Trang chủ Liên hệ       Thứ tư, Ngày 22/01/2025
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
  -  Đất và người Xứ Nghệ
  -  Dân ca Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Truyền thống Nghệ Tĩnh >
  Bàn về mô hình ứng xử của người Nghệ Bàn về mô hình ứng xử của người Nghệ , Người xứ Nghệ Kiev
 

 Bàn về mô hình ứng xử của người Nghệ

Trong quá trình tìm hiểu, nghiên cứu Kho tàng Ca dao xứ Nghệ, ca dao Nghệ Tĩnh, Hát phường vải; Hát giặm và Kho tàng vè xứ Nghệ, chúng tôi nhận thấy một số vấn đề ...

Trong quá trình tìm hiểu, nghiên cứu Kho tàng Ca dao xứ Nghệ, ca dao Nghệ Tĩnh, Hát phường vải; Hát giặm và Kho tàng vè xứ Nghệ, chúng tôi nhận thấy:

- Trong giao tiếp, ứng xử của người Nghệ Tĩnh, tần số xuất hiện vốn từ đa tiết rất cao (gấp hơn 1,5 lần từ đơn tiết).

- Vốn từ láy, từ ghép trong phương ngữ Nghệ Tĩnh được thể hiện từ phương diện giao tiếp có những đặc trưng riêng, từ láy đôi, láy ba, láy tư… (khảo sát 124 từ láy có 102 từ láy đôi, 8 từ láy ba, 14 từ láy tư) đến từ ghép đẳng lập, ghép chính phụ (khảo sát 637 từ có 173 từ ghép đẳng lập, 464 từ ghép chính phụ).

- Xét về phương diện từ loại, vốn từ địa phương Nghệ Tĩnh trong Kho tàng Vè xứ Nghệ; Hát phường vải; Ca dao Nghệ Tĩnh thì những từ loại thuộc thực từ (danh từ, động từ, tính từ) nhiều hơn các hư từ (đại từ, phụ từ, kết từ, trợ từ,...). Khảo sát 1.376 từ có tới 544 danh từ, 445 động từ, 216 tính từ. Cũng khó có nơi nào mà hệ thống đại từ nhân xưng và đại từ nghi vấn phong phú trong giao tiếp như ở Nghệ Tĩnh. Người ta có thể gọi nhau bằng nhiều cái tên: ả hoe, ả chắt, bà đị, anh mơi, bà cu…

Hay ăn cà kiu bà Ý

Lí sự bà hoe Thoài

Lặn lội có tài o Đặng

Đểnh đoảng o Quyền

Sai chuyên ả Địu

Tiu nghỉu ả Bường

Lập lường bà cu Kiểng

To tiếng bà Nuôi

Đãi buôi ả Đễ

(KTVXN, T7, tr450)

Từ những nét chung nhất của phương ngữ Nghệ Tĩnh, có so sánh với phương ngữ Bắc, chúng tôi muốn chỉ ra cách ứng xử của người Nghệ theo ba nội dung: Ứng xử trong cộng đồng làng xã, ứng xử trong gia tộc và ứng xử trong tình yêu đôi lứa; đồng thời chúng tôi cũng đề cập đến hình thức ứng xử theo kiểu “thẳng ruột ngựa” của người Nghệ.

1. Làng là cộng đồng cư trú cơ bản của người Việt, có nguồn gốc từ xa xưa. Làng vừa là một cộng đồng kinh tế, vừa là một cộng đồng văn hóa, lại vừa là một đơn vị hành chính (trước cách mạng). Có thể nói, làng Nghệ Tĩnh chính là mái nhà của người nông dân nới rộng và hạt nhân tình cảm - hay cái lõi để ứng xử là chữ nghĩa, chữ tình, chữ hiếu. Vì vậy mà tâm lý ứng xử trong làng được đánh đồng căn bản với tâm lý ứng xử trong một gia đình: Bán anh em xa mua láng giềng gần; Chồng giận thì vợ làm lành/ Áo rách tan tành có kẻ vá may...

