Trang chủ Liên hệ       Thứ bẩy, Ngày 20/04/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
  -  Đất và người Xứ Nghệ
  -  Dân ca Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Truyền thống Nghệ Tĩnh > Đất và người Xứ Nghệ >
  Đô đốc Hồ Phi Chấn Đô đốc Hồ Phi Chấn , Người xứ Nghệ Kiev
 

Qua nghiên cứu các nguồn tư liệu như gia phả dòng họ, các đạo sắc của vua Quang Trung, vua Cảnh Thịnh ban cho Hồ Phi Chấn, kết hợp với khảo sát thực tế tại di tích cùng những câu chuyện lưu truyền trong dân gian, từng bước giúp chúng ta hiểu thêm về chân dung thân thế sự nghiệp của Đô đốc Hồ Phi Chấn, một người con ưu tú của vùng đất Thạch Văn, Thạch Hà - người đã có nhiều cống hiến trong công cuộc đánh đuổi quân xâm lược Mãn Thanh và các thế lực phong kiến vào cuối thế kỷ XVIII.

Hồ Phi Chấn sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, sống bằng nghề chài lưới ở giáp Trung Thủy, tổng Hạ Nhất, phủ Thạch Hà nay thuộc xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Đó là một làng quê với những tràng cát trải dài nằm sát bờ biển nằm cách biệt với các làng xung quanh. Giáp Trung Thủy được thành lập bởi các dòng họ Hồ Phi, Nguyễn Bá, Nguyễn Văn, Mai Đức, Hoàng Văn cách ngày này 300 - 400 năm. Người dân trong làng từ bao đời sống bằng nghề đánh cá biển, nuôi trồng thủy hải sản và sản xuất nông nghiệp. Thân phụ là Hồ Phi Cao vốn dòng dõi Hồ Phi từ đất Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An đi đánh cá gặp bão trôi dạt vào đây sinh cư lập nghiệp và trở thành thủy tổ họ Hồ - Thạch Văn. Cụ Hồ Phi Cao là một người cao lớn vạm vỡ, giỏi võ nghệ, thạo nghề đi biển, ham lao động hay làm việc thiện. Lớn lên trong môi trường gia đình và quê hương như vậy nên Hồ Phi Chấn từ nhỏ đã được cha rèn cặp dạy võ nghệ, trở thành một thanh niên tính tính cương trực, trung nghĩa luôn đứng về lẽ phải. Nhiều truyền thuyết còn lưu truyền trong nhân dân về việc ông từng đạt giải thi vật tổ chức ở làng Phú Phong, xã Thạch Khê và nhiều đợt thi đấu ở phủ huyện. Nhân dân trong làng Trung Thủy còn truyền lại câu ca: “Đi lái xã Ba. Đi trà xã Dật. Đi vật xã Chấn”

          Các cụ cao niên trong làng và dòng họ còn nghe ông cha truyền lại những câu chuyện về tài nghệ của Hồ Phi Chấn như nhảy qua khe suối nhẹ như sóc, chạy nhanh như gió từng vác đá ở Thạch Bàn về làm bệ cống cho làng nặng đến bốn người gánh không xuể. Một mình gánh hai chum nước mắm băng qua bãi cát lầy lên chợ tỉnh bán, một mình cự nhau với trâu đực mộng dưới khe suối, dùng roi sắt bẫy qua nóc nhà, dùng tre làng ngà vượt qua bờ dậu. Do có võ nghệ và tính cách khẳng khái không chịu bó buộc trong khuôn khổ nên thường kết giao với nhiều tay võ cự phách trong vùng như Hồ Phi Túy, Hồ Phi Hùng, Dương Kế, Dương Đình, Phạm Đạc, Đốc Long. Với phẩm chất thủ lĩnh, ông đã cùng với trai tráng trong làng thành lập đội quân “Trung thủy” làm lực lượng vũ trang do ông lãnh đạo tổ chức chỉ huy làm nhiệm vụ bảo vệ quê hương, chống giặc cướp biển và thú dữ.

