Trang chủ Liên hệ       Thứ năm, Ngày 23/01/2025
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
  -  Đất và người Xứ Nghệ
  -  Dân ca Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Truyền thống Nghệ Tĩnh > Đất và người Xứ Nghệ >
  TIẾNG NGHỆ TRONG “KHO TÀNG VÈ XỨ NGHỆ” TIẾNG NGHỆ TRONG “KHO TÀNG VÈ XỨ NGHỆ” , Người xứ Nghệ Kiev
 

 

 

                                                                           Bùi Thị Đào

Nguyên là giáo viên trường Cao đẳng sư phạm Nghệ An (đã nghỉ hưu), Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Nghệ An, nay trú tại Tổ 18, phố Tân Hạnh, thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; Tel: 0948.351.696; Email: buithidaophumy@gmail.com.

 Bộ sách “Kho tàng vè xứ Nghệ “ gồm 9 tập của Ninh Viết Giao xứng đáng được gọi là “tập đại thành vè xứ Nghệ”. Trong đó, các bài vè sắp xếp theo chủ đề, nội dung  từng tập. Bên cạnh đó,  tác giả còn  đầu tư nghiên cứu phân loại, giới thiệu cách nhìn tổng thể, khái quát hóa và cụ thể hóa  nhiều phương diện của kho tàng vè xứ Nghệ. Từ trong tập I, tác giả  đã rút ra những đặc điểm  cơ bản của Vè xứ Nghệ. Đó là: “Vô cùng phong phú/ Mang tính bách khoa thư/ Mang sắc thái địa phương rõ rệt” (Tập I, tr. 29-36). Trong kho tàng vè dân gian Việt Nam nói chung, Vè xứ Nghệ  thể hiện sự phong phú bậc nhất. Tính đến nay thập niên đầu của thế kỷ XXI, chưa có vùng nào sưu tầm tập hợp được một khối lượng tác phẩm đồ sộ như vè xứ Nghệ. Vè xứ Nghệ giàu có là vậy, đa dạng là vậy, nhưng sự đầu tư nghiên cứu  thì chưa có những công trình tương xứng .Về phương diện này, từ trước đến giờ đã có  những bậc tiền bối Trần Hữu Thung, cố nhà thơ Minh Huệ và Giáo Sư Ninh Viết Giao vẫn là những người tiên phong tâm huyết nhất. Còn chúng tôi chỉ là bậc con cháu hậu sinh có đôi chút tâm đắc với vè  mới  tập tễnh đi  vào tìm hiểu một khía cạnh nhỏ trong kho tàng vè xứ Nghệ. Đó là một số từ địa phương Nghệ Tĩnh  trong vè xứ Nghệ, đây là một khía cạnh nổi trội góp phần chủ yếu tạo nên đặc điểm thứ ba của kho tàng vè xứ Nghệ “Mang sắc thái địa phương rõ rệt”. Về khía cạnh này, tác giả Ninh Viết Giao đã viết” sắc thái địa phương còn lộ ra ở ngôn ngữ, không bài vè nào không có tiếng Nghệ. Nhiều bài vè đậm đặc tiếng Nghệ” (Kho tàng vè xứ Nghệ, tập I, tr. 35). Đây là một nhận định rất chính xác.Tìm hiểu vấn đề này trong vè xứ Nghệ tức tìm đến một hướng nghiên cứu của lĩnh vực ngôn ngữ là phương ngữ học, cụ thể hơn là phương ngữ Nghệ Tĩnh. Ở lĩnh vực này của tiếng Viêt, trên những phương diện khác nhau, nhất là về đặc điểm từ loại đối với các lớp từ tiếng Việt các công trình của nhiều tác giả tên tuổi đã nghiên cứu khá toàn diện và đem lại những kết quả  to lớn rất đáng trân trọng . Có thể kể đến các tác giả như Nguyễn Tài Cẩn, Nguyễn Minh Thuyết, Nguyễn Quang Hồng, Hoàng Thị Châu v.v.. Còn  các công trình nghiên cứu về phương ngữ học và phương ngữ Nghệ tĩnh của những tác giả như: Nguyễn Văn Ái, Hoàng Thị Châu, Nguyễn Thiện Chí, Nguyễn Nhã Bản, Hoàng Trọng Canh, Phan Mậu Cảnh, Nguyễn Hoài Nguyên,v.v. Những  nghiên cứu của các tác giả này đã giúp ích nhiều cho chúng tôi trên con đường tìm tòi phương hướng và xác định giới hạn nội dung nghiên cứu.

I  Những định hướng tìm hiểu và nghiên cứu

I.1 Chuyên đề này chúng tôi chỉ tập trung nghiên cứu tìm hiểu một số từ ngữ địa phương Nghệ Tĩnh trong bộ “kho tàng vè xứ Nghệ”. Chúng tôi nhìn nhận tiếng Nghệ trong phạm vi giới hạn là những từ ngữ thuộc phương ngữ Nghệ Tĩnh. Những từ ngữ này “rặt là tiếng Nghệ”, chúng cũng đã được sử dụng phổ biến rộng rãi trong giao tiếp thường ngày của người Nghệ Tĩnh.

Vấn đề đặt ra ở đây là những từ ngữ nào được xác định là từ địa phương Nghệ Tĩnh. Để lý giải nó một cách thỏa đáng thật không dễ dàng và đơn giản. Bởi lẽ trong thực tế khi xác định những từ địa phương này thì ở một số vùng khác, tỉnh khác như Thừa Thiên- Huế , Quảng Bình, Quảng Nam… Thậm chí đến cả vùng miền Tây nam bộ chúng vẫn được dùng vào giao tiếp thường ngày.Ví dụ như các từ mô, tê, răng, rứa, mần chẳng hạn. Như từ “mần”ở vùng miền Tây nam bộ cũng được dùng khá phổ biến. Dù biết vậy nhưng trong vè xứ Nghệ, sản phẩm dân gian xứ Nghệ, đa số bài có địa chỉ ra đời và phạm vi  lưu truyền rõ ràng cho nên chúng tôi vẫn xác định chúng là tiếng Nghệ là từ địa phương xứ Nghệ. Chuyên đề này chúng tôi mới tập trung tìm hiểu việc sử dụng một số từ ngữ địa phương Nghệ Tĩnh rất đặc trưng chứ  chưa chú ý nghiên cứu tất cả những từ địa phương đã được sử dụng . Khi lựa chọn từ ngữ để nghiên cứu, chúng tôi không đặt nặng vấn đề tần số xuất hiện của từ mà chú trọng nhiều đến những đặc điểm khác. Như đặc điểm ngữ âm và ngữ pháp mà từ đó thể hiện trong các ngữ cảnh sử dụng, ý nghĩa từ vựng của từ dùng. Giá trị tiêu biểu về sắc thái biểu đạt của việc dùng từ này có gì tương đồng và khác biệt so với từ phổ thông tiếng Việt tương ứng. Có một số số động từ, danh từ và một vài phó từ, trợ từ, từ chỉ định mà theo thiển ý của chúng tôi là khá đặc biệt trong tiếng Nghệ cũng là sự quan tâm của chúng tôi. Ví dụ các từ như: nỏ (không, chẳng), lộ( chỗ, nơi), lắc( quách, cho rồi) rấp( quách cho rồi),ghẹo( dù, mặc dù, nhiều, trêu chọc), rành (rất, thạo) ót(  gáy), ngọi( ước muốn, hy vọng)mấn( váy), mắc (vướng, bận, vắt lên móc vào), nhằm( đúng), nhắm( nhìn vào, để ý),v.v. Các từ này có những nét rất đặc trưng cho phương ngữ xứ Nghệ. Khi nghiên cứu những từ ngữ địa phương đã chọn ra  chúng tôi cố gắng đặt chúng  vào hệ thống từ loại tiếng Việt. Về việc xếp từ vào từ loại, mặc dù chúng tôi đã hết sức cố gắng bám sát lý thuyết về các tiêu chí phân loại nhưng một phần do các từ khi được đăt vào bối cảnh cụ thể khi chúng cùng với các đơn vị từ khác thành các tổ hợp từ và câu trong các bài vè thì có những trường hợp sẽ xảy ra hiện tượng chuyển nghĩa hoặc chuyển loại từ. Do đó  khi tím hiểu để phân loại từ loại các từ đã thống kê ,chúng tôi cũng không thể tránh khỏi những sự nhập nhằng khó rạch ròi ở một số từ cụ thể nào đó được xếp vào một loại từ loài mà các bạn cảm thấy không thật thỏa đáng. Đó là chưa kể cũng có thể còn một vài chỗ đâu đó chúng tôi khó tránh khỏi sự nhầm lẫn dẫn đến sai sót.Do đó chúng tôi mong các bạn đọc thông cảm cho sự khó khăn đó mà sẵn sàng chỉ ra cho chúng tôi những ý kiến xác đáng để có dịp chúng tôi tiếp tục tìm hiểu, tiếp thu và khắc phục.  Với lại múc đích chính yếu của chuyên đề này của chúng tôi cũng không hướng đến vấn đề phân loại từ loại của các từ ngữ địa phương.    

