Trang chủ Liên hệ       Thứ tư, Ngày 22/01/2025
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
  -  Đất và người Xứ Nghệ
  -  Dân ca Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Truyền thống Nghệ Tĩnh >
  Giáo sư người Nga nói giọng xứ Nghệ Giáo sư người Nga nói giọng xứ Nghệ , Người xứ Nghệ Kiev
 

Giáo sư người Nga nói giọng xứ Nghệ

- Phòng truyền thống của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội. Trong số chân dung những nhà giáo được vinh danh của trường có tấm ảnh một nữ giáo sư người nước ngoài. Đó là giáo sư ngôn ngữ học người Nga Nonna Vladimirovna Stankevich của Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp (ĐHTH) Hà Nội.

Kỳ I: Từ St. Petersburg (Leningrad) đến quê chồng - Việt Nam

Giáo sư Ngôn ngữ học người Nga Nonna Vladimirovna Stankevich.

Phòng truyền thống của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội. Trong số chân dung những nhà giáo được vinh danh của trường có tấm ảnh một nữ giáo sư người nước ngoài. Đó là giáo sư ngôn ngữ học người Nga Nonna Vladimirovna Stankevich của Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp (ĐHTH) Hà Nội.



Giáo sư Ngôn ngữ học người Nga Nonna Vladimirovna Stankevich... những việc “hữu danh” và rất nhiều việc “vô danh”. Cô cứ lặng lẽ làm, lặng lẽ cống hiến ...



Cô là một trong Tứ Quý của khoa Ngữ văn ĐHTH Hà Nội ngày trước. Cái biệt danh Tứ Quý này là do đám sinh viên chúng tôi hồi ấy nghĩ ra, truyền tụng, để gọi bốn cô giáo mà chúng tôi rất yêu mến, kính trọng: cô Đặng Thị Hạnh, cô Lê Hồng Sâm, cô Hoàng Thị Châu và cô Nonna.



Mỗi người một vẻ, nhưng cái sự sâu sắc, và sự sang trọng khả kính trong học thuật thì chung mẫu số. Bây giờ, Tứ Quý của chúng tôi nghỉ hưu đã lâu. Ngay như chúng tôi, những chú học trò nhà quê, tỉnh lẻ, mười chín đôi mươi của các cô ngày ấy, nay cũng đã “tà tà bóng ngả”. Cô Hạnh, cô Sâm, cô Châu vẫn ở Hà Nội, còn cô Nonna về nghỉ hưu ở tận Cộng hoà liên bang Nga, quê hương cô.



Khi chúng tôi là sinh viên khoa Ngữ văn, đất nước đang còn chiến tranh, chia cắt. Cuộc sống thật nghèo. Cái gì cũng thiếu. Nhưng đáng lạ là sao ngày ấy không khí học và hỏi trong nhà trường lại không thiếu. Ngày ấy, gặp một người nước ngoài là chuyện hiếm. Vậy mà chúng tôi có hẳn một cô giáo người Nga "chính hiệu", lại ăn mặc kiểu Việt Nam, đội nón lá bài thơ, đến lớp ân cần giảng dạy như các thầy, cô người Việt khác.



Lần đầu tiên chúng tôi gặp và nghe cô giảng bài, cảm giác thật lạ. Bằng tiếng Việt. Rất nhẹ nhàng. Người tinh ý dễ nghe ra có pha đôi chút “chất giọng Nghệ”. Khúc chiết, chẳng câu nào thừa, lặp.



Quê cô là thành phố St. Petersburg (trước là Leningrad), nơi có dòng sông Neva biếc xanh phản chiếu những chiều hoàng hôn tím và in bóng những lâu đài, cung điện, vàng son, tráng lệ, có những đêm trắng tháng Sáu diệu kì và lễ hội “Những cánh buồm đỏ thắm”, có Đại học Leningrad danh tiếng, nay đã đổi tên lại là Đại học St. Petersburg.



Tại đấy, năm 1964, cô bảo vệ luận án tiến sĩ về “Phạm trù tính từ trong tiếng Việt hiện đại” dưới sự hướng dẫn cuả giáo sư S.E. Jakhontov, một cái tên rất quen thuộc với giới ngôn ngữ học quốc tế.