          Bối cảnh lịch sử đất nước vào cuối thế kỷ XVIII có nhiều biến động, các thế lực phong kiến tranh giành địa vị gây nên chiến tranh liên miên, dân tình đói khổ lầm than triều chính rối ren loạn lạc. Hồ Phi Chấn bất bình với thời cuộc chán ghét bọn quan lại, địa chủ bóc lột vơ vét của cải của dân nghèo, ông đã chỉ huy đội quân của mình đi lấy thóc gạo của người giàu chia cho người nghèo. Bởi thế uy danh của ông được nâng cao, bọn quan lại phong kiến khép ông là cầm đầu giặc cướp nhiều lần cho lính về truy nã vây bắt nhưng đều thất bại vì được người dân che chở bảo vệ. Nhiều trận đánh diễn ra giữa ông với lãnh binh Dương Tiến (tướng của Chúa Trịnh) ở Đò Vang (Thạch Trung), bãi biển (Thạch Trị), Trung Thủy (Thạch Văn) nhưng đều thất bại trước tinh thần dũng cảm của Hồ Phi Chấn. Dùng sức mạnh không được bọn chúng chuyển sang dùng hình thức thuê người bắt có treo giải thưởng kết hợp với dụ dỗ nhưng đều thất bại trước ý chí sắt đá của ông.

          Phong trào Tây Sơn xuất phát từ cuộc khởi nghĩa nông dân chống lại cường quyền và nhanh chóng phát triển thành phong trào dân tộc rộng lớn chống thù trong giặc ngoài, diễn biến và tính chất của phong trào đã tác động sâu sắc đến thái độ chính trị của các tầng lớp xã hội và thu hút được sự hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Vùng đất Hà Tĩnh không giữ vị trí trọng yếu trong phong trào Tây Sơn nhưng đã chứng kiến nhiều cuộc hành quân ra Bắc vào Nam của nghĩa quân Tây Sơn. Năm Mậu Thân (1788) Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế lấy niên hiệu là Quang Trung đích thân đem quân ra Bắc đánh quân xâm lược Mãn Thanh và ra lời kêu gọi: “Quân Thanh sang xâm lược nước ta, hiện ở Thăng Long các ngươi đã biết chưa. Trong khoảng vũ trụ trời nào sao nấy, đều đã phân liệt rõ ràng, phương Nam, phương Bắc chia nhau mà cai trị. Vì vậy ta phải kéo quân ra đuổi chúng”. Nhân dân Hà Tĩnh đã hưởng ứng mạnh mẽ, chưa đầy mười ngày đã tuyển thêm được hàng vạn quân tinh nhuệ. Hồ Phi Chấn đã cùng với các đô vật ở Thạch Khê và đội quân của ông hưởng ứng lời kêu gọi đánh giặc Thanh được sung vào lực lượng trung quân do nhà vua đích thân chỉ huy. Trong cuộc chiến chớp nhoáng đánh tan quân xâm lược Mãn Thanh, giải phóng kinh thành Thăng Long, Hồ Phi Chấn là một tướng lĩnh có tài dũng cảm trong chỉ huy chiến đấu tả xung hữu đột, lập được nhiều chiến công hiển hách. Năm Quang Trung thứ 5 ông được phong sắc như sau: “Sắc cho Hồ Phi Chấn quê quán giáp Trung Thủy, tổng Hạ Nhất, huyện Thạch Hà, làm cai cơ thiên định đạo quân tả bật từng theo chiến trận rất có công lao nay đặc chuẩn ban chức chỉ huy sứ tước bá gia phong là Anh liệt tướng quân chỉ huy sứ Hiển đức bá, cầm bản quân mà sai khiến. Ví dù không chăm lo chức trách thì đã có đủ điển chương của triều đình. Khâm tai. Nay ban sắc. (Niên hiệu Quang Trung thứ 5, năm 1792). Phải là người lập được nhiều công lớn mới được sắc phong của vua Quang Trung ca tụng vinh danh ban tặng điển thờ Đại đô đốc, Anh Liệt tướng quân vì sự nghiệp chấn hưng triều Tây Sơn và chống giặc ngoại xâm bảo vệ độc lập dân tộc.

          Khi vua Quang Trung đột ngột qua đời, vua Quang Toản nối ngôi lấy niên hiệu là Cảnh Thịnh, Hồ Phi Chấn tiếp tục phò tá triều Tây Sơn chống lại Nguyễn Ánh bảo vệ triều đình. Ghi nhận công trạng của ông, vua Cảnh Thịnh đã ban sắc cho ông nội dung như sau: “Sắc ban cho Hồ Phi Chấn quê làng Trung Thủy, xã Chỉ Châu, huyện Thạch Hà, phủ Hà Hoa làm đô úy cơ trung hãn chi thiên địa là người hiền khí khái, tướng giỏi mưu cơ, trải mấy năm ra tay giúp dấy nghiệp triều Tây sân Hán kể đã tận lực, hợp một mối tỏ dạ hướng về sao phương bắc, bệ đường tầng dự liên ban, thủy chung một tiết chẳng đổi thay, khang tế hai triều đều khen ngợi, mới mẻ trãm vừa nơi tân mệnh, chẳng hẹp chẳng quên, vẻ vang khanh đáng gọi cựu thần để nhờ cậy, vậy đặc cách tiến phong chức vệ quốc tướng quân, Đô đốc Đồng trị, tước Hiển quang hâu, thống bản quân mà sai khiến, dẫu sao bốn phương chừ cả chớ từ qua ngày hôm qua khó khăn, một mảng trung ngần, hãy gắng vì nước vì dân lo nghĩ. Khâm tai. Nay ban sắc. (Cảnh Thịnh năm thứ 2, ngày 10 tháng 2 năm 1794). Điều đó cho thấy phải là người xông pha chiến trận tả xung hữu đột lập được nhiều công lao, Hồ Phi Chấn mới được sắc phong gia tặng ân sủng ghi nhận: “ Lưu tướng phong do quật kỳ thu nghiệp tán Tây hưng, hán đình hiến lực” (Tướng giỏi cơ mưu, trải mấy năm giúp ra tay giúp dấy nghiệp triều Tây, sân Hán kể đã tận lực).

