Trang chủ Liên hệ       Chủ nhật, Ngày 22/12/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
  -  Đất và người Xứ Nghệ
  -  Dân ca Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Truyền thống Nghệ Tĩnh > Dân ca Nghệ Tĩnh >
  Dân ca ví, giặm - sản phẩm sinh hoạt cộng đồng của người Việt xứ Nghệ Dân ca ví, giặm - sản phẩm sinh hoạt cộng đồng của người Việt xứ Nghệ , Người xứ Nghệ Kiev
 

Dân ca ví, giặm - sản phẩm sinh hoạt cộng đồng của người Việt xứ Nghệ


Dan_ca_Nghe_Tinh1.Xứ nghệ, vùng đất trung gian nối liền Bắc và Trung bộ Việt Nam, vốn không được tạo vật ưu ái; đất cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt, lại từng là vùng trấn biên, trấn địa, nơi mở mang bờ cõi của nhiều đời…,dân nghèo, nhưng tinh thần luôn nhẫn nại, chịu gian khổ, lấy cần kiệm tiết ước làm đầu. Sách Hoan Châu phong thổ ký, Nghệ An ký rồi Đại Nam Nhất Thống Chí đều viết như vậy về đất và người Xứ Nghệ. Từ trong điều kiện thiên nhiên và cảnh huống xã hội như vậy, cư dân nơi dây, trong quá trình sinh hoạt, lao động sản xuất đã sáng tạo nên nền văn hóa dân gian hết sức phong phú, đặc sắc, được vun bồi thành di sản tinh thần đặc biệt vô giá. Qua bao thời gian, vốn gia tài văn hóa đó luôn là sức mạnh tinh thần, tạo nên bản chất, nhân cách con người nơi đây; luôn là ngọn nguồn nuôi dưỡng tâm hồn và là động lực của sự phát triển con người và xã hội  Nghệ Tĩnh. Trong kho tàng văn hóa đó, Ví, Giặm là những thể loại dân ca của Người Việt sáng tạo nên trong cuộc sống, mang đậm bản sắc Xứ Nghệ cả về điệu hát, ca từ, nội dung và không gian, thời gian thể hiện. Đó là thổ sản tinh thần, phản ánh trung thực nhiều khía cạnh độc đáo của cuộc sống con người nơi đây – chịu cực, chịu khổ, nhẫn nại, giàu nghị lực lại chan chứa, thắm đậm tình yêu thương con người và quê hương, xứ sở.

Với vị trí và tầm quan trọng của dân ca Ví, Giặm mà từ trước đến nay, đặc biệt vào những thập niên giữa thế kỷ trước, đã có rất nhiều công trình về hai thể loại dân ca này được nghiên cứu khá công phu, như của GS Nguyễn Đổng Chi, Ninh Viết Giao, Nguyễn Chung Anh, Vũ Ngọc Phan…

Trong các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học gạo cội trên đây cũng như hàng loạt bài viết về dân ca Nghệ Tĩnh đều định nghĩa và phân loại hát Ví, Giặm. Nhưng dường như, cho đến nay chưa có một định nghĩa thống nhất, mỗi người giải thích theo cách hiểu của mình, về ngữ nghĩa đến nội dung, không gian thời gian, lực lượng tham gia, thể loại…Vì vậy mà đến nay, người Nghệ Tĩnh nào, từ bác học cho đến bình dân, từ quan chức đến thứ dân nói về Ví, Giặm đều có lý cả. (Ví là hát đối đáp giữa trai và gái trong các Tổ chức của những người cùng nghề như Phường Cấy, Phường Gặt, Phường Vải, Phường Nón…còn Giặm xuất phát từ giẫm chân – hát có đánh nhịp bằng chân; hay giặm là giặm vào, điền vào như giắm lúa…)