Về mặt cấu trúc, gia đình thường là một kết cấu khép kín theo kiểu tự cung, tự cấp trước đây. Và láng giềng cũng là một tổ chức khép kín của nhiều gia đình sống quây quần. Nhiều trường hợp, làng cùng một hệ hoặc là anh em nhiều giai tầng của một họ, có khi tên làng mang tên họ tộc hoặc cái nghề truyền đời của họ tộc đó:

Ví dụ: Làng Nguyễn (làng toàn họ Nguyễn); làng rèn Trung Lương; làng chài Vạn Xuân; làng Tân Khoa (nhiều người đỗ đạt)...

Đất nước bước vào sự nghiệp đổi mới, làng theo nghĩa trước đây không còn phù hợp. Nhưng nội dung ứng xử và sự phát triển đã tạo nên bước chuyển truyền thống không hề mâu thuẫn với làng xã trước kia. Bên cạnh những tên làng mới, những tên làng cũ vẫn tồn tại: làng Văn hoá, làng Nón, làng Rèn... và xu hướng ngày càng được sử dụng.

Và văn hoá ứng xử - trong kinh tế thị trường hôm nay - người Nghệ hiện đại vẫn bị chi phối bởi cách ứng xử xưa: rất trọng và bắt đầu bằng tình cảm - “nhìn mặt mà bắt hình dong”…

Cũng như người Việt, người Nghệ khi làm ăn, buôn bán hay thực hiện nhiệm vụ công chức, gặp người nào cũng dễ dàng gọi bằng các từ: “Ông, Bà, Cậu, Mự, O, Chú, Ba, Mẹ, Thầy, Em”... như với người ruột thịt.

Vì cây cho nên dây leo

Vì cột vì kèo tranh bén cùng tre

Yêu nhau củ ấu cũng tròn

Ghét nhau thì quả bồ hòn cũng vuông

(CDNT, tr. 657)

Trong ca dao và đặc biệt trong vè xứ Nghệ, nói về làng xã ta gặp rất nhiều những câu, những đoạn, những bài nói về ý thức cộng đồng: từ việc làng, việc xã; đến làm đình, làm đền, làm chùa, bắc cầu, cưới chợ, đắp đập, đào giếng... cho đến các vụ kiện cáo giữa các phe phái (phe hào - phe hộ) giữa các dòng họ, giữa các làng với nhau. Chúng tôi đã thống kê trong vè có 113 bài, và có trên 200 câu ca dao về thái độ ứng xử trong cộng đồng làng xã.

Có thể khẳng định rằng, người Nghệ ứng xử với cộng đồng: đó là một lối ứng xử thân tình nhưng rõ ràng, thẳng thắn. Trong phương ngữ Nghệ Tĩnh, lối ứng xử ấy như được “mộc” hoá, thô ráp nhưng “lượng” được.

2. Nếu như trong Ca dao Nghệ Tĩnh có tới 389 câu nói về quan hệ vợ chồng, hôn nhân; 79 câu nói về quan hệ cha mẹ và con cái; 12 câu nói về quan hệ anh chị em ruột, anh em rể, chị em dâu; trên 70 câu nói về quan hệ ông bà, cháu chắt, mẹ chồng - nàng dâu, bố mẹ vợ - con rể, bố dượng, dì ghẻ, cô bác, thông gia… thì trong Kho tàng vè xứ Nghệ có 17 bài nói về quan hệ cha con, 52 bài nói về quan hệ vợ chồng, 30 bài nói về vợ cả, vợ mọn, 35 bài nói về cảnh mẹ dòng, cha dòng… Trong mối tương quan hệ tộc, gia đình, anh em ấy, ca dao xứ Nghệ cũng đã phản ánh một cách chân thực rõ nét với lối ứng xử đặc trưng của người Nghệ: Đó là thái độ dứt khoát, cứng rắn, thậm chí là “bướng bỉnh, liều lĩnh”.

