Trang chủ Liên hệ       Thứ sáu, Ngày 03/05/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
  -  Đất và người Xứ Nghệ
  -  Dân ca Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Truyền thống Nghệ Tĩnh >
  Ngã ba Anh hùng nảy những mầm thơ Ngã ba Anh hùng nảy những mầm thơ , Người xứ Nghệ Kiev
 

 

Đúng vào dịp Hà Tĩnh chuẩn bị tổ chức kỷ niệm 45 năm chiến thắng Đồng Lộc (24.7.1968 – 24.7.2013) cũng là ngày giỗ 10 liệt nữ TNXP đã anh dũng hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc, cuốn “Bài ca Đồng Lộc”, thơ của nhiều tác giả trong cả nước, do nhà thơ, soạn giả Gia Dũng biên soạn, NXB Văn học ấn hành, tổng phát hành Trung tâm Văn hóa Tràng An như một nén tâm nhang dâng lên hương hồn những liệt sĩ đã hy sinh vì nước.

Trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, hiếm có một Ngã ba nào là đề tài và cảm hứng cho thơ nhiều như Ngã ba Đồng Lộc. Hơn 200 trang của cuốn sách chưa gói ghém được tất cả những bài thơ hay viết về Ngã ba Đồng Lộc nhưng đã nói lên tình cảm, sự khâm phục và lòng biết ơn với các nữ anh hùng trung trinh tiết liệt, mà hình ảnh của các cô gái không bao giờ phai nhạt trong tâm trí người dân đất Việt, những con người yêu hòa bình và thấm nhuần đạo lý “uống nước nhớ nguồn” tự bao đời của dân tộc.

Ngã ba Anh hùng nảy những mầm thơ

Ngã ba Đồng Lộc không chỉ mang ý nghĩa đơn thuần về mặt giao thông vận tải huyết mạch vào tuyến lửa thời đó, mà đã mang một tầm khái quát con đường của dân tộc và của mỗi con người như nhà thơ Huy Cận từng trò chuyện với con trong bài thơ: “Ngã ba Đồng Lộc”: “Trong đời mỗi dân tộc cũng có những ngã ba quyết định/ Những ngã ba vận mệnh/ Những cái nút trên dặm dài lịch sử/ Gặp những ngã ba đời, con sẽ nghĩ suy/ Và con ơi, muốn tìm đúng hướng đi/ Con sẽ nhớ đến Ngã ba Đồng Lộc”.

Đa số các bài thơ trong tuyển tập: “Bài ca Đồng Lộc”,“đều nói lên cảm xúc của nhà thơ khi đến mảnh đất này: hồi tưởng, kỷ niệm, khâm phục, tiếc thương…” – (Vương Trọng). Bài thơ đầu tiên viết viết Ngã ba Đồng Lộc và được viết chính trên mảnh đất còn khét mùi bom đạn vào ngày 25.7.1968 ấy khiến người đọc nghẹn lòng. Sau trận bom anh em tìm mãi chỉ thấy thi thể của chín cô, còn thi thể của tiểu đội phó Hồ Thị Cúc tìm mãi suốt đêm 24 và sáng ngày 25 vẫn không thấy. Có ai đó đề nghị gọi hồn Hồ Thị Cúc và kỹ sư giao thông Nguyễn Thanh Bính, tức Yến Thanh đã làm bài thơ: “Cúc ơi” gọi hồn chị và kỳ diệu thay, sau đó các đồng đội tìm được căn hầm cá nhân nơi chị hy sinh.

Linh thiêng Đồng Lộc
Bên mộ phần chị Hồ Thị Cúc. Ảnh: Ngọc Phú

Bài thơ được viết bằng tất cả nỗi xót thương, khẩn cầu và hy vọng. Tiếng gọi khẩn thiết thấu cả đất trời: “Tiểu đội đã xếp một hàng ngang/ Cúc ơi em ở đâu không về tập hợp/ Chín bạn đã quây quần đủ hết…/ Chỉ thiếu mình em/ (Chín bỏ làm mười răng được!)/ Bọn anh đã bới tìm vẹt cuốc/ Đất sâu bao nhiêu bọn anh cũng không cần/ Chỉ sợ em đau nên nhát cuốc chùng…/ Ở đâu hỡi Cúc/ Đồng đội tìm em/ Đũa găm cơm úp/ Gọi em, gào em/ Khản cổ cả rồi/ Cúc ơi!”.

Bài: “Tiếng vọng từ lòng đất” của Bùi Mạnh Hảo lại như một khúc tráng ca với những hình tượng nghệ thuật độc đáo ngợi ca tấm gương “Trinh liệt” của các chị: “Các O bay đi/ Không mang gì/ Hành trang là tâm hồn trinh trắng/ Cuốn mây bom, đẩy về nơi tận cùng xa vắng/ Vén trời xanh dâng đất mẹ thân yêu”.