I.2 Tiêu chí để chúng tôi dựa vào làm căn cứ xác định các đơn vị từ ngữ là từ địa phương xứ Nghệ là ngữ âm và ngữ nghĩa, kể cả những biến thể ngữ âm.Chúng tôi cũng nghiên cứu kỹ và rất coi trọng việc tham khảo và tiếp thu một số tài liệu nghiên cứu khảo sát về tiếng Nghệ củacác bậc thầy đi trước. Đặc biệt các cuốn “Từ điển tiếng Nghệ” của Trần Hữu Thung và Thái Kim Đỉnh biên soạn, nhà xuất bản Nghệ An, 1998; cuốn” Từ điển thành ngữ, tục ngữ Nghệ Tĩnh” do Nguyễn Nhã Bản chủ biên, nhà xuất bản Nghệ An, 2005. Một căn cứ quan trọng hơn cả để chúng tôi dựa vào để xác định các đơn vị từ địa phương trong vè xứ Nghệ là vốn từ ngữ người xứ Nghệ Tĩnh sử dụng trong thực tế giao tiếp ngôn ngữ thường ngày đặt trong tương quan so sánh đối chiếu với hệ thống các đơn vị từ vựng tiếng Việt.Về lý thuyết khái quát từ loại, chúng tôi tham khảo thêm tài liệu của các nhà nghiên cứu Nguyễn Tài Cẩn, Đỗ hữu Châu, Hoàng Thị Châu, Diệp Quang Ban v.v.

I.3. Khi xác định từ loại cho các từ địa phương đã thống kê, chúng tôi có tiếp thu những quan điểm lý thuyết của các nhóm tác giả trong các công trình nghiên cứu và giáo trình  ngữ pháp tiếng việt, từ loại tiếng Việt hiện hành trong hệ thống các trường Cao đẳng và Đại học. Trong số đó có cuốn “ Ngữ pháp tiếng Việt” tập hai của Diệp Quang Ban (chủ biên), Nhà xuất bản Giáo dục xuất bản năm 2005 để phân loại từ loại.

II. Một số nội dung tìm hiểu, nghiên cứu

         Vấn đề này trong phạm vi rộng lớn đã có khá nhiều nhà nghiên cứu tìm hiểu và đóng góp đáng kể, hữu ích. Cụ thể như nhóm các tác giả của trường Đại học Vinh gồm Nguyễn Nhã Bản, Hoàng Trọng Canh.v.v. Những tác giả này cũng đã tìm hiểu nghiên cứu khá nhiều phương diện của tiếng Nghệ trong giao tiếp đời thường và trong các sáng tác dân gian xứ Nghệ.  Ở chuyên đề này, chúng tôi tự xác định cho mình nhiệm vụ và mục tiêu cần hướng tới là qua  khảo sát , tìm hiểu từ tiếng Nghệ trong  vè xứ Nghệ để giải đáp một vài câu hỏi đại loại như:thực tế về số lượng các đơn vị từ địa phương tiếng Nghệ được đưa vào trong toàn bộ “Kho tàng vè xứ Nghệ” là bao nhiêu? Số lượng phân bổ theo từng tập vè ra sao? Số lượng đơn vị từ và tần số xuất hiện theo từngloại từ loại thế nào?Thống kê và phân loại chúng theo các căn cứ đã xác định. Chọn ra một vài từ tâm đắc để tìm hiểu cách thức vận dụng chúng vào các sáng tác vè dân gian xứ Nghệ ra sao cách sử dụng đó mang lại giá trị biểu đạt nội dung thông tin. Cách làm đó có gì đặc biệt so với chúng trong hoạt động giao tiếp  tự nhiên của tiêngNghệ. Việc  cuối cùng chúng tôi cần giải quyết là những cách sử dụng  những từ địa phương này cho phép chúng ta khẳng định được những đóng góp của chúng vào việc phản ánh nội dung hiện thực cuộc sống cũng như giá trị nghệ thuật của các tác phẩm vè dân gian xứ Nghệ. Từ đó rút ra  những nét giá trị nghệ thuật độc đáo trong cách dùng từ tiếng Nghệ vào sáng tạo vè cũng như tính độc đáo của phương ngữ Nghệ Tĩnh. Đó là một đặc sản riêng trong ngôn ngữ xứ Nghệ. Những cách thể hiện lời nói trong vè dân gian của xứ Nghệ mang đậm dấu ấn của bản sắc văn hóa người xứ` Nghệ. Qua đó giúp ta nhìn rõ những đóng góp của chúng vào việc làm giàu thêm vốn từ tiếng Nghệ cũng là góp phần làm giàu đẹp thêm  tiếng Việt. 

II.1 Khảo sát số lượng đơn vị từ địa phương được dùng trong “kho tàng vè xứ Nghệ” (KTVXN).                    

II.1.1 Khi thực hiện công việc thống kê từ ngữ địa phương trong các tập vè, chúng tôi thực hiện theo cách thống kê lần lượt các đơn vị từ vựng thuộc lớp từ địa phương Nghệ Tĩnh theo trình tự xuất hiện có trong từng tập vè.   Dưới đây chúng tôi trình bày tóm tắt các tiêu chí  dựa theo để phân loại  từ loại cho các từ địa phương Nghệ Tĩnh.

II.1.2  Chúng tôi dựa vào tiêu chí phân loại từ loại trong tiếng Việt của nhóm tác giả Diệp Quang Ban, Hoàng Văn Thung trình bày trong cuốn Ngữ pháp tiếng Việt( tập một). NXB-GD Việt Nam in năm 2005. Trong tài liệu này, các tác giả đã thể hiện xu hướng dùng các đặc trưng cơ bản của từ trong tiếng Việt làm các tiêu chuẩn để phân loại như sau: Thứ nhất là căn cứ vào ý nghĩa khái quát “ Ý nghĩa từ loại là ý nghĩa khái quát của từng lớp từ, trên cơ sở khái quát hóa từ vựng thành khái quát hóa phạm trù  ngữ pháp chung( phạm trù từ vựng- Ngữ pháp)…Thứ hai là căn cứ vào khả năng kết hợp. Thứ ba là chức năng cú pháp. 