Vợ anh anh lấy đã lâu

Đố ai lắm ruộng nhiều trâu vô giành

Đố ai lấy được vợ anh

Thì anh cho một cẳng

Chân đi lủng lẳng như cẳng đánh cù

Đã thù thì anh thù cho nốt

Nhà thì anh đốt khói bay lên trời

                                                       (CDNT, tr.123)

Trong ca dao và vè, những mối quan hệ trong gia đình, thân tộc, người Nghệ cũng quen nhìn thẳng vào mọi khó khăn, hiểm nghèo để phân định. Tất nhiên, tính cách gân guốc, rắn rỏi đôi lúc đến khô khan ấy, cũng được thể hiện ngay cả với những người thân trong gia đình, họ tộc, nhất là đối với những thói hư tật xấu. Trong 9 tập Kho tàng vè xứ Nghệ có 1.120 bài thì 60% bài đều có những lời phê phán thói hư tật xấu, hoặc đả kích phong kiến đế quốc, quan lại nhũng nhiễu dân lành:

Nói thì con nhà giống

Làm thì mống nhà ma

Nên vừa mới bàn ra

Chưa làm chi đã lộ (lỗ)

Chưa chi làm đã lộ

(KTVXN, T7, tr.368)

Có thể thấy, ở phần giao tiếp (ứng xử) trong gia tộc, người Nghệ đã thể hiện giọng điệu của một phương ngữ thôn dã, độc đáo. Như Jakob Grinm đã nói “ngôn ngữ chúng ta là lịch sử của chúng ta”. Một số từ địa phương xứ Nghệ như “mô, dừ, cơn, trụ, kháp, cuống, trự...” dùng để nhấn mạnh nghĩa của câu và phô bày những sự vật hiện tượng mang màu sắc cụ thể. Hơn thế nữa, nó còn tạo được giọng điệu thân thiết, bộc trực, trung thực, vì thế mà có tác dụng thúc dục hơn, lay gọi hơn.

3. Tình yêu đôi lứa là bản tình ca muôn thuở của loài người, và cũng là bản tình ca của mọi thể loại văn chương. Ca dao, vè và hát phường vải Nghệ Tĩnh cũng đã giành khá nhiều số lượng cho đối tượng này, trong đó có nhiều bài đạt đến độ hay nhất. Ở đây, ta gặp lại hoàn cảnh trai gái gặp gỡ, ướm hỏi, tình tứ; những lời trao ý xe duyên da diết, mặn mà; hoặc những nhớ nhung, thề nguyền, oán trách; và cũng có cả những nỗi niềm tủi nhục, đắng cay của những số phận trớ trêu… Đó là những mối tình dang dở, chênh lệch: tình cũ, tình già, tình phụ, tình lầm, tình chờ, tình ép buộc, tình bị gièm pha…Dẫu biểu hiện dưới góc độ nào thì chủ đề tình yêu đôi lứa vẫn dạt dào sức sống, dạt dào tình yêu, ấm áp tình đời, tình người của những con người lao động Nghệ Tĩnh:

Khi nào kiềng sắt bén mun

Chàng hun má thiếp, thiếp hun má chàng

Diết da da diết quá chừng

Em cho anh chụt một cái, em đừng kêu đau

                                                                   (HPV, tr.299)

Đắm say, da diết, mộc mạc, chân chất ngay trong cách dùng từ. Ca dao, vè, hát phường vải xứ Nghệ không dùng từ “hôn” mà dùng từ “chụt”, “hun” để chỉ nụ hôn - vốn là bức thông hành của tình yêu. Nghe “hun”, “chụt” khiến ta cảm nhận được âm thanh và tưởng tượng đến động tác để hiểu cái sâu đằm của nụ hôn người Nghệ. Đồng thời, cũng cho ta thấy một kiểu ứng xử rất rõ ràng, minh bạch, đắm say đến hồn nhiên của gái trai nơi đây.