Vâng! Mười cô gái hy sinh ở Ngã ba Đồng Lộc cùng bao chiến sĩ hy sinh trên chiến trường có bao giờ mang theo một chút riêng tư nào đâu nhưng các anh các chị để lại thật nhiều cho quê hương đất nước: “Các O để lại/ Thật nhiều/ Như cánh đồng phì nhiêu/ Như dòng sông cuộn chảy/ Như nắng/ Như mưa/ Như bầu sữa thơm dụ bầy trẻ nhỏ/ Cả môi hôn cháy đỏ một khoảng trời”. Hình tượng thơ tươi sáng, tự nhiên như một chân lý cùng những ẩn dụ tinh tế đã hướng người đọc vào những giá trị cao cả nhất, vô tư, trong sáng nhất sự hy sinh của các chị vì quê hương đất nước, vì hạnh phúc muôn đời. Tác giả cảm nhận được ánh sáng diệu kỳ tỏa ra từ xương thịt của bao ngườì hy sinh vì tương lai dân tộc như những hạt phù sa thầm lặng làm nên những cánh đồng trù phú và cả những cánh đồng người: “Ở đây,/ Không có mặt trời/ Lại rất rõ/ Ánh sáng phát ra từ xương thịt của nhau/ Cả cha ông nữa/ Nhưng nhiều nhất của các anh bộ đội/ Từng li ti thành biển sáng vô cùng…”.

Các chị, các anh vẫn sống trong lòng Tổ quốc, hiện hữu trong mỗi mùa trái ngọt, trong mỗi nụ hôn trao. Bởi vậy: “Âm dương cách biệt đôi nơi/ Mà nghe đồng vọng cho người lệ rơi/ Các O ơi! Các O ơi!/ Quê hương mãi mãi ngàn đời nhớ ơn”.

Còn bài: “Linh chuông Đồng Lộc” của Đặng Quốc Vinh lại ngân nga cùng đất trời và lòng người niềm tri ân thành kính và khúc nguyện cầu cho đất nước: “Thành kính tri ân, đồng lòng, chung sức/ Đúc linh chuông treo giữa trời cao/ Để tiếng chuông vọng đến mai sau/ Cho siêu thoát những linh hồn đã khuất/ Cho Quốc thái, dân an, triệu người như một/ Cho Việt Nam cường thịnh muôn đời!”.

Bài: “Trước phần mộ chị Trần Thị Hường ở Ngã ba Đồng Lộc” của Nguyễn Ngọc Vượng lại như lời tâm sự, như tiếng gọi thiết tha với người dưới mộ mà sự hy sinh của chị đã trở thành huyền thoại, như trong cổ tích sống mãi trong lòng người. Trong bài tác giả nhiều lần tha thiết gọi: “Về đi chị ơi!” khi: “Khóm sả còn xanh, gương lược hãy còn/ Bia đá, miệng bom, chứng tích và di tích…/ Không có gì đẹp bằng cổ tích” và tất cả như mới vừa hôm qua thôi, tất cả vẫn đang ngóng đợi chị về: “Về đi chị ơi!/ Vẫn còn đây buổi chợ chiều chạng vạng/ Vẫn còn đây bóng Mẹ già loạng quạng/ Đợi câu cổ tích quê mình”.

Linh thiêng Đồng Lộc
Cụm tượng đài và tháp chuông Đồng Lộc. Ảnh: Ngọc Phú

Trong tập thơ “Bài ca Đồng Lộc”, ta thấy có sự góp mặt của nhiều nhà thơ tên tuổi như: Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Ngọc Phú, Huy Cận, Vũ Quần Phương, Nguyễn Đức Mậu, Mai Văn Phấn…cùng nhiều nhà thơ chuyên và không chuyên khác. Tất cả làm nên một khúc hòa ca với nhiều cung bậc, nhiều sắc thái biểu cảm của lòng tri ân trước tấm gương “Trinh liệt” của mười cô gái đã hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc.

Song, một trong những bài để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc chính là bài: “Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc” của Vương Trọng. Bài thơ có môt cấu tứ không theo lối thông thường. “Lời thỉnh cầu” ở đây không phải của những người đang còn sống, mà là lời của mười liệt sĩ nói với những người đến viếng. Các cô gái không hề nghĩ đến một chút cho riêng mình: “Mười bát nhang hương cắm thế đủ rồi/ Còn hương nữa hãy dành phần cho đất/ Ngã xuống nơi này đâu chỉ có chúng tôi/ Bao xương máu mới làm nên Đồng Lộc/ Lòng tưởng nhớ xin chia đều khắp/ Như cỏ trong thung, như nắng trên đồi”.

Cái đức của người Việt, đặc biệt của người phụ nữ Việt Nam như thế đấy, luôn hy sinh vì người khác mà chỉ nhận cho mình một chút nhỏ nhoi: “Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang/ Cho mọc dậy vài cây bồ kết/ Hương chia đều trong hư ảo khói nhang.”. Chính sự độc đáo trong phong cách thể hiện và tính nhân văn sâu sắc, đậm đà chất dân tộc và rất hiện đại mà bài thơ này được dịch ra tiếng Anh và khắc vào bia đá đặt dưới gốc cây bồ kết gần khu mộ của mười cô gái.

Ngay đầu tập thơ in trang trọng lời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp:

“Tôi nhớ mãi, một lần đi qua Ngã ba Đồng Lộc gặp anh chị em TNXP đang hăng say làm việc ban đêm.

