Trang chủ Liên hệ       Thứ năm, Ngày 23/01/2025
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
  -  Đất và người Xứ Nghệ
  -  Dân ca Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Truyền thống Nghệ Tĩnh > Đất và người Xứ Nghệ >
  Đóng góp của một gia đình xứ Nghệ vào Văn hóa Quảng Nam- Đà Nẵng Đóng góp của một gia đình xứ Nghệ vào Văn hóa Quảng Nam- Đà Nẵng , Người xứ Nghệ Kiev
 

                                                                                                                                         CHÂU YẾN LOAN

Đóng góp của một gia đình xứ Nghệ vào Văn hóa Quảng Nam- Đà Nẵng
 

Năm 1802 dưới thời Gia Long trường tỉnh Quảng Nam được thành lập tại xã Câu Nhí, huyện Diên Phước, đến năm 1835, thời Minh Mạng dời về xã Thanh Chiêm.

Sách Đại Nam nhất thống chí, tỉnh Quảng Nam, quyển thứ 5, phần Học Hiệu ghi rằng: “Trường học tỉnh dựng ở xã Thanh Chiêm, huyện Diên Phước phía nam tỉnh thành. Đầu niên hiệu Gia Long dựng tại xã Câu Nhí, niên hiệu Minh Mạng 16 (1835) dời qua xã Thanh Chiêm.” (sđd, tr 19)

Trường do nhà nước lập ra, dưới quyền điều hành của một vị Đốc học nên nhân dân địa phương quen gọi là trường Đốc Thanh Chiêm.

Trường có những vị Đốc học ở ngoại tỉnh được bổ dụng đến và cũng có những vị gốc Quảng Nam. Dù sinh ra trên quê hương nào nhưng khi đảm nhận chức vụ cao quý này, các quan Đốc học đều giốc  hết tài đức của mình vào sự nghiệp trồng người. Chính vì thế mà trường Đốc Thanh Chiêm dưới thời vương triều nhà Nguyễn đã lừng danh là lò luyện nhân tài cho đất nước. Đến nay, nhân dân Quảng Nam vẫn vô cùng tôn kính và biết ơn một thầy đồ Nghệ đã đào tạo nhiều nhân tài làm rạng rỡ cho quê hương Quảng Nam, đó là Đốc học Trần Đình Phong.

Trần Đình Phong hiệu Mã Sơn người thôn Yên Mã, xã Thanh Khê, tổng Thái Trạch, huyện Yên Thành, phủ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An; nay gọi là xã Mã Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Quê hương ông là một làng quê yên bình và có truyền thống hiếu học.

Ông sinh năm Đinh Mùi (1847), lúc nhỏ có tên là Bằng, được thầy Bùi Huy Chân, một nhà Nho đức độ thông minh trong làng trực tiếp dạy dỗ. Từ nhỏ ông đã có tài văn chương, giỏi ứng xử đối đáp và có đạo đức nên được thầy yêu mến. Tài văn chương của nho Bằng đến nay vẫn còn lưu truyền rằng: “Một hôm có một người từ xa, nghe tiếng thầy Bùi Huy Chân liền mang trầu rượu đến để xin thầy bài chúc thọ bố. Thầy giao việc đó cho nho Bằng và hẹn sẽ sửa lại sau. Nhưng khi bài văn viết xong, thầy Bùi xem lại và rất ngạc nhiên về tài văn chương của cậu và quyết định cứ để nguyên như thế không sửa chữ nào”. (Theo  http://www.ubndhyenthanh.nghean.vn)

Mặc dù học giỏi nhưng hai lần thi Hương vào các khoa Mậu Thìn (1868) và Canh Ngọ (1870) dưới triều Tự Đức, ông chỉ đỗ Tú Tài, tuy thế ông không nãn chí, vẫn quyết tâm theo đuỗi con đường khoa cử. Mãi đến khoa Bính Tý (1876) ông mới đỗ Cử nhân cùng khoa với Phan Đình Phùng, Cao Xuân Dục. Năm Kỷ Mão, Tự Đức thứ 32 (1879) triều đình mở ân khoa, Trần Đình Phong thi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân, cùng khoa với Nguyễn Duy Hiệu (Quảng Nam).

Ông được bổ làm Tri phủ huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa).

Năm 1885 mẹ mất, Trần Đình Phong xin về chịu tang mẹ rồi mở lớp dạy học; tại quê nhà ông đã động viên con cháu tham gia cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Xuân Ôn.

Sau khi cư tang, ông chuyển sang làm Đốc học ở Quảng Ngãi,  Quảng Nam, rồi về Huế nhận chức Tế tửu Quốc tử giám, được phong Quang lộc tự khanh.

