Trang chủ Liên hệ       Thứ sáu, Ngày 19/04/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
  -  Đất và người Xứ Nghệ
  -  Dân ca Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Truyền thống Nghệ Tĩnh > Đất và người Xứ Nghệ >
  Khát vọng giữ nghề... Khát vọng giữ nghề... , Người xứ Nghệ Kiev
 

(Baonghean) - Dù gặp khó khăn, nhưng nhiều làng nghề truyền thống vẫn tồn tại, vẫn có chỗ đứng riêng, bởi làng nghề có những loại sản phẩm có giá trị riêng, khó có thể thay thế. Tuy nhiên, việc các hộ có nghề “tự bươn chải” để tìm đầu ra cho sản phẩm đang gặp không ít khó khăn.

Diễn Vạn là xã có dân số đông của huyện Diễn Châu, đất dành cho sản xuất nông nghiệp không nhiều, vì vậy mà người dân Diễn Vạn phải nhanh nhạy tìm kế mưu sinh, hình thành nên các loại ngành nghề truyền thống nổi tiếng xưa nay. Từ sản xuất kẹo lạc, kẹo kéo và nhiều loại bánh kẹo khác ở các làng nghề sản xuất bánh kẹo Xuân Bắc, Đông Hà, đến làng nghề sản xuất mây tre đan Vạn Nam đều đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Rồi nghề muối Vạn Đông, buôn bán Đông Hà… Nhưng nếu nói về bức tranh kinh tế làng nghề ở xã Diễn Vạn, không thể không nói đến nghề nướng cá biển. Cá nướng Diễn Vạn được ưa chuộng nhờ giữ được độ tươi ngon và có thể bảo quản được lâu. Dù bây giờ đã có tủ lạnh, tủ đá có thể bảo quản được trong thời gian dài nhưng khi đem đi rã đông thì không thể so sánh được với cá nướng.
 
Nướng cá ở lò Nam Tình - xóm Trung Phú - Diễn Vạn
Nướng cá ở lò Nam Tình - xóm Trung Phú - Diễn Vạn
 
Chúng tôi tìm về làng Trung Phú (Diễn Vạn) - nơi có những làng cá nướng nổi tiếng từ bao đời của vùng đất Phủ Diễn xưa. Vừa đến đầu xã, mùi cá nướng thơm nồng, ngào ngạt tỏa hương vị của biển vô cùng hấp dẫn. Chị Phan Thị Nam - chủ cơ sở cá nướng Nam Tình tay thoăn thoắt lật từng con cá trên rơ sao cho khỏi quá lửa, cho biết: Đã theo nghề này thì dù nắng như đổ lửa hay mưa như trút nước đều phải làm, bởi nếu không làm thì không có hàng đi nhập sẽ mất mối tiêu thụ”. Và chị nửa đùa nửa thật bằng chất giọng nằng nặng đặc trưng của một xã vùng biển “Tay làm thì hàm nhai/ Tay quai thì miệng trễ chứ lậy”.
 
Cơ sở Nam Tình một ngày nướng đến hơn 3 tạ cá, gồm đủ các loại, từ cá phục vụ thị trường bình dân như cá trích, cá nục, cá thửng, cá lồ khố, đến những loại cá phục vụ khách VIP như cá thu, cá chim đen, cá đối biển… Nhưng dù khách là bình dân hay VIP thì cá nướng của cơ sở chị vẫn đảm bảo về “kiểu dáng” (nguyên con, không nứt…) và chất lượng (vừa chín để không mất đi hương vị và sự tươi ngon của từng loại cá). Để có được 3 tạ cá đem về nướng, hàng ngày chị Nam phải thức dậy từ lúc 2 - 3 giờ sáng đi đến các bến để gom hàng. Nơi xa có thể là Cửa Lò, Quỳnh Lưu, nơi gần thì sang Diễn Kim, Diễn Ngọc… miễn sao chọn được nguyên liệu đầu vào ưng ý nhất.
 
Cá đem về phải rửa sạch, hơ lên trành cho ráo nước, sau đó xếp lên rơ đem nướng. Còn anh Tình chồng chị, hàng ngày chở cá bằng xe máy lên nhập ở các huyện miền núi như Nghĩa Đàn, TX. Thái Hòa… Vất vả là vậy, nhưng theo chị Nam, cá nướng dù có dễ bảo quản đến đâu cũng phải bán được trong ngày, bởi nếu chở đi chở về, nhất là dưới trời nắng nóng sẽ không đảm bảo chất lượng. Nếu “thuận buồm, xuôi gió” thì sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi ngày gia đình chị có thu nhập từ 400.000 đồng - 600.000 đồng. 
 
