Trang chủ Liên hệ       Thứ sáu, Ngày 03/05/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
  -  Đất và người Xứ Nghệ
  -  Dân ca Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Truyền thống Nghệ Tĩnh > Đất và người Xứ Nghệ >
  Hành trình khám phá những sinh vật kỳ lạ Hành trình khám phá những sinh vật kỳ lạ , Người xứ Nghệ Kiev
 

 

Khám phá để hiểu thêm những giá trị trường tồn và bản năng sinh sống của thế giới động thực vật ở Vườn quốc gia (VQG) Vũ Quang không chỉ là nhiệm vụ mà còn là niềm đam mê của những cán bộ nghiên cứu khoa học ở đây. Gần đây nhất, một chuyến đi điều tra về nhóm bò sát và lưỡng cư đã đem đến cho mọi người những thông tin khá thú vị.

1. Tốt nghiệp Đại học Lâm nghiệp Hà Nội, được phân công về làm cán bộ nghiên cứu khoa học ở VQG Vũ Quang, Nguyễn Thanh Sơn càng thấm thía thực tiễn qua “mắt thấy” và “tay sờ” đối với những động thực vật quanh mình.

Sơn phác thảo với tôi: VQG Vũ Quang nằm trong dãy Giăng Màn thuộc hệ thống núi Bắc Trường Sơn, diện tích 56.915 ha, trong đó có tới 52.881 ha rừng đặc dụng. Đây là một khu rừng tự nhiên còn nguyên sinh, giàu đa dạng sinh học và mang một đặc hữu của vùng rừng nhiệt đới. Không chỉ có nhiều chim, thú quý hiếm mà còn có cả sao la, loài vật được ghi vào sách đỏ.

Hành trình khám phá những sinh vật kỳ lạ

Suối ngầm Cây Du.

Trên bàn làm việc của Sơn và nhóm cán bộ nghiên cứu KHKT lâm sinh ở đây lúc nào cũng bộn bề bản thảo, sách vở, tài liệu và những băng hình đã được các anh sao chép và lưu giữ trong các ổ đĩa trên máy vi tính. Rồi Sơn đưa cho tôi xem đủ các bức ảnh sóc, chồn, khỉ, chim, cá, ếch, rắn… và say sưa kể cho tôi cùng anh bạn phóng viên nghe cuộc hành trình điều tra nhóm bò sát và loài lưỡng cư ở tuyến Khe Cận (tiểu khu 176) thuộc VQG Vũ Quang.

Giọng nói quê kiểng, đậm ngôn ngữ địa phương chân thật nhưng chúng tôi nghe hấp dẫn như thuở nhỏ được nghe bà nội kể chuyện cổ tích: Cuộc hành trình bắt đầu từ trung tuần tháng 7 vừa qua. Thời tiết không ủng hộ, bởi Vũ Quang dịp này trời thường đổ mưa và hay có những cơn mưa lớn đột ngột… Tuy vậy, anh em đã quen với nghiệp đi rừng nên đội hình và lịch trình vẫn không thay đổi. Đoàn có 7 người, ngoài 5 cán bộ của VQG Vũ Quang còn có 2 nghiên cứu sinh Trường Đại học Vinh là Đậu Quang Vinh và Hoàng Quốc Dũng. Tiên lượng trước việc ăn ngủ trong rừng, mọi công tác hậu cần đã được chuẩn bị khá chu tất. Chị Phan Quỳnh Anh, phụ nữ duy nhất trong đoàn được giao mua 20 kg gạo, 5 kg thịt lợn, 2 kg cá khô, 2 con ngan và một ít gia vị khác. Ngoài dụng cụ nồi niêu, bát đĩa, các tư trang cá nhân như tăng, võng, quần áo, dép nhựa rọ, thuốc chống vắt, thuốc chống cảm đã được trưởng đoàn kiểm tra kỹ trước lúc hành quân.

Khi gà rừng cất tiếng gáy te te cũng là lúc anh lái xe của đơn vị đến sắp xếp hành lý gọn gàng vào xe và nổ máy mời mọi người lên đường. Xe như trôi trong tĩnh lặng của những cánh rừng yên ả. Bốn phía dày đặc màn sương trắng. Khi ô tô đến trạm Sao La (Mạn Chạn) thì sương sớm vẫn chưa tan hẳn nhưng đã nghe tiếng vượn gọi con, tiếng chim “bắt cô trói cột” từ trên ngọn cây cao vọng xuống… Trưởng đoàn Nguyễn Thanh Sơn vui vẻ động viên: “Bây giờ chúng ta mới thực sự vào cuộc. Gắng tập đi bộ cho mau đói rồi ta xơi thịt ngan cho ngon miệng...”. Tất cả anh em đều cười, dầu trên vai khoác hành lý hơn 15 kg và cự ly đi bộ được dự báo hơn 30 km.

