Trang chủ Liên hệ       Thứ năm, Ngày 23/01/2025
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
  -  Đất và người Xứ Nghệ
  -  Dân ca Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Truyền thống Nghệ Tĩnh > Đất và người Xứ Nghệ >
  Yên lòng với rừng ông Lán Yên lòng với rừng ông Lán , Người xứ Nghệ Kiev
 

“Nhìn những việc ông làm như trồng rừng ven biển, một mình bảo vệ đê không lương, dựng hải đăng soi đường cho ngư dân, cứu hàng chục người lâm nạn..., đám thanh niên trai tráng như bọn tui cũng phải chắp tay vái dài” - một người thán phục.


Đã ở tuổi 84 nhưng ông Lán vẫn sống một mình để bảo vệ đê biển xanh
Đã ở tuổi 84 nhưng ông Lán vẫn sống một mình để bảo vệ đê biển xanh

Căn nhà của ông nằm khuất đằng sau khu rừng phi lao xanh tốt chạy dài tít tắp ven biển Xuân Hội, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Khi chúng tôi đến, chủ nhân khu rừng ấy vẫn đang miệt mài với công việc trồng phi lao chắn sóng của mình. Ông là cựu chiến binh Nguyễn Lán, nay đã 84 tuổi và có gần 30 năm trồng rừng, bám biển.

Chiếc áo giáp từ biển

Người dân ở làng Hội Thành 2, xã Xuân Hội - quê của ông Nguyễn Lán - lâu nay vẫn quen gọi vị cựu chiến binh này là “ông Lán phi lao” một cách trìu mến. Khi chúng tôi hỏi thăm đường, nhiều người liền sốt sắng xung phong làm “hướng đạo viên”, đủ thấy họ quý mến ông đến mức nào.

Anh Đình Dũng, một thanh niên trong làng, vừa đưa chúng tôi đi vừa giới thiệu: “Rừng phi lao ở đê biển này là do một tay ông Lán trồng hết đó. Gia đình tui vẫn thường xuyên ra đó xin ông cho kiếm củi, kiếm lá về nấu cơm. Nhìn những việc ông làm được lâu nay, đám thanh niên trai tráng như bọn tui cũng phải chắp tay vái dài”.

Khác với hình dung của chúng tôi, người cựu binh đồng thời là chủ nhân của khu rừng phi lao rất bình dị, dân dã và hiếu khách. Tiếp chúng tôi trong căn nhà đơn sơ vốn được cải tạo từ một kho đạn cũ thời chiến tranh, ông Lán lục lọi ký ức kể lại những câu chuyện thời trai trẻ.

Gần 10 ha rừng phi lao giúp bảo vệ tuyến đê biển Xuân Hội nhiều năm nay

Gần 10 ha rừng phi lao giúp bảo vệ tuyến đê biển Xuân Hội nhiều năm nay

Năm 20 tuổi, ông Lán kết duyên với một người con gái trong làng. Chiến tranh đang hồi ác liệt, năm 1950, ông đăng ký lên đường nhập ngũ dù đôi vợ chồng trẻ vẫn chưa có mặt con nào. Suốt 5 năm quân ngũ, chiến đấu ở miền Tây Thanh Hóa rừng thiêng nước độc khiến ông lâm bệnh nên phải xuất ngũ. Trở về quê, trong thời kháng chiến chống Mỹ, ông là trung đội trưởng dân quân xã Xuân Hội.

Sau khi đất nước thống nhất, vợ chồng ông Lán lại lao vào “cuộc chiến” mới - lo cuộc mưu sinh giữa chốn quê nghèo. Vợ chồng ông có khá đông con nên cuộc sống càng thêm chật vật, vất vả.

“Năm 1978, một biến cố đã làm thay đổi cuộc sống của tui sau này. Một trận sóng lớn đã làm vỡ đê Xuân Hội. Ruộng đồng bị nước mặn xâm nhập không canh tác được. Tài sản của ngư dân như tàu thuyền, ngư cụ bị cuốn mất. Hàng trăm gia đình phải rời bỏ quê hương tha phương cầu thực. Ám ảnh mãi bởi vụ vỡ đê ấy nên năm 1986, tui quyết định dẫn vợ con ra bờ biển dựng nhà và trồng rừng làm đê giữ đất cho làng” - ông nhớ lại.