          Năm 1802 khi nhà Tây Sơn bị quân Nguyễn Ánh tấn công quyết liệt, ông được giao trấn giữ con đường thượng đạo giáp giới giữa Thanh Hóa – Nghệ An. Khi Nguyễn Ánh tiến quân ra Thanh Hóa, đạo quân do Hồ Phi Chấn chỉ huy đã chặn đánh nhiều trận, tuy nhiên do tương quan lực lượng bất lợi quân Nguyễn Ánh bao vây và bắc loa hỏi: “Thời Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ đã hết, cớ sao nhà ngươi còn đánh nhau với ta mãi”. Ông khẳng khái đáp: “Ta ăn cơm vua mặc áo chúa, phải đánh tận tâm tận lực lòng trời cho ai nấy được”. Và kêu gọi tướng sĩ chiến đấu đến giọt máu cuối cùng. Sau này ông bị bắt, biết ông là tướng lĩnh có tài, quân Nguyễn Ánh từ dùng vũ lực đến dụ dỗ nhưng không lay chuyển được ý chí sắt đá và tấm lòng của ông đối với triều đại Quang Trung. Cuối cùng chúng bắt ông đày ở đồn Vàng (khe nước lạnh) giáp giới Thanh – Nghệ. Do bị nhiều đòn tra tấn đến kiệt sức rồi ông mất tại đó, về sau con trai cả là Hồ Phi Khản cùng với anh em thân tín bí mật đem thi hài ông về chôn cất tại quê nhà. Để tránh sự truy sát của nhà Nguyễn, con cháu dòng họ đã đắp nhiều mộ giả và tung tin mộ của cụ được chôn cất ở nhiều nơi trong vùng như: Tràng La, Chùa Chàng, Xóm Trại, Trạng Ná, Bàu Ló, Bàn Cò.v.v… Bởi vì không chỉ dưới thời Gia Long mà các đời vua Nguyễn tiếp theo cho đến gần cách mạng tháng 8 vẫn ra lệnh của các phủ, tổng, huyện, làng xã truy nã tung tích dòng họ Quang Trung và những người từng phò giúp triều Tây Sơn. Nhân dân làng Trung Thủy và dòng họ Hồ vẫn một lòng trung trinh bảo vệ che chở cho ngôi mộ của cụ, ngoài ra mỗi khi có giấy truy nã con cháu dòng họ Hồ đều phải tạm lánh đi nơi khác một thời gian. Chính vì được bảo vệ nghiêm mật mà ngôi mộ của Đô đốc Hồ Phi Chấn vẫn còn nguyên vẹn đến ngày nay, tọa lạc trên gò đất cao xóm Tràng La, làng Trung Thủy.

          Đền thờ Hồ Phi Chấn được xây dựng cuối triều Tây Sơn gồm một tòa, xung quanh xây tường bao, mái che được trát bằng hỗn hợp chất kết dính truyền thống gồm vôi, mật mía và nhựa cây, cấu trúc rắn chắc chịu được thời tiết khắc nghiệt. Đỉnh mái đắp hình lưỡng long chầu nguyệt, nghê chầu. Trong đền có xây bàn thờ, hai bên khắc đôi câu đối ghi công lao của ông như sau:

“Khai quốc thừa gia minh thiết khoan

Lịch triều gia tặng điệp long chương”

          Xung quanh đền có xây tường cao, hai cột quyết lớn có đôi câu đối:

