Trang chủ Liên hệ       Thứ năm, Ngày 23/01/2025
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
  -  Đất và người Xứ Nghệ
  -  Dân ca Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Truyền thống Nghệ Tĩnh > Đất và người Xứ Nghệ >
  Thành sơn phòng Phú Gia [Hà Tĩnh] Thành sơn phòng Phú Gia [Hà Tĩnh] , Người xứ Nghệ Kiev
 
  • Thái Kim Đỉnhtăng kích thước chữ
 
Thành sơn phòng Phú Gia [Hà Tĩnh]Vua Hàm Nghi
 

Từ xa xưa, vùng Tiêm - Da đã được coi là đất xung yếu phía Đông Nam Nghệ An. Đây vốn là đất Tồn bồn - man (hay Bồn man) phụ thuộc Ai Lao. Sau khi Lê Thái Tổ mở nước (1428), thổ ty mới sang triều cống. Mùa thu năm Thái Hòa thứ 6 đời Lê Nhân Tôn (1428), Bồn man sang cống và xin cho nội thuộc nước ta, vua mới xuống chiếu đổi làm châu Quy Hợp.

 Năm Quang Thuận thứ 10 đời Lê Thánh Tôn (1469) đặt châu Quy Hợp thuộc phủ Lâm An gồm 12 động, sách thuộc Nghệ An làm thừa tuyên. Đến trung gian, bị người Lạc Hoàn chiếm cứ, rồi phụ thuộc vào Vạn Tượng. Đầu đời Nguyễn, vua Gia Long vẫn đem đất này cho Vạn Tượng, theo lệ, cứ ba năm một lần sang cống. Năm Minh Mệnh thứ 8 (1827), man trưởng Phọc-khâm-thuần La-ni đến trấn Nghệ An dâng cống và xin nội phụ. Năm thứ 9 (1828) đổi đặt là phủ Trấn Tĩnh. Cho đến năm thứ 13 (1832), một số động, sách đã được chuyển thuộc tỉnh Quảng Bình, còn 7 động sách vẫn thuộc Nghệ An. Năm thứ 19 (1838), đổi động, sách làm xã đặt tổng Quy Hợp, thuộc huyện Hương Sơn, gồm 7 xã Trừng Thanh, Trú Cẩm, Vụ Quang, Chúc A, Động Dịch, Phù Lưu, Trà Lũ, có một cai tổng theo viên quan Tấn để làm việc công (Các xã trên nay thuộc các huyện Hương Khê và Vũ Quang).

Đời Lê đặt đồn Quy Hợp ở mé Nam sông Tiêm, bên chợ Tiêm (nay thuộc thôn Trừng Thanh, xã Hương Vịnh), đối diện bờ Bắc là chợ Da (xã Loan Dã, nay là xã Phú Gia). Ngoài đồn chính còn có hệ thống đồn nhỏ gọi là “phân thủ” trong rừng như Phân thủ Động Ngang cách 5km, Phân thủ Động Tuần cách 10km. Đóng giữ đồn này là đội thổ binh, tức là lính người địa phương theo chế độ cha về thì con vào thay thế, được làng xã cấp ruộng đất, đồng thời dựa vào việc buôn bán với người Lào. Chỉ huy đồn là một Tổng binh, kiêm nhiệm chức Phụ đạo (quan cai trị) châu Quy Hợp và chức Thông sự với Lào (truyền mệnh lệnh của triều đình Việt Nam đến các thổ ty người Lào trong vùng Lạc Hoàn).

Một vị Tổng binh nổi tiếng đời Lê là Trần Phúc Hoàn. Ngoài việc thực hiện xuất sắc chức trách được giao, ông còn có công mở con đường mòn sang Lào qua đường Trìm - Trẹo, một tuyến giao thông quân sự - kinh tế quan trọng đương thời. Ông mất vào giữa thế kỷ XVIII (có sách chép giữa thế kỷ XVII), được gia tặng chức Thự vệ sự, tước Vinh quận công, và được dân lập đền thờ ở làng Tâm Phúc, sách Mênh Mông, gần đồn Quy Hợp. Con cháu ông nhiều đời làm quan võ ở đây.