Về lý luận Ví, Giặm còn đất cho các nhà khoa học, tức còn trao đổi, bàn luận nhiều; trong lúc đó về thực tế thì đã là dân Xứ Nghệ thì không ai không biết hát Ví, Giặm, bởi đó là “đặc sản quê nhà”. Khi nào có dịp là hát, bởi nó không cần nhạc đệm, gốc gác có tự bao đời, đồng thời luôn được “sáng tác ứng khẩu” theo khổ, thể đã định hình và được thể hiện linh hoạt trong các loại hình như giặm nói, giặm kể, giặm ra, giặm đò xưa, giặm trèo non, giặm đường trường…ôi, dài và bất tận. Lối hát ví là lối hát hoa tình, giao duyên nam nữ, vốn là câu thơ lục bát hoặc lục bát biến thể với điệu hát bay bổng, ngân vang, nhất là vùng sông nước của quê hương Nghệ Tĩnh. Ai qua Sông Lam, Sông La không thể không xao lòng với giọng Ví đò đưa trong trẻo, man mác, nhất là trong đêm khuya thanh vắng: Gió nào gió thổi sau lưng; Dạ nào dạ nhớ người dưng thế này; Bóng trăng em tưởng bóng đèn; bóng cơn em tưởng bóng thuyền anh xuôi…Hát Ví hai bên cứ đối đáp đủ chuyện “trên trời dưới đất”, từ chữ nghĩa văn chương đến phong tục cuộc sống đời thường, những trách móc hờn yêu đến những khát vọng mộc mạc nhưng sâu lắng, thanh cao…có thể kéo dài mãi không dứt như cuộc sống bất tận của con người của quê hương Xứ Nghệ bất diệt.

Người Xứ Nghệ nghe Ví, Giặm từ trong nôi và học hát từ nhỏ trong gia đình, trong hàng xóm, trong sinh hoạt cộng đồng làng xã, tổ chức nghề nghiệp; rồi sau này là trong nhà trường, trên truyền thanh, truyền hình. Cũng có hình thức hát lẻ, nhưng Ví, Giặm chủ yếu là hát cuộc, hát đối đáp trong các sự kiện hoạt động của cộng đồng. Có thể nói tính cộng đồng, sản phẩm sinh hoạt cộng đồng là một đặc trưng nổi trội của Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh. Nó được biểu hiện ở khía cạnh sau:

1/. Chủ nhân sáng tác, sáng tạo nên Ví, Giặm là cộng đồng người, không phải là một cá nhân đơn lẻ. Người Xứ Nghệ nghèo về vật chất, nhọc nhằn trong cuộc sống, nhưng giàu về tình cảm, tâm hồn, vốn là cư dân thích hát, lại có giọng hát lạ, đậm đà man mác đến da diết; có năng khiếu sáng tác, ứng khẩu, chính là chủ thể sáng tạo và trao truyền Dân ca Ví, Giặm từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Thêm vào đó, Xứ Nghệ, nhất là vùng Hà Tĩnh có nhiều nhà thơ, nhà văn nổi tiếng như đại thi hào Nguyễn Du với Truyện Kiều, Nguyễn Huy Tự với Hoa tiên truyện, Nguyễn Công Trứ tài hoa với những bài ca trù và bao danh sĩ khác nữa. Họ là những bậc anh hào tài hoa luôn gắn với hát ví, vừa sáng tác, vừa tham gia “biễu diễn” đã đưa hát dân ca Ví, Giặm lên tầm cao hơn. Nhà nghiên cứu lão thành, lâu năm về văn nghệ dân gian Nghệ Tĩnh Ninh Viết Giao kể lại rằng: “Ông Nguyễn Tất Thứ trên “Tiểu thuyết thứ bảy” số thứ 6 năm 1944 đã đánh giá “…Hoa tiên truyện, Mai Đình mộng ký đến Đoạn Trường Tân Thanh,  văn phái Hồng Sơn là một con bướm vàng rực rỡ đã được dạo qua làn hương phấn của chùm hoa phong dao”[1].

Như vậy, nhân dân với tài năng sáng tạo của mình, từ tâm tư, hiện thực cuộc sống trên đất Xứ Nghệ đã sáng tác, sáng tạo ra Ví, Giặm. Nhà văn, nhà thơ đã tiếp sức để nâng tầm lời ca, câu thơ trở thành bất hủ, trường tồn.