II.1.3  Những số liệu khảo sát từ địa phương trong vè xứ Nghệ.

II.1.3.1 Về số lượng đơn vị từ địa phương được dùng trong kho tàng vè xứ Nghệ.

Theo thực tế số liệu của chúng tôi thống kê được trong KTVXN, tác giả dân gian đã huy động một số lượng từ ngữ địa phương  là 342 đơn vị.  Đem so sánh với tổng số từ địa phương Nghệ Tĩnh đã được thể hiện trong cuốn “ Từ điển tiếng Nghệ” của Trần Hữu Thung và Thái Kim Đỉnh thì chiếm tỉ lệ khoảng trên 10% từ được vè dân gian sử dụng. Tỷ lệ này  không phải là nhiều nhưng cũng không hề ít. Trong số 342 từ được dùng vào các bài vè ,số từ được dùng với tần số cao nhất là các từ “ chi (gì): 980 lần; nỏ( không, chẳng): 720 lần; giừ( bây giờ, lúc này) 594 lần; mô, khi mô, mô rứa( đâu, nào, không,khi nào, đâu đó, đâu thế) 566 lần; rứa (thế, đó) 314 lần; ni,ri ( này, đây) 283 lần; vô( vào) 279 lần; chộ (thấy) 268 lần, mần( làm) 230 lần; răng , ra răng( sao, ra sao) 189 lần v.v. tần số xuất hiện của tất cả các từ là 12396 lần.

II.1.3.2. Bảng thống kê  số lượng  về tần số xuất hiện từ địa phương trên các tập vè.xứ Nghệ

  Thứ tự tập

 Số bài

 Chủ đề của tập

Số lần xuất hiện từ

Ghi chú

 Tập I

132

Nói về phong cảnh thiên nhiên, làng xã; nói về lụt lội, đói khát; vè nhật trình

 

 

 

1514/ 132=11,3 lần

 

 Tập II

135

Nói về các nghề nghiệp của từng nhóm người làm nghề thủ công buôn bán, kẻ sĩv.v

1376/ 135=10,1 lần

 

Tập III

155

 

Nói về tình yêu lứa đôi

 1543/155= 9,9 lần/ bài

 

 Tập IV

134

Nói về mối quan hệ gia đình và đời  sống riêng của một số người

1906/134=14,2 lần

 

 Tập V

112

Nói về việc làng xã và quan viên chức sắc; nói về làm đình, đền,chùa, xây dựng các công trình công cộng; sự chia bè kéo phái,kiện tụng trong làng xã..

1430/112=12,8 lần

 

  Tập VI

125

Nói về triết lý ở đời và nhà giàu

1626/125=13 lần

 

 Tập VII

122

Nói về lễ tết hội hè; phê phán những hủ tục và thói hư tật xấu trong làng xã; một số bài nói về các nhân vật cụ thể.

1296/122= 10,6 lần

 

 Tập VIII

107

Vè nói về Tự Đức và đấu tranh chống Pháp

959/107=8,9 lần

 

 Tập IX

96

Nói về phong trào chống sưu thuế; các phong trào cách mạng vv

746/96=7,8 lần

 

 

.

           II.1.3.3 Bảng thống kê tần số xuất hiện từ theo từ loại

    

Thứ tự

 Từ loại

 Số lượng đơn vị từ

Số lần xuất hiện trong bộ vè

 Tỷ lệ trung bình lần/1 từ

 I

Danh từ

 140 từ

2033 lần

 14,2 lần/ 1 từ

 II

Động từ

 110

2222 lần

   20,2 lần / 1từ

 III

Tính từ

  48

452  lần

      9 lần/ 1 từ

 IV

 Đại từ

  24

2612 lần

108,5 lần/ 1 từ

 V

 Phụ từ

  20

 817

   40,8 lần/ 1 từ

 VI

 Các từ loại khác…

  

 

 

Các từ ngữ thông dụng trong cuộc sống của người xứ Nghệ đã hồn nhiên bước vào câu nói lời kể vè của tác giả dân gian mà chúng ta đã tìm hiểu thống kê  trình bày trong các bảng trên đã trở thành những con số biết nói. Chúng có thể gợi cho tôi những cảm nhận ban đầu thú vị.  

II.2  Những nhận xét rút ra từ kết quả khảo sát.
II.2.1. Xét theo phương diện từ loại thì ta thấy số lượng từ là danh từ được đưa vào là 140 đơn vị, động từ 110 từ, tính từ 48 từ, đại từ 24 từ, phụ từ 20 từ, còn một số từ của từ loại khác như trợ từ và tình thái từ cũng xuất hiện nhưng chúng tôi không đưa vào bảng để tính toán. Trước khi nêu một số nhận xét về nội dung này, chúng tôi muốn nêu lên những khó khăn mà chúng tôi gặp phải trong khi thực hiện phân loại từ loại các từ địa phương trong vè. Đây là một công việc không đơn giản mà có thể nói là hết sức phức tạp. Bởi lẽ một từ khi xét độc lập thì nó có thể được xếp vào từ loại này hay từ loại kia một cách tương đối dễ hơn là khi nó được đặt trong mối quan hệ ngữ đoạn, trong ngữ cảnh. Lại càng khó hơn khi nó đứng trong các văn bản nghệ thuật. Với thể loại vè dù nghệ thuật ngôn từ của nó có thể cho là đơn giản hơn các thể loại thơ dân gian khác, như ca dao chẳng hạn thì cũng không thể nói là thật dễ dàng. Chúng ta sẽ tìm hiểu điều này  kỹ hơn  ở phần sau. Nhìn vào con số chỉ tần số sử dụng của các từ loại thì từ là đại từ có tần số sử dụng cao nhất, chiếm 108,5 lượt dùng trên một từ , rồi đến phụ từ, động từ, danh từ. Cuối cùng là tính từ được dùng với số lần ít nhất. Lý giải cho hiện tượng này là gì, chúng tôi sẽ đề cập ở phần tiếp theo. Về phụ từ và đại từ, tuy số lượng đơn vị từ là không nhiều nhưng từ có số lần xuất hiện nhiều nhất lại là các từ thuộc hai từ loại này. Đó là các từ chi ( gì ), nỏ (không,chẳng), mô, khi mô( đâu, khi nào), rứa, ra rứa( thế, như thế), giừ( giờ, bây giờ). Trên phương hướng đã xác định  chúng tôi tiến hành khảo sát tìm hiểu kỹ một số từ cụ thể trong nhóm thực từ của từ địa phương Nghệ Tĩnh được dùng vào kho tàng vè xứ Nghệ gồm danh từ, động từ, tính từ, đại từ,  số từ . Nhóm  hai gồm một số  phó từ và một số tiểu từ tình thái. Mặt khác khi  tìm hiểu các vấn đề nêu trên, chúng tôi cố gắng đặt các từ trong quan hệ đối chiếu, so sánh với các từ phổ thông tương ứng ( nếu có) và các từ này trong giao tiếp ngôn ngữ trong thực tế đời sống xã hội   của người xứ Nghệ  để làm nổi rõ ý nghĩa, sắc thái riêng và những đóng góp của tác giả vè  vào việc làm giàu thêm vốn từ tiếng Việt cũng như  với phương ngữ Nghệ Tĩnh.  Qua đó chúng tôi  muốn tìm ra được những nét riêng, độc đáo của tiếng Nghệ được thể hiện trong vè xứ Nghệ. Nhìn vào sự phân bố từ ngữ theo từ loại ta thấy số các danh từ được dùng nhiều nhất. Tiếp đến là động từ, rồi tính từ, đại từ, phụ từ.Tóm lại là nhóm các thực từ chiếm tỷ lệ nhiều hơn. Về tần số xuất hiện của từ theo từ loại thì tình hình lại có khác. Tần số xuất hiện cao nhất là các từ thuộc từ loại đại từ, rồi đến phụ từ ,  tỷ  lệ  trung bình  là: đại từ 108,5 lần /1 từ,  phụ từ 40,8 lần trên một.Tỷ lệ đó giúp  gợi lên điều gì, chắc không thể là ngẫu nhiên. Xét về số đơn vị từ và tần số xuất hiện của từ địa phương theo từng từ loại trong vè xứ Nghệ, đối chiếu với từ trong hệ thống từ loại tiếng Việt, ta thấy hầu như tất cả các từ loại được dùng trong phương ngữ Nghệ Tĩnh đều có mặt trong hệ thống từ loại tiếng Việt. Cắt nghĩa cho vấn đề số lượng đơn vị từ địa phương trong KTVXN là gì?

