Trang chủ Liên hệ       Thứ tư, Ngày 22/01/2025
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
  -  Đất và người Xứ Nghệ
  -  Dân ca Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Truyền thống Nghệ Tĩnh >
  16 CHỮ VÀNG CỦA HOÀNG GIÁP NGUYỄN KHẮC NIÊM 16 CHỮ VÀNG CỦA HOÀNG GIÁP NGUYỄN KHẮC NIÊM , Người xứ Nghệ Kiev
 

 Thế Việt

NTT – Tôi may mắn có thời gian công tác với nhà văn Nguyễn Khắc Phê con trai cụ Hoàng Giáp. Cụ có nhiều người con nổi tiếng như GS Nguyễn Khắc Viện, GS Nguyễn Khắc Phi, GS Nguyễn Khắc Dương, nữ sĩ Thiếu Anh… Và đặc biệt gia đình cụ lại là thông gia với gia đình Hoàng Giáp Đặng Văn Thụy ở Diễn Châu quê tôi. Chỉ nhìn những người con đầy tài năng và nhân cách cũng biết họ đã được thừa hưởng một nền giáo dục từ gia đình như thế nào. Có thể nói khí chất của người cha đã ảnh hưởng rất lớn tới các con…

HG Nguyễn Khắc Niêm

 Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm (1889-1954) là một đại thầntriều Nguyễn, nguyên Tham tri Bộ Hình, Phủ doãn Thừa Thiên, Quyền Tổng đốc Thanh Hóa. Ông sinh năm 1889 tại làng Gôi Vị, nay là xã Sơn Hòa, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Từ nhỏ, Nguyễn Khắc Niêm đã thông minh tuấn tú hơn người. Năm 1906, mới 18 tuổi, ông thi đậu cử nhântrường thi Nghệ An. Năm 1907, ở tuổi 19, ông thi đậu đệ nhị giáp tiến sĩ (Hoàng giáp)[1], khoa thi đình Đinh Mùi, tại Huế. Có thể nói, Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm là một trong số rất ít người đậu đại khoa thời phong kiến khi ở cái tuổi còn rất trẻ như thế. Khi thi đỗ đại khoa, được cùng các vị tiến sĩ đồng khoa triều kiến vua Thành Thái, nhà vua đề nghị mỗi vị tân khoa tiến sĩ hãy góp kế sách để phục hưng quốc gia, Nguyễn Khắc Niêm đã đọc 4 câu như sau:

        
Tôn  tộc đại quy

 祿     
Tôn lộc đại nguy

       
Tôn tài đại thịnh

        
Tôn nịnh đại suy.

 

(Đề cao nòi giống ắt đại hòa hợp
Coi trọng bổng lộc ắt đại nguy nan
Tôn trọng tài năng, ắt đại phồn thịnh
Ưa thích xiểm nịnh, ắt đại suy vong.) 

Thành Thái, một ông vua yêu nước tràn đầy khí phách, đã không có cơ hội để thực hiện 4 câu châm ngôn mà vị Hoàng giáp trẻ tuổi đề xuất. Ngay sau khoa thi này, cũng trong năm 1907, Hoàng đế Thành Thái do bộc lộ tư tưởng chống Pháp ngày càng rõ rệt, đã bị Toàn quyền Đông Dương ép thoái vị. Thật đáng tiếc! Tuy không còn gặp được minh quân để thi thố cái chí hướng Y, Phó, Quản, Nhạc(2) lại bất đắc dĩ phải ra làm quan với chính quyền bù nhìn, nhưng suốt thời gian 32 năm xuất chính, khi làm học quan, khi làm quan hành chính ở các tỉnh và bộ, Nguyễn Khắc Niêm vẫn luôn luôn sống thanh liêm, giữ khí tiết và phần nào cố gắng thực hiện những tư tưởng, hoài bão mà bản thân ông đã nung nấu từ thuở thiếu thời.