2/. Hát dân ca Ví, Giặm chủ yếu diễn ra trong sinh hoạt cộng đồng với qui mô và không gian đa dạng

Hát Giặm có thể có lối hát kể đầu đuôi một câu chuyện, na ná như thể Vè, nhưng chủ yếu vốn là sinh hoạt văn hóa của cộng đồng. Ví dụ như hát ứng khẩu, sáng tạo đột xuất giữa con trai – con gái, đàn ông – đàn bà; hoặc là của một số người vốn thân quen, bè bạn diễn ra trong giờ rảnh rang về một vài sự việc nào đó của xứ sở hay ở nơi xa đồn đến. “Dăm ba o ngồi lại; Dặm ba dì ngồi lại; Trước là nghề canh cửu; Sau đàn hát cho vui…”. Hát Giặm thường diễn ra trong những đêm hội hè đình đám của làng xã hoặc là lối hát của những người cùng nghề như của thợ Phường Gặt, Phường Cấy, Phường Dệt vải, hay của những người lên rừng lấy củi. Đồng thời, hát Giặm thường diễn ra trong lúc trăng thanh gió mát, giữa con trai – con gái một làng hay nhiều làng…Những người thích hát và sính hát họp nhau thành đoàn, mỗi đoàn gồm 4-5 người, trong đó có một người cầm đầu, giữ vai trò “bẻ chuyện” đêm đêm rủ nhau đi tìm những nơi có đám hội hoặc đến làng có những hoa khôi, ái nữ, những người thợ cấy, thợ dệt vừa đẹp người, đẹp nết, lại tài hoa trong văn nghệ để vừa thi tài vừa bày tỏ tâm sự, tình cảm, vừa tỏ rõ bản lĩnh, nghị lực, vừa giải bày nỗi lòng rạo rực, cảm nhiều, nghĩ nhiều nhưng còn trầm lặng chưa có dịp tỏ bày.

Hát Ví cũng có thể hát một mình, gọi là hát ngâm (Ví đò đưa), nhưng thường là những cuộc hát có nhiều người, có tập thể  gái và trai để thực thi lối hát đối đáp phổ biến giữa trai – gái được diễn ra trong cộng đồng những người cùng nghề lao động chân tay như nghềlàm nông, nghề thủ công. Chúng ta đã biết nhiều về Ví Phường Cấy; Ví Phường Gặt; Ví Phường Vải, Ví Phường Nón, Ví Phường Đan, Ví Phường Chiếu, Ví Phường Củi, Ví Đò đưa, Ví Chăn trâu, Ví Phường Buôn (chè, cà, gạo, củ, rau…); nghĩa là Ví là đặc sản của sinh hoạt cộng đồng, sinh ra từ cộng đồng, tồn tại và phát triển cùng cộng đồng. Như vậy hát Ví chủ yếu là thể loại văn nghệ phục vụ cho công ăn việc làm của cộng đồng, của tập thể. Đồng thời hát Ví cũng là lối hát giúp vui vào những lúc hội hè, đình đám của cộng đồng. Như vậy, hát Ví nhằm ngợi ca và cỗ vũ sức lao động của con người và để biểu lộ và phát dương tình cảm của con người, điều đó không thể diễn ra ở một cá nhân đơn lẻ, mà phải được thực thi trong một không gian sinh hoạt của cộng đồng.

Có thể tóm lược một số hát ví của các cộng đồng đã được nhiều công trình miêu tả tỉ mỉ, nhất là trong tác phẩm “Hát giặm Nghệ Tĩnh”[2] và “Hát phường Vải”[3], “Hát ví Nghệ Tĩnh”[4].

Ví Chăn trâu gắn bó với sinh hoạt thơ mộng, hồn nhiên của tuổi trẻ các em chăn trâu trong không gian nông thôn Xứ Nghệ xưa và hé mở những ước vọng giản dị, rất chân thực, thẳng thắn của tuổi mới lớn “Năm ni em mắc chăn tru; Vài năm chi nữa về mần du mẹ thầy”.

