Trang chủ Liên hệ       Thứ bẩy, Ngày 27/04/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
  -  Đất và người Xứ Nghệ
  -  Dân ca Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Truyền thống Nghệ Tĩnh > Đất và người Xứ Nghệ >
  Kỳ tích đất học xứ Nghệ Kỳ tích đất học xứ Nghệ , Người xứ Nghệ Kiev
 

 

(Baonghean) - Nghệ An vốn được coi là đất học và khi nói về sự học, sự thành đạt trên con đường học vấn, người Nghệ luôn tự hào nhắc đến Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Từ ngôi trường này, biết bao thế hệ học trò đã trưởng thành, nhiều người trở thành các nhà văn, nhà thơ, nhà khoa học, nhiều người trở thành các chính trị gia, doanh nhân, các nhà quản lý đang giữ các chức vụ quan trọng trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp lớn… Trong 40 năm qua, học trò Trường Phan đã giành được 4 HCV, 5 HCB, 6 HCĐ ở các kỳ thi Olympic học sinh giỏi quốc tế và châu Á; 1034 học sinh giỏi quốc gia; hàng trăm thủ khoa các trường đại học danh tiếng. Đó là một kỳ tích mà tất cả các trường THPT trên cả nước đều mơ ước…

Từ những lớp chuyên “đặc biệt”

 

Đầu năm 1965, cuộc kháng chiến chống Mỹ đang bước vào giai đoạn khốc liệt nhất, theo Quyết định 198/CP ngày 14/9/1965 của Chính phủ, để đào tạo nguồn nhân lực tài năng cho đất nước, một số địa phương ở miền Bắc mở các lớp cấp III dạy học sinh có năng khiếu về Toán học. Đầu tiên là Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn), sau đó là Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Vinh và một số tỉnh, thành phố khác.

 

 


               Lãnh đạo tỉnh tặng hoa chúc mừng các giáo viên

                        trường chuyên Phan Bội Châu

Mặc dù nằm trong vùng trọng điểm đánh phá ác liệt của không quân, hải quân Mỹ, và cũng là một trong những địa phương gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn nhất, nhưng bắt đầu từ năm học 1965 -1966, lãnh đạo tỉnh Nghệ An mà trực tiếp là Ty Giáo dục (Sở Giáo dục và Đào tạo) đã mở các lớp chuyên Toán “đặc biệt” đầu tiên ở một số trường THPT do các thầy giáo Phạm San, Nguyễn Duy Tịnh, Nguyễn Khắc Tuệ, Nguyễn Tiến Lễ… giảng dạy và chủ nhiệm.

Rồi những niên khóa tiếp theo, mặc dù bom đạn ngày đêm cày xéo, nhưng với tư duy sáng tạo, từ năm 1969, Ty Giáo dục Nghệ An lại tiếp tục mở thêm lớp chuyên Văn đặt ở Trường cấp 3 Đô Lương I. Thầy giáo Phan Huy Huyền rồi tiếp đến các thầy Nguyễn Duy Tý, Hoàng Quỳ, Nguyễn Tấn Dương… là những giáo viên đầu tiên giảng dạy và phụ trách các lớp chuyên Văn. Nhiều học sinh các lớp năng khiếu ngày ấy, bây giờ đã trưởng thành và có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước. 

Ở các lớp chuyên Toán, một số học sinh tiêu biểu như: Thái Bá Cần, hiện nay là giảng viên cao cấp, PGS.TS, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội Cơ học Việt Nam;  Vũ Quốc Phóng - Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học, đang công tác tại Trường Đại học Ohio (Mỹ); Tô Hồng Hải - nguyên Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An; Nguyễn Hữu Đức - GS.TS, Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt; Nguyễn Văn Cao - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế; Nguyễn Hồng Trường - Tiến sỹ, Thứ trưởng Bộ GTVT; Trần Nhật Thành - Chủ tịch HĐQT Công ty Delta; Nguyễn Duy Chiến - Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan… 

