Trang chủ Liên hệ       Thứ bẩy, Ngày 04/05/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
  -  Đất và người Xứ Nghệ
  -  Dân ca Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Truyền thống Nghệ Tĩnh > Đất và người Xứ Nghệ >
  Phó giáo sư Đặng Thị Hạnh, nữ nhà giáo tài ba Phó giáo sư Đặng Thị Hạnh, nữ nhà giáo tài ba , Người xứ Nghệ Kiev
 

 

  •   HỮU ĐẠT
  • Thứ ba, 13 Tháng 8 2013 06:24giảm kích thước chữ 
 
Pgs Đặng Thị HạnhPgs Đặng Thị Hạnh
 

Ở Khoa Ngữ Văn ĐHTH Hà Nội trước đây, mỗi khi nhắc tới nhà giáo Lê Hồng Sâm là người ta lại nghĩ ngay đến nhà giáo  Đặng Thị Hạnh.

Thật là cái sự khó biết bao nhiêu, nếu tách hai nhà giáo nữ này mà viết riêng. Bởi họ là hai con người, hai tính cách, mà lại gắn bó với nhau đến mức, nói đến người này thì dường như trong đó lại có cả người kia rồi. Đó là nói đến cái gọi là phong độ nhà giáo, đến chuyên môn. Còn nói về phong cách, lại là một chuyện khác.

Không phải chỉ riêng trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, mà đối với cả nước, nói đến văn học Pháp và Phương Tây, trong dãy tên tuổi các nhà nghiên cứu nữ, cô Lê Hồng Sâm, Đặng Thị Hạnh kể như không được gọi là chuyên gia số một thì cũng là một trong những chuyên gia số một của nước nhà.

Cớ lẽ số phận đã đưa đẩy mà hai cô giáo lại  được phân công nghiên cứu và giảng dạy về hai mảng văn học phản ánh về hai mặt của  xã hội, của cuộc đời và của mỗi con người. Đó là cái mặt hiện thực và mặt lãng mạn. Về nguyên lý, chúng là hai mặt đối lập nhau, nhưng lại nằm trong mối quan hệ biện chứng, chuyển hoá cho nhau. Cái sự bất ngờ nhất với chúng tôi khi mới vào trường là, thoạt gặp các cô, chúng tôi lại nghĩ cô Lê Hồng Sâm giảng về văn học lãng mạn Pháp, còn cô Đặng Thị Hạnh giảng về văn học hiện thực. Nhưng ngược lại. Âu cũng là tạo hoá đã vẽ nên cái sự hài hoà.

Nói về bề ngoài, cô Đặng Thị Hạnh mang dáng dấp của người dân dã, mặc dù cô sinh trưởng trong một gia đình thuộc loại "đại trí thức" yêu nước nổi tiếng, đến mức, trong vòng vài chục năm mà đã có hai thế hệ liên tiếp trở thành các danh nhân của đất nước. Ông nội giáo sư Đặng thị Hạnh là cụ Đặng Nguyên Cẩn, đỗ phó bảng dưới triều Nguyễn. Cụ là một văn thân yêu nước, từng là đồng chí của các bậc sĩ phu như Huỳnh Thúc Kháng, Phan Chu Trinh, Ngô đức Kế…và là thành viên của Duy tân hội do Phan Bội Châu sáng lập. Cha của cô Hạnh là Đặng Thai Mai, giáo sư tiền bối của Đại học Văn Khoa (tiền thân của Đại học Tổng hợp Hà Nội). Cụ chẳng những là một nhà giáo, một nhà nghiên cứu văn học tài năng mà còn là nhà lãnh đạo xuất sắc của giới văn nghệ và sư phạm với nhiều chức vụ khác nhau. Hơn thế nữa cụ còn là nhạc phụ của nhiều tướng công lừng danh. Trong đó, có hai vị trung tướng  (trung tướng Phạn Hồng Cư và trung tướng Phạm Hồng Sơn) và vị đại tướng mà cả thế giới biết đến: Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp.

Trong lịch sử hiện đại Việt Nam, chưa ở đâu lại có hiện tượng đặc biệt như gia phái họ Đặng làng Lương Điền, huyện Thanh Chương, Nghệ An. Hai cha con cụ Đặng Nguyễn Cẩn và Đặng Thai Mai đều được chọn để đặt tên đường phố của hai thành phố lớn nhất nước: Cụ Đặng Nguyên Cẩn thì ở thành phố Hồ Chí Minh, còn con trai là cụ Đặng Thai Mai thì ở Hà Nội. Như vậy, họ Đặng là một danh gia nổi tiếng mà tên tuổi đi theo dọc dài đất nước. Đến thế hệ sau, tức anh chị em ruột cô Đặng Thị Hạnh, tất cả đều thành danh, trong đó phần lớn là các giáo sư, phó giáo sư làm công tác giảng dạy, nghiên cứu ở các trường Đại học lớn của nước nhà. Đó là những người như: Phó giáo sư sử học Đăng Bích Hà; Phó giáo sư văn học Đặng Thị Hạnh; Giáo sư Đặng Thanh Lê; Phó giáo sư, tiến sĩ văn học Đặng Anh Đào.; Phó giáo sư, kiến trúc sư Đặng Thái Hoàng; Phó giáo sư, tiến sĩ sinh vật học Đặng Xuyến Như.