+ Trước hết theo chúng tôi nghĩ phải là đặc điểm của thể loại sáng tác quy định hình thức thể hiện, trong đó có yếu tố chọn lựa ngôn ngữ diễn đạt. Trong các văn bản giao tiếp không thuộc phong cách nghệ thuật người ta cũng có thể dùng phương ngữ giao tiếp tự nhiên hoàn toàn thay cho ngôn ngữ toàn dân. Nhưng với vè dân gian nó là những sáng tác thuộc loại thể văn học nghệ thuật, mà đã là tác phẩm nghệ thuật thì dù ở mức độ nào thì nó cũng mang tính sáng tạo, là kết tinh của sự sáng tạo nghệ thuật. Trong những tác phẩm văn học, việc chọn lọc để đưa vào tác phẩm những yếu tố ngôn ngữ nào, những từ nào, câu nào không đơn giản vì mục đích duy nhất là nhận thức nội dung mà cần phải quan tâm hơn đến chức năng biểu hiện, khả năng biểu đạt, biểu cảm của chúng trong tác phẩm. Nói cách khác khi tiếp nhận  tác phẩm nghệ thuật, người đọc không chỉ cần được giải đáp câu hỏi tác phẩm này, câu chuyện này, nói cái gì, mà quan trọng hơn ta cần thấy rõ nội dung câu chuyện đó được nói theo cách nào, ngôn từ diễn đạt nội dung đó ra sao. Đây rất có thể là nguyên nhân chủ yếu góp phần tạo nên những thành công, những giá trị  cho ngôn từ  địa phương trong vè xứ Nghệ. Đồng thời cũng là yếu tố làm lộ rõ những hạn chế về tính nghệ thuật nói chung, nghệ thuật ngôn từ nói riêng của chúng.

+ Điểm thứ hai ta cần quan tâm để góp phần lý giải các vấn đề nói trên là  mục đích chuyển tải, nội dung hiện thực cuộc sống mà các bài vè, tập vè  cần phản ánh. Nói ngắn gọn là nội dung tác phẩm cần gửi gắm, cần thông tin đến người đọc, người nghe. Tức là  các nội dung chủ đề trong kho tàng vè xứ Nghệ có liên quan gì đến việc dùng từ địa phương  không. Đối chiếu với các chủ đề được phản ánh trong các tập vè ta thấy những tập đề cập đến các vấn đề gia đình, các mối quan hệ trong họ hàng dòng tộc, mối quan hệ nhiều chiều giữa anh em, mẹ chồng nàng dâu, giữa người giàu với lớp dân nghèo phải đi ở làm thuê cực khổ là những chủ đề phong phú nên khi kể vè để bày tỏ, chia sẻ nỗi niềm cuộc sống, người sáng tác truyền khẩu muốn làm sao cho lời ăn tiếng nói được mộc mạc nhất, dễ hiểu dễ thuộc nhất. Rất có thể đây cũng là một nguyên nhân lý giải cho sự xuất hiên mật độ dày các từ địa phương trong các tập vè bài vè ở các chủ đề  vừa nêu . Rồi những điều tốt đẹp khiến người dân tự hào, vui sướng muốn bày tỏ ngợi ca trong vè. Còn có cả những vấn đề  to lớn của đất nước ,về số phận của các tầng lớp  các giai cấp trong xã hội. Tất cả những chủ đề ấy đều có trong vè, đều là hiện thực nóng hổi trong các bài vè xứ Nghệ. Có một điều ta cũng dễ nhận thấy nữa trong vè là mọi nội dung đề tài này dù thuộc phạm vi xã hội rộng lớn hay hẹp trong quan hệ nội bộ gia đình thì phần nhiều các bài vè đều của người bình dân vừa  sáng tác vừa tiếp nhận. Kể cả những bài do một số tác giả thuộc tầng lớp trí thức, các nho sĩ có trình độ học vấn làm ra thì mục đích chủ yếu cũng là để phổ biến, chuyển tải thông điệp đến đông đảo người bình dân. Lời vè có khi là lời của người ở vai trò là người cha, người mẹ, người anh, chị kể lể để nhắn nhủ con cái, anh em ruột thịt mình về những điều hay lẽ phải trong đạo lý cương thường. Nói tóm lại là những nội dung cuộc sống thường ngày gần gụi, thiết thực với mọi người đem kể với mọi người gần gụi thân thuộc nên  phải dùng những  lời nói quen thuộc hàng ngày mới phù hợp, dễ hiểu, dễ nhớ. Cho nên có thể thấy trong thực tế vè là một thể loại mà mức độ phổ biến cao, tốc độ lan truyền nhanh, khá rộng khắp.