Lúc đầu, ông Lán vay mượn ít tiền sắm thuyền và ngư cụ để tiếp tục bám biển bằng nghề đánh cá. Con thuyền của ông không chỉ nuôi sống vợ con mà còn cưu mang được hơn 50 gia đình khác bằng việc giúp họ công ăn việc làm. Ban ngày, họ theo ông Lán lên thuyền đánh cá, ban đêm về ăn ngủ luôn ở nhà ông. Trong số này, có gia đình ở lại nhà ông chỉ 4-5 tháng nhưng cũng không ít người trụ đến 5 năm.

“Thiên tai vẫn không ngừng gieo tại họa. Không có đê biển, nước mặn càng ngày càng xâm nhập khiến bà con không yên. Chứng kiến người dân bất lực trước những cơn bão dữ, tui viết đơn gửi chính quyền xã xin nhận đất trồng phi lao chắn sóng ven biển” - ông cho biết.

Được chính quyền địa phương cho phép, ông Lán bắt tay trồng rừng. Hằng ngày, đi biển kiếm được 10 đồng thì ông dành ra 2 đồng mua cây giống phi lao. Từ những cây con đầu tiên, dần dà, vùng cát trắng ven biển đã được ông che phủ bằng khu rừng phi lao. Rừng cây chạy dài làm thành đê biển xanh chở che cho dân làng vùng biển quê ông.

Nhiều khi khó khăn, không đủ tiền mua cây giống, ông Lán lại nhẫn nại đi nhặt hạt phi lao về ươm cây rồi đem trồng. Cứ như vậy, gần 30 năm nay, nhờ có rừng phi lao mà người dân Xuân Hội đã bớt thiệt hại rất nhiều bởi thiên tai.

Với chiều rộng có nơi tới hàng trăm mét từ bờ biển vào tận xóm làng, rừng ông Lán như một lá phổi xanh điều hòa khí hậu nơi đây. “Hết lứa này đến lứa khác, rừng phi lao của ông Lán giờ như chiếc áo giáp từ biển che chắn cho chúng tôi yên ổn làm ăn, không còn lo thiên tai” - ông Nguyễn Minh Tâm, một người dân Xuân Hội, cảm phục.

Vất vả chống chọi “phi lao tặc”

Hình ảnh bạt ngàn phi lao tươi tốt giữa vùng cát trắng khiến nhiều người yên lòng nhưng không mấy ai biết để giữ được rừng, ông Lán đã phải đánh đổi bằng nước mắt, mồ hôi lẫn máu. Nhấp nhẹ ngụm chè xanh rồi nhìn ra khu rừng, giọng ông buồn buồn: “Tui sống một mình giữa đồi cát hoang vắng nhưng hằng đêm vẫn không có được giấc ngủ ngon bởi những tên “phi lao tặc”. Có lần, một mình tui chống chọi với 5 tên trộm, bị bọn chúng đánh gãy 7 chiếc răng, mất 1 ngón tay”.

Hiểm nguy là thế nhưng điều đó càng khiến ông Lán quyết tâm giữ rừng. “Cái mạng già này tui đâu có tiếc! Tui đã quyết giữ bằng được cánh rừng trong gần 30 năm qua. Chừng nào còn đi được thì tui vẫn bảo vệ rừng. Chỉ có điều, tui không còn đủ sức để phủ đầy cây trên những đồi cát trong vùng nữa” - ông tiếc rẻ.

Năm 2009, huyện Nghi Xuân chủ trương xây tuyến đê biển. Ông Lán đành “hy sinh” 3 ha rừng phi lao chưa đầy 5 tuổi của mình để phục vụ lợi ích chung. Khi ấy, ông chỉ nhận về 5 triệu đồng bồi thường và nhận luôn cái công việc chẳng mấy người ham: Làm bảo vệ đê không lương!

Ngoài phi lao, ông Lán còn trồng thêm tre để giữ cho đê biển kiên cố. Thấy cha tuổi đã cao lại sống một mình ngoài đê biển, con cái luôn nài nỉ ông về làng ở cùng để họ được chăm sóc. Thế nhưng ông vẫn không chịu.

“Tui 84 tuổi rồi nhưng so với các cụ đồng niên ở đây thì còn khỏe lắm. Tui có được sức khỏe như vậy là nhờ vào cánh rừng này đó. Nó giống lá phổi xanh vậy. Gần 30 năm sống ở đây, được hứng gió biển với khí hậu trong lành mà cánh rừng mang lại nên tui chẳng bệnh tật chi cả” - ông khoe.

