LTS: Người xưa dạy: "Thân giáo trọng hơn ngôn giáo". Để dạy học sinh tính trung thực, trước hết mỗi nhà giáo (dù ở bất kỳ cương vị nào) phải là một tấm gương về sự trung thực.
Hơn nữa, trung thực giúp rèn luyện thêm sự dũng cảm, lòng tự trọng trong mỗi con người.
Từ đó, với mong muốn gửi đến độc giả những chia sẻ về sự trung thực của người thầy, tác giả Trần Sơn đã có bài viết.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.
Trung thực là phẩm chất quan trọng đối với mỗi con người, ngay học sinh tiểu học cũng đã được đánh giá phẩm chất này như quy định tại Thông tư 22/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trong Thông tư 22, phẩm chất trung thực được ghép với phẩm chất tự trọng để là thành một nội dung đánh giá về phẩm chất, đó là "trung thực, tự trọng".
Tuy vậy, qua các sự việc gần đây của một số thầy cô, chúng ta thấy rằng phẩm chất này chưa thực sự được họ coi trọng.
Lạm bàn về sự trung thực của người thầy (Ảnh minh họa: vtv.vn). |
Chuyện cô Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội) không nhận là mình ngồi trên chiếc xe taxi đi vào sân trường đâm gãy chân một học sinh năm 2016 đã làm dư luận rất bức xúc.
Bức xúc vì sự thiếu trung thực để thoái thác trách nhiệm của cô hiệu trưởng. Kết cục là cô phải chịu sự lên án của dư luận và bị cách chức.
Gần đây sự việc "đạo văn" của một giáo sư, tiến sĩ, nguyên Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học cũng là một sự thiếu trung thực của một người thầy.
Buồn hơn là ông thầy này lại vô tư lấy luận văn, luận án, bài viết của chính học trò đưa vào sách của mình mà không chú thích nguồn hoặc chú thích theo kiểu "lập lờ, đánh lận con đen".
Chuyện đáng buồn hơn khi vị giáo sư, tiến sĩ này lại "tố" ra một số giáo sư, phó giáo sư khác cũng "đạo văn".
Không những thế, ông giáo sư này còn gửi cả đơn kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ xem xét về trường hợp của ông và các giáo sư, phó giáo sư mà ông "tố" là cũng "đạo văn".
Chuyện ông Nguyễn Đức Tồn, trắng - đen phải rõ
|
Các giáo sư, tiến sĩ được coi là "thầy của các thầy" mà còn thiếu trung thực, "đạo văn" như thế thì hỏi học trò của các vị sẽ như thế nào?
Phải chăng vì quyền lợi, danh vị mà các vị có thể bỏ qua sự trung thực để đạt được mục đích không trong sáng của mình?
Sự việc gần đây, một giáo sư tiến sĩ rất nổi tiếng về sự thẳng thắn, trung thực trên các diễn đàn cũng bị dư luận báo giới đặt câu hỏi về sự trung thực khi ông trả lời "loanh quanh" về việc ông vừa làm Tổng chủ biên của chương trình lại vừa tham gia viết sách giáo khoa mới cho một công ty cổ phần.
Phải chăng vì đang kẹt trong cái thế "vừa làm đạo diễn, vừa làm diễn viên chính" nên vị giáo sư, tiến sĩ kia buộc phải "loanh quanh" hay im lặng một cách khó hiểu khi báo chí lên tiếng?
Hy vọng rằng, vị giáo giáo sư, tiến sĩ này sớm có câu trả lời trung thực về các vấn đề mà báo chí nêu không để sự việc kéo dài làm tổn hại đến uy tín, sự liêm chính đã có của chính ông.
Ngày 05/6/2018, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có bài "Chương trình, sách giáo khoa mới và những con số nhảy múa".
Bài báo đã chứng minh số tiền mà lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo (nhiệm kỳ 2010- 2016) đưa ra trong Đề án “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015” đúng là liên tục "nhảy múa".
Đầu tháng 6 năm 2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra Đề án trên xin ý kiến dư luận với tổng số tiền trong Dự án là 70 nghìn tỷ đồng, nhưng thấy dư luận phản ứng rất gay gắt nên Bộ rút lại Đề án này.
Số tiền Bộ giáo dục xin để làm sách: "Con số mù mờ, không minh bạch"
|
"Đến ngày 14/4/2014, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội, với khái toán kinh phí 34 nghìn tỷ đồng.
Dư luận phản đối dữ dội" (Trích bài báo "Chương trình, sách giáo khoa mới và những con số nhảy múa").
Tuy nhiên, khi trả lời trên VTV, tối ngày 20/4/2014, Chính Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo lại bác bỏ con số 34 nghìn tỷ đồng này.
Bài báo trên viết thêm: "Nghị quyết 88/2014/QH13 chấp thuận Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa mà Chính phủ trình, trong đó khái toán các công việc liên quan đến biên soạn chương trình, sách giáo khoa chỉ có 462 tỷ đồng".
Vậy là từ số tiền trong Đề án do thầy Bộ trưởng ký, đến số tiền mà thầy Thứ trưởng bảo vệ, đến số tiền trực tiếp liên quan đến biên soạn chương trình, sách giáo khoa là rất khác nhau (chênh lệch nhau rất lớn).
Vậy là ngay các thầy ở cấp Bộ cũng là "thượng hạ bất nhất". Vậy có điều gì là không trung thực ở đây không, người viết xin được dành quyền đánh giá cho độc giả?
Tài liệu tham khảo:
1.https://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/vu-hoc-sinh-bi-tong-gay-chan-cach-chuc-hieu-truong-hieu-pho-20170221063146792.htm
2. http://danviet.vn/tin-tuc/gs-tran-ngoc-them-ong-nguyen-duc-ton-dao-van-da-ro-rang-875861.html
3.http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/vu-giao-su-dao-van-hoc-tro-gs-ton-gui-don-kien-nghi-toi-thu-tuong-2018052219440583.htm
4.http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Tong-chu-bien-Nguyen-Minh-Thuyet-va-ong-Ngo-Tran-Ai-ai-trung-thuc-post186731.gd
5.http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Chuong-trinh-sach-giao-khoa-moi-va-nhung-con-so-nhay-mua-post186837.gd