Trang chủ Liên hệ       Chủ nhật, Ngày 08/09/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
  -  Đất và người Xứ Nghệ
  -  Dân ca Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Truyền thống Nghệ Tĩnh > Dân ca Nghệ Tĩnh >
  Ca từ trong ca khúc Hà Tĩnh Ca từ trong ca khúc Hà Tĩnh , Người xứ Nghệ Kiev
 

(Baohatinh.vn) - 1. Suốt chiều dài lịch sử, Hà Tĩnh là miền “biên viễn”, “phên dậu” và cũng là đất “giang sơn tụ khí”. Con người nơi đây “có thể ví như máu tụ đầu ngón tay, cung tên đặt trên lẫy nỏ”, kiên cường, bất khuất, phong tình, thủy chung bao đời đã thành đại tính cách, lặn vào suy tư, thấm đẫm trong tâm thức bao thế hệ.

Ca từ trong ca khúc Hà Tĩnh
Huyện Nghi Xuân chú trọng duy trì hoạt động của các CLB dân ca nhằm khơi dậy truyền thống yêu và hát dân ca trong đông đảo nhân dân. Ảnh: Anh hoài

Ấy là gốc rễ, là nguồn mạch nuôi dưỡng, nhuần thắm cho văn chương, nghệ thuật, trong đó có âm nhạc. Nửa sau thế kỷ XX đến nay, trong nền âm nhạc Việt Nam đa thanh, đa điệu có rất nhiều ca khúc hay về miền quê Hà Tĩnh. Âm nhạc đã phản ảnh cốt cách đất và người Hà Tĩnh theo đặc trưng riêng của thể loại, trong đó ngôn ngữ/ ngữ điệu ca từ giữ một vai trò vô cùng quan trọng.

2. Giáo trình Ca từ trong âm nhạc Việt Nam chỉ rằng: “Trong loại hình nghệ thuật âm nhạc, ngoài phần âm thanh đóng vai trò chính, còn phải dùng đến ngôn ngữ (…) đó là phần ngôn ngữ văn học trong âm nhạc (…) Tất cả phần ngôn ngữ văn học trong âm nhạc ta gọi chung trong một khái niệm: ca từ”.

Ca từ trong ca khúc là hệ thống những ngôn ngữ văn học, sắp xếp, cấu trúc theo quy luật ngôn ngữ để chuyển tải ý nghĩa nội dung; và ca khúc chỉ gây được hiệu ứng mạnh, sâu và lâu nhất nơi người nghe khi ngôn ngữ lời ca tuân thủ quy luật của âm nhạc là ngữ điệu/ âm thanh - ngôn ngữ đặc thù của loại thể nhạc hát.

Từ những suy nghĩ trên, chúng tôi khảo sát trong 180 ca khúc ở tập Ca khúc Hà Tĩnh và thấy những đặc điểm riêng, như là những giá trị của ca từ:

2.1. Ca từ trong ca khúc Hà Tĩnh đã phản ảnh hiện thực đấu tranh chống ngoại xâm để gìn giữ Tổ quốc, quê hương và chống thiên tai khắc nghiệt để tồn tại và phát triển một cách phong phú, đa dạng mà trung tâm là tình yêu, là lý tưởng của con người Hà Tĩnh. Những đề tài ca từ trong ca khúc Hà Tĩnh đề cập, nói cách khác, những đối tượng thu hút sự quan tâm, tác động vào tư duy, tình cảm của các nhạc sỹ, có thể điểm được như sau:

Trước hết là viết về Bác Hồ, lãnh tụ Đảng và các danh nhân:

Thành Sen hoa nở (Thuận Yến), Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví giặm (Trần Hoàn), Bài ca Hà Tĩnh (Đỗ Dũng), Trần Phú đẹp mãi tên Anh (Trịnh Ngọc Châu), Trên quê hương Hà Huy Tập (Sỹ Chinh), Bên tượng đài Bác (Trương Quốc Đính), Người con Uy Viễn (Xuân Hải), Khúc ca từ Giang Đình (Mai Cường)…

Thứ hai là viết về chiến công oanh liệt và những hy sinh cao cả của quân dân Hà Tĩnh trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm: Vui mở đường (Đỗ Nhuận), Nhớ về Hà Tĩnh (Giang Minh Thực), Hà Tĩnh trên đường chiếnthắng (Thái Quý), Đường về Hà Tĩnh (Vĩnh An), Người con gái Sông La (Doãn Nho), Mười cô gái ở Ngã ba Đồng Lộc (Huy Thục).