Tháng 2/1942, có lẽ chán với cảnh làm quan nô lệ [Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, bậc tiền bối của Nguyễn Khắc Niêm, đậu Phó bảng năm 1901, từng nói: quan trường thị nô lệ trung chi nô lệ, hựu nô lệ (quan trường là kẻ nô lệ trong đám nô lệ lại càng nô lệ)], ông từ quan về quê dạy học, làm thuốc. Sau năm 1945, ông tích cực tham gia công tác tại địa phương từ Hội đồng nhân dân xã, ủy ban phòng vệ huyện Hương Sơn, Ban văn hóa tỉnh Hà Tĩnh, ủy viên Ban chấp hành Mặt trận Liên Việt, kiêm trưởng ban cứu trợ thương binh Liên khu 4. Năm 1952, ông được chính phủ mời ra Việt Bắc họp hội nghị Liên Việt trung ương, nhưng vì sức khỏe yếu không đi được. Năm 1954, ông tạ thế tại quê nhà.

Tuy Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm không gặp được vận hội tốt lành để trí quân trạch dân (giúp vua chăm lo cho dân), nhưng 4 câu châm ngôn nói trên của ông thì đến nay còn nguyên giá trị. Chúng ta có thể xem 4 câu châm ngôn này là 4 vế câu của hai mệnh đề. Các vế câu có liên quan chặt chẽ với nhau; đồng thời, có thể xếp vế thứ nhất và vế thứ hai làm một mệnh đề, vế thứ ba và vế thứ tư làm một mệnh đề. Mỗi mệnh đề có hai vế đối lập nhằm làm nổi bật những vấn đề có liên quan chặt chẽ với nhau..  

Trước hết, chủ trương “tôn tộc” để “đại quy” (quy tụ về một mối lớn) của Nguyễn Khắc Niêm thực chất là chủ trương đại đoàn kết dân tộc.

Chữ tộc trong câu nói của Nguyễn Khắc Niêm trước hết có nghĩa là giống loài, là cả một cộng đồng quần cư chứ không chỉ là các dòng họ trong cộng đồng. Có thể nói, cái sự “đại quy”, sự quy tụ lớn này, chính là sự đoàn kết trong nội bộ cộng đồng dân tộc, sự đồng thuận trong xã hội. Đó là tiền đề quan trọng nhất để đảm bảo thắng lợi cho mọi cuộc cuộc vận động xã hội từ xưa đến nay. Trong lịch sử dân tộc ta, đã có rất nhiều sự kiện trực tiếp hoặc gián tiếp chứng minh hùng hồn cho chân lý trong câu châm ngôn đó.  Hồ Chủ tịch đã khẳng định chân lý này bằng câu khẩu hiệu “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết! Thành công, thành công, đại thành công” và bằng chính cuộc kháng chiến chống Pháp do Người lãnh đạo mà cụ Nguyễn Khắc Niêm là một trong những nhân sĩ đã hăng hái tham gia. Hiện nay, nhằm đáp ứng yêu cầu của thời đại, Đảng ta tiếp tục phát động sâu rộng hơn chính sách đại đoàn kết dân tộc. Để thực hiện có hiệu quả cao chính sách này, công tác dân vận đang được hết sức chú trọng. Hơn lúc nào hết, tại thời điểm này, khi chúng ta hội nhập với thế giới, nếu không tạo được sự đồng thuận, đoàn kết sâu sắc, chặt chẽ trong cộng đồng dân tộc thì chẳng những công cuộc xây dựng đất nước gặp trở ngại mà đến nền an ninh-quốc phòng cũng khó vững vàng. Nhận thức là như vậy, nhưng thật đáng buồn là ngày nay, ngay trong hàng ngũ cán bộ, công chức là Đảng viên, vẫn còn một số người, bằng những việc làm thiếu ý thức, vô trách nhiệm, đã trực tiếp hoặc gián tiếp phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc mà những bậc hiền tài các triều đại trước vun trồng và sau này, Đảng và Bác đã dày công bồi đắp.

