Trang chủ Liên hệ       Thứ tư, Ngày 17/04/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
  -  Đất và người Xứ Nghệ
  -  Dân ca Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Truyền thống Nghệ Tĩnh > Dân ca Nghệ Tĩnh >
  Dân ca Nghệ An: ký ức NSND Hồng Lựu Dân ca Nghệ An: ký ức NSND Hồng Lựu , Người xứ Nghệ Kiev
 

Sau bao hẹn hò, cuối cùng thì tôi cũng gặp được chị. Chị không phải nữ hoàng hậu trong bộ xiêm y lộng lẫy hay bà mẹ nghèo áo nâu, không phải cô gái sông Lam đang cất giọng chèo đò hay Nguyễn Thị Minh Khai hiên ngang, khí tiết… , người phụ nữ bé nhỏ bình dị giữa muôn mặt người thành phố chiều ấy, khi ngồi trước mặt tôi chỉ còn là một người con xứ Nghệ yêu dân ca đến cháy lòng.


NSND Hong Luu

m ấy, Đoàn văn công Tổng cục Hậu cần về qua xóm nhỏ Đông Thượng, xã Đồng Văn, Thanh Chương. Có một cô bé 4 tuổi cứ ríu rít với mấy cô văn công, rồi thích hát đến nỗi, tối đó, khi đoàn biểu diễn, cô bé ấy được động viên cũng lên sân khấu và đứng hát say sưa những bài dân ca thuộc được từ lời mẹ, lời bà ru. Rất đông bà con đến xem đã cổ vũ cho “con sơn ca bé nhỏ” của làng mình. Cô bé vui lắm vì tối đó còn được nhận phần quà là bộ váy của một cô văn công.

Từ đó, những buổi văn nghệ xóm không thể thiếu tiếng hát của cô bé Lựu. Lớn hơn lên, giọng ca ấy đã đem về không ít thành tích cho ngôi trường cô học với những bài hát được chính cha cô viết lời trên làn điệu dân ca về các phong trào được phát động thời bấy giờ trong lứa tuổi học sinh như phong trào bắt bướm trừ sâu, làm kế hoạch nhỏ, đường làng sạch đẹp…

Trong gia đình NSND Hồng Lựu có 7 anh chị em, cô con gái thứ 3 dường như có một thế giới riêng để say mê.. Khi bà hát ru em, cô bé lặng nghe nơi góc nhà. Bà ngồi thái rau lợn, cô bé giống như cây nấm nhỏ ngồi bên, tròn xoe đôi mắt vừa xem bà làm vừa đòi bà dạy hát. Xem tích chèo Tấm Cám, luôn mơ mình được đóng vai cô Tấm, cô bé về nhà lại ngồi cầm quạt hát một mình. 

Đến 8 tuổi, được giao nhiệm vụ rửa bát hàng ngày, sau mỗi bữa cơm, bê chồng bát cao vậy mà vừa đi vừa nhảy, vừa hát. Có hôm đánh vỡ cả chồng bát, bà bắt phạt đứng khoanh tay mãi, vậy mà sau đó vẫn “chứng nào tật ấy”. Bà đành nghĩ ra một kế: “Lựu này, cháu hát khi múc nước ấy, giọng hát từ giếng nước vọng lên sẽ hay hơn nhiều.” Cô bé Lựu nghe theo, không hát khi bê bát nữa, mà lại hát say sưa hơn mỗi khi cúi mình kéo nước. Lúc ấy, giọng cô vang vang ấm lạ, lại thấy bóng mình đang cười thật xinh dưới đáy nước trong. Nhưng không ít lần, mải hát, cô bé thả cả gầu dưới giếng.
 