+ Thứ ba là hiện tượng có hai loại từ loại là đại từ và phụ từ là từ địa phương xuất hiện trong các bài vè vối tần số cao vượt trôi, mặc dù số lượng đơn vị từ dùng thì không nhiều. Điều này có ý nghĩa gì? Điều nay cũng liên quan đến vấn đề thể loại, hoàn cảnh sáng tác , môi trường diễn xướng của tác phẩm ve dân gian. Ở đây các đại từ và phụ từ  được sử dụng  vào trong  các tác phẩm được bối cảnh ra đời cụ thể của nó là  môi trường giao tiếp trực tiếp, người tham gia vào sáng tác nhiều khi cũng là người thưởng thức tiếp nhận trực tiếp nội dung tác phẩm. Phần lớn các bài vè đều được kể ra trực tiếp trong những môi trường đia danh cụ thể. Nhiều bài vè còn được kể theo lối đối đáp. Trong dân gian xứ Nghệ không chỉ có kể vè mà còn có ca lối bẻ vè. Nhiều bài vè đước đặt( tức sáng tác ) trực tiếp giữa đình làng, trên đồng làngv.v. Do đó mà việc dùng nhiều lần các đại từ , phụ từ để tạo lời kể cho vè là tất yếu. Nhất là các đại từ xưng hô, các phụ từ khẳng định, phủ định . Bởi sắc thái biểu cảm của lời kể được thể hiện rõ khi ta sử dụng các đại từ để diễn tả. Thử đọc đoạn vè dưới đây có lối sử dụng các đại từ mang tính khẩu ngữ để  nói về  việc đánh Tây của dân vùng Thanh Thủy  Nam Đàn. “Nho Sanh đầu huyện/ Đánh trống gọi dân ra/ Dạm người ở coi nhà:/ “Hết  răng choa chịu/ Hết gia tài choa chịu/ Choa mà bắt bay chịu/ Choa chẳng phải con ngài”…(KTVXN, tập…) Cái bừa ông Cu Thiêm… Sau đây lại là một đoạn vè được tác giả sử dụng trùng điệp đại từ “ chi” ( gì) trong tiếng địa phương Nghệ Tĩnh thật tài tình. “Họp làng họp xã/ “Họp bàn việc chi/ “Chi là dân hay?/ “Chi là dân dở?/ “Chi là dân đỡ?/ “Chi là dân hao?/ “Tiền công thu vào/ “Chi là dân lợi?/ “Lúa công góp lại/ “Chi là dân nhờ?/ “Những đường sá hư/ “Chi là dân sửa?/ Những cầu giếng lở/ Chi là nên xây?/ Việc chi nỏ hay/ Chuyện chi nỏ thấy!/ “Tôi không hiểu lẽ/ “Ông bận việc chi./ “Chộ ông hay đi/ “Nên tôi phải hỏi?”/ (KTVXN, tậpV, tr. 168-169). Một đoạn vè gồm 84 âm tiết mà có đến 15 lần dùng các âm tiết từ đia phương. Tôi gọi âm tiết từ là vì các từ” chi, nỏ và chộ” đều là những từ đơn đơn tiết. Một mật độ từ là đại từ dày đặc trong đoạn vè có khả năng biểu đạt một thái độ bức xúc, những đòi hỏi thắc mắc của người kể vè cũng là thái độ nguyện vọng của người dân vơi những vị chức sắc vô trách nhiệm, thường hay những nhiễu dân. Từ dùng có phần thô ráp , cách lặp lại cũng đơn giản nhưng cái đích quan trọng nhất của bài vè đã đạt được. Nội dung cụ thể đã được thể hiện một cách sắc bén, tập trung cao độ, xoáy, dồn vào đối tượng  tiếp nhận  một cách quyết liệt. Trong những trường hợp như thế, có lẽ khó có cách nói nào hiệu quả hơn. Và đây nữa  những lời mộc mạc chân tình của một anh chàng khuyên người con gái  mình đem lòng yêu thương “ Đừng ham thanh chuộng lạ”. Anh dựng lên sự trái ngược giữa cảnh sống đua đòi, chuộng  hình thức trống rỗng và cái chất phác thật thà , rất thực tế rất no đủ, hạnh phúc để mong cô gái hãy biết tỉnh táo trong  lựa chọn nơi gửi gắm  đời mình. Bài vè được diễn đạt trong một chuỗi đậm đặc những từ địa phương mộc mạc mà cũng rất sinh động. Anh nói với em rằng ,em đừng ham thanh chuộng lạ, tham cái quần cái áo tân thời, tham cái “ô lục soạn, cái khăn nhiễu chít trên đầu” mà làm chi, để đến khi phải sống cảnh: “Vô trửa (giữa) tiết giêng hai/ Ngong vô chum không có ló( lúa)/ Ngó vô vại, vại nỏ có khoai”. Còn anh tuy:  “Anh vuốt bụng thở dài/ Tui đây thì cộ (cũ), cộ con ngài (người)/ Nỏ ô lục soạn vác vai/ Không có áo lụa da bài/ Không có quần tây cống rộng dài”. Cũng không thích khăn nhiễu chít bảy, tám, chín mười ngoai. Rõ ràng cái thứ hạnh phúc mà người con trai có được mà anh kể ra bằng thứ ngôn từ quê kiểng chân chất này khiến ta không chỉ nghe được mà còn giúp ta cảm nhận được, ta như có thể cầm nắm được, nhìn thấy bằng trực giác niềm hạnh phúc đó. Vì nó là thứ hạnh phúc có thật. “Vô trửa tiết giêng hai/ Ngó vô chum thì chum có ló (lúa)/ Ngó vô vại thì vại đầy khoai./ …. Xấu tốt chi em lấy một ngài (ngươi/ Để vô trửa tiết giêng/ Ngong vô chum thì chum có ló/ Ngó vô vại thì vại đầy khoai/ Anh vô xúc mủng đỗ/ Em vô xúc mớ khoai/ Nấu lên một nồi hai/ Bưng ra trửa cửa nhà ngoài/ Anh xúc một đọi đầy/ Mự xúc một đọi đầy/ Cả hai ông mụ ngồi nhai/ Sướng bằng năm ô lục soạn/ Đẹp bằng mười ô lục soạn”. (KTVXN, T3- tr. 118). Lối cấu trúc tương phản  nội dung của hai đoạn trên được tạo bởi  cách chọn và một loạt từ địa phương “Ngó vô, trửa, ngong vô, ló, ngó vô, nỏ, tui, cộ, mô, chi, ngài,đọi, ông mụ” và sắp xếp chúng trong các mối quan hệ đồng nghĩa như” ngong vô, ngó vô, nỏ có, không có” và các từ trái nghĩa “nỏ/ có’ (không/có). Cách sử dụng lối nói tương phản giữa hai đoạn , đoạn trên toàn nói về những cái không có (nỏ có). Ngong vô, ngó vô thì “ không có ló( lúa), nỏ có khoai, nỏ có ô, không có áo lụa, không có quần tây và cuối cùng cũng không thích khăn nhiễu chít đầu”. Tất cả những cái không có ở đoạn này nhằm để khẳng định một cái không  quan trọng nhất, đó là anh không thích, không chuộng lối sống  hình thức đua đòi. Đến đoạn sau,  lời kể dài hơn, nhưng hầu hết từ dùng trong đoạn trên đều  được sử dụng lại. Vẫn là “vô, trửa, ngong vô, ngó vô, nỏ, mô, ló, khoai”, những từ được lặp lại theo lối trùng điệp và chỉ thêm vào sự sắp xếp ,kết hợp với từ “có”, thay cho từ “không ở một số câu của  đoạn trên để tạo ra  hiệu quả tương phản cao. Do đó nó góp phần khẳng định giá trị của thái độ sống thực tế, luôn coi trọng cái thực chất mà người kể vè cần chuyển tải. Cũng cần nói thêm rằng  việc dùng từ địa phương trong đoạn vè còn giúp cho sự thể hiện tình cảm được chân thành hơn,  mộc mạc hơn. Sử dụng lối nói trùng điệp của các từ địa phương “Ngó vô, ngó vô; nỏ cha mô, nỏ mẹ mô; ngong vô, ngó vô…” làm tăng thêm  sức nặng, tính chắc chắn vững vàng và đầy sức thuyết phục của lời nói. Những thông điệp đã được gửi tới đối phương với một tốc độ truyền tải nhanh mạnh chắc chắn và trọn vẹn. Và lối nói ấy đã đưa, thậm chí đặt người nghe vào thế không thể không chú ý, không tin tưởng được.Cái hay của lối dùng từ này là ở chỗ đó. Khi chúng ta nêu lên những nhận xét trên rất có thể có ý kiến sẽ cho rằng người làm vè, các tác giả không chuyên này, thậm chí có khi họ còn chưa đọc thông viết thạo. Vậy thì làm sao họ có được những hiểu biết về cách chọn từ dùng từ(!). Chúng tôi hiểu rằng những giá trị dùng từ  trong KTVXN cùng  nhiều vấn đề khác về nghệ thuật vè nữa , phần nhiều được rút ra từ ý nghĩa khách quan, có những vấn đề nằm ngoài ý thức của người sáng tác ra nó. Tuy nhiên , ở mức độ nào đó tôi không thể  nghĩ rằng những lối dùng từ địa phương để sáng tác như trên là hoàn toàn vô ý thức trong lựa chọn ngôn ngữ. Nếu có thì chỉ là cái tri thức lý thuyết về từ ngữ mới nằm ngoài ý thức người làm vè hoàn toàn.

