Đọc bài viết “Người lớn càng kỳ vọng, áp lực học tập của con trẻ càng lớn” của tác giả Đỗ Quyên đăng trên báo Dân trí, tôi rất đồng cảm với tâm tư của một người mẹ có con vừa lên cấp hai. Áp lực học tập đang đặt lên vai con trẻ những mục tiêu đi kèm với gánh nặng lớn lao.
Tôi đang làm gia sư môn Ngữ Văn cho cậu học trò lớp 8 một trường cấp hai danh giá ở Huế. Thú thật, nhìn lịch học dày đặc của cháu mà tôi “choáng” thật sự. Tôi tự hỏi, nếu mình là cậu bé đang tuổi ăn - ngủ - chơi ấy thì liệu mình có gồng gánh nổi các buổi học liên tiếp, dồn dập như thế không?
Tất cả các buổi sáng trong tuần từ thứ hai đến thứ bảy cháu đều học ở trường. Buổi chiều sẽ kèm thêm các buổi sinh hoạt câu lạc bộ, ngoại khóa. Tuy nhiên, áp lực nhất vẫn là lịch học thêm. Toán, Ngữ văn, Anh văn, Vật lý, Hóa học đều phải học thêm ở trung tâm, học ở nhà thầy cô hoặc gia sư kèm tại nhà.
Mỗi môn học ít nhất 2 buổi, vậy là cháu “cày” thêm khoảng hơn 10 suất học, rải đều các buổi chiều, tối trong tuần và chia đều cho ngày chủ nhật. Khá nhiều lần tôi nghe cháu than thở trong buổi học của mình: “Học văn của cô chiều nay xong, cháu còn thêm một ca tối nữa”, “Cháu không biết ngày chủ nhật là gì bởi cháu phải học đến bốn ca”…
Nhiều lúc động viên cháu cố gắng học tập nhưng tự sâu thẳm trong lòng mình, tôi cảm nhận nỗi khổ sở vô cùng lớn lao trong vô số cô bé, cậu bé đang tuổi cắp sách đến trường kia.
Bố mẹ các cháu chu toàn cho con cái một cuộc sống đầy đủ cơm ăn, áo mặc, điện thoại, iPad… nhưng các con thiếu thốn vô cùng khoảng thời gian vui chơi, thư giãn, nghỉ ngơi. Đôi lúc các con mơ ước một giấc ngủ trưa trọn vẹn, một buổi tối thảnh thơi không lo lắng bài vở nhưng điều đó quá xa vời!
Bố mẹ có hiểu nỗi vất vả của con trẻ khi quanh năm suốt tháng “chạy đua” học thêm, học kèm không? Tôi chắc chắn là có. Nhưng nhiều ông bố bà mẹ cũng đành bất lực, ngoảnh mặt làm ngơ trước áp lực học tập của con trẻ. Bởi đơn giản, không học sẽ thua kém bạn bè, bây giờ không cố gắng học tập, sau này tương lai sẽ chẳng sáng sủa gì!
Quá nhiều lần tôi và mẹ cháu hứa rồi lại thất hứa với cháu về sự “xả hơi”, nghỉ ngơi sau một đợt kiểm tra, mỗi kỳ thi cuối kỳ. Bài kiểm tra bộ môn ngữ văn dồn dập, mỗi ngày đều phải ôn bài cũ để kiểm tra miệng, soạn bài mới để học ở lớp, rồi chuẩn bị kiểm tra 15 phút, kiểm tra một tiết, viết bài hai tiết và kỳ thi cuối kỳ quan trọng với điểm nhân hệ số 3. Thế là hai cô trò “vắt chân lên cổ” chạy theo kiến thức, luyện tập bài nâng cao, luyện viết đoạn, viết bài liên miên…
Chỉ riêng môn Ngữ văn đã như thế, hẳn là các môn học khác cũng sẽ “đua” không kém nhằm đạt điểm cao nhất có thể. Tôi thường động viên cháu cố gắng vượt qua đợt kiểm tra này sẽ được học nhẹ nhàng và thảnh thơi hơn. Nhưng lời hứa đó sẽ vẫn mãi là lời hứa lơ lửng khi dư âm bài kiểm tra này chưa kịp lắng xuống thì bài kiểm tra khác đã mon men đến.
Thế là mẹ cháu phải động viên con phấn đấu học hành rồi mùa hè sẽ được nghỉ ngơi và vui chơi. Đùng một cái, khi tôi đang rục rịch thu dọn sách vở nghỉ hè thì nhận được điện thoại của phụ huynh. Chị than thở về điểm thi môn Sinh học chỉ 3,8 điểm và kết quả môn Toán dưới 8,0.
Kết thúc cuộc trò chuyện là lời đề nghị cô giáo sắp xếp đến dạy cháu sớm để ôn tập kiến thức và chuẩn bị mọi thứ để năm học mới bắt đầu đỡ vất vả hơn. Một mùa hè đã trôi qua với lịch học thêm chen chúc. Vào năm học, cùng với lịch học ở trường, lịch học thêm khiến quỹ thời gian nghỉ ngơi của cháu thu hẹp dần. Và tất nhiên, sang năm lên lớp 9, đối diện với kỳ thi chuyển cấp, cháu sẽ chịu áp lực lớn hơn nữa!
Học cho tương lai tốt đẹp và cuộc sống hạnh phúc ư? Tất nhiên lý thuyết ấy luôn luôn đúng. Tuy nhiên, thực tế lại đang diễn ra trái ngược hoàn toàn.
Một đứa trẻ hạnh phúc không thể là một đứa trẻ suốt ngày bận rộn với lịch học liên miên, ăn vội và ngủ vội, bớt xén thời gian học môn này ít phút để chạy sang lớp học thêm kia cho kịp giờ!
Một tương lai tốt đẹp cũng chẳng thể được xây dựng trên nền tảng một hiện tại mệt mỏi, rã rời vì học bài cũ, làm bài tập, soạn bài mới, ôn tập và kiểm tra từ môn này đến môn kia quanh năm suốt tháng!
Nguyễn Thùy
https://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/chau-khong-biet-ngay-chu-nhat-la-gi-20181021215614172.htm