Trang chủ Liên hệ       Thứ năm, Ngày 25/04/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
  -  Đất và người Xứ Nghệ
  -  Dân ca Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Truyền thống Nghệ Tĩnh > Đất và người Xứ Nghệ >
  HẤP DẪN TRÒ CHƠI DÂN GIAN TRONG LỄ HỘI XUÂN HẤP DẪN TRÒ CHƠI DÂN GIAN TRONG LỄ HỘI XUÂN , Người xứ Nghệ Kiev
 

- Đến với các lễ hội mùa Xuân trên khắp các vùng quê xứ Nghệ, người dân và du khách thập phương không chỉ được hòa mình trong không gian lễ hội linh thiêng, mà còn bị cuốn hút vào các trò chơi dân gian hấp dẫn.

Trong hình ảnh có thể có: 3 người, mọi người đang chơi thể thao, cỏ, bầu trời, trẻ em, cây, ngoài trời và thiên nhiên

Hội vật cù trong Lễ hội đền Bạch Mã

Là vùng đất có bề dày văn hóa với hàng nghìn di tích lớn nhỏ, hàng chục lễ hội, mùa Xuân cũng là mùa lễ hội của người dân xứ Nghệ. Những năm qua, lễ hội truyền thống dường như được chấn hưng ở khắp mọi nơi, ngoài những lễ hội lớn gắn liền với những di tích danh thắng nổi tiếng, các lễ hội làng gắn với đền, đình, chùa miếu khắp các thôn xóm cũng được khôi phục, tổ chức một cách bài bản. Dù quy mô lớn nhỏ khác nhau, nhưng nội dung chính của các lễ hội đều có 2 phần: lễ và hội. Trong phần hội, bên cạnh các hoạt động văn nghệ, thể thao như biểu diễn văn nghệ quần chúng, thi người đẹp, thi đấu bóng đá, bóng chuyền… thì trò chơi dân gian là hoạt động chính của lễ hội, diễn ra liên tục, xuyên suốt và chiếm phần lớn thời gian, không gian của các lễ hội.

Trò chơi dân gian trong các lễ hội Xuân xứ Nghệ phong phú, đa dạng mang dấu ấn đặc trưng riêng của từng vùng quê, từng miền đất. Vốn là những trò chơi dân dã, quen thuộc của người dân quê mình từ thuở hồng hoang, trò chơi dân gian đi vào các lễ hội trở thành truyền thống. Đến với các lễ hội Xuân ở miền ngược hay xuôi về đồng bằng, ven biển, ở đâu chúng ta cũng sẽ được chơi, chung vui và cuốn hút vào nhiều trò chơi dân gian đặc sắc: kéo co, đánh cờ, vật cù, đẩy gậy, đập niêu, vật truyền thống, ném còn, bịt mắt bắt vịt, chọi gà, đánh gụ, bắt chạch trong chum, đánh đu, đua thuyền, bắn nỏ… Trong Lễ hội Hang Bua (Quỳ Châu), lễ hội Đền Chín Gian (Quế Phong), Lễ hội đền Vạn – Cửa Rào (Tương Dương)… ngoài các trò chơi như kéo co, đẩy gậy… dường như xuất hiện hầu khắp các lễ hội truyền thống thì ném còn, bắn nỏ là những trò chơi dân gian tiêu biểu ở miền Tây. Giữa cảnh sắc mùa Xuân tươi đẹp, người dân miền núi trong trang phục dân tộc sặc sỡ tưng bừng vui hội ném còn, bắn nỏ. Về Quế Phong dự Lễ hội đền Chín Gian, ấn tượng sâu xa để lại trong lòng du khách không chỉ là nghi lễ hiến trâu linh thiêng, trang trọng, mà còn có cả trò chơi bắn nỏ nhẹ nhàng, lôi cuốn. Kỳ lễ hội nào cũng vậy, mỗi mường sẽ cử ra 9 đấu thủ cùng đua tài với phần thưởng dành cho những người thắng cuộc là những mảnh vải vuông, những hộp đựng thuốc bằng bạc và túi da đựng trầu cau.

Đến với các lễ hội miền xuôi, mỗi vùng cũng có những nét riêng. Với Lễ hội đền Quả Sơn (Đô Lương), Lễ hội đền Cờn (TX Hoàng Mai), du khách sẽ thích thú, hào hứng với hội đua thuyền trên sông Lam, sông Mai Giang với hàng nghìn, hàng vạn khán giả đứng hai bên bờ sông theo dõi, cổ vũ. Giữa sông, các đội chơi tập hợp những tay bơi có sức khỏe dẻo dai, có kinh nghiệm sông nước, biển khơi đến từ các phường, xã, trong huyện. Sau khi nghe lệnh, trên các thuyền đua, người cầm trịch dô hò làm nhịp, các tay đua ra sức vẩy mái chèo đưa thuyền lướt nước, trống đánh, chiêng khua inh ỏi, rộn vang khắp những khúc sông trước cửa đền. Sau những vòng tranh tài sôi nổi, quyết liệt, các giải Nhất, Nhì, Ba và cờ lưu niệm sẽ được trao cho các đội dành chiến thắng. Mãn cuộc thi nhưng khán giả vẫn chưa muốn ra về. Hội đua thuyền không chỉ thể hiện vẻ đẹp tài năng, kinh nghiệm thi đấu, mà còn nói lên tinh thần đoàn kết, ý chí vươn lên của người dân sông, biển xứ Nghệ, là một trong những hoạt động thu hút đông đảo người xem, và được trông chờ nhất ở các lễ hội này.

