LTS: Sau sự việc cô giáo áp dụng hình phạt tát học trò hơn 200 cái, thầy giáo Sơn Quang Huyến chia sẻ bài viết về hai câu chuyện liên quan đến cái tát xưa và nay.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Nguyễn Mại, người làng Ninh Xá, huyện Chí Linh, Hải Dương, trong thời gian làm quan nhà Lê trung hưng, ông có những chính tích đặc biệt, trộm cướp phải nín hơi, xét kiện sáng suốt, danh vọng rất cao.
Trong một lần vi hành, Nguyễn Mại đã xử một vụ án với cách xử hiếm lạ để người đời sau truyền tụng là quan xử án giỏi.
Một hôm, Nguyễn Mại đi bộ qua chợ Bảo Khám thuộc huyện Gia Bình (nay là huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh), thấy một người đàn bà mất một con gà, xót của lắm nên chửi rủa mãi không thôi, lại lôi cả tam đời, ngũ đại nhà kẻ ăn trộm ra mà chửi.
Nóng nảy là bản năng, kìm chế mới là bản lĩnh. Ảnh minh họa: Plo.vn |
Ông liền cho trói mụ vào gốc cây, cho mọi người tát vào cái miệng điêu ngoa của mụ. Dân làng chỉ tát lấy lệ, duy chỉ có kẻ trộm gà tát thật.
Nhờ cái tát thật của kẻ trộm, ông đã tìm ra hắn. Cái tát tôn vinh tài trí của người quân tử; tôn vinh tình làng, nghĩa xóm, sự cảm thông, sẻ chia khi người khác mất mát.
Chuyện ngày nay, học trò vi phạm nội quy, cô “cho” tát, bắt tát thật; học trò đã phải nhập viện vì chính bạn mình và của cô giáo.
Cái tát xóa đi tất cả tình thương yêu, bạn bè, tình thầy trò; cái tát tô đậm sự hành xử thiếu văn hóa, thiếu tình người, gieo vào tương lai những đứa trẻ bạo lực, thừa bản năng, thiếu bản lĩnh.
Cũng là cái tát, tát trong yêu thương, cảm thông giúp ta tìm ra thủ phạm, trừng trị cái xấu cái ác, làm được việc tốt để đời;
Tát trong thù hận, tát trong bản năng, tát vì bệnh thành tích, để lại “tiếng thơm” không cho riêng mình nữa.
Trải lòng của Bộ trưởng Nhạ trước vụ việc cô giáo phạt học sinh 231 cái tát
|
Không có biện minh nào, cho những hành động xấu xí của giáo viên với con trẻ.
Không thể đổ lỗi cho bệnh thành tích, bệnh hình thức, đã hình thành nên hành vi phi nhân tính như thế.
Hàng triệu giáo viên Việt Nam, đang vượt qua khó khăn, gieo chữ non cao, gieo mầm yêu thương, thắp sáng ước mơ cho dân tộc.
Nghề giáo, thời nào, nơi nào cũng vậy, làm nghề phải hy sinh, phải thương yêu, gieo hạt giống tâm hồn cao thượng cho cuộc đời.
Nóng nảy là bản năng, kìm chế mới là bản lĩnh. Không kìm chế được cảm xúc của mình, khó làm được người thầy thực sự trong thời đại 4.0 hiện nay. Nếu ai đó chọn lầm nghề giáo, xin sớm nhận ra, chọn nghề cho phù hợp.
“...Cái miệng trông xinh thế, Chỉ nói điều hay thôi…”
“Em ghét cô” là câu nói của đứa bé, nói thay cho tất cả mọi người có lương tri khi biết chuyện.
Cái miệng của thầy cô, nói điều hay, lẽ phải; cái miệng học trò sẽ cất cao bài hát yêu thương, bàn tay học trò gieo hoa thơm trái ngọt ngọt cho đời, đưa hạnh phúc đến cho dân tộc thay vì hằn lên đôi má bạn bè.