Xuất thân từ một gia đình mà sự nghiệp "kỳ vĩ" đến như thế, nhưng mới gặp cô Hạnh thì ai cũng nghĩ cô sinh trưởng từ một gia đình nông dân. Bởi cô là người đồng cảm và hiểu ngưởi nông dân một cách sâu sắc. Có được cốt cách đó, chắc chắn cô đã được giáo dục trong một bối cảnh rất đặc biệt. Khi cô ra đời, cô đã cùng cha mẹ sống nhiều năm ở các vùng thôn quê. Trong  thời kỳ chiến tranh, cô lại cùng cán bộ giảng dạy và sinh viên khoa Ngữ Văn nhiều năm sống nơi sơ tán. Mặc dù dạy văn học lãng mạn, nhưng tâm hồn cô vẫn đậm đà chất hiện thực của đời sống nhân dân. Từ cách sống, lối ăn mặc đến giao tiếp hàng ngày, cô luôn hiện lên là một người giản dị khiêm nhường. Thời tôi đi học, cô vẫn còn trẻ, nhưng suốt cả 4 năm rưỡi ở trường, tôi chưa bao giờ thấy cô mặc một sắc phục nào diêm dúa. Ấy vậy, mà con người cô vẫn toát lên một vẻ đẹp lạ thường. Đó là vẻ đẹp của trí thông minh, sắc sảo trong tư duy, trong cách phân tích hình tượng các nhân vật văn học. Không giới hạn trong phần mình được phân công giảng dạy, những nghiên cứu và các bài viết của cô còn vượt ra ngoài đường biên quen thuộc ấy. Bởi thế, nói cho chính xác thì cả cô Lê Hồng Sâm và Đặng Thị Hạnh, tuy mỗi người một mảng chuyên môn, nhưng cả hai đều rất am hiểu cả hai lĩnh vực văn học hiện thực và văn học lãng mạn Pháp. Sau thế hệ các cô, cũng phải có thời gian chờ đợi mới có thể tìm thấy các môn đồ thực sự tài năng, đặng  tiến kịp với tầm uyên bác của các bậc thầy này. Những người đó là ai, cho đến nay vẫn đang là một câu hỏi.!

Lại nói đến sự giản dị của cô Đặng Thị Hạnh. Ngày chúng tôi mới học cô, hầu như không ai biết cô có người anh rể là đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bởi lúc đó, và ngay cả sau này, không ai thấy cô có bất cứ thái độ gì tỏ ra mình là con nhà quyền thế. Đến khi chúng tôi nghe các thầy nói, cô là em vợ của đại tướng Võ Nguyên Giáp thì sự tò mò như càng được kích thích hơn. Hoá ra em của đại tướng mà lại giản dị như thế!

Khác với cô Sâm có giọng trầm và ấm, giọng cô Hạnh cao hơn, nói chính xác là đanh hơn. Bởi thế, khi nghe cô Sâm giảng, tâm hồn người học thường bay lên phiêu lãng dù nhân vật trong văn chương còn đằm mình trong chủ nghĩa hiện thực khắc nghiệt. Ngược lại, nghe cô Hạnh giảng, đôi khi tư duy học trò đang từ cõi mông lung lại được cô kéo trở về với thực tại sinh động. Với những âm thanh có độ nhấn sâu, lời của cô như sợi dây vô hình níu kéo lại cái sự chơi vơi, vi vút của những dòng ý nghĩ tản mạn chợt đến đang bay theo cánh diều no gió. Trong giờ giảng của cô, dù ai có lơ đãng đến đâu cũng bị cuốn hút vào lối giao tiếp khơi gợi, mở - dẫn mà cô luôn coi là thủ pháp riêng trong cách giảng của mình. Ngay từ dạo đó, cô đã có một cách giảng theo giáo học pháp hiện đại chứ chẳng phải đợi đến những năm cuối cùng của thế kỷ XX nhiều người mới cổ suý như thể là vừa phát hiện ra châu Mỹ. Chính vì thế, các nhân vật văn học của V.Hugô trong giờ giảng của cô dù được nhà văn miêu tả bằng bút pháp của chủ nghĩa lãng mạn vẫn lung linh chất hiện thực mà dù xa xôi, nửa vòng trái đất, ta lại cảm thấy nó như đâu đây, rất thân thuộc với cuộc sống của mình. Sức cảm hoá trong cách giảng của cô chính là, mọi sự việc hiện tượng, mọi tình thế hay xung đột được dàn dựng từ trong tác phẩm văn chương hoàn toàn không phải chỉ sự hư cấu tưởng tượng. Tất thảy đều bắt nguồn sâu sa từ cuộc sống. Đôi khi nó là mảnh vỡ trong cuộc đời của chính mỗi người.