Thứ ba là viết về quê hương nghèo khó mà nghĩa tình, thơ mộng, hùng vĩ: Bài ca Hà Tĩnh (Đỗ Dũng), Quê mình quê thơ (An Thuyên), Bây chừ Hà Tĩnh (Nguyễn Đình Bảng), Nơi ấy quê mình (Mạnh Chiến), Hà Tĩnh quê mình (Ngọc Thịnh), Hồn quê (Hồ Hữu Thới), Bồng bềnh Hương Tích động (Xuân Thủy), Hà Tĩnh địa linh nhân kiệt (Đức Trịnh).

Viết về các phong trào lao động sáng tạo trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội: Người đi xây hồ Kẻ Gỗ (Nguyễn Văn Tý), Câu hò trên những dòng kênh (Đinh Quang Hợp), Hương Sơn - hương núi - hương đời (Đỗ Hồng Quân), Tuổi trẻ Hà Tĩnh hôm nay (Trọng Đài), Quê mình bên dòng Ngàn Sâu (Nguyễn Đình Đức), Nhớ thành phố của tôi (Nguyễn Văn Cảnh)…

2.2. Hà Tĩnh là quê hương của dân ca Xứ Nghệ, một loại hình dân ca nhiều làn điệu, lời hay, ý đẹp cũng là quê hương của thơ, chất thơ thấm đẫm trong hồn cốt con người, trong thiên nhiên hùng vĩ và thơ mộng đã góp một phần không nhỏ làm nên ngôn ngữ thơ ca trong ca từ. Ca từ trở thành một loại thể nghệ thuật phản ảnh cuộc sống bằng phương thức đặc trưng: biểu hiện, trữ tình. Và như vậy, ca từ gắn chặt với xúc cảm và rung động của nhạc sỹ đến mức xúc cảm ấy, rung động ấy truyền sang người nghe, làm lay thức tâm hồn, tình cảm, suy nghĩ của họ.

Trong “180 ca khúc Hà Tĩnh”, không ít bài ca từ lấy nguyên hoặc phỏng theo thơ: Gửi Sông La của Lê Việt Hòa (thơ Hoàng Thị Minh Khanh), Vỗ bến Lam chiều của Trần Hoàn (thơ Thúy Bắc), Qua Đèo Ngang của Phan Huỳnh Điểu (thơ Bà Huyện Thanh Quan), Núi Hồng - sông La của Quốc Việt (thơ Xuân Hoài), Linh chuông Đồng Lộc của Đức Trịnh (thơ Lê Cảnh Nhạc), Hồn quê của Hồ Hữu Thới (thơ Nguyễn Sỹ Đại)…

Khá nhiều ca từ có cấu tứ, ngôn ngữ thơ, là một bài thơ như Lung linh Hà Tĩnh của Huy Thục: Khúc ca trù Cổ Đạm/ Bồng bềnh sông nước Nghi Xuân/... Sông La gọi sông Lam, chứa chan bao tình nghĩa/ Sông Ngàn Phố Ngàn Sâu/ thuyền anh mãi đi đâu/ Để sông đợi bến chờ… Hoặc ca từ Hà Tĩnh mình thương của An Thuyên: Giờ về ta ngược sông La/ Đi trên con đò thuở nhỏ/ Mái mô chân em còn vương bụi phấn/ Tóc xanh buông mây trong gió chiều/ Nghe câu đò đưa mát ngọt/ Giọng quê nôn nao vang ráng chiều…Một mình với Sông La của Tân Huyền là một bài thơ có cấu tứ chặt chẽ, ngôn ngữ đẫm chất trữ tình: Tôi xa quê và tình yêu đánh mất/ Tuổi học trò đâu lỗi của riêng ai/ Một mình với sông La/ Dẫu rằng chân trời ước mơ còn xa… Ca từ của Nguyễn Trọng Tạo trong Đồng Lộc thông ru: Nhớ một thời kháng chiến/ Con đường trên tay em/ Nhớ một thời con gái sao ngời trong mắt trong/ Giờ nhìn tượng đài cao/ Tóc xanh vờn mây gió v.v...

Nao nao lòng đứa con ở nơi xa
Bùi Lê Mận trong phút thăng hoa cùng "Điệu ví dặm là em". Ảnh: internet

Trên đây là một số rất ít dẫn chứng trong số khá nhiều ca từ - bài thơ “khiến ta xúc động với niềm vui, nỗi buồn, thú say mê, sự đau khổ, nỗi lo lắng, niềm an tâm (Biêlinsky).