Ở Diễn Vạn hiện có khoảng 30 lò nướng cá, tập trung chủ yếu ở 3 xóm Trung Phú, Yên Đồng và Trung Hậu, mỗi ngày các lò nướng cá này “xuất xưởng” khoảng 20 tấn cá nướng các loại, giải quyết việc làm cho hơn 200 lao động thường xuyên với thu nhập khoảng 3 - 4 triệu đồng/tháng/người. Điều mà lãnh đạo xã cũng như người lao động trăn trở là việc xây dựng làng nghề nướng cá tập trung để tăng năng suất cũng như sản lượng tiêu thụ. Ông Hoàng Minh Long, Chủ tịch UBND xã Diễn Vạn cho biết: “Hiện chúng tôi đã làm đề án trình cấp trên xin được công nhận làng nghề. Nếu được duyệt xây dựng khu tập trung thì xã sẽ có cơ hội xây dựng khu nướng cá chuyên nghiệp hơn với các công đoạn bài bản và khoa học hơn, nhất là về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm... Hơn nữa để người dân tự tiêu thụ sẽ khó ổn định đầu ra cho sản phẩm”.
 
Rời Diễn Vạn, chúng tôi tìm về Diễn Kim - nơi có nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ nổi tiếng. Tìm đến nhà bà Nguyễn Thị Thuyên, Bí thư Chi bộ xóm Tiền Tiến 2, bà Thuyên nguyên là Chủ nhiệm HTX Tiểu thủ công nghiệpTân Tiến nổi tiếng trong cả nước về trồng dâu nuôi tằm và ươm tơ. Bà Thuyên cho biết: “HTX Tiểu thủ công nghiệp Tân Tiến thành lập từ những năm 1970 của thế kỷ trước và phát triển mạnh, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 70 công nhân. Tuy nhiên, cùng sự phát triển của đất nước, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng trong ngành dệt với những chất liệu tổng hợp được sản xuất nhanh và rẻ nên tơ tằm tự nhiên khó cạnh tranh trên thị trường. Vì thế nghề trồng dâu nuôi tằm ở Diễn Kim chỉ còn sản xuất nhỏ lẻ”.
 
Sản phẩm tơ tằm do người dân Diễn Kim sản xuất ra là loại sợi nõn tự nhiên cao cấp có tính chất đặc biệt như độ bóng cao, mềm mại, xốp. Quần áo, khăn được làm bằng chất liệu tơ tằm được khách trong nước và nước ngoài ưa chuộng. Những năm gần đây, nhu cầu sử dụng sản phẩm tơ tự nhiên tăng cao, cùng với chính sách hỗ trợ của Nhà nước, những tiến bộ khoa học kỹ thuật, nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ ở Diễn Kim đã phát triển trở lại nhưng vẫn còn nhỏ lẻ. Từ chỗ hàng trăm hộ theo nghề, nay chỉ còn lại mấy chục hộ (xóm Tiền Tiến 2: 20 hộ, xóm Tiền Tiến 1: 15 hộ, xóm Tiền Tiến: 17 hộ).
 
Chị Nguyễn Thị Xuân - XÓm Tiền Tiến - Diễn Kim và những bó tơ tằm chờ giá lên.
Chị Nguyễn Thị Xuân - Xóm Tiền Tiến - Diễn Kim và những bó tơ tằm chờ giá lên.
 
Chị Nguyễn Thị Xuân, xóm Tiền Tiến - người “bám trụ” với nghề truyền thống này chia sẻ: “Tằm mỗi ngày ăn 6 “nước”, khoảng 4 tiếng cho ăn một lần. Ban đêm cũng phải đặt chuông báo thức để dậy cho tằm ăn. Vất vả là vậy nhưng đã trót theo nghề và vẫn sống được bằng nghề thì mình vẫn làm. Nếu thế hệ mình không làm thì con cháu sau này sẽ chẳng ai theo nghề đâu”. Được biết, nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ đã giúp gia đình chị nuôi được 4 người con học đại học và cao đẳng, hiện con gái út sau khi học xong cũng đã về địa phương lập gia đình và cùng mẹ theo nghề truyền thống của ông cha để lại. Nghề nuôi tằm mỗi năm làm được 10 tháng, ngoài bán tơ ra còn bán nhộng.
 
Nếu mỗi hộ nuôi 15 nong tằm thì mỗi lứa (20 ngày) thu nhập khoảng 5 triệu đồng. Vấn đề lo lắng của chị chính là tìm đầu ra cho sản phẩm, bởi hiện nay giá tơ tuy có cao nhưng không ổn định, phụ thuộc nhiều vào thương lái. Chị Xuân không chỉ nuôi tằm, mà còn thu mua kén của các hộ trong xóm về kéo tơ. Chị trở thành đầu mối bao tiêu sản phẩm cho khoảng gần chục hộ. Năm 2014 giá tơ có lúc lên tới 700 nghìn đồng/kg, nhưng thời điểm hiện tại chỉ còn 450 nghìn đồng/kg. Nếu bán với giá này thì người bao tiêu cho nông dân sẽ bị lỗ. Sản phẩm nhộng ngày càng rẻ vì nhộng nhập từ phía Bắc về nhiều. Điều chị Xuân và những hộ trồng dâu, nuôi tằm cần hiện nay là có đầu mối đủ lớn để thu mua, đảm bảo cho bà con nông dân không bị tư thương ép giá. Bà Nguyễn Thị Thuyên cho rằng vẫn cần có hình thức tổ chức hiệp hội để đảm bảo mạng lưới những người nuôi tằm về một mối để tránh bị ép giá. Còn như hiện nay, các hộ dân “tự sản tự tiêu” thì đầu ra sẽ rất bấp bênh.
 