Các lớp chuyên Văn cũng có nhiều người tiêu biểu như: GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; Phan Xuân Dũng - Ủy viên T.Ư Đảng, Ủy viên Thường vụ Quốc hội - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; Nguyễn Viết Ngoạn - GS.TS, Hiệu trưởng Trường Đại học Sài Gòn; Phan Văn Thư - Phó Giám đốc Học viện Tư pháp; PGS.TS Trương Đăng Dung - nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn học; Nguyễn Sỹ Dũng - Tiến sỹ Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội); Nguyễn Đức Hiền - Đại biểu Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội; Hồ Quang Lợi - Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội; Võ Thị Hảo - Nhà văn;  Nguyễn Thành Thi - PGS.TS Văn học - Trưởng khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh; GS.TS Nguyễn Thanh Lâm - nguyên giảng viên Trường Đại học Tổng hợp Lô-mô-nô-xốp (Liên Xô cũ); PGS.TS Nguyễn Cảnh Huệ - quyền Trưởng khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh; Đinh Trí Dũng - PGS.TS, nguyên Chủ nhiệm khoa Ngữ văn, Đại học Vinh, nay là Giám đốc Nhà xuất bản Đại học Vinh…

Đến ngôi trường mang tên nhà yêu nước Phan Bội Châu

Ngày 15/10/1974, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Nghệ An dẫn đầu là đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Sỹ Quế tổ chức lễ công bố quyết định thành lập Trường Năng khiếu cấp III nội trú trên cơ sở hợp nhất các lớp cấp III phổ thông chuyên Văn, chuyên Toán “đặc biệt” tại các trường cấp III Đô Lương II và Thanh Chương I. Xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu được chọn làm địa điểm xây dựng trường. Sau 50 ngày đêm vất vả, hăng say lao động, 39 thầy, cô giáo, cán bộ, nhân viên và hơn 100 học sinh các lớp chuyên Văn, chuyên Toán cùng với sự giúp sức của nhân dân, chính quyền xã đã dựng lên những lớp học đơn sơ trên vùng đất trống để kịp khai giảng năm học mới 1974 - 1975.

Nghệ An tự hào là tỉnh có trường chuyên đầu tiên của miền Bắc, loại hình trường học có nhiệm vụ trên cơ sở giáo dục toàn diện, phát hiện và bồi dưỡng học sinh có năng khiếu, tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Năm 1977, trường đổi tên thành Trường Năng khiếu cấp 3 Nghệ - Tĩnh (nay là Trường THPT chuyên Phan Bội Châu). Từ năm 1977 đến 1981, địa điểm trường đóng tại xã Hưng Lộc, TP. Vinh; thời gian này (cho đến năm 1991) nhà trường tuyển sinh trên địa bàn tỉnh Nghệ Tĩnh. Từ năm 1981 đến nay, trường chuyển về số 48 - Đ. Lê Hồng Phong - TP. Vinh.

Từ 6 lớp chuyên Toán, chuyên Văn và 39 cán bộ, giáo viên, công nhân viên của ngày đầu thành lập; ngày nay trường có 33 lớp, đầy đủ 11 môn chuyên (Toán, Tin, Lý, Hóa, Sinh, Văn, Sử, Địa, Anh, Pháp, Nga) với 107 cán bộ, giáo viên, công nhân viên; 2 tiến sĩ Toán học, 2 người đang làm nghiên cứu sinh (Hóa học, Ngữ văn), 80 thạc sĩ, 2 người đang học thạc sĩ. 

50 năm hệ chuyên, 40 năm thành lập trường chuyên chưa phải là dài so với các trường THPT trên cả nước, nhưng mái trường này đã phát hiện và bồi dưỡng nhiều thế hệ học trò đã vượt lên mọi gian nan, thử thách để học tập và thành tài. Những “sản phẩm đặc biệt” đó khi “ra lò” đều phát huy tốt phẩm chất, trí tuệ của quê hương “thầy đồ xứ Nghệ”, của xứ sở từ xưa đã nổi tiếng hiếu học, học giỏi và đỗ đạt cao, đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp “trồng người”, vào sự phát triển giáo dục và đào tạo của quê hương, đất nước.

Các thế hệ học sinh của nhà trường đã làm rạng danh mái trường mang tên nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu, bồi đắp thêm truyền thống hiếu học của quê hương xứ Nghệ. Đã có 26 lượt học sinh dự thi HSG quốc tế và khu vực ở các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Tin học; trong đó có 4 Huy chương Vàng, 5 Huy chương Bạc, 6 Huy chương Đồng, 3 Bằng khen tại các kỳ thi Olympic HSG quốc tế và châu Á. Tiêu biểu như học sinh Nguyễn Tất Nghĩa (khóa 35), 2 năm liên tiếp 2007, 2008 giành 2 HCV Olympic Vật Lý quốc tế và HCV Olympic Vật lý châu Á.

