Trang chủ Liên hệ       Thứ bẩy, Ngày 27/04/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
  -  Đất và người Xứ Nghệ
  -  Dân ca Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Truyền thống Nghệ Tĩnh > Đất và người Xứ Nghệ >
  NSNA Vũ Văn Cảnh: Ngọn lửa của niềm đắm say NSNA Vũ Văn Cảnh: Ngọn lửa của niềm đắm say , Người xứ Nghệ Kiev
 

(Baonghean) - Căn phòng làm việc của Hội Điện ảnh Việt Nam nhỏ nhắn nhưng ngăn nắp. Trên tường, một vài bức ảnh được đóng khung trang trọng, trong đó có bức chụp cảnh thu hoạch mùa màng với những người phụ nữ nông thôn đang cười rạng rỡ trong ánh nắng. Chủ nhân của những bức ảnh, nghệ sỹ nhiếp ảnh Vũ Văn Cảnh nói khi thấy tôi say sưa ngắm nhìn: “Đó là ở Yên Thành quê tôi. Tôi đã đi nhiều nơi và bắt gặp nhiều cảnh sắc đẹp, nhưng Yên Thành là mảnh đất mà dường như có đi đến mòn chân ở đó tôi vẫn thấy được những vẻ đẹp đầy lôi cuốn…”.

 

Gặp nghệ sỹ nhiếp ảnh Vũ Văn Cảnh lúc nào cũng thấy anh tất bật. Tuy vậy, khi được hỏi về duyên nghề là anh cởi mở, kể với đầy niềm tự hào: “Tôi gắn kết với nhiếp ảnh là nhờ tham gia quân đội đấy. Năm 1972, tôi đi bộ đội. Năm 1975, khi đơn vị tôi tấn công vào cửa ngõ Sài Gòn và giành toàn thắng, vì thích chụp ảnh quá nên tôi mua một cái máy chụp chơi. Thôi thì cứ coi như vào nghề từ thời điểm đó…”. Thế rồi, câu chuyện về đời, về nghề được anh lật giở lại như lật từng tấm ảnh cũ đầy thú vị và xúc động.

Nghệ sỹ nhiếp ảnh Vũ Văn Cảnh sinh năm 1955, tại xã Nhân Thành, huyện Yên Thành. Năm 1984, khi đang phụ trách phòng ảnh ngành cơ yếu của quân đội thì anh được cử đi học lớp nhiếp ảnh cơ bản trong 9 tháng do Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức. Đến năm 1989, anh lại tham gia học lớp sáng tác ảnh nghệ thuật trong vòng 6 tháng cũng do hội tổ chức. Sau khi kết thúc khóa học, lớp thành lập Câu lạc bộ Nhiếp ảnh nghệ thuật của hội do Vũ Văn Cảnh làm chủ nhiệm. Nhờ hoạt động tốt nên Câu lạc bộ đã khích lệ được các hội viên hăng say lao động nghệ thuật. Chính vì vậy, sau này 100% thành viên của Câu lạc bộ đã trở thành hội viên của Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam, trở thành 1 trong 7 chi hội hoạt động tại Hà Nội thuộc Hội Trung ương.

Con đường mà Vũ Văn Cảnh đã chọn có vẻ như hợp duyên với anh cả trong lĩnh vực chuyên môn lẫn vai trò quản lý. Năm 1997, anh được chuyển ngành về làm Trưởng phòng Tổ chức cán bộ thuộc Bộ Văn hóa – Thông tin. Chưa đầy 1 năm sau, anh lại được điều về làm Phó Chánh Văn phòng Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam. Từ tháng 3/2010 đến nay, anh được bầu vào Thường trực Ban Chấp hành hội, phụ trách công tác thi đua, hội viên, bản quyền tác giả nhiếp ảnh, Tạp chí Nhiếp ảnh; phụ trách công tác đối ngoại kiêm Trưởng ban Quản lý Dự án Trung tâm Lưu trữ và Triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam, đồng thời phụ trách ngành Nhiếp ảnh của 23 tỉnh đồng bằng sông Hồng và miền núi phía Bắc.