Cho đến giờ, khi đã thành danh, có cuộc sống đầm ấm nơi phố thị thì ký ức một miền quê ngan ngát bãi bồi, mướt cỏ bờ đê, sông Lam chảy chậm vẫn khôn nguôi nhớ nhung trong lòng NSND Hồng Lựu. Chị vẫn thấy mình là cô bé ngày xưa ấy, nghe văng vẳng đâu đây tiếng người dưới sông hát với người đi cỏ, người bên này hát với người bên kia sông và lũ trẻ mục đồng, lũ trẻ thong thả dong trâu về trong chiều hôm tím sẫm. Chị vẫn thấy mình lẫn trong đám quang gánh củi cỏ ấy, hát rủ nhau: “ Trăng lên đến đó rồi tề/ Đỡ quang, đỡ gánh ta về ơ bay”. Lạ thế, ngày xưa ấy, nói với nhau, rủ nhau đi về cũng bằng lời hát. Không ít lần mải đối đáp mà quên cả liềm trong bãi ngô, rồi quên cả trời tối. Có lần mẹ với bà phải nhao nhác gọi tìm…

NSND Hồng Lựu ngồi và trầm ngâm nhớ. “Làm nên hình hài, vóc dáng con người tôi bây giờ là có những bài ca của bà, của mẹ, của những người dân chân chất quê tôi, là núi đồi, sông nước vời vợi ân tình-mảnh đất mình lớn lên bằng hạt gạo trong lòng nó. Mà suy cho cùng, có ai không lớn lên bởi chính những điều như vậy?” Hồng Lựu luôn nghĩ, dân ca vốn ở sẵn, đằm sâu trong lòng mỗi người, và nó chính là lòng người đấy. Nếu không biết khơi dậy thì nó nằm yên lặng, nó chỉ nằm yên lặng thôi chứ không phải bị mất đi đâu…Vì vậy, chị đã luôn trăn trở với ý tưởng “khơi dậy” dòng suối mát lành ấy trong lòng mỗi người.

Khi lựa chọn vào trường nghệ thuật thay vì trường Luật như mong mỏi của gia đình, rồi ngay cả sau này khi ra nhận việc ở Đoàn Dân ca Nghệ An, diễn những vai diễn đầu tiên, chị mới chỉ nghĩ: mình yêu dân ca, hát nó vì nó hay, vì thấy mỗi lời ẩn chứa bao điều sâu sắc, là trí tuệ, tâm hồn của con người. Mình đi hát dân ca cũng là một nghề đơn thuần, như bao công việc khác, hơn chăng đó là một công việc mà mình vô cùng yêu thích. Nhưng rồi, bắt đầu từ một buổi biểu diễn tại Rạp Bến Thành năm 1997, cũng là lần đầu chị đi biểu diễn tại các tỉnh phía Nam, chị đã nghĩ khác…. Lần ấy, Hồng Lựu hát bài “Phụ tử tình thâm”. Lúc chị hát câu: “Khi cúng hương, cúng lửa/ Khi vào bái, ra quỳ”, chị đã nhìn thấy nhiều người lau nước mắt. Thoáng nghĩ, có lẽ bài hát làm xúc động những người xa quê, nhớ quê, nhớ cha mẹ. Nhưng không phải, cả một sân bãi mênh mông hàng ngàn con người đang lặng đi. Khi chị cúi chào lần thứ 2, rồi thứ 3, vẫn không nghe tiếng vỗ tay. Chỉ nghe có tiếng khóc rõ dần, lan dần. Tất cả đã ào lên sân khấu ôm chị khóc. Khi chị ra về rồi, một bà mẹ (sau này chị biết đó là mẹ của Giám đốc Công ty Cao su Phú Riềng) đã níu lấy xe của Đoàn Dân ca Nghệ An: “Hồng Lựu ơi, cho bác về quê với. Nghe con hát, bác muốn về quê lắm con ơi!”. Cũng từ đêm hát ấy, ông Phan Thiệu Cơ, là cháu cụ Phan Bội Châu hiện đang sống tại T.P Hồ Chí Minh đã đánh xe chở cả gia đình đi theo đoàn suốt những đêm lưu diễn.

Lúc ấy, NSND Hồng Lựu mới vỡ lẽ: Mình thật nông cạn. Hát dân ca nhiều là thế, yêu dân ca là thế, mà chưa hiểu hết dân ca. Bây giờ mới thực sự hiểu điều giản dị vẫn thường nói: Dân ca là máu thịt! Điều ấy, kỳ diệu thay, chị lại được ban tặng bởi chính những khán giả của mình. Sau đêm đó, trong hành trình lưu diễn, đêm hát nào, Hồng Lựu cũng nghẹn ngào giữa sân khấu. Từ ấy, chị luôn trở trăn, khao khát để hát dân ca bằng hồn cốt của một người xứ Nghệ. 