       Lực cản đáng lo ngại nhất đối với việc thực hiện chủ trương “tôn tộc đại quy” (đại đoàn kết dân tộc) là tệ kéo bè, kết cánh vì lợi ích cục bộ kiểu cánh hẩu theo từng địa phương, thậm chí theo từng dòng họ. Đến bây giờ, quan niệm lỗi thời cho rằng “Một người làm quan cả họ được cậy, một người làm bậy cả họ mất nhờ” dường như  vẫn đang còn những tàn dư đáng sợ. Trong bối cảnh phát triển hiện nay của dân tộc, việc củng cố, phát huy gia tộc là đúng, là cần thiết. Tuy nhiên, sự phát triển của gia tộc nếu không đúng hướng, không phù hợp với lợi ích chung thì sẽ phá vỡ mục tiêu “đại quy’, góp phần tạo ra tình trạng cát cứ, làm tổn hại đến khối đại đoàn kết dân tộc. Đành rằng, dân tộc Việt này, cũng như các dân tộc thiểu số khác trong cộng đồng 54 dân tộc anh em, là sự hợp quần của bách tính (trăm họ), nhưng chỉ có việc phát triển dân tộc mới bảo đảm cho việc phát triển các dòng họ. Tình trạng phục hưng nghi lễ, củng cố tôn ty, hệ thống, uy thế của các dòng họ hiện thời, đã có không ít biểu hiện lệch lạc. Đặc biệt, ở môi trường nông thôn, một số kẻ hoạt đầu, cơ hội trong các dòng họ đã lợi dụng những kẽ hở để mưu lợi ích riêng, tạo ra các cuộc tranh chấp không đáng có giữa các dòng họ, gây rối loạn trong cộng đồng xã hội. Chính những kẻ này đã kích hoạt nhiều thói hư tật xấu của số đông thành viên trong các dòng họ, làm bại hoại thuần phong mỹ tục, cản trở cả việc thực thi pháp luật.

Liên quan chặt chẽ đến việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc là lẽ công bằng, là sự minh bạch, là tính dân chủ. Nếu một xã hội chỉ biết “tôn lộc”… ắt là “đại nguy”. Bởi, nếu chỉ biết coi trọng bổng lộc, coi trọng những thu nhập bất chính của các cá nhân hoặc phe nhóm thì lấy đâu ra công bằng, dân chủ, công khai. Từ đó, sẽ gây ra tình trạng xâu xé lẫn nhau, “trên dưới đánh nhau vì lợi” (上 下 交 征 利 thượng hạ giao chinh lợi-Mạnh Tử), sẽ sinh ra hạng người chỉ biết lợi ích cá nhân, sống vì lợi quên nghĩa. Loại người này sẽ đánh mất hết cả lý tưởng, đạo đức cách mạng mà Đảng và Bác đã dày công đào luyện; thậm chí, đánh mất cả thiên lương, tính người. Đấy chính là bọn tham nhũng hiện nay mà Đảng và Nhà nước ta đang ra sức chống như một thứ đại dịch nguy hiểm. Tuy rằng, trong thời đại ngày nay, không thể không coi trọng các thứ lợi ích của các thành viên trong xã hội, không thể có thái độ coi thường lợi ích vật chất như các nhà Nho xưa, nhưng nếu chỉ biết coi trọng lợi ích một cách thái quá và thiên lệch (tôn lộc), thì cái nguy cơ làm rối loạn, suy yếu đối với cộng đồng dân tộc là rất lớn.

Nếu chủ trương “tôn lộc” làm nẩy sinh hạng tiểu nhân chỉ biết tranh nhau vì lợi thì chủ trương “tôn tài” sẽ là một trong những phương châm cứu thế tuyệt vời. “Tôn tài đại thịnh”! Cách đây 500 năm, Thân Nhân Trung (1418-1499), tiến sĩ thời Hồng Đức, đã khẳng định tầm quan trọng của nhân tài đối với sự thịnh suy của một quốc gia: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế, các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết…“. Trải qua bao thăng trầm của các triều đại trong lịch sử dân tộc, chân lý này càng trở nên ngời sáng. Tuy nhiên, “tôn tài” cũng có năm bảy đường, năm bảy kiểu. Một mặt, “người tài” là những người vừa có tài đức, nghĩa khí hơn người nhưng mặt khác, họ cũng là những người rất có cá tính, rất nhạy cảm, rất tự trọng. Lịch sử Việt Nam, Trung Quốc và các nước khác trên thế giới đã có nhiều bài học sinh động, đắt giá cho nhà cầm quyền trong việc đối xử với nhân tài. Người tài thực sự không thể chỉ có lấy lợi mà mời họ được, cũng không lấy quyền lực mà uy hiếp họ phải theo mình. Họ là những người “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”(Giàu sang không cám dỗ được, nghèo hèn không làm thay đổi ý chí, uy quyền không khuất phục được).   