Qua tìm hiểu một số làng nghề, chúng tôi thấy rằng vẫn còn nhiều hộ dân muốn theo nghề và giữ nghề truyền thống.Trên thực tế họ vẫn đang duy trì, đang gắn bó với nghề. Cơ chế thị trường phải chấp nhận quy luật đào thải tự nhiên, nhưng với những làng nghề có triển vọng, có tiềm năng, thiết nghĩ vẫn cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ về cách thức tổ chức để tạo điều kiện cho người làm nghề gắn bó với nghề.
 
 
 Cảnh Nam
Nguồn baonghean.vn
http://baonghean.vn/kinh-te/201505/khat-vong-giu-nghe-610439/



  Các Tin khác
  + Ngắm cây cầu dài nhất tuyến cao tốc Bắc - Nam sắp hoàn thành (07/04/2024)
  + Khám phá vẻ đẹp huyền bí hang Dơi Khét trên núi Phá Èn (07/04/2024)
  + Ở một xã của tỉnh Nghệ An có con đường hoa gạo đỏ rực, người ta kéo đến quay phim, chụp ảnh (03/04/2024)
  + Vui hội đền Chín Gian (23/03/2024)
  +   Đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh Khu lưu niệm Đại tướng Chu Huy Mân (17/03/2024)
  + Tưng bừng khai hội Đền Thanh Liệt năm 2024 (17/03/2024)
  + Công an Nghệ An xứng danh anh hùng, đồng sức đồng lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân (10/03/2024)
  + Những chiến sĩ áo trắng vùng biên: Quyết không bỏ nghề, tất cả vì sức khỏe nhân dân (06/03/2024)
  + Về "làng Khoa bảng " xem bà con nông dân làm du lịch (06/03/2024)
  + Dòng sông Mai Giang chảy qua thị xã nào của Nghệ An, có lễ hội gì mà vạn người trên bờ cổ vũ? (02/03/2024)
  + Nghệ sĩ Lê Thanh Phong và hành trình đưa ví, giặm vượt biên giới (01/03/2024)
  + Nhiều viên gạch quý hiếm tại đền thờ Trạng nguyên Hồ Hưng Dật (01/03/2024)
  + Lưu mãi nét đẹp văn hoá Thổ ở làng Mo Mới (01/03/2024)
  + Nghĩ về dòng chảy di sản văn hóa xứ Nghệ (01/03/2024)
  + Đặc sản thịt chua xứ Nghệ vào vụ Tết (30/01/2024)
  + Biển Cửa Lò ở Nghệ An có từ bao giờ, cái tên Thiên Cầm ở Hà Tĩnh sao lại liên quan đến Hồ Quý Ly? (30/01/2024)
  + Một cây cổ thụ 700 năm tuổi ở Hà Tĩnh tương truyền cứu vua Lê Thái Tổ nay vẫn xanh um, quả thơm khắp làng (30/01/2024)
  + TẢN MẠN CHUYỆN Ở XÓM... (02/11/2023)
  + Ngôi chùa nhà Trần với tích tiên nữ giáng trần dạo chơi, rửa chân ở Hà Tĩnh có gì đặc biệt? (16/10/2023)
  + Làng cổ ở Nghệ An là làng duy nhất của Việt Nam có tới 3 nhà khoa bảng giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám (16/10/2023)
Playlist

GIỚI THIỆU
 

Kính thưa quý độc giả 

Website nguoixunghekiev.vn

hoạt động chính thức từ tháng

10/2012. và  phi lợi nhuận.

Trang tin đăng tải tin tức 

của cộng đồng người Việt tại Kiev

và toàn Ucraina, đồng thời lấy tin 

từ các trang báo mạng khác trên

nguyên tắc trích dẫn nguyên bản 

đường nguồn chính. Là những

người làm báo không chuyên nên

chắc chắn sẽ gặp sai sót không

mong muốn, chúng tôi sẽ tiếp thu 

chân thành những góp ý xây dựng 

của quý độc giả để cho trang tin 

ngày càng hoàn thiện hơn, xin gửi

về mục liên hệ trên mặt báo hoặc

Email: hosytruc@gmail.com

ĐT: 093-712-24-57

093-973-97-39

Xin trân trọng cảm ơn.

Biên tập: Hồ Sỹ Trúc

 

 

 
 
 

 

 


QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 1
Total: 60204442

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July