II.2.3. Tần số xuất hiện của một số từ trong mồi loại  từ loại cũng rất đáng để chúng ta quan tâm, tìm hiểu . Như số liệu thể hiện có những đơn vị từ địa phương có số lần xuất hiện rất cao trong các tập vè. Nhưng vì mục đích tìm hiểu mà chúng tôi mới chú ý đến một vài từ cụ thể như : nỏ( không.chẳng); chi (gì);  rành; ghẹo; chắc. Trước hết ta  xét  từ “nỏ” và cách dùng nỏ trong một số đoạn vè. “Nỏ” trong hệ thống từ vựng tiếng Nghệ được từ điển tiếng Nghệ của Trần Hữu Thung giải nghĩa là “ nỏ: 1. Chẳng, không, 2. Khô, 3. Nỏ mồm: lắm lời”( Từ điển tiếng Nghệ, trang 167). Ta thử tìm hiểu từ nỏ trong mọt số đoạn vè dưới đây: Đoạn một: “... Gương Tàu buồn nỏ muốn soi/ Tay đeo nỏ nhẫn, đầu cài nỏ trâm/ Mặc ai quạt nỏ buồn cầm/ Nỏ dâu, nỏ hái, nỏ tằm, nỏ chi!...” (KTVXN, tập VI, tr. 622). Đoạn hai: “Con mắt dòm chộ/ Nỏ lẽ mà chê/ Sinh ra kiếp ở thuê/ Nỏ can chi mà sợ hãi”. (KTVXN, tập VI, tr. 197). Đoạn ba: “Chộ cha mẹ hiền lành/ Ghé thân vô được nỏ/ Gửi thân vào được nỏ”. (KTVXN, tập III, tr. 75- 76). Đoạn bốn: “Thu đã muộn đông sang/ Anh có lòng thương nỏ/ Bạn có lòng thương nỏ”. (KTVXN, tập III, tr. 100). Đoạn năm: “Tưởng rằng trước cũng như sau/ Nỏ hay (chả hóa ra) được mấy bữa đầu mà thôi”. (KTVXN, tập VI, tr. 224). Xét từ nỏ trong năm đoạn vè chúng tôi trích chọn vừa nêu trên, ta dễ dàng nhận thấy các kiểu kết hợp của nó hiện ra trong từng đoạn như sau: Đoạn một có “nỏ muốn; nỏ nhẫn; nỏ trâm; nỏ dâu; nỏ hái; nỏ tằm, nỏ chi”. Đoạn hai có “nỏ lẽ; nỏ can chi”. Đoạn ba có “được nỏ; được nỏ”. Đoạn bốn có “thương nỏ, thương nỏ”. Đoạn năm có “nỏ hay”. Và ta còn thấy trong nhiều bài vè khác một vài kiểu kết hợp khác của từ  nỏ ,“nỏ ra răng”; “nỏ mô”. Như vậy xét về khả năng kết hợp, nỏ là từ thuộc từ loại phụ từ đồng nghĩa với các từ toàn dân “không, chẳng”.  ta thấy “nỏ có khả năng kết hợp rất linh hoạt với các từ thuộc nhiều từ loại  khác nhau. Xét các ví dụ trên, từ “nỏ” có các kiểu kết hợp là. Đoạn một: nỏ+động từ (nỏ muốn, nỏ hái, nỏ buồn ); nỏ+ danh từ (nỏ dâu; nỏ tằm); nỏ+ Đại từ ( nỏ chi). Đoạn hai: nỏ+ Phụ từ( nỏ lẽ). Đoạn ba: Động từ+ nỏ ( được nỏ). Đoạn bốn cùng kiểu với đoạn ba động từ+ nỏ( thương nỏ). Đoạn năm nỏ+ động từ (nỏ hay). Còn có “chi nỏ” tức đại từ+ nỏ; “mô nỏ cũng Đại từ+ nỏ). Ta thử so sánh các kiểu kết hợp này của từ nỏ với các kiểu kết hợp của những từ đồng nghĩa với nỏ trong tiếng Việt phổ thông xem sao. Từ không ,chẳng cũng có khả năng kết hợp tương tự như từ “nỏ” của tiếng Nghệ. Tiếng Việt cũng nói “không muốn, không ăn, không khăn, không áo, không lẽ, chẳng lẽ, được chăng v.v”. Để có được cái nhìn rộng hơn, khái quát hơn chúng tôi xét thêm một vài từ khác được dùng trong lời kể vè dân gian xứ Nghệ. Trong kho tàng từ vựng tiếng Nghệ có một số từ , theo chỗ chúng tôi biết thì những từ này ít khi được thấy trong tiếng nhiều vùng khác. Còn trong từ toàn dân thì chỉ thấy từ này xuất hiên với những nét nghĩa từ vựng hoàn toàn khác. Đó là trường hợp cúa các từ “ghẹo, rành, lắc, chắc”. Ta xét các từ này trong các ví dụ dưới đây. Từ rành trong ba đoạn vè:

“Gái chức nữ phòng loan/ Rành (toàn) chăn bông, nệm quế”. (KTVXN, tập II, tr. 100). “Cái nghề ni rành thích/ Bà con tui rành thích” (KTVXN, tậpII, tr. 172). Rành trong hai dòng này có nghĩa là rất. “Nay tôi xin kể chuyện.

Ai nấy hiểu cho rành”. (KTVXN, tập IX, tr. 102). Rành có nghĩa là  rõ ràng).

Ở ví dụ a, “rành” có nghĩa từ vựng là toàn là tất cả. Ví dụ b, “rành” có nghĩa là rất, thật, cực kỳ ( từ chỉ mức độ). Ví dụ c, “ rành” có nghĩa là rõ ràng, kỹ càng, thấu đáo. Đối chiếu với từ rành trong hệ thống từ toàn dân thì nó chỉ được dùng phổ biến với nghĩa từ vựng như rành trong ví dụ c của từ địa phương Nghệ Tĩnh. Còn một số trường hợp của các từ địa phương Nghệ Tĩnh  cũng có những khả năng độc đáo như từ rành vừa tìm hiểu trên.  Các từ như “chắc; ghẹo; vô; lắc; náu; đồng v.v..” trong tiếng Nghệ cũng đã thể hiện khá độc đáo trong vè. Trước hết là từ “ghẹo” , “ghẹo trong tiếng Việt phổ thông là từ dùng để chỉ hành động trêu chọc, đùa cợt, có khi còn dùng với sắc thái nghĩa chỉ sự thiếu nghiêm túc của sự đùa nghịch. Nhưng trong tiếng Nghệ và vè xứ Nghệ, từ này được dùng với các khả năng biểu đạt nghĩa khác nhau. Ví dụ: “Ghẹo ai gửi gắm điều gì/ Tính lại cho xiết kẻo khi em lầm”. (KTVXN, tập VI, tr. 533). Từ “Ghẹo” này có nghĩa như các từ “dù, dù cho, mặc cho” trong từ Việt phổ thông. Từ “ghẹo” trong tiếng Nghệ còn được dùng với nghĩa là nhiều, khá nhiều như “ghẹo sức; đang ghẹo ăn”. “Ghẹo” cũng dùng với nghĩa là chọc ghẹo như trong tiếng Việt phổ thông.