Tôn tài không chỉ là một phương châm đạo đức mà cần quán triệt trong mọi hành vi của người cầm quyền trong đó điều quan trọng nhất là phải biết dùng người tài đúng tầm mức, hợp  sở trường. Nói chung, chỉ có hạng vĩ nhân, bậc thiên tài thì mới tự tạo ra được cơ hội, môi trường để thi thố tài năng còn nhân tài thì thường phải trông chờ vào cơ chế xã hội tạo cho môi trường, điều kiện thì mới có dịp để cống hiến. Thời xưa, chẳng đã từng có những người tài “sinh bất phùng thời” mang thái độ bi quan, uất ức với bầu tâm sự “hoài tài bất ngộ” đó sao? Hiện nay, trước vận hội mới, đất nước, dân tộc, chế độ đang cần người tài hơn bao giờ hết. Đảng ta đã có những chủ trương, sách lược đúng đắn để thu hút nhân tài, Nhà nước các cấp đã có những cơ chế, chính sách mạnh để chiêu mộ người tài vào làm việc trong bộ máy quản lý, điều hành xã hội. Tuy vậy, việc thực thi những chủ trương, chính sách này ở các cấp, các ngành, các đơn vị lại đang tỏ ra còn kém hiệu quả. Báo chí gần đây đã nêu lên những con số đáng giật mình về sự ra đi của người tài, sự chảy máu chất xám từ trong các cơ quan nhà nước ra các tổ chức kinh tế xã hội tư nhân hoặc liên doanh với nước ngoài. Hiện tượng chảy máu chất xám ngày nay sẽ ngày càng ồ ạt hơn vì các tổ chức kinh tế-xã hội, khoa học-công nghệ của ngoại quốc được phép vào khai thác chất xám tại chổ trên đất nước ta. Hiện tượng này là khó tránh khỏi trong điều kiện nền kinh tế thị trường, tuy nhiên cũng có mặt cần được nghiên  cứu, lí giải và tìm cách hạn chế, khắc phục.  Người tài xưa nay, phần lớn, là người có lý tưởng “kinh bang tế thế” (giúp nước, cứu đời). Vậy vì sao đất nước đang nghèo nàn, khốn khó như thế, chủ trương, chính sách của Nhà nước rõ ràng như thế mà lại có người tài tỏ ra chưa thật sự phấn khởi ? Phải chăng vì chủ trương, chính sách có chổ nào đó không hợp lý? Hay vì những người thực hiện chính sách không tử tế, không thực tâm cầu thị? Hay tại môi trường cán bộ, công chức trong các tổ chức, cơ quan đang còn những hiện tượng đố kỵ, ganh ghét khiến họ không an tâm làm việc? Hay tại sự đối xử thiếu công bằng, phân công lao động, đánh giá lao động không hợp lý?… 

Bao nhiêu câu hỏi như thế đã được xới xáo lên trong dư luận xã hội và trên các diễn đàn nhưng vẫn chưa có những câu trả lời, những giải pháp hợp lý để giải quyết triệt để.  Có địa phương ra nghị quyết này, quyết định nọ để thu hút nhân tài nhưng kết quả chỉ thu nhận về được một số người chưa hẳn đã có thực tài, hoặc giả nếu có chút năng lực nào đó thì cũng đã luống tuổi, “lão lai tài tận”. Mặt khác, trong khi đó, nhân lực hiện có của địa phương thực ra không phải không có người tài mà chỉ vì tâm lý đố kỵ, ganh ghét, tâm lý “bụt chùa nhà không thiêng”, tâm lý “sợ người tài”(3) mà để cho họ cảm thấy như bị định kiến, bị bỏ rơi. Thậm chí, có nơi không sử dụng họ nhưng khi họ xin xin chuyển đi chỗ khác lại tìm cách ngăn cản.