Hơn 1.000 học sinh đạt giải quốc gia, trường luôn nằm trong top đầu cả nước về thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi trong nhiều năm liền. Đặc biệt, năm học 2013 - 2014, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu đứng đầu cả nước về số lượng học sinh giỏi quốc gia với 84 em đoạt giải, trong đó có 12 em được chọn dự thi vòng 2 vào đội tuyển Việt Nam dự thi Olympic học sinh giỏi quốc tế. Hàng vạn học sinh các thế hệ thi đỗ vào đại học, trong đó có hàng trăm em đỗ thủ khoa các trường danh tiếng. Không chỉ học sinh khối A mang lại niềm tự hào cho nhà trường mà các học sinh khối C cũng không kém, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu đã ươm mầm và nuôi dưỡng nên rất nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình văn học có tiếng như: Võ Thị Hảo, Nguyễn Đăng Điệp, Giáng Hương, Hồng Thái, Trần Kim Hoa, Như Bình, Đinh Thu Hiền, Lê Hồ Quang, Lê Thị Thu Thủy, Đường Hải Yến, Dương Nữ Khánh Thương, Phan Thúy Thảo, Dương Nữ Cẩm Tâm… Nhà văn Nguyên Ngọc từng nhật xét: “Tôi không hiểu vì sao ở một ngôi trường nhỏ tại một tỉnh nghèo như vậy lại sản sinh ra vô số thủ khoa văn chương. Nhất định, tôi sẽ về thăm trường một lần để tìm hiểu”.

Ghi nhận công lao các thế hệ thầy, cô giáo, cán bộ, công nhân viên và học sinh, Đảng và Nhà nước có nhiều phần thưởng cao quý dành cho mái trường: 2 lần được Chính phủ tặng Cờ Thi đua (2003, 2007), Huân chương Lao động hạng Ba (1994), Huân chương Lao động hạng Nhì (1999), Huân chương Lao động hạng Nhất (2004), Huân chương Độc lập hạng Ba (2009), Anh hùng Lao động (5/2013), 2 lần được tôn vinh trong chương trình Vinh quang Việt Nam (2007, 2013). Trong quá trình xây dựng và phát triển, nhiều lần trường đã vinh dự đón các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước và địa phương đến thăm và làm việc vào các dịp khai giảng, kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam hàng năm. Đặc biệt, trong những năm gần đây, thầy trò Trường Phan đã được Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh về thăm (5/2005) và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về dự lễ khai giảng năm học 2011 - 2012...

Với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo, 16 giáo viên của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu đã được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, 15 giáo viên được tặng Huân chương Lao động hạng Ba, 20 giáo viên được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và hàng trăm lượt nhà giáo được tặng Bằng khen của các cấp, các ngành.

NGƯT Đậu Văn Mùi - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Đề án xây dựng Trường THPT chuyên Phan Bội Châu thành trường trọng điểm, chất lượng cao giai đoạn 2010-2020, là một trong những điểm tựa vững chắc để nhà trường tạo sự đột phá, giành nhiều thành tích cao trong những năm qua, đáp ứng các yêu cầu của đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, trở thành điểm sáng giáo dục, đào tạo của cả nước.

Ngày 23/3/2014, kỷ niệm 50 năm hệ chuyên và 40 năm thành lập, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu vinh dự được đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động. Đó là niềm vinh dự cho tất cả các thế hệ thầy, trò nhà trường, cũng là trách nhiệm lớn lao cho thầy, trò phấn đấu giữ vững danh hiệu trong những bước đường phía trước, xứng đáng với truyền thống vinh quang của mái trường chuyên trên quê hương đất học xứ Nghệ”!