Có thể khẳng định rằng, ca dao, vè và hát phường vải nói về tình yêu nam nữ chính là một đặc sản tinh thần của xứ Nghệ. Nó đã len lỏi vào các ngõ ngách sâu kín của tâm hồn con người, khơi dậy những đắm say; tạo nhiệt huyết, làm thao thức, trăn trở biết bao con tim; tạo nên những “cơn say người”, “cơm không ăn, nước không uống, đêm không ngủ…” nhưng vẫn tỉnh táo để nhận chân sự việc và xử lí nó theo quan niệm: Tình - Nghĩa - Hiếu. Phải chăng đó cũng chính là niềm tin, nghị lực bền bỉ, quyết tâm sắt đá của người Nghệ - bản sắc của người Nghệ.

4. Văn hóa ứng xử “thẳng ruột ngựa” nhưng đầy tình nghĩa.

Trong 3.628 câu ca dao xứ Nghệ (cả của người Kinh và người Thái), có tới 70% số lời ca dao có những từ ngữ thể hiện lối ứng xử theo kiểu “thẳng ruột ngựa” của người Nghệ. Tuy nhiên, khảo sát 338 câu điển hình, chúng tôi xin bàn thêm, khẳng định thêm cái kiểu ứng xử “thẳng ruột ngựa” đó, hay nói cách khác là cái “không chừa nói thật của người Nghệ”.

Anh về em cũng xin theo

Mẹ anh đóng ngõ, em leo xà nhà

Hoặc là:

Cu cu bay thấp, bìm bịp bay cao,

Ơi ả yếm đào

Cho anh mó chút có sao anh đền,

Lụa anh đền tiền, vải anh đền bông

Đền rồi có lấy anh không?

Trong các quan hệ gia đình, họ hàng, làng nước... thì cách ứng xử “thẳng ruột ngựa” bộc lộ rõ:

Một trăm mụ o thì xâu một nách

Một trăm ông chú thì xách một tay

Hay là:

Ông chết thì thiệt thân ông

Bà tôi sắp sửa lấy chồng nay mai

Hai mươi bảy tháng ông ơi

Người thương lấy người ai có thương ma

Hoặc:

Tiền mô mua đỗ mua khoai

Tiền mô mà dạm dì hai cha mồ

Mới nghe cả ba lời ca dao trên, ta cảm giác có cái gì đó vội vã, suồng sã đến hơi tàn nhẫn; nhưng, ngẫm kĩ, lại thấy cái lí ứng xử là rõ ràng, thẳng đến không thương cảm, rào đón.

Còn đây là những lời ca dao thẳng thắn đến khó chịu trong quan hệ:

Con mày mày ấp mày yêu

Con tao tao bỏ vào niêu mày xào

Hoặc:

Gái một con trông mòn con mắt

Gái hai con vú quặt đằng sau

Gái ba con ruồi bâu rình rình

Gái bốn con thì rinh xuống bộng

Những từ, cụm từ bỏ vào niêu mày xào, nuốt không vô, vú quặt, rình rình, rinh xuống bộng, che râu ông lại thành trai tơ, dốt như bò ủi nương, ngon gớm ngon ghê, tóc quăn lấy đá mà dằn, tóc quăn lên trời, đá rơi xuống vực, quăng tống, lưỡi loe cả ngày, mượn mấn đi ve thợ rèn, đừng chê em ươn, bỏ cọc bỏ neo mà nằm, rày hờn mai tủi,... hay là:

Chim khôn ăn trái bù lù

Người khôn ở với người ngu bực mình

Hoặc:

Có người thương được thì thương

Ngoài tuy da cú trong xương phượng hoàng

... Tất cả, dù so sánh hay ví von dưới nhiều hình thức nhưng ta có thể thấy rõ nét chân quê thẳng thừng cả về nghĩa, về ý.

Qua nghiên cứu, tìm hiểu từ ca dao, vè, hát phường vải, hát giặm xứ Nghệ, chúng tôi giới thiệu cấu trúc mô hình ứng xử của người Nghệ Tĩnh như sau:

Đó là một tập hợp hình vuông (vuông thành sắc cạnh) với một lõi trung tâm và ba tầng giao tiếp.

Lõi trung tâm: là “Nhân - Nghĩa - Hiếu” được ứng thử theo kiểu “thẳng ruột ngựa”.

Từ lõi trung tâm đến ứng xử gia đình thì lấy “trật tự - lượng thứ” làm trọng.