Ví Phường Củi gắn với cộng đồng những người cùng nhau lên rừng đốn củi, thường được hát khi đang cùng nhau chặt củi, hoặc trên đường đi về, lúc đã trải qua những giây phút lao động nặng nhọc, sắp về đến làng, đến nhà nhằm khuyến khích, cổ vũ nhau làm việc để vơi quên sự mệt nhọc của nghề tiều phu. Phường Củi mỗi lượt đi cũng phải cả chục người đàn ông, con trai và vài người con gái, đàn bà. Công việc hái củi diễn ra từ sáng sớm đến chiều tối dưới nắng nóng gay gắt, hết sức nhọc nhằn. Trong bối cảnh đó, có tiếng hát Ví cất lên và kéo dài ngân mạnh nhiều lần với tiếng vang vọng của khe núi, tạo nên một âm thanh nghe có vẻ hoang dại nhưng vô cùng quen thuộc, làm cho mọi người dường như có thêm sức mạnh, những nặng nhọc, vất vả vơi đi, niềm vui được nhân lên. Có thể nói, hát Ví của cộng đồng những người cùng nhau lên rừng đốn củi ở Nghệ Tĩnh là một sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người Xứ Nghệ xưa. Một câu hát được cất lên, vừa dứt thì ở một góc rừng khác nổi lên câu đáp lại. Có thể người này nối tiếp người khác, câu này xướng thì câu khác họa, như một khúc nhạc cảnh, phản ánh chân thực cuộc sống của cộng đồng người Xứ Nghệ.

Ví Đò đưa thường là hát đối đáp giữa trai và gái khi 2 con đò trôi song song hay nối tiếp nhau, cùng nhau thả lưới, giăng câu trên những dòng sông đầy thơ mộng của Xứ Nghệ. Cũng có khi hành khách ngồi trên đò dọc, đò ngang cao hứng lại hát với nhau. Cuộc đời trôi nổi ngược xuôi trên sông nước, người đưa đò dễ cảm xúc hát lên khúc hát dân ca, vừa mộc mạc vừa da diết, dù có thể chỉ nhằm tỏ bày nỗi niềm riêng tư, song tiếng vang vọng của lời ca, giọng điệu đã cuốn hút lòng người, níu kéo mọi người vào cuộc so tài, trao truyền tình cảm, nên nó có tính cộng đồng như những điệu hát Ví khác.

Ví Phường Cấy là loại ví phổ biến nhất của nghề nông. Mùa cấy đến, với điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt và cuộc sống nghèo khổ ngày xưa ở nông thôn Xứ Nghệ, đàn bà, con gái ai ai cũng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” với biết bao nhọc nhằn, vất vả; nhưng đêm đến giờ nghỉ ngơi bằng hát ca Ví, Giặm. Nơi nào, nhà nào thuê được Phường Gặt có nhiều con gái đẹp là các cậu trai làng sở tại hay ở nơi khác tìm đến thi tài và trao gởi tình cảm. “Nhân đêm thong thả mát trời; Nghe tin bướm nhắn vội dời gót qua”. Bà con láng giềng nghe tin có hát Ví đối đáp nam – nữ đã kéo nhau đến ngồi chật cả sân, trờ thành khán giả cổ vũ cho buổi sinh hoạt văn nghệ cộng đồng thêm sống động, phong phú và có sức lan tỏa rộng trong dân chúng.

Ví Phường Vải không phổ biến ở mọi làng, mọi xã như Ví về nghề nông; nhưng ở những nơi có trồng dâu, nuôi tằm dệt vải, nhất là hai bên hồ sông La, sông Cả, sông Lam thì Ví Phường Vải thuộc loại Ví phong phú, được tổ chức quy củ, phức tạp hơn. Ở đây không chỉ là nơi diễn ra lời ca tiếng hát của chị em vừa kéo sợi xe tơ vừa hát để cổ động khuyến khích nhau cho công việc thêm vui vẻ, đỡ mệt nhọc; không chỉ là nơi hát đối đáp nam nữ, mà còn có sự tham dự của các nhà Nho. Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Huy Tự, Phan Bội Châu hầu như đã tham gia hát Phường Vải rất nhiều và cũng đã để lại nhiều giai thoại. Nhiều nhà Nho yêu nước cuối thế kỷ XIX đã sử dụng sinh hoạt cộng đồng của Ví Phường Vải để khích lệ thanh niên và chị em trong ngành dệt vải tham gia việc cứu nước, nuôi chí căm thù giặc. Sự tham dự của nhà Nho nhất là khi Nho học đã suy tàn, đã phần nào làm biến thể hát Ví Nghệ Tĩnh, nhất là Ví Phường Vải vừa nêu, làm cho nó có phần nặng nề, khúc khỷu, bớt tính dân gian, nhưng nó cũng không thoát khỏi đời sống cộng đồng nông thôn Nghệ Tĩnh, vẫn không phai mờ nét độc đáo mang tính thổ sản của quê hương Xứ Nghệ.