 

Ngày 2/4/2010, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 1317/QĐ.UBND phê duyệt Đề án “Xây dựng và phát triển Trường THPT chuyên Phan Bội Châu trở thành trường trọng điểm, chất lượng cao giai đoạn 2010 - 2020” với tổng nguồn vốn thực hiện dự án dự kiến hơn 302 tỷ đồng. Mục tiêu chung của đề án là đầu tư xây dựng trường trở thành trường THPT chuyên trọng điểm, chất lượng cao của khu vực Bắc Trung bộ, ngang tầm khu vực và quốc tế, đáp ứng yêu cầu giáo dục phổ thông toàn diện, tạo nguồn đào tạo nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao cho quê hương, đất nước.

 

 

 

                  Trung Hiếu - Hoàng Hảo

                               Baonghean.vn

 

 


  Các Tin khác
  + Ngắm cây cầu dài nhất tuyến cao tốc Bắc - Nam sắp hoàn thành (07/04/2024)
  + Khám phá vẻ đẹp huyền bí hang Dơi Khét trên núi Phá Èn (07/04/2024)
  + Ở một xã của tỉnh Nghệ An có con đường hoa gạo đỏ rực, người ta kéo đến quay phim, chụp ảnh (03/04/2024)
  + Vui hội đền Chín Gian (23/03/2024)
  +   Đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh Khu lưu niệm Đại tướng Chu Huy Mân (17/03/2024)
  + Tưng bừng khai hội Đền Thanh Liệt năm 2024 (17/03/2024)
  + Công an Nghệ An xứng danh anh hùng, đồng sức đồng lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân (10/03/2024)
  + Những chiến sĩ áo trắng vùng biên: Quyết không bỏ nghề, tất cả vì sức khỏe nhân dân (06/03/2024)
  + Về "làng Khoa bảng " xem bà con nông dân làm du lịch (06/03/2024)
  + Dòng sông Mai Giang chảy qua thị xã nào của Nghệ An, có lễ hội gì mà vạn người trên bờ cổ vũ? (02/03/2024)
  + Nghệ sĩ Lê Thanh Phong và hành trình đưa ví, giặm vượt biên giới (01/03/2024)
  + Nhiều viên gạch quý hiếm tại đền thờ Trạng nguyên Hồ Hưng Dật (01/03/2024)
  + Lưu mãi nét đẹp văn hoá Thổ ở làng Mo Mới (01/03/2024)
  + Nghĩ về dòng chảy di sản văn hóa xứ Nghệ (01/03/2024)
  + Đặc sản thịt chua xứ Nghệ vào vụ Tết (30/01/2024)
  + Biển Cửa Lò ở Nghệ An có từ bao giờ, cái tên Thiên Cầm ở Hà Tĩnh sao lại liên quan đến Hồ Quý Ly? (30/01/2024)
  + Một cây cổ thụ 700 năm tuổi ở Hà Tĩnh tương truyền cứu vua Lê Thái Tổ nay vẫn xanh um, quả thơm khắp làng (30/01/2024)
  + TẢN MẠN CHUYỆN Ở XÓM... (02/11/2023)
  + Ngôi chùa nhà Trần với tích tiên nữ giáng trần dạo chơi, rửa chân ở Hà Tĩnh có gì đặc biệt? (16/10/2023)
  + Làng cổ ở Nghệ An là làng duy nhất của Việt Nam có tới 3 nhà khoa bảng giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám (16/10/2023)
Playlist

GIỚI THIỆU
 

Kính thưa quý độc giả 

Website nguoixunghekiev.vn

hoạt động chính thức từ tháng

10/2012. và  phi lợi nhuận.

Trang tin đăng tải tin tức 

của cộng đồng người Việt tại Kiev

và toàn Ucraina, đồng thời lấy tin 

từ các trang báo mạng khác trên

nguyên tắc trích dẫn nguyên bản 

đường nguồn chính. Là những

người làm báo không chuyên nên

chắc chắn sẽ gặp sai sót không

mong muốn, chúng tôi sẽ tiếp thu 

chân thành những góp ý xây dựng 

của quý độc giả để cho trang tin 

ngày càng hoàn thiện hơn, xin gửi

về mục liên hệ trên mặt báo hoặc

Email: hosytruc@gmail.com

ĐT: 093-712-24-57

093-973-97-39

Xin trân trọng cảm ơn.

Biên tập: Hồ Sỹ Trúc

 

 

 
 
 

 

 


QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 3
Total: 60403445

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July