Trang chủ Liên hệ       Thứ năm, Ngày 23/01/2025
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
  -  Đất và người Xứ Nghệ
  -  Dân ca Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Truyền thống Nghệ Tĩnh >
  Đi dọc đường biên: Bài 3: Bóng hình người lính mang quân hàm xanh Đi dọc đường biên: Bài 3: Bóng hình người lính mang quân hàm xanh , Người xứ Nghệ Kiev
 

 

(Baonghean) - Hình bóng những người lính mang quân hàm xanh như tạc vào dáng núi trên mọi nẻo đường biên xứ Nghệ.  Mỗi bước họ qua, ngẩng đầu là xanh trời Tổ quốc, cúi xuống là đất Mẹ trường xuân. Bất chợt trong chúng tôi vang lên tiếng hát “...Từng tấc đất nơi biên cương trao trên vai đồng đội. Lời thề ấy in trong tim lính biên phòng chúng tôi...”.

-->> Bài 2: Người Đan Lai thôi trốn chạy



“Đại thụ” Vừ Chông Pao


Theo lời các anh ở Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh “Lên Kỳ Sơn, nhớ ghé nhà bác Vừ Chông Pao. Dù không phải là người lính biên phòng, nhưng đó là “vua tiễu phỉ” đường biên”, chúng tôi về bản Sơn Hà, xã Tà Cạ thăm con người huyền thoại này… Căn nhà gỗ giản đơn, bên vách treo nhiều loại bằng khen, huân chương cùng nhiều tấm ảnh các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước chụp cùng ông. Nghe có khách xuôi lên, cụ ông đã 83 tuổi này lật đật trở dậy, đeo chiếc máy trợ thính, mặc thêm chiếc áo, ngồi tâm tình, hỏi thăm sức khỏe, nói chuyện hôm nay và kể lại chuyện ngày xưa.

Chuyện đời của Vừ Chông Pao dài như con nước Nậm Mộ, luôn gắn chặt với công cuộc bảo vệ quốc phòng - an ninh quê hương Kỳ Sơn. Ông kể: “Ta có 2 lần được vinh dự gặp Bác Hồ. Kỷ niệm sâu sắc nhất là ở lần thứ hai vào năm 1963, khi ta được Chính phủ mời ra dự lễ kỷ niệm Quốc khánh 2/9. Ngày 3/9, các đại biểu dân tộc thiểu số được Bác và Thủ tướng Phạm Văn Đồng mời vào Phủ Thủ tướng. Trong lúc trò chuyện, Bác hỏi: “Ở Kỳ Sơn, Nghệ An có chuyện gì không?”. Nghe câu hỏi của Bác, Vừ Chông Pao liền đứng lên thưa: “Thưa Bác, ở Kỳ Sơn đang có bọn phỉ tự xưng là Châu Phà (vua trời) dụ dỗ dân, chống lại bộ đội”.

Bác lại hỏi : “Thế các chú xử lý thế nào?”. Pao dõng dạc: “Thưa Bác, theo cháu, ai theo giặc Châu Phà, cầm súng bắn lại nhân dân, bộ đội thì tuyên án tử hình. Ai theo Châu Phà, cầm súng, chưa gây tội, chưa bắn bộ đội và nhân dân thì phạt cải tạo từ 1 - 3 năm. Ai không cầm súng nhưng ủng hộ Châu Phà thì phạt cải tạo từ 6 tháng đến 1 năm”. Cứ tưởng Bác Hồ sẽ khen về cách xử lý nghiêm khắc và cứng rắn nhưng Bác lại xua tay nói: “Làm thế không được các chú ơi! Phải xác định kẻ thù của chúng ta là ai. 54 dân tộc đều là đồng bào ta hết. Nhưng đồng bào ta hiện nay hiểu biết còn giới hạn nên dễ nghe theo lời kẻ xấu. Nếu các chú đều coi đồng bào là thù thì đánh cả đời không hết giặc, đất nước sẽ không bao giờ được hòa bình. Muốn thắng được Châu Phà thì phải cảm hóa được đồng bào, làm cho họ biết cái tốt, cái xấu, nói cho họ thấy sai lầm, hiểu rõ được chân tướng kẻ thù và bè lũ cướp nước”.