Tôi đã từng được nghe một số thầy thế hệ đi trước kể về cô Đặng Thị Hạnh với một tình cảm quí trọng sâu sắc. Qua mỗi câu chuyện, tôi lại như được trở về với mảnh đất Đại Từ yêu thương, nơi khoa Ngữ Văn đã nhiều năm gắn bó trong cuộc chiến tranh leo thang ác liệt của giặc Mỹ. Dạo đó, phương tiện thông tin thiếu thốn chứ không như bây giờ. Không nói tới việc chưa có vô tuyến truyền hình, mà ngay cả radiô cũng rất hiếm. Báo chí lại càng hiếm hơn. Việc đi lại đã khó khăn, lại thêm những trận oanh kích dữ dội của không quân Mỹ, có khi nhận được báo thì tin tức, tình hình đã lạc hậu tới hàng tuần. Bởi thế, theo thông lệ, cứ đến cuối tuần là cán bộ trong khoa và người địa phương lại ngong ngóng nhìn về phía sườn đồi để chờ đợi những chiếc xe con từ Hà Nội đi lên. Đó là xe của đại tá Hồng Cư ( nay là trung tướng đã về hưu) công tác ở Tổng Cục Chính trị Quân đội, hoặc xe của chồng cô Huyền - giáo viên tiếng Anh- công tác ở một Bộ quan trọng lên thăm phu nhân.  Mỗi lần như thế là khu sơ tán lại sống động hẳn lên. Các thủ trưởng từ Hà Nội không chỉ đem đến cho mọi người món quà vật chất quen thuộc là thuốc lá hay bánh kẹo, mà mang lên cho mọi người một món ăn tinh thần trong lúc ai cũng đang háo khát nhất: Tin tức. Tin tức về các cuộc đánh bom vào lòng thủ đô Hà Nội thân yêu. Tin tức thắng trận của quân dân ta trên khắp hai miền và bạn bè năm châu đang ủng hộ Việt Nam đánh Mỹ…Mỗi lần đại tá Hồng Cư có mặt ở nơi sơ tán, cuộc sống của cán bộ của khoa Ngữ Văn và bà con xóm núi bỗng trở nên sống động và ấm cúng. Người ta ngồi vây quanh vị đại tá để nghe ông nói về tình hình, thế cuộc và triển vọng của cuộc kháng chiến trong tương lai…Điều thú vị hơn, đại tá Hồng Cư còn chính là anh trai của nhân vật "nàng" trong bài thơ nổi tiếng "Màu tím hoa sim" của Hữu Loan nên gặp ông, ai cũng tò mò, thích thú.

Thời đó là thời bao cấp, ô tô con có lẽ hiếm hơn máy bay bây giờ. Người phụ nữ nào mà có chồng đưa đón xe riêng thì đa số mặt phải vênh lên tới 60 độ vì từ hào, hay ít nhất cặp mắt cũng cao ngạo khác đời. Vậy mà cô Hạnh thì lại bình dị quá. Từ lúc còn trẻ đến lúc về hưu, cô chẳng khi nào ỷ thế vào chồng, vào anh, chẳng khi nào có thái độ kiêu căng bởi sự nghiệp của ông cha, của chồng con hay anh em mình. Cô lúc nào cũng hòa nhã, chân tình, để cái riêng của mình tan vào cuộc sống chung, hoà vào dòng đời đi theo cùng năm tháng. Cô cặm cụi, tự xây đắp lên niềm vinh quang của chính bản thân bằng sự lao động miệt mài. Cô đã để lại cho đời những trang sách nghiên cứu sâu sắc về V. Hugô, để lại cho thế hệ sau những trang giáo trình viết chung với cô Lê Hồng Sâm về văn học Pháp rất có giá trị. Sự sắc sảo trong tư duy và những đột phá trong tư tưởng của cô kết hợp với sự thông thái, mẫn tiệp trong cách nghĩ và cách thể hiện của của cô Lê Hồng Sâm làm cho những trang giáo trình viết chung của hai cô là một thể thống nhất tinh tế. Có thể nói, sự góp mặt của hai cô ở khoa Ngữ Văn đã làm cho Tổ bộ môn Văn học nước ngoài mạnh hẳn lên ( lúc đó chưa tách thành nhiều bộ môn riêng như bây giờ), đặc biệt làm cho mũi nhọn nghiên cứu về văn học Pháp nổi bật trong văn đàn những năm nửa sau của thế kỷ XX.