Những tóm lược trên đây chưa làm toát hết được thuộc tính dân gian, gắn kết với sinh hoạt cộng đồng của thể hát Ví, Giặm Nghệ Tĩnh; nhưng phần nào đã nói lên những đường nét cơ bản, những chiều kích chủ yếu trong nguồn gốc ra đời, chủ nhân sáng tác, sáng tạo và môi trường tồn tại, phát triển qua bao thời gian của thể loại dân ca Ví, Giặm. Đó là sản phẩm sinh hoạt cộng đồng của người Việt Xứ Nghệ xưa nay.

2.Từ những vấn đề trình bày trên đây, chúng tôi muốn góp ý kiến về việc bảo tồn và phát huy giá trị dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh trong xã hội đương đại. Có lẽ việc này không phức tạp như đối với một số loại hình văn hóa, di sản văn hóa khác vốn gắn bó với lễ nghi, lễ hội trong cuộc sống. Cuộc sống thay đổi, lễ nghi cả về hình thức và nội dung đều biến đổi, thậm chí đổi thay. Nên muốn bảo tồn phải “phục cổ”, phải “dựng lại”, hoặc ít ra cũng phải tổ chức lễ hội, điều mà không phải lúc nào và nơi nào cũng có thể làm được. Còn hát Ví, Giặm vốn là sản phẩm của sinh hoạt cộng đồng, được sản sinh ra trong quá trình sinh hoạt và lao động sản xuất của cư dân Xứ Nghệ. Cộng đồng và sinh hoạt cộng đồng thì thời nào và ở đâu cũng có. Cộng đồng còn thì sản phẩm hoạt động của nó, ví như hát dân ca Ví, Giặm sẽ còn. Thành phần cộng đồng, tính chất tổ chức và hoạt động của cộng đồng đã thay đổi theo sự biến đổi của xã hội thì nội dung ca từ, môi trường thể hiện cũng được canh tân, đổi mới; nhưng bản chất, thuộc tính của nó được thể hiện trong điệu hát, ca từ thấm đậm ngôn ngữ địa phương, phong cách thể hiện, chất giọng…vẫn mãi mãi trường tồn.

Quá trình sinh hoạt và lao động sản xuất dù có thay đổi về thời gian, không gian, ngành nghề, sự cố kết các thành viên, tính chất tổ chức hoạt động nhưng mãi mãi vẫn còn vì đó là cuộc sống con người, nên môi trường tồn tại của Ví, Giặm vẫn còn đó, nếu không nói ngày càng phong phú, đa dạng hơn trong cuộc sống của quê hương Nghệ Tĩnh và của đất nước hiện nay.

Quá trình giao lưu trong cuộc sống mới mang tính thống nhất của cả nước, giữa các vùng miền đã tạo điều kiện cho người Xứ Nghệ không còn bó hẹp trong vùng đất cằn cỗi nghèo khổ như xưa; tính cách người Xứ Nghệ đã có nhiều đổi thay trên nhiều phương diện. Ngay cả tại quê hương Nghệ Tĩnh, cái cảnh phổ biến của ngày xưa, hè đến là nứt đất, nẻ đồng, cạn cả khe suối, khô rốc cả giếng, ao, đầm hồ; bụi tỏa mù trời, lùa vào tận nhà ở, phủ lên cả đồ đạc…nay đã không còn nhìn thấy ở nhiều nơi nữa. Đồng ruộng bốn mùa xanh ngát với hệ thống thủy lợi, thủy nông khá hoàn chỉnh. Thêm vào đó là sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp, thương mại…làm cho quê hương Nghệ Tĩnh không còn là vùng “đất xấu”.

Ngày xưa, không chỉ chống chọi với thiên nhiên “bạc bẽo” mà con người Nghệ Tĩnh còn phải đương đầu với nhiều cơn khói lửa trong lịch sử. Nghệ Tĩnh đã từng là căn cứ địa của nhiều cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, là Nam Trấn, Trấn Địa, Thắng Địa thời phong kiến độc lập sau thế kỷ X. Thời cận, hiện đại, Nghệ Tĩnh cũng là vùng có những lúc có chiến tranh diễn ra hết sức ác liệt. Có thể nói rằng vùng đất này là một trong những vùng miền đã chứng kiến những lầm than của chiến tranh nhiều hơn trong trường kỳ lịch sử Việt Nam.

