Trang chủ Liên hệ       Thứ năm, Ngày 23/01/2025
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
  -  Đất và người Xứ Nghệ
  -  Dân ca Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Truyền thống Nghệ Tĩnh > Đất và người Xứ Nghệ >
  ÔNG LÃO VỀ HƯU SAY MÊ VIẾT "SỬ LÀNG" ÔNG LÃO VỀ HƯU SAY MÊ VIẾT "SỬ LÀNG" , Người xứ Nghệ Kiev
 

Người ta nói nghỉ hưu để an dưỡng tuổi già, nhưng với ông Dương Phúc Hiệu (68 tuổi) ở xóm 7, xã Thuận Sơn (Đô Lương) thì khác, 13 năm qua kể từ ngày về quê, ông lại say mê rong ruổi xe đạp đi khắp mọi nơi để viết “sử làng”.

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang ngồi, giày, cây, xe môtô và ngoài trời

Người dân Đô Lương và các huyện lân cận không lạ gì ông Hiệu cùng chiếc xe đạp cọc cạch thường đến các làng quê, tìm hiểu “chuyện xưa”. Ông yêu thích cái hay, cái đẹp của văn hóa truyền thống, nhất là lịch sử từ hồi còn làm việc ở Hà Nội, nhưng mãi đến khi về hưu (2003) mới có điều kiện thỏa sức “tung hoành”. Chính niềm yêu thích lịch sử cùng khát khao khám phá, nên những năm tháng ở Thủ đô, hàng ngày ông vẫn đều đặn đến Viện Hán nôm để học chữ Nôm. Việc đọc thông, viết thạo chữ Nôm đã giúp ông rất nhiều trong quá trình đi tìm “nét đẹp xưa” của làng xã hiện nay.
Ông vốn là cựu chiến binh chống Mỹ, từng tham gia chiến đấu tại thành cổ Quảng Trị, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử… nhiều năm lăn lộn trên các chiến trường. Không ít người ngạc nhiên vì đam mê nghiên cứu, viết lách hiện nay của ông không liên quan gì lắm đến chuyên môn đào tạo tại trường Kinh tế kế hoạch (đại học Kinh tế Quốc dân bây giờ). Hơn chục năm qua, ông đã dành trọn thời gian, công sức, tiền bạc và tâm huyết cho công việc viết “sử làng”, đặc biệt quan tâm đến công trạng của các nhân vật lịch sử, các dòng họ, những người có đóng góp lớn cho quê hương, đất nước.

Với chiếc xe đạp Thống Nhất cà tàng, chiếc cặp da cũ kỹ, ông đã đi điền giã hầu khắp các huyện đồng bằng (Nam Đàn, Hưng Nguyên, Yên Thành, Diễn Châu, Nghi Lộc…) và một số huyện miền núi trong tỉnh Nghệ An để tìm hiểu, nghiên cứu, sưu tầm những cái hay, cái đẹp trong lịch sử văn hóa của các làng quê, các dòng họ. Ông còn tự túc mọi chi phí ăn, ở, đi lại cho những chuyến đi dài ngày, có khi cả tháng trời ở các tỉnh Thanh Hóa, Hải Phòng, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ… để nghiên cứu một số vấn đề mà ông quan tâm. Những năm gần đây, nhờ có xe điện thay thế cho chiếc xe đạp cà tàng, công việc rong ruổi ngược xuôi của ông cũng đỡ vất vả hơn. Tại nhà, ông mua sắm nhiều phương tiện hiện đại như máy tính, máy in, máy ảnh… để phục vụ cho đam mê của mình. Ông rất tâm đắc hai câu thơ của Phật hoàng Trần Nhân Tông: “Người lính già đầu bạc/ Kể mãi chuyện nguyên phong” bởi thấp thoáng trong đó có hình ảnh của chính mình. Ông chia sẻ: “Mình là một người lính già thích nói chuyện xưa, mong muốn góp phần lưu giữ cho con cháu những truyền thống tốt đẹp của cha ông, của làng xã”.

Sau những năm dài miệt mài rong ruổi khắp các làng quê, ông đã có hàng chục tác phẩm, bài viết được đăng trên các tạp chí, trang tin của các dòng họ, tham luận tại các hội thảo quốc gia, trong đó có nhiều tác phẩm tiêu biểu như: Cuộc đảo chính của mẹ con Thái tử Lê Nghi Dân và hệ quả; Họ Đào trong cộng đồng dân tộc; Phan Đình Tá, ngôi sao sáng trên bầu trời đất Việt… 4 năm nay, ông đang dồn tâm sức cho sự ra đời của tác phẩm “Phong thủy”, mà theo ông là ‘đứa con tinh thần” được đầu tư nhiều công sức nhất. Các tác phẩm do ông viết ra chỉ nhằm phục vụ cộng đồng, mà không hề đòi hỏi một khoản chi phí nào, nói như ông “Tôi là người viết không nhuận bút”. Ông còn thường xuyên được các tổ chức, cá nhân, dòng họ khắp nơi mời dự lễ truyền thống, nói chuyện về lịch sử. Hiện ông là Phó chủ tịch Hội đồng họ Dương Việt Nam.