Lẽ ra, cùng với những người đặt nền móng cho ngành Việt học ở Đại học St. Petersburg hồi ấy như N.D. Andreev, Nguyễn Tài Cẩn, I.S. Bystrov, M.V. Gordina, V.S. Panfilov, I.P. Zimonina, D. Letjagin, cô sẽ tiếp tục nghiên cứu và giảng dạy về Việt học tại đó; nhưng mối lương duyên thiên định lại đưa cô về làm dâu họ Nguyễn Tài làng Thượng Thọ, Thanh Chương, Nghệ An.



Và người bạn đời của cô chính là nhà ngôn ngữ học tài danh – GS. Nguyễn Tài Cẩn. Về Việt Nam quê chồng, cô được tuyển dụng làm giảng viên tại ĐHTH Hà Nội, Khoa Ngữ văn; rồi từ đấy, gắn bó trọn vẹn với ngành Ngôn ngữ học của trường (nay là Khoa Ngôn ngữ học Trường Đại học KHXHNV, thuộc ĐHQG Hà Nội) cho đến lúc nghỉ hưu. Thế là khởi nghiệp khoa học ở Leningrad, nhưng suốt thời gian làm nghiên cứu và giảng dạy, cô lại hoàn toàn ở Việt Nam, mà hầu hết trong thời gian khó khăn, vất vả, chiến tranh của đất nước.



Hồi ấy, ngành Ngôn ngữ học, Việt ngữ học ở ĐHTH Hà Nội mới đang bắt đầu được gây dựng. Cô cùng các đồng nghiệp nỗ lực phát triển ngành. Lo biên soạn giáo trình và giảng dạy các môn về lí thuyết và phương pháp dịch, về loại hình các ngôn ngữ, cả dạy thực hành tiếng Nga, nghiên cứu về ngữ pháp tiếng Việt, rồi cô nghiên cứu cả về chữ Nôm (cùng với Thầy Cẩn), về Hán văn Việt Nam, đặc biệt là về giao thoa ngôn ngữ giữa Văn ngôn với Việt ngữ, nghiên cứu ngôn ngữ văn xuôi tiếng Việt cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX…



Lĩnh vực nào cô cũng thu được những kết quả đáng trọng. Hai cuốn sách: "Loại hình các ngôn ngữ" (viết riêng), "Ngữ pháp tiếng Việt" (viết với Bystrov, Nguyễn Tài Cẩn), cùng với trên trăm bài viết của cô trên các tạp chí khoa học, sách nghiên cứu trong và ngoài nước đã được công bố. Riêng "Loại hình các ngôn ngữ" là cuốn sách duy nhất về lĩnh vực này, cho đến nay, tại Việt Nam, được biên khảo và dùng làm tài liệu giáo khoa chính thức cho sinh viên chuyên ngành Ngôn ngữ học. (Thiết nghĩ, nên đề xuất để công trình này được nhận một giải thưởng xứng đáng). Cuốn "Ngữ pháp tiếng Việt" của ba tác giả trình bày một hệ thống và phương pháp miêu tả mà vào thời điểm công bố, được coi là khá mới mẻ và thực tiễn.



Hồi còn chiến tranh, giao lưu quốc tế khó khăn, cô như cây cầu nối, vừa giới thiệu kịp thời những thành tựu và xu hướng nghiên cứu mới trong ngôn ngữ học thế giới và ngôn ngữ học Xô Viết vào Việt Nam, lại vừa giới thiệu văn hoá, văn học Việt Nam, Việt ngữ học ra nước ngoài qua nhiều tác phẩm dịch và các bài khảo cứu. Trong căn nhà của thầy Tài Cẩn lúc sinh thời, một chồng tác phẩm, khá nhiều, của Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Anh Đức, Nguyễn Minh Châu… lại của Huy Cận, Nguyễn Tuân, Hoàng Trung Thông… với những lời đề tặng, cảm ơn rất trân trọng. Tất cả đều được in bằng thứ giấy rơm màu nước dưa hoặc vàng xỉn, xám ngoách, sản phẩm ghi dấu một thời khó khăn, thiếu thốn.



Quãng trước, sau năm 1970, chính cô là người đầu tiên giới thiệu nội dung ngôn ngữ, văn tự của các văn bản Nôm cổ Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa, Thiền tông khoá hư ngữ lục… sang với giới ngữ học, Việt học Xô Viết; và những tư liệu này đã rất được quan tâm. Đặc biệt, cô cũng là người đầu tiên phát hiện, giới thiệu văn bản Công giáo Biện phân tà chánh viết bằng tiếng Việt, cực kì quý hiếm, tại Leningrad, gây tiếng vang lớn trong giới nghiên cứu Việt học, nhất là ở Liên Xô hồi đó.