Dưới triều Tây Sơn, đồn Quy Hợp không chỉ chịu sự quản lý trực tiếp của trấn thần Nghệ An như dưới triều Lê, mà đặt dưới quyền chỉ huy của các võ quan Khâm sai coi trấn Nghệ An, Khâm sai quản huyện Hương Sơn, Khâm sai đóng giữ đồn Đại Nài. Có lúc còn phái một viên quan bộ Hộ trực ở đồn này để thu thuế (?). Các tổng binh lần lượt coi đồn Quy Hợp là Toại ngọc hầu (có chỗ chép Toại võ hầu), Trần Hữu Toại, Thụy ngọc hầu (không rõ tên). Ngoài ra còn một số võ quan khác như Cai sách Thuận võ bá, Điển võ bá Trần Hữu Điển, chỉ huy Lạng ngọc hầu, Chỉ huy sứ Phạm Hữu Thành, Cai sách Thái Bá Diễn, Kiều nhạc hầu, v.v…

* * *

Triều Nguyễn đầu đời Gia Long (1802-1819) đặt bảo Quy Hợp, do một viên thổ mục (quan địa phương) thống suất thổ binh đóng giữ, sau đổi làm tấn Quy Hợp, đặt một Thủ ngự và một Hiệp thủ trông coi.

Lúc này, miền Tây Hà Tĩnh, trên đất Hương Sơn, còn có tấn Ngàn Phố, đặt ở Lạc Phố (phường Ngàn Phố mới đúng - TKĐ), năm Minh Mệnh thứ 6 (1825) dời đến xứ Bến Sông, xã Tình Diệm và đổi là tấn Hà Tân, đặt một Thủ ngự, đến năm Tự Đức thứ 4 (1851) đặt chức Thừa biện tấn thủ trông coi.

Năm Nhâm Ngọ, Tự Đức 35 (1882), bắt đầu đặt Nha sơn phòng tỉnh Hà Tĩnh, quản hai đồn Quy Hợp (Hương Khê), Hà Tân (Hương Sơn), chế cấp cho ấn quan phòng và dấu kiềm, đặt một Phó sứ (vì ít việc, không đặt Chánh sứ mà do Tuần phủ phải đi lại kiểm đốc). Giúp việc Phó sứ có hai Tham biện (do Tri huyện Hương Khê, Hương Sơn sung chức) và Chủ sự, Tự vụ, bát, cửu, phẩm mỗi chức một người, Thư lại, Thông ngôn, Y thuộc mỗi chức hai người, trích 270 lính tỉnh thuộc Nha sơn phòng cai quản. Thuế đinh, điền hai huyện Hương Sơn, Hương Khê do Nha sơn phòng thu nộp để phát lương cho quân lính. Chắc là lúc này Nha sơn phòng đã đặt ở bờ Bắc sông Tiêm, gần chợ Da, xã Phú Gia, ở vị trí thành hiện nay.

Khoảng cuối năm ấy, do tình hình khẩn cấp, triều đình đặt chức Chánh sứ Sơn phòng, đưa Viên ngoại lang bộ Hình Nguyễn Thức Tự (1841-1923) ra sung chức ấy. Nhưng năm sau, Tự Đức thứ 36 (1883), Nguyễn Thức Tự ốm, xin nghỉ. Triều đình cho rằng: “việc lập ra sơn phòng tuy vì kế hoạch khẩn hoang, nhưng cũng tham dự việc phòng bị khi có sự biến. Thức Tự ở đây lâu năm mà không thấy có khả năng, công trạng gì, nay việc phòng bị đang khẩn cấp, lại đệ đơn xin nghỉ ở ngoài, điều trốn tránh đó đã thấy rõ. Bèn xin phê chuẩn giáng hai cấp rồi điều đi” (“Đại Nam thực lục chính biên” - Bản dịch, Tập 35, Nxb KHXH, H. 1976).

Nguyễn Chánh được sung chức Chánh sứ, Phan Trọng Mưu chức Phó sứ và Phan Đình Phùng, chức Tham biện sơn phòng Hà Tĩnh.

