Trang chủ Liên hệ       Thứ năm, Ngày 23/01/2025
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
  -  Đất và người Xứ Nghệ
  -  Dân ca Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Truyền thống Nghệ Tĩnh >
  TỪ ĐỊA PHƯƠNG NGHỆ TĨNH: VỀ MỘT KHÍA CẠNH NGÔN NGỮ- VĂN HOÁ TỪ ĐỊA PHƯƠNG NGHỆ TĨNH: VỀ MỘT KHÍA CẠNH NGÔN NGỮ- VĂN HOÁ , Người xứ Nghệ Kiev
 

 T ĐỊA PHƯƠNG NGH TĨNH:

VỀ MT KHÍA CNH NGÔN NG- VĂN HOÁ

TS. Hoàng Trọng Canh

 

Trích chương 3 và 4 cuốn "Từ địa phương Nghệ tĩnh: Về một khía cạnh ngôn ngữ - văn hoá" của Hoàng Trọng Canh do Nhà xuất bản Khoa học Xã hội xuất bản (Hà Nội, 2009, 471 tr.).

 

 Photobucket

 

MỤC LỤC

LỜI GIỚI THIỆU

LỜI NÓI ĐẦU

..............................................

CHƯƠNG 3: NHỮNG DẤU ẤN VĂN HOÁ CỦA NGƯỜI NGHỆ TĨNH QUA TÊN GỌI VÀ CÁCH GỌI TÊN, XÉT TRÊN MỘT SỐ NHÓM TỪ

3.1. Cơ sở chung của vấn đề

3.2. Thế giới thực tại trong con mắt của người Nghệ Tĩnh qua tên gọi và cách gọi tên, xét trên một số nhóm từ

3.2.1. Nhóm từ xưng hô trong phương ngữ Nghệ Tĩnh

3.2.2. Nhóm từ chỉ nghề cá

3.2.3. Nhóm từ chỉ hoạt động đánh giá sự vật

CHƯƠNG 4: TỪ ĐỊA PHƯƠNG TRONG HOẠT ĐỘNG SÁNG TẠO THƠ DÂN GIAN NGHỆ TĨNH

4.1. Vài nét về nội dung và hình thức các tác phẩm thơ dân gian Nghệ Tĩnh

4.2. Sự phân bố của vốn từ địa phương trong các tác phẩm thơ dân gian Nghệ Tĩnh

4.2.1. Về sự phân bố chung của các từ địa phương

4.2.2. Sự phân bố của các từ địa phương xét về từ loại

4.3. Vai trò của từ địa phương trong các tác phẩm thơ dân gian Nghệ Tĩnh

4.3.1. Từ ngữ địa phương với vai trò phản ánh hiện thực trong các sáng tác thơ dân gian Nghệ Tĩnh

4.3.2. Vai trò của từ ngữ địa phương trong nghệ thuật biểu hiện nội dung của các sáng tác thơ dân gian Nghệ Tĩnh

KẾT LUẬN

TÀI LIỆU THAM KHẢO

PHỤ LỤCBảng kê từ ngữ địa phương (t ra từ các tác phẩm thơ dân gian Nghệ Tĩnh do Nguyễn Đổng Chi và Ninh Viết Giao sưu tầm)

LỜI GIỚI THIỆU

Lâu nay, phương ngữ học thường được nghiên cứu chủ yếu là theo quan điểm của ngôn ngữ học lịch sử và địa lí ngôn ngữ học. Những đóng góp của các tác giả có tên tuổi ở nước ta đi theo xu hướng này là hiển minh và rất quý báu. Song hướng tiếp cận phương ngữ học nhủ thế cũng có những hạn chế nhất định, do bản thân cách tiếp cận không cho phép các tác giả thoát ra khỏi những hạn chế của cấu trúc luận thuần tuý. Trong mấy thập kỷ lại đây, với sự tiếp thu và phát triển của xã hội - ngôn ngữ học, của ngôn ngữ học tri nhận, của ngôn ngữ - văn hoá học,...trong Việt ngữ học nói chung và trong phương ngữ học tiếng Việt nói riêng đã thấy xuất hiện những luồng sinh khí mới. Chuyên luận “Từ địa phương Nghệ Tĩnh – về một khía cạnh ngôn ngữ - văn hoá” của Hoàng Trọng Canh là một trong những biểu hiện cụ thể của luồng sinh khí mới đó. Sở dĩ có thể nói như vậy là vì tác giả chuyên luận đã tiếp cận và nghiên cứu đối tượng bằng một hệ phương pháp khoa học, không chỉ dừng lại ở sự miêu tả đặc điểm lớp từ địa phương Nghệ Tĩnh theo quan điểm hệ thống cấu trúc, mà còn đi sâu vào nghiên cứu lớp từ đó theo quan điểm của ngôn ngữ - văn hoá học; ở đây, trong chuyên luận này, chúng ta cũng có thể thấy tác giả đã vận dụng nhuần nhuyễn cả những hiểu biết và phương pháp của xã hội ngôn ngữ học, ngôn ngữ học tri nhận và phương ngữ học truyền thống. Chính những điều đó đã làm cho công trình nghiên cứu phương ngữ có sắc thái hiện đại, ít nhiều vượt khỏi khuôn khổ của ngôn ngữ học truyền thống.

Dựa trên tư liệu phong phú được thu thập công phu với quy mô lớn, tương đối toàn diện từ hai nguồn, điều tra điền dã qua giao tiếp khẩu ngữ và nguồn cứ liệu từ thơ ca dân gian, lại là người địa phương xứ Nghệ nên đã cho phép tác giả chuyên luận triển khai nghiên cứu nhiều nội dung ở diện rộng và chiều sâu, vừa khái quát vừa cụ thể về bức tranh từ vựng - ngữ nghĩa phương ngữ Nghệ Tĩnh. Có thể nói, qua chuyên luận này, lần đầu tiên diện mạo toàn cảnh hệ thống từ vựng - ngữ nghĩa phương ngữ Nghệ Tĩnh hiện lên khá rõ nét về vốn từ vựng, về những đặc điểm ngữ âm, ngữ nghĩa, cấu tạo và cách thức sử dụng. Nhờ đó, chuyên luận cũng góp phần làm cho bức tranh chung về phương ngữ Bắc Trung Bộ nổi rõ hơn.

Đọc chuyên luận, người đọc dễ dàng thấy được những kết quả nghiên cứu cụ thể của tác giả về các phương diện nêu trên với cách miêu tả tỉ mỉ, chính xác, cứ liệu phong phú và cách luận giải có cơ sở dựa trên những những lí luận cơ bản về ngữ âm, ngữ nghĩa, hình thái và ngữ pháp có hiệu lực:

Thứ nhất, các kiểu tương ứng giữa hình thức ngữ âm của từ vựng Nghệ Tĩnh với ngữ âm của từ vựng toàn dân, về phụ âm đầu, về vần và thanh điệu là những miêu tả, kết luận hết sức cụ thể và có giá trị khoa học;

Thứ hai, các mô hình về cấu tạo từ phức địa phương Nghệ Tĩnh với các yếu tố cấu tạo từ địa phương là một trong những đóng góp cụ thể của chuyên luận, vừa khẳng định lý luận về cấu tạo từ mà mình chấp nhận, vừa khởi xướng ra một cách thức nghiên cứu từ vựng địa phương về cấu tạo từ, điều đó cũng có nghĩa là khi nghiên cứu cấu tạo từ của các tiếng địa phương khác có thể vận dụng các cách thức này như là một gợi ý;

Thứ ba, sự miêu tả đặc điểm ngữ nghĩa của từ vựng Nghệ Tĩnh có thể xem là trọng tâm và cũng là thành công nổi bật của chuyên luận. Sáu kiểu tương ứng ngữ âm và ngữ nghĩa giữa từ vựng Nghệ Tĩnh với từ vựng toàn dân cùng các kiểu nhỏ trong mỗi kiểu mà tác giả đã mô tả đối sánh có thể làm cho người đọc thấy rằng, bên cạnh mặt ngữ âm khá riêng biệt thì tiếng Nghệ Tĩnh là một hệ thống ngữ nghĩa với 6 lớp từ vựng, mỗi lớp như vậy có đặc điểm ngữ nghĩa riêng. Những kết quả như thế rõ ràng là cần thiết làm cho sự hình dung về bức tranh phương ngữ Nghệ Tĩnh nói riêng, phương ngữ tiếng Việt nói chung bên cạnh những khác biệt về ngữ âm còn là sự khác biệt về ngữ nghĩa có tính hệ thống, sắc thái phương ngữ là sắc thái âm – nghĩa. Cũng vậy, thói quen hay là sự lựa chọn ngôn ngữ của người địa phương không chỉ là phát âm mà còn là những cảm nhận, phân biệt nghĩa một cách tự nhiên, sự phù hợp của các từ về nghĩa trong giao tiếp;

Thứ tư, chương 3 tác giả đặt ra ba câu hỏi: “Những thuộc tính và những quan hệ gì của sự vật được người Nghệ Tĩnh tri nhận, biểu đạt trong phương ngữ của mình? Thuộc tính và quan hệ đó được biểu đạt như thế nào trong phương ngữ Nghệ Tĩnh. Những thuộc tính, những quan hệ được phản ánh vào từ vựng Nghệ Tĩnh và cách biểu đạt chúng phản ánh những đặc trưng gì của văn hoá Nghệ Tĩnh, của tính cách người dân xứ Nghệ?”. Bằng việc lựa chọn và miêu tả dưới góc độ định danh - tri nhận theo hướng tiếp cận ngôn ngữ - văn hoá đối với 3 nhóm từ vựng khá đặc trưng cho cuộc sống, cách ứng xử cũng như thói quen tư duy của người dân xứ Nghệ là: các từ ngữ chỉ quan hệ thân tộcvà xưng hô, lớp từ chỉ nghề đánh cá, và các từ ngữ biểu thị thuộc tính được đánh giá theo thang độ, chuyên luận cho người đọc thấy cách tiếp cận nghiên cứu hệ thống từ vựng địa phương theo thuộc tính mở. Giải đáp các câu hỏi trên một cách tường minh thật không dễ, nhất là câu hỏi thứ ba, song trong một chừng mực nhất định, với các ngữ liệu phong phú, qua các hình ảnh biểu trưng được lựa chọn và cách phân tích so sánh khách quan, và cũng thật lý thú, tác giả đã cho thấy phần nào những nét dấu ấn có tính đặc trưng về văn hoá, tư duy của người Nghệ;

Thứ năm, nếu như ở chương 2 tác giả cho ta thấy diện mạo, đặc điểm ngữ nghĩa của vốn từ địa phương Nghệ Tĩnh được nhìn theo quan điểm hệ thống - cấu trúc, chương 3 từ ngữ địa phương được xét từ góc độ định danh, sự tri nhận thì trong chương 4, Hoàng Trọng Canh lại cho ta thấy diện mạo của nó nhìn từ góc độ chức năng. Với cảm thức tinh tế của người bản ngữ, tác giả không chỉ cung cấp cho người đọc những con số thống kê về số lượng và tần số từ ngữ địa phương trong hành chức – một dạng hành chức đặc biệt, đó là sáng tạo thơ dân gian mà qua phân tích miêu tả người đọc còn thấy được vai trò, giá trị nhiều mặt về nội dung và nghệ thuật của từ ngữ phương ngữ trong các thể thơ dân gian.

Ngoài ra, có một điều khá lý thú là trong chuyên luận của mình, Hoàng Trọng Canh nhiều khi đưa ra được những nhận xét lôi kéo người đọc cùng suy nghĩ với tác giả. Chẳng hạn, về thanh điệu, anh cho rằng, tiếng Nghệ Tĩnh không những không có đủ 6 thanh như phương ngữ Bắc mà trong thực tế phát âm của người địa phương, phẩm chất các thanh này cũng khác và sự khu biệt giữa các thanh này cũng không rõ ràng. Theo tác giả lí giải, sở dĩ có hiện tượng đó là do hệ thanh điệu tiếng Nghệ trầm, “sự đối lập về âm vực mờ đi nên trong tiếng Nghệ Tĩnh các cặp thanh điệu có đường nét gần nhau giữa âm vực cao với âm vực thấp càng xích lại gần nhau; sự đối lập các thanh về đường nét trong nhóm thanh (gãy và không gãy) bị nhòe đi, tính khu biệt của các thanh vì thế mà không rõ ràng”.

Toàn bộ nội dung cuốn sách được sắp xếp theo một bố cục chặt chẽ, trình tự hợp lý, lối trình bày dung dị, rành rẽ và sáng rõ từ trong lập luận đến dẫn cứ liệu, rất dễ theo dõi.

Như vậy, chừng ấy vấn đề cũng có thể nói tác giả của chuyên luận đã dày công nghiên cứu và làm được nhiều điều, vượt ra ngoài khuôn khổ một luận án Tiến sĩ mà chính anh đã thực hiện gần đây. Đây là công sức, là những ý tưởng khoa học được ấp ủ, nghiền ngẫm và thực hiện trong dài ngày. Dù rằng tác giả bộc bạch “Những thống kê, miêu tả kiến giải trong công trình này mới chỉ là những kết quả bước đầu trên con đường học tập, tìm hiểu phương ngữ, không dám xem là khám phá, phát hiện khoa học” nhưng theo chúng tôi, công trình khoa học này được giới thiệu với đông đảo bạn đọc thì chắc chắn sẽ đem lại nhiều bất ngờ thú vị không chỉ đối với bạn đọc còn lạ lẫm với mảnh đất và con người Nghệ Tĩnh mà có thể với cả những người con xứ Nghệ đang sinh sống tại quê hương hay trên mọi vùng quê của đất nước. Xét về chuyên môn, trong bối cảnh thành quả nghiên cứu của ngành phương ngữ học tiếng Việt được công bố chưa nhiều, việc có thêm một công trình như thế này ra đời là cần thiết, có ý nghĩa đối với công việc nghiên cứu của ngành phương ngữ học tiếng Việt nói riêng, Việt ngữ học nói chung.

Hà Nội, ngày 20 - 9 -2008

GS TS. NGND LÊ QUANG THIÊM

Quy ước trình bày

Tên các tác phẩm thơ dân gian Nghệ Tĩnh - đối tượng khảo sát ngữ liệu trong chương 4, được chúng tôi viết tắt như sau:

 - CDNT : Ca dao Nghệ Tĩnh

 - HGNT:Hát giặm Nghệ Tĩnh

 - HPV : Hát phường vải

 -VNT: Vè Nghệ Tĩnh

LỜI NÓI ĐẦU

Tiếng địa phương Nghệ Tĩnh có vị trí quan trọng trong nghiên cứu những vấn đề đồng đại và lịch đại tiếng Việt. Vì thế từ trước đến nay, phương ngữ Nghệ Tĩnh đã được các nhà ngôn ngữ học nước ngoài và trong nước quan tâm. Tuy nhiên, các công trình trước về đối tượng này chủ yếu chỉ bàn về phương diện ngữ âm của nó. Từ vựng địa phương Nghệ Tĩnh, đặc biệt là phương diện ngữ nghĩa chưa được khảo sát đầy đủ và chưa có một chuyên luận bàn riêng.

Chọn từ vựng địa phương Nghệ Tĩnh làm đề tài với trọng tâm hướng vào ngữ nghĩa, khảo sát chúng trên nhiều hướng mở theo quan điểm của ngôn ngữ học hiện đại, chuyên luận này là kết quả khảo sát của chúng tôi được công bố chủ yếu trong luận án Tiến sĩ (2001) cùng những tư liệu, nội dung bổ sung trong thời gian gần đây. Sách nhằm góp phần cùng các tác giả đi trước xác định một bức tranh toàn cảnh về vốn từ địa phương Nghệ Tĩnh, miêu tả các đặc điểm từ vựng - ngữ nghĩa và sự hành chức của từ địa phương trong các sáng tác thơ dân gian, cũng như những nét sắc thái văn hoá của người Nghệ qua thói quen ứng xử, tri nhận, phân cắt thực tại trong định danh.

Trong quá trình thực hiện và hoàn thiện công trình này, chúng tôi đã nhận được sự góp ý quý báu, sự khích lệ của GS.TS.NGND Lê Quang Thiêm, GS.TS Đinh Văn Đức, GS.TS Hoàng Trọng Phiến, GS.TS Phạm Đức Dương, GS.TSKH Nguyễn Quang Hồng, GS.TS Nguyễn Thiện Giáp, GS.TS Nguyễn Văn Lợi, GS.TS Trần Trí Dõi, PGS.TS Vũ Quang Hào, PGS.TS Phạm Văn Hảo, PGS.TS Vũ Đức Nghiệu, GS.TS Nguyễn Nhã Bản và của nhiều đồng nghiệp khác. Tự đáy lòng, cho phép tôi được bày tỏ ơn sâu và xin cảm ơn các thầy giáo.

 Đặc biệt, tôi xin kính cẩn cảm tạ trước hương hồn của cố GS TS Hoàng Văn Hành, cố GS TS NGND Đỗ Hữu Châu, những người đã chỉ bảo cho tôi nhiều điêù hết sức quý báu trong quá trình nghiên cứu đề tài này.

Chúng tôi cũng xin cảm ơn TS Vi Quang Thọ, Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Khoa học xã hội và các phòng ban chức năng đã tạo điều kiện thuận lợi để quyển sách được xuất bản nhanh chóng. Xin cảm ơn PGS.TS Phạm Văn Tình (Viện Ngôn ngữ học) đã nhiệt tình giúp đỡ tôi biên tập và có những nhận xét góp ý vô cùng hữu ích cho cuốn sách này.

Đây là lần xuất bản đầu tiên; những thống kê, miêu tả, kiến giải trong công trình này mới chỉ là những kết quả bước đầu trên con đường học tập, tìm hiểu phương ngữ, tôi không dám xem là khám phá, phát hiện khoa học. Chắc chắn cuốn sách không tránh khỏi những thiếu sót. Rất mong bạn đọc gần xa chỉ giúp cho những vấn đề cần bổ khuyết. Chúng tôi xin chân thành gửi lời cảm ơn trước.

 

Tp. Vinh - Nghệ An, ngày 15- 9 – 2008

TS. Hoàng Trọng Canh 

CHƯƠNG 3

NHỮNG DẤU ẤN VĂN HOÁ CỦA NGƯỜI NGHỆ TĨNH

QUA TÊN GỌI VÀ CÁCH GỌI TÊN, XÉT TRÊN MỘT SỐ NHÓM TỪ

 

3.1. Cơ sở chung của vấn đề

   Nếu như chương 2, từ địa phương Nghệ Tĩnh chủ yếu được xét trên quan hệ âm - nghĩa trong sự so sánh với từ toàn dân từ đó chúng ta đã xác định được đặc điểm ngữ nghĩa của từ ngữ phương ngữ trong hệ thống thì chương này, từ ngữ địa phương lại được xét trong mối quan hệ tri nhận - định danh, về phương diện phản ánh hiện thực – một khía cạnh văn hoá - ngôn ngữ.

Cơ sở khoa học cũng như những tiền đề về phương pháp nghiên cứu của vấn đề mà chúng tôi tìm hiểu trong chương này đó là mối quan hệ ngôn ngữ và văn hoá. Đặt ra mục đích tìm hiểu bản sắc văn hoá dân tộc qua ngôn ngữ nói chung cũng như những sắc thái văn hoá vùng qua phương ngữ Nghệ Tĩnh là chúng tôi xuất phát từ những cơ sở lý luận nói trên và thực tiễn của tiếng địa phương Nghệ Tĩnh. Có thể nêu vắn tắt nội dung của các định hướng đó trên những luận điểm khái quát sau:

  3.1.1. Như đã biết, ngôn ngữ trong nội dung phản ánh thực tại, đã hàm chứa những yếu tố văn hoá của con người. Trong quan hệ với văn hoá, ngôn ngữ vừa là thành tố vừa là phương tiện. ở một phương diện cụ thể, đi vào khảo sát ngôn ngữ toàn dân trong quan hệ với thực tại, với người dùng ta có thể thấy được bản sắc văn hoá của người Việt. Những đặc trưng văn hoá chung đó lại được thể hiện với những sắc thái khác nhau trên từng địa phương cụ thể với những thói quen, cách lựa chọn các biến thể của ngôn ngữ không giống nhau. Trong một phương ngữ, có thể đi vào các trường nghĩa, các nhóm từ vựng để thấy được cách nhìn, sự phân cắt thế giới thực tại của từng địa phương. Cách nhìn, cách phản ánh thể hiện qua tên gọi của từ ngữ chính là một trong những dấu ấn về văn hoá của một vùng.

   Ngôn ngữ và văn hoá, với hàng loạt vấn đề có liên quan như ngôn ngữ và tư duy, những phổ quát của ngôn ngữ và tính dân tộc, tính võ đoán của ngôn ngữ với thực tại được phản ánh v.v... đó đều là những vấn đề lớn, cốt lõi, không chỉ là đối tượng quan tâm riêng của ngôn ngữ học. Gắn với các vấn đề đó là những học thuyết những trường phái những quan niệm không hoàn toàn thống nhất trong lịch sử ngôn ngữ học. Những vấn đề này cũng đã được trình bày trong các sách tiếng Việt viết về đại cương hoặc cơ sở ngôn ngữ học thành những luận điểm rất hệ thống và luận giải tường minh [32], [81], [121]. Đặc biệt gần đây có một số bài viết của các tác giả như Lý Toàn Thắng [181], Nguyễn Đức Tồn [197] v.v... không chỉ nghiên cứu lí luận chung mà từ các kết quả nghiên cứu của mình các tác giả còn vừa chỉ ra các biểu hiện của đặc trưng văn hoá ngôn ngữ dân tộc vừa nêu lên phương pháp nghiên cứu văn hoá dân tộc qua tư liệu ngôn ngữ.

  3.1.2. Dựa theo mối quan hệ biện chứng giữa ngôn ngữ và văn hoá, người ta thấy rằng, bên cạnh mặt phổ quát của ngôn ngữ, giữa các ngôn ngữ có thể có những cấu trúc từ vựng, ngữ nghĩa và ngữ pháp riêng. Tất cả những sự khác nhau về từ vựng nói riêng ngôn ngữ nói chung đều là do sự khác nhau về văn hoá; hay nói cách khác, các đặc trưng về môi trường, về vật chất hoặc xã hội khác nhau sinh ra những đặc trưng ngôn ngữ khác nhau.

  3.1.3. Trong sự nhận thức, phản ánh thế giới thực tại, “con người là trung tâm" của sự tri nhận thế giới thực tại đó. Vì vậy, “Trong ngữ nghĩa của mỗi ngôn ngữ đều có phản ánh một cách hình dung về thực tại khách quan của cộng đồng văn hoá - bản ngữ đó, thường được gọi là "mô hình thế giới" "bức tranh thế giới" (...), "Mỗi mô hình như thế - ngoài cái chung, cái phổ quát - có cái riêng, cái đặc thù, ứng với từng ngôn ngữ và phản ánh một cách tri giác, một cách nhận thức về thế giới của dân tộc ấy (...) được gọi là "cách nhìn thế giới" [181, tr.1].

  3.1.4. Từ của mọi ngôn ngữ đều có một trong những chức năng cơ bản là gọi tên (định danh) các sự vật hiện tượng trong tự nhiên và đời sống xã hội. Nhưng, những mảng hiện thực giống nhau hay một sự vật, một hiện tượng, một hoạt động, một tính chất như nhau trong thế giới thực tại, khi được phản ánh vào ngôn ngữ, qua tên gọi của các từ trong ngôn ngữ cũng như qua từng phương ngữ có thể là những mảng những đoạn cắt khác nhau, vì thế một số lượng từ cũng như cơ cấu nghĩa của từng từ phản ánh hiện thực đó trong từng ngôn ngữ cũng như ở các phương ngữ không phải bao giờ cũng trùng khít với nhau. Sự lựa chọn đặc trưng nào của sự vật để gọi tên, thói quen tâm lí dùng biểu trưng biểu vật riêng ra sao, nét riêng trong liên tưởng chuyển nghĩa của từ là gì, đến cả cái cách quy loại khái niệm của đối tượng được định danh, v.v... đều có thể là những biểu hiện của các nét đặc trưng văn hoá dân tộc (cụ thể hơn xin xem [197]).

  Từ những cơ sở trên, ta thấy ngôn ngữ phản ánh thực tại qua lăng kính nhận thức tư duy của con người, cho nên, phân tích ngôn ngữ không chỉ là phân tích cấu trúc, chức năng của tín hiệu trong hệ thống mà còn có thể phân tích chúng trong quan hệ với thực tại phản ánh.

 Ngôn ngữ mang tính võ đoán nhưng ngôn ngữ lại do con người tạo ra và sử dụng, bởi vậy không những giữa các ngôn ngữ, mà giữa các phương ngữ trong một ngôn ngữ cũng có thể đặt tên gọi cho sự vật hiện tượng theo những cách khác nhau. Cũng vì vậy,''trong cấu trúc biểu niệm của từ có không ít những nét nghĩa phản ánh cái nhìn của người sử dụng, đó là những nét nghĩa phản ánh các thuộc tính của sự vật, hoạt động, tính chất v.v... trong thực tế, nhưng những thuộc tính này là do con người "gán" cho (...) qua sự cảm nhận, qua tri giác, nhận thức của mình. Không có con người thì không có những nét nghĩa đó" [31, tr.184]. Cái cảm nhận hiện thực ấy, hay là cái dấu ấn văn hoá ấy là riêng bởi từng dân tộc cũng như là riêng từng phương ngữ. Vì thế, đối với các phương ngữ muốn tìm ra những nét bản sắc văn hoá của người địa phương không thể không nhìn ngôn ngữ trong quan hệ với phản ánh thực tại, mà cụ thể ở đây chúng tôi xét trong một phạm vi đối tượng hẹp hơn là qua tên gọi và cách gọi tên ở một số nhóm từ cụ thể.

  3.1.5. Trong giới hạn phạm vi của vấn đề đang xét, nội dung nghiên cứu: dấu ấn về sự tri nhận và biểu đạt của từ ngữ, thực chất sẽ đi vào ba khía cạnh:

  1- Những thuộc tính và quan hệ gì của sự vật được người Nghệ Tĩnh tri nhận và biểu đạt trong phương ngữ của mình?

  2- Những thuộc tính và quan hệ đó được biểu đạt như thế nào trong phương ngữ Nghệ Tĩnh?

3- Những thuộc tính, những quan hệ được phản ánh vào từ vựng phương ngữ Nghệ Tĩnh và cách biểu đạt chúng phản ánh những đặc trưng gì của văn hoá Nghệ Tĩnh, của tính cách người dân xứ Nghệ ?

  Trong ba câu hỏi nêu trên, việc chỉ ra các thuộc tính, các quan hệ mà câu hỏi thứ nhất đặt ra và đặc biệt khi giải đáp câu hỏi thứ hai thì như một logic tất yếu sẽ đi đến khái quát những nét đặc trưng văn hoá mà câu hỏi thứ ba đặt ra. Dù biết là vậy, dù cũng sẽ đi theo định hướng như thế song đặt trong tương quan với những vấn đề khác mà chuyên luận cùng quan tâm, ở đây chúng tôi không thể khảo sát tất các nhóm từ trong phương ngữ Nghệ Tĩnh mà mới chỉ chọn một số nhóm từ xem đó như là những trường từ vựng ngữ nghĩa nằm trong số những trường từ vựng tiêu biểu đặc trưng cho cuộc sống, cách ứng xử, nếp tư duy của người dân xứ Nghệ. Mục đích chính, qua miêu tả phân tích cứ liệu từ vựng ba nhóm từ mà chúng tôi lựa chọn có thể giúp ta thấy rõ hơn, sâu hơn những chỗ khác biệt trong ngữ nghĩa của từ địa phương Nghệ Tĩnh so với từ tương ứng trong ngôn ngữ toàn dân và ẩn khuất đằng sau chúng là những nét sắc thái văn hoá cộng đồng ngôn ngữ người Nghệ Tĩnh mà người đọc cũng qua đó có thể tự nhận ra.

  Như vậy, nói cụ thể hơn, ở chương này chúng tôi chủ yếu sẽ xét từ ngữ ở phương diện định danh, trong quan hệ giữa tên gọi với hiện thực được phản ánh vào ngôn ngữ, trên một số nhóm từ cụ thể, với hai mục đích. Đây là những khảo sát cụ thể về ngữ nghĩa của từ và từ vựng phương ngữ theo từng nhóm định danh sự vật, nên qua miêu tả và so sánh ngữ nghĩa trong chương này sẽ là những minh hoạ cụ thể đồng thời bổ sung làm đầy những đặc điểm ngữ nghĩa đã được phân tích ở chương 2. Mục đích chính như đã nói ở trên, qua phân tích những nhóm từ cụ thể hy vọng chúng ta sẽ thấy được những nét sắc thái văn hoá của người Nghệ Tĩnh qua cách "cảm nhận" “cách nhìn” đối với thực tại đã được phản ánh vào ngôn ngữ hay là những "ứng xử" của người Nghệ Tĩnh đối với xã hội và tự nhiên.

 

3.2. Thế giới thực tại trong con mắt của người Nghệ Tĩnh qua tên gọi và cách gọi tên, xét trên một số nhóm từ

   Có thể thấy qua vốn từ, cách nhìn nhận, phân cắt thực tại trong phản ánh của người Nghệ Tĩnh cũng như cách nhìn nhận chung của người Việt, nhưng trong cái chung đó chúng ta vẫn thấy những nét dấu ấn riêng, đặc biệt là qua những nhóm từ vựng cụ thể phản ánh những mảng hiện thực gần gũi gắn bó thường nhật với đời sống cư dân Nghệ Tĩnh. Do điều kiện thời gian và dung lượng của chuyên luận không cho phép, như đã nói, chúng tôi không thể đi hết được các nhóm từ thuộc từ vựng phương ngữ Nghệ Tĩnh mà chỉ đi vào ba nhóm từ vựng quen thuộc được dùng phổ biến đối với người Nghệ xưa nay là: nhóm từ xưng hô, nhóm từ nghề cá và nhóm từ chỉ hoạt động đánh giá sự vật. Lựa chọn của chúng tôi như vậy là có tính chất nêu lên một hướng khai thác vốn từ phương ngữ hơn là đưa ra những kết quả khảo sát toàn diện nhóm từ đó.

 

3.2.1. Nhóm từ xưng hô trong phương ngữ Nghệ Tĩnh

  Xưng hô là một lớp từ khá đặc biệt trong tiếng Việt, nhiều lớp từ loại của hệ thống ngôn ngữ được sử dụng để xưng hô trong giao tiếp ngoài xã hội và trong gia đình; ngoài chức năng thiết lập quan hệ tiếp xúc, lớp từ xưng hô còn có chức năng biểu lộ thái độ tình cảm giữa những người cùng đối thoại. ẩn chứa trong lời của các yếu tố xưng hô là những nhân tố văn hoá ứng xử giữa người với người đã được hình thành lâu đời trong cộng đồng dân tộc theo những phong tục, những ràng buộc với nhiều quan hệ, tuổi tác, vị thế, tôn ti thứ bậc trong họ ngoài làng, thân, sơ v.v.

  Kết quả nghiên cứu về phương diện đặc điểm từ loại đối với lớp từ xưng hô trong tiếng Việt là khá toàn diện, được thể hiện trong các nghiên cứu của Nguyễn Tài Cẩn [25], Đinh Văn Đức [73], Nguyễn Minh Thuyết [193], Nguyễn Thị Ly Kha [117] và ở hàng loạt sách ngữ pháp khác. ở bình diện khác - về mặt giao tiếp, lớp từ này cũng đang được đẩy mạnh nghiên cứu ngày càng rộng rãi trên nhiều hướng khác nhau. Nghiên cứu đặc điểm chung về mặt dụng học và dân tộc học giao tiếp như các bài của Nguyễn Văn Chiến [43, 44], về ngữ nghĩa lời hội thoại như các nghiên cứu của Nguyễn Thị Hương [112], Đỗ Thị Kim Liên [130], ở khía cạnh lối nói có hàm ngôn của các từ chỉ họ hàng, như nghiên cứu của Nguyễn Thế Lịch [129] v.v. Trong các phương ngữ của Tiếng Việt cũng như trong phương ngữ Nghệ Tĩnh, cho đến nay, lớp từ xưng hô còn ít được chú ý.

  Từ kết quả nghiên cứu của các tác giả đã đi trước chúng tôi khái quát thành các đặc điểm nổi bật của từ xưng hô trong tiếng Việt và lấy đó làm cơ sở cho việc khảo sát nhóm từ này trong phương ngữ Nghệ Tĩnh.

 

3.2.1.1. Khái quát về đặc điểm cách xưng hô của người Việt

  Tiếng Việt đã dùng một số lượng khá phong phú và đa dạng các từ xưng hô (đại từ xưng hô thực thụ không nhiều, chủ yếu là các danh từ chuyển hoá làm chức năng từ xưng hô) bao gồm nhiều lớp (các đại từ nhân xưng: tôi, tao, nó, hắn..., các danh từ chỉ quan hệ họ hàng: cụ, ông, bà, cô, bác, chú, dì, em, con, cháu..., các từ chỉ chức danh nghề nghiệp: bộ trưởng, thứ trưởng, hiệu trưởng, giáo sư, bác sĩ, thầy giáo, nhà thơ..., các từ chỉ quan hệ tổ chức: đồng chí, bạn, ông, bà..., các tên riêng của người: Dũng, An, Hùng, Thắm..., Các từ chỉ định: đây, đó, ấy, đằng ấy...).

  Cách xưng hô trong gia đình họ hàng khá nhất quán và chặt chẽ theo vai, tuổi và vị trí xã hội, trong trong từng đối tượng xưng hô cụ thể, cách xưng hô đồng thời chú ý kết hợp nhiều yếu tố với nhau nên có thể rất uyển chuyển, tế nhị. Yếu tố tuổi và vị thế xã hôị có thể làm xê dịch cách gọi theo vai. Các từ xưng gọi ở đây chủ yếu là danh từ thân tộc.

  Cách xưng hô ngoài xã hội thường theo quy tắc tuổi tác, phần lớn các từ được dùng để xưng hô là các danh từ thân tộc, nên ngoài chức năng xưng gọi, lớp từ này còn có tác dụng bộc lộ tình cảm trong giao tiếp, tạo ra sự gần gũi, thân mật. Ngoài ra, quy tắc "xưng khiêm, hô tôn" cũng được áp dụng rộng rãi.

  Cách xưng hô của người Việt, mục đích là để xưng gọi, thiết lập quan hệ tiếp xúc trong giao tiếp song đồng thời lại thể hiện tình cảm rõ nét.

  Tiếng Việt có xu hướng xã hội hóa từ xưng hô trong gia đình. Các danh từ thân tộc dùng trong gia đình phần lớn đều được dùng trong xưng gọi ngoài xã hội một cách rộng rãi. Ngay cả trong các cơ quan, tổ chức nhà nước, khi giao tiếp trao đổi công việc chung, giữa thủ trưởng với nhân viên, giữa nhân viên với nhau nhiều khi cũng dùng các danh từ thân tộc xưng hô một cách tự nhiên.