Ngoài ra, còn không hiếm quan chức địa phương và các bộ, các ngành đã tận dụng chủ trương, chính sách này để mưu lợi riêng. Nhân danh việc trọng dụng nhân tài, họ dàn dựng để đưa nhưng kẻ hữu danh vô thực lên những vị trí quan trọng. Hoặc là mua quan bán tước, hoặc là để trả ơn riêng, hoặc là dành chỗ đẹp cho người nhà, cánh hẩu. Đấy toàn là những việc làm của những kẻ chỉ biết “tôn lộc” mà chúng ta đã đề cập ở phần trên. Với trạng huống như vậy, thì người tài thực là như cá lọt vào giỏ cua, làm sao phát huy được hết tài năng để phục vụ xã hội?

Trò đời, khi cái tích cực, cái thiện, cái tốt không được phát huy thì cái tiêu cực, cái ác, cái xấu có đất nảy nở. Cũng vậy, khi người tài không được trọng dụng thì ắt là bọn siểm nịnh được thời lấn lướt. Những kẻ này chỉ có một cái tài là làm vừa lòng người cầm quyền, dắt dẫn người cầm quyền vào con đường ăn chơi sa đoạ để lợi dụng. Lịch sử các dân tộc cổ kim, đông tây có quá nhiều tấm gương tày liếp về tai họa này. Chỉ nội một việc thời Lê sơ, khi Lê Thái Tổ nghe bọn nịnh thần nghi ngờ rồi sát hại, đày đoạ các bậc hiền tài, trung lương như Phạm Văn Xảo, Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Trãi…, thì đã khiến nhà Lê rơi vào tình trạng rối loạn trong một thời gian khá dài. Câu “tôn nịnh đại suy” là một chân lý lịch sử phổ biến hầu hết ở mọi cộng đồng dân tộc. Bài học lịch sử thì rõ ràng như vậy, nhưng hầu như triều đại nào cũng mắc phải, cũng phải trả giá rất đắt. Sở dĩ như vậy là vì tâm lý con người ta thường “ thích nghe nịnh hót, ghét bỏ lời trung”. Chỉ có những người có học thức, có văn hoá cao, biết suy nghiệm sâu sắc việc đời xưa nay, biết kiên trì lý tưởng cao cả thì mới hòng tránh khỏi hoạ nịnh thần. Ngày nay, người ta nói nhiều tới văn hoá chính trị; có lẽ, việc lánh xa kẻ nịnh, biết gần người trung sẽ là một trong những tiêu chí văn hoá quan trọng nhất của người cầm quyền.

Nói tóm lại, càng suy ngẫm càng thấm thía tính chân lý, ý nghĩa thời sự của bốn câu châm ngôn nói trên mà có người đã đặt tên là “Tứ tôn châm”  尊  (lời răn về bốn cái sự tôn). Trong hoàn cảnh xã hội hiện nay, vận vào đâu cũng thấy “Tứ tôn châm” đều nóng hổi ý nghĩa thời sự, đều có tính cập nhật cao. Để thấy hết giá trị của “Tứ tôn châm”, chúng tôi xin nêu nhận định của ông Cam Ly, một nhà báo lão thành, khi giới thiệu 4 câu này trên báo “Phụ nữ Thủ đô”: “Cụ Nguyễn Khắc Niêm chỉ với 16 chữ đã diễn đạt một cách súc tích sự minh triết Việt Nam… Mười sáu chữ vàng của cụ Hoàng Giáp Nguyễn Khắc Niêm nay vẫn còn nguyên giá trị, ý nghĩa giáo dục nhân sinh sâu sắc và lay động tâm can tất thảy những ai vì sự trường tồn của dân tộc” (4).

Một nhân sĩ mà hành trạng và tư tưởng có những điểm tiến bộ như thế, chúng ta cần tổ chức nghiên cứu các di cảo của ông một cách nghiêm túc để kế thừa và phát huy. Hy vọng, sẽ có một cuộc hội thảo nghiêm túc và có chất lượng về những gì Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm đã để lại, trên miền quê yêu dấu của ông.