Làm được điều đó, các nhạc sỹ đã bằng tài năng sử dụng tiếng Việt trong ca từ khá thành công.

Thứ nhất: Sự kết hợp ngôn ngữ phổ thông với phương ngữ (mô, tê, răng, rứa chừ, chi, nỏ…) tạo ra những giá trị có tính hình tượng lớn hơn một đơn vị ngôn ngữ (từ, câu, đoạn văn...), giúp nhạc sỹ truyền tải được những chủ ý nghệ thuật tới người nghe một cách hiệu quả nhất đồng thời nó làm cho lời và âm thanh/ ngữ điệu gần gũi, có bản sắc vùng miền khiến hiện thực được phản ảnh trở nên sinh động hơn. Bên cạnh đó, hư từ được sử dụng, ngoài chức năng biểu hiện quan hệ ngữ pháp giữa các thực từ, làm nhiệm vụ đệm, láy, còn tạo nên âm thanh cho lời ca: ơ, hơ, hờ, ư , hự… Rồi cách sử dụng biện pháp tu từ ẩn dụ, so sánh hiệp vần, điệp ngữ…

Thứ hai, ca từ trong ca khúc Hà Tĩnh thể hiện khá rõ cấu trúc câu, bài, theo kiểu cấu trúc câu, bài của lời ca làn điệu cổ truyền như ca trù, ví, giặm, sắc bùa.

Ví dụ: Kiểu cấu trúc lời ca ca trù trong Duyên nợ Nghi Xuân của Ngọc Thịnh: Một chiều Nghi Xuân, nắng hoe vàng rụng xuống bóng thi nhân/ Giang san ở lại, áo nâu rũ bụi tình tang trần thế người về… Rồi kết: Ấn tình người duyên nợ Nghi Xuân/ Mảnh đất anh hùng, đất thi nhân…

Hay: Mái chèo Thiên thu của Phó Đức Phương, với: Ngược dòng sông La, mái chèo bàng hoàng/ Nước trời như the, như lụa/ Hoan châu ngày ấy… Rồi kết: Xin cúi đầu trước dòng ư ư xanh... Ví ở ca từ Hương Tích động của Xuân Thủy: Ơ Ngàn Hống mây bay gió về Thiên Lộc/ Dừng bước nơi đây sơn thủy hữu tình/ Tháng hai tụ hội thì về/ Đất trời rộng mở lặng nghe kinh cầu… Hát giặm trong Đi mô cũng nhớ về Hà Tĩnh của Nguyễn Văn Tý: Đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh/ Nhớ núi Hồng Lĩnh/ Nhớ dòng sông La/ Nhớ biển rộng quê ta/ Những cánh đồng muối trắng/ Tình sâu (mấy) nghĩa nặng/ Biển ta lại nhớ rừng/ nên chi giữa đồng bằng/ Gió ngàn bay (i ) về/ Tìm âm vang sóng vỗ… Ví chuyển giặm trong Người con gái Sông La của Doãn Nho - (ví): A… ha… hơ... Trời mô xanh bằng trời Can Lộc. Nước mô xanh bằng dòng nước sông La. Ai về Hà Tĩnh mà quê ta. Nhớ chăng, nhớ chăng đôi mắt hơ hơ... hơ… người con gái sông La kiên cường hơ hơ… (chuyển giặm): Người con gái quê ta/ Đôi mắt xanh tựa ngọc/ Đôi giọt nước sông La / Thương như trời quê ta…

Thứ ba, tên/ tít bài có danh từ chiếm số lượng rất lớn: 127 danh từ/180 tên/tít bài ca từ. Trong đó danh từ chỉ địa danh tự nhiên (sơn danh và thủy danh): 34; danh từ chỉ địa danh hành chính: 84 (danh từ Hà Tĩnh chiếm đến con số 35); danh từ chỉ nhân vật, sự kiện lịch sử - văn hóa: 9; danh từ chỉ địa danh hành chính tạo nên tính hiện thực cho ca từ nhưng không gợi ra được những ý niệm trừu tượng, những triết lý và những thông điệp tinh thần.