Cô cũng là người dịch sang tiếng Nga rất nhiều bài viết của nhiều vị lãnh đạo cấp cao, là thành viên trong tổ dịch di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh sang tiếng Nga đầu tiên. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng thường yêu cầu bài của ông cho in trên báo Pravda phải do cô dịch.



Cứ như vậy, những việc “hữu danh” và rất nhiều việc “vô danh”, cô lặng lẽ làm, lặng lẽ cống hiến. Cái cách làm việc của cô và của Thầy Nguyễn Tài Cẩn thì sao mà nó bền bỉ, kiên nhẫn đến lạ lùng.



Đi cùng thầy Cẩn tới làm việc ở Đại học Paris 7 một thời gian, cô và thầy đã tiếp cận được kho lưu trữ của Trung tâm truyền giáo nước ngoài để khai thác tài liệu lưu trữ cổ. Thế rồi cô đã phát hiện được và khảo tả khá kĩ, công bố giới thiệu hàng loạt tài liệu viết bằng chữ quốc ngữ thế kỉ 17 – 18 rất quý của Việt Nam: bao nhiêu tập, kí hiệu từng tập, mỗi tập gồm những gì, hiện trạng văn bản, nội dung, niên đại cụ thể…



Năm 1984, cô được công nhận và bổ nhiệm chức danh Giáo sư Ngôn ngữ học. Năm 1992, cô nghỉ hưu. Nhưng việc chuyên môn vẫn vậy. Bài dự hội thảo quốc tế, bài cho tạp chí khoa học… vẫn viết. Lại nghiên cứu Truyền thống ngôn ngữ học Việt Nam và sự tiếp xúc của nó với truyền thống ngôn ngữ học Trung hoa (sách: History of language sciences, in tại Berlin và NewYork, năm 2000), viết bài cho tạp chí Ngôn ngữ (Việt Nam) về hư từ, ngữ pháp trong văn bản Nôm cổ Truyền kì mạn lục, giới thiệu thành tựu và phương pháp mới của ngành từ điển học Nga…



Vũ Đức Nghiệu (PGS. TS, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội)

  Các Tin khác
  + Sắc xuân trên Thành Vinh (21/01/2025)
  + Làng gì mà ngày nào cũng phát ra tiếng kêu tại Hà Tĩnh? (14/01/2025)
  + Bế mạc Lễ hội Du lịch và Ẩm thực Sen Nghệ An năm 2024 (02/12/2024)
  + Vượt lũy tre làng, nữ giám đốc HTX ở Hà Tĩnh đưa nước mắm biển Thiên Cầm xuất ngoại (12/11/2024)
  + Một cây cổ thụ là cây trôi đã sống 800 tuổi ở Hà Tĩnh được công nhận cây Di sản Việt Nam (26/09/2024)
  + Đến Hà Tĩnh, ngắm bình minh trên biển Hoành Sơn (17/09/2024)
  + Bản sắc SLNA - sự khác biệt tuyệt vời ở V.League 2024/2025 (31/08/2024)
  + Làng Đỏ - nơi”căm thù như biển lửa, đã đứng lên”… (31/08/2024)
  + Đại gia Trần Quang Luận và hệ sinh thái Thanh Thành Đạt nổi danh xứ Nghệ (15/08/2024)
  + Khát vọng Thanh Chương (11/08/2024)
  + Hà Tĩnh gặp mặt chúc mừng học sinh đoạt HCB Olympic Toán học quốc tế (02/08/2024)
  + Cầu Nhe - nơi ghi dấu tinh thần quả cảm của 53 liệt sỹ (23/07/2024)
  + Vô xứ Nghệ thăm quê Bác (13/07/2024)
  + Về lại Nậm Nơn (02/07/2024)
  + 48 giờ ở Nghệ An (17/06/2024)
  + Bến Thủy - cây cầu thế kỷ của xứ Nghệ (09/06/2024)
  + Đôi vợ chồng "thổi hồn" vào dân ca ví, giặm (06/06/2024)
  + 9 điểm du lịch hấp dẫn không thể bỏ qua khi đến miền Tây xứ Nghệ (26/05/2024)
  + Trần Đình Sơn - "cánh chim đầu đàn” của điền kinh Hà Tĩnh (25/05/2024)
  + Nghệ An: Cả làng kiếm bộn tiền từ con đặc sản "cưỡi máy bay xuất ngoại” (20/05/2024)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 66545322

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July