                             Anh hùng khí phách y cao miếu

                             Hải bạn vân sơn ủng kế thành

          Ngôi đền hiện nay mới được phục dựng quay mặt ra biển cả tựa lưng vào làng quê trông rất uy nghi, đây là một trong những di tích lịch sử liên quan đến phong trào Tây Sơn đang được chính quyền địa phương và dòng họ quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử văn hóa. Di tích đền thờ và mộ Hồ Phi Chấn còn lưu giữ các tư liệu gốc có giá trị liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Đô đốc Hồ Phi Chấn, một nhân vật có nhiều đóng góp quan trọng đối với phong trào Tây Sơn trong sự nghiệp đấu tranh giữ nước của dân tộc vào thế kỷ XVIII. Hơn 200 năm trôi qua nhưng tên tuổi sự nghiệp của vị đô đốc Hồ Phi Chấn vẫn khắc sâu trong lòng người dân Trung Thủy cũng như nhân dân cả nước./.

http://sovhttdl.hatinh.gov.vn/tin-tuc-su-kien/post/665/do-doc-ho-phi-chan

Nguồn bài viết: Võ Đình Thi

  Các Tin khác
  + Ngắm cây cầu dài nhất tuyến cao tốc Bắc - Nam sắp hoàn thành (07/04/2024)
  + Khám phá vẻ đẹp huyền bí hang Dơi Khét trên núi Phá Èn (07/04/2024)
  + Ở một xã của tỉnh Nghệ An có con đường hoa gạo đỏ rực, người ta kéo đến quay phim, chụp ảnh (03/04/2024)
  + Vui hội đền Chín Gian (23/03/2024)
  +   Đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh Khu lưu niệm Đại tướng Chu Huy Mân (17/03/2024)
  + Tưng bừng khai hội Đền Thanh Liệt năm 2024 (17/03/2024)
  + Công an Nghệ An xứng danh anh hùng, đồng sức đồng lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân (10/03/2024)
  + Những chiến sĩ áo trắng vùng biên: Quyết không bỏ nghề, tất cả vì sức khỏe nhân dân (06/03/2024)
  + Về "làng Khoa bảng " xem bà con nông dân làm du lịch (06/03/2024)
  + Dòng sông Mai Giang chảy qua thị xã nào của Nghệ An, có lễ hội gì mà vạn người trên bờ cổ vũ? (02/03/2024)
  + Nghệ sĩ Lê Thanh Phong và hành trình đưa ví, giặm vượt biên giới (01/03/2024)
  + Nhiều viên gạch quý hiếm tại đền thờ Trạng nguyên Hồ Hưng Dật (01/03/2024)
  + Lưu mãi nét đẹp văn hoá Thổ ở làng Mo Mới (01/03/2024)
  + Nghĩ về dòng chảy di sản văn hóa xứ Nghệ (01/03/2024)
  + Đặc sản thịt chua xứ Nghệ vào vụ Tết (30/01/2024)
  + Biển Cửa Lò ở Nghệ An có từ bao giờ, cái tên Thiên Cầm ở Hà Tĩnh sao lại liên quan đến Hồ Quý Ly? (30/01/2024)
  + Một cây cổ thụ 700 năm tuổi ở Hà Tĩnh tương truyền cứu vua Lê Thái Tổ nay vẫn xanh um, quả thơm khắp làng (30/01/2024)
  + TẢN MẠN CHUYỆN Ở XÓM... (02/11/2023)
  + Ngôi chùa nhà Trần với tích tiên nữ giáng trần dạo chơi, rửa chân ở Hà Tĩnh có gì đặc biệt? (16/10/2023)
  + Làng cổ ở Nghệ An là làng duy nhất của Việt Nam có tới 3 nhà khoa bảng giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám (16/10/2023)
Playlist

GIỚI THIỆU
 

Kính thưa quý độc giả 

Website nguoixunghekiev.vn

hoạt động chính thức từ tháng

10/2012. và  phi lợi nhuận.

Trang tin đăng tải tin tức 

của cộng đồng người Việt tại Kiev

và toàn Ucraina, đồng thời lấy tin 

từ các trang báo mạng khác trên

nguyên tắc trích dẫn nguyên bản 

đường nguồn chính. Là những

người làm báo không chuyên nên

chắc chắn sẽ gặp sai sót không

mong muốn, chúng tôi sẽ tiếp thu 

chân thành những góp ý xây dựng 

của quý độc giả để cho trang tin 

ngày càng hoàn thiện hơn, xin gửi

về mục liên hệ trên mặt báo hoặc

Email: hosytruc@gmail.com

ĐT: 093-712-24-57

093-973-97-39

Xin trân trọng cảm ơn.

Biên tập: Hồ Sỹ Trúc

 

 

 
 
 

 

 


QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 4
Total: 60229549

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July