Về Lễ hội Đền Cuông (Diễn Châu) tưởng nhớ vị vua lập quốc với những bài học để đời, du khách không chỉ được đắm mình trong mênh mang huyền thoại xa xưa mà còn thích thú, “lả lơi” với trò đu tiên hấp dẫn. Trước sân đền, cây đu được dựng chông chênh từ những thân tre chót vót nhưng thu hút rất đông nam thanh nữ tú đến chơi. Mỗi lần lên đu là một cặp nam nữ hữu tình, kẻ nhún người đưa đều đặn, áo quần tung bay theo gió. Dưới sân hàng nghìn người vây quanh reo hò cổ vũ, đánh mắt theo đu. Đu tiên là trò chơi dân dã nhưng không kém phần lãng mạn. Ném còn ở miền ngược và đu tiên ở miền xuôi là những trò chơi “Xuân hết nhưng duyên vẫn còn”, sau mùa lễ hội sẽ có nhiều đôi nam nữ đã nên duyên từ những buổi chơi đu này.

Ở Thanh Chương, trong Lễ hội đền Bạch Mã, ngoài hội thơ – nét riêng của vùng quê hiếu học, hội vật cù là một hoạt động đặc trưng. Cù là gốc chuối sứ được đẽo gọt tròn trịa, phơi, nấu dẻo dai. Người chơi là các trai làng lực lưỡng, khỏe mạnh, nằm trong đội hình thi đấu của các xã. Mỗi trận đấu thường có hai đội tham gia, các đội chơi hào hứng với chiến thuật đã vạch ra, cùng thi đua đưa cù vào gôn của đối phương. Những màn tranh chấp, vận lộn, bứt phá vì cù diễn ra trong tiếng reo hò náo nhiệt của khán giả. Mỗi dịp lễ hội đền Bạch Mã, người dân nơi đây lại trông đợi hội vật cù.

Lễ hội đình Bích Thị ở xã Thanh Giang, tuy mới khôi phục, nhưng tổ chức khá bài bản. Phần hội, đặc biệt các trò chơi dân gian như bắt vịt, chọi gà, đánh cờ diễn ra khá sôi nổi. Trong sân đình, dưới những gốc đa, người cao tuổi hào hứng với trò chơi cờ tướng. Ngoài sân đình, dọc theo dải đất ven sông, sát với đền Bản Huyện các xới gà, vịt vây tròn bằng lưới luôn tấp nập người. Gà chọi khắp vùng được đưa về đây thi đấu, tranh giải. Giữa nắng trưa, đông đảo người dân dự hội vẫn hào hứng với trò chơi bịt mắt bắt vịt. Mỗi hiệp bắt kéo dài 5 – 7 phút, có 2 – 3 người tham gia. Những lần bắt trúng nhau hay bắt trúng vịt đều được người xem tán thưởng bằng những tràng vỗ tay náo nhiệt, những trận cười vô tư, thỏa thích.

Với Lễ hội đền Vua Mai, bên cạnh đám rước hoành tráng dài ‘kỷ lục”, thì hội vật truyền thống thu hút đông đảo người chơi, người xem, kéo dài trong mấy ngày liền, là một hoạt động đặc trưng. Dưới chân núi Đụn, xới vật được xây dựng hình tròn, người xem có thể ngồi từ chân núi lên đến sườn núi để theo dõi cuộc đấu. Các đô vật đến từ khắp nơi, đăng ký tự do và không giới hạn thời gian thi đấu. Mỗi hiệp vật, khi trống hội đã vang, những đô vật to khỏe thoắt lùi, thoắt tiến, luôn cố gắng tìm sơ hở của nhau để quật ngã đối phương. Không ít đô vật đã xuất sắc chiến thắng 3 đô, dành được nhiều giải thưởng của ban tổ chức và khán giả. Từ hội vật, nhiều người có năng khiếu, được phát hiện, bồi dưỡng, ươm mầm. Ông Nguyễn Thiện Dũng, Trưởng phòng Văn hóa huyện Nam Đàn khẳng định: Hội vật truyền thống, không chỉ là hoạt động hấp dẫn hàng đầu trong Lễ hội đền Vua Mai, thể hiện tinh thần thượng võ của người dân xứ Nghệ, mà còn làm nên nét đặc sắc riêng của lễ hội trên đất Nam Đàn.