Lời Bác dạy ông Pao khắc ghi: “Từ đó, ta như thoát khỏi đám sương mù. Nghĩ kế diệt phỉ Châu Phà, ta đến nhà Lỳ Vả Chinh, nói với vợ hắn là Vừ Y Lầu (chị họ của ông Pao, vì không ngăn được chồng theo phỉ nên lâu nay ông không qua lại với người chị họ này) “Lâu nay cái bụng tôi ghét chị là do chồng chị đi theo Châu Phà. Là cán bộ phụ nữ xã mà chị để chồng chị đánh giết người Mông. Chị phải vào rừng gọi chồng chị về thôi. Chị có muốn mất chồng không?”. 

Nghe ta, Y Lầu vào rừng nói với chồng hắn. Mấy bữa sau thì Vả Chinh về hàng. Hắn cũng gọi thêm được 58 người phỉ của  Châu Phà và vũ khí. Bọn phỉ có tổ chức lớn do Giàng Xây Xua cầm đầu bị tan hết mà bên ta không mất viên đạn mô”… Tích cực hoạt động, ông Vừ Chông Pao có công rất lớn trong việc kêu gọi người Mông và nhân dân các dân tộc Kỳ Sơn chống phỉ, giữ đất. 

Khi làm chủ tịch huyện Kỳ Sơn được 1 năm (1970), trước loạn phỉ Vàng Pao, ông đã nắm cơm, leo qua nhiều ngọn núi cao đi tìm những người già trong mỗi bản làng phân tích, thuyết phục để họ bỏ Vàng Pao, ủng hộ bộ đội. 

Đầu năm 2000, bọn phỉ do Xay Phia - kẻ theo Vàng Pao từ những năm 1960 lại nổi lên chống phá. Không quản đường sá xa xôi, vào tuổi xưa nay hiếm, ông Pao chân đất đi bộ vào tận Na Ngoi, Nậm Càn là những nơi đặt đại bản doanh của phỉ Xay Phia, tiếp xúc và khuyên nhủ từng người, vạch rõ những âm mưu và tội ác của bọn phỉ. Mất chỗ dựa từ dân, lũ phỉ tan rã dần.

Tiễn chúng tôi ra tận cửa nhà, ông còn nói thêm: “Ta đã có hơn 60 năm công tác, hơn 50 năm tuổi Đảng mà vẫn chưa muốn nghỉ. Suốt đời vẫn cứ thích làm việc, làm đến khi chết mới thôi”. Giữ mãi bàn tay ông, lòng chúng tôi chợt thấy ấm áp lạ thường… 

Các bác nói bố cháu là anh hùng...

Hôm ở Thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn, chúng tôi được trung tá Lỳ Bá Thái, Tiểu khu phó Tiểu khu Biên phòng 50 lên cót tinh thần: “Các nhà báo đi vào Nậm Càn giờ đường nhựa dễ thôi nhưng cũng có mấy con dốc tương đối cả đó”. 

Quả thật, đường vào dốc nối dốc, núi nối núi như hướng người đi lên tới điểm đất trời tương giao... Về đến Nậm Càn, trước lúc vào chuyện về tình hình xã, Bí thư Đảng ủy xã Và Lìa Nênh đã dẫn chúng tôi đến thăm nhà Anh hùng liệt sỹ Và Tổng Khư, người con anh dũng của Nậm Càn đã hy sinh trên đường tiễu phỉ năm 2004. Ngôi nhà tình nghĩa cấp 4 có màu sơn vàng của gia đình liệt sỹ Và Tổng Khư vừa được Đoàn 4 Kinh tế Quốc phòng xây tặng, nằm không xa trụ sở UBND xã.

Giữa buổi sáng, mọi người đi nương hết. Đành tự nhủ chụp vài tấm ảnh vậy, vừa quay ra thì gặp một cậu bé nặng nhọc cõng trên lưng bó củi to đùng đi vào. Bí thư Lìa Nênh giơ cả hai tay, đỡ giúp cậu bé, đặt bó củi xuống sân rồi giới thiệu: “Đây là Và Bá Dũng, con trai anh Tổng Khư đó”. 

Dũng năm nay lên lớp 3 Trường Tiểu học Nậm Càn gần nhà. Trên em còn 1 chị gái Và Y Dênh, năm nay lên lớp 7 và anh trai Và Bá Trung, lên lớp 4, học ở mãi ngoài Thị trấn Mường Xén… Trong ngôi nhà còn thoảng mùi sơn mới, bàn thờ Xử ca, bàn thờ anh Và Tổng Khư được đặt riêng một nơi trang trọng. (Nhớ ngày anh hy sinh, chúng tôi đã từng lên đây. Ngôi nhà ván cũ lúc đó hãy còn lợp mái gỗ samu và hầu như chẳng có tài sản gì đáng giá). Cháu Và Bá Dũng bảo: “Cháu thấy các bác về đây, nói bố cháu là anh hùng, nhưng cháu chưa biết anh hùng là sao vớ. Cháu chỉ biết đi bế củi giúp mẹ thôi”... 