3. Không thể tránh khỏi những ca khúc có ca từ công chúng chưa hài lòng. Chúng ta dễ nhận ra những lời ca nghèo từ, sáo mòn, yếu về ý tưởng, mờ nhạt triết lý nhân sinh. Và như thế, nếu ca từ có trước thì âm nhạc sẽ phải nỗ lực gồng mình để bảo đảm quy luật, nếu âm nhạc có trước thì ca từ sẽ bộc lộ sự bất lực trước yêu cầu bảo đảm tính văn học của ca khúc. “Nếu cả hai phương diện được sáng tác đồng thời, mỗi phương diện phải thay phiên để thay đổi nhau nỗ lực nâng đỡ nhau” (Hoàng Ngọc Tuân) nhằm tới một tác phẩm âm nhạc toàn bích.

4. Từ những điều đã trình bày ở trên và từ tính thẩm mỹ văn chương của âm nhạc Hà Tĩnh, Tạp chí Âm nhạc của Hội Nhạc sỹ Việt Nam nên mở thêm chuyên mục với nội dung: quan hệ ca từ và âm nhạc, để trao đổi, luận bàn nhằm mục đích làm cho tác phẩm âm nhạc giàu tính biểu hiện và chất trữ tình. Các chi hội âm nhạc ở địa phương nên tăng cường quan hệ giao lưu với Chi hội Nhà văn, Hội VHNT trên địa bàn hướng vào mối quan hệ giữa âm nhạc và thơ ca trong lời ca. Hội Nhạc sỹ Việt Nam nên bảo trợ cho các chi hội nhạc sỹ các địa phương thực hiện quy hoạch/kế hoạch/chương trình đào tạo các tác giả sáng tác âm nhạc trẻ tuổi, trong đó quan tâm việc cách tân, nâng cao chất lượng ca từ trong mối tương tác âm nhạc/ ngôn từ.

5. Nhạc sỹ có nhiều phương pháp, thủ pháp trong nghệ thuật viết ca từ mà trọng tâm là sử dụng ngôn ngữ nhằm tới cái gốc rễ, cái cốt lõi của âm nhạc là tình cảm, là sự hòa nhập vào điệu tâm hồn của cộng đồng. Bao trùm đời sống âm nhạc của chúng ta là như vậy.

-------------------

(*) Ca từ trong Ca khúc Hà Tĩnh đề cập ở bài viết này giới hạn trong tập “180 Ca khúc Hà Tĩnh” do Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh xuất bản năm 2012.

Nhà văn ĐỨC BAN


  Các Tin khác
  + Bản sắc SLNA - sự khác biệt tuyệt vời ở V.League 2024/2025 (31/08/2024)
  + Làng Đỏ - nơi”căm thù như biển lửa, đã đứng lên”… (31/08/2024)
  + Đại gia Trần Quang Luận và hệ sinh thái Thanh Thành Đạt nổi danh xứ Nghệ (15/08/2024)
  + Khát vọng Thanh Chương (11/08/2024)
  + Hà Tĩnh gặp mặt chúc mừng học sinh đoạt HCB Olympic Toán học quốc tế (02/08/2024)
  + Cầu Nhe - nơi ghi dấu tinh thần quả cảm của 53 liệt sỹ (23/07/2024)
  + Vô xứ Nghệ thăm quê Bác (13/07/2024)
  + Về lại Nậm Nơn (02/07/2024)
  + 48 giờ ở Nghệ An (17/06/2024)
  + Bến Thủy - cây cầu thế kỷ của xứ Nghệ (09/06/2024)
  + Đôi vợ chồng "thổi hồn" vào dân ca ví, giặm (06/06/2024)
  + 9 điểm du lịch hấp dẫn không thể bỏ qua khi đến miền Tây xứ Nghệ (26/05/2024)
  + Trần Đình Sơn - "cánh chim đầu đàn” của điền kinh Hà Tĩnh (25/05/2024)
  + Nghệ An: Cả làng kiếm bộn tiền từ con đặc sản "cưỡi máy bay xuất ngoại” (20/05/2024)
  + Chiêm ngưỡng hàng cây xà cừ cổ thụ trên quê hương Bác (20/05/2024)
  + Đổi thay trên quê hương Bác (20/05/2024)
  + Sáng tháng Năm về thăm quê Bác (16/05/2024)
  + Xúc động Chương trình nghệ thuật “Làng Sen nuôi chí lớn” (10/05/2024)
  + Ngược biên giới gặp anh nông dân hiến tặng 4.000m2 đất xây trường (10/05/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Gặp người lính "khoét núi, ngủ hầm" (08/05/2024)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 5
Total: 63479143

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July