3.2.1.2. Xưng hô trong tiếng địa phương Nghệ Tĩnh

ở đây, chúng tôi không khảo sát những từ chỉ chức danh nghề nghiệp, tên riêng của người, các danh từ chỉ quan hệ tổ chức đã được dùng trong xưng gọi. Bởi những tiểu nhóm này mang tính thống nhất cao trong xưng hô giữa các vùng của người Việt. Chúng tôi cũng không đi sâu vào so sánh trên từng từ, từng tiểu loại trong nhóm mà chủ yếu chỉ nêu lên những nét khác biệt trong xưng gọi xét trong hai quan hệ: xưng hô trong gia đình và xưng hô ngoài xã hội, so với xưng hô ở các vùng phương ngữ khác.

- Những khác biệt về xưng hô trong gia đình người Nghệ Tĩnh:

Trong gia đình, họ hàng bên nội cũng như bên ngoại ở Nghệ Tĩnh thường gọi "cháu","chắt" bằng con. Cho nên ta sẽ gặp rất phổ biến các vai khác nhau nhưng có cùng một kiểu xưng gọi: cố (cụ) (và anh, em trong họ ngang vai với "cụ") – con; ôông (ông), bà (và những người trong họ nội, ngoại ngang vai với ông, bà) – con; bác, chú, mự (mợ, thím) o (cô), cụ (cậu), dì, dượng - con. Như vậy cách gọi này là không đúng vai, hay nói cách khác, cách xưng gọi đúng theo vai của người Nghệ Tĩnh thường không triệt để, không nhất quán, thường xuyên như người Bắc Bộ. Ngay cả khi con cháu đã trưởng thành hoặc đã có gia đình, trong tình huống giao tiếp diễn ra có mặt nhiều người lớn tuổi ngoài gia đình, người Nghệ cũng cứ gọi con cháu mình bằng con chứ không gọi bằng anh, chị như người Bắc Bộ. Là người Nghệ Tĩnh, dù là con trai hay gái, con dâu hay rể nếu "bị" cụ, ông bà, bố mẹ,... gọi bằng "anh", "chị" thì người đó sẽ cảm nhận một cách rất tự nhiên rằng, đối tượng xưng gọi với mình đang trách giận mình điều gì đó, mình đang bịđối xử với một tình cảm lạnh nhạt, khách sáo, xã giao hơn cả với người ngoài. Cũng nhất quán như vậy, bình thường người Nghệ cũng không dùng đại từ xưng hô tôi (mang sắc thái trung tính) để xưng với con cháu, ngay cả khi con cháu đã trưởng thành. Trong phương ngữ Nghệ Tĩnh, tui là từ biến thể ngữ âm, tương ứng với tôi. Nhưng trong cách dùng của người Nghệ Tĩnh cũng như sắc thái biểu cảm của từ, tui khác tôi rất rõ. Con cái có thể dùng tui để xưng với cha, mẹ, ông bà và những người lớn tuổi hơn mình, với sắc thái biểu cảm không trung tính như tôi. Đối với người Nghệ Tĩnh, dùng tui là khiêm nhường và thân mật còn dùng tôi trong trường hợp xưng với người lớn tuổi là có phần xấc xược, hỗn láo. Có lẽ điều đó là do nghĩa gốc của "tui" vốn có nghĩa chỉ kẻ tôi tớ, hèn mọn, nay ấn tượng tâm lí về địa vị đối tượng mà từ gọi tên chưa mờ hẳn, có phần đã khác với "tôi", nên bình thường bậc cha, mẹ, ông, bà, cố..., không dùng tui để xưng với con cháu, nhưng con cháu lại dùng để xưng với bậc trên là vì thế. Chính vì vậy, người Bắc Bộ dùng tôi để xưng với con cái (đã trưởng thành), là bình thường, hay nói đúng hơn là lịch sự, tôn trọng thì ngược lại người Nghệ Tĩnh lại cho đó là thiếu tình cảm, là lạnh lùng, xa lạ.

 Như ta biết, trong các quan hệ gia đình xét về mặt tôn ti, tình cảm thì quan hệ cha, mẹ - con là quan hệ máu mủ, gần nhất, gắn bó mật thiết nhất, tình cảm sâu nặng nhất so với các quan hệ: cụ - chắt; ông, bà - cháu; chú, bác, cô, cậu, dì, dượng - cháu. Vì vậy, việc người Nghệ Tĩnh lấy con làm yếu tố trung tâm để xưng gọi là xuất phát từ tình cảm; các bậc cụ, ông bà, hay bác, cô chú, cậu dì khi gọi chắt, cháu bằng con và ngược lại, chắt, cháu tự xưng với cụ, ông bà hay bác, cô chú, cậu dì bằng con là đều “bỏ vai” và “nhập vai” xưng hô một cách tự nhiên, như một tất yếu tự tình cảm trong lòng của mình, theo quan hệ gần nhất, máu mủ nhất là cha mẹ – con. Vì thế, xưng hô trong gia đình đối với người Nghệ Tĩnh, cái quan trọng không phải là để thể hiện đúng vai, vị thế, tôn ti mà là để bộc lộ tình cảm làm cho không khí, tình cảm giao tiếp giữa các vai thêm đầm ấm mật thiết, gần gũi hơn. Cũng như thế, việc không dùng tôi để xưng với hàng con, cháu, chắt, là nằm trong sự thống nhất, nhất quán với việc gọi cháu chắt bằng con như trên, điều đó thể hiện rõ thêm và cho thấy yếu tố tình cảm trong xưng hô của người Nghệ Tĩnh được chú trọng thế nào. Xưng hô như vậy không chỉ là ý thức mà nó đã trở thành thói quen ứng xử như một lẽ tự nhiên với mọi người nơi đây. Cách xưng hô như nói trên có phần giống với cách xưng hô của người Nam Bộ nhưng khác nhiều với người Bắc Bộ.

 Hiện nay nhiều vùng Nghệ Tĩnh còn có một thói quen khá phổ biến, gần gũi và có liên quan tới thói quen xưng gọi trong gia đình lấy con làm trung tâm như nói trên, đó là xưng hô giữa vợ chồng đã sinh con. Xưng hô giữa vợ chồng đã sinh con ở Nghệ Tĩnh không phải là anh – em như thường thấy ở Bắc Bộ mà là bố – mẹ. Người Bắc nghe các cặp vợ chồng ở Nghệ Tĩnh xưng hô như vậy thật “lạ” và “kỳ” nhưng với các cặp vợ chồng đã có con ở Nghệ Tĩnh thì phần đông xem đó là tình cảm và tự nhiên bởi đó là thói quen khá phổ biến trong vùng. Cách xưng hô này cũng tương tự cách xưng hô kéo các vai khác nhau ngang bố mẹ trở lên về vai bố, mẹ – con, lấy con làm yếu tố trung tâm. Đây cũng là một kiểu xưng gọi thay vai, xưng gọi theo quan hệ gắn bó, gần nhất về huyết thống để thể hiện tình cảm ấm áp mật thiết. Người chồng và vợ khi sinh con đã chuyển cách xưng gọi anh – em (cùng thế hệ nhưng sinh trước / sinh sau) sang xưng gọi bố - mẹ (cũng lấy con làm trung tâm), gọi thay con, (ngầm ẩn xưng gọi con – bố và con – mẹ). Vì thế theo thói quen chung của cộng đồng người địa phương, như một nét văn hoá ứng xử, đó cũng là một cách xưng gọi đề cao yếu tố tình cảm.

Nét khác biệt khá rõ thứ hai được phản ánh trong phương ngữ Nghệ Tĩnh là người Nghệ Tĩnh xưng gọi trong gia đình (cũng như ngoài xã hội) thường dùng yếu tố mang nét nghĩa giới tính (trai / gái). Điều này thể hiện ở việc dùng các yếu tố cu, đị (đĩ) trong xưng gọi ở lối giao tiếp mộc mạc bình dân. Cho đến nay, tất cả những điểm điều tra mà chúng tôi đã tiến hành ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, không có nơi nào lại không dùng cách xưng gọi này. Như ta biết, nhiều địa phương, các gia đình người Việt, khi có con, thường tên của cha mẹ được gọi thay bằng tên của đứa con đầu lòng. ở Nghệ Tĩnh cũng vậy nhưng trong tên gọi về cha mẹ còn có thêm yếu tố cu hoặc đị đi kèm. Cụ thể là, nếu vợ chồng sinh con trai đầu lòng thì tên gọi cha mẹ của đứa bé sẽ gọi theo tên con đầu lòng và đi kèm theo yếu tố cu đi trước tên riêng. Ví dụ: cu Lan, cu Hoà... Nếu sinh con gái đầu lòng thì tên gọi của bố mẹ cũng gọi bằng tên con gái và kèm yếu tố đị đi trước, ví dụ: đị Lan, đị Hoà... Thậm chí có vùng ở Nghệ Tĩnh (nhất là các vùng ven biển Hà Tĩnh) đến nay vẫn còn dùng yếu tố giái, cò, kèm tên riêng đứa con trai đầu lòng để gọi tên trong xưng hô và cũng còn dùng hịm (hĩm), đóc đi kèm với tên riêng của người con gái đầu lòng để gọi tên bố mẹ. Từ đó trong gia đình giữa vợ với chồng, khi suồng sã, chồng gọi vợ bằng mệ cu (mẹ của thằng cu), mệ đị (mẹ của con đĩ), nếu vợ chồng đã cao tuổi thì gọi bằng mụ cu, mụ đị (hoặc bà cu, bà đị), ngược lại vợ cũng gọi chồng bằng cha cu, cha đị, ôông cu, ôông đị. Đứa bé trong cách gọi thân mật của cha mẹ, cô, chú, bác, dì, dượng... trong gia đình sẽ không gọi theo tên riêng của nó mà có thể được gọi bằng cu, đị một cách tự nhiên (ví dụ: có thể hỏi: Cu đi mô (đâu) rứa (thế)? Đị ăn kẹo không?).

Tương tự, ở một khía cạnh khác, ta cũng thấy tên gọi theo vai ở hàng ông, bà hàng cha mẹ, ngang cha mẹ, giữa bên nội và bên ngoại ở Nghệ Tĩnh, chỉ có sự phân biệt theo giới tính (nam / nữ) là tương đối triệt để, trong khi đó, yếu tố thứ bậc (sinh trước/ sinh sau) lại không được chú ý như cách gọi theo xu hướng chung hiện nay của người Bắc Bộ. ở Nghệ Tĩnh, yếu tố tôn ti chỉ được đặt ra với nam giới về bên nội (thể hiện ở sự phân biệt trong tên gọi bác/ chú), còn bên ngoại, người con trai sinh trước mẹ, sinh sau mẹ vẫn gọi chung là cụ (cậu). Trong khi đó ở Bắc Bộ, xu hướng hiện nay, cậu chỉ dùng chỉ người con trai cùng huyết thống sinh sau mẹ; để chỉ người đàn ông cùng huyết thống sinh trước mẹ thì người Bắc Bộ gọi là bác. Như vậy, nếu không gắn với hoàn cảnh giao tiếp cụ thể thì tên gọi cụ trong tiếng Nghệ Tĩnh chỉ gợi lên nét nghĩa "giới tính", còn nét nghĩa "sinh trước", "sinh sau" so với "mẹ" không được hiện lên. Cũng vậy, người con gái sinh trước hoặc sinh sau mẹ trong tiếng Nghệ Tĩnh đều gọi là dì. Giống với cụ, tên gọi dì chỉ gợi lên nét nghĩa giới tính "nữ" và "cùng huyết thống với mẹ" nhưng không hàm chứa nét nghĩa "sinh sau" so với mẹ như dì dùng trong phương ngữ Bắc Bộ hiện nay là chỉ người em gái của mẹ. Còn người con gái cùng huyết thống, sinh trước mẹ, phương ngữ Bắc Bộ gọi là bác. Như vậy, về phía bên ngoại, đối với người Bắc Bộ, người con trai hoặc con gái sinh trước mẹ đều gọi là bác, không có sự phân biệt giới tính; việc phân biệt giới tính chỉ đặt ra với đối tượng sinh sau mẹ (cậu / dì). Tương tự, hiện nay xu hướng chung, người Bắc Bộ gọi người con trai hoặc con gái sinh trước cha đều bằng bác, không có sự phân biệt giới tính (nam/ nữ). Việc phân biệt giới tính chỉ đặt ra với đối tượng sinh sau cha (thể hiện qua tên gọi cô / chú). Trong khi đó ở Nghệ Tĩnh về phía bên nội, xét trong quan hệ cùng huyết thống, như đã nói, sự phân biệt tôn ti chỉ được đặt ra về phía nam còn nữ thì không. Nếu như cô trong phương ngữ Bắc Bộ, như xu hướng dùng hiện nay là chỉ người phụ nữ sinh sau bố (em gái bố) thì ở Nghệ Tĩnh o là tiếng dùng chung để chỉ cả người phụ nữ sinh sau và sinh trước bố. Như vậy trong cơ cấu nghĩa của từ o chỉ có nét nghĩa giới tính (nữ) và nét nghĩa quan hệ (huyết thống) với bố mà không bao hàm nét nghĩa "sinh sau" như từ cô. Vậy, phạm vi ngữ nghĩa của các từbác, cô, cậu, dì trong phương ngữ Bắc Bộ hiện nay là không tương ứng hoàn toàn với tên gọibác, o, cụ, dì trong phương ngữ Nghệ Tĩnh. Tóm lại, xu hướng phân biệt trong cách gọi tên của từ xưng hô loại này ở Nghệ Tĩnh cũng có phần khác Bắc Bộ. Nghệ Tĩnh nghiêng về phân biệt giới tính (nam/ nữ) nhưng lại không chú ý phân biệt tôn ti (thể hiện qua tên gọi o, cụ, dì). Với người Nghệ, về phía nữ, bên nội cũng như ngoại (cậu, dì là liên quan tới mẹ – bên ngoại, thuộc về nữ) không được định vai phân biệt trên / dưới. Trong khi đó, phương ngữ Bắc Bộ lại nhấn mạnh hơn sự phân biệt tôn ti mà không chú ý phân biệt giới tính (cả bên nội và bên ngoại, trai gái sinh trước bố, mẹ đều gọi là bác). Như thế, phạm vi đối tượng được phân cắt gọi tên trong xưng hô ở phương ngữ Nghệ Tĩnh là đều xuất phát nhất quán từ một điểm nhìn – quan niệm về nội / ngoại, nam / nữ khác với phương ngữ Bắc. Phải chăng điều đó cho thấy thói quen xưng hô của người Nghệ Tĩnh đã miêu tả là một khía cạnh văn hoá đặc trưng về cách ứng xử trọng nội hơn ngoại, trọng nam hơn nữ của người xứ Nghệ ?

Khác biệt thứ ba về xưng hô trong gia đình ở Nghệ Tĩnh là thể hiện ở việc dùng yếu tố cháu, chắt. Dùng yếu tố cháu, chắt không chỉ là xưng gọi theo quy tắc để thiết lập quan hệ trong giao tiếp mà còn là niềm tự hào về sự tiếp nối của các thế hệ, đề cao sự phát triển giống nòi, ngưỡng vọng tôn kính gia đình lớn có nhiều thế hệ cùng sinh sống. Đề cao sự tiếp nối giống nòi, ngưỡng vọng tự hào về gia đình lớn có nhiều thế hệ cùng sống, đó cũng là một nét tâm lí văn hoá chung của người Việt nhưng ăn sâu vào tâm thức mọi người, thành một thước đo giá trị, thể hiện điều đó ra bằng ngôn ngữ với các đơn vị tồn tại hiển nhiên là các từ như trong phương ngữ Nghệ Tĩnh thì ít thấy vùng nào như thế. Cho tới nay, chúng tôi thấy vùng nông thôn nào của Nghệ Tĩnh cũng còn dùng hình thức xưng gọi này. Vợ chồng sinh con đầu lòng nếu ông bà (nội cũng như ngoại) của đứa bé đã mất thì tên gọi của bố, mẹ đứa bé phải có yếu tố chỉ giới tính (cu, đị,...) đi kèm tên riêng của con, như đã nói ở trên. Nhưng nếu đứa bé sinh ra mà trong gia đình đang có ông bà (của đứa bé) thì tên gọi của người được làm cha, mẹ phải có yếu tố cháu đi kèm trước yếu tố chỉ tên riêng của con đầu lòng để thể hiện nhà có ba thế hệ cùng sống. Ví dụ: ênh (anh) cháu Hoa, ả cháu Hương (hoặc gọi tắt: cháu Hoa, cháu Hương). Trong giao tiếp trực tiếp người ta có thể gọi không có tên riêng nhưng yếu tố cháu thì bắt buộc xuất hiện. Ví dụ gọi: ả cháu, ênh cháu. Đồng thời tên riêng của ông bà trong xưng gọi từ khi có cháu cũng được kèm theo yếu tố cháu đứng trước, ví dụ: ôông (ông) cháu Hiền, bà cháu Hiền. Cũng vậy, nếu đứa bé sinh ra thuộc thế hệ thứ tư trong gia đình mà cố (cụ), ông bà, cha mẹ, con cùng sinh sống thì khi đó xưng hô về cha mẹ, ông bà, cố trước tên riêng đều mang thêm yếu tố chắt (ênh chắt + tên riêng, ôông chắt + tên riêng, cố (cụ) chắt + tên riêng) để thể hiện người được gọi tên là gia đình “tứ đại đồng đường”. Nhiều khi xưng gọi có thể không nhắc tới tên riêng (thường đối với người đã cao tuổi) nhưng yếu tố chắt lại dùng bắt buộc, như nói: cố chắt, ôông chắt, bà chắt, ênh (anh) chắt. Đứa bé cũng vì vậy mà có thể được gọi bằng chắt thay cho cả tên riêng. Ví dụ, hỏi đứa bé: Chắt đi mô (đâu) rứa (thế)? Ngay cả sau khi trong gia đình không còn thế hệ cố (cụ), ông, bà cùng sống, nhưng trong giao tiếp, khi nhắc tới tên gọi người đã quá cố, người đối thoại thường không nhắc đến tên riêng của người đó nhưng vẫn thường giữ yếu tố chắt, cháu; ví dụ nói: Sơ đời (ngày trước người đó còn sống) cố chắt (ôông chắt, bà chắt, ôông cháu, bà cháu,...) là người hay bày dạy cho con cháu lắm. Cách gọi như thế là một biểu hiện của sự tôn kính đã thành thói quen, nếp ứng xử văn hoá đối với người có chắt, có cháu. Người ta coi gia đình có chắt, có cháu có con tiếp nối, cùng chung sống đó như là một biểu hiện của chữ phúc, đức, hậu, là vinh hạnh của gia đình, mọi người trong xã hội đều ngưỡng vọng tôn kính. Cách gọi này rõ ràng toát lên niềm tự hào về gia đình có nhiều thế hệ, có sự tiếp nối, coi trọng sự sinh sôi nảy nở nòi giống gia tộc. Tên gọi và cách gọi tên đó, trong ý nghĩa sâu xa của nó, như sợi giây tình cảm nối kết các thế hệ lại với nhau, tạo nên sự gần gũi ấm cúng và cũng có tác dụng nhắc nhở con cháu trách nhiệm ý thức gia tộc; thế hệ bậc trên (cụ, ông, bà, cha, mẹ) như cũng thấy một phần ý nghĩa cuộc đời mình là ở con cháu. Nhìn vào tên xưng gọi trong gia đình, người ngoài sẽ biết gia đình đó có mấy thế hệ cùng chung sống, qua đó có thể điều khiển hành vi giao tiếp và tình cảm ứng xử của mình cho phù hợp. Đặc điểm này phân biệt với cả phương ngữ Bắc và Nam.

- Xưng hô ngoài xã hội

ở phương ngữ Nghệ Tĩnh, cách dùng từ và phương thức thể hiện sự xưng hô ngoài xã hội, về cơ bản cũng mang đặc điểm chung của tiếng Việt. Đặc điểm đó thể hiện rõ ở việc phương ngữ Nghệ Tĩnh cũng dùng các từ thân tộc trong giao tiếp xã hội, khi "xưng thì khiêm, hô thì tôn". Song nếu chúng ta xét từng phương diện cụ thể về xưng hô thì thấy xưng hô ngoài xã hội của người Nghệ Tĩnh có nhiều đặc điểm riêng không giống ngôn ngữ toàn dân và các phương ngữ khác.

Nét khác biệt dễ thấy nhất là số lượng từ xưng gọi ngoài xã hội ở phương ngữ Nghệ Tĩnh có số lượng phong phú (so với các phương ngữ khác). Ngoài các từ biến âm có quan hệ tương ứng với từ toàn dân như: tui (tôi), tau (tao), bì, mì (bầy), ni (nay), nớ, nứ (nấy), miềng, mêềnh (mình), ôông, ung (ông), cụ (cậu), mệ (mẹ), enh, ênh (anh),... phương ngữ Nghệ Tĩnh còn dùng hàng loạt từ không được dùng trong ngôn ngữ toàn dân, như choa, nghỉ, hoe, học, nhiêu, mới, nho, xạ,... Cùng với các yếu tố của ngôn ngữ toàn dân và với các kết hợp khác nhau, phương ngữ Nghệ Tĩnh đã tạo nên hệ thống từ xưng gọi vừa phong phú, vừa độc đáo. Có thể liệt kê ra đây các từ ngữ được dùng trong xưng gọi ngoài xã hội ở Nghệ Tĩnh như: tui, tau, choa, miềng, mềnh, ni, đằng ni, bầy choa, bầy tui, bì choa, nậu tui, nậu choa, mì choa, nậu ni, bọn ni, bọn choa, bọn tau, bọn tui, nhà tui, nhà choa, nhà miềng, tụi tui, tụi tau, tụi choa, tụi miềng, tụi mềnh, quân choa, quân tau,... (dùng để chỉ ngôi thứ nhất, số ít và số nhiều). Các từ ngữ: mày, mi, nghỉ, ôông, ung, cu, đị, chắt, enh, êênh, ả, mụ, cố, cố chắt, ôông chắt, bà chắt, êênh chắt, ả chắt, ả cháu, êênh cháu, ôông cháu, bà cháu, ôông cu, bà cu, êênh cu, ả cu, ả đị, êênh đị, ôông đị, bà đị, bà hoe, êênh hoe, ôông hoe, ả hoe, ả nhiêu, êênh nhiêu, êênh học, ả học, ả nho, mệ nho, êênh nho,... (dùng chỉ ngôi hai, số ít). Các từ ngữ: bay, bây, bọn bây, tụi bây, nậu bây, bọn mi, tụi mi, nậu mi, tụi mày, bọn mày, nậu mày, quân bay, các nghỉ, các họ,...(dùng chỉ ngôi hai số nhiều). Các từ ngữ: hấn, nghỉ, ôông nứ, ôông nớ, bà nứ, bà nớ, mụ nứ, mụ nớ, mệ nớ, mệ nứ, o nớ, o nứ, ả nớ, ả nứ, êênh nớ, êênh nứ, cố nớ, cố nứ, cu nớ, cu nứ,đị nớ, đị nứ, học nớ, học nứ,...(dùng để chỉ ngôi thứ ba, số ít). Các từ ngữ: họ, chúng nó, bọn nó, chúng hấn, bọn hấn, nậu hấn, nậu hắn, tụi hấn, tụi hắn, quân hấn, bọn nghỉ, nậu nớ, nậu nứ, bọn nớ, bọn nứ, quân nớ, quân nứ,... (dùng đề chỉ ngôi ba, số nhiều).

Phương ngữ Nghệ Tĩnh có số lượng từ ngữ xưng gọi phong phú như vậy, vì thế mà cách xưng gọi ngoài xã hội của người Nghệ Tĩnh rất giàu sắc thái biểu cảm. Tuỳ theo hoàn cảnh, đối tượng và nội dung giao tiếp cụ thể, người ta có thể lựa chọn từ ngữ xưng hô khác nhau làm sao đạt được đích giao tiếp. Chính vì thế, từ xưng hô có số lượng phong phú là một điều kiện và cũng là nguyên nhân làm cho giao tiếp ngoài xã hội ở Nghệ Tĩnh được phân biệt về biểu cảm khá tinh tế. Đặc biệt đáng chú ý là, số lượng các từ dùng trong giao tiếp phong phú nhưng trong đó số lượng từ không mang tính nghi thức chiếm tỉ lệ cao, vì thế, cách xưng gọi ngoài xã hội ở phương ngữ Nghệ Tĩnh mang sắc thái địa phương đậm nét.

Tính đa dạng và phong phú của từ xưng hô trong phương ngữ Nghệ Tĩnh còn được thể hiện ở chỗ: trong xưng gọi ở Nghệ Tĩnh, có cách gọi mộc mạc bình dân, thô ráp, có cách xưng gọi bỗ bã ngang tàng, có cách gọị thân mật, trìu mến, lại có cách gọi trân trọng nghi thức mang tính văn hoá cao. Những cách xưng gọi như vậy không chỉ dùng phổ biến rộng rãi trong giao tiếp hằng ngày mà cả trong sáng tác thơ ca dân gian chúng cũng được dùng một cách tự nhiên. Chẳng hạn, từ O (cô gái) dùng đối đáp trong ca dao Nghệ Tĩnh:

Các O vấn lộng khăn hồng

Giải điều buông phơ phất sao muộn chồng rứa O

O có thể được dùng rất mộc mạc:

Mần (làm) thì van (kêu) ốm van đau

Thấy O mô đẹp "gấy (vợ) tau bay tề"!

     (CDNT)

Nhưng O cũng có khả năng dùng một cách hài hoà nhuần nhuyễn trong những câu ca dao không kém phần tình tứ, tinh tế:

Ông sư là ông sư hinh

Thấy O má đỏ mắt tình liếc đưa

O cười răng bóng hạt dưa

Sư lần tràng hạt đứng ngơ ngẩn người.

Ngay cả những từ như nhiêu, hoe, cu, đị (đĩ), nho, học,... mang sắc thái khẩu ngữ của lối nói không mang tính nghi thức rất rõ nét nhưng trong thơ ca dân gian Nghệ Tĩnh chúng đều được sử dụng một cách bình thường. Chẳng hạn:

 - "Không ai khốn ai nạn,

Bằng chị cu Kiều"

 - "Bứt cỏ bỏ phân,

Ông cu Thân xóm trại,

Ông hoe Ngại xóm Trung"

-"Nom tay đánh cũng đều,

 Có thầy đị thầy nhiêu,

 Có thầy tri thầy sở"

 (HGNT)

 Hay khi nói đến đại từ choa, bầy choa, nhà choa,... dường như người nghe mọi vùng khác đều nhận ra ngay đó là tiếng Nghệ. Tuy tính thông tục, khẩu ngữ khá đậm nhưng trong thơ ca dân gian Nghệ Tĩnh, chúng cũng được sử dụng với tần số không thấp. Ví dụ, ta gặp choa được dùng xưng gọi bộc trực, mộc mạc như khẩu ngữ hằng ngày:"Hết răng choa chịu, (...) choa mà bắt bay chịu, choa chẳng phải con ngài" (HGNT). Choa có thể được dùng cả trong những so sánh ví von, trong lối hát đối đáp nam - nữ. Nhờ kết hợp khéo léo với các yếu tố khác trong một phương thức biểu hiện mang tính nghệ thuật mà choa không còn mang sắc thái thông tục, ngược lại sắc thái biểu cảm của nó lại thể hiện rất đậm:

-"Gái choa như ngọn trầu cay,

Ăn vào một miếng thơm bay nhiều mùi".

-"Gái choa như hột đỗ nành,

Phơi khô tần mật để dành được lâu"

(CDNT)

 Và đây là cách dùng một số từ phương ngữ cùng chỉ ngôi một, số nhiều nhưng sắc thái biểu cảm lại ít nhiều khác nhau:

Bầy choa trong thơ ca dân gian xứ Nghệ:

- "Ra răng thì ra,

Bầy choa cứ trói"

(HGNT)

Bầy ta:

- " Nghĩ đến bầy ta,

Khi đập (đánh) Tây cũng sướng"

(HGNT)

Bầy tui:

- Cho con cháu bầy tui,

Được ngày đêm phong nẫm"

(VNT)

Nhà choa:

- Trong họ nhà choa,

Có con ông lão,

Con người kín đáo,

Danh vọng đã lâu

(VNT)

Lấy thêm một vài ví dụ trong thơ ca như vậy ta thấy rằng mức độ sử dụng các từ xưng gọi trong giao tiếp hằng ngày cũng như trong thơ ca là rất phổ biến, điều đó cũng nói lên rằng tính bình dân, tính mộc mạc, tính biểu cảm của từ xưng hô trong phương ngữ Nghệ Tĩnh rõ nét. Dường như không có hàng rào cố định, cứng nhắc ngăn cách phân chia đối với các từ xưng gọi, với nghĩa chỉ ngôi nào, số ít hay nhiều, từ dùng trong khẩu ngữ hay trong văn chương; do có nhiều từ để lựa chọn nên trong các tình huống giao tiếp cụ thể khác nhau người ta có thể linh hoạt sử dụng từng từ xưng hô nhằm biểu thị sắc thái biểu cảm khác nhau.

 Nét riêng độc đáo nhất trong xưng gọi ngoài xã hội của người xứ Nghệ có lẽ được thể hiện rõ nhất trong phương ngữ Nghệ Tĩnh là ở cách dân gian đã dùng hàng loạt yếu tố khác nhau để phân chia đối tượng gọi tên theo những thuộc tính khác nhau đã lựa chọn nhằm khu biệt khi định danh. Ngoài các tên gọi quen thuộc như O dùng để gọi người con gái còn trẻ, ả thường xưng gọi đối với những người phụ nữ đã có gia đình con cái,...phương ngữ Nghệ Tĩnh đã dùng học trong các kết hợp anh học, ả học là để chỉ người con trai con gái đến tuổi trưởng thành nhưng chưa "dựng vợ gả chồng" (trước đây, đối tượng còn trẻ như vậy nếu có học hành (học chữ Hán) thì được gọi là êênh nho). Nếu khi người con trai, con gái đã lấy vợ, có chồng nhưng chưa có con thì được gọi là anh nhiêu, ả nhiêu, có vùng lại gọi anh xạ, ả xạ, anh mới, ả mới. Đến khi người con trai, con gái sinh con đầu lòng thì họ được gọi bằng êênh cu, ả cu hay êênh đị, ả đị, tuỳ theo đứa con đầu lòng là trai hay gái (Có vùng còn dùng cả những yếu tố cò, giái kết hợp với êênh, ả để xưng gọi, nếu sinh con trai; dùnghịm, kết hợp với êênh, ả để gọi, nếu họ sinh con đầu lòng là gái). Cách gọi êênh hoe, ả hoe cũng được dùng khá phổ biến ở các huyện thuộc tỉnh Hà Tĩnh thay cho cách gọi êênh đị, ả đị. Những tên gọi có gắn với yếu tố cu, đị, hoe... như vừa nói là chỉ dùng để gọi trong trường hợp vợ chồng người đó khi sinh con đầu lòng không còn có cha mẹ (tức ông bà của đứa bé) đang sống. Nếu sinh con đầu lòng mà ông bà của đứa bé đang sống thì cách gọi tên của ông bà, bố mẹ của đứa bé đều phải có yếu tố cháu (như đã nói ở phần xưng hô trong gia đình) và mọi người (ngoài xã hội) cũng tôn trọng, gọi theo cách gọi của gia đình người đó. Nếu đứa bé sinh ra thuộc thế hệ thứ tư mà cả bốn thế hệ của gia đình đang cùng sống thì cha mẹ, ông bà, cố (cụ) được mọi người trong giao tiếp xã hội gọi kèm theo yếu tố chắt trước yếu tố chỉ tên riêng. Như vậy, yếu tố cháu, chắt không chỉ dùng trong gia đình mà ngoài xã hội mọi người đều dùng nó để xưng gọi một cách tự nhiên. Điều đó cũng cho thấy hình thức xưng gọi như vậy không chỉ là ý thức hay quan niệm mà đã trở thành tâm thức, thói quen ứng xử của cả cộng đồng. Cách xưng gọi như vậy thể hiện sự tôn trọng đối với đối tựơng giao tiếp, tôn trọng truyền thống chung, trân trọng sự tiếp nối về giống nòi, tự hào ngưỡng vọng gia đình lớn có người cao tuổi, có nhiều thế hệ cùng chung sống. Đấy cũng là một nét văn hoá ứng xử đề cao giá trị gia đình, giá trị con người trong sự trường tồn và phát triển gia tộc

 Như vậy qua tên gọi và cách gọi tên dùng trong giao tiếp của người Nghệ Tĩnh, ta thấy những tên gọi như miêu tả trên không chỉ đơn thuần là nghĩa định danh, với các nét nghĩa trỏ đối tượng theo ngôi thứ, số ít hay số nhiều nào đó mà còn bao hàm trong từ xưng gọi là những nét đặc trưng đã được chọn lựa thể hiện cách nhìn, tình cảm, quan niệm sống ứng xử đối với con người, gia đình, cộng đồng xã hội. Cho nên, nhiều khi chỉ nghe qua các từ xưng gọi đang được dùng trong giao tiếp ta sẽ biết được người đó thuộc gia đình có mấy đời cùng chung sống, đã có chồng / vợ, có con rồi hay chưa, con đầu lòng trai hay là gái v.v... Có thể nói, cách xưng hô như vậy ít thấy ở phương ngữ Bắc Bộ và Nam Bộ.

 Qua một vài nét miêu tả khái quát như trên, phần nào ta cũng thấy được người Nghệ Tĩnh đã dùng một số lượng từ xưng gọi rất phong phú và đa dạng. Cách xưng gọi trong gia đình cũng như ngoài xã hội ở Nghệ Tĩnh có sự kết hợp của hai cách xưng gọi: trân trọng nghi thức và mộc mạc bình dân, song nhìn chung rất thấm đậm tình cảm. Dấu ấn về một thói quen trong xưng gọi chú ý nhiều đến yếu tố giới tính, đề cao tính tiếp nối, đề cao gia đình và quan hệ gắn bó giữa các thế hệ trong gia đình, duy trì yếu tố truyền thống trong xưng gọi - đó là những nét sắc thái văn hoá riêng của người xứ Nghệ trong xưng hô.