Trường hợp  từ “chắc”. Từ’ chắc” trong tiếng Việt được dùng phổ biến với nghĩa chắc chắn, vững vàng. Trong tiếng Nghệ Tĩnh từ này ngoài được dùng với nghĩa trên còn các cách dùng khác với các nét nghĩa khác. Đó là” chắc” với nghĩa chỉ  mình một mình, là đại từ. Ví dụ: “Giừ một chắc một dong/ Một chăn một gối”. (KTVXN, tậpIII, trang 502). Hai câu sau dùng hai từ “chắc” với hai ý nghĩa ngữ pháp cũng như nghĩa từ vựng khác nhau hoàn toàn. “Lệnh ông có cồng tôi/ Ông không quyền một chắc/ Phải bình quyền với chắc”. (KTVXN, tập III, tr. 575). Rõ ràng  từ chắc ở dòng trước có nghĩa là mình , nó đi với một để biểu thị ý nghĩa từ vựng là một mình. Còn chắc trong câu sau lại có nghĩa là nhau cùng từ với biểu thị ý nghĩa về sự tương hỗ đồng nghĩa với (với nhau trong từ phổ thông. Đó cũng là sự  góp phần làm giàu thêm vào lớp từ địa phương , một lớp từ không thể thiếu được trong  kho tàng tiếng Việt.

II.2.4. Vẻ đẹp của tiếng Nghệ trong vè xứ Nghệ chủ yếu không phải toát ra ở việc dùng từ bóng bảy giàu tính biểu cảm mà cái chính là ở chỗ lựa  chọn trong  vốn  từ  vựng từ địa phương những từ  thay thế cho từ toàn dân để thể hiện  nội dung và phù hợp  hoàn cảnh diễn xướng. Làm được điều đó, tất yếu giá trị nghệ thuật về một số phương diện nhất định cũng sẽ đạt được. Ít nhất cũng góp phần tạo ra cho tác phẩm những nét biểu đạt , biểu cảm  mang đậm dấu ấn địa phương. Ở đây cần phải nói thêm rằng trong khi tìm những từ địa phương để đưa vào lời vè  thì tác giả của nó cũng sử dụng khá thành  thạo những từ Việt phổ thông đồng nghĩa trái nghĩa với chúng. Trong nhiều đoạn vè, bài vè, tác giả đã sử dụng lối kết cấu song hành giữa các từ địa phương và từ toàn dân. Một vài cặp từ dưới đây làm dẫn chứng. Cặp “ thấy và chộ”: “Từ ngày mới quen nàng/ Chưa thấy ai lai vãng/ Chưa chộ người lai vãng”. ( KTVXN, tập III, tr. 383). Cặp từ “lưa và còn”, “ răng và sao”, “ cơn và cây” v.v… Đó là sự kết hợp sóng đôi của cặp từ đồng nghĩa. Ta  còn thấy các kiểu chọn lựa kết hợp giữa các cặp theo quan hệ trái nghĩa. Đặc biệt tác giả vè còn dùng cách kết hợp  hai từ đơn tiết  có khi là trái nghĩa, khi lại là đồng nghĩa của hai lớp từ này lại với  nhau tạo ra từ ghép tổng hợp  để diễn tả nội dung. Các kiểu kết hợp giữa từ nhởi (từ địa phương), chơi (phổ thông); từ nhớp (địa phương) với từ sạch (phổ thông);thành từ ghép “nhởi chơi “ và từ ghép “nhớp sạch”như trong đoạn vè sau đây: Trong nhiều trường hợp các bài vè còn có lối chọn lựa các từ địa phương và từ phổ thông rồi tách nhập, sử dụng chúng trong các mối quan hệ đồng nghĩa hoặc trái nghĩa rất linh hoạt. Chỉ  năm dòng sau cũng đủ thể hiện tính linh hoạt của các cách dùng từ của tác giả vè: “Không rày cờ mai bạc/ Không nay rượu mai chè/ Không rày vãn mai ve/ Không o ni dì tê/ Không o này ả nọ”. (KTVXN. Tập VI- tr. 267). Ba dòng trên vừa sử dụng quan hệ đồng nghĩa giữ cặp từ “Rày (địa phương) và nay (phổ thông)” theo lối sóng đôi giữa dòng trên với dòng dưới. Còn trong từng dòng thì lại dùng quan hệ sóng đôi giữa hai tù trái nghĩa “rày/ mai’. Dòng vè thứ ba bên cạnh  dùng cả  kiểu kêt hợp từ sóng đôi trong quan hệ đồng nghĩa và trái nghĩa. Trái nghĩa giữa “nay/mai”, đồng nghĩa, gần nghĩa giữa “ve/vãn”. Thực ra ve vãn là một từ láy âm nhưng trong tiếng Nghệ  hai từ này cùng được dùng khá phổ biến , nhưng khi để chỉ hành động đi tìm bạn khác giới để làm quen , tìm hiểu thì người Nghệ thường dùng từ” ve, đi ve hoặc cưa, đi cưa gái. Hai dòng cuối đoạn, kiểu song  hành trong quan hệ đồng nghĩa giữa  “ni và này”, “tê và nọ”, nhưng trong mỗi dòng lại có sự song hành trái nghĩa của từng cặp từ chỉ nơi chốn: “ni/ tê (từ địa phương); “này/nọ” (từ phổ thông).

III. Vài điều kết luận

III.1. Tóm lại ta có thề nói rằng các lối dùng từ và cách thức tổ chức chọn lựa sắp xếp từ ngữ địa phương độc đáo đã góp phần đắc lực vào việc tạo ra một đặc trưng địa phương đậm đà cho thể loại vè dân gian xứ Nghệ. Cũng cần nhấn mạnh thêm chính yêu cầu về hiệp vần , gieo vần của vè cũng chi phối phần nào về cách chọn từ sắp xếp từ nhằm tạo ra tính vần vè của tác phẩm. Yếu tố vần điệu trong vè góp phần không nhỏ vào mục đích truyền dạy, phổ biến vè trong cộng đồng, nó giúp cho bài vè trở nên dễ nhớ, dễ thuộc.                      