Trong sự nghiệp lao động sáng tạo nghệ thuật của mình, Vũ Văn Cảnh là một trong số các nghệ sỹ gặt hái được nhiều giải thưởng nhất. Khẽ chau mày như để lục tìm trí nhớ, anh cho biết có đến 28 giải thưởng các loại anh đã đoạt được, trong số đó có các giải tiêu biểu như Huy chương Vàng do Liên đoàn Nhiếp ảnh Nghệ thuật quốc tế tại Malaysia trao năm 2008; Huy chương Bạc quốc tế do Liên đoàn FIAP tại Brazil tặng; Huy chương Vàng của Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam tặng năm 2003 và 6 giải thưởng ảnh Việt Nam xuất sắc cho 6 tác phẩm. Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Vũ Văn Cảnh còn là nghệ sỹ được phong nhiều tước hiệu: Nghệ sỹ Nhiếp ảnh ưu tú quốc tế của Liên đoàn FIAP phong (E.FIAP) năm 2005; Nghệ sỹ Ưu tú đặc biệt quốc tế của Liên đoàn FIAP phong (ES.FIAP) năm 2009; Nhà Nhiếp ảnh xuất sắc Việt Nam của Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam phong (E VAPA) năm 2006 và Nghệ sỹ có cống hiến xuất sắc (ES VAPA) năm 2008.

Một số tác phẩm ảnh của NSNA Vũ Văn Cảnh về quê hương: 

Đình Hậu (Bắc Thành - Yên Thành)

Đình Hậu (Bắc Thành - Yên Thành)

 

Cầu đá cổ  làng Phúc Thành.

Cầu đá cổ làng Phúc Thành.

 

Gần  trọn cả cuộc đời cầm máy, nghệ sỹ nhiếp ảnh Vũ Văn Cảnh đã ghi lại cho đời hàng trăm bức ảnh báo chí và nghệ thuật có giá trị cao. Khi được hỏi những phẩm chất thiết yếu đối với người nghệ sỹ nhiếp ảnh, Vũ Văn Cảnh nói: “Cũng như các nghệ sỹ khác, người nghệ sỹ nhiếp ảnh cần nhiều tố chất lắm. Trước hết là tài năng và đạo đức nghề nghiệp, tiếp đến phải luôn sáng tạo và yêu nghề…”. Anh cho biết, các nghệ sỹ trẻ thường mới vào nghề thì tỏ ra thích thú, hào hứng, nhưng sau đó lại nhanh chán. Theo anh, nếu cố gắng vượt qua được cái thời khắc chán nản ấy thì chắc chắn sẽ thành công. Nhiếp ảnh khác các ngành nghệ thuật khác ở điểm nó là thứ sáng tạo trên cơ sở sử dụng kỹ thuật. Chính đặc điểm này đòi hỏi người nghệ sỹ phải luôn nắm bắt được khoa học kỹ thuật để theo kịp thời đại. Nhiếp ảnh còn gắn chặt với các sự kiện kinh tế, chính trị xã hội, với thực tiễn cuộc sống một cách tức thời và có tính thời sự. Thông qua lăng kính của mình, người nghệ sỹ phải kịp thời ghi lại những diễn biến ấy bằng hình ảnh, nếu không sau này sẽ không tái hiện được. Nhiếp ảnh cũng là ngành nghệ thuật nhanh nhạy, dễ hiểu, gần với công chúng hơn so với các ngành nghệ thuật khác. Đây được coi là một lợi thế của nhiếp ảnh, đòi hỏi người nghệ sỹ biết tận dụng và khai thác có hiệu quả cao. 

Những tác phẩm sống động vừa có tính báo chí, thời sự vừa mang tính nghệ thuật cao của nghệ sỹ nhiếp ảnh Vũ Văn Cảnh đã minh chứng cho những tâm sự chân thành của anh. Cả cuộc đời gắn bó với chiếc máy ảnh, cho dù đi đâu thì rồi cuối cùng anh vẫn trở về với Yên Thành quê hương, lấy nó làm điểm tựa cho mỗi lần bấm máy. Yên Thành không chỉ là nơi anh sinh ra mà còn là nơi nuôi dưỡng tâm hồn và niềm say đắm với nghệ thuật trong anh, là nơi anh tự đối thoại với lương tâm sau mỗi bức ảnh. Anh bồi hồi kể lại: “Thuở còn đi chăn trâu cắt cỏ, bạn bè tôi thường đánh khăng, tập trận. Còn tôi, không hiểu sao chỉ thích ngắm cảnh vật quê hương qua cái ống tre, ống nứa. Mấy cái ống ấy chỉ dài vài gang tay, như cái ống nhòm vậy, thế mà đối với tôi chúng như có ma lực. Lớn thêm chút nữa, tôi đưa trâu đi chăn ở các cánh đồng xa, thậm chí sang các xã lân cận khác hàng chục cây số để được thỏa thích hòa mình với thiên nhiên. Quả thực quê tôi rất đẹp, từ núi non, sông hồ, đến những cánh đồng lúa và hoa màu trải dài ngút mắt…”.