Xin nhận làm bố nuôi

Suốt mấy mươi năm gieo sự sống ở vùng cát trắng, ông Lán chính là chỗ  dựa tin cậy cho nhiều người đi biển. Những khi biển động, sóng to gió lớn, ông thường quan sát tàu thuyền có ai gặp nạn không rồi tìm cách cứu giúp. Một mình ông cặm cụi đốn những cây tre, phi lao vững chắc rồi dựng lên thành ngọn hải đăng để soi đường cho người đi biển vào bờ an toàn.

“Hằng ngày, nếu rảnh rang, tui thường đi dạo ven biển quan sát. Có lần, tui cứu được 37 thuyền viên bị sóng đánh lật tàu gần bờ. Lần khác, 5 cô gái đi vét củi sau lũ bất ngờ bị thủy triều cuốn cũng được tui cứu… Đến nay, tui cứu được khoảng 50 người gặp nạn. Rất nhiều người sau đó xin được nhận tui làm bố nuôi. Vui lắm!” - ông Lán tự hào.

Trong căn nhà xập xệ, người cựu chiến binh già hằng ngày vẫn gieo sự sống và miệt mài với nghiệp bám biển của mình. Là một lão ngư nên ông Lán biết rõ có nhiều người làm nghề biển một đi không trở lại. Ông đã lập ngôi miếu thờ những người xấu số ấy, ngày ngày hương khói đều đặn.

Chia tay chúng tôi, người cựu chiến binh rắn rỏi ấy nở nụ cười đôn hậu: “Tui chỉ ước là mình vẫn còn trẻ, có sức khỏe để nhân rộng cánh rừng này lên. Nhưng tui già rồi, giờ cũng như ngọn đèn hiu hắt trước gió biển vậy. Tui chỉ tâm nguyện là sau này mình mất đi, con cái sẽ thay tui theo tiếp nghiệp trồng rừng này”.


  Các Tin khác
  + Sắc xuân trên Thành Vinh (21/01/2025)
  + Làng gì mà ngày nào cũng phát ra tiếng kêu tại Hà Tĩnh? (14/01/2025)
  + Bế mạc Lễ hội Du lịch và Ẩm thực Sen Nghệ An năm 2024 (02/12/2024)
  + Vượt lũy tre làng, nữ giám đốc HTX ở Hà Tĩnh đưa nước mắm biển Thiên Cầm xuất ngoại (12/11/2024)
  + Một cây cổ thụ là cây trôi đã sống 800 tuổi ở Hà Tĩnh được công nhận cây Di sản Việt Nam (26/09/2024)
  + Đến Hà Tĩnh, ngắm bình minh trên biển Hoành Sơn (17/09/2024)
  + Bản sắc SLNA - sự khác biệt tuyệt vời ở V.League 2024/2025 (31/08/2024)
  + Làng Đỏ - nơi”căm thù như biển lửa, đã đứng lên”… (31/08/2024)
  + Đại gia Trần Quang Luận và hệ sinh thái Thanh Thành Đạt nổi danh xứ Nghệ (15/08/2024)
  + Khát vọng Thanh Chương (11/08/2024)
  + Hà Tĩnh gặp mặt chúc mừng học sinh đoạt HCB Olympic Toán học quốc tế (02/08/2024)
  + Cầu Nhe - nơi ghi dấu tinh thần quả cảm của 53 liệt sỹ (23/07/2024)
  + Vô xứ Nghệ thăm quê Bác (13/07/2024)
  + Về lại Nậm Nơn (02/07/2024)
  + 48 giờ ở Nghệ An (17/06/2024)
  + Bến Thủy - cây cầu thế kỷ của xứ Nghệ (09/06/2024)
  + Đôi vợ chồng "thổi hồn" vào dân ca ví, giặm (06/06/2024)
  + 9 điểm du lịch hấp dẫn không thể bỏ qua khi đến miền Tây xứ Nghệ (26/05/2024)
  + Trần Đình Sơn - "cánh chim đầu đàn” của điền kinh Hà Tĩnh (25/05/2024)
  + Nghệ An: Cả làng kiếm bộn tiền từ con đặc sản "cưỡi máy bay xuất ngoại” (20/05/2024)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 3
Total: 66573932

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July