Có thể thấy, dấu ấn NSND Hồng Lựu thật rõ ràng, riêng biệt, không trong chỉ bởi giọng hát “hồn cốt” ấy, mà mỗi vai diễn, dường như có sự kết duyên từ tình yêu nồng nàn của chị với nhân vật. Chị yêu và sống trong mỗi nhân vật, như ao ước được là chính mình, như ao ước được thể hiện cái tính cách của người xứ Nghệ quê mình. Những vai chị đảm nhận, từ cô gái sông Lam tới vai bà Hoàng Thị Loan…đều mang chiều sâu tính cách mà chị muốn gửi gắm. Ấy là dù khổ đau mấy vẫn kiên cường, mạnh mẽ. Mạnh mẽ đấy, mà không thái quá. Khi kịch bản xây dựng một tính cách nhân vật quá bi lụy, chị xin phép được sửa, được diễn một lối diễn khác hơn đi. Bao giờ, nhân vật của chị cũng tìm được một lối thoát đầy bao dung, tràn ngập thứ tha. Ngay ở vở kịch nổi tiếng một thời của tác giả Vũ Hải “Nỗi đau lòng mẹ”, chị cũng đã chọn cái kết là bài “Phụ tử tình thâm” để nhắn gửi về sự bao dung của lòng mẹ.

Ở cả những vai phản diện, chị cũng hướng tới điều đó. Nhân vật của chị có thể “ăn to, nói lớn”, nóng tính, cộc cằn hay mộc mạc nhưng chìm sâu là sự chịu thương chịu khó, kiên cường và yêu thương. Yêu là yêu hết lòng hết dạ, ghét tưởng chừng xúc đổ đi, ấy nhưng xét tận cùng là sự đấu tranh quyết liệt với cái xấu, cái mình ghét để thương hơn. Có yêu thương mới chỉ cho nhau cái sai, cái khuyết. Và chị rút ra, mỗi câu ví, câu dặm cất lên, không có gì khác ngoài một chữ “Tình”. Hãy lắng nghe xem, người xứ Nghệ nói: “Bao giờ Hồng Lĩnh hết cây/ Sông Lam hết nước thì đó với đây mới hết tình”. Hãy đi hết bài ca, để thấy cái rộng lượng, phóng khoáng mà rất “đằm”: “Chàng mà đối đặng thiếp theo không chàng về”. Chao ơi, cái “theo không” mới hào hiệp làm sao. Rồi trên cả son sắt, thủy chung, ấy là “chắc”: “Đã thương thì thương cho chắc”. Kỳ lạ thế là con người xứ Nghệ. Hồng Lựu say sưa nói, và chị nói một điều tưởng rằng thật xa xôi mà quá chừng đúng đắn: Không chỉ tìm hiểu tính cách người Nghệ để diễn, để hát dân ca đâu, mà chính nhờ dân ca để tôi hiểu được người dân quê mình.

Từ năm 20 tuổi, NSND Hồng Lựu đã luôn được các đạo diễn yên tâm lựa chọn giao những vai người phụ nữ xứ Nghệ. Chị hạnh phúc vô cùng với điều đó. Khó có thể kể hết những kỷ niệm đáng nhớ về cuộc đời nghệ sỹ, khó có thể kể hết về những thành tích mà chị có được, cũng như khó kể hết được nỗi nhọc nhằn của sân khấu dân ca, nhưng với Hồng Lựu thì “biết đâu, những khó khăn, thử thách, ấy cũng là may mắn”. Từ khổ đau, thiếu thốn, mới cho mình ý chí vươn lên, cho mình sức mạnh chiến thắng. “ Như tính cách bao đời người xứ Nghệ vậy”.

Và thẳm sâu trong mạnh mẽ ấy, vẫn chỉ là những điều bé nhỏ, giản dị: “Tôi thấy yêu cuộc sống của mình bây giờ, một gia đình nhỏ, đầm ấm. Không thật giàu có, nhưng vẫn sẵn sàng lấy tiền lương của mình đổ xăng, rong ruổi xuống xã, xuống huyện, tìm đến những nghệ nhân dân gian, những câu lạc bộ dân ca để xem, để nghe, để động viên họ và cũng như một cuộc hành hương tìm kiếm những điều còn khuất lấp ở chính mình”.