Chào Và Bá Dũng ra về, ngước nhìn lần nữa ngôi nhà nhỏ của người anh hùng để theo con dốc trơn ra trung tâm xã, chợt thấy bâng khuâng. Lời tâm sự của ông Và Lìa Nênh như tiếng lòng trầm lắng: “Sau khi anh Và Bá Giải, Và Tổng Khư hy sinh, các lực lượng của tỉnh, huyện và xã tiếp tục đẩy mạnh truy quét phỉ, phóng bố nghiêm biên giới. Người Mông ta đồng lòng căm thằng phỉ nên các dòng họ tự nguyện đi cùng bộ đội biên phòng lên mốc phát tuyến đường biên, cùng bộ đội đuổi hết bọn phỉ để bà con yên ổn làm ăn, sinh sống”.  

Thấm đẫm nghĩa tình

Bóng nắng gần tròn, chúng tôi tới đồn Biên phòng Nậm Càn, lúc này đồn đang có cuộc họp chuyên môn bàn về công tác quốc phòng - an ninh, đối ngoại và giúp đỡ bà con ở vùng đất vẫn được xem như điểm “nóng” này. Sau buổi họp, dưới bóng mát của mấy cây xoài, trung tá đồn trưởng Phạm Hữu Hà và thượng tá chính trị viên đồn Nguyễn Thế Dương đã kể về chuyến vừa đi sang bản Mường Ạt (Bolykhămxay) làm việc với các bạn Lào. Như giúp phóng viên hình dung cụ thể hơn, đồn trưởng Hà chỉ tay về những ngọn núi cao dựng trời: “Mường Ạt nằm ở hướng đó! Phương tiện chính của người lính biên phòng là đây”. Vừa nói trung tá Đào Danh Hà vừa chỉ xuống đôi chân mình. 

Để đến Mường Ạt, các cán bộ chiến sỹ của đồn phải vòng xuống cửa khẩu Tam Hợp (huyện Tương Dương) rồi mới ngược lên. Bản Mường Ạt cách biên giới 32km đường rừng. Tổ công tác đã hết hành trình 184km này mất 2 ngày 2 đêm. Chuyến công tác vất vả nhưng thấm đẫm nghĩa tình. Đường xa nhưng mỗi thành viên của tổ đều vui vẻ cõng thêm những đặc sản của Nậm Càn như mấy chục cân gừng, muối, ít cân gia vị (là thứ phía bạn Lào không sẵn có), thêm mấy lít rượu của bà con gửi sang làm quà. Trong chuyến đi này, Đồn đã làm việc với Ban Quản lý bản Mường Ạt để nắm lại tình hình địa bàn, những hoạt động của các đối tượng có vấn đề. Cả hai bên đã thống nhất chương trình để làm lễ kết nghĩa anh em giữa bản Mường Ạt và Nậm Càn trong một ngày gần nhất.

Chính trị viên Nguyễn Thế Dương nói thêm: Vùng biên trước kia phức tạp lắm. Hoạt động chống phá của phỉ ở khu vực giáp ranh biên giới Việt-Lào nóng lên từ những năm 1999-2000. Chúng thường tổ chức tập kích vào các đoàn xe vận chuyển hàng hóa với mục đích gây tiếng vang, thu hút sự chú ý của quốc tế, nhận tài trợ phía đối lập, chống phá cách mạng Lào. Để giữ bình yên cho biên cương, bộ đội biên phòng tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đề ra kế hoạch 501 (gọi tắt là KT02) phối hợp và giúp bạn Lào tấn công truy quét phỉ dọc biên giới giáp Nghệ An (Việt Nam) với Hủa Phăn, Bôlykhamxay và Xiêng Khoảng (Lào).