 

3.2.2. Nhóm từ chỉ nghề cá

 Khi nhìn "Việt Nam trong bối cảnh Đông Nam á", Giáo sư Phạm Đức Dương đã nhận xét về khu vực lịch sử văn hoá của Việt Nam nói riêng Đông Nam á nói chung - "Đó là nền văn minh nông nghệp lúa nước với một phức thể gồm ba yếu tố: văn hoá đồng bằng, văn hoá miền núi, và văn hoá biển, trong đó yếu tố thứ nhất tuy có sau nhưng chiếm vai trò chủ đạo, lịch sử ở đây đã diễn ra quá trình phát tán - hội tụ dẫn đến những phức thể văn hoá mới chung cho toàn vùng, bước hội tụ sau cao hơn bước hội tụ trước, đồng thời cũng để lại nhiều sắc thái khác nhau có tính chất dân tộc hoặc mang dấu ấn địa phương" [71, tr. 1].

Nghệ Tĩnh, do đặc điểm địa hình, dân cư, kinh tế và xã hội, trong tiến trình phát triển cùng với sự phát triển của văn hoá dân tộc, mảnh đất này đã hội tụ cả ba yếu tố văn hóa núi, đồng bằng vàbiển. Trong phức thể văn hoá đó, văn hoá biển và sông nước là một yếu tố khá nổi trội và từ xa xưa trong văn hoá truyền thống nó đã tạo nên dấu ấn trong nền văn hoá Việt Nam. Giáo sư Trần Quốc Vượng, với cái nhìn địa văn hoá về xứ Nghệ trong bối cảnh chung của đất Việt, đã nhận xét rằng: "Ngắm bức dư đồ nước Việt, bắt đầu từ xứ Nghệ, dải đất Việt miền Trung mới "ưỡn" lồi ra phía biển. Do đó mà từ xứ Nghệ, Việt Nam mặn mòi chất văn hoá biển" [212, tr. 21]. Và cũng trong bài viết này, để chứng minh cho tính chất văn hoá biển và sông nước của xứ Nghệ, ông đã đưa ra nhiều dẫn chứng về "thuyền buôn xứ Nghệ nổi danh" trong lịch sử, nhắc lại "câu thơ thi xã, con thuyền Nghệ An" của Cao Bá Quát và đặc biệt là đặc sản nước mắm xứ Nghệ nổi tiếng khắp nước, một thời "mắm Nghệ" trở thành món ăn đặc biệt để các cô gái bán hàng ăn ở đất Kinh Kỳ mời khách như lời mời của cô giáo trong mấy câu ca dao mà tác giả đã dẫn ra:

Mắm Nghệ lòng ròn

Rượu ngon cơm trắng

Các thầy dù thích hay chưa

Xin ăn một miếng cho vừa ... lòng em!

 Và, Giáo sư Trần Quốc Vượng đã khẳng định thêm "có một nền văn hoá cảng thị của xứ Nghệ miền Trung" trong nền văn hoá biển nói chung, bên cạnh nền văn hoá nông nghiệp (cụ thể hơn, xin xem Trần Quốc Vượng [212, tr. 21 và 26]).

 Từ góc độ ngôn ngữ, qua nhóm từ chỉ nghề cá trong phương ngữ Nghệ Tĩnh, hy vọng phần nào chúng ta sẽ thấy được những nét sắc thái văn hoá về một nghề truyền thống của cư dân vùng sông biển xứ Nghệ. Dĩ nhiên trong khuôn khổ một mục của chương chúng tôi không thể phản ánh hết được vốn từ nghề cá xét đầy đủ về các phương diện khác nhau của nghề này mà chỉ đi vào một vài phương diện như công cụ đánh bắt cá, tên gọi và cách phản ánh các đặc trưng của loài cá khi định danh, những ý nghĩa biểu trưng thể hiện qua cách lựa chọn hình ảnh các loại cá để ví von so sánh trong dân gian.

Trước hết nói về phương tiện và công cụ nghề cá. Từ các phương tiện gọi chung phổ biến là nốc (hoặc nôốc) (thuyền) và lái (lưới) các tên gọi phái sinh khác được hình thành để gọi tên phân loại đối tượng theo những đặc điểm, những đặc trưng khác nhau mà người địa phương lựa chọn để phản ánh. Về phương tiện được gọi là nốc, phương ngữ Nghệ Tĩnh dùng 20 từ ngữ phái sinh để định danh, trong đó "nốc" là yếu tố giữ vai trò chỉ loại lớn của sự vật, yếu tố đứng sau có tác dụng biệt loại (phân loại). Như vậy, tìm hiểu yếu tố thứ hai về ngữ nghĩa trong loạt từ ngữ này chúng ta sẽ thấy được những đặc trưng nào của sự vật được người địa phương lựa chọn để định danh. Tập hợp các đặc trưng, thuộc tính của sự vật được phản ánh ta có thể thấy được thói quen cảm nhận và tri giác sự vật đã trở thành quy tắc, phương thức định danh từ ngữ trong phương ngữ. Ngoài nốc có ý nghĩa chung, nốc nác có nghĩa khái quát, 20 từ ngữ còn lại có thể phân thành các loại khác nhau. Vì "nốc" là phương tiện đi lại trên sông, biển nên yếu tố thứ hai được lựa chọn kết hợp với "nốc" là yếu tố chỉ "mục đích" của loại phương tiện đó. Phương thức định danh theo quan hệ kết hợp ngữ nghĩa kiểu này thể hiện ở 6 từ ngữ. Nốc nghề là nốc nghề đánh cá. "Nghề" ở đây không chỉ có ý nghĩa chỉ biệt loại mà còn phản ánh "nhân tố chủ quan" về sự đánh giá của con người. "Nốc" có thể là phương tiện chuyên dùng cho những nghề khác nhau, mục đích khác nhau, ví dụ như nghề vận tải hàng hoá, nghề buôn, nghề chở khách,... và theo nghĩa thông thường, những người làm công việc đó cũng được gọi là "nghề". Nhưng đối với Nghệ Tĩnh chỉ có loại nốc (thuyền) được dùng để đánh cá mới gọi là nốc "nghề". Điều này khách quan cũng phản ánh vị trí, vai trò quan trọng của nghề cá trong đời sống vật chất và tinh thần của cư dân Nghệ Tĩnh. Như vậy, theo tâm thức văn hoá của người Nghệ, thuyền chuyên dùng để đánh cá mới được gọi là nốc nghề cho nên những loại nốc chuyên dùng cho nghề khác phải được gọi tên khu biệt với nó. Nốc vận là chỉ loại thuyền chuyên (vận tải) chở hàng hoá thuê; nốc đò là loại thuyền làm đò chở khách trên sông, nốc buôn là loại thuyền của các gia đình buôn bằng đường sông nước dùng chở người nhà và hàng hoá buôn bán; nốc câu là loại thuyền nhỏ dùng để câu cá mực; nốc góc là loại thuyền nhỏ (như thuyền thúng) dùng để cố định các góc vó, trên có treo đèn để cá theo ánh sáng mà vào vó.

Gần gũi với cách gọi tên trên là cách định danh dựa vào phương thức đánh bắt cá. Trong phương ngữ Nghệ Tĩnh có 5 từ định danh theo sự lựa chọn này là: nốc vây, nốc cào, nốc thả, nốc đèn, nốc đáy. Nốc vây là loại thuyền đánh cá biển gọn nhẹ có khả năng cơ động nhanh, khi phát hiện thấy đàn cá thì dùng thuyền vây lưới kín các mặt. Nốc cào (còn gọi là nốc dạ cào) là loại thuyền bằng gỗ lớn đánh bắt xa bờ bằng lưới "dạ" theo hình thức dùng thuyền "kéo"(nên phương ngữ gọi là "cào"). Nốc thả là loại thuyền nhỏ, mạn thuyền được làm thấp, trơn để tiện đánh cá theo hình thức "thả" và thu gom lưới. Nốc đèn là loại thuyền đánh cá đêm, dùng hệ thống đèn chiếu sáng để nhử cá theo ánh sáng mà tập trung tới vị trí đánh bắt. Nốc đáy là tên gọi chỉ loại thuyền của người chuyên đánh cá sông theo cách thức đặc trưng là dùng lưới thả và cố định miệng lưới theo cọc đáy (cọc nhọn dùng để đóng xuống đáy sông).

Có 5 từ định danh theo phương thức lựa chọn yếu tố khu biệt là loại công cụ (lưới) đánh bắt cá. Trong phương ngữ Nghệ Tĩnh có các từ chỉ các loại lưới: "dạ", "rẹo", "rê", "rùng", "vó", mỗi loại lưới như vậy chỉ thích hợp đánh bắt cá trong một ngư trường, thời gian nhất định (độ sâu của nước, loại cá, hình thức đánh bắt, mùa cá v.v...). Cũng do vậy, thuyền chuyên dùng loại lưới nào để đánh bắt cá thì được gọi tên theo dấu hiệu biệt loại đó. Cho nên, theo các loại lưới được dùng để đámh bắt, tên gọi các loại thuyền trong phương ngữ Nghệ Tĩnh cũng có thêm yếu tố đi sau chỉ loại lưới đó. Phương ngữ Nghệ Tĩnh có các từ nốc dạ, nốc rẹo, nốc rùng, nốc rê, nốc vó.

Có hai từ gọi tên theo đặc điểm kích thước của vật, chỉ độ lớn của thuyền là nốc nậy (thuyền lớn) phân biệt với nốc nụ (thuyền bé). Một từ khác cũng đặt tên theo đặc điểm hình thức, nhưng không theo đặc trưng kích thước (nậy, nụ) mà theo hình dáng, đó là từ nốc thúng (cấu tạo cùng kiểu thuyền thúng trong ngôn ngữ toàn dân nhưng khác ở yếu tố nốc mang tính phương ngữ). Từ còn lại là nốc vạn, cách định danh của từ này là chọn đặc trưng đối tượng người sử dụng phương tiện. "Vạn" là "vạn chài"- chủ nhân là những người làm nghề đánh bắt cá chủ yếu ở sông.

 Như vậy, các từ dùng để chỉ phương tiện đánh cá trong phương ngữ Nghệ Tĩnh chủ yếu được định danh theo phương thức ghép mà yếu tố loại biệt trong từ ghép loại này là những yếu tố thể hiện đặc trưng về phương thức và công cụ đánh bắt cá. Những đặc trưng lựa chọn như vậy là điển hình, nổi bật của nghề cá. So sánh với các từ toàn dân thuộc nhóm này được Từ điển tiếng Việt thu thập [157, tr. 934], chúng tôi thấy tất cả có 10 từ chỉ về thuyền, trừ từ "thuyền" có nghĩa chung và "thuyền bè" có nghĩa khái quát, sáu trong tám từ còn lại định danh dựa vào đặc điểm hình thức - hình dáng cấu tạo của sự vật là: thuyền thúng, thuyền thoi, thuyền rồng (chọn hình rồng - thuyền của vua), thuyền mành (buồm trông tựa cái mành), thuyền đinh (mũi nhọn), thuyền nan (đan bằng nan tre nứa). Chỉ có hai từ định danh dựa vào đặc trưng khác là thuyền chài và thuyền bồng. Vậy là tuy cùng phản ánh một phạm vi sự vật nhưng số lượng từ địa phương phong phú hơn từ toàn dân và phương thức định danh cũng khác nhau. Trong khi từ ngữ toàn dân chủ yếu lựa chọn đặc điểm về hình thức - hình dáng cấu tạo của sự vật để gọi tên thì chỉ có 3/20 từ địa phương loại này là định danh theo hướng lựa chọn như vậy. Như đã nói ở trên, từ địa phương được dùng để gọi tên phương tiện nghề cá, chủ yếu đã chọn lựa phản ánh các đặc trưng về công cụ và phương thức đánh bắt cá. Sự khác biệt đó theo chúng tôi là có thể giải thích được. Cái dấu ấn riêng của từ địa phương là phản ánh đặc điểm riêng của hoạt động thực tiễn và hoạt động giao tiếp ở địa phương. Hoạt động đó gắn bó với đời sống cư dân Nghệ Tĩnh từ lâu đời, và không kém phần phong phú đa dạng. Mảng hiện thực này khi được phản ánh vào ngôn ngữ, trong ý nghĩa của từ, bên cạnh cái chung, cũng có những nét riêng phương ngữ.

 Ngoài nốc ra, về công cụ đánh bắt cá, người Nghệ Tĩnh dùng rất nhiều dụng cụ khác nhau, tuỳ theo môi trường biển, sông, ao hồ, đồng ruộng, khe suối nơi mà người dân sinh sống. Hình thức đánh bắt cá đa dạng, có thể là ở dạng tranh thủ, kết hợp của người làm ruộng chứ không thành nghề vì vậy tên gọi phản ánh các loại dụng cụ đánh bắt cũng mang tính chất phổ biến rộng rãi. Dụng cụ đánh bắt chính, phổ biến trong toàn vùng là lưới (mà người Nghệ Tĩnh gọi là lái), ở Nghệ Tĩnh có nhiều loại khác nhau. Dường như các tác giả Từ điển tiếng Việt [157] không chủ trương thu thập từ ngữ chỉ các loại lưới nên chỉ có duy nhất một từ lưới mang nghĩa chung. Trong phương ngữ Nghệ Tĩnh, tên gọi chỉ các loại lưới cũng phong phú không kém tên gọi chỉ phương tiện nốc. Ngoài từ lái (biến âm) nghĩa tương đương với "lưới" (kẻ chài người lái) chỉ các loại lưới đánh bắt cá biển, sông, đồng nói chung, phương ngữ Nghệ Tĩnh còn dùng 25 từ phái sinh khác để gọi tên các loại lưới theo những đặc trưng khác nhau. Có thể liệt kê các từ đó là : lái bén, lái bọc, lái chân, lái cước, lái dạ cào, lái dạ đôi, lái đụi (lái đụn), lái mốt, lái mười, lái mực, lái năm, lái nhợ, lái rà, lái rẹo, lái rê, lái rê bay, lái rê khơi, lái rê lộng, lái rùng, lái rút, lái te, lái thả, lái trồng, lái vây, lái vó đèn. Trong các từ đó có những từ định danh theo đặc điểm kích thước thưa dày của mắt lưới (lái mốt, lái mười, lái năm); có loạt định danh theo đặc trưng lựa chọn về đặc điểm, kiểu đánh bắt (lái bọc, lái chân, lái rà, lái rút, lái thả, lái vây, lái vó, lái te); có từ gọi tên theo chất liệu (lái cước, lái nhợ (chất liệu sợi bông); có từ định danh theo mục đích đánh bắt (lái mực) nhưng cũng có những từ mà dấu vết về sự "cảm nhận" hay đặc điểm sự vật được lựa chọn để đưa vào tên gọi đã bị phai mờ "không cònlí do" để giải thích, như các từ: lái rùng, lái rẹo, lái rê, chỉ biết rằng mỗi từ là tên gọi của một loại lưới có đặc điểm đánh bắt các loại cá khác nhau và độ sâu khác nhau.

Ngoài hình thức đánh cá bằng lưới và các dụng cụ quen thuộc với mọi miền như: đó, lờ, vó, câu, nhủi, Nghệ Tĩnh còn dùng hàng loạt dụng cụ khác và mỗi loại như vậy lại có các dạng kiểu hình thức khác nhau để đánh bắt các loại tôm cá khác nhau tùy theo đặc điểm môi trường nước từng vùng miền, do đó mà có các tên gọi khác nhau trong phương ngữ Nghệ Tĩnh. Ví dụ, có hai loại dụng cụ đều để đánh tép biển dùng cho cá nhân nhưng do đặc điểm cấu tạo và hình thức đánh bắt có phần khác nhau nên trong phương ngữ chúng được gọi bằng hai tên gọi là kệu và trú. Kệu có hai gọng tre để đẩy, hình dạng giống cái nhủi, miệng lưới móc chặt vào hai đầu gọng, phía sau của lưới có đụt giống như cái túi. Nếu kệu chỉ đẩy ở độ sâu từ cổ người trở xuống thì trú (lưới dài 8 – 10 mét) lại phải dùng nhiều ống tháp (ống kheo) nối vào chân để đẩy trú ở độ sâu 5,6 mét. Đối với dụng cụ được gọi là "đó", người Nghệ Tĩnh phân ra các tên gọi cụ thể khác nhau theo đặc điểm hình thức, chức năng từng loại: đó đụt (đó đan bằng tre, có nắp đậy, miệng đó được đặt theo dòng chảy, phía cuối thu nhỏ giống cái "đụt" (như cái bao đựng); đó đứng (tên gọi cho biết đặc điểm hình dáng của đó, khi đơm cá đặt "đứng", cửa đứng thẳng); đó nhủi (tên gọi phản ánh đặc điểm hình dáng của đó giống cái nhủi). Các dụng cụ đánh bắt khác như vó, rớ, te,...mỗi loại có đặc điểm riêng. Người Nghệ khi bắt cá to dùng vó (lưới đan thưa), cất cá nhỏ dùng rớ (lưới đan dày mắt hơn vó), để bắt tôm tép thì dùng te. Dụng cụ để đựng cá cũng có nhiều loại nên cũng có nhiều từ định danh. Dụng cụ mà người Bắc gọi là "giỏ" thì người Nghệ Tĩnh có hai tên gọi: là chộng:

   Chiều chiều ra đứng mà ngong

Cuốc cùn chộng rách đang dong ngược đồng

(CDNT)

Và oi:

   Người ta bắt cáy đầy oi

  Sao em bắt nạm cáy ròi ơ em    

  (CDNT)

 Dụng cụ đan bằng nan tre to gấp bốn, năm lần giỏ, đựng cá (vài chục cân) đánh bắt bằng lái rà ở đồng ruộng sâu, ao hồ, khe suối, người Nghệ Tĩnh gọi là vịt. Tên gọi “vịt” phản ánh rõ đặc trưng hình dáng của loại đồ đựng này. Vịt được đan to, kéo, nổi được trên mặt nước nhờ hai bên cột hai ống luồng làm phao, hình dạng của đồ đựng giống như con vịt đang bơi.

 Có lẽ phong phú nhất trong vốn từ vựng nghề cá là tên gọi về các loại cá. Tên gọi các loại cá được thu thập trong Từ điển tiếng Việt đã rất phong phú, có101 từ [157, tr. 95], trong phương ngữ Nghệ Tĩnh còn phong phú hơn, gồm 176 từ ngữ.

 Sự phong phú của vốn từ vựng loại này là phản ánh đặc điểm phân cắt đối tượng một cách cụ thể theo những đặc trưng lựa chọn mang tính biệt loại rõ ràng của cách cảm nhận, tri giác của người Nghệ. Chẳng hạn, người Nghệ không dừng lại ở tên gọi mực có ý nghĩa "chung chung" mà trong ý niệm, họ phân mực ra thành nhiều loại, nên mới có nhiều tên gọi khác nhau: mực lá, mực cơm, mực ống, mực nang, mực tuộc,... Các tên gọi này chủ yếu được định danh dựa vào đặc trưng hình thức, hình dáng của con mực. Nhìn chung phương thức định danh của các từ ngữ chỉ các loại cá khá đa dạng. Có thể là tên gọi phản ánh đặc trưng môi trường sống của loại cá đó, dạng như: cá mái núi (sống ở khe núi), cá mú đất (cá biển họ cá mú, sống sát mặt đất), cá tràu khe (cá nước ngọt, da có màu sẫm đen, sống ở khe suối)... Nhưng kiểu định danh phổ biến nhất là dựa theo đặc điểm hình dáng, màu sắc của cá. Ví dụ: cá mú hoa, cá tai tượng, cá buồm, cá chỉ vàng, cá dơi, cá đém, cá đốm, cá cứt cò, cá kim, cá lá, cá lá tre, cá lợn, cá lại (lưỡi) bò, cá mu chuối, cá mú nhọn, cá mú tròn, cá ngạnh, cá nục chuối, cá nục gây, cá xóc trắng, cá xóc vàng v.v. Một điều đáng nói là qua tên gọi về cá ta thấy cách phân loại cá của người Nghệ rất cụ thể, tỉ mỉ; nếu không dựa vào đặc điểm hình dáng để phân chia thì cũng thường dựa vào đặc điểm các thời kì sinh trưởng của cá để phân cắt đối tượng thành những đoạn cắt cụ thể nhiều khi đến mức chi li. Chẳng hạn, loại cá đồng mà ngôn ngữ toàn dân gọi là cá rô thì người Nghệ chia cá này thành từng loại nhỏ khác nhau theo các thời kì sinh trưởng, theo độ lớn của nó. Cá rô dùng ở Nghệ Tĩnh là tên gọi chung về loại cá này nhưng khi cá mới nở thì gọi là cá rô rạy (rạy là mới được sinh ra), lớn hơn một chút gọi là cá rô thóc hoặc cá rô thoóc (thóc, thoóc có nghĩa là nhỏ), cá lớn gần bằng ngón tay cái, mình đầy thịt nhưng thân còn ngắn (mùa lũ lụt hay di chuyển thành đàn) gọi là cá rô bù, cá ở thời kì phát triển cao nhất, to nhất thì gọi là cá rô trằn mệ. Tương tự, tên gọi "cá chép" trong ngôn ngữ toàn dân mà người Nghệ Tĩnh gọi theo biến âm là cá chét, đó là tên gọi chung về loại cá này ở trong phương ngữ. Tùy theo độ lớn của cá ở từng thời kì mà người Nghệ thay đổi tên gọi cho nó. Cá chét ở thời kì nhỏ (cá bột) gọi là cá rồng rồng, khi cá lớn khoảng bằng bàn tay gọi là cá hoa. Cá ở thời kì phát triển, to, nặng khoảng trên 1 kg có thể sinh sản mới gọi là cá gáy. Cũng vậy, cá mà ngôn ngữ toàn dân trước đây gọi là “cá chuối” nay phổ biến gọi là "cá quả" thì người Nghệ Tĩnh gọi là cá tràu và phương ngữ Nghệ Tĩnh còn dùng bốn tên gọi khác nhau để phản ánh bốn giai đoạn phát triển của nó. Cá tràu ở thời kì cá bột (mới nở) đang sống thành đàn gọi là cá ma ma. Cá lớn bằng ngón tay cái gọi là cá tràu cóc. Cá lớn bằng cán liềm gọi là cá tràu đô, cá ở thời kì phát triển cao nhất, kích thước khá ổn định gọi là cá tràu. Dựa vào đặc điểm hình dáng, màu sắc, cá tràu lại được chia ra: cá tràu nhọi, cá tràu hoa, cá tràu chó. Cá ở thời kì sinh sản gọi là cá tràu ổ, loại cá tràu sống ở khe suối gọi là cá tràu khe. Cá cơm là một giống cá biển cùng họ cá trích, loại lớn nhất mình to hơn chiếc đũa con, hai bên mình có sọc trắng dài, trong phương ngữ Nghệ Tĩnh loại cá này được phân thành bốn loại khác nhau nên chúng có bốn tên gọi. Loại cá cơm nhỏ nhất gọi là cá cơm tróng (tróng là sợi tre nứa vót nan thải ra), cá cơm loại lớn hơn (ăn ngon nhất) thịt đỏ hồng hai bên thân không có sọc trắng gọi là cá cơm kè, cá cơm to vừa, đầu có vết tròn sáng bạc quanh mắt gọi là cá cơm bạc, cá cơm loại to nhất, mình không tròn bằng và thịt bở hơn cá cơm bạc gọi là cá cơm trọc (Hà Tĩnh gọi là cá cơm troọc) v.v.

Qua tên gọi của một số từ phái sinh có ý nghĩa định danh biệt loại, chỉ các loại nhỏ trong một loại lớn như trên, ta thấy sự phân cắt thế giới hiện thực thành những mảnh, những đoạn nhỏ, cụ thể, tỉ mỉ như vậy là phản ánh thực tế phong phú của đối tượng sự vật, phản ánh tính chất gần gũi gắn bó quen thuộc của hiện thực nghề cá đối với đời sống con người. Rõ ràng nghề cá nếu không phải là nghề truyền thống, phổ biến, lâu đời, nếu không phải là nghề có ảnh hưởng đến cuộc sống sinh tồn của người dân xứ Nghệ thì làm sao các loại cá lại được phân loại gọi tên một cách chi tiết đa dạng nhưng hệ thống đến vậy. Và đằng sau sự phản ánh qua tên gọi của ngôn ngữ như thế phải chăng ẩn chứa thói quen cách nhìn sự vật, nếp tư duy mang tính cụ thể, tỷ mỉ đến mức chi tiết của con người xứ Nghệ? Những thuộc tính được lựa chọn và cách thể hiện các thuộc tính đó qua tên gọi nghề cá trong phương ngữ Nghệ Tĩnh phần nào cũng cho thấy tính cách của con người nơi đây tuy hơi tỉ mẩn nhưng luôn hết mình, tận tình, chu đáo với mọi người cũng như công việc mình làm.

Quả là qua tên gọi về nghề cá, ta cảm thấy cá và những sự vật có liên quan không những không thể thiếu trong đời sống lao động vật chất của con người nơi đây đã từ xa xưa, lâu đời mà hình ảnh về chúng còn trở thành những biểu tượng trong đời sống tinh thần của người dân xứ Nghệ. Các sự vật quen thuộc liên quan đến nghề cá đã trở thành hình ảnh liên tưởng, biểu tượng cho nhiều đặc điểm tính cách của con người. Chúng đã đi vào đời sống văn hoá tinh thần của người dân xứ Nghệ. Con cá, con mực, cái chộng, cái oi cũng đã đi vào thơ dân gian, đi vào thành ngữ, tục ngữ địa phương, trở thành hình ảnh biểu trưng. Như ta biết, trong phạm vi ý nghĩa của từ ngữ nói chung trong thành ngữ, tục ngữ nói riêng, đặc trưng văn hoá dân tộc thường được thể hiện đậm nét nhất là ở các hình ảnh, các đặc điểm lựa chọn biểu trưng. Chúng tôi nghĩ trong phạm vi phương ngữ cũng vậy; lựa chọn hình ảnh đặc điểm nào của sự vật để biểu trưng là tùy thuộc vào mức độ gần gũi và khả năng liên tưởng giữa hình ảnh, sự vật được đưa ra với hàm ý, với ý niệm khái quát hoá mà người nói hướng tới. Do vậy hình ảnh biểu trưng phải mang tính chung quen thuộc với mọi người. Trong phương ngữ, như một lẽ tự nhiên người ta sẽ lựa chọn hình ảnh quen thuộc với họ. Nếu như, trong ngôn ngữ toàn dân, đối với cộng đồng người Việt, khi nói tới "cua" là mọi người có thể liên tưởng tới đặc điểm vận động của nó là “bò ngang” khác con vật khác, cho nên hình ảnh con cua gợi nên ý nghĩa biểu trưng về tính ngang bướng ương gàn của con người. Bởi thế "cua" được dùng trong thành ngữ ngang như cua. Cũng là ấn tượng về đặc trưng vận động, cua gãy càng di chuyển trông rất trái mắt nên hình ảnh của nó trong thành ngữ ngoe nguẩy như cua gãy càng là biểu trưng cho cử chỉ trơ tráo không biết ngượng. Giam trong phương ngữ Nghệ Tĩnh là chỉ cua (đồng). Đối với người Nghệ Tĩnh "giam" lại gợi ra một số liên tưởng khác "cua". Người Nghệ Tĩnh lấy “giam” để biểu trưng cho đặc điểm hình thể gầy yếu dơ xương của con người. Nên mới có thành ngữ: Tóm (gầy) như giam:

   - Ai mà béo bạo (khoẻ) như tru (trâu)

  Về đất Kẻ Ngù cũng tóm như giam.

 - Ai mà ngài (người) tóm như giam

 Về đất nhà chàng cũng béo như tru.

(CDNT)

"Giam" còn được dùng để biểu trưng cho tính chất lộn xộn, lung tung không nề nếp. Thành ngữ so sánh: như giam trong oi là hàm ý ví với tính chất đó. Trong một thành ngữ địa phương khác: nhét cá lòi giam, người Nghệ Tĩnh đã khéo chọn lựa hai sự vật cụ thể sống trong cùng một môi trường nhưng không tương hợp để khái quát hoá về ý niệm: cái gì cũng có giới hạn, không thể có được tất cả. Hình ảnh con giam trong thành ngữ Nghệ Tĩnh: như cối đâm giam còn được dùng kết hợp với hình ảnh chiếc cối để biểu trưng cho tính chất bẩn thỉu của con mắt, mặt người với vẻ dính bết gây cảm giác ghê sợ. Cũng như cá, giam có ở khắp nơi trên các cánh đồng xứ Nghệ, là loại thức ăn quen thuộc gắn bó với đời sống của người dân, là hình ảnh đã ăn sâu vào tâm thức mọi người dân nơi đây. Giam không chỉ trở thành hình ảnh biểu trưng cho nhiều đặc điểm tính chất của người mà còn là hình ảnh biểu trưng cho sự cần cù chăm chỉ, chịu thương chịu khó của người lao động. Hình ảnh giam cùng với con bò trong thành ngữ: tay dắt con bò chân dò con giam là biểu trưng cho tính cách đáng quý đó của người Nghệ Tĩnh. Đối với người lao động, giam còn là hình ảnh biểu trưng cho sự no đủ về vật chất trong đời sống sinh hoạt dân dã thôn quê:

 Lấy anh em không phải lo

Bước lên giường cữ, giam kho ba nồi

 (CDNT)

 Quả là, nếu ta chỉ so sánh tên gọi đơn thuần "giam" nghĩa là "cua" như nghĩa mà từ điển thường chú giải thì làm sao thấy được ý nghĩa biểu trưng, cái hàm ý, cái cảm nhận, biểu cảm, nét tư duy, sắc thái văn hoá của người Nghệ Tĩnh qua các lớp nghĩa của từ "giam" khác "cua" lí thú như vậy. Cũng so sánh về ý nghĩa biểu trưng của từ liên quan đến nghề cá, còn có rất nhiều từ địa phương được dùng với nghĩa biểu trưng khác từ toàn dân tương ứng về nghĩa biểu vật. Gần gũi với hình ảnh con giam, trong phương ngữ Nghệ Tĩnh rạm cũng được dùng định danh với nghĩa như trong ngôn ngữ toàn dân, chỉ loại “cua nhỏ thân dẹp, có nhiều lông sống ở nước lợ”[157, tr. 791]. Nhưng trong phương ngữ Nghệ Tĩnh, rạm được dùng mang một số nghĩa biểu trưng khác dùng trong ngôn ngữ toàn dân. Rạm trong phương ngữ Nghệ Tĩnh thường biểu trưng cho các đặc điểm tính chất không tốt của con người. Đó là tính chất hôi hám, mùi khó chịu: Hôi như ruốc rạm; hay là tính cách, đặc điểm xung khắc không hoà hợp, luôn chỉ trích, xỉa xói nhau trong một tập thể: cắm chắc như rạm gió; rạm còn biểu trưng cho tính ích kỉ, níu kéo nhau (thà cùng thua thiệt không để người khác vượt lên): tríu chắc như rạm trôi bè. Có một thành ngữ liên quan đến nghề cá được dân gian khái quát đến mức điển hình cho một hạng người không ít trong xã hội, bất tài nhưng luôn cản trở công việc và con đường tiến thân của người khác. Đó là thành ngữ: đó rách ngáng trộ. ở đây, "đó rách" được dùng biểu trưng cho sự sa sút, năng lực yếu kém, còn "trộ" là chỗ nước chảy, nơi để đơm cá được dùng biểu trưng cho con đường, công việc chung. Tương tự, nếu như nhắc đến tên gọi “cá chuối” người Việt có thể liên tưởng tới hình ảnh biểu trưng của nó cho tình cảm của mẹ (cha), sự chịu đựng mọi khó khăn, đau khổ, quên mình vì con cái (cá chuối đắm đuối về con). "Cá quả" dùng trong ngôn ngữ toàn dân hiện nay là tên gọi khác nhưng cùng chỉ một loại cá là cá chuối, song “cá quả” không được dùng với ý nghĩa biểu trưng. Cá tràu trong phương ngữ Nghệ Tĩnh, ngoài ý nghĩa biểu vật như “cá quả” còn được dùng để biểu trưng cho nhiều tính chất khác nhau. Trong tâm thức dân gian Nghệ Tĩnh, "cá tràu" biểu trưng cho sự nói năng, hành động bộp chộp, vội vàng không chín chắn, nên mới có thành ngữ: mồm cá tràu và lóc bóc như cá tràu khe. Cá tràu còn biểu trưng cho sự cao sang (nhất là loại sống ở khe suối, béo vàng đuôi (cá tràu đỏ đít)): nhà giàu ăn cá tràu đỏ đít; biểu trưng cho thang giá trị cao đối với kẻ thấp hèn: cói chó (cò nâu giống nhỏ) ngó cá tràu. Trong tâm thức người Việt, cá là con vật quen thuộc, trong nói năng thường dùng biểu trưng cho sự tự do (cá bể chim trời), cho hoàn cảnh hiểm nghèo (cá nằm trên thớt), mắc mưu kế hoặc bị mua chuộc (cá cắn câu), cảnh sống bó buộc, tù túng, mất tự do (cá chậu chim lồng). Đối với xứ Nghệ có lẽ cá là một trong những loại thực phẩm quen thuộc nhất và cũng rất quý đối với đời sống cư dân nơi đây nên dân gian mới ví (tuy hơi thông tục) cứt cá hơn lá rau. Cá đã đi vào tâm thức văn hoá ứng xử, cá đi vào văn hoá ăn uống, cá đi vào đời sống tinh thần, vào thơ ca dân gian. Vì thế, ít nhiều hình ảnh “cá” cũng được dùng với những sắc thái văn hoá khác các vùng khác. Cùng sử dụng “cá” làm hình ảnh biểu trưng cho cùng một ý nghĩa (gầy), nhưng giữa ngôn ngữ toàn dân và phương ngữ lại chọn lựa hai loại cá khác nhau; trong ngôn ngữ toàn dân là “cá rô đực” (gầy như cá rô đực) còn trong phương ngữ Nghệ Tĩnh là “cá lẹp” (ngài như mắm lẹp). Cá trong phương ngữ Nghệ Tĩnh là hình ảnh đa nghĩa biểu trưng. Cá biểu trưng cho sự no đủ sung sướng (chết cha ăn cơm với cá, chết mệ (mẹ) đứng ngã ba đường); cá là sự biểu trưng cho giá trị vật chất, những thứ dân dã tự bàn tay lao động của mình làm nên (cơm cày, cá đó; hay cá đơm đó, ló (thóc) đi cày); là hoàn cảnh bị trói buộc, mất tự do (cá vô lờ (lừ)); là gặp hoàn cảnh khó khăn (cá nhỏ đó thưa); là sự tự do không ràng buộc (như cá trửa (giữa) vời (khơi)); là gặp dịp thuận lợi may mắn (cá mái được nác). Cá còn được dùng biểu trưng cho một số đặc điểm tính cách của con người. Đó là sự kén chọn khó tính, không bình thường (kén cá chọn canh); là sự tham lam không có giới hạn (con rô cũng tiếc con diếc cũng muốn); là tính cách bộp chộp, vội vàng không chín chắn (hớp tớp như cá rớp tháng ba); là sự nói năng kém cỏi thiếu rành mạch (nói lộn (nhầm, lẫn vào nhau) chạch lộn lươn); sở thích, tính cách của con người là khác nhau (kẻ ưa cá đồng nấu khế, người ưa cá bể nấu dưa) v.v.