III.2. Một vốn từ địa phương Nghệ Tĩnh được sử dụng trong vè cũng đủ cho chúng ta cảm nhận được sự giàu có phong phú của nền văn hóa xứ Nghệ thuộc phương diện ngôn ngữ. Ngôn ngữ, tiếng nói người xứ Nghệ trong đó hàm chứa các cấu trúc ngôn từ của xứ Nghệ là một  tồn tại khách quan hàng bao thế kỷ nay là một  tài sản  quý giá có những đặc trưng riêng không thể hòa tan vào bất cứ thứ tiếng nói, từ dùng của vùng nào được. Tôi cho rằng có ai đó nói tiếng Nghệ, từ tiếng Nghệ là một thứ” đặc sản” của người Nghệ cũng không phải không có cơ sở. Từ địa phương Nghệ Tĩnh mang những nét đặc trưng riêng, nhưng nó cũng mang được những nét chung, nét phổ quát, tính thống nhất của từ toàn dân. Nhưng là tính thống nhất trong sự đa dạng về cách thể hiện của các phương ngữ, mà phương ngữ Nghệ Tĩnh là một thành phần. Một  vốn từ địa phương Nghệ Tĩnh phong phú  và những  từ được chọn dùng với những cách dùng từ sáng tạo trong sáng tác vè dân gian nói riêng  đã góp thêm vào cho sự  giàu có đẹp đẽ của kho tàng tiếng Việt. Chuyên đề cố gắng đi vào khảo sát tương đối cẩn trọng  tỷ mỷ về một vài phương diện từ vựng, từ loại và cách chọn lựa và sử dụng vào tác phầm vè tự sự mang tính chuyên sâu. Từ đó bước đầu chỉ ra được một số nét khác biệt của từ vựng, nghĩa từ vựng và những cách dùng, lối dùng từ linh hoạt có giá trị biểu đạt, biểu cảm cao của các tác phẩm vè xứ Nghệ. Chỉ ra được một số cách gọi tên phong phú độc đáo của từ địa phương trong thức tế cũng như trong tác phẩm nghệ thuật. Những khả năng biểu đạt nghĩa từ vựng phóng phú của từ khi từ được đưa vào trong các kết hợp phù hợp với ngữ cảnh. Nói cách khác là khả năng làm mới từ về nghĩa và cách dùng của tác giả dân gian trong vè xứ Nghệ. Chuyên đề cũng chỉ ra rằng, từ địa phương Nghệ Tĩnh đã là một phương tiện ngôn ngữ, là thứ chất liệu khả dụng nhất để sáng tạo nên các tác phẩm thơ tự sự dân gian xứ Nghệ. Thiết nghĩ không thể, khó có thể có cách nào khác trong việc dùng từ  thay vào các cách vè dân gian đã sử dụng mà đạt được hiệu quả  mục đích như các cách mà vè đã chọn. Những nét riêng của từ và cách dùng từ địa phương trong vè xứ Nghệ đã được chỉ ra trong chuyên đề cũng như đã giúp tô rõ thêm, làm đẹp thêm giúp ta hình dung dễ hơn rõ ràng hơn diện mạo cũa từ vựng phương ngữ Nghệ Tĩnh, phương ngữ của một vùng văn hóa lâu đời Nghệ Tĩnh ,vùng văn hóa còn ẩn chứa trong đó nhiều trầm tích quý giá.

III.3. Nghiên cứu từ ngữ địa phương trong vè xứ Nghệ dù ở phương diện góc độ nào, ở mức độ này hay mức độ khác thì chúng tôi cũng cố gắng đặt chúng trong mối quan hệ so sánh đối chiếu với từ toàn dân. Nghiên cứu từ địa phương trong vè xứ Nghệ cho chúng ta khẳng định thêm niềm tin về những giá trị (mà cá nhân tôi nghĩ rất có thể là vĩnh cửu) nghệ thuật giá trị phản ánh thể hiện hiện thực cuộc sống chân thực mà sinh động, tươi rói của lớp từ này khi chúng được dùng phù hợp với mục đích sáng tác, thể loại sáng tác cũng như đối tượng tiếp nhận và hiệu quả tiếp nhận. Từ đó nó cũng cho ta những bài học về cách dùng từ địa phương vào giao tiếp nói chung và sáng tạo tác phẩm nghệ thuật nói riêng. Cuối cùng tôi muốn nói,  những điểu cảm nhận được từ vè xứ Nghệ trên đây cũng chỉ vì sự yêu quý vè, yêu quý tiếng Nghệ, thứ tiếng mẹ đẻ thân thương.Đam mê  là vậy ,còn trí tuệ lại  hạn chế. Cho nên bài viết khó tránh khỏi  những điều chưa thỏa đáng,  sơ suất.  Chúng tôi mong các bạn đồng nghiệp, các bậc đàn anh sẵn sàng chỉ giáo và lượng thứ. 

                                                                           Phú Mỹ, 10/2013                                  

D/ TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Nhã Bản, Hoàng Trọng Canh, Phan Mậu Cảnh, Nguyễn Hoài Nguyên, Từ điển tiếng địa phương Nghệ Tĩnh, Nxb. Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 1999.

2. Nguyễn Nhã Bản (chủ biên), Từ điển Thành ngữ, tục ngữ Nghệ Tĩnh, Nxb. Nghệ An, Vinh, 2005.

3. Ninh Viết Giao (chủ biên), Kho tàng Vè xứ Nghệ (9 tâp), Nxb. Nghệ An, Vinh, 1999.                      

4. Nguyễn Quang Hồng, Tiếng Nghệ giữa lòng Hà Nội, In trong Hà Nội những vấn đề ngôn ngữ văn hóa. Nxb. Thời đại, Hà Nội, 2010, tr. 197- 205.

5. Phạm Văn Hảo, Thử xem xét các phương ngữ Việt theo lý thuyết” Làn sóng Ngôn ngữ”, Kỷ yếu “Ngữ học trẻ 99”, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Nxb. Nghệ An, Vinh, 1999, tr. 34-36.

6. Trần Hữu Thung - Thái Kim Đỉnh, Từ điển tiếng Nghệ, Nxb Nghệ An, Vinh, 1998.

                                                                 


  Các Tin khác
  + Sắc xuân trên Thành Vinh (21/01/2025)
  + Làng gì mà ngày nào cũng phát ra tiếng kêu tại Hà Tĩnh? (14/01/2025)
  + Bế mạc Lễ hội Du lịch và Ẩm thực Sen Nghệ An năm 2024 (02/12/2024)
  + Vượt lũy tre làng, nữ giám đốc HTX ở Hà Tĩnh đưa nước mắm biển Thiên Cầm xuất ngoại (12/11/2024)
  + Một cây cổ thụ là cây trôi đã sống 800 tuổi ở Hà Tĩnh được công nhận cây Di sản Việt Nam (26/09/2024)
  + Đến Hà Tĩnh, ngắm bình minh trên biển Hoành Sơn (17/09/2024)
  + Bản sắc SLNA - sự khác biệt tuyệt vời ở V.League 2024/2025 (31/08/2024)
  + Làng Đỏ - nơi”căm thù như biển lửa, đã đứng lên”… (31/08/2024)
  + Đại gia Trần Quang Luận và hệ sinh thái Thanh Thành Đạt nổi danh xứ Nghệ (15/08/2024)
  + Khát vọng Thanh Chương (11/08/2024)
  + Hà Tĩnh gặp mặt chúc mừng học sinh đoạt HCB Olympic Toán học quốc tế (02/08/2024)
  + Cầu Nhe - nơi ghi dấu tinh thần quả cảm của 53 liệt sỹ (23/07/2024)
  + Vô xứ Nghệ thăm quê Bác (13/07/2024)
  + Về lại Nậm Nơn (02/07/2024)
  + 48 giờ ở Nghệ An (17/06/2024)
  + Bến Thủy - cây cầu thế kỷ của xứ Nghệ (09/06/2024)
  + Đôi vợ chồng "thổi hồn" vào dân ca ví, giặm (06/06/2024)
  + 9 điểm du lịch hấp dẫn không thể bỏ qua khi đến miền Tây xứ Nghệ (26/05/2024)
  + Trần Đình Sơn - "cánh chim đầu đàn” của điền kinh Hà Tĩnh (25/05/2024)
  + Nghệ An: Cả làng kiếm bộn tiền từ con đặc sản "cưỡi máy bay xuất ngoại” (20/05/2024)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 3
Total: 66574028

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July