Với làng xã là “trung thực - khoan dung”.

Với cả nước, với các vùng miền thì hội đủ 4 yếu tố tạo nên tính cách người Nghệ: Trung thực đến thẳng thắn, bình dị đến cục cằn, mạch lạc đến quá quắt và trọng nghĩa - thực tế.

Như vậy, vẫn lấy từ cấu trúc cơ bản là văn hoá ứng xử gia đình truyền thống, từ đó lan toả thành văn hoá xóm làng và văn hoá đất nước. Với mô hình văn hoá ứng xử của người Nghệ, có thể phát triển tới cùng cho văn hóa ứng xử của người Nghệ hôm nay và mai sau. Vẫn là sự trọng nghĩa, đặt tình cảm lên trên hết, lấy cái phúc đức làm tiêu chí sống và trao truyền cho con cháu đời sau. Bản thân trong cấu trúc trên cũng đã bao hàm cả tính mở và tính động theo kiểu “gạn đục khơi trong” để tiếp nhận điều kiện hoàn cảnh thực tế và từ đó mà có cách ứng xử phù hợp.

Đúng, giọng Nghệ, tiếng Nghệ quả có nặng có thô thật, nhưng như cụ Nguyễn Bính nói: bên trong đó là nội tâm, là cái đẹp cái chất hồn nhiên, giản dị, trung thực...

5. Đôi điều rút ra

Trong cách ứng xử của người Nghệ, chúng ta cũng thấy rõ nếp gia phong đều lấy tình nghĩa làm chất keo gắn bó mọi thành viên trong một gia đình, một địa phương và trong cả nước. Tình nghĩa cũng là chất keo tạo nên sự đồng lòng để vượt qua mọi thử thách. Trên thế giới, người Đức có nếp sống “duy lí”, người Ấn Độ có lối sống “duy ngã”, người Hoa Kỳ có nếp sống “thực dụng”... thì người Việt, hay người Nghệ có nếp sống “tình nghĩa”. Tình nghĩa làm bền chặt các mối quan hệ từ gia đình đến xã hội. Tình nghĩa gắn kết với đức tính khoan dung tạo nên bản chất cởi mở, trung thực trong quan hệ và tạo nên sự đoàn kết trong cộng đồng người.

Ở một khía cạnh khác, qua cách ứng xử, ta thấy được đạo làm người có nội dung sâu sắc về tư tưởng, đạo đức lối sống và điều dễ nhận thấy nhất trong ca dao, vè, hát phường vải xứ Nghệ đó là tri thức, hình như tất cả đều bắt đầu từ sự học “có học có khôn”, “học ăn, học nói, học gói, học mở”... “học để làm người, làm cán bộ” (Bác Hồ).

Từ việc hiếu học mà tạo nên lối ứng xử trọng hiền tài, trung thực, hòa đồng, khoan dung, thẳng thắn,... Có lẽ điều này giúp ta hiểu được làm sao xứ Nghệ có nhiều người hiền tài hơn so với các vùng khác, và cũng lí giải được phần nào sự ham học, học giỏi, cần cù, siêng năng, thẳng thắn của các thế hệ dân Nghệ, và kết quả là “sống với dân Nghệ dễ sống hơn”.

Cách ứng xử của người Nghệ nói riêng và người Việt nói chung đều lấy tình nghĩa làm gốc. Bản thân tình nghĩa cũng phải đặt trong các hoàn cảnh lịch sử khác nhau và trong sự vận động phát triển của lịch sử với ngày nay đó là chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Trong cái tình nghĩa của cả dân tộc Việt, người Nghệ thể hiện nó theo cách ứng xử của vùng miền “vừa gần gũi thân thương, bình dị đến cục cằn, vừa thông minh sắc sảo, rõ ràng mạch lạc đến quá quắt”, phải chăng đó là biểu hiện tính lưỡng cực của bản sắc văn hóa xứ Nghệ (Phạm Đức Dương, 2001, tr.11-12). Chúng tôi muốn dùng thành ngữ “thẳng ruột ngựa” để nói lên tính lưỡng cực trong bản sắc văn hóa xứ Nghệ. Vì vậy, khi đặt vấn đề mô hình hóa cách ứng xử của người Nghệ, chúng tôi cho rằng, cái tình nghĩa sâu sắc vẫn là cốt lõi, nhưng cái cốt lõi ấy được người Nghệ ứng xử theo cách “thẳng ruột ngựa” và chính nó tạo nên bản sắc riêng của người Nghệ, xứ Nghệ.