 

CHÚ THÍCH

(1) Hoàng giáp là một loại danh hiệu của học vị Tiến sĩ trong hệ thống giáo dục Việt Nam thời xưa. Loại danh hiệu này được xác định trong kỳ thi Đình, còn gọi là tiến sĩ xuất thân (進士出身). Vì đứng thứ hai trong hệ thống các loại học vị tiến sĩ, trên đệ tam giáp, nhưng dưới đệ nhất giáp, (tức tam khôitrạng nguyênbảng nhãnthám hoa) nên còn gọi là Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân. Đến nhà Nguyễn, triều đình thường bỏ không lấy hạng đệ nhất giáp, đặc biệt là Trạng nguyên, nên người đỗ hoàng giáp xếp trên cùng có thể coi là đình nguyên. Loại này không chia bậc, chỉ xếp thứ tự, ai đỗ cao hơn được xếp ở trên..

(2)Y, Phó, Quản , Nhạc: tức là Y Doãn, Phó Duyệt (đời nhà Thương), Quản Trọng (thời Xuân Thu), Nhạc Nghị (thời Chiến Quốc). Đây là 4 nhà chính trị kiệt xuất thời cổ đại Trung Hoa, lập công lớn để đời, tên tuổi lưu danh sử sách.

(3)Tương truyền, trong một cuộc hội nghị quan trọng của Tỉnh uỷ Nghệ An vào thập kỷ 90 của thế kỷ trước, có một vị quan chức đã vui miệng tổng kết về tình trạng sử dụng cán bộ của tỉnh này như sau: “giàu thì ghét, đói rét thì khinh, thông minh thì sợ” (tức là sợ người tài nên không dùng)

(4) Nguyễn Đắc Xuân (sưu tầm, biên soạn). Cụ Hoàng Niêm đất Hương Sơn. NXB Thuận Hóa. Huế, 2007, tr. 83, 84

Trà Sơn Phạm Quang Ái
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh


  Các Tin khác
  + Sắc xuân trên Thành Vinh (21/01/2025)
  + Làng gì mà ngày nào cũng phát ra tiếng kêu tại Hà Tĩnh? (14/01/2025)
  + Bế mạc Lễ hội Du lịch và Ẩm thực Sen Nghệ An năm 2024 (02/12/2024)
  + Vượt lũy tre làng, nữ giám đốc HTX ở Hà Tĩnh đưa nước mắm biển Thiên Cầm xuất ngoại (12/11/2024)
  + Một cây cổ thụ là cây trôi đã sống 800 tuổi ở Hà Tĩnh được công nhận cây Di sản Việt Nam (26/09/2024)
  + Đến Hà Tĩnh, ngắm bình minh trên biển Hoành Sơn (17/09/2024)
  + Bản sắc SLNA - sự khác biệt tuyệt vời ở V.League 2024/2025 (31/08/2024)
  + Làng Đỏ - nơi”căm thù như biển lửa, đã đứng lên”… (31/08/2024)
  + Đại gia Trần Quang Luận và hệ sinh thái Thanh Thành Đạt nổi danh xứ Nghệ (15/08/2024)
  + Khát vọng Thanh Chương (11/08/2024)
  + Hà Tĩnh gặp mặt chúc mừng học sinh đoạt HCB Olympic Toán học quốc tế (02/08/2024)
  + Cầu Nhe - nơi ghi dấu tinh thần quả cảm của 53 liệt sỹ (23/07/2024)
  + Vô xứ Nghệ thăm quê Bác (13/07/2024)
  + Về lại Nậm Nơn (02/07/2024)
  + 48 giờ ở Nghệ An (17/06/2024)
  + Bến Thủy - cây cầu thế kỷ của xứ Nghệ (09/06/2024)
  + Đôi vợ chồng "thổi hồn" vào dân ca ví, giặm (06/06/2024)
  + 9 điểm du lịch hấp dẫn không thể bỏ qua khi đến miền Tây xứ Nghệ (26/05/2024)
  + Trần Đình Sơn - "cánh chim đầu đàn” của điền kinh Hà Tĩnh (25/05/2024)
  + Nghệ An: Cả làng kiếm bộn tiền từ con đặc sản "cưỡi máy bay xuất ngoại” (20/05/2024)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 66544759

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July