Năm Giáp Thân, niên hiệu Kiến Phúc thứ nhất, cũng là năm Hàm Nghi lên ngôi (1884), do Phòng thần trù tính, tâu xin và Viện cơ mật chước định, triều đình cho đắp thêm thành Sơn phòng Hà Tĩnh (ở xã Phú Gia, huyện Hương Khê). Sách “Đại Nam thực lục” (ĐD) viết: “... cho xây thành đắp lũy, công đường, tư thất, và các nơi kỳ đài, pháo đài, phái vệ binh 380 người (trước chỉ có 300) chia ban đóng giữ, đặt súng gang, súng lớn 20 cỗ, súng vượt núi 50 cỗ. Phái quân Thần cơ hai đội đổi phiên nhau phụ đóng giúp việc. Lại mộ lính man tên nỏ thuốc độc để đủ sai khiến. Phàm việc đều do Phòng thần chuyên làm; như có việc quân hay việc gì khẩn yếu, cho tỉnh thần họp bàn. Đổi đặt Nha Phó sứ ở xứ Đồng Chi huyện Hương Sơn, vì nơi địa thế bằng phẳng, đủ giúp cho sự bền vững; mở hai con đường ở trên, phía Nam thông với sách Thanh Lạng đến Sơn phòng Quảng Bình, phía Bắc thông với huyện Thanh Chương đến Sơn phòng Nghệ An”.

Hồ sơ di tích của Bảo tàng Hà Tĩnh (lập tháng 5/2000) khảo tả di tích Thành Sơn phòng ở xã Phú Gia, ghi: “… Bốn phía có làng quê bao bọc, phía Tây giáp đền Công Đồng, Bắc giáp xóm Phú Yên, Nam giáp xóm Tiêm, Đông giáp miếu Trần Lâm. Thành được đắp theo hình chữ nhật với tổng diện tích 4200m2, chiều rộng 200m, chiều dài 210m. Thành được đắp cao 2,20m, chân thành 9m, mặt thành 7m, cách chân thành 5m là hào. Hào bao bọc lấy thành (gọi là Kim Thủy hồ) rộng 5,50m, sâu 1,70m. Thành xây hướng Nam, bốn cạnh theo hướng Đông Nam - Tây Bắc, chính giữa bốn cạnh thành xây bốn cổng đối diện nhau… mỗi cổng rộng 8m, cổng chính (hướng Nam) rộng 8,50 m. Tại bốn góc (thành) có bốn ụ đất đặt súng thần công…”; “... Thành ngoại là một vòng khép kín được đắp nối với nhau, tạo dáng như một hình thang… chiều cao trung bình từ 2m đến 2,20m, bề mặt rộng 7m, chân rộng 9m… Tại bốn góc phía trong và ngoài thành, đắp bốn ụ đất nhô ra ngoài … có thể là bốn ụ súng…”; “Hào thành… là đường giao thông thủy quan trọng, nối liền các khu vực trong thành, và cũng là con đường rút lui ra sông Tiêm để vào rừng núi khi có nguy biến…”; “Rải rác trên cánh đồng Phú Gia, quanh khu thành… hiện còn lại một số gò đống… Một số cụ già cho biết đó là gò dáo, gò bắn, gò đài…”.

Đã trên một trăm năm qua, thành Sơn phòng chỉ còn lại dấu tích như đã mô tả trên đây. Các công trình (nhà cửa, dinh trại) trong thành đều bằng gỗ, nứa tranh tre, tất nhiên không còn. Từ lâu dân địa phương đã khai khẩn trồng trọt, đào ao và xây dựng trạm y tế xã, nên nền nhà, đường sá cũng bị xóa hết dấu vết, trừ một hồ nước phía sau…

* * *

Sự kiện lịch sử quan trọng nhất ở Sơn phòng là việc vua Hàm Nghi xuất bôn, đến đây vào tháng chín năm Ất Dậu (1885).