45 năm tuổi đời, gần 30 năm tuổi nghề, NSND Hồng Lựu- Phó Giám đốc trung tâm bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ, với bao nhiêu hồi ức đã ngồi lại bên tôi trong một chiều như thế. Để tôi hiểu rằng, dân ca có thể là dòng suối, có thể là ngọn lửa đang cháy trong lòng chị và từ đây nó sẽ được thắp lên, được khơi nguồn trong lòng mỗi con người chị gặp, mỗi khán giả nghe chị hát…

Thùy Vinh
Theo Vietnamnet

Khách của VTV3 - NSƯT Tiến Dũng & NSND Hồng Lựu Đăng tải Hồ Sỹ Trúc


  Các Tin khác
  + Ngắm cây cầu dài nhất tuyến cao tốc Bắc - Nam sắp hoàn thành (07/04/2024)
  + Khám phá vẻ đẹp huyền bí hang Dơi Khét trên núi Phá Èn (07/04/2024)
  + Ở một xã của tỉnh Nghệ An có con đường hoa gạo đỏ rực, người ta kéo đến quay phim, chụp ảnh (03/04/2024)
  + Vui hội đền Chín Gian (23/03/2024)
  +   Đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh Khu lưu niệm Đại tướng Chu Huy Mân (17/03/2024)
  + Tưng bừng khai hội Đền Thanh Liệt năm 2024 (17/03/2024)
  + Công an Nghệ An xứng danh anh hùng, đồng sức đồng lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân (10/03/2024)
  + Những chiến sĩ áo trắng vùng biên: Quyết không bỏ nghề, tất cả vì sức khỏe nhân dân (06/03/2024)
  + Về "làng Khoa bảng " xem bà con nông dân làm du lịch (06/03/2024)
  + Dòng sông Mai Giang chảy qua thị xã nào của Nghệ An, có lễ hội gì mà vạn người trên bờ cổ vũ? (02/03/2024)
  + Nghệ sĩ Lê Thanh Phong và hành trình đưa ví, giặm vượt biên giới (01/03/2024)
  + Nhiều viên gạch quý hiếm tại đền thờ Trạng nguyên Hồ Hưng Dật (01/03/2024)
  + Lưu mãi nét đẹp văn hoá Thổ ở làng Mo Mới (01/03/2024)
  + Nghĩ về dòng chảy di sản văn hóa xứ Nghệ (01/03/2024)
  + Đặc sản thịt chua xứ Nghệ vào vụ Tết (30/01/2024)
  + Biển Cửa Lò ở Nghệ An có từ bao giờ, cái tên Thiên Cầm ở Hà Tĩnh sao lại liên quan đến Hồ Quý Ly? (30/01/2024)
  + Một cây cổ thụ 700 năm tuổi ở Hà Tĩnh tương truyền cứu vua Lê Thái Tổ nay vẫn xanh um, quả thơm khắp làng (30/01/2024)
  + TẢN MẠN CHUYỆN Ở XÓM... (02/11/2023)
  + Ngôi chùa nhà Trần với tích tiên nữ giáng trần dạo chơi, rửa chân ở Hà Tĩnh có gì đặc biệt? (16/10/2023)
  + Làng cổ ở Nghệ An là làng duy nhất của Việt Nam có tới 3 nhà khoa bảng giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám (16/10/2023)
Playlist

GIỚI THIỆU
 

Kính thưa quý độc giả 

Website nguoixunghekiev.vn

hoạt động chính thức từ tháng

10/2012. và  phi lợi nhuận.

Trang tin đăng tải tin tức 

của cộng đồng người Việt tại Kiev

và toàn Ucraina, đồng thời lấy tin 

từ các trang báo mạng khác trên

nguyên tắc trích dẫn nguyên bản 

đường nguồn chính. Là những

người làm báo không chuyên nên

chắc chắn sẽ gặp sai sót không

mong muốn, chúng tôi sẽ tiếp thu 

chân thành những góp ý xây dựng 

của quý độc giả để cho trang tin 

ngày càng hoàn thiện hơn, xin gửi

về mục liên hệ trên mặt báo hoặc

Email: hosytruc@gmail.com

ĐT: 093-712-24-57

093-973-97-39

Xin trân trọng cảm ơn.

Biên tập: Hồ Sỹ Trúc

 

 

 
 
 

 

 


QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 60165030

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July