Đến bây giờ nhớ lại, mọi người vẫn chưa kịp hoàn hồn, khi cùng dìu nhau qua suối ngầm Cây Du. Đây là ngầm lớn và sâu nhất của Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Vũ Quang, với chiều rộng khoảng 25m, độ sâu hơn 1m, xung quanh ngầm mọc nhiều cây cổ thụ lớn như lim, dổi, táu, chò chỉ. Trên miệng ngầm có nhiều tảng đá mồ côi niên đại hàng triệu năm đã phủ rêu xanh. Trong đoàn ai cũng biết bơi nên không sợ bị chìm ở ngầm này, nhưng sợ nhất vẫn là băng qua tảng đá vừa gồ ghề vừa lầy lụa rêu trơn như đổ mỡ. Để tránh những tai họa khó lường, người đi trước cố gắng dùng dao, rựa kỳ cọ các lớp rêu để tạo chỗ đứng thật vững, dìu người sau lên. Kỹ thuật “phát hoang” rêu mỡ và dùng que dài để làm tay vịn chẳng có trong sách vở nhưng buộc những tảng đá “lì lợm” đó phải quy phục. Vượt qua ngầm Cây Du, mặt trời đã rọi xuống đỉnh đầu. Bụng người nào người nấy đã thấy cồn cào, tất cả đều chung tay “làm anh nuôi” nhóm bếp thổi lửa. Bữa cơm giữa rừng đầu tiên ai cũng tấm tắc khen ngon.

Cơm nước xong, lại tiếp tục hành quân, vừa đến ngầm Thung Đày, mọi người thấm mệt, bẻ lá cây rừng ngồi nghỉ giải lao. Bỗng Thái Cảnh Toàn phát hiện một con kỳ nhông đang lặng lẽ bò qua bụi cây rậm phía trước chân mình. Nhanh như cắt, Toàn chộp lấy. Bị tấn công bất ngờ, kỳ nhông giận dữ với phản ứng tự vệ bản năng: mắt mở to, toàn thân màu xanh như lá chuối non, đầu và lưng nổi lên những hàng gai sắc nhọn. Chụp ảnh xong, họ bỏ gọn con kỳ nhông vào túi đồ nghề rồi tiếp tục đi…

Càng vào sâu càng hiện rõ những nét hồng hoang nguyên thủy, mùi hoa lạ sực nức bay ra, lẫn trong tiếng đàn ong rù rì đi lấy mật… Khi qua dốc Nguyệt Đức thì trời đã xế chiều. Trước mặt các anh hiện lên một cánh rừng nguyên sinh mênh mông và tầng tầng, lớp lớp cây cổ thụ, trong đó có những cây như: lim, dổi, táu hàng trăm tuổi với độ cao từ 20 – 30m, đường kính từ 1 - 1,2m. Vào đỉnh Khe Lạnh, tất cả đặt hành lý xuống và chọn mô đất thích hợp nhất để chặt nứa tre dựng lán. Những chiếc lều bạt được căng thành dãy dài.

2. Anh Nguyễn Viết Hùng cho biết: “Để hoàn thiện đề tài điều tra, giám sát về loài lưỡng cư, trong chuyến đi này, đoàn công tác phải thay đổi lịch làm việc. Bởi loài lưỡng cư thường hoạt động ban đêm”. Đêm thứ 2 đẹp trời ở Khu BTTN Vũ Quang đã trở thành một kỷ niệm sâu sắc trong cuộc hành trình tuy ngắn ngủi nhưng được tận hưởng một thế giới rất riêng của rừng thiêng. Bây giờ chim chóc, chồn, sóc, voi, lợn… đã chui vào tổ ấm để nhường chỗ cho ếch, nhái hoạt động. Càng về khuya, họ nhà ếch càng lớn tiếng gọi bạn tình và hát đồng ca ồn ã cả khu rừng. Hùng lặng lẽ đi dọc bờ suối, cầm đèn pin soi qua bụi cây, hốc đá, bờ cỏ… Bỗng anh phát hiện được một con ếch nhão đang nằm trên một tảng đá xám giữa dòng suối. Hùng rọi thẳng ánh đèn vào đôi mắt ếch, khiến ếch lóa mắt không kịp nhảy xuống nước. Con ếch nhão, to gấp rưỡi ếch đồng, da nhầy, màu xám, lẹ làng nằm gọn trong túi ni-lông của Hùng.

Sau gần 3 tiếng đồng hồ tìm kiếm, các anh đã bắt được 3 con ếch lạ, hình thù, trọng lượng khác nhau; có con to hơn ngón chân người một tý, da màu đen, hay bám vào tảng đá dòng nước chảy và thường đẻ trứng trong các hốc đá sâu và kín nhất.