Trong điều kiện đó, người Xứ Nghệ trở nên gân guốc, khô khan, rắn rỏi về lý tính, về nghị lực. Nhưng phong tục vốn thuần hậu, con người chịu cực, chịu khổ, nhẫn nại, tằn tiện, tiết ước lâu ngày quen tính. Họ luôn vươn lên về lý trí và tâm hồn, yêu chuộng lý tưởng, yêu cuộc sống, tìm mọi cách, trong đó có lời ca tiếng hát để làm nguồn lực vươn lên. Tạo vật không ưu đãi, nhưng người Nghệ Tĩnh nhìn cảnh vật với biết bao tự hào, núi non kỹ vĩ, giăng dài như một bức bình phong, sông sâu nước trong, cuồn cuộn từ đại ngàn chảy xuống tưới dội cho những cánh đồng và con người nơi đây, những làng mạc, con đường to nhỏ với vô vàn loại đất có những màu sắc phong phú, những con dốc, những lưng đèo…vừa nên thơ vừa là những chướng ngại vật mà họ phải vượt qua trong cuộc sống. Sống giữa phong cảnh ấy, tâm hồn người Nghệ Tĩnh đã rung cảm kết hợp với tính lạc quan, quyết bền bỉ vươn lên…, nên sáng tạo ra những thể hát dân ca đặc sắc, trong đó có Ví, Giặm. Những tố chất ấy, Người Nghệ Tĩnh hôm nay vẫn còn!

Như vậy vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị dân ca Ví, Dặm Nghệ Tĩnh trong xã hội đương đại có nhiều điều thuận. Từ chủ thể sáng tạo ra nó, điều kiện môi trường và tính hứng khởi, mong muốn, ham thích của người dân là những yếu tố hết sức quan trọng cho việc bảo tồn và phát huy giá trị trường tồn của dân ca Ví, Giặm.

Dân ca Ví, Giặm do nhân dân sáng tạo nên, được sự tham gia tích cực của các thi hào, nhà Nho, những sĩ phu yêu nước từ thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX. Ngày nay, nhân dân vẫn là chủ thể tiếp tục sáng tạo, cách tân dân ca Ví, Dặm, lại được một đội ngũ Nghệ nhân dân gian đóng góp tích cực vào việc  truyền dạy và biểu diễn. Theo danh sách kiểm kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh năm 2012 có 803 nghệ nhân, trong đó có 19 nghệ nhân được vinh danh là Nghệ nhân dân gian, 51 câu lạc bộ Ví, Giặm với khoảng 1.500 thành viên. Đó là chưa kể đội ngũ nghiên cứu, sưu tầm, biểu diễn được tổ chức bài bản, chặt chẽ và hoạt động thường xuyên, có nhiều hiệu quả. Vấn đề được đặt ra là cần phải xây dựng các cộng đồng của xã hội mới và xây dựng chương trình sinh hoạt cộng đồng thật phong phú, gắn bó với thực tiễn cuộc sống đang diễn ra và động thái của nó trong tiến trình đổi mới hiện nay, để tạo môi trường sống, không gian văn hóa cho sự tiếp tục sáng tạo và nuôi dưỡng, phát triển dân ca Ví, Giặm trong xã hội đương đại. Chăm lo, bồi dưỡng, cỗ vũ, khuyến khích các nghệ nhân, nhất là Nghệ nhân dân gian đã được vinh danh làm hạt nhân cơ bản, giữ vai trò chủ chốt trong việc trao truyền nội dung, giá trị của Ví, Giặm trong các cộng đồng thôn xã, cộng đồng doanh nghiệp, tập thể học sinh, sinh viên, tuổi trẻ, trong các tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp… và cả trong các lễ hội lớn nhỏ khác nhau. Tiếp tục củng cố các tổ chức có nhiệm vụ, chức năng bảo tồn và phát huy di sản dân gian Xứ Nghệ ở tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh như các đoàn, nhà hát Nghệ thuật; đội ngũ nghiên cứu, sưu tầm, quảng bá và truyền dạy dân ca Ví, Giặm.