 Về văn hoá ẩm thực và giá trị tinh thần của cá đối với đời sống sinh hoạt thường ngày, cá cũng là hình ảnh gần gũi được dùng để so sánh ví von cho nhiều sở thích bình dị, cho tình cảm mong muốn đời thường của con người xứ Nghệ. Tên gọi cùng với ý nghĩa vật chất và văn hoá của cá đã đi vào đời sống của cộng đồng cư dân Nghệ Tĩnh cũng như đời sống từng gia đình. Cảnh:

          Chồng chèo vợ lái con câu

          Cha xúc mẹ nhủi nàng dâu đi mò

(CDNT)

là rất quen thuộc với người Nghệ Tĩnh. Dường như vùng nào của Nghệ An, Hà Tĩnh cũng có những câu nói về đặc sản quê mình, thường trong đó cũng có nhắc đến địa danh có loại cá ngon, ví như: Cá rô Bàu Nón, nước tương Nam Đàn ; cá mát sông Giăng, măng chợ Cồn (Thanh Chương); Cá rô đồng Tiệp, cá giếc đồng Bàu; Xuống làng Trang (Cửa Sót) ăn cá bù, ra Yên Điền (Thịnh Lộc) ăn cá thu;...Trong tâm thức của người Nghệ Tĩnh, địa vị của người làm nghề cá được đánh giá rất cao. Ca dao Nghệ Tĩnh cũng như trong dân gian thường ví: "Lấy chồng chài lái là tiên, lấy chồng chè rượu là duyên nợ đời". Đặc biệt, "cá" cũng được dùng để nói lên một ý niệm nào đó: Thương chồng mua cá hồng đầu nước (đầu mùa); Sống cá thởng cá thèn chết kèn trống. Cá là thức ăn thường ngày nhưng khi được chế biến lại trở thành món quà chợ quen thuộc ngày xưa: Bún giá cá ruốc. Cá gắn bó với cuộc sống thường nhật và tình cảm hồn nhiên của người dân xứ Nghệ như một lẽ tự nhiên: Muốn ăn cá thởng băm hành, Trốn cha trốn mẹ theo anh về Cờn; Con cá trích ních (ăn) mấy cũng không no; Cơm tấm ăn với cá rô, Sao em phụ bạc lấy dùi gồ (vồ) đập nhôông (chồng); Ló lốc phơi chen (nỏ) cá thèn bác mốc; Cá lẹp mà kẹp lộc mưng, Ông ăn to miếng mụ trừng mắt lên; Trốc cá bù, khu cá kẹn, bẹn mực nang, gan cá thiều; Cơm gạo lốc, cá rô bạc trốc, mệ mô hèn hèn, cũng mần dăm bảy đọi v.v.

Rõ ràng, trong đời sống vật chất và văn hoá tinh thần của cư dân Nghệ Tĩnh nói chung cá là một thực thể có vị trí quan trọng, chính vì thế, về mặt ngôn ngữ “cá” là hình ảnh gợi liên tưởng phong phú, đa chiều, mang nhiều ý nghĩa biểu trưng. Thế nên, các yếu tố “cá” hay “mắm” tham gia cấu tạo từ ghép danh từ: Cơm mắm hay cá mắm đã tạo cho từ có ý nghĩa khái quát hoá, biểu trưng hoá ở mức độ cao, nghĩa của từ không còn có thể giải thích qua nghĩa của các yếu tố. Nếu người tỉnh bạn đến Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh được mời ăn cơm mắm, hoặc ăn mắm cá thì phải hiểu là ăn cơm có nhiều thức ăn ngon, có thịt gà thịt lợn,... Nghĩa là các từ cá mắm và cơm mắm được hiểu tương đồng về nghĩa với từ "cơm rượu".Nói cách khác, trong cách nói trên của người Cẩm Xuyên, cơm mắm hay cá mắm là có nghĩa ngược với cách nói cơm rau hay cơm muối (thức ăn đơn giản, bữa ăn sơ sài). Cũng vậy, nói đến người Nghệ Tĩnh người ta hay nhắc đến từ cá gỗ; sao người Nghệ lại được gọi là dân “cá gỗ” ? Nhiều người nghĩ, vì thói quen ăn uống của người xứ Nghệ xem cá là món ăn quan trọng nên khi không có cá thì người Nghệ đặt con cá bằng gỗ vào đĩa để có cảm giác như được ăn cá. Rằng chuyện cá gỗ là muốn nói người Nghệ sống đầy ý chí. Chúng ta không bàn đến tính đúng sai của từ "cá gỗ" mà người ta dùng để ví một đặc điểm, tính cách nào đó của người Nghệ, nhưng chắc chắn rằng, nếu hình ảnh con cá không gắn bó mật thiết với đời sống vật chất và văn hoá, tinh thần của người Nghệ thì đã không có cách gọi như vậy.

Qua một vài miêu tả như trên, chúng ta không những đã có thể thấy được sự phong phú của vốn từ vựng nghề cá trong phương ngữ Nghệ Tĩnh là phản ánh sự phong phú của thực tế khách quan cũng như vai trò của nó trong đời sống xã hội mà còn qua lớp từ ngữ đó chúng ta cũng hình dung được phần nào cách lựa chọn các đặc trưng của sự vật, cách phân cắt thực tế khách quan để phản ánh vào ngôn ngữ trong ý nghĩa của từ. Cách chọn lựa các thuộc tính đặc trưng, cách phản ánh chúng vào ngôn ngữ là thể hiện cách nhìn, lối tư duy cụ thể, tỉ mỉ về sự vật; cùng với cách dùng phong phú các hình ảnh về cá và nghề cá tạo nên tính đa nghĩa biểu trưng rất độc đáo nhưng cũng rất gần gũi với đời sống cộng đồng Nghệ Tĩnh, cho thấy con người xứ Nghệ giàu liên tưởng, không chỉ quen tư duy cụ thể chi tiết rạch ròi mà mặt khác cũng hay suy tưởng theo hướng khái quát hoá, biểu trưng hoá. Chỉ qua lớp từ nghề cá ta cũng cảm nhận thấy không chỉ là tính cách, lối sống mà với tư duy cũng vậy, mọi thứ đối với người Nghệ đều rành rõ với hai cực phân minh. Những nét sắc thái văn hoá ấy vừa là chung nhưng cũng rất riêng của người xứ Nghệ miền Trung. 

 

3.2.3. Nhóm từ chỉ hoạt động đánh giá sự vật

 Nói tới các từ chỉ hoạt động đánh giá sự vật là nói tới một tập hợp rất nhiều từ trong một phạm trù rộng bao gồm nhiều phương diện, nhiều mức độ thể hiện sự đánh giá. ở đây chúng tôi giới hạn chỉ đề cập tới tiểu nhóm thể hiện sự đo đếm định lượng sự vật và tiểu nhóm chỉ mức độ cao theo sự bình giá đặc tính sự vật. Đây là hai tiểu nhóm gắn bó đến đời sống con người và phương diện cách thức tri nhận đánh giá sự vật mà trong đó yếu tố chủ quan con người về cảm nhận hiện thực được thể hiện rõ nét.

 

3.2.3.1. Tiểu nhóm các từ ngữ chỉ hoạt động đo đếm định lượng sự vật

 Trong tiếng Việt, các từ cao, thấp, dài, rộng, nhẹ, nặng... là những từ thể hiện độ đo theo tiêu chuẩn (chủ quan và khách quan) mà cộng đồng ngôn ngữ (hoặc con người nói chung) xem là căn cứ để xác định các biểu hiện của sự vật. Vật chuẩn về độ đo trong ngôn ngữ là trừu tượng, có thể được xác định theo thuộc tính thường gặp điển hình nhất, đối với từng loại sự vật (ví dụ độ đo của một ngôi nhà cụ thể so với độ đo phổ biến của các ngôi nhà khác); hoặc có thể được xác định so với vật nào đó mà người nói, người nghe đều đã biết, lấy nó làm chuẩn - làm đơn vị để so sánh (ví dụ cao trong bàn cao có thể là so với người dùng, hay so với cửa sổ v.v.); nhưng nhiều khi vật chuẩn để định độ đo có thể lại do người nói lấy mình (đặc tính hay quan niệm của mình) làm đơn vị để đo vật khác. Vấn đề đang nói ít nhiều liên quan đến nét nghĩa dụng học đã được nhiều người nhắc tới, đặc biệt Đỗ Hữu Châu bàn kỹ trong công trình Cơ sở ngữ nghĩa học từ vựng, chính ông đã khái quát: "Nói đến vật chuẩn là nói đến con người và cách thức mà con người lựa chọn vật chuẩn" [31, tr. 191]. Như vậy, dù có lựa chọn vật chuẩn theo cách nào thì trong đó cũng hàm chứa yếu tố con người về sự vật cảm nhận hiện thực. Trong hoạt động giao tiếp, độ đo về hiện thực, thường được người nói định lượng một cách hiển minh bằng những con số cụ thể hay bằng những vật chuẩn đối chiếu cụ thể theo thước đo mà người nói nói ra. Qua "thước đo" mà người nói sử dụng chúng ta có thể thấy được phần nào thói quen tư duy của họ.

Trong giao tiếp, cho tới nay, người Nghệ Tĩnh, đặc biệt là vùng nông thôn vẫn thường lấy mình hoặc các bộ phận cơ thể người làm vật chuẩn, làm thước đo để xác định độ đo của vật được nói tới. Ví dụ, để nói tới độ cao của một sự vật nào đó (trong khoảng vài mét) người Nghệ Tĩnh thường nói: cao bằng ngài (người) đứng; cao bằng trôốc (đầu); cao hơn ngài đứng; cao bằng hai ngài đứng;... Nếu vật thấp hơn thì nói: cao bằng ngài ngồi (cao bằng độ cao của người khi ngồi); cao ngang bụng; cao bằng lưng quần; cao bằng đứa con nít (trẻ con); cao bằng trôốc cúi (đầu gối);... Nếu nói tới độ đo tương đối “chính xác” đối với vật hình khối theo chiều thẳng đứng hoặc chiều ngang, với độ nhỏ hơn độ dài của sải tay thì người ta thường dùng "gang (tay)" làm thước, như kiểu nói: má (mạ) cao gang tay chưa cấy được; ló (lúa) còn hai gang nữa là ngập nác (nác); cót cao 4 gang; ghế dài 7 gang; v.v.

 Nói về độ "sâu" của nước, người ta thường cũng có cách nói ước lượng qua các bộ phận cơ thể người như vậy. Nếu nói về độ đo trên sông biển, người Nghệ Tĩnh thường vẫn quen lấy sải (tay) làm thước đo. Ví dụ kiểu nói: nốc (thuyền) ra 12 sải (độ sâu 12 sải tay); nác su sải tay (nước sâu một sải tay); nác 5 sải thì thả lái;... ở đồng ruộng, khe suối thì tuỳ theo độ sâu của nước mà nói ước lượng theo kiểu: nác (nước) đến mắt cá; nác trấy chưn (nước đến bắp chân), nác trốôc cúi (nước đến đầu gối) v.v... Nói về kích thước, độ lớn của sự vật, người Nghệ Tĩnh thường nói: bằng nắm đấm hoặc bằng nắm tay (chỉ vật nuôi như gà, vịt còn nhỏ); bằng trấy chưn (bắp chân); bằng ngài ôm (bằng vòng tay ôm của người); bằng hai người ôm (bằng vòng tay ôm của hai người) v.v... Nói về khoảng cách địa điểm không xa, khoảng vài km trở lại, người ta thường lấy thước đo "nhìn" thấy hay không nhìn thấy, hoặc "nghe" được hay không nghe được tiếng nói; có khi lại dùng "bước chân" để ước lượng. Ví dụ, để nói về khoảng cách hai gia đình đầu làng và cuối làng, họ có thể nói: gọi nghe được (ý là gần) (trong thực tế thì gọi không thể nghe tiếng). Khoảng cách giữa các địa điểm trong xã, hoặc các địa điểm lân cận cáchđộ vài ba km, người ta cho là gần thì họ tính bằng cách nói nhìn thấy hoặc đi mấy bước chưn (chân). Ví dụ, hỏi: "từ đây ra cảng bao xa?", trả lời: "nhìn thấy được" (trong thực tế thì có thể không nhìn thấy được). Thông thường nói về khoảng cách, gắn với vận động nào đó thì cách trả lời, như cho câu hỏi trên là: đi mấy bước chưn; dăm bảy bước chưn;... Khoảng cách xa hơn, tuỳ mức độ mà nói: nửa buổi đàng (đi đường hết thời gian nửa buổi); buổi đàng (đi hết một buổi), ngày đàng (đi đường hết một ngày) v.v...

 Như vậy, người Nghệ Tĩnh không có thói quen dùng các đơn vị đo lường chính xác như km, mét,... mà người Bắc Bộ thường dùng. Ngoài cách dùng phổ biến các từ chỉ người, bộ phận người làm thước đo định lượng sự vật, người Nghệ Tĩnh còn có thói quen khác là dùng các từ chỉ vật dụng, công cụ gắn bó với đời sống lao động sinh hoạt thường nhật của con người, như cọc chống rèm, cán cào, cán cuốc, cán liềm, cán dao, cày, bừa,đọi (bát), thúng, mủng, nồi, vại, chum,...hoặc là các sự vật gần gũi gắn bó với đời sống sinh hoạt lao động của mình, như nhà, cơn (cây), cơn rơm, cột nhà, cươi (sân), đàng (đường)... để ước lượng sự vật. Ví dụ để nói về độ đo theo phương thẳng đứng hoặc nằm ngang của sự vật, người ta thường nói kiểu như: “ Cơn (cây) cao bằng cọc rèm” (đoạn tre có mấu đỡ một đầu để chống rèm kiểu nhà nông thôn, cao độ 1,5 m); “Cơn tre được hai cán cuốc nỏ (không) mần (làm)đòn tay được” (cán cuốc dài khoảng trên / dưới 1,5 m);... Vật có độ cao hơn thì được mô tả: bằng mái nhà; bằng nóc nhà; bằng ngọn cơn;... Tương tự, để chỉ chiều rộng, chiều dài của sự vật cần mô tả, nếu độ đo không lớn thì dùng gang (tay), bàn chưn (chân), bước chưn để ước lượng, như đã nói; sự vật có độ đo lớn hơn thì thường nói: ba đàng (đường) cày; hai đàng bừa; một vạt cày, hai cái cươi (sân) (theo mức độ tăng dần, tuỳ theo chiều rộng hay diện tích của vật được mô tả). Ví dụ nói: “Đất mần (làm) nhà được ba vạt cày” (thường một vạt cày có chiều rộng khoảng 3 – 4 m); “Đất được dăm đàng bừa nỏ có vườn” (mỗi đường bừa rộng khoảng 1 - 1,2 m). Cũng vậy, người ta quen nói: “To bằng nồi trạ (nồi đất to); bằng cái thúng;To bằng cái nôống (nong); to bằng cái cột nhà” v.v...

Trong mua bán, đo lường sự vật, nếu như người Bắc dùng cân, kg để tính là chuyện bình thường nhưng với người Nghệ Tĩnh, nhất là vùng nông thôn thì vẫn quen cách định lượng ước lượng. "Đơn vị" tính rất tương đối, có thể bằng loong/ bò (hộp đựng sữa bò), mủng đoong, mủng gàu, thúng, cót xối (cót to)... để tính vật dạng hạt. Nên đối với người Nghệ Tĩnh bốn loong gấu được xem bằng một lô (kg). Hỏi: năm ni được răng mấy ló (năm nay thu hoach được bao nhiêu thóc), trả lời: được hai cót xối (khoảng 5 - 6 tạ). Tên gọi mủng đong (hay mủng lường) cũng cho biết chức năng của đồ đan này là để "đong", "lường" (chứ không phải để đựng); mỗi "mủng đong" thường được tính một kg, một mủng gàu là khoảng 5 kg gạo. Cũng vậy, các chợ vùng nông thôn Nghệ Tĩnh vẫn cònthói quen mua ước lượng - gọi là mua quạ, bán quạ mua đếm theo con theo chục... không tính theo cân, lạng như cách mua bán của người Bắc. Cách đong, đo, đếm, tính toán như vậy có lẽ là cách của người Việt từ xa xưa mà nay nhiều vùng trong nước người ta đã quen với cách tính toán mới chính xác khoa học theo cân, theo lạng, theo mét, trong khi đó, nhìn chung người Nghệ Tĩnh vẫn chưa "bỏ" được thói quen của cha ông. Rõ ràng cách tính toán đo lường như vậy tuy cụ thể trực quan nhưng mang tính tương đối, mang tính ước lượng. Rất định lượng nhưng cái định lượng đó không bao hàm cái định tính khoa học, theo nghĩa của cân đong đo đếm. Quả là dấu ấn về một vùng quê xứ Nghệ trong cách định lượng đánh giá hiện thực là còn khác khá rõ người dân vùng khác.

 

3.2.3.2. Các yếu tố chỉ mức độ cao đặc tính sự vật trong phương ngữ Nghệ Tĩnh.

Các tính từ như trắng, xanh trong tiếng Việt có thể kết hợp với nhiều yếu tố theo những phương thức khác nhau, có mặt trong các tổ hợp, dạng phổ biến như:

 1. Rất trắng, trắng quá, hơi xanh, xanh lắm...

 2. Trắng như bông, trắng như tuyết, xanh như tàu lá...

 3. Trăng trắng, xanh xanh...

 4. Trắng dã, xanh ngắt...

 Các tổ hợp 1,2,3,4 đều diễn tả các sắc thái, các mức độ nghĩa khác nhau của cùng một đặc tính do tính từ biểu thị. Đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên sắc thái nghĩa khác nhau đó là do các phương thức và yếu tố tham gia kết hợp với tính từ. ở 1 - là phó từ chỉ mức độ, ở 2 - là yếu tố so sánh và phương thức so sánh, ở 3 - là phương thức láy và ở 4 - là yếu tố chỉ mức độ cao đi sau tính từ trong phương thức ghép.

 Trong tiểu mục này chúng tôi đề cập đến các tổ hợp tính từ chỉ mức độ cao trong phương ngữ Nghệ Tĩnh theo dạng 4- nêu trên. Để tiện miêu tả chúng tôi gọi tổ hợp này là AX, trong đó A là các tính từ (toàn dân hoặc phương ngữ) và X là các yếu tố làm tăng mức độ của A. Sở dĩ chúng tôi chọn tổ hợp AX để miêu tả là do tính phổ biến của tổ hợp này được sử dụng trong hoạt động giao tiếp ngôn ngữ trong phương ngữ và do cấu trúc ngữ nghĩa của loại đơn vị này biểu thị thuộc tính của đối tượng theo sự đánh giá của con người - tức nội dung ngữ nghĩa của chúng có yếu tố chủ quan. Điều đó qua miêu tả sẽ giúp chúng ta hiểu thêm phần nào những nét riêng trong sử dụng ngôn ngữ của người Nghệ Tĩnh.

 Về bản chất, cương vị ngôn ngữ học của tổ hợp AX đặc biệt là yếu tố X đã được nhiều nhà nghiên cứu để ý tới nhưng có thể nói vấn đề đang được bàn cãi, chưa có sự thống nhất trong ý kiến của các tác giả bàn về nguồn gốc, hình thái cú pháp cũng như ngữ nghĩa của chúng. Riêng về yếu tố X các tác giả Đỗ Hữu Châu [31, tr.57], Nguyễn Tài Cẩn [24, tr.96], Hồ Lê [126, tr.154] xem chúng là yếu tố của từ ghép và cũng mới chỉ lướt qua chứ không chứng minh một cách hệ thống về cương vị ngôn ngữ của nó như nghiên cứu của Nguyễn Thiện Giáp [79, tr.152]. Vừa khẳng định cương vị ngôn ngữ học của loại tiếng X vừa chỉ ra vai trò chức năng ngữ nghĩa của loại đơn vị này là nghiên cứu của Cao Xuân Hạo [96, tr. 201]. Đặc biệt Hoàng Văn Hành có một nghiên cứu khá toàn diện riêng về loại đơn vị như "au" "ngắt" trong đỏ au xanh ngắt, trong khi khẳng định tư cách từ của loại đơn vị này cùng quan điểm với Nguyễn Thiện Giáp và Cao Xuân Hạo, tác giả còn chỉ ra bản chất của nó về nguồn gốc, hình thái cú pháp và cơ cấu ngữ nghĩa. Theo tác giả, cơ câú nghĩa của những đơn vị X là một tổ chức sinh động gồm hai thành tố với ba nét nghĩa có quan hệ hữu cơ với nhau và có thể diễn đạt bằng mẫu tổng quát: "(A)X = (A) ở mức độ cao, với một vẻ nào đó, gây một cảm giác nhất định tuỳ theo sự bình giá của người nói" [89, tr. 106] cũng nói về mỗi quan hệ ý nghĩa giữa các đơn vị trong tổ hợp loại này, Cao Xuân Hạo chỉ ra ý nghĩa chỉ mức độ tối cao của các tính / động từ đi trước và kèm theo sắc thái biểu cảm nhất định và / hay một ý nghĩa ấn tượng. Tác giả khái quát thành hai dạng mô hình "A đến nỗi / đến mức B" như trong mệt nhoài, đau điếng, béo nứt, phục lăn, ngọt lịm hoặc là "A đến nỗi như thể (bị) B" như trong đen thui, tròn vo..." [96, tr.202].

 Về con đường hình thành tổ hợp AX trong tiếng Việt, như một số tác giả đã chỉ ra là do nhiều nguyên nhân, nhưng có thể nói tới ba kết quả chủ yếu. Có thể đó là kết quả rút gọn của thành ngữ so sánh hoặc phép so sánh đối chiếu, dạng đen như thui -> đen thui, trẻ như măng -> trẻ măng. Một con đường khác hình thành tổ hợp AX là do nghiã chuyên biệt hoá của chúng. Ví dụ dã biểu thị thuộc tính trắng chuyên miêu tả mắt (mắt trắng dã), hoắt nói về vật nhọn; đỏ au nói về da của người từng trải khoẻ mạnh. Nhiều yếu tố X lại do phép láy tạo thành. Ví dụ: Téo tẹo, khít khịt, roi rói, ngăn ngắt. Trong giao tiếp trực tiếp, để nhấn mạnh hơn mức độ cao của đặc tính sự vật, các dạng thức láy được tạo ra trên cơ sở tổ hợp AX cũng hay được sử dụng. Chẳng hạn, tối mù -> tối mù tối mịt, đen thui -> đen thui đen thủi.

 Đặc điểm của yếu tố X (trong kết cấu AX) ở phương ngữ Nghệ Tĩnh

 Trong phương ngữ Nghệ Tĩnh, kết cấu A + X nói chung cũng như đặc điểm yếu tố X, về cơ bản không có gì khác đặc điểm chung của yếu tố và loại tổ hợp này trong ngôn ngữ toàn dân. Nét riêng của phương ngữ Nghệ Tĩnh về phương diện này có thể thấy ở một vài điểm sau.

 -Trong phương ngữ Nghệ Tĩnh, các kết câú A + X được sử dụng nhiều hơn trong ngôn ngữ toàn dân. Bởi ngoài các yếu tố dùng chung như trong ngôn ngữ toàn dân, Nghệ Tĩnh còn dùng thêm hàng loạt yếu tố khác. Lấy từ "đen" - một tính từ chỉ màu sắc làm ví dụ. Ngoài yếu tố thường gặp, kết hợp với "đen" để chỉ mức độ cao trong ngôn ngữ toàn dân, Nghệ Tĩnh còn dùng các tổ hợp như đen lánh, đen nhem, đen nhẻm, đen nhèm, đen nghít, đen nháng, đen nhoem, đen nhoèm, đen cháy, đen nám, đen thui, đen hui, đen sạm v.v... Cũng vậy chỉ mức độ cao của tính chất đặc, trong ngôn ngữ toàn dân Từ điển tiếng Việt thu thập hai từ là đặc kịt, đặc sệt [157, tr. 283]. Trong khi đó ở phương ngữ Nghệ Tĩnh còn có thêm nhiều tổ hợp khác như đặc đen, đặc ken, đặc quánh, đặc queo, đặc quẹo. Mỗi đơn vị bên cạnh nghĩa chung chỉ mức độ cao số lượng mật độ của sự vật trong hỗn hợp trong không gian, vượt quá mức bình thường còn có sắc thái riêng. Chẳng hạn, đặc đen là dày đặc đến mức có ấn tượng sự vật thành một bảng màu tối không có chỗ hở. Đặc ken là dày đến mức như sự vật sát vào nhau không có chỗ hở và có ấn tượng về sự dồn ép. Đặc quánh nghĩa gần như đặc sệt nhưng nhấn mạnh hơn về độ đông đặc, có cảm giác như đặc đến mức tạo thành khối dính chặt với nhau, dẻo quánh (cảm giác không còn chất lỏng). Đặc queo và đặc quẹo chỉ phân biệt với nhau sắc thái về sự biến dạng của hỗn hợp trong chất lỏng. Đặc quẹo tạo nên ấn tượng về sự đông đặc kết dính có độ dai, dẻo, còn đặc queo lại có cảm giác đặc đến mức vật phải co lại không nguyên hình khối. Ngoài ra phương ngữ Nghệ Tĩnh còn dùng đặc nhâm mang nghĩa chuyên biệt chỉ cá nhiều đến mức cảm giác dày đặc và ấn tượng vui mắt,

 Tương tự, "đầy", ngoài những tổ hợp dùng như trong ngôn ngữ toàn dân phương ngữ Nghệ Tĩnh còn có kết hợp: đầy lum, đầy lúm, đầy lụm, đầy tràn, đầy vắp, đầy vặp, đầy ự, đầy vun, đầy xối, đầy chười, đầy ngọn. Trong loạt đơn vị này có những tổ hợp có sắc thái nghĩa riêng quy định cách dùng rất tinh tế trong phương ngữ. Ví dụ, đầy ự thường chỉ dùng trong tình huống nói về các vật có chức năng để chứa, đựng (thường là) vật khô đã đầy, chặt đến mức có cảm giác như no nê muốn đẩy ra ngoài không thể dung nạp thêm được nữa (tương tự như lối nói no ự). Còn đầy chười ngoài nghĩa chỉ mức độ cao của "đầy" còn mang sắc thái nghĩa gợi ra ấn tượng về sự thừa thãi, no đủ (như lối nói: ló (thóc) má đầy chười trong nhà, của cải nhà mô (nào) cũng đầy chười ra cả).

 Để nhấn mạnh và cụ thề hoá nghĩa của "thấp" phương ngữ Nghệ Tĩnh dùng thấp choẳn gợi ra hình dáng sự vật không phát triển vừa rất thấp, vừa nhỏ đến mức riêng biệt (như lối nói: năm ni (nay) mười bảy tuổi mà trông nó thấp choẳn như rứa (thế) đó). Dùng thấp trẹt để nhấn mạnh độ thấp quá mức của sự vật và gợi ra dáng sự vật (thường là hình khối) vừa thất lại vừa bè ra; còn thấp trệt lại gợi ra sự vật nằm thấp hẳn xuống bậc cuối cùng, có ấn tượng như sự vật nằm sát mặt đất (như lối nói: thấp trệt như rứa (thế) mà nhảy nỏ (chẳng) qua.

 Về đánh giá sự vật, người Nghệ Tĩnh có thói quen nếu không so sánh thì cũng dùng các từ phụ đi kèm với từ trung tâm, tạo nên ấn tượng rất mạnh cho người nghe. Nhiều khi có cảm giác người Nghệ ưa lối nói thể hiện biểu cảm, thể hiện thái độ riêng của mình; ít dùng từ hoặc các tổ hợp từ mang sắc thái trung hoà. Nói tới trạng thái, mức độ của "no", người Nghệ Tĩnh thường ít khi dùng các phó từ kết hợp với "no" để diễn đạt. Mặc dù rất no, no quá, no lắm... đều nhấn mạnh mức độ của "no" nhưng ấn tượng vẫn chung chung hơn là lối nói: no căng, no ềnh, no cằng, no ằng, no ặc, no ắc, no ự, no nứt. Và còn dùng cả phép láy như no ắc ặc, no căng cằng, no ứ ự v.v... Ngôn ngữ toàn dân dùng "già", Nghệ Tĩnh dùng "tra" và có các tổ hợp chỉ mức độ: tra trăn, tra cáy, tra hụ, tra khụ, tra túm, tra khọm, và cách nói tra môốc để chỉ người tuy tuổi chưa già nhưng quá thì không ai dòm ngó để ý tới. Ngoài ra còn dùng các tổ hợp tạo ra từ phép láy, như:tra khú khụ, tra khất khật hay tổ hợp cố định "tra trôốc môốc trọ" để nhấn mạnh thêm ý nghĩa trong tình huống thích hợp.

 Qua những ví dụ trên, phần nào cũng cho ta thấy một đặc điểm của phương ngữ Nghệ Tĩnh: giàu sắc thái về mức độ các thuộc tính của sự vật. Những sắc thái đó được hình thành chủ yếu qua thao tác so sánh đối chiếu trực tiếp hay ngầm ý trong tư duy của người Nghệ Tĩnh. Điều đó cũng thể hiện đặc điểm phương ngữ Nghệ Tĩnh giàu lối nói so sánh, giàu hình ảnh cụ thể.

- Phương ngữ Nghệ Tĩnh sử dụng nhiều yếu tố trong ngôn ngữ toàn dân làm yếu tố chỉ mức độ mà ở ngôn ngữ toàn dân chúng lại không đóng vai trò này.

 Chẳng hạn, hoang trong ngôn ngữ toàn dân là chỉ "nơi không được con người chăm sóc, sử dụng đến" [157, tr. 434]. Phương ngữ Nghệ Tĩnh sử dụng "hoang" làm yếu tố chỉ mức độ trong nhiều tổ hợp mà yếu tố A thường mang yếu tố tiêu cực như: nhớp (bẩn) hoang, thúi (thối) hoang, xấu hoang, gớm hoang, đắt hoang.

 Rang là "làm cho chín bằng cách đảo đi đảo lại trong chảo nóng không cho nước" [157, tr. 791]. Phương ngữ Nghệ Tĩnh sử dụng rang để chỉ mức độ cao của đặc tính "không còn lấy tí nước nào" trong khô rang (ví dụ: Hạn hán kéo dài, mấy cái giếng trong làng đều khô rang). Hoặc chỉ tình trạng "không còn lại một tí gì" trong sạch rang (như lối nói: Kẻ trộm vô nhà lấy sạch rang).

 Cáy trong ngôn ngữ toàn dân là chỉ "một loại cua sống ở nước lợ". Phương ngữ Nghệ Tĩnh dùng cáy chỉ mức độ cao trong nhác (lười) cáy, điếc cáy, nhát cáy.

 Đặc biệt, phương ngữ Nghệ Tĩnh dùng rất nhiều yếu tố riêng địa phương để làm đơn vị chỉ mức độ cao. Có những đơn vị chỉ dùng trong một tổ hợp nhất định, nhưng cũng có nhiều yếu tố được sử dụng trong nhiều kết cấu khác nhau.

 Ví dụ: Su (sâu) hoáy là sâu đến mức cảm giác như không có đáy, rơi vào xoáy nước. Su hụm là sâu gợi cảm giác tối như bước xuống hố sâu (hụm trong tiếng Nghệ Tĩnh là hố nước).

 Rẻ hều, nhẹ hều là diễn tả mức độ "rẻ", "nhẹ" đến không ngờ, không có cảm giác về giá cả, trọng lượng.

 Rụm là loại giáp xác sống ở biển nhỏ hơn cua nhiều lần, vỏ giòn. Rụm được sử dụng trong các tổ hợp: gion (giòn) rụm, khô rụm, mềm rụm gợi ra sắc thái nghĩa "giòn" có ấn tượng giòn đến mức như động đến là tan biến.

 Hỉnh trong thúi (thối) hỉnh, nhớp (bẩn) hỉnh, teenh (tanh) hỉnh, xấu hỉnh đều chỉ tính chất mà A biểu thị đến độ gợi ra cảm giác kinh tởm khó chịu cho người khác.

 Rình trong hôi rình, teenh (tanh) rình, xoong (khai) rình, đều nhấn mạnh mùi hôi, khai đến độ nồng nặc khó chịu.

 Tợn trong phương ngữ là "khoẻ", có "thế đi lên" được dùng để chỉ A đến mức nổi rõ, ví dụ: ngu tợn, dốt tợn, xấu tợn v.v...

 Và hàng loạt yếu tố khác trong các tổ hợp dùng phổ biến, như huých trong xấu huých, chán huých; ẹc trong dở ẹc, xấu ẹc, chán ẹc, ngán ẹc; hoắc tronglạ hoắc, xấu hoắc, chán hoắc, buồn hoắc; cạy trong dốt cạy, nhác cạy, tra (già) cạy; hươi trong đầy hươi, ốm hươi, rẻ hươi (Vay nợ nhà giàu không cho, Bán ruộng không lấy trâu bò rẻ hươi) (VNT).

 - Một đặc điểm khá rõ trong phương ngữ Nghệ Tĩnh liên quan đến cấu trúc AX là: Trên cơ sở của cấu trúc AX, phương ngữ Nghệ Tĩnh rất hay dùng phép láy để tạo ra tổ hợp 4 hoặc 6 âm tiết để nhấn mạnh mức độ tối cao về tính chất đặc tính sự vật và như vậy sắc thái biểu cảm cũng rõ hơn. Dạng mô hình phổ biến là, từ cấu trúc AX tạo thành cấu trúc AXAY và AXAYAZ.

 Ví dụ: Tối mù -> Tối mù tối mịt; chua lè -> chua lè chua lét; béo húp -> béo húp béo híp; nhớp (bẩn) hoang -> nhớp hoang nhớp hoảng và nhớp hoang nhớp hoảng nhớp hoàng; xấu đui -> xấu đui xấu đụi và xấu đui xấu đủi xấu đùi;...Có thể kể ra hàng loạt tổ hợp được tạo ra từ phép láy này, như: Tối hù tối hịt; tối đen tối đặc; tối thui tối thùi; tối om tối ỏm; tối om tối ỏm tối òm, xa lơ xa lắc; khuya lơ khuya lắc; dốt câm dốt cáy; dốt câm dốt đặc; dốt đặc dốt địa; điếc câm điếc cáy; đen thui đen thủi; đen thui đen thủi đen thùi; đen hui đen hủi; đen hui đen hủi đen hùi; đen đui đen đủi; đen đui đen đủi đen đùi; đen nhoem đen nhoẻm; đen nhoem đen nhoèm; đen nhoem đen nhoẻm đen nhoèm; xấu huơ xấu huých; xấu hoắc xấu huých; xấu huých xấu hoắc; dai ngoằng dai ngoặng; dai ngoặng dai ngoằng; nghèo xơ nghèo xác; hở hoang hở hoác; hở toang hở toác; thưa rếch thưa rích; đặc quánh đặc quéo; đặc queo đặc quẹo; đặc queo đặc quéo đặc quèo; đặc queo đặc quẹo đặc quèo; thúi (thối) hoang thúi hỉnh; thúi hoang thúi hoảng; thúi hoang thúi hoảng thúi hoàng; tra (già) nhăn tra nhẳn; tra nhăn tra nhẳn tra nhằn; nhẹ tênh nhẹ tểnh; nhẹ tênh nhẹ tểnh nhẹ tềnh; no căng no cằng; no căng no cẳng no cằng; chua lom chua lòm; chua lom chua lỏm chua lòm;...