Cũng trong đêm ấy, anh Dũng, anh Vinh đi dọc bờ suối và gặp một con rồng đất đang bò chậm chạp trên đám cỏ. Con rồng đất lạ này dài hơn 20 cm, đuôi nhọn dài, dưới bụng màu vàng óng, thay đổi màu sắc theo môi trường.

Trưởng đoàn Nguyễn Thanh Sơn cho biết thêm: “Sau những đêm lặn lội tìm kiếm đầy vất vả ấy, mấy ngày hôm sau, chúng tôi tập trung xử lý mẫu vật, bằng các công đoạn: chụp ảnh, làm chết mẫu vật bằng hóa chất, lấy mẫu ADN đựng vào các khay, tiêm hóa chất và bảo quản thật cẩn thận, an toàn”.

Tuy 6 ngày 5 đêm “nếm mật, nằm gai” trong Khu BTTN Vũ Quang, lúc quay về, trời nổi bão, nước suối dâng to nhưng đoàn vẫn tới đích an toàn.

Cái quý nhất trong chuyến đi thực tế này đã đóng góp thêm cho khoa học những tư liệu quý về cuộc sống phong phú của động thực vật ở Khu BTTN Vũ Quang.

Tháng 8/2013

THẾ CẢI - QUỐC TUẤN

theo hà tĩnhonline


  Các Tin khác
  + Ngắm cây cầu dài nhất tuyến cao tốc Bắc - Nam sắp hoàn thành (07/04/2024)
  + Khám phá vẻ đẹp huyền bí hang Dơi Khét trên núi Phá Èn (07/04/2024)
  + Ở một xã của tỉnh Nghệ An có con đường hoa gạo đỏ rực, người ta kéo đến quay phim, chụp ảnh (03/04/2024)
  + Vui hội đền Chín Gian (23/03/2024)
  +   Đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh Khu lưu niệm Đại tướng Chu Huy Mân (17/03/2024)
  + Tưng bừng khai hội Đền Thanh Liệt năm 2024 (17/03/2024)
  + Công an Nghệ An xứng danh anh hùng, đồng sức đồng lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân (10/03/2024)
  + Những chiến sĩ áo trắng vùng biên: Quyết không bỏ nghề, tất cả vì sức khỏe nhân dân (06/03/2024)
  + Về "làng Khoa bảng " xem bà con nông dân làm du lịch (06/03/2024)
  + Dòng sông Mai Giang chảy qua thị xã nào của Nghệ An, có lễ hội gì mà vạn người trên bờ cổ vũ? (02/03/2024)
  + Nghệ sĩ Lê Thanh Phong và hành trình đưa ví, giặm vượt biên giới (01/03/2024)
  + Nhiều viên gạch quý hiếm tại đền thờ Trạng nguyên Hồ Hưng Dật (01/03/2024)
  + Lưu mãi nét đẹp văn hoá Thổ ở làng Mo Mới (01/03/2024)
  + Nghĩ về dòng chảy di sản văn hóa xứ Nghệ (01/03/2024)
  + Đặc sản thịt chua xứ Nghệ vào vụ Tết (30/01/2024)
  + Biển Cửa Lò ở Nghệ An có từ bao giờ, cái tên Thiên Cầm ở Hà Tĩnh sao lại liên quan đến Hồ Quý Ly? (30/01/2024)
  + Một cây cổ thụ 700 năm tuổi ở Hà Tĩnh tương truyền cứu vua Lê Thái Tổ nay vẫn xanh um, quả thơm khắp làng (30/01/2024)
  + TẢN MẠN CHUYỆN Ở XÓM... (02/11/2023)
  + Ngôi chùa nhà Trần với tích tiên nữ giáng trần dạo chơi, rửa chân ở Hà Tĩnh có gì đặc biệt? (16/10/2023)
  + Làng cổ ở Nghệ An là làng duy nhất của Việt Nam có tới 3 nhà khoa bảng giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám (16/10/2023)
Playlist

GIỚI THIỆU
 

Kính thưa quý độc giả 

Website nguoixunghekiev.vn

hoạt động chính thức từ tháng

10/2012. và  phi lợi nhuận.

Trang tin đăng tải tin tức 

của cộng đồng người Việt tại Kiev

và toàn Ucraina, đồng thời lấy tin 

từ các trang báo mạng khác trên

nguyên tắc trích dẫn nguyên bản 

đường nguồn chính. Là những

người làm báo không chuyên nên

chắc chắn sẽ gặp sai sót không

mong muốn, chúng tôi sẽ tiếp thu 

chân thành những góp ý xây dựng 

của quý độc giả để cho trang tin 

ngày càng hoàn thiện hơn, xin gửi

về mục liên hệ trên mặt báo hoặc

Email: hosytruc@gmail.com

ĐT: 093-712-24-57

093-973-97-39

Xin trân trọng cảm ơn.

Biên tập: Hồ Sỹ Trúc

 

 

 
 
 

 

 


QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 5
Total: 60620420

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July