Hy vọng, dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh, công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại sẽ là cơ hội nâng cao lòng tự hào của người Việt Nam nói chung, người Xứ Nghệ nói riêng, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng địa phương, các cơ quan, ban ngành, lãnh đạo các cấp về Di sản Văn hóa quý báu của các thế hệ cha ông để lại, sẽ là cơ hội để vừa giúp nhân loại hiểu rõ “bản chất” của hát Ví, Giặm, vai trò của nó trong đời sống của cư dân, đồng thời là dịp, là điều kiện vừa  bảo tồn và phát huy cả nội dung, giá trị, vai trò của Ví, Giặm, để nó mãi trường tồn và không ngừng phát triển trong xã hội đương đại và cả trong tương lai./.

Phan Xuân Biên

[1]Ninh Viết Giao. Văn hóa văn nghệ dân gian Hà Tĩnh trong vùng văn hóa, văn nghệ dân gian Xứ Nghệ. Báo cáo khoa học trong Hội thảo kỷ niệm Hà Tĩnh 180 năm (1831-2011) tại Thành phố Hã Tĩnh (11/2011)

[2]Hát giặm Nghệ Tĩnh-T1 của Nguyễn Đổng Chi, NXB Tân Việt, Hà Nội, 1944; Tập 2 của Nguyễn Đổng Chi và Ninh Viết Giao, NXB Sử học, Hà Nội. 1962

[3]Ninh Viết Giao. Hát Phường Vải – NXB Văn hóa, Hà Nội, 1961.

[4]Nguyễn Chung Anh. Hát ví Nghiệ Tĩnh, NXB Văn Sử Địa, 1958

Nguồn VHNA

 Theo Nguyenduyxuan.net


  Các Tin khác
  + Bế mạc Lễ hội Du lịch và Ẩm thực Sen Nghệ An năm 2024 (02/12/2024)
  + Vượt lũy tre làng, nữ giám đốc HTX ở Hà Tĩnh đưa nước mắm biển Thiên Cầm xuất ngoại (12/11/2024)
  + Một cây cổ thụ là cây trôi đã sống 800 tuổi ở Hà Tĩnh được công nhận cây Di sản Việt Nam (26/09/2024)
  + Đến Hà Tĩnh, ngắm bình minh trên biển Hoành Sơn (17/09/2024)
  + Bản sắc SLNA - sự khác biệt tuyệt vời ở V.League 2024/2025 (31/08/2024)
  + Làng Đỏ - nơi”căm thù như biển lửa, đã đứng lên”… (31/08/2024)
  + Đại gia Trần Quang Luận và hệ sinh thái Thanh Thành Đạt nổi danh xứ Nghệ (15/08/2024)
  + Khát vọng Thanh Chương (11/08/2024)
  + Hà Tĩnh gặp mặt chúc mừng học sinh đoạt HCB Olympic Toán học quốc tế (02/08/2024)
  + Cầu Nhe - nơi ghi dấu tinh thần quả cảm của 53 liệt sỹ (23/07/2024)
  + Vô xứ Nghệ thăm quê Bác (13/07/2024)
  + Về lại Nậm Nơn (02/07/2024)
  + 48 giờ ở Nghệ An (17/06/2024)
  + Bến Thủy - cây cầu thế kỷ của xứ Nghệ (09/06/2024)
  + Đôi vợ chồng "thổi hồn" vào dân ca ví, giặm (06/06/2024)
  + 9 điểm du lịch hấp dẫn không thể bỏ qua khi đến miền Tây xứ Nghệ (26/05/2024)
  + Trần Đình Sơn - "cánh chim đầu đàn” của điền kinh Hà Tĩnh (25/05/2024)
  + Nghệ An: Cả làng kiếm bộn tiền từ con đặc sản "cưỡi máy bay xuất ngoại” (20/05/2024)
  + Chiêm ngưỡng hàng cây xà cừ cổ thụ trên quê hương Bác (20/05/2024)
  + Đổi thay trên quê hương Bác (20/05/2024)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 4
Total: 65979200

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July