quen thuộc?”
Những “thầy cô giáo” tí hon
Khi nhận lớp, giáo viên thường sát hạch chất lượng để lên kế hoạch giảng dạy cho riêng mình.
Những học sinh biết đọc, biết viết sẽ trở thành cán sự của lớp, nòng cốt của tổ như lớp trưởng, lớp phó, các tổ trưởng, tổ phó…
Số khác được thầy cô giao kèm cặp riêng từng cá nhân như đôi bạn cùng tiến, đôi bạn học tập.
Phải nói rằng gần như tất cả học sinh đều rất hào hứng khi được phân công những nhiệm vụ như thế.
Trong tiết dạy, giáo viên đang hướng dẫn, kèm một số học sinh yếu hoặc chưa biết đọc thì những học sinh đã được phân công cũng có nhiệm vụ kèm cặp một số bạn học yếu trong nhóm mình.
Ngoài ra, những em này còn quản lớp vào tất cả thời gian cô chưa tới lớp như đầu giờ, thời gian trống tiết, thậm chí giờ ra chơi…
Hình ảnh một cô cậu bé lớp trưởng đứng trên bục giảng cho cả lớp đánh vần, tập phát âm, hướng dẫn đọc từ, đọc câu không phải là chuyện lạ.
Nhiều em y như là bản sao của cô giáo mình, từ việc gọi bạn đọc bài, sửa sai, la rày, nhắc nhở…
Được làm “thầy cô giáo” của các bạn cùng trang lứa, em nào cũng thích.
Có em còn tỏ rõ uy quyền của mình như la hét, gõ thước chát chúa lên bàn, đập bàn, chửi các bạn là ngu dốt, lười biếng…
Giáo viên có việc ra khỏi lớp, cũng những đội quân đọc thông viết thạo này quán xuyến và chỉ cho các bạn trong lớp đọc bài.
Có cô giáo còn giao phó cho các em hoàn toàn trong việc kèm bạn, hướng dẫn cho bạn đọc, kiểm tra bài cũ ở nhà…
Lớp 1 nhưng ngồi học theo kiểu VNEN quay mặt thành mâm để chủ yếu là tự học thì đội quân này đã giúp giáo viên vô cùng đắc lực.
Cô giáo sẽ cấy vài ba bạn vào từng nhóm, xung quanh là những bạn chưa biết gì.
Những học sinh này trở thành hạt giống và linh hồn của nhóm học ấy.
Thế là mọi bài làm đều do những học sinh này làm hết, những thành viên còn lại chủ yếu chép, copy theo.
Chia sẻ của giáo viên lớp 1
Một số cô giáo có thâm niên dạy lớp 1 cho biết, những học sinh này đã giúp các cô rất nhiều trong việc kèm, dạy các học sinh khác đọc, viết bài.
Với sĩ số lớp học trên 50 em/lớp, nếu không có sự hỗ trợ của những em đã học trước thì giáo viên cũng khó lòng kèm nổi những học sinh chậm tiến trong lớp.
Việc nhiều em biết chữ cũng là lợi thế nhưng đôi khi giáo viên cũng khá mệt mỏi.
Bởi, nhiều em phải ngồi nghe, học những điều mình đã biết, đã hiểu cũng là một sự nhàm chán.
Vì thế, đôi khi cô giảng bài trên lớp, trò ngồi lơ là ở dưới không nghe. Có em còn chọc phá bạn nên khi vào thực hành lại làm bài không được.
Nhiều cô giáo bày tỏ, trẻ vào lớp 1 chỉ cần biết 29 chữ cái, biết cầm bút chắc chắn là ổn chú không nhất thiết phải đọc sách làu làu, biết viết chính tả nghe đọc như hiện nay.
Vì thế, trước khi vào lớp 1 vài tháng, gia đình nên cho các em làm quen với bảng chữ cái, tập tô, tập đồ trong cuốn vở in sẵn để các bé cứng tay.
Không cần thiết và không nên cho các con đi học từ khi đang học mẫu giáo. Tuyệt đối không gửi các bé cho những người không có chuyên môn dạy lớp 1.
Bởi, những nét chữ ban đầu nếu bị hướng dẫn sai thì sẽ vô cùng khó khăn cho giáo viên dạy sau này.
Mai Hoa