Là hoạt động chính trong các lễ hội mùa Xuân, trò chơi dân gian với các đặc điểm dân dã, quen thuộc, dễ chơi, có tính giáo dục cao, đã thu hút đông đảo người chơi, người xem ở khắp mọi nơi. Dù lễ hội ở miền ngược hay miền xuôi, trò chơi dân gian diễn ra ở đâu thì người xem sẽ tập trung đông ở đó, chẳng phải vì phần thưởng mà là vì vui, vì hay. Trò chơi dân gian không chỉ đề cao tinh thần rèn luyện sức khỏe, ý chí, nghị lực chiến thắng mà thông qua đó còn giúp mọi người biết đoàn kết thân ái, sống tình cảm, thân thiết trong quan hệ với cộng đồng. Chính trò chơi dân gian đã làm cho các lễ hội mùa Xuân trở nên đa sắc, sống động và phong phú. Khôi phục và đẩy mạnh việc tổ chức trò chơi dân gian trong các lễ hội là góp phần giữ gìn bảo tồn bản sắc văn hóa tộc.

Trẩy hội mùa Xuân với tâm thế hướng về nguồn cội, người dân và du khách không chỉ được tham quan di tích, thưởng lãm phong cảnh tươi đẹp, sống với quá khứ hào hùng của cha ông, mà còn được tham gia các trò chơi dân gian lành mạnh, bổ ích. Đó cũng là lúc mọi người được dưỡng tâm, hòa vào cái ‘ta” rộng lớn, để trở về với chính lòng mình, với tuổi thơ, quê hương, xóm làng thân thuộc, một thế giới thật, sống động, hiện hữu đáng yêu.

An Nam

(Báo Nghệ An ngày 22/2/2017)


  Các Tin khác
  + Ngắm cây cầu dài nhất tuyến cao tốc Bắc - Nam sắp hoàn thành (07/04/2024)
  + Khám phá vẻ đẹp huyền bí hang Dơi Khét trên núi Phá Èn (07/04/2024)
  + Ở một xã của tỉnh Nghệ An có con đường hoa gạo đỏ rực, người ta kéo đến quay phim, chụp ảnh (03/04/2024)
  + Vui hội đền Chín Gian (23/03/2024)
  +   Đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh Khu lưu niệm Đại tướng Chu Huy Mân (17/03/2024)
  + Tưng bừng khai hội Đền Thanh Liệt năm 2024 (17/03/2024)
  + Công an Nghệ An xứng danh anh hùng, đồng sức đồng lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân (10/03/2024)
  + Những chiến sĩ áo trắng vùng biên: Quyết không bỏ nghề, tất cả vì sức khỏe nhân dân (06/03/2024)
  + Về "làng Khoa bảng " xem bà con nông dân làm du lịch (06/03/2024)
  + Dòng sông Mai Giang chảy qua thị xã nào của Nghệ An, có lễ hội gì mà vạn người trên bờ cổ vũ? (02/03/2024)
  + Nghệ sĩ Lê Thanh Phong và hành trình đưa ví, giặm vượt biên giới (01/03/2024)
  + Nhiều viên gạch quý hiếm tại đền thờ Trạng nguyên Hồ Hưng Dật (01/03/2024)
  + Lưu mãi nét đẹp văn hoá Thổ ở làng Mo Mới (01/03/2024)
  + Nghĩ về dòng chảy di sản văn hóa xứ Nghệ (01/03/2024)
  + Đặc sản thịt chua xứ Nghệ vào vụ Tết (30/01/2024)
  + Biển Cửa Lò ở Nghệ An có từ bao giờ, cái tên Thiên Cầm ở Hà Tĩnh sao lại liên quan đến Hồ Quý Ly? (30/01/2024)
  + Một cây cổ thụ 700 năm tuổi ở Hà Tĩnh tương truyền cứu vua Lê Thái Tổ nay vẫn xanh um, quả thơm khắp làng (30/01/2024)
  + TẢN MẠN CHUYỆN Ở XÓM... (02/11/2023)
  + Ngôi chùa nhà Trần với tích tiên nữ giáng trần dạo chơi, rửa chân ở Hà Tĩnh có gì đặc biệt? (16/10/2023)
  + Làng cổ ở Nghệ An là làng duy nhất của Việt Nam có tới 3 nhà khoa bảng giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám (16/10/2023)
Playlist

GIỚI THIỆU
 

Kính thưa quý độc giả 

Website nguoixunghekiev.vn

hoạt động chính thức từ tháng

10/2012. và  phi lợi nhuận.

Trang tin đăng tải tin tức 

của cộng đồng người Việt tại Kiev

và toàn Ucraina, đồng thời lấy tin 

từ các trang báo mạng khác trên

nguyên tắc trích dẫn nguyên bản 

đường nguồn chính. Là những

người làm báo không chuyên nên

chắc chắn sẽ gặp sai sót không

mong muốn, chúng tôi sẽ tiếp thu 

chân thành những góp ý xây dựng 

của quý độc giả để cho trang tin 

ngày càng hoàn thiện hơn, xin gửi

về mục liên hệ trên mặt báo hoặc

Email: hosytruc@gmail.com

ĐT: 093-712-24-57

093-973-97-39

Xin trân trọng cảm ơn.

Biên tập: Hồ Sỹ Trúc

 

 

 
 
 

 

 


QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 3
Total: 60361807

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July