Đáng lưu ý là loại tổ hợp AXAY, hay AXAYAZ khi dùng nguyên cả khốicũng có giá trị chỉ mức độ cao đặc tính của A nhưng sắc thái nghĩa và sắc thái biểu cảm được nhấn mạnh hơn AX. Và trong những tình huống nhất định, AY, AZ ở đây có thể tách ra dùng độc lập như AX cũng với chức năng tương tự. Chẳng hạn, xấu hoắc xấu huých có thể tách ra thành xấu hoắc và xấu huých; đặc quánh đặc quéo thành đặc quánh và đặc quéo hay đặc queo đặc quéo đặc quèo thànhđặc queo, đặc quéo và đặc quèo v.v. như vậy, tuy nằm trong một tổ hợp nhưng một phần lớn các đơn vị, giữa AX với AY và AZ có tính độc lập với nhau, nói đúng hơn là X, Y và Z tỏ ra độc lập đối với nhau. Chính do khả năng này mà trong thực tế nói năng, tổ hợp AX trong phương ngữ Nghệ Tĩnh được dùng rất phong phú và khá linh hoạt, điều đó làm cho khả năng biểu đạt nghĩa và biểu cảm của phương ngữ Nghệ Tĩnh thêm tinh tế và giàu sắc thái.

Từ các khảo sát về tổ hợp AX nói chung, yếu tố X nói riêng, chúng ta có thể rút ra nhận xét: Phương ngữ Nghệ Tĩnh đã sử dụng với một số lượng phong phú các yếu tố chỉ mức độ trong tiếng Việt toàn dân lại được bổ sung rất nhiều yếu tố trong phương ngữ, cách thức tổ hợp các yếu tố đó rất đa dạng và linh hoạt điều đó góp phần làm cho khả năng diễn đạt của phương ngữ thêm tinh tế và giàu sắc thái biểu cảm, giàu sắc thái đánh giá, giàu hình ảnh trực quan.

CHƯƠNG 4

TỪ ĐỊA PHƯƠNG TRONG HOẠT ĐỘNG SÁNG TẠO THƠ DÂN GIAN NGHỆ TĨNH

 

 Như ta biết từ là đơn vị đa chức năng của ngôn ngữ, cũng như các lớp từ trong ngôn ngữ toàn dân, từ địa phương ngoài chức năng cơ bản là chiếu vật, từ ngữ phương ngữ còn thực hiện chức năng thi ca, với vai trò sáng tạo tác phẩm thơ ca dân gian Nghệ Tĩnh. Qua các chương đã giới thiệu miêu tả ở trên phần nào ta cũng có thể thấy được diện mạo, đặc điểm từ vựng ngữ nghĩa của hệ thống vốn từ phương ngữ về các phương diện ngữ âm, ngữ nghĩa của các lớp từ, các loại yếu tố, cách thức cấu tạo vốn từ phương ngữ, phương thức định danh và những thói quen trong lựa chọn phân cắt hiện thực phản ánh, những dấu ấn văn hoá địa phương qua các cách định danh đó thì chương 4 này, từ ngữ địa phương Nghệ Tĩnh lại được xét ở phương diện hành chức, một dạng hành chức mang tính đặc trưng đối với từ ngữ phương ngữ.

Ai cũng hiểu “Văn học là nghệ thuật ngôn từ". Trong tay ngưòi sáng tạo, ngôn ngữ trở thành công cụ kì diệu tạo nên tác phẩm mang hơi thở cuộc sống, lay động trái tim khối óc muôn người. Ngôn ngữ khi được sử dụng trong tác phẩm văn học không còn là một loại phương tiện giao tiếp thông thường mà trở thành công cụ giao tiếp sáng tạo.

  Trong các tác phẩm không thuộc phong cách nghệ thuật, người ta có thể dùng ngôn ngữ toàn dân để thông báo; nhưng đối với tác phẩm văn học mang tính sáng tạo nghệ thuật thì ngôn ngữ không chỉ là thông báo mà còn phải phong phú và giàu sắc thái biểu cảm, vì vậy tác phẩm không thể không dùng từ địa phương. Do đó, khảo sát việc dùng từ địa phương trong tác phẩm văn học là cần thiết; không chỉ nhằm mục đích nhận thức về đặc điểm từ địa phương trong hệ thống vốn từ mà còn để thấy vai trò chức năng biểu hiện của từ ngữ địa phương ở một khía cạnh khác là chức năng thi ca hay còn gọi là chức năng sáng tạo văn học.

  Tìm hiểu vốn từ địa phương trong tác phẩm văn học, lâu nay hướng nghiên cứu đó đã được một số tác giả quan tâm. Những khảo sát ấy chủ yếu tập trung vào các sáng tác viết của những tác giả là cá nhân cụ thể. Do đối tượng phục vụ rộng rãi, lại là sáng tác của cá nhân nhà văn nên từ địa phương được dùng trong các tác phẩm của họ rất hạn chế, chỉ như là những điểm xuyết, những chỗ cần nhấn mạnh sắc thái địa phương cho nhân vật truyện hoặc thể hiện tình cảm quê hương gần gũi trong thơ. Vì thế tác phẩm mang dấu ấn phong cách nhà văn khá rõ. Đối với phương ngữ Nghệ Tĩnh, một trong những tác giả đã sử dụng từ địa phương, tạo nên sự thành công cho tác phẩm là Trần Hữu Thung, với bài thơ "Thăm lúa". Có một loại tác phẩm khác - những sáng tác dân gian, ở đây người sáng tác là nhân dân lao động Nghệ Tĩnh và ngôn ngữ được dùng để sáng tạo cũng chính là lời ăn tiếng nói hàng ngày của họ. Cho nên, ngôn ngữ trong tác phẩm mang hơi thở mộc mạc chân chất của cuộc sống. Những sáng tác này có thể xem như là những tác phẩm đặc trưng Nghệ Tĩnh, bởi ngôn ngữ nói chung hay phương ngữ nói riêng được dùng trong đó là của nhân dân lao động Nghệ Tĩnh nói chung chứ không phải của cá nhân nhà văn nhà thơ nào. Vì thế, tìm hiểu từ ngữ địa phương trong các sáng tác thơ dân gian Nghệ Tĩnh, như đã nói là để thấy vai trò của từ địa phương trong hành chức - một dạng hành chức ít nhiều mang đặc trưng riêng, bởi sự giao tiếp ở đây được thực hiện mà người phát và người tiếp nhận đều là tập thể người địa phương, trong đó các nhân tố ngôn ngữ có một bộ phận lớn là từ ngữ địa phương đảm trách chức năng nghệ thuật. Cũng vì vậy, qua đó ta có thể hiểu thêm khía cạnh tâm hồn tình cảm và ứng xử của người xứ Nghệ.

4.1. Vài nét về nội dung và hình thức các tác phẩm thơ dân gian Nghệ Tĩnh

Như đã nói, Nghệ Tĩnh là mảnh đất có từ lâu đời. Đất Việt có bao nhiêu năm tháng thì Nghệ Tĩnh có chừng ấy ngày với bấy nhiêu biến cố thăng trầm. Nghệ Tĩnh là vùng đất cổ, qua suốt hàng ngàn năm, người dân nơi đây đã tạo dựng cho mình một truyền thống văn hoá mang sắc thái riêng trong nền văn hoá cộng đồng người Việt. Sự nghiệp, tâm hồn tính cách của người Nghệ Tĩnh được thể hiện trên nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống vật chất và tinh thần, trong đó đậm nét là kho tàng văn hoá dân gian hết sức phong phú và độc đáo. Có thể nói mảnh đất nào trên đất Việt cũmg có thơ ca dân gian nhưng có một vùng dân ca rõ nét với sắc thái riêng như vùng này thì không nhiều. Người ta gọi “Kho tàng văn hoá dân gian xứ Nghệ" là cũng bởi, chỉ riêng những tập hợp về truyện kể dân gian, sự tích thắng cảnh thiên nhiên, thần thoại, cổ tích, thành ngữ, tục ngữ, những làn điệu dân ca, ca dao, hò vè, hát giặm Nghệ Tĩnh,...đã được sưu tầm, cũng đã hết sức phong phú. Hay như, không phải ngẫu nhiên mà trong rất nhiều bài hát nổi tiếng trong cả nước lâu nay, một số bài hát sống mãi theo năm tháng một phần cũng là nhờ các nhạc sĩ biết khai thác sử dụng chất liệu ngôn ngữ và làn điệu dân ca xứ Nghệ mang sắc thái riêng đó. (Cụ thể, xin xem [41]).

Các sáng tác thơ dân gian được khảo sát ở đây gồm các thể loại “Hát giặm", “Hát phường vải", “Vè", “Ca dao” Nghệ Tĩnh. Những sáng tác này là linh hồn, đặc trưng nhất của sáng tác dân gian Nghệ Tĩnh. Không có ở thể loại nào cuộc sống vật chất và tinh thần của con người Nghệ Tĩnh lại được phản ánh với nhiều sắc độ, đặc trưng, đậm chất dân gian Nghệ Tĩnh như những tác phẩm này.

Hình thức, nội dung của các tác phẩm có phần khác nhau nhưng đó đều là thơ, văn vần. Trong đó Hát phường vải và Hát giặm Nghệ Tĩnh là những câu hát dân ca độc đáo nhất. Các tác giả Từ điển tiếng Việt đã giải thích một cách ngắn gọn: “Hát giặm là lối hát dân gian Nghệ Tĩnh, nhịp điệu dồn dập, lời dựa vào thơ năm chữ, hai câu cuối bao giờ cũng lặp lại về âm vận và cao độ" [157, tr. 409]. Cần nói thêm rằng trong hát giặm người ta ít gặp tiếng đệm như câu dân ca Bắc Bộ. Những ý, những từ được dùng ở đây rất mộc mạc chân chất như ngôn ngữ trong đời sống hằng ngày. Phần nhạc ít mượt mà và lời lẽ cũng ít trau chuốt so với Hát phường vải, bởi nó là bài hát gồm nhiều lời hát nặng tính tự sự, kể chuyện kế tiếp nhau, phản ánh cuộc sống thường ngày với những câu chuyện, những biến cố đối với con người và mảnh đất này. Chẳng hạn đây là mấy câu trong bài hát giặm kể chuyện về người chăn bò (ông bầy):

  Lên cao ông nhìn ngái

  Nom xuống các lái hải tần

  Chộ các chị ăn mần

  Đồng lặt cỏ sương phân

  Cụng lưng còng lòng mỏi.

“Hát phường vải" mượt mà hơn về âm điệu, trau chuốt hơn về ngôn từ, đó là các câu hát trực tiếp trong các cuộc hát đối đáp giữa bên nam và bên nữ, không thành bài, thành khổ dài như bài hát giặm mà là sự luân phiên của câu xướng - đáp. Thể thơ thường là lục báthoặc lục bát biến thể. Nội dung của hát phường vải là để giao duyên, thổ lộ tình cảm sâu kín của trai gái với những cung bậc, mức độ khác nhau của ba chặng hát, chặng đầu: hát dạo, hát chào làm quen; chặng tiếp theo là hát đố, hát đối và chặng cuối cùng là hát xe kết, hát tiễn.

Bên cạnh những câu hát giặm, hát phường vải là một bộ phận khá lớn những bài ca dao, bài vè phản ánh trực tiếp đời sống tâm hồn con người xứ Nghệ. Nó là một phần trong vốn chung của vè và ca dao đất nước. Nhưng vì nội dung của những sáng tác dân gian này phản ánh cuộc sống tâm tư tình cảm, những sự việc diễn ra ở mảnh đất này nên nó không lẫn vào ca dao và vè vùng khác, đặc biệt là từ ngữ địa phương trong sáng tác này; ví như mấy câu ca dao:

Thằng Tây đưa lính về nhà

Ta rệt một trận chạy ra Cầu Trù

Thằng Tây lấp ló đầu hè

Ta cho một mác hấn về tổ tiên.

Trong bốn loại tác phẩm mà chúng tôi khảo sát, có thể nói, nếu bỏ phần nhạc, xét phần lời thì hình thức “Vè Nghệ Tĩnh" giống “Hát giặm Nghệ Tĩnh", còn “Hát phường vải" giống “Ca dao Nghệ Tĩnh". Nếu đưa phần nhạc vào thì “Ca dao Nghệ Tĩnh" và "Vè Nghệ Tĩnh" thuộc thể thơ, còn “Hát giặm Nghệ Tĩnh" và “Hát phường vải" lại thuộc thể dân ca. Như vậy, bốn loại tác phẩm này vừa giống nhau lại vừa khác nhau. Các tác phẩm khảo sát ở đây chỉ là phần ngôn từ (đã tách khỏi diễn xướng) nên chúng tôi gọi một cách ước định là thơ dân gian. Vốn từ ngữ địa phương trong các tác phẩm này rất phong phú nhưng giữa các tác phẩm cũng có những nét riêng về cách dùng từ.

 

4.2. Sự phân bố của vốn từ địa phương trong các tác phẩm thơ dân gian Nghệ Tĩnh

Chúng tôi đã tiến hành thống kê một cách toàn diện và cụ thể các tác phẩm thơ ca dân gian để có được các số liệu về tổng số từ ngữ địa phương có mặt trong từng tác phẩm, trong toàn bộ các tác phẩm. Số từ này lại được phân ra làm hai loại xét về cấu tạo và về từ loại. Loại số liệu thứ hai cần xác định là tần số xuất hiện của các từ. Muốn vậy, chúng tôi phải thống kê cụ thể số lần xuất hiện từng từ trong từng tác phẩm, từ đó mà có số liệu tổng hợp về tổng số lần xuất hiện của từ. Để biết được khả năng hoạt động của từng loại từ, cũng sẽ có bước thống kê tổng hợp về từng loại từ theo từ loại, trong từng tác phẩm cũng như trong toàn bộ các tác phẩm. Các số liệu về từ ngữ địa phương như vậy sẽ được so sánh với số liệu chung của tác phẩm để tính được tỉ lệ phần trăm của từng loại. Đối với toàn bộ các tác phẩm cũng như từng tác phẩm, số lượng trang in quá lớn, và do sự phức tạp của việc xác định ranh giới từ trong tiếng Việt, trong điều kiện eo hẹp về thời gian, chúng tôi không thể thống kê phân loại được toàn bộ vốn từ toàn dân theo đơn vị là “từ" có trong tác phẩm. Các thống kê mới chỉ dừng lại ở việc xác định theo số lượng, số lần âm tiết chung (toàn dân và địa phương) xuất hiện mà thôi. Ngoài ra số lượng dòng thơ trong toàn bộ các tác phẩm cũng được thống kê để tính mật độ phân bố của từ cũng như số lần từ địa phương xuất hiện trong từng tác phẩm. Những nhận xét có được trong phần này đều xuất phát, căn cứ vào các số liệu thống kê như vậy.

 

4.2.1. Về sự phân bố chung của các từ địa phương

4.2.1.1. Số liệu thống kê

  Chúng tôi đã tiến hành khảo sát bốn tác phẩm với 28.665 dòng thơ và tổng số lần âm tiết chung xuất hiện là 166.385. Tổng số từ địa phương thu được là 963 đơn vị và tổng số lần từ địa phương xuất hiện là 7.140. Trung bình chung 4,01 dòng thơ thì có 1 lần từ địa phương xuất hiện. Nếu so với tư liệu của Hoàng Thị Châu, khảo sát từ địa phương trên sách vở báo chí trước và sau Cách mạng tháng Tám, xuất bản ở Nghệ Tĩnh, trung bình 6,4 trang in có 1 từ địa phương {33} thì mật độ phân bố của từ địa phương trong thơ ca dân gian Nghệ Tĩnh quả là đậm đặc. Số liệu cụ thể khảo sát trong từng tác phẩm như sau:

  Trong Hát giặm Nghệ Tĩnh (HGNT) có 12.714 dòng thơ, số từ địa phương xác định được là 592 từ, với 2.894 lượt xuất hiện, trung bình 4,4 dòng thơ có 1 lần từ địa phương xuất hiện.

  Vè Nghệ Tĩnh (VNT) có 4.427 dòng, trong đó có 352 từ địa phương với 1.326 lần xuất hiện, trung bình hơn 3,3 dòng thơ có 1 lần từ địa phương xuất hiện.

  Ca dao Nghệ Tĩnh (CDNT) có 7.361 dòng, trong đó có 445 từ địa phương với 1.907 lần từ địa phương xuất hiện, trung bình gần 3,9 dòng 1 lần từ địa phương xuất hiện.

  Hát phường vải (HPV) có 4.163 dòng, trong đó có 229 từ địa phương với 1.013 lần từ địa phương xuất hiện, trung bình 4,1 dòng thơ có 1 lần từ địa phương xuất hiện.

  Toàn bộ các tác phẩm thơ dân gian Nghệ Tĩnh mà chúng tôi khảo sát có 963 từ địa phương được sử dụng. Phân chia từ theo cấu tạo, ta có số lượng từ đơn tiết, từ đa tiết mỗi loại và tỷ lệ giữa chúng trong từng tác phẩm. Từ đó cũng có thể thấy được tỷ lệ phân bố vốn từ địa phương giữa các tác phẩm so với vốn từ chung của tất cả các tác phẩm. Số liệu và tỉ lệ phân bố các loại được minh hoạ qua bảng 4.1.

  Bảng 4.1. Vốn từ địa phương (xét theo cấu tạo) phân bố trong các tác phẩm thơ dân gian

Từ và tỷ lệ

Tác phẩm

Từ đơn tiết

Từ đa tiết

Tổng

 

HGNT

443

74,8%

149

25,2%

592      

61,5%

 

VNT

278

79,0%

74

21,0%

352

36,6%

 

CDNT

340

76,4%

105

23,6%

445

46,2%

 

HPV

181

79,2%

48

21,0%

229

23,8%

 

Nếu tính tỉ lệ phân bố của từ địa phương so với tổng số lần âm tiết chung trong từng tác phẩm, ta có số lượng thống kê cụ thể sau:

  HGNT có tổng số lần âm tiết xuất hiện là 63.570, trong đó có 592 từ địa phương, trung bình 107 âm tiết có 1 từ địa phương.

  VNT có 22.137 lần âm tiết xuất hiện, trong đó 352 từ địa phương, trung bình 62,9 âm tiết có 1 từ địa phương .

  CDNT có 51.532 lần âm tiết xuất hiện, trong đó có 445 từ địa phương, trung bình 115,8 âm tiết có 1 từ địa phương.

  HPV có 29.146 lần âm tiết xuất hiện, với 229 từ địa phương, trung bình cứ 127,1 âm tiết có 1 từ địa phương.

  Như vậy, bốn tác phẩm có 166.385 âm tiết xuất hiện, trung bình chung 103,2 âm tiết thì có 1 từ địa phương. Số liệu thống kê này được tổng hợp và minh hoạ qua bảng 4.2.

 

Bảng 4.2: Tỷ lệ phân bố của từ địa phương trong các tác phẩm

Tác phẩm

Từ địa phương

Âm tiết tác phẩm

Tỷ lệ từ địa phương/âm tiết chung

HGNT

592

63570

1/107

VNT

352

22137

1/62,9

CDNT

445

51532

1/115,8

HPV

229

29146

1/127,1

 

  Nếu tính cụ thể hơn về tỷ lệ của từ địa phương trong từng tác phẩm tính theo tần số xuất hiện so với lần âm tiết chung, ta có kết quả minh hoạ qua bảng 4.3.

Bảng 4.3: Tỉ lệ tần số của từ địa phương trong các tác phẩm

Tác phẩm

Tổng số lần âm tiết tác phẩm

Tổng số lần từ địa phương

Tỉ lệ tần số từ địa phương/ âm tiết chung

HGNT

63570

2894

1/22

VNT

22137

1326

1/16,7

CDNT

51532

1907

1/27

HPV

29146

1013

1/28,8

 

4.2.1.2. Nhận xét

  Qua số liệu thống kê được minh hoạ bằng bảng 4.1, 4.2, 4.3 chúng tôi rút ra một vài nhận xét như sau:

  Vốn từ địa phương được sử dụng trong thơ dân gian đại bộ phận là từ đơn tiết. Tỉ lệ bình quân chung của bốn tác phẩm là 77,4% từ đơn tiết. Nếu so với tỉ lệ từ đơn tiết trong toàn bộ vốn từ phương ngữ mà chúng tôi đã tổng hợp thể hiện ở bảng 2.1 là 44,9% thì càng thấy ý nghĩa của những con số này. Như vậy, so với vốn từ chung, vốn từ được sử dụng trong các tác phẩm đã có sự chọn lựa của chủ thể sáng tạo. Điều này trước hết là do đặc điểm của từ đơn tiết. Đó là lớp từ có ưu thế, phù hợp với nội dung phản ánh của các tác phẩm thơ ca dân gian. So với từ đa tiết, đặc điểm nội dung của từ đơn tiết thường cụ thể, không trừu tượng như từ đa tiết. Như ta biết, từ đơn tiết là lớp từ cơ bản có nội dung phản ánh sự vật hiện tượng tính chất, hoạt động thiết yếu quan trọng nhất trong đời sống tự nhiên và xã hội, là lớp từ quen thuộc dễ hiểu đối với mọi tầng lớp trong cộng đồng. Đặc điểm đó phù hợp với yêu cầu nội dung phản ánh và hình thức giao tiếp đối đáp của các tác phẩm thơ dân gian là tính trực tiếp cụ thể, dễ hiểu đối với người nghe. Có thể lấy ví dụ cho điều này.

  Trong các tác phẩm, lớp từ đơn không những được sử dụng với tỉ lệ cao mà tần số của chúng còn thể hiện rõ hơn vai trò của nó đối với tác phẩm. Trong số 100 từ có tần số cao (chủ yếu là 10 lần trở lên) mà chúng tôi đã thống kê sau đây chỉ có ba từ là hai âm tiết, còn lại đều là từ đơn tiết: ả (chị, 12)*, ác (quạ, 11), bay (chúng mày, 24), bận (lần, lượt, 20), bị (túi, 20), bứt (cắt, 24), bể (vỡ, 10), bể (biển, 62), bưng (bê, 32), bồng (bế, 39), bạo (khoẻ, 10), bổ (đổ, ngã, 21), be (lọ, chai, 13), cưởi (sương, 12), cơi (khay, 22), chi (gì, 726), chạc (dây, 26), cơn (cây, 65), cộ (cũ, 11), chộ (thấy, 107), choa (tao, chúng tao, 22), chắc (mình, nhau, 18), coi (xem, nhìn, 135), cức (tức, 10), dạm (hỏi vợ, 21), đọi (bát, 54), đàng (đường, 83), mấn (váy, 13), mụ gia (mẹ chồng, 13), mọn (sau, vợ lẽ 13), mau (nhanh, 48), mụ (vợ, 33), mần (làm, 53), mắc (bận, 57), mần răng (làm sao, 21), mồ (nào, 12), mần chi (làm gì, 10), má (mạ, 14), mi (mày, 59), mô (đâu, 207), nác (nước,10), ngài (người, 77), ni (nay, 100), nường (nàng, 49), niêu (nồi đất nhỏ, 21), ngóng (trông, 11), ngong (nhìn, 27), ngó (nhìn, 27), nom (nhìn, 41), nhởi (chơi, 47), nốc (thuyền, 20), ngái (xa, 34), nhằm (đúng, 14), nhác (lười, 12), nậy (to, 31), nống (nong 11), nương (vườn, ruộng không nước, 43), ngành (cành, 10), nỏ (không, 330), o (cô, 94), phô (nói, 9), quảy (gánh (nhẹ), 14), quăng (ném, 17), rày (nay, 94), ri (thế này, 15), rứa (thế ấy, 101), rào (sông nhỏ, 15), rú (núi 79), rạng (sáng, rõ, 79), rương (hòm, 24), rạ (dao rựa, 16), rọng (ruộng, 11), răng (sao, 71), su (sâu, 10), sáp (gặp, 8), trù (trầu, 14), tru (trâu, 17), trốc (đầu, 20), túi (tối, 11), truông (đèo, 48), trèo (leo, 54), trộ (trận, 20), tày (bằng, 9), tê (kia, 12), tui (tôi, 16), tỏ (rõ, 24), trự (đồng tiền, 52), thậm (rất, 51), tơi (16), trửa (giữa, 11), tau (tao, 25), trấy (quả, 27), ướm (yếm, 11), vưa (vừa, 9), ve (tán gái, 24), vân vi (so bì, 16), van (kêu, gọi, 40), vô (vào, 164), xui (xúi giục, 10), xáp (gặp, 20).

Một nguyên nhân khác, theo chúng tôi, sở dĩ từ đơn tiết được sử dụng với tỉ lệ cao như vậy phải chăng còn do đặc trưng thể loại quy định? Như ta thấy, các tác phẩm thơ ca dân gian ở đây có hình thức là thơ lục bát (ca dao và hát phường vải), thơ hoặc văn vần chỉ có năm tiếng (vè, hát giặm); số lượng âm tiết có hạn, đặc biệt là “vè" và "hát giặm", nhiều khổ, nhiều bài có hình thức chỉ là thơ hay văn vần bốn tiếng. Ngoài yêu cầu về nội dung thể hiện, việc đảm bảo hiệp vần, phối thanh, ngắt nhịp, chắc hẳn từ đơn tiết cũng dễ đáp ứng hơn từ đa tiết đối với khuôn khổ âm tiết có hạn của các thể loại này. Những số liệu thống kê của chúng tôi về vai trò của từ địa phương trong gieo vần, ngắt nhịp, phối thanh trong thơ ca dân gian (sẽ nói rõ ở mục 4.3) là phù hợp với nhận xét này.

  Cũng qua các số liệu thống kê được thể hiện qua các bảng minh hoạ ở trên, ta thấy số lượng từ địa phương được sử dụng trong các tác phẩm thơ dân gian, nhiều nhất là HGNT tiếp theo là CDNT, ít nhất là HPV. Tỉ lệ phân bố (so với âm tiết chung) và tần số xuất hiện của từ ngữ địa phương trong tác phẩm, mật độ từ địa phương cao nhất là ở VNT, tiếp đến là HGNT và thấp nhất ở HPV. Những nhận xét này có thể lí giải bởi phạm vi phản ánh, qui mô tác phẩm, đặc trưng thể loại tác phẩm và chủ thể sáng tạo nên các sáng tác dân gian đó.

  Xét về phạm vi phản ánh và nội dung thể hiện, HGNT đề cập đến các lĩnh vực khác nhau của hiện tượng thiên nhiên và đời sống vật chất tinh thần của con người. Từ những biến cố, những vấn đề ngoài xã hội đến những câu chuyện trong gia đình, của những nhân vật có tên có tuổi đến những người bình thường nhất cũng đều được HGNT phản ánh. Chỉ cần điểm qua tên của một vài bài hát giặm cũng rõ điều này. Từ Mời quý vị dạo chơi tỉnh nhà đến chuyện Lên thiên đình xin trời mưa hoặc Kể chuyện trận lụt ở Hương Sơn năm Canh Tý,hay nói về sự gian lao vất vả của các nghề Chăn tằm, Đi củi, Nghề chăn vịt, Buôn gánh bán gồng, Nghề câu, Nghề làm nón đến Cảnh làm lẽ, Thân phận người đi ở, cảnh Nuôi chồng ăn học, Thân phận người lính thú đến cả những chuyện Tâm lí anh chàng học nghề mộc, Đám ma cố Phì, O Tần về Mạc và những sự kiện lớn như Phong trào Cần Vương, kể chuyện các làng đánh Tây, Kể chuyện năm châu đều được HGNT kể lại rất cụ thể.

  Cùng với những phạm vi phản ánh rộng, đa dạng như vậy, quy mô tác phẩm lại lớn nhất nên từ địa phương trong HGNT có số lượng nhiều hơn cả là điều có thể giải thích được. Về quy mô tác phẩm cũng như về nội dung phản ánh, CDNT cũng có nhiều điểm giống với HGNT nên số lượng từ địa phương ở CDNT cũng đứng thứ hai sau HGNT là hợp lí.

  Xét về phương diện chủ thể sáng tạo tác phẩm, tác giả của các bài HGNT cũng như VNT và CDNT chủ yếu là nhân dân lao động, với cuộc sống lam lũ, quanh năm gắn bó với đồng ruộng với các kế sinh nhai kiếm sống, cho nên ngôn ngữ của họ dùng trong các sáng tác dân gian là ngôn ngữ quen thuộc hằng ngày trong giao tiếp cuộc sống vì thế từ địa phương được dùng trong tác phẩm với số lượng nhiều và thường cũng không được trau chuốt như trong HPV.

  HPV quy mô tác phẩm không lớn, đặc biệt, hình thức của HPV là hát đối - đáp nam nữ; một cuộc hát như vậy dù có sáng tạo thì vẫn bị chi phối bởi quy ước các bước, thủ tục cuộc hát. Như đã nói, thông thường một cuộc hát như HPV phải qua ba chặng: hỏi làm quen; hát đối đáp, hát đố để thử thách, tìm hiểu, cuối cùng là hát xe kết, tiễn đưa, cho nên ngôn ngữ ít nhiều cũng bị gò trong các “khuôn", không tránh được có khi rơi vào khuôn sáo ước lệ, sử dụng các ẩn dụ điển tích quen thuộc trong văn chương cổ. Đã vậy nội dung phản ánh của HPV chủ yếu chỉ xoay quanh chuyện tình cảm, nhất là tình cảm lứa đôi, vì thế vốn từ khó được mở rộng, phong phú như các loại tác phẩm khác, nhất là "hát giặm" và "vè". Mặt khác nếu như chủ thể sáng tạo và người thưởng thức đối với "hát giặm", "vè", "ca dao" có thể là tập thể trong lao động thì rất khác, chủ thể sáng tạo của HPV thường chỉ là một nhóm người, do một người đứng đầu (dân gian gọi là "thầy gà"). Có nhiều nghệ nhân có tên tuổi, có cả các nhà nho (như Nguyễn Công Trứ, Phan Bội Châu,...) cũng tham gia hát phường vải nên cũng góp phần làm cho lời các câu hát thêm mượt mà, chải chuốt. Nhiều câu hát phường vải mang tính chất, phảng phất hơi hướng của “thơ ca bác học" khá rõ. Kiểu như:

Tai nghe câu ví như ru

Đêm thu dễ khiến nét thu ngại ngùng.

Kể cả khi các câu hát có sử dụng từ ngữ địa phương thì hơi hướng đặc trưng của hát phường vải vẫn rõ:

Đồn chàng học sách Kinh thi

Hai ngang ba phẩy chữ chi rứa chàng?

  Trong khi đó ta có thể lấy bất cứ bài HGNT nào làm ví vụ so sánh thì cũng thấy vốn từ ngữ, cũng như cách nói lại rất gần gũi với lời ăn tiếng nói hằng ngày của người lao động. Ví dụ mấy dòng trong HGNT:

Từ ngày ta lớn đến giừ

 Ông vua Tự Đức làm hư dần dần

 Đói khát trong dân

Kêu van không thấu

 Đồng tiền hột gấu

 Kém mãi không thôi.

  Với những điều như đã nói, HPV có số lượng và tần số từ địa phương thấp nhất so với các tác phẩm khác là phù hợp với đặc trưng của loại sáng tác dân gian này.

  Về tần suất sử dụng, từ địa phương ở tác phẩm VNT là cao nhất so với các tác phẩm khác, phải chăng nguyên nhân chủ yếu là do đặc trưng thể loại quy định? Như ta biết nội dung phản ánh của “vè" cũng là những vấn đề đa dạng phong phú trong đời sống, chủ thể sáng tạo cũng như đối tượng tiếp nhận là quảng đại quần chúng nhân dân như đối với “hát giặm". Số lượng âm tiết, cách gieo vần ngắt nhịp của “vè" cũng gần với “hát giặm" (vì thế tần suất từ địa phương trong tác phẩm HGNT cũng tương đối cao, sau VNT). Nhưng “vè" khác “giặm" ở chỗ, “giặm" là một thể thơ, sáng tác thiên về “hát" (nên mới gọi là “hát giặm") còn “vè" lại thiên về “kể", tính chất văn vần ở “vè" rõ hơn. Nội dung phản ánh của vè là một câu chuyện được kể có đầu có đuôi theo trình tự thời gian diễn biến của câu chuyện nên một bài vè thường dài, từ ngữ ít được trau chuốt. Mở đầu bài vè thường là một khổ thơ hai câu lục bát sau đó là các khổ 4 hoặc 5 tiếng. Nếu là khổ bốn câu thì hai câu giữa hiệp vần với nhau. Ví dụ:

  Mần hến không khó nhọc

  Người thì mắc lên lò

  Kẻ thì đổ vô vò

  Gánh van làng van xã.

  Nếu là khổ 5 hoặc 7 câu thì câu cuối láy lại nội dung và điệp vần câu trước đó. Ví dụ:

  Nom ra ngoài mặt bể

  Mây kéo bốn chân trời

  Tiết kinh trập tới nơi

  Trăm cơn chi, cuốc cỏ

  Trăm cơn gì, cuốc cỏ.

  Tuy vậy số lượng các tiếng trong các câu vè có thể thay đổi khá tự do để phù hợp với tình tiết sự việc đang kể. Trong các tác phẩm mà chúng tôi khảo sát thì “vè" là loại tác phẩm mang tính tự sự rõ nhất, tính chất kể lể rõ nhất, lời lẽ ít trau chuốt nhất; điều đó hoàn toàn đối lập với CDNT, nhất là với HPV. Do vậy, từ địa phương trong VNT xuất hiện với tần số cao nhất, tiếp đến là HGNT, chủ yếu là do nguyên nhân thể loại, nội dung phản ánh và chủ thể sáng tạo của những tác phẩm thơ ca dân gian này.

 

4.2.2. Sự phân bố của các từ địa phương xét về từ loại

  Để thấy được khả năng hành chức của từ địa phương trong hoạt động sáng tạo thơ ca dân gian, chúng tôi tiến hành thống kê từ địa phương theo sự phân chia từ loại. Việc phân chia từ theo từ loại xét trong văn bản là hết sức phức tạp. Để thấy được khả năng hoạt động và vai trò của từ địa phương, khi cần thiết chúng tôi phải so sánh với từ toàn dân tương ứng, nên về mặt từ loại, chúng tôi dựa vào cách phân chia từ loại được giải thích, chú giải như trong Từ điển tiếng Việt [157].