Kế hoạch KT02 triển khai mạnh nhất từ 2002 đến 2005, có những lúc cao điểm, lực lượng ta về tại địa bàn Nậm Càn lên đến hàng trăm cán bộ chiến sĩ. Cuối năm 2005, những đối tượng phỉ còn lại vừa ra hàng bạn, vừa ra hàng ta khiến các cụm phỉ gần như tan rã. Từ 2006 trở lại đây, bà con bên dãy Trường Sơn Bắc, dưới đỉnh Puxailaileng đã yên ổn, chí thú làm ăn. Tuy vậy, đường biên vẫn chưa hoàn toàn yên tĩnh…

Nậm Càn vừa trải qua cơn lũ quét lịch sử. Lũ đã cướp đi của Nậm Càn 2 người dân cùng nhiều của cải khác, để lại nơi đây những ruộng vườn bị bùn đá vùi lấp. Đường điện, đường nước đều hư hỏng hết cả. Lũ rút, Bộ đội Biên phòng Đồn Nậm Càn đang ra sức sửa chữa, khắc phục hậu quả giúp bà con. Nậm Càn chưa yên bởi một số bà con nơi đây đang hiểu sai “lũ quét xuất hiện không phải do tệ phá rừng, chặt cây bừa bãi mà bởi do con đường tuần tra biên giới mới làm...”.

Huồi Sơn thoát nghèo

Rời Kỳ Sơn, chúng tôi tìm về xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, một trong những địa phương  ngày xưa phỉ thường xâm nhập, dụ dỗ, lôi kéo người dân chống phá cách mạng. Tam Hợp có 2 bản người Mông, 2 bản Thái và 1 bản người Tày Poọng… “Tam Hợp giờ đã yên ổn, người dân chí thú làm ăn nuôi giấc mơ thoát nghèo”, chứng thực điều này, các chiến sỹ Đồn Biên phòng Tam Hợp đã mời chúng tôi về với bản Huồi Sơn.

“Huồi” là suối, “sơn” là núi, tên của bản có nghĩa là sơn thủy hữu tình. Quả vậy, đến Huồi Sơn đã thấy những ngôi nhà Đại đoàn kết khang trang, thửa ruộng bậc thang dưới lũng núi như tranh thuỷ mặc. Vào đầu bản đã thấy nhiều ngôi nhà mới, mái ngói đỏ tươi. Hỏi chuyện ông Xồng Nhia Mại, người có ngôi nhà Đại đoàn kết đầu tiên được bộ đội biên phòng dựng nên, ông xúc động: "Nhờ bộ đội biên phòng nhiều lắm, ta mới có nhà đẹp để ở đó. Cùng với xây dựng nhà, tổ công tác biên phòng đã “ba cùng, cầm tay chỉ việc” giúp bản Huồi Sơn phát triển kinh tế gia đình, đào ao nuôi cá; hướng dẫn  trồng cỏ voi, khoanh vùng chăn nuôi trâu, bò, gà đen, lợn đen, trồng khoai sọ, gừng, bí xanh”.

Bà con người Mông nơi đây vẫn thường nhắc đến công lao anh Vũ Văn Hậu, cán bộ Đồn Biên phòng được tăng cường về làm Phó Bí thư Đảng ủy xã từ tháng 3/2010. Gặp nhau, thiếu tá Vũ Văn Hậu cười ấm áp: "Nhận nhiệm vụ mới, việc đầu tiên tôi nghĩ là phải tìm cách làm yên ổn lòng dân, từ đó tạo cơ sở để phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, tôi đã tham mưu cho Đảng ủy, chính quyền phối hợp với đồn biên phòng giải quyết tình trạng truyền đạo Tin Lành trái pháp luật ở bản Phà Lõm”… Vào khoảng cuối năm 2010 - đầu 2011, đối tượng Lầu Y Xía sang Lào chăm bố chồng điều trị tại bệnh viện đã bị kẻ xấu tiêm nhiễm, trở về quê cấu kết với các đối tượng xấu tổ chức truyền đạo cho 14 chị em bản Phà Lõm và Huồi Sơn. Nắm được tình hình, Vũ Văn Hậu đã tham mưu thành lập đoàn công tác của xã, phối hợp với đoàn công tác liên ngành của huyện về tuyên truyền, vận động đồng bào Mông ở Phà Lõm và Huồi Sơn không nghe theo lời kẻ xấu. Cuối cùng, 14 chị em đã bỏ hẳn việc theo đạo Tin Lành, riêng Lầu Y Xía đã viết cam kết không tiếp tục tổ chức truyền đạo trái pháp luật.