Nghệ sỹ nhiếp ảnh Vũ Văn Cảnh không ngờ được rằng, từ cái ống ngắm bằng tre, nứa ấy, hơn 30 năm sau, khi vừa tham gia các khóa học nhiếp ảnh của Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức, anh quyết định gắn công việc sáng tạo nghệ thuật của mình với quê hương. Thay mấy cái ống tre, ống nứa thuở nào là những chiếc máy ảnh hiện đại, lỉnh kỉnh đủ các loại ống kính ngắn dài. Cậu bé Cảnh ngày nào cưỡi lưng trâu đi khắp các thôn xóm để ngắm cảnh, thì giờ đây có khi anh đi tản bộ, có khi cưỡi chiếc xe đạp, xe máy rong ruổi hết thôn xóm Yên Thành để săn ảnh. Có những lần anh dậy rất sớm để đón bắt một hừng đông như vống ngực trần phủ trên đồng bãi quê hương, một tia nắng sắc gọn kẻ chéo lên luống khoai, thảm lúa. Nhưng cũng có những hôm anh phải thức rất khuya mới thu được hồn cốt quê hương vào mỗi khuôn hình. Chuyện săn ảnh như trên đối với anh không chỉ xảy ra một vài lần, mà là hàng trăm lần vào bất cứ lúc nào trong ngày, trong năm, bất cứ ở góc ngõ nào của đất Yên Thành. Như có phép biến hóa, cảnh vật quê hương mỗi thời khắc mang một sắc thái khác nhau, và khi lên hình thì tất thảy đều sống động. Bởi thế, hàng trăm bức ảnh về Yên Thành không bức nào giống bức nào, mỗi bức như mang một số phận riêng, một nỗi buồn vui, suy tư, lạc quan riêng. 

Đối với nghệ sỹ nhiếp ảnh Vũ Văn Cảnh, ống kính không loại trừ một cảnh vật, một đối tượng hay một sự kiện nào cả. Vấn đề là thông qua lăng kính của người nghệ sỹ, bức ảnh đã và sẽ gửi thông điệp gì cho hiện tại và tương lai. Vũ Văn Cảnh khắc họa Yên Thành từ một mái trường tiểu học khang trang (Trường Cấp 1 Vĩnh Thành), một mặt hồ lay động khói lam chiều (Vĩnh Thành hôm nay), đến đồng đất phì nhiêu (Đồng đất Bảo Thành), hồ sen bạt ngàn hoa lá (Đi giữa mùa sen), đến chiếc cầu đá cổ vững chãi, kiên trung ở Phúc Thành (Cầu đá cổ làng Phúc Thành), và những di tích, danh thắng, những gương mặt cận cảnh của người nông dân cần mẫn trên quê hương Yên Thành… Vì vậy, người xem không khó để nhận ra một Yên Thành vừa kiên cường trong đấu tranh cách mạng, lại vừa năng động sáng tạo trong xây dựng quê hương và đang trên con đường không ngừng đổi mới. Và có lẽ, chẳng cần nhiều lời, nhìn những bức ảnh chụp quê là đã biết anh yêu và không nguôi thương nhớ mảnh đất này. Nó khiến cho anh, lúc nào cũng như một đứa trẻ, khi trở về…

Khi chia tay, nghệ sỹ nhiếp ảnh Vũ Văn Cảnh tặng tôi một cuốn sách ảnh khá dày dặn của anh về người và đất Yên Thành. Tôi hỏi anh còn có ý định xuất bản thêm sách ảnh về quê hương nữa không, anh cười rồi buông lời chân thật: “Có chứ! Tôi vừa từ quê ra, săn được khá nhiều ảnh”. Chợt giọng anh chùng xuống, trầm tư: “Thật lạ, quê hương mình có dài rộng lắm đâu mà đi mãi không hết - trong nghệ thuật nhiếp ảnh! Tôi càng đi càng thấy thiêu thiếu một cái gì đó, một cái gì đó chưa nắm bắt được. Đã rất nhiều lần tôi tự hỏi, phải chăng mình chưa thực sự cháy hết mình để mỗi khuôn hình, mỗi bức ảnh tự nó ngân lên được giai điệu thật riêng biệt của xứ Nghệ quê hương?”.