  Như vậy, các từ loại địa phương cũng được chia làm 8 loại là: danh từ, động từ, tính từ, đại từ, phụ từ, kết từ, trợ từ, cảm từ. Số từ địa phương trong các tác phẩm là kết từ, trợ từ, cảm từ không nhiều và tần số xuất hiện cũng thấp nên để cho gọn về mặt trình bày, trong bảng phân loại, chúng tôi tạm gộp chung lại.

 

4.2.2.1. Số liệu thống kê từ địa phương xét theo từ loại

  Vốn từ địa phương trong các tác phẩm thơ dân gian Nghệ Tĩnh gồm 963 từ. Chúng tôi tiến hành thống kê phân loại vốn từ đó về số lượng và tỷ lệ phân bố của từng từ loại. Đồng thời cũng tính tần số xuất hiện của các từ theo từng từ loại đó. Kết quả thống kê phân loại này sẽ cho ta cái nhìn chung nhất các từ loại được dùng trong các tác phẩm, số lượng từ mỗi loại, tỷ lệ tương quan và khả năng của chúng, được minh hoạ qua bảng 4.4.

  Bảng 4.4. Số lượng và tần số của các từ địa phương theo từ loại

(tính chung tất cả các tác phẩm)

Từ loại

Danh từ

Động từ

Tính từ

Đại từ

Phụ từ

Từ loại khác

Cộng

Số lượng,

tỷ lệ

441

45,8%

310

32,2%

133

13,8%

58

6,0%

13

1,4%

8

0,8%

963

100%

Số ln  xuất hiện

2598

1752

577

1766

426

21

7140

Trung bình

lần xuất hiện

5,89

5,65

4,33

30,44

32,76

2,62

7,41

 

Số liệu thứ hai về số lượng các từ được dùng xét theo từ loại được thống kê làtính cụ thể trong từng tác phẩm. Qua đó ta sẽ nắm được sự phân bố, số lượng từ từng từ loại và tỷ lệ tương quan giữa các từ loại trong một tác phẩm cũng như giữa các tác phẩm với nhau. Số liệu thống kê đó được tổng hợp, thể hiện ở bảng 4.5.

Bảng 4.5. Sự phân bố của vốn từ địa phương xét về tự loại trong các tác phẩm thơ dân gian Nghệ Tĩnh

Từ loại

Tác phẩm

Danh từ

Động từ

Tính từ

Đại từ

Phụ từ

Từ loại khác

Cộng

HGNT

257

43,4%

185

31,3%

90

15,2%

48

8,1%

9

1,5%

3

0,5%

592

100%

VNT

152

43,2%

105

29,8%

59

16,8%

27

7,7%

6

1,7%

3

0,8%

352

100%

CDNT

231

51,9%

111

24,9%

60

13,5%

35

7,9%

5

1,1%

3

0,7%

445

100%

HPV

114

49,8%

53

23,2%

30

13,1%

26

11,3%

3

1,3%

3

1,3%

229

100%

 

Bảng 4.6. Tổng tần số xuất hiện của các từ loại trong từng tác phẩm

Từ loại

Tác phẩm

Danh từ

Động từ

Tính từ

Đại từ

Phụ từ

Từ loại khác

Cộng

HGNT

1005

34,7%

731

25,3%

234

8,1%

703

24,3%

217

7,5%

4

0,1%

2894

100%

VNT

449

33,9%

341

25,7%

125

9,4%

331

25,0%

77

5,8%

3

0,2%

1326

100%

CDNT

803

42,1%

463

24,3%

151

7,9%

401

21,0%

79

4,2%

10

0,5%

1907

100%

HPV

341

33,7%

217

21,4%

67

6,6%

331

32,7%

53

5,2%

4

0,4%

1013

100%

Tổng

2598

1752

577

1766

426

21

7140

 

Nếu như số liệu thống kê ở bảng 4.4 cho ta biết số lượng và số lần xuất hiện của từ theo từng từ loại tính chung trong tất cả các tác phẩm thì bảng 4.6 sẽ cho ta biết cụ thể về tần số xuất hiện của từng loại từ tính riêng theo từng tác phẩm. Như vậy nhìn vào bảng này chúng ta sẽ thấy từng tác phẩm có số liệu thống kê về số lần xuất hiện của từng loại từ, tổng số lần từ địa phương thuộc tất cả các từ loại và tỷ lệ phân bố các loại từ địa phương trong tác phẩm đó, tính theo lượt xuất hiện. Số liệu thống kê về số lượt từ xuất hiện theo từng loại còn cho phép ta so sánh khả năng hoạt động của loại từ đó trong các tác phẩm khác nhau.

 

4.2.2.2. Nhận xét

Từ các số liệu đã thống kê về từ địa phương trong các tác phẩm thơ dân gian theo từ loại như minh hoạ qua bảng 4.4, 4.5 và 4.6, chúng ta có thể rút ra mấy nhận xét như sau:

 Tất cả các từ loại có trong vốn từ địa phương Nghệ Tĩnh đều được sử dụng trong các tác phẩm thơ dân gian. Các từ là danh từ, động từ, tính từ chiếm đại bộ phận số lượng vốn từ địa phương (91,8%), các từ thuộc từ loại đại từ, phụ từ, và các từ loại còn lại chiếm tỷ lệ thấp. Nếu xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp ta có thứ tự: danh từ -> động từ -> tính từ -> đại từ -> phụ từ -> các từ loại khác. Tỷ lệ phân bố các loại từ địa phương trong các tác phẩm như vậy là phản ánh đặc điểm của vốn từ địa phương Nghệ Tĩnh về tỷ lệ phân bố các từ loại. Nhưng nếu chúng ta xét khả năng mức độ hoạt động của các loại từ, tần số của chúng trong tác phẩm thì thấy rằng thực tế hoạt động của các từ theo từ loại lại khác trình tự trên. Số liệu thống kê ở bảng 4.4 cho phép chúng ta nhận xét: số lượng, tỷ lệ các từ là đại từ, phụ từ so với các từ thuộc danh từ, động từ, tính từ trong các tác phẩm thấp hơn nhiều lần nhưng trong hoạt động sáng tạo thơ dân gian Nghệ Tĩnh chúng lại xuất hiện với tần số cao hơn. Nếu tính trung bình chung số lượng từ của ba loại (danh, động, tính từ) chiếm tỉ lệ 30,6% vốn từ địa phương trong các tác phẩm, gấp 8,2 số lượng chung (3,7%) của các từ là đại từ, phụ từ thì ngược lại, cũng tính trung bình chung, số lần đại từ và phụ từ xuất hiện trong các tác phẩm lại có tần số cao gấp 6 lần các từ là danh từ, động từ, tính từ (tức 31,6 lần so với 5,3 lần).

 Đối chiếu số lượng đã thống kê về số lượng từ mỗi loại phân bố trong từng tác phẩm (bảng 4.5) và số lần xuất hiện của các từ theo từng loại trong từng tác phẩm (bảng 4.6), chúng ta thấy khả năng hoạt động của các loại từ đối với các tác phẩm thơ dân gian Nghệ Tĩnh là:

 Danh từ chiếm tỉ lệ phân bố cao nhất là trong CDNT, ba tác phẩm HGNT, HPV, VNT có tỉ lệ tương đương nhau và thấp hơn CDNT.

 Các từ là động từ, tính từ đều được sử dụng với tỉ lệ phân bố cao nhất trong VNT, HGNT và thấp nhất trong HPV.

 Phụ từ được dùng với tỉ lệ cao nhất trong HPV và HGNT, có tỉ lệ thấp nhất là trong CDNT.

 Đại từ có tỉ lệ phân bố thấp nhất ở CDNT và cao nhất ở HPV.

 Như vậy, khả năng hoạt động của các loại từ địa phương trong tác phẩm thơ ca dân gian Nghệ Tĩnh được thể hiện qua tỉ lệ phân bố cao thấp khác nhau là phản ánh đặc trưng của thể loại tác phẩm cũng như những nhân tố liên quan đến loại tác phẩm đó.

 Hại loại đại từ và phụ từ tuy có số lượng từ ít nhưng lại có số lần xuất hiện cao là phản ánh đặc điểm chung của chúng trong ngôn ngữ và trong hành chức của tiếng Việt. ở đây, đại từ và phụ từđược sử dụng trong những tác phẩm mà các sáng tác cụ thể của nó ra đời trong môi trường giao tiếp trực tiếp, thiên về hình thức đối đáp, sắc thái biểu cảm của lời được thể hiện rõ nên đại từ, phụ từ đựơc sử dụng với tần số cao. Trong các tác phẩm mà chúng tôi khảo sát, như đã nhận xét, đại từ có tần số sử dụng cao nhất ở HPV lại càng chứng tỏ mối quan hệ giữa thể loại và đặc điểm loại từ ngôn ngữ. Chúng ta biết, “hát phường vải" nói riêng, “hát ví" nói chung là kiểu hát đối đáp nam - nữ, cho nên, lẽ dĩ nhiên loại đại từ xưng gọi phải được sử dụng thường xuyên. Hơn nữa, trong “hát phường vải", có chặng hát đố, nên vì thế không thể không dùng cả loại đại từ nghi vấn. Khi hát đối đáp, lựa chọn, sử dụng đại từ nào là do chủ thể sáng tạo. Và rất dễ hiểu, là người địa phương với nhau yếu tố quen thuộc, gần gũi mang sắc thái biểu cảm của ngôn ngữ giao tiếp có tính phương ngữ phải là yếu tố đựơc lựa chọn sử dụng trước hết để tạo ra hiệu quả; việc đó là tự nhiên phù hợp. Cho nên người ta mới dùng chi (gì) đến 726 lần, mô (đâu, nào) 207 lần, răng (sao) 71 lần, các đại từ chỉ định như ni (này) 100 lần, rứa (thế) 101 lần, rày (này) 94 lần,... Trong HPV, ta thường gặp những câu có sử dụng đại từ chi như:

   - Đố anh chi đứng chi quỳ

Chi đi, chi chạy, chi thì ở hang?

   - Đố anh chi sắc hơn dao,

Chi su hơn bể, chi cao hơn trời?

   - Này anh ơi!

Chữ chi anh chôn dưới đất,

Chữ chi anh cất trên đầu,

Chữ chi anh mang không nổi,

Chữ chi gió thổi không bay?

Anh mà giải được thiếp trao tay lạng vàng.

 Về đại từ xưng hô, những sắc thái văn hoá được phản ánh qua lớp từ này, chúng tôi đã phân tích cụ thể ở chương 3, mục 3.2. ở đây do từ xưng hô được xét về mặt hành chức, trong vai trò, chức năng sáng tạo nghệ thuật nên chúng tôi chỉ nhận xét về định lượng lớp từ này và đặc điểm, khả năng, vai trò của chúng trong thơ dân gian Nghệ Tĩnh.

Trong các tác phẩm thơ dân gian, đại từ xưng hô được dùng với số lượng rất lớn, điều đó cũng phản ánh thực tế về sự phong phú của lớp đại từ này trong phương ngữ Nghệ Tĩnh. Có thể nói, trong các phương ngữ của tiếng Việt, ít có vùng phương ngữ nào lại có số lượng đại từphong phú mang sắc thái riêng như vậy. Đại từ trong phương ngữ Nghệ Tĩnh tạo thành một lớp từ mang tính hệ thống, khác biệt với ngôn ngữ toàn dân không chỉ về từ vựng mà cả về ngữ pháp. Ngoài những đại từ như tui, tau, choa, mi, bay,... kết hợp với bầy, bọn, nậu, bì, nhà,... để tạo nên hàng loạt từ ngữ kiểu như bầy choa, nậu choa, bì choa, nhà choa,...phương ngữ Nghệ Tĩnh còn dùng hàng loạt yếu tố khác với tư cách là đại từ xưng gọi không chỉ trong giao tiếp thường ngày mà còn được sử dụng cả trong thơ dân gian như: nhiêu, hoe, học, cu, đị (đĩ), nho, xạ,...kết hợp với các yếu tố ênh (anh), mụ, o,... để tạo ra hàng loạt từ như ả cu, ả chắt, ả đị, ả hoe, ả học, ả cháu, ả nhiêu, ênh nhiêu, ênh học, ênh hoe..., dùng độc lập hoặc dùng kết hợp trước tên riêng để gọi trong xưng hô. Cách xưng hô như vậy, tuỳ theo đối tượng mà có cách dùng từ phù hợp, bởi tên gọi đó phải cho biết những nét nghĩa cụ thể có liên quan về giới, tôn ti, quan hệ giữa các thế hệ trong đại gia đình. Qua xưng gọi người nghe sẽ biết: đối tượng đã có con hay chưa, nếu có con rồi thì con đầu lòng là con trai hay con gái; sinh con đầu lòng trong gia tộc là tam đại hay tứ đại đồng đường; hoặc qua gọi tên có thể biết được người đã có vợ, có chồng hay chưa, có được học hành hay không v.v. Các từ như vừa nói trong thơ ca dân gian đựơc dùng có sự phân biệt khá lí thú và tinh tế trong các loại tác phẩm khác nhau. Dường như trong HPV rất ít khi các đại từ nói trên được dùng. Cả những đại từ xưng hô như choa, mi, tau, bầy choa, bầy tui,...cũng không thấy xuất hiện trong HPV. Điều đó một lần nữa lại chứng tỏ từ ngữ địa phương trong sáng tác thơ dân gian đã được lựa chọn theo đặc trưng thể loại, phù hợp nội dung và đối tượng giao tiếp. Như đã nói “Hát phường vải" là một thể loại mang đặc điểm ngôn ngữ được chọn lựa, trau chuốt hơn các loại tác phẩm khác bởi chủ thể sáng tạo ở đây không phải là đối tượng thuộc nhiều thành phần xã hội như “vè", “hát giặm". Không khí, mục đích giao tiếp của “Hát phường vải" thường là trữ tình, giao duyên nên cũng đòi hỏi từ ngữ dùng thi vị, tinh tế hơn. Trong khi đó, ở VNT và HGNT ta có thể gặp nhiều đại từ mang tính khẩu ngữ được sử dụng, bởi nội dung của các bài thường mang tính tự sự phản ánh những sinh hoạt đời thường, kiểu như trong một đoạn bài hát giặm “Dân Thanh Thuỷ đánh Tây đoan" sau đây:

Nho Sanh đầu huyện,

Đánh trống gọi dân ra

Dạm người ở coi nhà:

"Hết răng choa chịu,

Hết gia tài choa chịu

Choa mà bắt bay chịu

Choa chẳng phải con ngài"...

Cũng là HGNT, một đoạn trong bài "Nhân vật làng ta":

Bứt cỏ bỏ phân:

Ông Cu Thân xóm Trại,

Ông Học Ngạixóm Trung,

Ông Cửu Sung xóm Nam,

O Cam xóm Bắc,

Trấy gấc bà Thừa

Cái bừa ông Cu Thiêm

...

Cái điếu ông Chắt Tồn...

Rõ ràng những đại từ xưng hô được dùng trong HGNT cũng như VNT mang tính chất thông tục rất khác với HPV.

 ở các tác phẩm thuộc các thể loại khác nhau, ngoài đặc điểm chung, đều là loại sáng tác được dùng trong giao tiếp trực tiếp thì tính chất tự sự, tính chất kể chuyện là nét trội về mặt thể loại của thơ dân gian Nghệ Tĩnh nên cũng làm cho các tác phẩm này phải sử dụng nhiều các đại từ chỉ định như ri, ni, nớ, nứ, tê, tề, dồ,... Ngoài ra còn có thể do đặc điểm ngữ nghĩa của đại từ trong phương ngữ Nghệ Tĩnh có những nét khác biệt, không tương ứng hoàn toàn với đại từ trong ngôn ngữ toàn dân nên cũng làm cho các đại từ này được sử dụng với tần số cao. Chẳng hạn, ta có thể thấy về một khía cạnh ngữ nghĩa, có rất nhiều đại từ trong phương ngữ Nghệ Tĩnh có nghĩa rộng, có thể bao chứa, hay tương ứng với nhiều đại từ trong ngôn ngữ toàn dân nên trong những hoàn cảnh sử dụng khác nhau nó đều đảm trách được vai trò chức năng “thay thế" của nó. Ví dụ mô trong phương ngữ Nghệ Tĩnh là đại từ được dùng trong đời sống giao tiếp tự nhiên thường ngày cũng như trong thơ dân gian để hỏi về cái không biết cụ thể và cần xác định trong một tập hợp những cái cùng loại, hoặc dùng để chỉ cái không cần cụ thể về thời gian, sự vật...

   - Vua quan không thấu,

 Nỏ đoái mất mùa

  Thứ mô thuế Vua?

Thứ mô lang lính?

  (HGNT)

 - Khi mô chiêm ngả màu vàng

 Tin cho nhau biết ta sang gắt (gặt) cùng.

  (CDNT)

 Với cách dùng như vậy, mô tương ứng về nghĩa với đại từ nào trong ngôn ngữ toàn dân. Mô trong thơ dân gian Nghệ Tĩnh còn được dùng để chỉ nơi chốn nào đó không rõ. Với nghĩa này, mô tương ứng về nghĩa với đâu. Ví dụ:

- Tu mô cho em tu cùng

May ra thành Phật thờ chung một chùa.

  (HPV)

- Rồi mùa toóc rạ rơm khô

Bạn về xứ bạn biết nơi mô mà tìm?

(CDNT)

  Tương tự, đại từ ni trong thơ dân gian Nghệ Tĩnh được dùng với nghĩa như này trong ngôn ngữ toàn dân. Ví dụ:

Chờ em như bướm chờ hoa

Chờ lần ni nữa là ba lần chờ

(HPV)

  Ni còn được dùng như đại từ nay:

- Năm ni quan cấm khăn rồi

Lấy chi mà chít cho rồi năm ni

(CDNT)

- Tình đôi ta đằm thắm

 Đã mấy niên ni rày

(VNT)

  Với những đặc điểm riêng của lớp đại từ trong vốn từ phương ngữ và do đặc trưng của thể loại tác phẩm thơ dân gian Nghệ Tĩnh như đã trình bày, ta đã có thể thấy rõ nguyên nhân của hiện tượng đại từ được dùng với tỷ lệ cao trong các tác phẩm là vì thế.

  Cũng từ những điều giải thích về lí do đại từ được dùng với tần số cao trong các tác phẩm thơ dân gian Nghệ Tĩnh, ta có thể cắt nghĩa được nguyên nhân vì sao danh từ lại được dùng nhiều trong CDNT, còn động từ, tính từ lại được dùng nhiều nhất ở VNT và HGNT? Có sự phân bố như vậy là do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do đặc trưng của thể loại chi phối. Chúng ta có đề cập đến các yếu tố như thể tài, chủ thể sáng tạo v.v... thực ra chúng cũng là một trong các đặc trưng của thể loại mà thôi.

  Ca dao vừa có quy mô lớn lại có nội dung phản ánh tập trung nhiều vào cảnh quan thiên nhiên, giới thiệu về sản vật các vùng quê; các sựvật, hiện tượng cũng hay được dùng để ví von so sánh v.v... chính vì thế, đó là một trong những lí do khiến cho CDNT sử dụng nhiều danh từ hơn các tác phẩm khác.Và như đã giới thiệu ở phần trên, HGNT và VNT thiên về kể công việc làm ăn, về các hoạt động, đánh giá sự kiện, đó là một trong những đặc điểm nội dung của các thể loại này. Do vậy, hai tác phẩm đó có mức độ sử dụng động từ và tính từ cao nhất cũng là điều có thể hiểu được. Thống kê của chúng tôi cho thấy các động từ, tính từ có tần số sử dụng cao đều tập trung ở hai tác phẩm này. Ví dụ: chộ (thấy) có 107 lần xuất hiện trong toàn bộ các tác phẩm thì đã 69 lần được sử dụng trong HGNT, 25 lần trong VNT, chỉ có 9 lần trong HPV và 4 lần trong CDNT. Lưa (còn) có 32 lần xuất hiện thì ở HGNT và VNT đã được dùng tới 26 lần. Nom (nhìn) có tần số sử dụng là 41 lần, riêng trong HGNT và VNT đã có 36 lần xuất hiện. Mần (làm) được sử dụng trong hai tác phẩm này là 45 lần, trong khi đó toàn bộ các sáng tác thơ dân gian có 53 lựơt xuất hiện v.v. Những kiểu liệt kê, kể lại sự việc nên phải dùng động từ để thể hiện như đoạn sau đây trong HGNT là rất nhiều:

Nom (nhìn) lên trên nóc nhà

Chộ (thấy) lưỡng long triều nguyệt

Nom lên bốn đầu quyết

Chộ sư từ ngồi chầu

Nom xuống dưới phụ đầu

Chộ rồng đeo mặt nạ

Nom xuống đường xà hạ

Cụng chộ sư tử ngồi chầu...

  Nếu như VNT và HGNT có tần số sử dụng động từ và tính từ cao nhất như đã miêu tả thì như một lôgíc, phụ từ đã được dùng trong hai tác phẩm này cũng với tỉ lệ cao nhất so với các loại sáng tác thơ dân gian khác. Điều đó trước hết là do đặc điểm ngữ nghĩa và chức năng sử dụng của từ loại phụ từ quy định. Cũng như trong ngôn ngữ toàn dân, phụ từ là yếu tố đi kèm, bổ sung ý nghĩa cho động tính từ, trong phương ngữ Nghệ Tĩnh, các phụ từ đi kèm với động từ cũng với chức năng như vậy. Nhưng ngoài ý nghĩa tương ứng với một phụ từ nào đó trong ngôn ngữ toàn dân, phụ từ trong phương ngữ còn có thể mang sắc thái biểu cảm riêng rất rõ. Nhiều khi nếu là người tỉnh ngoài thì rất khó tri nhận được những sắc thái nghĩa mang tính địa phương như vậy. Hơn nữa, các phụ từ trong phương ngữ có nhiều từ có nội dung ngữ nghĩa rộng hơn từ toàn dân tương ứng vì thế đó cũng là lí do khiến cho phụ từ được dùng với tỉ lệ cao. Chẳng hạn có thể lấy ví dụ về từ nỏ trong phương ngữ Nghệ Tĩnh. Theo thống kê của chúng tôi, nỏ xuất hiện 330 lần trong các tác phẩm thơ dân gian, riêng trong HGNT và VNT, nỏ đựơc dùng 215 lần. Về nghĩa, nỏ vừa tương ứng nghĩa với không vừa tương ứng với chẳng trong tiếng Việt toàn dân. Cũng với ý nghĩa phủ định như vậy hoặc khi kết hợp với động từ trung tâm có thể tạo ra ý nghĩa “phức" (hay là ý nghĩa “phái sinh") đặc biệt (như nhóm không, chưa, chẳng (xin xem Nguyễn Tài Cẩn [24, tr. 274] )). Do đặc điểm ngữ nghĩa mở rộng như thế, lại kèm thêm những sắc thái riêng về tính biểu cảm nên nỏ được dùng rất phổ biến. Tính biểu cảm của nỏ đặc biệt đến mức trong rất nhiều hoàn cảnh sử dụng, người nghe phải hiểu nghĩa của nỏ ngược hoàn toàn ý nghĩa phủ định. Dựa vào ngữ điệu, tình thái của câu trong từng tình huống giao tiếp, nỏ có thể được dùng với nghĩa “có", “đồng ý", “đồng tình" như lối nói Em nỏ! (cũng như lối nói “Em chả!" trong phương ngữ Bắc Bộ).

  Có thể hiểu phần nào nghĩa và cách dùng nỏ như nói trên qua trường hợp sau đây, tuy sắc thái nghĩa phủ định không rõ ràng như “chẳng" nhưng lại kèm theo chút sắc thái biểu cảm “trách cứ" ngọt ngào:

- Em có chồng rồi em nói rằng chưa

   Tội riêng em đó nỏ lừa được anh.

-Đây thương đó, đó nỏ thương đây,

  Làm chi cách trở nứa mây đôi đường.

-Khi chưa có chồng anh nỏ dốc lòng gắn bó

  Bây giờ em có chồng rồi anh đón ngọ (cổng) trao thư,

  Ơi anh ơi! Anh đừng trao thư mà hư tờ giấy

  Em có chồng rồi nỏ lấy anh mô!

Như vậy, từ những điều trình bày như trên ta có thể thấy vốn từ địa phương được sử dụng trong các tác phẩm thơ dân gian Nghệ Tĩnh rất phong phú, đa dạng, chủ yếu là lớp từ quen thuộc, thông dụng nhất, đó như là điển hình vận dụng từ ngữ phương ngữ trong hoạt động giao tiếp. Mỗi loại từ trong phương ngữ đều được dùng với vai trò góp phần sáng tạo nên tác phẩm thơ mang đặc trưng Nghệ Tĩnh, trong đó, nét đặc biệt là hư từ được dùng với tần số cao đã tạo nên dấu ấn riêng của cách nói, cách ứng xử của người Nghệ. Song mặt khác cũng cho thấy, đối với từng thể loại, mỗi loại từ có một vai trò riêng, ưu thế riêng, chính vì vậy mà từ được phân bố với tỉ lệ không giống nhau trong các tác phẩm, điều đó thể hiện sự lựa chọn của chủ thể sáng tạo là nhân dân lao động và cách dùng như thế góp phần tạo nên nét riêng, giá trị riêng cho từng tác phẩm, làm cho thơ dân gian Nghệ Tĩnh mang sắc thái địa phương rất đậm nét.

 

4.3. Vai trò của từ địa phương trong các tác phẩm thơ dân gian Nghệ Tĩnh

  Thơ dân gian là thứ thơ trữ tình do nhân dân lao động sáng tác trong trường kỳ lịch sử. Trong môi trường tồn tại đích thực và sống động của mình, nó bao gồm vừa thành phần nghệ thuật ngôn từ vừa các thành phần nghệ thuật khác mang tính chất biểu diễn như nhạc, vũ,...Khi đựơc tập hợp trong các sách sưu tầm, ghi chép như chúng tôi đang khảo sát thường chỉ có thành phần nghệ thuật ngôn từ của nó là được lưu giữ lại. Mặc dù vậy, phần được lưu giữ này vẫn có mối liên hệ ngầm với những thành phần khác không phải văn học đã bị tước bỏ bớt đi trong khi chép và cấu trúc riêng của nó vẫn mang đậm dấu ấn của một cấu trúc tổng thể lớn hơn. Là một bộ phận của văn học dân gian, thơ dân gian Nghệ Tĩnh cũng mang những đặc điểm, thuộc tính của văn học dân gian như tính truyền miệng, tính tập thể, tính địa phương,... trong đó tính truyền miệng thường được coi là thuộc tính đặc trưng cơ bản nhất.

  Về nội dung, như đã nói sơ qua, thơ dân gian Nghệ Tĩnh là tấm gương trung thực phản ánh tâm tình, ước vọng, cái nhìn của nhân dân lao động trước mọi vấn đề của đời sống vùng quê xứ Nghệ Bắc miền Trung. Tâm hồn giản dị, cởi mở, thuần phác có lúc thô ráp của người bình dân cùng môi trường sống quen thuộc của họ đã được bộc lộ một cách vừa ý nhị vừa trực tiếp qua lời của ca dao, hát phường vải, hát giặm, vè. Do đặc điểm thể loại và hình thức diễn xướng có phần khác nhau nên nội dung của các tác phẩm thơ dân gian Nghệ Tĩnh cũng khác nhau ít nhiều.

  Về ngôn ngữ, như phần trên, mục 4.2 của chương này đã khảo sát một cách chung nhất, chúng ta đã thấy, tuy các sáng tác dân gian Nghệ Tĩnh mang đặc điểm chung về sử dụng từ ngữ địa phương nhưng rõ ràng mỗi loại hình thơ ca khác nhau có một kiểu, một mức độ ngôn ngữ được sử dụng không giống nhau, thể hiện một kiểu ứng xử riêng với chất liệu và công cụ sáng tác. Đối với nhà thơ dân gian xứ Nghệ, lời nói là thứ “chẳng mất tiền mua", là “của kho vô tận" không chỉ có từ ngữ thuộc tiếng nói chung của mọi miền trên đất Việt mà còn có thứ tiếng “trọ trẹ" nhưng quen thuộc của vùng quê mình nên cứ mặc nhiên “lựa lời" mà sử dụng. Bởi vậy ngôn từ của thơ dân gian Nghệ Tĩnh là ngôn ngữ hồn nhiên, tự nhiên, dễ dàng, rất gần với khẩu ngữ; không hề mang vẻ đẹp của một công trình chế tác công phu. Nhưng chính cái hồn nhiên, chân chất, mộc mạc thô ráp ấy lại là cái đẹp riêng đối với người dân xứ Nghệ, bởi đó là tiếng nói “thật lòng" của họ; họ nói cho họ nghe, và chính người trong môi trường sáng tác, lĩnh xướng ấy mới cảm hết được.

  Do hoàn cảnh sáng tác cũng là hoàn cảnh lĩnh xướng, chủ thể sáng tạo của thơ dân gian là tập thể có nét đặc biệt riêng khác với thơ thuộc văn học viết nên tính chất tự phát, ngẫu hứng theo những mô thức có sẵn cũng khó tạo ra đựơc những sáng tạo độc đáo đa dạng phong phú vượt ra cái “khuôn" chung của thơ dân gian. Như về mặt hệ thống tạo nghĩa, các từ ngữ đều là những hình thể từ ngữ kiêm những phép chuyển nghĩa mang tính thi ca, tư duy so sánh rất phổ biến nên dẫn đến những hình thể so sánh rất tương hợp; có hứng thú với lối chơi chữ, biểu hiện một khả năng liên tưởng về ý, về âm thanh rất thông minh nhanh trí v.v. Cái riêng của thơ dân gian Nghệ Tĩnh có lẽ là ở chỗ sự “lựa chọn" dùng từ địa phương thay cho từ toàn dân trong những hoàn cảnh mà bản thân sự lựa chọn đó là phù hợp về một phương diện nào đó về nội dung và nghệ thuật biểu hiện hay về sắc thái địa phương, sắc thái biểu cảm cần thiết của nó.

  Trong hoạt động sáng tạo thơ dân gian, từ ngữ địa phương và từ ngữ toàn dân cùng thực hiện nhiều chức năng cho nên chúng ta có thể phân tích ngôn ngữ ở nhiều góc độ, trong nhiều quan hệ. ở đây chúng tôi chỉ tập trung phân tích từ ngữ trong hai quan hệ, với hiện thực quy chiếu - tức với những phạm vi, những vấn đề đựơc phản ánh vào tác phẩm thông qua từ ngữ địa phương và thứ hai, vai trò của từ ngữ địa phương trong hoạt động tổ chức lời nói theo những quan hệ lựa chọn và kết hợp để có được giá trị nghệ thuật trong phản ánh thực tại.

 

  4.3.1. Từ ngữ địa phương với vai trò phản ánh hiện thực trong các sáng tác thơ dân gian Nghệ Tĩnh

  Xét về phương diện hiện thực quy chiếu, ta thấy phạm vi hiện thực mà từ địa phương phản ánh rất toàn diện. Dường như không có lĩnh vực nào của đời sống vật chất, tinh thần của cộng đồng cư dân Nghệ Tĩnh lại không được từ địa phương phản ánh trong các tác phẩm dân gian. Từ hoạt động sản xuất, các nghề đánh cá, chặt củi, đốt than, làm ruộng, nuôi tằm dệt vải, buôn bán đến những sinh hoạt văn hoá như hát đối đáp nam nữ, vui chơi lễ hội, phong tục, đám ma, đám cưới, cho tới hoạt động của các tầng lớp người trong xã hội và thân phận của họ, người lính thú, chàng nho sinh, người vợ cả, phận làm lẽ, kẻ đi ở, cảnh nhà giàu, phong cảnh làng quê, chuyện đánh Tây, nạn thiên tai, cảnh cờ bạc,... tất cả đều được phản ánh qua các lớp từ ngữ địa phương, thành các trường từ vựng với số lượng, mức độ đậm nhạt khác nhau. Chúng tôi đã thử thống kê từ địa phương trong các tác phẩm theo các trường sự vật hay khái niệm nhưng thấy rằng số lượng từ mỗi trường quá lớn, hơn nữa, hầu như phạm vi, lĩnh vực nào của hiện thực cũng có từ địa phương phản ánh, điều này đã đựơc thể hiện phần nào qua thống kê từ về mặt từ loại như trên nên đã không liệt kê vào phần này.

  Cõ lẽ, trước hết chỉ cần nhắc lại con số thống kê về số lượng từ địa phương với các loại từ khác nhau và tần số sử dụng của các loại từ đó chúng ta cũng hình dung được phần nào vai trò phản ánh hiện thực của lớp từ địa phương trongcác sáng tác dân gian đó. Có 963 từ ngữ địa phương, với 7114 lần từ xuất hịên trong các tác phẩm, trong đó có 441 danh từ với 2598 lần xuất hiện, 310 động từ với 1752 lượt từ xuất hiện, 133 tính từvới 577 lần từ xuất hiện, 58 đại từ có 1766 lần từ xuất hiện, 13 phụ từ và 426 lần từ xuất hiện, các từ loại khác có 21 lần xuất hiện. Qua những con số đó ta cũng hình dung được phạm vi hiện thực mà từ địa phương phản ánh.