Sách “Việt Nam - Những sự kiện lịch sử” (1858-1818) (của Dương Kinh Quốc - Nxb Giáo dục, H.2001) chép: “Đêm 4 rạng ngày 5/7/1885… Tôn Thất Thuyết cùng Trần Xuân Soạn chỉ huy Phấn nghĩa quân mở cuộc tấn công quyết liệt vào đồn Mang Cá… Tảng sáng, Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi cùng Tam cung rút khỏi kinh thành… Ngày 26-7-1885, Hàm Nghi ngược Thượng đạo vượt qua núi Mai Lĩnh (Quảng Trị) đến đồn Chấn Lão. Ngày 31-7-1885, Hàm Nghi rời Chấn Lão đến sách Bờ Cạn, một địa điểm nằm ở phía Bắc sông Cửu Long (Khung Giang), cách Sơn phòng Hà Tĩnh chừng 7 ngày đường; sau đó đến đồn Quy Hợp thuộc huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, rồi ra đóng ở Sơn phòng Hà Tĩnh”.

“Đại Nam thực lục” (SĐD) chép: “Xe vua (Hàm Nghi) đến Hàm Thao (Thuyết gần kèm xe vua đến sách Bờ Cạn vào ngày 20 tháng này thì nghỉ chân ở xứ này, gần phía Bắc sông Khung Giang, đến Sơn phòng Hà Tĩnh chừng 7 ngày), sắc cho tỉnh phòng Hà Tĩnh vận lương, mở đường, rước xe vua đến Sơn phòng tỉnh ấy… Khâm sai Tôn Thất Phan đem 350 tên lính ở Hà Tĩnh và một viên tác vi lãnh binh, đi họp với phòng thần đợi rước xe vua về Sơn phòng. Nghe truyền ngôn có quân Pháp lại, Thuyết liền ép xe vua đi nơi khác, bèn không rước được (Khi xe vua đi, Lê Thuyết (tức Tôn Thất Thuyết) ủy cho phòng sứ là Nguyễn Chính đốc quân hậu đạo, đê hộ vệ xe vua. Chính nhân lúc còn cách xa lẻn thoát, lánh đi rồi về đóng ở tỉnh Nghệ An)”.

Và Phan Trần Chúc, trong cuốn tiểu thuyết lịch sử “Vua Hàm Nghi” cũng viết: “… Vua Hàm Nghi lưu lại ở bản Tông (Lào) đến hạ tuần tháng bảy… Từ Ai Lao sang Việt Nam, đạo Ngự phải đi qua đèo Quy Hợp… Nguyên khi còn ở Lào, Thuyết đã phái thám tử sang Quảng Bình vào báo trước hành trình của vua Hàm Nghi, cho nên khi đoán biết vua sắp tới Quy Hợp thì Nguyễn Chánh, người giữ Sơn phòng Hà Tĩnh, phái Cao Đạt đi đón. Qua đèo Quy Hợp, Ngự đạo cho Cao Đạt hướng dẫn đi xuống một dải đồng bằng rồi lại tiếp đến dãy núi Hà Tĩnh, lồng lộng chỉa lên trời những ngọn cao chót vót. Đi quanh quất mấy ngày mới tới được Sơn phòng.

Nơi này là một thành nhỏ xây trên trái núi tục gọi là Ấu sơn thuộc làng Phú Gia. Thành cũng mới xây khi lập đường Hà Trai - Quy Hợp. Khi vua tới Sơn phòng, Lãnh binh Hà Tĩnh là Phan Mỹ được tin vội mang 500 quân lên Sơn phòng góp với để hộ giá và phòng đối phó với địch. Vua Hàm Nghi dùng Ấu Sơn làm dã doanh. Ngoài việc thôi thúc các võ quan thao luyện quân sĩ, và tu bổ thành trì, Tôn Thất Thuyết sai thảo tờ chiếu Cần Vương, lấy chữ vua Hàm Nghi phê chuẩn và gửi đi các tỉnh”.

Tờ chiếu đề ngày 11 tháng Tám, Hàm Nghi năm đầu (19-9-1885). Đây là tờ chiếu thứ hai được ban bố sau tờ chiếu thứ nhất ngày 6 tháng 2, Hàm Nghi năm đầu khi nhà vua mới ra Quảng Trị. Tờ chiếu này không có nguyên bản chữ Hán, mà chỉ có bản dịch chữ Pháp trong cuốn “Nước Lào và chế độ bảo hộ của Pháp” (Le Laos et le protectorat fransais) của Gô-sơ-lanh (Gosselin), dưới đầu đề “Bản tuyên cáo nhân danh vua Hàm Nghi phát đi trong nước Nam sau khi nhà vua rời khỏi Huế” (Proclamation lance’e en Annam au nom du roi Ham Nghi ape’s son de’part de Hue’). Hiện có hai bản dịch ra tiếng Việt, một bản của Phan Trần Chúc, in trong sách “Vua Hàm Nghi” và một bản của Vũ Văn Tỉnh, in trong tạp chí Nghiên cứu lịch sử (số 140 tháng 9+10/1971).