Một điều đặc biệt khác là sau ngày về hưu, gia đình ông vẫn sống giản dị trong ngôi nhà cấp 4 giữa làng Phú Văn với cảnh điền viên thôn dã, không sắm sanh, tôn tạo gì nhiều. Ông đã dành toàn bộ số tiền hưu trí tích góp được để phục dựng lại đền Dương Thanh 3 gian trong khuôn viên 1000 m2 ở gần nhà. Cũng chính ông là người trực tiếp chăm lo hương khói cho các vị anh hùng dân tộc được thờ trong ngôi đền này. Ngoài ra, ông còn cho xây dựng một nhà bia cạnh đền, lập nhiều bia ghi danh các trạng nguyên Việt Nam, tiến sĩ các dòng họ… Ông tâm sự “Khi nào không còn sức để đi ngược về xuôi nữa, mình chỉ mong được bình yên làm sái phu thủ từ của đền, để hàng ngày được chăm lo hương đèn, tri ân các bậc tiền bối đã có công với quê hương, đất nước”.

Một ngày “hưu trí’ của ông được bắt đầu với việc quét dọn, chăm sóc ngôi đền cạnh nhà, rồi mới “lên đường tác nghiệp”, hoặc ngồi vào bàn lướt web cập nhật thông tin, viết lách bài vở. Gặp và quen ông trong một lần điền dã về tìm hiểu truyền thống làng Phú Văn, ông không chỉ nhiệt tình kể chuyện tường tận về làng mình mà còn trao đổi rất nhiều vấn đề về văn hóa truyền thống ở các địa phương. Tiếp xúc với ông, mọi người đều cảm nhận sự say mê khám phá, đi và viết “chuyện xưa” như là lẽ sống mãnh liệt ở người cựu chiến binh này. Thời gian tới, ông dự định tiếp tục hoàn thiện việc tôn tạo đền Dương Thanh, làm xong bia ghi danh các tiến sĩ xứ Nghệ thời phong kiến và mong muốn mở được một lớp dạy chữ Nôm dành cho những người yêu thích loại chữ này ở quê ông và vùng lân cận.

Trong thời buổi thị trường, nhất là khi niềm yêu thích của học sinh phổ thông dành cho môn lịch sử đang ngày càng sa sút, thì hình ảnh ông lão về hưu say mê viết “sử làng” càng đáng quý, đáng trân trọng biết bao.

An Nam


  Các Tin khác
  + Sắc xuân trên Thành Vinh (21/01/2025)
  + Làng gì mà ngày nào cũng phát ra tiếng kêu tại Hà Tĩnh? (14/01/2025)
  + Bế mạc Lễ hội Du lịch và Ẩm thực Sen Nghệ An năm 2024 (02/12/2024)
  + Vượt lũy tre làng, nữ giám đốc HTX ở Hà Tĩnh đưa nước mắm biển Thiên Cầm xuất ngoại (12/11/2024)
  + Một cây cổ thụ là cây trôi đã sống 800 tuổi ở Hà Tĩnh được công nhận cây Di sản Việt Nam (26/09/2024)
  + Đến Hà Tĩnh, ngắm bình minh trên biển Hoành Sơn (17/09/2024)
  + Bản sắc SLNA - sự khác biệt tuyệt vời ở V.League 2024/2025 (31/08/2024)
  + Làng Đỏ - nơi”căm thù như biển lửa, đã đứng lên”… (31/08/2024)
  + Đại gia Trần Quang Luận và hệ sinh thái Thanh Thành Đạt nổi danh xứ Nghệ (15/08/2024)
  + Khát vọng Thanh Chương (11/08/2024)
  + Hà Tĩnh gặp mặt chúc mừng học sinh đoạt HCB Olympic Toán học quốc tế (02/08/2024)
  + Cầu Nhe - nơi ghi dấu tinh thần quả cảm của 53 liệt sỹ (23/07/2024)
  + Vô xứ Nghệ thăm quê Bác (13/07/2024)
  + Về lại Nậm Nơn (02/07/2024)
  + 48 giờ ở Nghệ An (17/06/2024)
  + Bến Thủy - cây cầu thế kỷ của xứ Nghệ (09/06/2024)
  + Đôi vợ chồng "thổi hồn" vào dân ca ví, giặm (06/06/2024)
  + 9 điểm du lịch hấp dẫn không thể bỏ qua khi đến miền Tây xứ Nghệ (26/05/2024)
  + Trần Đình Sơn - "cánh chim đầu đàn” của điền kinh Hà Tĩnh (25/05/2024)
  + Nghệ An: Cả làng kiếm bộn tiền từ con đặc sản "cưỡi máy bay xuất ngoại” (20/05/2024)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 66573823

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July