  Nếu chú ý những từ có tần số cao, trong 247 từ ngữ mà chúng tôi thống kê có tần số xuất hiện từ 5 lần trở lên trong tác phẩm thơ dân gian Nghệ Tĩnh, ngoài các đại từ như: chi, mô, răng, rứa, ni, rày, ri, ni, tau, choa,... sở dĩ chúng xuất hiện với tần số cao nhất (trung bình chung trên 150 lần) như chúng ta đã lí giải là do đặc trưng thể loại, hình thức hát đối đáp, kể chuyện,...các từ còn lại khác có tần số sử dụng cao, chủ yếu là nội dung ngữ nghĩa của nó cần thiết cho sự phản ánh, trong đó danh từ gồm 105 từ, động từ: 79 đơn vị và tính từ: 30 đơn vị. Các danh từ, động từ, tính từ đó cũng xuất hiện với tần số cao nhưng trong một tỉ lệ tương quan giữa chúng tương đương như tỉ lệ trong vốn từ chung. Và các từ ngữ này đều là những từ ngữ chỉ các hoạt động tính chất, trạng thái, các sự vật liên quan thiết yếu đến đời sống diễn ra thường ngày đối với mọi người. Điều đó nói lên rằng vốn từ địa phương được sử dụng trong các sáng tác thơ dân gian với vai trò như một công cụ sáng tạo văn học, trước hết đó đều là những từ ngữ không xa lạ trong đời sống, đều là những từ ngữ quen thuộc thường dùng trong giao tiếp hằng ngày. Nghĩa là chúng rất mộc mạc, chân chất, hồn nhiên, có phần thô ráp, dường như không có sự gia công gọt giũa nào cả. Có thể liệt kê ra một số từ thuộc hai từ loại động và tính từ trong số 247 từ có tần số cao nói trên để rõ thêm điều đó. Ví dụ về các động từ: bứt (cắt), bể (vỡ), bưng (bê), bồng (bế), bổ (đổ, ngã), chộ (thấy), coi (nhìn), đập (đánh), đâm (giã), cức (tức), kháp (gặp), lưa (còn), lổ (trỗ), mần (làm), mắc (bận), ngóng (trông), đeo (mang), ngong (trông, nhìn), ngó (nhìn), nom (nhìn), nhởi (chơi), nhủ (bảo), phô (nói), quảy (gánh), quăng (ném), trèo (leo), tỏ (rõ), van (kêu, gọi), vô (vào), xui (xúi), xáp (gặp), bươi (bới), bửa (bổ), bức (vội), cắm (cắn), cổi (cởi), cạp (gặm), chưởi (chửi), dòm (nhòm, nhìn), đòi (đuổi), đùm (gói), đòi (kêu, gọi), độ (đậu), điệu (lôi), ghẹo (trêu, đùa), hại (sợ), hun (hôn), la (mắng), lộn (lẫn), ngáy (ngủ), nhọc (ốm), náu (lặng), im (lặng), rờ (sờ mó), rèo (chăn thả), sáp (gặp), sương (gánh), trừa (chừa), trọn (chọn), xắt (thái),...Như vậy, trong số các động từ xuất hiện từ 5 lần trở lên, liệt kê chưa đủ như trên, ta thấy chỉ có 3 động từ (bể, độ, lổ) chỉ trạng thái sự vật nhưng những sự vật đó lại gần gũi gắn bó với đời sống con người, các động từ còn lại đều nói về hoạt động, trạng thái con người. Các tính từ có tần số cao là: lạt (nhạt), mau (nhanh, chóng), ngái (xa), ghin (gần), nhác (lười), nậy (lớn, to), tày (bằng), vưa (vừa, khớp), lanh (nhanh), rầy (xấu hổ), sọi (đẹp, giỏi), thàm (nhảm, linh tinh), trơi (xấu về phẩm chất), nhớp (bẩn), khun (khôn), nhằm (đúng, trúng), tra (già), bạo (khoẻ), bức (vội), cộ (cũ),... Cũng giống như các động từ được sử dụng với tần số cao, các tính từ vừa dẫn ra ở trên chủ yếu là những từ chỉ các đặc điểm tính chất của con người.

Từ những miêu tả dẫn dụ về các lớp từ địa phương được sử dụng trong thơ dân gian Nghệ Tĩnh xét về nội dung trong vai trò phản ánh hiện thực như trên, ta thấy nếu như các đại từ trong phương ngữ xuất hiện nhiều một phần là do đặc trưng thể loại chi phối, thì các động từ, tính từ, danh từ có tần số cao lại chủ yếu là do nội dung ngữ nghĩa của các từ này liên quan đến phạm vi hiện thực mà tác phẩm phản ánh. Các lớp từ đó vốn là những từ thường dùng trong hoạt động giao tiếp thường ngày, trong hoạt động sáng tạo thơ dân gian, chính lớp từ đó đồng thời lại đóng vai trò chức năng thi ca. Các từ địa phương đã được tổ chức sắp xếp trong một dạng hành chức đặc biệt – thực hiện chức năng nghệ thuật. Nội dung ngữ nghĩa của các từ địa phương vốn phản ánh các đặc điểm tính chất chủ yếu, hoạt động cơ bản, trạng thái, phẩm chất con người Nghệ Tĩnh cho nên nội dung của thơ dân gian Nghệ Tĩnh là hiện thực sinh động chân thực về cuộc sống sinh hoạt và lao động thường ngày gần gũi quen thuộc của người dân Nghệ Tĩnh, không hư cấu cách điệu. Nhờ vai trò của các lớp từ địa phương mang nội dung ngữ nghĩa như vậy mà thơ dân gian Nghệ Tĩnh mang đậm tính chất thuần phác, hồn hậu, sắc thái địa phương rõ nét. Điều đó cũng nói lên vai trò của từ địa phương về phương diện phản ánh hiện thực.

 

  4.3.2. Vai trò của từ ngữ địa phương trong nghệ thuật biểu hiện nội dung của các sáng tác thơ dân gian Nghệ Tĩnh

  Trong công trình Ngôn ngữ và thi ca (Cao Xuân Hạo dịch), R. Jakobson, khi bàn về chức năng thi ca của ngôn ngữ, tác giả đã khái quát “Chức năng thi ca đem nguyên lí tương đương của trục tuyển lựa chiếu lên trục kết hợp. Tính tương đương được để lên hàng biện pháp cấu thành của mỗi chuỗi ngữ ngôn" [114, tr. 16]. Như vậy là từ ngữ đựơc sử dụng trong tác phẩm mang chức năng thi ca cũng tuân theo nguyên lí về hai kiểu sắp xếp cơ bản trong cách sử dụng ngôn ngữ: sự tuyển chọn (trục đối vị) và sự kết hợp (trục nối tiếp). Việc lựa chọn được thực hiện trên cơ sở của sự tương đồng hay sự khác nhau, tính đồng nghĩa hay tính trái nghĩa; còn việc kết hợp, tức là việc xây dựng nên chuỗi lời là căn cứ vào quan hệ kế cận (nối tiếp). Cũng trong nghiên cứu của mình, R. Jakobson còn bàn đến chức năng thi ca của ngôn ngữ trong một phạm vi đối tượng rộng hơn là văn vần nói chung. Tác giả khẳng định: “Trong thực tế văn vần vượt ra ngoài phạm vi của thơ ca nhưng đồng thời văn vần bao giờ cũng bao hàm chức năng thi ca" [114, tr. 18]. Khảo sát các sáng tác thơ dân gian Nghệ Tĩnh, tuy “tính chất thơ" của các tác phẩm có khác nhau, nếu như VNT và HGNT nặng về văn vần thì CDNT và HPV mang tính chất thơ rõ hơn, nhưng thực tế tác phẩm cho thấy trong VNT và HGNT từ ngữ địa phương cũng được lựa chọn và tổ chức không kém gì hai tác phẩm kia trong vai trò thể hiện nội dung tác phẩm. Từ ngữ địa phương có thể đựơc chọn lựa sắp theo những hình thức, trong những vai trò khác nhau tuỳ theo tình huống cụ thể nhưng tất cả đều là nhằm đạt đựơc giá trị, hiệu quả giao tiếp ngôn ngữ. Có thể thấy một số vai trò nổi bật của từ địa phương Nghệ Tĩnh trong nghệ thuật biểu hiện nội dung tác phẩm như sau:

 

4.3.2.1. Từ ngữ địa phương đựơc lựa chọn trong vai trò biểu đạt những sắc thái nghĩa tinh tế phù hợp

  Như ta đã thấy, trong chương 2, qua sự so sánh trên 6 kiểu loại từ về ngữ nghĩa, đối với các lớp từ địa phương và từ toàn dân có sự tương đồng về nghĩa, ta đã thấy bên cạnh mặt đồng nhất, giữa chúng thường phân biệt với nhau về những nghĩa, sắc thái nghĩa hay sắc thái biểu cảm nhất định. Sự phân biệt nghĩa giữa các từ như vậy, trước hết là do thói quen dùng từ tạo nên. Thói quen của người nói và người nghe địa phương là một nguyên nhân khiến cho chủ thể sáng tạo phải lựa chọn từ để nói được một cách tinh tế các trạng thái tâm hồn tình cảm con người theo cách cảm, cách hiểu chung của người xứ Nghệ. Cái hay của từ ngữ ở đây không phải là do sự gia công chế tác của người sáng tạo mà là là ở chỗ bắt được đúng mạch chảy quen thuộc để tạo nên được sự đồng điệu, rút ngắn khoảng cách trong giao tiếp giữa người nói và người nghe. Cho nên, cái hay, cái tinh tế của từ ngữ ở đây trước hết vì nó phù hợp với đối tượng tiếp nhận là nhân dân lao động địa phương. Ví dụ nhớp, trong phương ngữ Nghệ Tĩnh là tính từ, nghĩa tương đương như bẩn, nhưng nếu như bẩn có kết hợp hạn chế chỉ: "xấu đến mức đáng khinh" [157, tr. 46] thì nhớp ngoài có nghĩa tương ứng như vậy còn được dùng với nghĩa và kết hợp rộng hơn, có những sắc thái riêng, trong những tình huống giao tiếp cụ thể, bẩn không thay nhớp được. Chẳng hạn, thơ dân gian đã dùng nhớp để chỉ sự xấu xa nhục nhã về nhân cách, danh dự:

 - Hai ông không nghĩ

Mang tiếng ở đời

Không sợ nhớp sợ trơi

Không sợ đường trong quý khách

Không sợ đường ngoài quý khách

(HGNT)

Hay

- Bá vương chi đến bay mà

Làm cho hại nước mà ra nhớp đời

(VNT)

So với bẩn, nhớp có khả năng được dùng để tạo nên đơn vị phái sinh cao hơn nên khả năng biểu nghĩa của nhớp so với bẩn cũng được nhấn mạnh rất rõ. Cả hai cuốn: Từ điển tiếng Việt [157] và Từ điển từ láy tiếng Việt [91] đều không ghi từ láy nào đựơc tạo ra từ yếu tố cơ sở là bẩn, còn trong phương ngữ Nghệ Tĩnh, ngoài kiểu láy mang tính khẩu ngữ: bân bẩn, bẩn bẩn tương đương nghĩa với nhơm nhớp, nhớp nhớp, còn có từ láy: nhớp nhúa, nhớp nhoem đựơc dùng phổ biến mang sắc thái nghĩa khác nhớp. Trong ngôn ngữ toàn dân, từ bẩn thỉu có thể tương ứng về nghĩa với nhớp nhúa ở nghĩa khái quát, hàm y chê, nhưng giá trị hài âm của từ và ấn tượng về cái bẩn dính, ướt của từ nhớp nhúa gợi ra thì bẩn thỉu lại không có nên trong trường hợp thơ dân gian Nghệ Tĩnh dùng nhớp nhúa thì sắc thái nghĩa riêng của từ này đã được khai thác; như ở các ví dụ trong HGNT

   - Lau chùi rửa ráy

...

   Nhớp nhúa cũng như không

  Lòng thương con nên nỗi.

   - Cha nhìn mẹ cha thương

  Chịu cay đắng trăm đường

  Không quản chi nhớp nhúa.

  Khảo sát 71 từ láy được dùng trong thơ dân gian, chúng tôi chỉ thấy một số từ: lạo sạo (lạo xạo), ngẳng nghiu (khẳng khiu), quyến luyện (quyến luyến), lả lắt (lắt lay)...là từ láy biến âm, có nghĩa tương ứng gần như hoàn toàn với từ toàn dân có quan hệ về âm với chúng. Phần lớn các từ láy phương ngữ còn lại trong thơ dân gian đều được dùng lựa chọn để thể hiện sắc thái nghĩa riêng của chúng. Có thể so sánh thêm một số trường hợp trong số các từ loại này.

  Nếu như trong ngôn ngữ toàn dân vàng vọt là “có màu vàng nhợt nhạt, vẻ yếu ớt" [91, tr. 550] thì vàng vọ dùng trong HGNT còn gợi sắc thái về sự ốm yếu, già cả, vò võ lo âu:

Mẹ vàng vọ xanh xao

Gẫm như kẻ nhà giàu

Có cơm ăn thuốc bổ

Có sâm kỳ thuốc bổ.

  Từ róng rả dùng như trong các câu HGNT:

Nhà năm gian róng rả

Ai ai chộ cũng say

Trên hai cót nếp mây

Dưới khoanh đầy nếp chạo.

  Không chỉ có nghĩa chỉ diện tích lớn như từ rộng rãi mà còn có sắc thái nghĩa về sự bề thế, đẹp của sự vật được nói đến. Do vậy vai trò biểu nghĩa của róng rả khác với rộng rãi. Tương tự đọc mấy câu HPV:

- Nhà anh thồng lộng bốn bề

Đêm thì đi hát tối về ăn chi?

Thoạt nghĩ, thồng lộng tương ứng về nghĩa với thông thống trong ngôn ngữ toàn dân, nhưng theo cách dùng, cách cảm của người Nghệ Tĩnh thì hai từ này chỉ tương đồng ở nét nghĩa “trống trải" của không gian bên trong của sự vật mà thôi. Mỗi từ có một sắc thái riêng, thông thống gợi ra “trống trải không có gì ngăn che", gợi ra cái nhìn “thông từ phía trước ra phía sau" [91, tr. 514] còn từ thồng lộng lại gợi ra sự trống rộng, không có vật gì bên trong. Vì thế nội dung câu hát là muốn nói đến cảnh nghèo của chàng trai đang hát đối đáp.

  Từ dấp dới dùng trong câu sau cũng rất gợi hình:

 Trăng lên dấp dới tới sao

  Biển sông sâu là nghĩa sánh với núi non cao là tình

 (HPV)

  Giá trị của từ dấp dới là ở chỗ âm thanh của từ gợi lên hình ảnh của trăng ở đây rất sống động, trăng không những lên cao cận kề mà còn gợi nên sự lung linh chuyển động của trăng bên cạnh các vì sao. Cùng với biển sâu, núi cao, hình ảnh trăng sao tạo ra cái đẹp về một không gian khoáng đãng làm nền cho sự liên tưởng so sánh nhấn mạnh cái nghĩa tình lớn lao sâu đậm. Với giá trị biểu đạt nghĩa như vậy thật khó tìm được một từ láy trong ngôn ngữ toàn dân thay thế cho dấp dới.

   Tương tự, nếu từ phấp phới có nghĩa chỉ: “(vật) hình tấm mỏng, nhẹ đang tự phất bay lên trong gió một cách nhẹ nhàng, vui mắt" [91, tr. 438], có thể nói: lá cờ phấp phới bay, cánh buồm phấp phới ra khơi, thì xấp xới trong thơ dân gian Nghệ Tĩnh lại gợi ra dáng sự vật nhỏ bé, mong manh, chuyển động lên xuống dập dờn như con thuyền qua các lớp lớp con sóng. Với cách dùng quen thuộc của người Nghệ Tĩnh, nghĩa của xấp xới gợi ra hình ảnh dáng vẻ chấp chới vội vàng không chắc chắn của sự vật:

 Nốc chèo ra xấp xới

Kẻ chở lúa chở khoai

Kẻ chở lợn chở ngài

Người chở tiền chở bạc.

(HGNT)

  Đọc các câu HPV:

 Thiếp thương chàng chớ cho ai biết

 Chàng thương thiếp chớ để ai hay,

 Thế gian nhiều kẻ thày lay

 Cực chàng chín rưỡi, thiếp nay mười phần.

  Và mấy dòng HGNT:

 Kể vài chuyện cho bay

 Kẻo mang tiếng thày lay

 Rồi kẻ thù người oán.

ta cũng có thể thấy từ mách lẻo không hoàn toàn tương ứng về nghĩa với thày lay, bởi vì thày lay ngoài nghĩa “nói cho người này biết chuyện riêng của người khác, một cách không cần thiết, không hay" như mách lẻo [157, tr. 584] còn có thêm sắc thái nghĩa về sự dèm pha, dè bỉu đàm tiếu trong đó.

  Hàng loạt từ khác như chờm chợ (Trăm con ong chờm chợ), trập triềng (mắt lúng liếng trập triềng), phì phụt (hơi trâu thở phì phụt), nghề ngà (Quan vô đền rượu nghề ngà), phật phì (Đổ vào ruộng tốt phật phì), thì thình (Chân ông bước thì thình), lệt đệt (Chân thì đi lệt đệt), quằn quằn (Dạ cứ đau quằn quằn), rắc rắc (Ra bình Tây rắc rắc), vày vạy (Cứ vày vạy ra chê), cai nhai (Sống cai nhai rứa mãi), xàng ràng (Con xàng ràng chưa vững). v.v. Ngoài giá trị tạo ra sự hài hoà âm thanh cho câu thơ, các từ láy này đều có vai trò trong việc thể hiện nghĩa với giá trị vừa gợi hình vừa gợi cảm mang những sắc thái nghĩa riêng khác các từ láy tương ứng trong ngôn ngữ toàn dân, cũng vì thế sắc thái địa phương được thể hiện trong các từ đó đậm nét.

 

4.3.2.2. Từ ngữ địa phương được sử dụng ở những vị trí thích hợp để tạo nên giá trị về nội dung và nghệ thuật cho thơ dân gian

  Khi khảo sát từ ngữ trong thơ, tuỳ theo mục đích tìm hiểu mà từ ngữ được nhìn nhận như phương tiện, công cụ trong những quan hệ khác nhau của mô hình hay kết cấu của từng thể loại thơ. ở đây, chúng tôi giới hạn vấn đề chỉ điểm vài nét trên một vài phương diện mà từ ngữ phương ngữ được tổ chức cùng từ ngữ toàn dân tạo nên hiệu quả giao tiếp đối với thơ ca dân gian Nghệ Tĩnh. Như vậy từ ngữ được xét ở đây không chỉ là ở giá trị quy chiếu, giá trị nhận thức về hiện thực do nội dung ngữ nghĩa có sẵn trong từ ngữ chỉ ra mà còn là những rung động, những cảm xúc, cả những ý nghĩa ngoài từ do sự tổ chức lời nói - hay là do “ngữ pháp thơ" đem lại. Chính R. Jakobson, khi bàn về Thơ của ngữ pháp và ngữ pháp của thơ cũng đã nhìn nhận từ ngữ trong thơ ở bình diện “ngôn liệu" và “quan hệ", tác giả đã nhấn mạnh tới vai trò quan hệ - sắp xếp. Ông viết: “Chắc chắn rằng có tồn tại một lĩnh vực của các hoạt động lời nói mà trong đó “những nguyên tắc của trò chơi vốn đảm nhận chức năng sắp xếp" (Sapir) có được ý nghĩa lớn nhất" [115, tr. 68].

  Một trong những vai trò của từ ngữ địa phương trong thơ dân gian Nghệ Tĩnh là tham gia hiệp vần, ngắt nhịp. Trong thơ ca nói chung, các nhà nghiên cứu thường xem nhịp là cột sống của thơ và vần có “những chức năng nhất định như liên kết các dòng thơ, gợi tả, nhấn mạnh sự ngừng nhịp" [45, tr. 12]. Vần và nhịp gắn bó với nhau một cách chặt chẽ, vừa để hoà âm vừa đóng vai trò tổ chức. Đối với các sáng tác mang tính trực tiếp như thơ dân gian, vần và nhịp lại càng quan trọng hơn, nó như là điểm ngừng nghỉ để suy nghĩ lời tiếp theo và cũng là điểm nhấn để người nghe chú ý, nhất là trong các thể loại dài như vè và hát giặm. Vì thế, cái “khuôn" của các thể loại này quy định việc sử dụng các yếu tố ngôn ngữ rất rõ. Chẳng hạn, với “hát giặm", thông thường mỗi khổ có 5 câu, trong đó câu mở đầu có vần trắc, hai câu tiếp theo gieo vần bằng, câu thứ tư gieo vần trắc và câu cuối láy lại câu 4 về vần và cao độ. Nhịp của “hát giặm” là 3/2 hoặc 1/2/2 (do khi đọc người ta thường nhấn mạnh yếu tố đầu). Đặc biệt, do bắt buộc câu 5 phải láy lại câu 4, cho nên để tránh lặp, nghe đỡ nhàm chán, người ta thường cố gắng thay đổi một vài âm tiết trong câu 5 này. Trong những trường hợp cần thiết như vậy, vai trò của từ địa phương thường được khai thác khá triệt để, bằng cách dùng song hành thành cặp đồng nghĩa hô ứng giữa yếu tố phương ngữ với từ toàn dân giữa hai dòng thơ. Do vậy không những tránh được lặp từ giữa các dòng mà việc dùng các cặp từ đồng nghĩa giữa yếu tố địa phương và toàn dân như thế, cùng với phương thức điệp cú pháp hai dòng cuối khổ đã làm cho nghĩa của nó như được bổ sung khái quát hơn có tác dụng nhấn mạnh hơn nội dung cốt lõi của mỗi đoạn. Ví dụ:

 Không ra thì cức (tức)

 Nói ra cụng (cũng) chạnh lòng

 ở sáu tháng cho xong

 Trăm điều chi / nhịn hết

 Vạn điều gì / nhịn hết.

  Đoạn hát giặm sau cũng có cách ngắt nhịp tương tự:

 Công tác ngài cần cấp

 Bụng thì đói ra ri

 Nghị (nghĩ) nỏ biết ăn chi

 Cứ nói râm/ (bậy) nói dại

 Cứ nói mường/ nói dại.

Cách gieo vần trong thơ dân gian Nghệ Tĩnh rất biến hoá và đa dạng. Đặc điểm đó được thể hiện trước hết ở việc lựa chọn phối hợp các loại từ ngữ, là toàn dân hay địa phương. Các từ gieo vần với nhau có thể đều là từ địa phương nhưng cũng có thể là sự lựa chọn giữa một từ địa phương với một từ toàn dân. Điều này cũng nói lên ý nghĩa mục đích của việc chọn từ để gieo vần không chỉ vì sự hài hòa âm thanh và liên kết dòng thơ mà còn để thể hiện nội dung ngữ nghĩa của bài thơ. Thơ dân gian Nghệ Tĩnh là những sáng tác có tính chất địa phương, là lời ăn tiếng nói quen thuộc của người dân ở một vùng quê. Tuy thế, cũng như ngôn ngữ giao tiếp thường ngày, từ ngữ được sử dụng trong thơ dân gian Nghệ Tĩnh chủ yếu vẫn là từ toàn dân, nhưng nếu xét các yếu tố gieo vần thì phổ biến lại là cách lựa chọn giữa từ địa phương với từ toàn dân. Đó có lẽ là cách chọn lựa tối ưu bởi không có khoảng tự do nào lớn hơn, rộng đường hơn cho người sáng tác, từ ngữ không bị giới hạn trong một hệ thống nào cả. Đối với thơ dân gian địa phương, sự kết hợp từ theo cách gieo vần như vậy làm cho lời của thơ ca tao nhã hài hoà hơn, vừa giữ được cái chân chất mộc mạc quen thuộc của lời quê vừa bay bổng thanh thoát gợi cảm của từ ngữ thơ ca. Trong thơ dân gian Nghệ Tĩnh, chúng ta gặp nhiều trường hợp gieo vần giữa từ địa phương với từ toàn dân, như câu ca dao sau:

   - Thương anh biết tính mần răng

 Lấy biển hồ làm mực, lấy gió trăng làm chừng.

  Nhờ dùng kết hợp trong cách gieo vần như vậy mà yếu tố địa phương ở đây (mần răng) đã làm cho hình ảnh biển hồ, gió trăng và cách nói khoa trương ở dòng hai rất thi vị, lãng mạn nhưng gần gũi, không viển vông.

  ở câu ca dao sau đây cũng vậy:

 - Giường lèo mà trải chiếu mây

Những người hai vợ như gây (gai) quào (cào) mình.

Có khi các yếu tố gieo vần với nhau trong các dòng thơ lại đều là các từ phương ngữ, chẳng hạn như câu ca dao sau đây:

 Chiều chiều ra đứng mà ngong (nhìn)

 Cuốc cùn chộng (giỏ) rách đang dong ngược đồng.

  Ngoài vai trò tạo ra sự hài hoà về âm thanh và sự liên kết giữa hai dòng thơ, cách hiệp vần thơ còn đem đến những hiệu quả về ngữ nghĩa. Do vậy chọn lựa yếu tố nào để hiệp vần, ưu tiên trước hết phải là yếu tố có thể biểu hiện được ý nghĩa, cảm xúc tinh tế nhất của chủ thể sáng tạo. Trong phương ngữ Nghệ Tĩnh, dong là đi như chạy, dáng vẻ vội vàng, tìm kiếm khắp nơi trên một không gian rộng. Vì thế, đặt trong trường liên tưởng ngữ nghĩa và kết hợp ngữ pháp với các từ cùn, rách, nghĩa của từ dong ở đây gợi lên hình ảnh của một người nông dân vất vả, chạy ngược chạy xuôi, dáng vẻ tất bật đi tìm cái ăn trong sự trông đợi của người nhà.

Tính đa dạng linh hoạt và biến hoá của cách thức gieo vần trong thơ dân gian Nghệ Tĩnh còn được thể hiện ở sự kết hợp khéo léo hiệu quả giữa vần và nhịp, nên trong một đoạn có thể có nhiều loại vần và vần nằm ở những vị trí ngắt nhịp khác nhau như ở đoạn vè sau:

Ló tốt như mây

Ló sây như hèo (cây họ mây)

Một lát ngoèo (ngoéo, ngoặc)

Ba lát cắt

Một người gắt (gặt)

Chín người sương (gánh)

  Đoạn vè chỉ có 6 dòng nhưng đã dùng tới 5 từ địa phương, trong đó 4 từ đóng vai trò vừa hiệp vần, liên kết các dòng thơ vừa là yếu tố đứng ở vị trí ngắt nhịp, từ thứ 5 vừa hiệp vần vừa đóng vai trò kết thúc đoạn. Từ địa phương được dùng ở những vị trí quan trọng như thế làm cho đoạn thơ rất gợi tả, nhịp điệu khoẻ khoắn, hình ảnh về một vụ lúa bội thu được khắc hoạ rõ nét, đẹp đẽ.

  Từ địa phương được dùng với mục đích vừa để hiệp vần vừa để láy lại nhấn mạnh ý nghĩa và nó được sắp xếp đứng ở vị trí cuối để kết thúc dòng thơ một cách bất ngờ tạo nên ấn tượng mạnh mẽ như câu ca dao sau đây thì thật độc đáo:

   Đường vô xứ Nghệ quanh quanh

Non xanh nước biếc như tranh hoạ đồ

   Ai vô xứ Nghệ thì vô.

  Nhiều khi từ được dùng lựa chọn trong sự kết hợp chặt chẽ với các yếu tố ngữ âm, như thanh điệu, độ mở của vần và độ dài ngắn của nhịp điệu dòng thơ đã tạo nên một âm hưởng đặc biệt, có sức biểu nghĩa rất cao:

  Đôi ta thương chắc

  Chú bác trục trặc

  Cha mẹ không "ì"

  Giống như tru không chạc mụi (mũi), biết tắc rì đường mô

(CDNT)

Tương tự, cũng với cách lựa chọn các yếu tố ngữ âm như trên trong vai trò gieo vần ngắt nhịp không chỉ tạo ra âm hưởng nhanh mạnh dứt khoát mà còn có tác dụng thể hiện thái độ thẳng thắn rõ ràng của người nói:

 Có thương / thì thương / cho chắc

 Bằng có trục trặc / thì trục trặc / cho luôn

 Đừng như con thỏ /đứng đầu truông

 Khi vui giỡn bóng / khi buồn bỏ đi

(HPV)

Hay như:

 Xa chi / xa oan / xa ức / xa tức / xa tối

 Xa chi / không sợ tội /với ông trời

 Chẳng thà không biết / thì thôi

 Biết ra mỗi đưá một nơi thêm buồn

(HPV)

  Nhờ cách tổ chức ngôn ngữ thơ một cách nghệ thuật theo hình thức phối hợp dùng nhiều yếu tố ngữ âm có giá trị khác nhau đối với các âm tiết gieo vần ngắt nhịp như mấy câu ca dao trên (thanh trắc: chắc, trặc, mũi, tắc; kết thúc âm tiết bằng phụ âm tắc điếc: chắc, trắc, tắc, hoặc nguyên âm hẹp: ì, mụi, rì) nên nội dung ý nghĩa của lời được hình thức của ngôn ngữ chuyển tải thể hiện thành công. Người nghe có thể hình dung được một cuộc tình duyên trắc trở, đau khổ, không lối thoát. Vai trò và nghệ thuật tổ chức từ ngữ ở bài ca dao sau đây cũng tương tự như vậy:

 Vợ anh / anh lấy / đã lâu

Đố ai / lắm ruộng / nhiều trâu / vô dành

 Đố ai / lấy được vợ anh

Thì / anh cho một cẳng (chân)

Chân đi lủng lẳng / như cẳng / đánh cù

 Đã thù / thì anh cho thù nốt

Nhà / thì anh đốt, /khói bay lên trời.

Đoạn ca dao trên đã dùng phối hợp, khai thác vai trò, giá trị nghệ thuật của chất liệu ngôn ngữ từ nhiều cấp độ. Một loạt động từ mang sắc thái biểu cảm (đố, dành, cho, thù, đốt), các kết hợp từ mang tính khẩu ngữ, những cấu trúc mang tính khẳng định được điệp lại (đố ai..., thì anh cho...), từ ngữ và cách ví gợi hình (lủng lẳng, như cẳng đánh cù), các âm tiết mang thanh trắc tham gia gieo vần ở những vị trí ngắt nhịp chẵn / lẻ khác nhau (cẳng, lủng lẳng, cẳng, nốt, đốt)..., tất cả như một bức vẽ có đường nét chấm phá gân guốc, có sắc màu đậm nhạt với những điểm nhấn cùng một gam màu chủ, tuy mộc mạc thô ráp nhưng đã gợi lên thật ấn tượng trước mắt người nghe hình ảnh về một người đàn ông tính cách mạnh mẽ, khẩu khí ngang tàng, thái độ dứt khoát, quyết tâm bảo vệ vợ, bảo vệ gia đình của mình. Tương tự, mấy câu ca dao sau đây cũng cho thấy tác giả dân gian xứ Nghệ đã rất khéo léo trong việc khai thác rất hiệu quả nhiều phương tiện ngôn ngữ, từ các yếu tố ngữ âm tham gia gieo vần ngắt nhịp tạo nên nhạc điệu rắn rỏi dứt khoát của thơ đến phép dùng so sánh tu từ trùng phức nhằm tập trung làm nổi bật một hình ảnh được so sánh:

Anh nói với em / như rìu / chém đá

 Như rạ / chém đất, /như mật / rót vô tai

 Bây giờ / em đã nghe ai

 áo em mặc ngắn, / cổi áo dài /anh mang

 (CDNT)

 Qua một vài ví dụ như trên ta cũng thấy rõ "vần thơ bao giờ cũng bao hàm một cách tất yếu một mối liên hệ nghĩa giữa các đơn vị hiệp vần với nhau" {114, tr. 31}. Nhờ được chọn lựa, tổ chức khá đa dạng các yếu tố hiệp vần, sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố gieo vần với các phương tiện ngôn ngữ khác, trong đó có vai trò của các yếu tố phương ngữ nên từ ngữ địa phương đã góp phần tạo nên giá trị nghệ thuật, khả năng biểu đạt nội dung phong phú và sắc thái văn hoá riêng cho thơ dân gian Nghệ Tĩnh.

 Từ địa phương còn được chọn lựa dùng trong các cấu trúc sóng đôi, góp phần làm cho hình thức câu thơ vừa nhịp nhàng, cân đối, chặt chẽ, nội dung của thơ vừa khái quát tinh tế. Nhờ biện pháp này mà nhiều câu thơ trong các sáng tác dân gian Nghệ Tĩnh có sức nặng đặc biệt về ngữ nghĩa, mang sắc thái riêng. Cấu trúc đối hay sóng đôi, trùng điệp, điệp ngữ, hay song hành, tuy gọi khác nhau nhưng loại cấu trúc này đặc biệt phổ biến trong thơ dân gian và cổ điển, rất nổi bật trong Truyện Kiều. Đó là một hình thức tu từ có đặc điểm một cấu trúc được lặp lại kế tiếp nhau với dụng ý nhấn mạnh hoặc gây ấn tượng cho người nghe. Nét riêng ở thơ ca dân gian Nghệ Tĩnh là ở chỗ các thể loại sáng tác ngoài hình thức điệp quen thuộc như trong thơ ca nói chung, cấu trúc điệp này có tính chất như bắt buộc, cố địnhđối với HGNT. Đối với HGNT, hai dòng cuối khổ lặp lại cấu trúc và gần như toàn bộ các từ; người ta chỉ thay một hoặc một vài từ ở dòng trên bằng một hoặc một vài từ khác đồng nghĩa với chúng ở dòng điệp lại, trong đó một trong các từ ở giữa hai dòng đối nhau ấy thường có một từ là từ địa phương. Việc thay thế từ đồng nghĩa như vậy không chỉ là ở việc dùng từ địa phương như một biện pháp tránh trùng lặp mà còn để tăng thêm sức khái quát cho lời thơ. Từ địa phương được đặt trong thế lựa chọn cùng loạt với các từ đồng nghĩa toàn dân, đó cũng là một ưu thế của các sáng tác dân gian địa phương, chủ thể sáng tạo được tự do sử dụng vốn từ rộng rãi nhất nhưng không hề ảnh hưởng đến giao tiếp. Loạt câu sử dụng hình thức đối (giữa các câu, giữa các vế trong câu) trong thơ ca dân gian Nghệ Tĩnh phải chăng vì thế mà phong phú?

Chẳng hạn, ở HGNT, theo sự khảo sát của chúng tôi, dường như khổ thơ nào của các bài hát giặm cũng đều sử dụng hình thức sóng đôi mà trong rất nhiều câu, từ địa phương đồng nghĩa hoặc trái nghĩa được dùng trong thế đối vừa tránh lặp vừa có tác dụng khái quát nghĩa. Hơn nữa, các cặp từ đó lại còn có thể được dùng theo cách phối hợp chặt chẽ với từ ngữ toàn dân khác mà các từ toàn dân này cũng đối nhau giữa hai dòng theo quan hệ đồng nghĩa, gần nghĩa hay trái nghĩa vì thế nội dung của câu càng được nhấn mạnh và khái quát hơn. Ví dụ, kiểu dùng theo quan hệ sóng đôi giữa một từ địa phương với một từ toàn dân như trường hợp nỏ (không) đi sóng đôi với không trong các dòng sau:

 - Không bằng đây vô đó

Nỏ bằng đây vô đó

 - Nhà hết ló hết khoai

 Không bằng mô dở nữa

 Nỏ bằng mô dở nữa

Như đã nói, có khi trong cấu trúc sóng đôi, tác giả dân gian dùng phối hợp nhiều cặp từ đồng nghĩa, gần nghĩa hay trái nghĩa với nhau làm cho nội dung ngữ nghĩa của cả câu được bổ sung nhấn mạnh hơn. Chẳng hạn, cách dùng phối hợp tạo thành các cặp đối: không / nỏ; mạnh / bạo; gạo / tiền như hai dòng sau đây:

 - Không chi mạnh bằng gạo

Nỏ chi bạo bằng tiền

Cách dùng phối hợp giữa từ địa phương với từ toàn dân, giữa từ địa phương với từ địa phương hoặc giữa các từ toàn dân với nhau tạo thành từng cặp đối sóng đôi, trong sự phối hợp như vậy, vị trí của từ địa phương được dùng trong cấu trúc đối rất linh hoạt. Từ địa phương và từ toàn dân đối nhau có thể ở vị trí đầu các dòng:

- Mắc đường kia nỗi nọ

Bận đường này nỗi nọ

 - Kêu dì hai đổ tượng (phân)

 Gọi dì hai đổ tượng

Cặp từ địa phương và toàn dân đối nhau có thể ở vị trí giữa các dòng:

 - Đừng trăn triu (so bì) không khá

Đừng hà tiện không nên

 - Bầy tui cức (tức) cái phận

Bầy tui giận cái duyên.

