Thứ Tư ngày 14/11/2018
(HNM) - Đã thành thông lệ, năm nay, vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, những nhà giáo tiêu biểu của Thủ đô lại có dịp gặp gỡ, quây quần tại lễ “Tuyên dương, khen thưởng những điển hình tiên tiến, nhà giáo mẫu mực” của ngành năm học 2017-2018. Đây không chỉ là ngày hội nhằm vinh danh những cống hiến của đội ngũ nhà giáo, mà còn là dịp để những nhà giáo Thủ đô nhìn lại những thành quả đạt được, thêm phần tự hào về nỗ lực của toàn ngành trong hành trình đổi mới.
|
Giờ tập đọc của cô và trò lớp 1, Trường Tiểu học Tràng An (quận Hoàn Kiếm). Ảnh: Bá Hoạt |
Giữ vững vị thế “đầu tàu”
Năm học 2017-2018 đã qua, ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, cũng là năm bản lề chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Để đạt mục tiêu đề ra và giữ vững vị thế “đầu tàu” về giáo dục, với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo thành phố, các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã, sự đồng thuận của nhân dân và sự nỗ lực không nhỏ của mỗi nhà giáo, ngành Giáo dục Thủ đô đã đóng góp tích cực vào việc nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tiến sĩ Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội khẳng định: Năm học 2017-2018, quy mô giáo dục của Thủ đô tiếp tục có bước phát triển toàn diện ở các cấp học, ngành học. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, mạng lưới trường, lớp không ngừng được mở rộng, dẫn đầu cả nước với gần 2.700 trường học, gần 2 triệu học sinh. Chất lượng giáo dục phổ thông tiếp tục được duy trì với tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt 99,38%. Đây cũng là năm học Hà Nội giữ vững vị trí dẫn đầu cả nước về số lượng bài thi THPT quốc gia đạt điểm 10. Trong các kỳ thi cấp quốc gia, quốc tế, Hà Nội khẳng định vị thế dẫn đầu, đạt thành tích xuất sắc với 132 giải quốc gia, 160 giải quốc tế.
Mặc dù còn nhiều khó khăn song với quan điểm “giáo dục là quốc sách”, TP Hà Nội đã tăng cường nguồn lực đầu tư cho việc xây dựng hệ thống trường lớp theo hướng chuẩn hóa, đồng bộ, hiện đại để tạo ra “sản phẩm” đạt chuẩn. Toàn thành phố đã có 63,5% trường mầm non và phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia, tương đương 1.369 trường, tăng hơn 1.000 trường so với 10 năm trước. Những hạng mục tưởng chừng nhỏ, thường được gọi là “công trình phụ” ở mỗi nhà trường, nay đã được quan tâm hơn, được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành, nhằm mục tiêu xóa căn bản tình trạng nhà vệ sinh mất vệ sinh, tạo thuận lợi cho học sinh khi học tập, sinh hoạt cả ngày ở trường.
Lan tỏa gương điển hình tiên tiến
Năm học 2017-2018 là năm học đầu tiên Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội triển khai giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” nhằm tôn vinh những nhà giáo tâm huyết, có nhiều sáng kiến đóng góp cho công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Theo bà Trần Thị Thu Hà, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội, 127 nhà giáo với các công trình, dự án vào vòng chung khảo không chỉ là gương điển hình mà còn là những người khơi nguồn, truyền cảm hứng, làm lan tỏa ra toàn đội ngũ ý thức tự học, tâm huyết, tích cực vượt khó, và là tấm gương sáng về đạo đức, tinh thần tự học, sáng tạo cho học sinh noi theo.
Một trong những điển hình của giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” là cô giáo Đỗ Thị Hòa, Hiệu trưởng Trường Mầm non Liên Bạt (huyện Ứng Hòa). Lớp học của trẻ ở đây gần gũi với thiên nhiên, khu vườn cây ăn quả, rau xanh tại trường. Với sự dẫn dắt của cô Hiệu trưởng Đỗ Thị Hòa, các giáo viên không ngừng tự hoàn thiện để nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Không chỉ nỗ lực trong chuyên môn, Hiệu trưởng Đỗ Thị Hòa còn nhận đỡ đầu và hỗ trợ 500.000 đồng/tháng cho một bé lớp mẫu giáo bị bệnh tim, mồ côi bố. Với sự kêu gọi, vận động của cô Đỗ Thị Hòa, năm học vừa qua, nhà trường đã nhận được 13 suất hỗ trợ tiền ăn, 15 suất học bổng và nhiều quần áo, sữa cho trẻ mầm non thuộc diện hộ nghèo.
Đó là một trong 140 nghìn nhà giáo Hà Nội luôn nêu gương trách nhiệm, là hạt nhân trong phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” của ngành Giáo dục Thủ đô. Những cá nhân tiêu biểu luôn là nòng cốt xây dựng nhà trường, đơn vị giáo dục vững mạnh. Tiêu biểu là Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân - đơn vị 4 năm liên tiếp được thành phố đánh giá thi đua xếp thứ nhất trong 30 quận, huyện, thị xã. 10 phòng giáo dục và đào tạo gồm: Hà Đông, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Long Biên, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Đan Phượng, Thanh Trì, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm cũng là những đơn vị tiêu biểu được vinh danh, trở thành điểm sáng của ngành Giáo dục Thủ đô năm học 2017-2018.
Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Chử Xuân Dũng, ngành Giáo dục Thủ đô vẫn đang đứng trước nhiều thách thức, đòi hỏi sự kiên trì, nỗ lực và đoàn kết của tập thể đội ngũ nhà giáo. Thời gian tới, mỗi nhà giáo tiếp tục tích cực tham gia cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tất cả vì mục tiêu chung là giúp cho thế hệ trẻ Thủ đô phát triển toàn diện cả về đức, trí, thể, mỹ, góp phần xây dựng Hà Nội ngày càng văn minh, hiện đại.
Thống Nhất
Nguồn hanoimoi.com.vn
http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Giao-duc/918487/niem-tu-hao-cua-giao-duc-thu-do
|