Cũng tại Sơn phòng Hà Tĩnh, Phan Đình Phùng đã nhận chiếu chỉ tổ chức cuộc kháng chiến cần vương oanh liệt nhất trong lịch sử cận đại Việt Nam. Năm 1884, đang giữ chức Tham biện sơn phòng thì bà mẹ mất, cụ Phan phải về cư tang. “Vào khoảng tháng sáu, tháng bảy năm Dậu (1885), Cụ nghe tin vua Hàm Nghi chạy tới miền thượng du tỉnh Quảng Bình… Đến ngày tháng mười, vua Hàm Nghi đến nơi, Cụ cùng các bạn đồng chí là ông Phan Quang Cư, Phan Khắc Hòa, Hoàng Xuân Phong, Ngụy Khắc Kiều, Phan Trọng Mưu tới hành tại bái yết… Vua Hàm Nghi phong cho Cụ làm Tán lý quân vụ, thống tướng các đạo nghĩa binh”; “Cụ phụng mệnh trở về, liền phát tờ hịch đi khắp các nơi, kéo cờ khởi nghĩa ở làng Cụ là làng Đông Thái” (“Phan Đình Phùng” của Đào Trinh Nhất, Nxb Đại La, Hà Nội).

Vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết đến Sơn phòng Hà Tĩnh khoảng cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9 - 1885. Đến “ngày 22-11-1885, Hàm Nghi rút về đồn Ve, thuộc tỉnh Quảng Bình (vì thực dân Pháp tấn công Sơn phòng Hà Tĩnh), từ đó hoạt động ở Quảng Bình cho đến khi bị sa tay giặc Pháp ngày 1-11-1888” (“Việt Nam - Những sự kiện lịch sử” (SĐD - Theo Đào Trinh Nhất trong SĐD, vua Hàm Nghi bị bắt ngày 26 tháng sáu năm Mậu Tý, tức khoảng 7-1888).

Một tài liệu do cụ Lê Thành Chu ở xã Phú Phong cung cấp cho tôi trong các lần đi điền dã năm 1960-1961, có đoạn nói về việc vua Hàm Nghi rút khỏi Sơn phòng Phú Gia, theo lời kể của các phụ lão địa phương: “… Bị quân Pháp đuổi theo, vua và ông Tôn Thất Thuyết cùng quân lính đi qua làng Tri Bản (nay thuộc xã Hòa Hải, TKĐ chú), vào ở một đêm tại nhà ông Lê Hữu Bằng là Tấn thủ tấn Quy Hợp ở chợ Tiêm. Trước lúc đi thì đốt hủy Sơn phòng. Đến khoảng gà gáy một lần thì vua quan từ nhà ông Tấn Hanh (tức là Quy Hợp tấn thủ cửu phẩm Lê Hữu Bằng, xã Xuân Lũng), quân lính dáo mác gươm phang súng trường và đoản đao, nón đỏ, vào xã Chúc A (nay là xã Hương Lâm - TKĐ), kéo mãi đến nửa buổi, dân làm ruộng về cũng chưa hết, có một số lớn thì cho về. Vào Chúc A ở nhà ai thì quên, rồi vào Quạc, lên Núng (hai chữ này mờ, đọc không chuẩn xác - TKĐ), lên Cha-mac, lên Lào … Một thời gian sau, cha con Tôn Thất Thuyết và vua Hàm Nghi cưỡi trên voi, với một số quân lại về đường Trìm, Trẹo vào đóng tại khe Núng, Thanh Lạng”, rồi vào Kẻ Ve, Quảng Bình.