Ngày xuân, bàn về ứng xử của người Nghệ, chúng ta thấy rõ hơn thế mạnh và cả cái cần khắc phục trong giao tiếp của người Nghệ Tĩnh. Điều này giúp cho các nhà hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội khi tiếp xúc với đối tác có sự điều chỉnh hợp lí để “thấu lí đạt tình” mà cho hiệu quả mong muốn.

 

Chú thích

1. Đào Duy Anh (1983), Việt Nam văn hóa sử cương, Nxb TP. Hồ Chí Minh.

2. Ban Nghiên cứu lịch sử Nghệ Tĩnh (1984), Lịch sử Nghệ Tĩnh, Nxb Nghệ Tĩnh.

3. Nguyễn Nhã Bản (Chủ biên, 2001), Bản sắc văn hoá của người Nghệ Tĩnh (Trên dẫn liệu ngôn ngữ), Nxb Nghệ An.

4. Ninh Viết Giao (Chủ biên, 1999-2001), Kho tàng vè xứ Nghệ - (9 tập), Hát phường vải, 1993, Nxb NA.

 

Hà Nguyên Đối

[*]

 



[*] TS - GĐ trường Truyền thông đa phương tiện VTC


  Các Tin khác
  + Sắc xuân trên Thành Vinh (21/01/2025)
  + Làng gì mà ngày nào cũng phát ra tiếng kêu tại Hà Tĩnh? (14/01/2025)
  + Bế mạc Lễ hội Du lịch và Ẩm thực Sen Nghệ An năm 2024 (02/12/2024)
  + Vượt lũy tre làng, nữ giám đốc HTX ở Hà Tĩnh đưa nước mắm biển Thiên Cầm xuất ngoại (12/11/2024)
  + Một cây cổ thụ là cây trôi đã sống 800 tuổi ở Hà Tĩnh được công nhận cây Di sản Việt Nam (26/09/2024)
  + Đến Hà Tĩnh, ngắm bình minh trên biển Hoành Sơn (17/09/2024)
  + Bản sắc SLNA - sự khác biệt tuyệt vời ở V.League 2024/2025 (31/08/2024)
  + Làng Đỏ - nơi”căm thù như biển lửa, đã đứng lên”… (31/08/2024)
  + Đại gia Trần Quang Luận và hệ sinh thái Thanh Thành Đạt nổi danh xứ Nghệ (15/08/2024)
  + Khát vọng Thanh Chương (11/08/2024)
  + Hà Tĩnh gặp mặt chúc mừng học sinh đoạt HCB Olympic Toán học quốc tế (02/08/2024)
  + Cầu Nhe - nơi ghi dấu tinh thần quả cảm của 53 liệt sỹ (23/07/2024)
  + Vô xứ Nghệ thăm quê Bác (13/07/2024)
  + Về lại Nậm Nơn (02/07/2024)
  + 48 giờ ở Nghệ An (17/06/2024)
  + Bến Thủy - cây cầu thế kỷ của xứ Nghệ (09/06/2024)
  + Đôi vợ chồng "thổi hồn" vào dân ca ví, giặm (06/06/2024)
  + 9 điểm du lịch hấp dẫn không thể bỏ qua khi đến miền Tây xứ Nghệ (26/05/2024)
  + Trần Đình Sơn - "cánh chim đầu đàn” của điền kinh Hà Tĩnh (25/05/2024)
  + Nghệ An: Cả làng kiếm bộn tiền từ con đặc sản "cưỡi máy bay xuất ngoại” (20/05/2024)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 66547655

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July