Nhưng nói đến cô Hạnh mà chỉ biết cô là nhà khoa học, nhà giáo là chưa đủ. Với một tâm hồn phong phú, trong sáng, một mỹ cảm văn chương tinh tế, cô còn là một nhà văn. Cô viết rất ít nhưng chỉ với Cô bé nhìn mưa [Nxb Phụ nữ, 2008], cô đã đủ khẳng định mình với tư cách một người sáng tạo văn chương. Tôi nghe nói cuốn sách này đã trở thành ứng viên vòng cuối cùng của Giải thưởng Hội Nhà văn năm đó. Không thành giải nhưng chỉ với gần 400 trang sách, văn cô đã tỏa sáng – một ánh sáng lung linh, dịu đẹp và sang trọng đủ để làm cho tâm hồn người đọc đẹp hơn...

Cô Hạnh của chúng tôi là một người như thế!          

Theo Văn hóa Nghệ An


  Các Tin khác
  + Ngắm cây cầu dài nhất tuyến cao tốc Bắc - Nam sắp hoàn thành (07/04/2024)
  + Khám phá vẻ đẹp huyền bí hang Dơi Khét trên núi Phá Èn (07/04/2024)
  + Ở một xã của tỉnh Nghệ An có con đường hoa gạo đỏ rực, người ta kéo đến quay phim, chụp ảnh (03/04/2024)
  + Vui hội đền Chín Gian (23/03/2024)
  +   Đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh Khu lưu niệm Đại tướng Chu Huy Mân (17/03/2024)
  + Tưng bừng khai hội Đền Thanh Liệt năm 2024 (17/03/2024)
  + Công an Nghệ An xứng danh anh hùng, đồng sức đồng lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân (10/03/2024)
  + Những chiến sĩ áo trắng vùng biên: Quyết không bỏ nghề, tất cả vì sức khỏe nhân dân (06/03/2024)
  + Về "làng Khoa bảng " xem bà con nông dân làm du lịch (06/03/2024)
  + Dòng sông Mai Giang chảy qua thị xã nào của Nghệ An, có lễ hội gì mà vạn người trên bờ cổ vũ? (02/03/2024)
  + Nghệ sĩ Lê Thanh Phong và hành trình đưa ví, giặm vượt biên giới (01/03/2024)
  + Nhiều viên gạch quý hiếm tại đền thờ Trạng nguyên Hồ Hưng Dật (01/03/2024)
  + Lưu mãi nét đẹp văn hoá Thổ ở làng Mo Mới (01/03/2024)
  + Nghĩ về dòng chảy di sản văn hóa xứ Nghệ (01/03/2024)
  + Đặc sản thịt chua xứ Nghệ vào vụ Tết (30/01/2024)
  + Biển Cửa Lò ở Nghệ An có từ bao giờ, cái tên Thiên Cầm ở Hà Tĩnh sao lại liên quan đến Hồ Quý Ly? (30/01/2024)
  + Một cây cổ thụ 700 năm tuổi ở Hà Tĩnh tương truyền cứu vua Lê Thái Tổ nay vẫn xanh um, quả thơm khắp làng (30/01/2024)
  + TẢN MẠN CHUYỆN Ở XÓM... (02/11/2023)
  + Ngôi chùa nhà Trần với tích tiên nữ giáng trần dạo chơi, rửa chân ở Hà Tĩnh có gì đặc biệt? (16/10/2023)
  + Làng cổ ở Nghệ An là làng duy nhất của Việt Nam có tới 3 nhà khoa bảng giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám (16/10/2023)
Playlist

GIỚI THIỆU
 

Kính thưa quý độc giả 

Website nguoixunghekiev.vn

hoạt động chính thức từ tháng

10/2012. và  phi lợi nhuận.

Trang tin đăng tải tin tức 

của cộng đồng người Việt tại Kiev

và toàn Ucraina, đồng thời lấy tin 

từ các trang báo mạng khác trên

nguyên tắc trích dẫn nguyên bản 

đường nguồn chính. Là những

người làm báo không chuyên nên

chắc chắn sẽ gặp sai sót không

mong muốn, chúng tôi sẽ tiếp thu 

chân thành những góp ý xây dựng 

của quý độc giả để cho trang tin 

ngày càng hoàn thiện hơn, xin gửi

về mục liên hệ trên mặt báo hoặc

Email: hosytruc@gmail.com

ĐT: 093-712-24-57

093-973-97-39

Xin trân trọng cảm ơn.

Biên tập: Hồ Sỹ Trúc

 

 

 
 
 

 

 


QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 5
Total: 60649868

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July