Vua Hàm Nghi và ông Tôn Thất Thuyết đến ở Sơn phòng Hà Tĩnh trong vòng ba tháng. Nhưng đây là thời điểm nhạy cảm và quan trọng nhất. Chính tờ Chiếu cần vương lần thứ hai và cuộc tiếp kiến của nhà vua và ông Thuyết với Phan Đình Phùng và sĩ phu Hà Tĩnh đã thúc đẩy mạnh mẽ hơn phong trào Cần Vương ở bốn tỉnh Thanh, Nghệ, Tĩnh, Bình, tạo nên cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược oanh liệt nhất của nhân dân ta cuối thế kỷ XIX.

Chú thích:

(1) Trong một chuyến đi sưu tầm tư liệu lịch sử địa phương vào tháng 8-1974, nhà giáo, nhà nghiên cứu Trần Văn Quý đã phát hiện một tráp công văn của nhiều đời Tổng binh kiêm Phụ đạo châu Quy Hợp và Thông sự với Lạc Hoàn ở nhà thờ Vinh quận công Trần Phúc Hoàn. Từ 1981, phát hiện quan trọng này đã được công bố trong nhiều bài viết và công trình nghiên cứu, một số bài đã đăng trên báo Nhân dân, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, Tạp chí Lịch sử quân sự, Tạp chí Văn hóa Nghĩa Bình, Tạp chí Etudes Vietnammiennes, v.v…

(2) Chúng tôi ghi chép được một Sắc phong thần cho Bản cảnh Thành hoàng xã Phú Gia, huyện Hương Khê (tức Hương Khê) là Chánh tướng quân Ngọc Khê hầu họ Dương, theo lời tâu của Kinh lược đại thần Nguyễn Chánh, đề ngày 24 tháng Chín (?) niên hiệu Hàm Nghi năm đầu. Sắc viết trên giấy bản và không đóng ấn. Đây là một văn bản được viết trong thời gian vua Hàm Nghi ở Sơn phòng Hà Tĩnh. 

Bản do tác giả gửi cho VHNA

                        Theo Tạp chí Văn hoá Nghệ An


  Các Tin khác
  + Sắc xuân trên Thành Vinh (21/01/2025)
  + Làng gì mà ngày nào cũng phát ra tiếng kêu tại Hà Tĩnh? (14/01/2025)
  + Bế mạc Lễ hội Du lịch và Ẩm thực Sen Nghệ An năm 2024 (02/12/2024)
  + Vượt lũy tre làng, nữ giám đốc HTX ở Hà Tĩnh đưa nước mắm biển Thiên Cầm xuất ngoại (12/11/2024)
  + Một cây cổ thụ là cây trôi đã sống 800 tuổi ở Hà Tĩnh được công nhận cây Di sản Việt Nam (26/09/2024)
  + Đến Hà Tĩnh, ngắm bình minh trên biển Hoành Sơn (17/09/2024)
  + Bản sắc SLNA - sự khác biệt tuyệt vời ở V.League 2024/2025 (31/08/2024)
  + Làng Đỏ - nơi”căm thù như biển lửa, đã đứng lên”… (31/08/2024)
  + Đại gia Trần Quang Luận và hệ sinh thái Thanh Thành Đạt nổi danh xứ Nghệ (15/08/2024)
  + Khát vọng Thanh Chương (11/08/2024)
  + Hà Tĩnh gặp mặt chúc mừng học sinh đoạt HCB Olympic Toán học quốc tế (02/08/2024)
  + Cầu Nhe - nơi ghi dấu tinh thần quả cảm của 53 liệt sỹ (23/07/2024)
  + Vô xứ Nghệ thăm quê Bác (13/07/2024)
  + Về lại Nậm Nơn (02/07/2024)
  + 48 giờ ở Nghệ An (17/06/2024)
  + Bến Thủy - cây cầu thế kỷ của xứ Nghệ (09/06/2024)
  + Đôi vợ chồng "thổi hồn" vào dân ca ví, giặm (06/06/2024)
  + 9 điểm du lịch hấp dẫn không thể bỏ qua khi đến miền Tây xứ Nghệ (26/05/2024)
  + Trần Đình Sơn - "cánh chim đầu đàn” của điền kinh Hà Tĩnh (25/05/2024)
  + Nghệ An: Cả làng kiếm bộn tiền từ con đặc sản "cưỡi máy bay xuất ngoại” (20/05/2024)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 1
Total: 66564698

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July