Khi biết tôi, các anh chị em ôm chầm lấy tôi khóc nức nở.

- Bác ơi! Mời bác đi nhanh lên, kẻo máy bay địch đến thả bom.

Và không ngờ ít ngày sau đó, tôi được tin chính các cháu gái hôm ấy đã hy sinh trong trận đánh ngày 24. 7. 1968.

Tấm gương nghĩa liệt của mười TNXP làm nhiệm vụ tại Ngã ba Đồng Lộc sẽ đời đời được Tổ quốc ghi công”.

Hôm nay, chúng ta thành kính dâng lên hương hồn các chị cuốn: “Bài ca Đồng Lộc” đúng vào dịp kỷ niệm lần thứ 45 ngày giỗ các chị như một nén tâm nhang. Cầm tập thơ nặng trĩu ân tình này mỗi chúng ta đều rưng rưng bao nỗi niềm khó tả và thấm thía hơn về những hy sinh mất mát không gì đong đếm được của các chị và của cả dân tộc trong quá khứ để đất nước có độc lập tự do.

Tuyển tập “Bài ca Đồng Lộc” là một ấn phẩm có giá trị nối liền quá khứ với hiện tại và hữu ích cho mai sau.

Hà Nội, tháng 7.2013

TRẦN VÂN HẠC

(Quỳnh Lôi, Hai Bà Trưng, Hà Nội)

Theo báo hà tĩnh


  Các Tin khác
  + Ngắm cây cầu dài nhất tuyến cao tốc Bắc - Nam sắp hoàn thành (07/04/2024)
  + Khám phá vẻ đẹp huyền bí hang Dơi Khét trên núi Phá Èn (07/04/2024)
  + Ở một xã của tỉnh Nghệ An có con đường hoa gạo đỏ rực, người ta kéo đến quay phim, chụp ảnh (03/04/2024)
  + Vui hội đền Chín Gian (23/03/2024)
  +   Đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh Khu lưu niệm Đại tướng Chu Huy Mân (17/03/2024)
  + Tưng bừng khai hội Đền Thanh Liệt năm 2024 (17/03/2024)
  + Công an Nghệ An xứng danh anh hùng, đồng sức đồng lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân (10/03/2024)
  + Những chiến sĩ áo trắng vùng biên: Quyết không bỏ nghề, tất cả vì sức khỏe nhân dân (06/03/2024)
  + Về "làng Khoa bảng " xem bà con nông dân làm du lịch (06/03/2024)
  + Dòng sông Mai Giang chảy qua thị xã nào của Nghệ An, có lễ hội gì mà vạn người trên bờ cổ vũ? (02/03/2024)
  + Nghệ sĩ Lê Thanh Phong và hành trình đưa ví, giặm vượt biên giới (01/03/2024)
  + Nhiều viên gạch quý hiếm tại đền thờ Trạng nguyên Hồ Hưng Dật (01/03/2024)
  + Lưu mãi nét đẹp văn hoá Thổ ở làng Mo Mới (01/03/2024)
  + Nghĩ về dòng chảy di sản văn hóa xứ Nghệ (01/03/2024)
  + Đặc sản thịt chua xứ Nghệ vào vụ Tết (30/01/2024)
  + Biển Cửa Lò ở Nghệ An có từ bao giờ, cái tên Thiên Cầm ở Hà Tĩnh sao lại liên quan đến Hồ Quý Ly? (30/01/2024)
  + Một cây cổ thụ 700 năm tuổi ở Hà Tĩnh tương truyền cứu vua Lê Thái Tổ nay vẫn xanh um, quả thơm khắp làng (30/01/2024)
  + TẢN MẠN CHUYỆN Ở XÓM... (02/11/2023)
  + Ngôi chùa nhà Trần với tích tiên nữ giáng trần dạo chơi, rửa chân ở Hà Tĩnh có gì đặc biệt? (16/10/2023)
  + Làng cổ ở Nghệ An là làng duy nhất của Việt Nam có tới 3 nhà khoa bảng giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám (16/10/2023)
Playlist

GIỚI THIỆU
 

Kính thưa quý độc giả 

Website nguoixunghekiev.vn

hoạt động chính thức từ tháng

10/2012. và  phi lợi nhuận.

Trang tin đăng tải tin tức 

của cộng đồng người Việt tại Kiev

và toàn Ucraina, đồng thời lấy tin 

từ các trang báo mạng khác trên

nguyên tắc trích dẫn nguyên bản 

đường nguồn chính. Là những

người làm báo không chuyên nên

chắc chắn sẽ gặp sai sót không

mong muốn, chúng tôi sẽ tiếp thu 

chân thành những góp ý xây dựng 

của quý độc giả để cho trang tin 

ngày càng hoàn thiện hơn, xin gửi

về mục liên hệ trên mặt báo hoặc

Email: hosytruc@gmail.com

ĐT: 093-712-24-57

093-973-97-39

Xin trân trọng cảm ơn.

Biên tập: Hồ Sỹ Trúc

 

 

 
 
 

 

 


QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 4
Total: 60612822

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July