Tôi ra về, cứ nghĩ mãi về cảm giác thiêu thiếu ấy của người nghệ sỹ. Phải chăng trong mỗi chúng ta đều từng có lần như vậy, khi thấy tất cả những gì mình làm chưa đủ, chưa thể hiện hết hay chưa thắp sáng được trọn vẹn cái ngọn lửa đang thôi thúc cháy trong mình -  ngọn lửa của tình yêu, của niềm say đắm?

Thái Quỳnh

 Theo Baonghean.vn


  Các Tin khác
  + Ngắm cây cầu dài nhất tuyến cao tốc Bắc - Nam sắp hoàn thành (07/04/2024)
  + Khám phá vẻ đẹp huyền bí hang Dơi Khét trên núi Phá Èn (07/04/2024)
  + Ở một xã của tỉnh Nghệ An có con đường hoa gạo đỏ rực, người ta kéo đến quay phim, chụp ảnh (03/04/2024)
  + Vui hội đền Chín Gian (23/03/2024)
  +   Đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh Khu lưu niệm Đại tướng Chu Huy Mân (17/03/2024)
  + Tưng bừng khai hội Đền Thanh Liệt năm 2024 (17/03/2024)
  + Công an Nghệ An xứng danh anh hùng, đồng sức đồng lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân (10/03/2024)
  + Những chiến sĩ áo trắng vùng biên: Quyết không bỏ nghề, tất cả vì sức khỏe nhân dân (06/03/2024)
  + Về "làng Khoa bảng " xem bà con nông dân làm du lịch (06/03/2024)
  + Dòng sông Mai Giang chảy qua thị xã nào của Nghệ An, có lễ hội gì mà vạn người trên bờ cổ vũ? (02/03/2024)
  + Nghệ sĩ Lê Thanh Phong và hành trình đưa ví, giặm vượt biên giới (01/03/2024)
  + Nhiều viên gạch quý hiếm tại đền thờ Trạng nguyên Hồ Hưng Dật (01/03/2024)
  + Lưu mãi nét đẹp văn hoá Thổ ở làng Mo Mới (01/03/2024)
  + Nghĩ về dòng chảy di sản văn hóa xứ Nghệ (01/03/2024)
  + Đặc sản thịt chua xứ Nghệ vào vụ Tết (30/01/2024)
  + Biển Cửa Lò ở Nghệ An có từ bao giờ, cái tên Thiên Cầm ở Hà Tĩnh sao lại liên quan đến Hồ Quý Ly? (30/01/2024)
  + Một cây cổ thụ 700 năm tuổi ở Hà Tĩnh tương truyền cứu vua Lê Thái Tổ nay vẫn xanh um, quả thơm khắp làng (30/01/2024)
  + TẢN MẠN CHUYỆN Ở XÓM... (02/11/2023)
  + Ngôi chùa nhà Trần với tích tiên nữ giáng trần dạo chơi, rửa chân ở Hà Tĩnh có gì đặc biệt? (16/10/2023)
  + Làng cổ ở Nghệ An là làng duy nhất của Việt Nam có tới 3 nhà khoa bảng giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám (16/10/2023)
Playlist

GIỚI THIỆU
 

Kính thưa quý độc giả 

Website nguoixunghekiev.vn

hoạt động chính thức từ tháng

10/2012. và  phi lợi nhuận.

Trang tin đăng tải tin tức 

của cộng đồng người Việt tại Kiev

và toàn Ucraina, đồng thời lấy tin 

từ các trang báo mạng khác trên

nguyên tắc trích dẫn nguyên bản 

đường nguồn chính. Là những

người làm báo không chuyên nên

chắc chắn sẽ gặp sai sót không

mong muốn, chúng tôi sẽ tiếp thu 

chân thành những góp ý xây dựng 

của quý độc giả để cho trang tin 

ngày càng hoàn thiện hơn, xin gửi

về mục liên hệ trên mặt báo hoặc

Email: hosytruc@gmail.com

ĐT: 093-712-24-57

093-973-97-39

Xin trân trọng cảm ơn.

Biên tập: Hồ Sỹ Trúc

 

 

 
 
 

 

 


QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 1
Total: 60419332

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July