Cặp từ đối nhau có thể đều là từ địa phương và chúng đứng ở cuối các dòng:

- Đền Cao Sơn rờ rỡ

Đền Bản Thổ nguy nguy (cao lộng lẫy)

 - Chồng gạo lòn bên nớ (ấy)

 Chồng gạo nếp bên ni (này)

Cặp từ địa phương và toàn dân đối nhau có thể vừa đứng ở đầu vừa đứng ở cuối các dòng:

 - Nhìn cái mặt cũng sọi (đẹp, giỏi)

 Nom (nhìn) tay đánh cũng đều

 - Rú thì rậm rì rì

 Núi thì cao cồi cội (vòi vọi).

 Tính chất phong phú, đa dạng và linh hoạt của hình thức đối, sóng đôi giữa từ địa phương đồng nghĩa với từ toàn dân hoặc giữa từ địa phương với từ địa phương còn được thể hiện trong một cách tổ chức khác. Đó là sử dụng hình thức đối trong một dòng; các cặp từ đối nhau giữa các vế tạo thành quan hệ sóng đôi không những tạo nên âm hưởng cân đối hài hoà cho câu thơ mà nghĩa cũng được nhấn mạnh khái quát hơn. Hình thức này cũng rất phổ biến trong thơ dân gian Nghệ Tĩnh. Trước hết chúng ta gặp kiểu chia tách các yếu tố trong từ tạo ra kết hợp mới với hình thức sóng đôi như những ví dụ sau là rất nhiều:

- Bấy lâu anh mắc công chi

Để em nhắn gửi thư đi / từ về

Bấy lâu anh mắc chi nhà

Để em thương bảy / nhớ ba là mười

- Xe vô / rồi lại / xe ra

xe quấn / xe quýt /xe ra / xe vào

Lòng em nghĩ ngợi thế nào

Nước sa không nhẽ cắm sào đợi ai

(HPV)

Hình thức mà chúng ta gặp nhiều hơn cả trong thơ dân gian Nghệ Tĩnh là dạng chia tách các yếu tố trong từ hoặc dùng các từ, trong đó một yếu tố thuộc ngôn ngữ toàn dân, một yếu tố thuộc phương ngữ trong cấu trúc sóng đôi :

- Quân ông chơi bờ / nhởi bẩn.

 - Hát lên ta nhởi / ta chơi

Nào ai hát được thưởng cho cơi trầu này.

- Chàng ra đi: chân dùng (chùng) / chân dắng

 Thiếp ở lại: mắt ngó / mắt trông

 Có thể lấy thêm ví dụ về trường hợp dùng các cặp từ đối theo hình thức kết hợp song song hai từ đồng nghĩa trong một dòng thơ mà trong đó một từ là từ địa phương vừa tạo cảm giác không lặp vừa dường như làm cho nội dung của câu thơ có sức bao quát hơn. Chẳng hạn, qua cách dùng thành cặp sóng đôi đối với từ ngái và xa trong các ví dụ sau đây chúng ta có thể thấy rằng biện pháp tổ chức từ ngữ này đã được tác giả dân gian rất chú ý:

- Đến đây đất nước lạ lùng

Xa cha / ngái mẹ biết cậy cùng với ai

(CDNT)

 - Đến đây xa quán xa lân.

 Xa cha / ngái mẹ gửi thân cho chàng.

(CDNT)

 - Xa lắm anh ơi / ngái lắm anh ơi,

Muốn gần ta trổ (mở) ngọ (ngõ) đôi cho gần.

(HPV)

 Như vậy, cách dùng từ địa phương đồng nghĩa trong các cấu trúc sóng đôi với các hình thức tổ chức khác nhau như thế là một đặc điểm về cách sử dụng từ ngữ địa phương trong các sáng tác thơ dân gian Nghệ Tĩnh. Đó là một biểu hiện mang tính lựa chọn về nghệ thuật sử dụng từ ngữ tạo nên một nét sắc thái phong cách của thơ ca dân gian Nghệ Tĩnh. Về hiệu quả, cách sử dụng từ ngữ như vậy không chỉ có giá trị tránh lặp, tạo nên sự hài hòa duyên dáng và tăng tính liên kết chặt chẽ về hình thức của câu thơ mà nội dung ý nghĩa cũng có sức bao quát, khái quát hơn, nghĩa được nhấn mạnh tăng cường hơn.

 Một cách khác trong các biện pháp tổ chức lời nói trong thơ dân gian Nghệ Tĩnh cũng đã được khai thác là lựa chọn từ ngữ địa phương để chơi chữ. Chơi chữ là một biện pháp tu từ lời nói được thể hiện bằng cách sử dụng những phương tiện ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp dưới nhiều hình thức đa dạng như dùng yếu tố đồng âm, đồng nghĩa, văn tự, các từ ngữ cùng trường, các hình thức nói lái,... trong những văn cảnh thích hợp để tạo ra cách hiểu bất ngờ thú vị. Chơi chữ là một trong những đặc điểm của thơ ca truyền thống. Thơ dân gian Nghệ Tĩnh cũng sử dụng biện pháp chơi chữ như thơ ca truyền thống nhưng nét riêng ở đây là các sáng tác thơ dân gian xứ Nghệ, bên cạnh việc dùng các từ toàn dân trong hình thức chơi chữ, tác giả dân gian còn sử dụng từ địa phương, lời ăn tiếng nói quen thuộc của mình vào hình thức chơi chữ với một số lượng từ ngữ phong phú, đó như là một lựa chọn, một tín hiệu cũng tạo nên nét sắc thái riêng trong dấu ấn chung về phong cách thơ dân gian Nghệ Tĩnh.

 Ngày trước, những người Nghệ học chữ Nho được người các nơi gọi là “ông đồ Nghệ”, ngoài nghĩa chỉ một số nét tính cách của người Nghệ, cách gọi đó còn nói lên rằng người Nghệ được tiếng là hay chữ nghĩa. Hay chữ nghĩa không chỉ là giỏi giang biết nhiều mà còn là biết cái gì cũng biết đến chân tơ kẽ tóc góc rễ của nó. Vì thế, như một nét tính cách, người Nghệ thường tỷ mỉ cụ thể đối với công việc mình làm nhưng cũng hay bắt bẻ vặn vẹo người khác, luôn để ý đến chữ nghĩa, không chỉ trên sách vở mà cả trong đời sống thường ngày, tạo thành một thói quen ứng xử sử dụng ngôn ngữ rất phổ biến của người Nghệ nói chung. Một trong những nét nổi bật về biểu hiện của đặc điểm hay chữ nghĩa, không chỉ với các ông đồ mà cả với người bình dân khắp mọi vùng đó là chơi chữ. Đặc điểm ấy cũng được thể hiện rõ trong các sáng tác mang tính truyền miệng của người lao động, đó là thơ dân gian Nghệ Tĩnh. Chỉ nói về phương tiện từ ngữ được sử dụng, kiểu chơi chữ trong thơ dân gian Nghệ Tĩnh cũng rất phong phú, đa dạng. Tuy là các sáng tác mang tính địa phương nhưng thơ dân gian xứ Nghệ cũng giống thơ dân gian các vùng khác, từ ngữ được sử dụng chủ yếu là từ toàn dân nên trong các sáng tác dân gian của mình, người Nghệ cũng có hình thức chơi chữ bằng từ toàn dân. Một trong những cách chơi chữ mà ta gặp khá nhiều trong các tác phẩm thơ dân gian Nghệ Tĩnh là lối đố chữ theo cách chiết tự chữ Hán:

- Đấm một đấm hai tay ôm quàng

Thuyền chèo lên núi, thiếp hỏi chàng chữ chi ?

- Lại đây anh hỏi nhỏ nì

ấy là chữ “mật”một khi rõ ràng

(HPV)

Chữ  (mật) trong tiếng Hán được cấu tạo từ ba chữ: (miên),  (tất),  (sơn), ở đây, cô gái đã dựa vào các bộ, hình dáng và ý nghĩa của chúng mà tạo thành câu đố. Nhiều khi tác giả dân gian còn dựa vào cả những tri thức liên quan đến nội dung tác phẩm văn học nổi tiếng Truyện Kiều để tạo ra tình huống đố chữ Hán. Người đáp có thể thông thạo chữ Hán nhưng nếu không am hiểu Truyện Kiều thì rất khó giải được câu đố. Trường hợp sau đây trong HPV là một dạng rất phổ biến trong cách đố chữ của người Nghệ:

Truyện Kiều anh giảng đã tài

 Đố anh giảng được câu này anh ơi:

Biết thân đến bước lạc loài

 Nhị đào thà bẻ cho người tình chung.

Chàng trai đáp lại:

Tình chung nào phải ai xa

 Chính chàng Kim Trọng vào ra sớm chiều

 Nếu như câu đố cho thấy cô gái là người vừa giỏi chữ Hán vừa thông hiểu Truyện Kiều thì cách trả lời của chàng trai cũng tỏ rõ anh là người không hề thua kém khi đã rất nhanh ý đáp ngay rằng đó là Kim Trọng. Bởi chữ(chung) là do chữ  (kim) và chữ  (trọng) hợp thành. Hình thức đố chữ của tác giả dân gian xứ Nghệ khá linh hoạt và đa dạng. Có khi tác giả dân gian vận dụng cả hai cách chơi chữ, vừa chiết tự vừa ngụ ý:

Cố nhân hỏi khách hồng lâu

 Chữ thiên nay đã trồi (nhô) đầu hay chưa

Chữ  (thiên) nghĩa là “trời”, nếu nét “phẩy” viết nhô cao trên nét “ngang” thì thành chữ  (phu)nghĩa là “chồng”. Chàng trai muốn qua hình thức đố chữ mà ngầm hỏi một điều tế nhị khó nói trực tiếp là: “em có chồng chưa?”.

Thông minh, tế nhị nhưng cũng rất thẳng thắn và hãnh diện, cô gái đã trả lời:

Hồng lâu thưa khách chương đài

 Chữ thiên sổ dọc đá dài phân minh

Một chỗ khác, cũng là lối dựa vào cấu tạo chữ Hán để đối - đáp ngụ ý:

- Bấy lâu em vắng đi đâu

 Bây giờ thiên đã mọc đầu ra chưa?

- Từ ngày thiếp vắng mặt chàng

 Bây giờ liễu đã có ngang ra rồi

 (HPV)

Lời của chàng trai ngụ ý cũng là để hỏi “em đã có chồng chưa”, tương tự như câu trên. Cô gái trả lời “liễu đã có ngang” cũng là muốn nói “em đã có con”, bởi chữ (liễu) trong tiếng Hán có nghĩa là “xong, kết thúc”, nếu thêm nét ngang thì thành chữ (tử) có nghĩa là “con”.

Lối chơi chữ bằng hình thức đố chữ Hán kết hợp với ngụ ý không chỉ được dùng phổ biến trong hát đối đáp nam nữ mà có khi còn trở thành phương tiện được dùng cả trong tuyên truyền cách mạng:

Trăng xưa dọi tỏ lòng người

 Treo gương nhật nguyệt cho đời soi chung

(CDNT)

Đọc câu ca dao, qua chữ nghĩa trên bề mặt văn bản, nghe chừng chỉ là lời bày tỏ về sự thuỷ chung trong sáng của lòng người nhưng ngẫm kỹ mới thấy ẩn đằng sau đó là là lời nhắn nhủ thuỷ chung, một lòng sắt son với Bác Hồ, với cách mạng. “Trăng xưa” là nói tới chữ “cổ nguyệt”, cổ () ghép với nguyệt () tạo thành chữ Hồ (); “lòng người” là ngầm nói tới chữ “sỹ” và“tâm”, sỹ () ghép với chữ tâm () thành chữ Chí (), còn chữ nhật () ghép với chữ nguyệt () tạo thành chữ Minh (). Ba chữ mà câu ca dao muốn nói tới là Hồ Chí Minh. Thông qua phương tiện chơi chữ, tác giả dân gian vừa ca ngợi tấm gương vĩ đại của Người vừa nhắn nhủ mọi người một lòng đi theo cách mạng, đi theo Bác Hồ.

Cũng hình thức chơi chữ khai thác cấu tạo và nghĩa chữ Hán như trên, tác giả dân gian Nghệ Tĩnh còn có một cách thức khác là sử dụng các cặp từ ngữ giữa Hán Việt với thuần Việt sao cho phải đồng nghĩa, sóng đôi nhau trong một dòng thơ, ở câu đố cũng như câu đáp, nội dung ngữ nghĩa của câu trên bề mặt phải phù hợp mang tính lôgíc:

- Mẹ thương con qua cầu ái Tử

Gái trông chồng đứng núi Vọng Phu

Chàng mà đối được thiếp làm du (dâu) mẹ thầy

- Lúa ba trăng cấy hồ bán nguyệt

Con hươu sao ăn lá hoàng tinh

Anh đà đối được em thuận tình em nha (nhé)

(HPV)

 Ta bắt gặp kiểu chơi chữ này rất nhiều trong thơ dân gian Nghệ Tĩnh, nhất là trong thể loại HPV:

 - Con kiến đất leo cây thục địa

Con ngựa trời ăn cỏ chỉ thiên

Chàng mà đối được gái thuyền quyên theo về

 - Con rắn mà lăn qua xà

Con gà mà mổ bông kê

Chàng đà đối được thiếp phải về hôm nay.

(HPV)

 - Cây tam thất trồng ba bảy chậu

Pháo cửu trùng đốt chín nghìn phong

Chàng mà đối được thiếp theo không chàng về

 - Núi Ngũ Hổ vẫy vùng năm khái

Gió bốn mùa đúc lại tứ phương

Anh đà đối được thì lường tính sao ?

(HPV)

Hình thức đố chữ, đố nghĩa là một kiểu chơi chữ được dùng rất phổ biến trong hát đối đáp nam - nữ trong HPV. Ngoài cách thức sử dụng phổ biến từ ngữ toàn dân như trên, tác giả dân gian xứ Nghệ còn linh hoạt sử dụng phối hợp hai loại từ ngữ toàn dân và địa phương, hoặc có thể chỉ dùng một loại phương tiện quen thuộc là từ địa phương trong những ngữ cảnh nhất định để khai thác chúng vào mục đích chơi chữ. Chẳng hạn, trong hình thức hỏi đố ở câu HPV sau đây, tác giả dân gian đã dựa vào cấu tạo từ ghép hai yếu tố, sử dụng phối hợp hai loại từ ngữ để chiết tự, chia tách các yếu tố thành một trường liên tưởng gồm các từ cùng chỉ bộ phận cơ thể, tạo nên sự bất ngờ thú vị. Cụ thể, tác giả dựa vào cấu tạo từ mặt trời, vờ xem "mặt" như là bộ phận “cơ thể" của trời để hỏi - đố về một từ khác (“trốc” - đầu) theo kiểu kết hợp tương tự:

          Em muốn hỏi bạn một lời

          Mặt trời ở đó trốc trời ở mô?

 (HPV)

Một kiểu chơi chữ khác trong thơ dân gian Nghệ Tĩnh là khai thác yếu tố đồng âm, bằng cách sử dụng yếu tố địa phương đối lập với các yếu tố toàn dân hoặc địa phương khác trong dòng để nói tới yếu tố thứ hai nào đó ngược nghĩa với yếu tố đó. Ví dụ:

Cây đứng giữa đất trời gọi cây độ (đỗ)

Cây đứng một chộ (chỗ) nói cây trôi

Chàng mà đối được chàng lôi em về?

(HPV)

Trong phương ngữ Nghệ Tĩnh độ (cây độ) là danh từ chỉ cây đậu, nhưng độ còn là động từ tương ứng nghĩa với đậu, chỉ trạng thái đứng yên một chỗ. Cây trôi vừa có thể hiểu là "cây bị trôi" lại vừa được dùng để chỉ một loại cây trong phương ngữ. ở Nghệ Tĩnh, nhiều vùng gọi "cây xoài" là "cây trôi" (có nơi gọi là "cây quéo")

Tương tự, cách chơi chữ trong mấy câu HPV sau là cùng một kiểu:

- Con ngựa chạy giữa đàng gọi là con ngựa cất

Con cá bán trửa chợ gọi là con cá thu

Chàng mà đối được thiếp mần du mẹ thầy.

- Con rắn bò giữa đàng gọi con rắn lại

Con cá lội dưới nước nói con cá leo

Anh đà đối được em phải theo anh về.

  Thu là cá, nhưng thu theo tiếng Nghệ Tĩnh còn là "giấu"; lại là "di chuyển ngược chiều với di chuyển trước đó", lại trong rắn lại theo tiếng địa phương là chỉ con rắn ráo; leo là "leo trèo", leo trong cá leo, theo tiếng Nghệ Tĩnh là chỉ "cá nheo" trong ngôn ngữ toàn dân.

Một kiểu chơi chữ khác tương tự, cũng dùng hình thức khai thác đồng âm kết hợp với đồng nghĩa nhưng ở đây mục đích của tác giả dân gian còn là để tập hợp các từ tạo thành những trường ngữ nghĩa chỉ sự vật nhất định. Kiểu như:

 - Rú, rừng, núi, động, đèo, truông

 Ngàn xanh cách trở mây luồng cũng theo.

- Bể, hồ, khe, hói, lạch, rào

Sông su nước lội ước ao kết nguyền.

 - Giả đò neo chiếc thuyền tình

Bạn bè mối lái (lưới) tơ mành gấp ghe

(HPV)

ở mấy câu trên, loạt từ thứ nhất đựơc tập hợp là các từ nằm trong một trường có nghĩa chỉ các sự vật hiện tượng liên quan đến núi rừng, trong đó có sử dụng các từ địa phương với nghĩa tương tự (Rú (núi), rừng, núi, động, đèo, truông, ngàn xanh (rừng) (cây) mây, (cây) luồng); loạt thứ hai là tập hợp các từ chỉ về sông hồ, trong đó có các từ địa phương: bể (biển), hói (chỗ nước chảy ra sông, biển trũng sâu, lõm vào ở đất liền), rào (sông nhỏ); loạt thứ ba là tập hợp các từ cùng nằm trong một trường chỉ phương tiện vận chuyển trên sông nước và đánh bắt cá.

Tương tự, tập hợp các từ sau đây lại chỉ về con vật:

- Sao chàng vội cáo về mau

Hay là ngận nghĩ mấy câu đã chồn?

- Ngồi ri trơ tráo thêm lâu

Gọi rằng khách địa vài câu biết gà

(HPV)

Cáo dùng trong phương ngữ là động từ có nghĩa “lui", “về", đồng âm với cáo là danh từ có nghĩa gọi tên một loại thú ăn thịt; ngận là biến âm của “ngẫm" trong “ngẫm nghĩ", đồng âm với ngận cũng trong phương ngữ, có nghĩa chỉ một loại “cầy hương"; chồn trong tiếng toàn dân là “mỏi" còn tiếng Nghệ Tĩnh là con “cầy". Tương tự, tráo trong phương ngữ là chỉ "chim sáo" đi với "khách" (chim khách) và “gà" thành một tập hợp các từ chỉ “chim gà".

Ngoài ra, trong các sáng tác thơ dân gian Nghệ Tĩnh còn có kiểu chơi chữ bằng hình thức nói lái, kiểu như trong các câu đối - đáp sau:

 - Anh bứt cỏ ngựa ngồi đầu cửa ngọ (ngõ)

 Kẻ bắn con nây (nai) ngồi cội (gốc) cây non

 Chàng mà đối được thiếp trao chàng một quan

- Con cá đối nằm trên cối đá

Con mèo cụt nằm tận mút kèo

 Trai thanh tân đà đối đặng, tiền cheo mô mà

(HPV)

Kiểu nói lái này thực hiện bằng cách hoán vị vần giữa các tiết âm với nhau, âm đầu, thanh điệu và vị trí của nó thì không thay đổi. Trong ví dụ trên do dùng các yếu tố địa phương nên mới nói lái được đúng âm cỏ ngựa và cây non. Thường thường kiểu nói lái của người Bắc Bộ không theo hình thức như vậy. Kiểu nói lái này chủ yếu được dùng trong HPV nhưng từ địa phương được dùng trong hình thức chơi chữ này không nhiều bằng từ toàn dân.

Tóm lại, qua vịêc miêu tả vai trò của từ ngữ địa phương trong các sáng tác thơ dân gian Nghệ Tĩnh mà cụ thể là xét từ địa phương ở phương diện phản ánh hiện thực và nghệ thuật tổ chức lời của thơ, chúng ta thấy, từ địa phương Nghệ Tĩnh đã đóng vai trò quan trọng vừa góp phần phản ánh một cách khá toàn diện hiện thực phong phú của cuộc sống nhân dân lao động Nghệ Tĩnh, nhất là những vấn đề quan trọng thuộc về hoặc liên quan thiết yếu đến con người, vừa đóng vai trò như một yếu tố sáng tạo nghệ thuật trong tổ chức của các sáng tác dân gian.

Từ ngữ địa phương đã phát huy được vai trò của mình trong việc thể hiện những sắc thái nghĩa riêng tinh tế, sắc thái biểu cảm phù hợp quen thuộc theo nếp cảm của người địa phương, phản ánh được phần nào đó đặc điểm ngữ nghĩa và khả năng hành chức của vốn từ phương ngữ. Là một yếu tố tham gia hiệp vần, ngắt nhịp, chơi chữ, dùng phối hợp trong cấu trúc sóng đôi của thơ ca, từ ngữ địa phương đã đảm trách và phát huy được khả năng nghệ thuật đa dạng của nó, góp phần làm cho sáng tác thơ dân gian Nghệ Tĩnh có giá trị nhiều mặt về nội dung và nghệ thuật đồng thời mang đặc trưng sắc thái địa phương rõ nét.

 

 KẾT LUẬN

Từ những khảo sát khái quát đặc điểm các lớp từ địa phương về các phương diện ngữ âm, ngữ nghĩa và cấu tạo (chương 2) và chức năng phản ánh thực tại xét trên một số nhóm từ cụ thể về định danh (chương 3) đến những khảo sát về đặc điểm từ ngữ địa phương trong sử dụng với vai trò sáng tạo thơ dân gian (chương 4), chúng tôi xin rút ra một vài nhận xét sau:

1. Sự tồn tại khách quan của hệ thống vốn từ địa phương Nghệ Tĩnh với những khác biệt nhất định so với vốn từ toàn dân mà chuyên luận đã chỉ ra, một lần nữa càng khẳng định thêm tiếng Việt là thống nhất trong sự đa dạng về mặt biểu hiện trên các phương ngữ.

ở bình diện từ vựng - ngữ nghĩa, lần đầu tiên phương ngữ Nghệ Tĩnh được khảo sát miêu tả trên quy mô toàn bộ vốn từ. Chuyên luận đã vẽ ra diện mạo của vốn từ địa phương Nghệ Tĩnh qua sự cố gắng đi sâu phân tích, miêu tả những khác biệt về từ vựng - ngữ nghĩa giữa phương ngữ Nghệ Tĩnh và từ vựng toàn dân. Biểu hiện về ngữ âm là hình thức ngữ âm của từ, thể hiện ở những khác biệt về phụ âm, vần và thanh điệu; biểu hiện ở cấu tạo là sự đa dạng về yếu tố và cách thức tổ hợp - cấu tạo từ địa phương. Đáng chú ý nhất là những khác biệt về nghĩa, ở cách định danh, cách nhìn, cách phân cắt thực tại trong phản ánh. Sự khác nhau của từ còn được thể hiện rõ ở chức năng tham gia vào câu, lời nói và ở chức năng thi ca. Trong các sáng tác dân gian xứ Nghệ, từ địa phương đã đóng vai trò như là phương tiện nghệ thuật đắc dụng của thơ dân gian xứ Nghệ. Kết quả này không những giúp chúng ta thấy được bức tranh toàn cảnh vốn từ phương ngữ Nghệ Tĩnh như một biểu hiện sinh động của tiếng Việt ở bình diện dân cư thể hiện mà còn là hình ảnh cụ thể minh hoạ cho một hình dung về diện mạo chung của từ vựng phương ngữ Bắc Trung Bộ.

2. Những khác biệt về ngữ âm giữa từ ngữ địa phương với từ ngữ toàn dân biểu hiện trên những đối ứng ngữ âm có quy luật là sự thể hiện một phần sự biến đổi của tiếng Vịêt trong quá trình phát triển nhưng đó cũng mới chỉ là sự khác bịêt về hình thức trên bề mặt. Sự khác nhau về nghĩa giữa từ trong hai hệ thống là đa dạng và phức tạp hơn ở nhiều mức độ; có thể là sự khác nhau về sắc thái nghĩa mang màu sắc văn chương, chuyên môn hay khẩu ngữ; khác nhau về khả năng kết hợp rộng hay hẹp, ở những nghĩa cụ thể hay khái quát, ở số lượng nghĩa nhiều hay ít hơn, ở phạm vi chia cắt phản ánh hiện thực khác nhau, ở khả năng phân biệt nghĩa cụ thể tinh tế hay chung chung v.v. Dẫu những sự khác biệt như vậy rất đa dạng nhưng không phải là tuỳ tiện, không có quy luật. Có thể giải thích được những sự khác biệt đó bằng nguyên nhân ngữ học, như do hiện tượng phát triển nghĩa của từ, những xung đột đồng nghĩa, những phương thức định danh và phạm vi phản ánh thực tại khác nhau,...hay là do thực tiễn đời sống xã hội, môi trường tiếp xúc giao tiếp ngôn ngữ,... có nguyên nhân tâm lí, văn hoá, thói quen của người địa phương, có nguyên nhân do điều kiện địa lí lịch sử xã hội v.v.

3. Kết quả nghiên cứu của chuyên luận khẳng định vị trí phân tích ngữ nghĩa từ địa phương như là một trọng tâm, một hướng cần đào sâu khảo sát trong nghiên cứu phương ngữ. Có nghiên cứu ngữ nghĩa của vốn từ địa phương mới thấy sự tồn tại, chiều sâu của hệ thống và biểu hiện sự vận động của nó; mới thấy được sắc thái địa phương, sắc thái văn hoá. Có đi vào nghiên cứu nghĩa trong lời ăn tiếng nói địa phương mới thấy hết vai trò của từ trong hành chức, trong đời sống xã hội của cộng đồng người địa phương. Đó còn là một trong những căn cứ để thực hiện chuẩn hoá ngôn ngữ và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt có hiệu quả về mặt ngôn ngữ cũng như xã hội.

4. Từ địa phương Nghệ Tĩnh được hình thành với một số lượng phong phú có tính hệ thống như đã phân tích cho thấy ở đây những vấn đề về phân cắt thực tại, về đặc điểm định danh, về cách nhìn, cách phản ánh thực tại của một vốn từ tương ứng với chủ nhân của vốn từ đó. Sự phong phú của vốn từ là phản ánh sự phong phú của bức tranh thực tiễn đời sống xã hội. Qua bức tranh từ vựng ta còn thấy được những nét riêng trong cách hình dung về thực tại khách quan của chủ nhân - cộng đồng văn hoá - bản ngữ đó. Phân tích thực tại, cấu tạo, cách dùng, cách biểu hiện của từ địa phương đã cho ta thấy quan hệ vốn từ với văn hoá vùng, với đặc trưng hành vi ngôn ngữ lời nói trong giao tiếp ở địa phương.

5. Qua khảo sát thơ dân gian Nghệ Tĩnh, chúng ta thấy rằng đây là một nguồn tư liệu phong phú, một nguồn trầm tích từ địa phương nhưng từ trước tới nay chưa được khai thác. Nghiên cứu từ địa phương trong thơ dân gian không những cho thấy đặc điểm ngữ nghĩa, cấu tạo của từ địa phương nói riêng mà còn cho thấy giá trị của từ trong lời nói trước đây được lưu giữ lại. Đối với thơ dân gian, việc dùng từ ngữ địa phương với một số lượng lớn, tần số cao, nhất là lại được tổ chức sắp xếp theo những dụng ý nghệ thuật nhất định như trong các sáng tác thơ dân gian Nghệ Tĩnh thì điều đó không những không cản trở giao tiếp mà đó còn là phương tiện đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện nội dung và nghệ thuật tác phẩm, làm cho lời của các sáng tác dân gian dễ đi vào lòng người, vì thế mà hiệu quả giao tiếp cũng tăng lên.

6. Từ kết quả phân tích đối chiếu nghĩa của 6 lớp từ địa phương với từ toàn dân, đặc biệt là trên những ví dụ cụ thể về sự phân biệt nghĩa trong cách dùng theo tri nhận, thói quen của người địa phương, qua việc khảo sát cách chọn lựa các hình ảnh quen thuộc tạo nghĩa biểu trưng của người dân xứ Nghệ, mà ở đó sắc thái ngôn ngữ - văn hoá địa phương thể hiện rõ nét nhất, đến cách dùng và những ấn tượng về giá trị nội dung, nghệ thuật và biểu cảm của từ địa phương trong các sáng tác thơ dân gian mà chuyên luận phần nào đã chỉ ra có thể gợi cho chúng ta suy nghĩ về một số khía cạnh có liên quan đến vấn đề khai thác sử dụng từ địa phương hiện nay. Đó là việc nên hay không nên dùng lớp từ ngữ địa phương nào trong sáng tạo nghệ thuật, trên các phương tiện phát thanh truyền hình, thông tin báo chí ? Đối với công tác biên soạn từ điển, ngoài việc thu thập lớp từ chỉ sản vật, đặc sản, địa danh nổi tiếng quen thuộc với nhiều vùng, nên chăng, từ điển tiếng Việt cần thu thập thêm các lớp từ địa phương có sự phân biệt nghĩa tinh tế để làm giàu thêm khả năng biểu đạt của vốn từ chung ?

7. Việc nghiên cứu tiếng địa phương ở ta cần phải tiến hành đào sâu thêm một bước nữa, bởi qua nghiên cứu chúng tôi phát hiện nhiều vấn đề đã nêu trên. Đây mới là nghiên cứu một tiểu vùng, nếu nghiên cứu rộng ra các tiểu vùng, các vùng phương ngữ khác, chúng ta sẽ có một bức tranh càng ngày càng đầy đủ hơn về các phương diện khác nhau của các vùng phương ngữ, điều đó còn có giá trị cho việc nghiên cứu lịch sử, văn hoá, xã hội.

Tiếp tục đào sâu và mở rộng nghiên cứu các tiểu vùng khác, chắc chắn chúng ta có cơ sở chỉ ra cái riêng của phương ngữ Nghệ Tĩnh sâu hơn nữa, đồng thời bức tranh phương ngữ vùng Bắc Trung Bộ cũng toàn diện, rõ nét hơn. Nếu có thể xem kết quả của chuyên luận này như là tài liệu có ích cho nghiên cứu phương ngữ và lịch sử tiếng Việt thì cũng có thể tiếp tục nghiên cứu các vùng phương ngữ khác theo cách thức đã tiến hành để nêu lên các đặc trưng của từng vùng phương ngữ.

8. Giữa phương ngữ Nghệ Tĩnh với ngôn ngữ toàn dân tuy có những khác biệt về từ vựng - ngữ nghĩa nhưng qua khảo sát những lớp từ cụ thể, qua những so sánh về nghĩa của từ, chúng ta cũng thấy đựơc ít nhiều xu hướng thu hẹp dần phạm vị sử dụng của từ ngữ địa phương là một thực tế đã và đang diễn ra. Nhưng có lẽ do thói quen, do những đặc điểm ngữ nghĩa và văn hoá ngôn ngữ như đã thấy, từ ngữ phương ngữ trên những biểu hiện cụ thể, ở những từ và lớp từ cụ thể cũng có những ưu thế, giá trị riêng, cho nên vốn từ địa phương còn có sức sống nhất định trong đời sống cộng đồng dân cư xứ Nghệ, không thể một sớm một chiều thay thế hoàn toàn bởi ngôn ngữ toàn dân. Âu đó cũng là một thực tế đặt ra đối với những ai quan tâm tới các hoạt động và chính sách ngôn ngữ xã hội./.

 Theo văn hóa học.vn

 

 


  Các Tin khác
  + Sắc xuân trên Thành Vinh (21/01/2025)
  + Làng gì mà ngày nào cũng phát ra tiếng kêu tại Hà Tĩnh? (14/01/2025)
  + Bế mạc Lễ hội Du lịch và Ẩm thực Sen Nghệ An năm 2024 (02/12/2024)
  + Vượt lũy tre làng, nữ giám đốc HTX ở Hà Tĩnh đưa nước mắm biển Thiên Cầm xuất ngoại (12/11/2024)
  + Một cây cổ thụ là cây trôi đã sống 800 tuổi ở Hà Tĩnh được công nhận cây Di sản Việt Nam (26/09/2024)
  + Đến Hà Tĩnh, ngắm bình minh trên biển Hoành Sơn (17/09/2024)
  + Bản sắc SLNA - sự khác biệt tuyệt vời ở V.League 2024/2025 (31/08/2024)
  + Làng Đỏ - nơi”căm thù như biển lửa, đã đứng lên”… (31/08/2024)
  + Đại gia Trần Quang Luận và hệ sinh thái Thanh Thành Đạt nổi danh xứ Nghệ (15/08/2024)
  + Khát vọng Thanh Chương (11/08/2024)
  + Hà Tĩnh gặp mặt chúc mừng học sinh đoạt HCB Olympic Toán học quốc tế (02/08/2024)
  + Cầu Nhe - nơi ghi dấu tinh thần quả cảm của 53 liệt sỹ (23/07/2024)
  + Vô xứ Nghệ thăm quê Bác (13/07/2024)
  + Về lại Nậm Nơn (02/07/2024)
  + 48 giờ ở Nghệ An (17/06/2024)
  + Bến Thủy - cây cầu thế kỷ của xứ Nghệ (09/06/2024)
  + Đôi vợ chồng "thổi hồn" vào dân ca ví, giặm (06/06/2024)
  + 9 điểm du lịch hấp dẫn không thể bỏ qua khi đến miền Tây xứ Nghệ (26/05/2024)
  + Trần Đình Sơn - "cánh chim đầu đàn” của điền kinh Hà Tĩnh (25/05/2024)
  + Nghệ An: Cả làng kiếm bộn tiền từ con đặc sản "cưỡi máy bay xuất ngoại” (20/05/2024)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 66561900

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July