Không chỉ riêng thiếu tá Hậu, mà mỗi cán bộ chiến sỹ biên phòng ở đây đều coi bà con như người thân ruột thịt của mình. Thượng tá, Đồn trưởng Ngô Xuân Viết cho biết: Cán bộ, chiến sỹ đồn đã đóng góp tiền lương làm thủy điện nhỏ, mua bàn ghế cho nhà văn hoá cộng đồng của bản. Năm 2012, cán bộ, chiến sỹ góp được 18 triệu đồng, giúp đỡ nhiều ngày công để hỗ trợ 2 hộ thoát nghèo; hỗ trợ 4 học sinh nghèo, trong đó có 2 em mồ côi ăn học; đóng góp ngày công làm nhà ở cho mẹ Vi Thị Huệ (vợ liệt sỹ). Ngoài ra, cán bộ chiến sỹ trong đồn còn giúp dân làm các công trình vệ sinh gia đình, chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm...

Tam Hợp giờ đây đã khác xưa nhiều lắm. Bản Huồi Sơn đã có điện từ năm 2012, Phá Lõm cũng đang hoàn thiện đường dây. Đường Na Ngoi-Nậm Càn với điểm bắt đầu từ Tam Hợp mặc dù không thông xe 4 mùa nhưng cũng đã đi lại được. Nhiều mô hình kinh tế được áp dụng như phục chế giống bò Mông, chăn nuôi gà Mông, lợn đen thông qua sự giúp đỡ của các đồn biên phòng. Giống lợn được chuyển về cho đồn, từ “trung tâm giống” này, lợn con được điều chuyển về cho các gia đình. Kinh tế phát triển, nhiều gia đình có nhà to đẹp, những hộ như Xồng Chư Thái, Xồng Pà Chù, Xồng Nhìa Xử, Lầu Nhìa Chả có đến 30 con trâu, bò.

Đã thấy bình yên trở lại trên những nẻo đường biên xứ Nghệ. Bà con các dân tộc tin tưởng, yên tâm làm ăn. Những ruộng lúa 2 vụ, đàn trâu bò khua mõ lốc cốc vang núi rừng... Xen lẫn cảnh vật yên bình là hình bóng  người lính mang quân hàm xanh.

 

Nhóm PV

Theo Baonghean.vn


  Các Tin khác
  + Sắc xuân trên Thành Vinh (21/01/2025)
  + Làng gì mà ngày nào cũng phát ra tiếng kêu tại Hà Tĩnh? (14/01/2025)
  + Bế mạc Lễ hội Du lịch và Ẩm thực Sen Nghệ An năm 2024 (02/12/2024)
  + Vượt lũy tre làng, nữ giám đốc HTX ở Hà Tĩnh đưa nước mắm biển Thiên Cầm xuất ngoại (12/11/2024)
  + Một cây cổ thụ là cây trôi đã sống 800 tuổi ở Hà Tĩnh được công nhận cây Di sản Việt Nam (26/09/2024)
  + Đến Hà Tĩnh, ngắm bình minh trên biển Hoành Sơn (17/09/2024)
  + Bản sắc SLNA - sự khác biệt tuyệt vời ở V.League 2024/2025 (31/08/2024)
  + Làng Đỏ - nơi”căm thù như biển lửa, đã đứng lên”… (31/08/2024)
  + Đại gia Trần Quang Luận và hệ sinh thái Thanh Thành Đạt nổi danh xứ Nghệ (15/08/2024)
  + Khát vọng Thanh Chương (11/08/2024)
  + Hà Tĩnh gặp mặt chúc mừng học sinh đoạt HCB Olympic Toán học quốc tế (02/08/2024)
  + Cầu Nhe - nơi ghi dấu tinh thần quả cảm của 53 liệt sỹ (23/07/2024)
  + Vô xứ Nghệ thăm quê Bác (13/07/2024)
  + Về lại Nậm Nơn (02/07/2024)
  + 48 giờ ở Nghệ An (17/06/2024)
  + Bến Thủy - cây cầu thế kỷ của xứ Nghệ (09/06/2024)
  + Đôi vợ chồng "thổi hồn" vào dân ca ví, giặm (06/06/2024)
  + 9 điểm du lịch hấp dẫn không thể bỏ qua khi đến miền Tây xứ Nghệ (26/05/2024)
  + Trần Đình Sơn - "cánh chim đầu đàn” của điền kinh Hà Tĩnh (25/05/2024)
  + Nghệ An: Cả làng kiếm bộn tiền từ con đặc sản "cưỡi máy bay xuất ngoại” (20/05/2024)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 3
Total: 66567596

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July