Năm Mậu Thân (1908) triều Duy Tân, ông được bổ làm Biên Tu Quốc sử.

Trần Đình Phong mất năm 1920, an táng tại quê nhà. 

Trần Đình Phong được bổ làm Đốc học Quảng Nam năm Quý Tỵ (1893), khi về trường Đốc Thanh Chiêm ông đã đem hết nhiệt huyết và tài năng để đóng góp cho công cuộc phát triển Văn hóa, Giáo dục của xứ Quảng. Ông chỉnh đốn lại trường ốc, sắp xếp đội ngũ thầy giáo, chú ý đến những ông thầy có tài, có đức. Ông còn đến các vùng lân cận tuyển chọn các học sinh xuất sắc cho vào học ở trường Đốc Thanh Chiêm như trường hợp Trần Quý Cáp (lúc nhỏ tên Trần Nghị).

Trần Nghị nhà nghèo không có sách vở, may nhờ ở gần cụ Phụ đạo Nguyễn Thành Ý, Trần Nghị qua lại với các cậu con mượn sách về học. Năm 20 tuổi,  đã nổi tiếng văn chương, được các bạn đồng song kính mến. Sau đó ông đến học với cụ cử Lê Cung ở Nông Sơn, một nhà nho có danh vọng trong hạt, rất đông học trò, Trần Nghị học rất xuất sắc. Năm 1895, Đốc học Trần Đình Phong nghe tiếng liền đến khảo sát và tuyển ông vào trường Đốc Thanh Chiêm, cấp lương ăn học và cho đổi tên thành Trần Quý Cáp, tự Dã Hàng, lại tự Thích Phu, hiệu Thai Xuyên.

Nhờ tài tổ chức và quản lý của Trần Đình Phong mà trường Đốc Thanh Chiêm có nhiều thầy giáo giỏi và học sinh tài năng.

Hàng tháng nhà trường định kỳ giảng sách cho học sinh, quan Đốc học vừa trông coi việc học cả tỉnh, vừa mở các lớp giảng tập. Đến ngày giảng sách  “Học quan mặc áo khăn ngồi trên nhà học, học trò mặc áo khăn ngồi im lặng nghe giảng. ”(Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ nxb Thuận Hóa Huế 1993, Tập VII, tr 187).

Thỉnh thoảng quan Đốc học cũng mở những buổi giảng tập về những điều cao siêu trong ý nghĩa kinh sách mà những học sinh xuất sắc nêu ra.

Vào các ngày mồng 3, mồng 9, 17, 25 mỗi tháng, quan Đốc học ra đầu bài, học sinh đem về nhà làm đến kỳ hạn nộp bài (gọi là văn kỳ) hoặc làm ngay tại trường, trong một ngày phải xong (gọi là văn nhật khắc). Sau khi chấm, học sinh đến trường để nghe quan Đốc học nhận xét về các bài làm hoặc bình những đoạn văn hay, những bài đặc sắc.

Đôi khi các quan tỉnh yêu thích văn học cũng tham gia duyệt quyển bình văn hầu làm phong phú thêm kiến thức cho học sinh. Trong tập Lô Giang Tiểu Sử ông Nguyễn Mại đã cho biết “Ta tuy làm chánh chức nhưng khi rảnh lui tới trường học cùng với ông Đốc học Trần Đình Phong duyệt quyển bình văn. .”( Lô Giang tiểu sử, bản dịch tr 129)

Trần Đình Phong đã đào tạo cho Quảng Nam nhiều thế hệ học trò, trong đó có 6 người nổi tiếng là Phạm Liệu, Phan Quang, Nguyễn Đình Hiến, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng (Huỳnh Hanh) và Trần Quý Cáp.

Thời kỳ Trần Đình Phong làm Đốc học, Nho sinh Quảng Nam đã đạt nhiều thành tích vẻ vang, nổi bật là:

Khoa thi năm Mậu Tuất (1898),niên hiệu Thành Thái thứ 10, Quảng Nam có 3 người đỗ Tiến sĩ và 2 người đỗ Phó bảng. Năm vị đỗ Đại khoa này được vua ban áo mão vinh quy, được nhân dân Quảng Nam đón rước long trọng, tôn xưng là “Ngũ phụng tề phi” và được quan Tổng đốc Quảng Nam là Đào Tấn mở tiệc chiêu đãi tại nhà mát Khán Hoa Đình ở bến sông Vĩnh Điện nhằm xiễn dương thành tích học tập xuất sắc của các vị ấy, nêu gương sáng cho quần chúng noi theo. Từ đó Quảng Nam được vinh danh là đất Ngũ phụng tề phi. Về sự kiện này, trong Lô Giang tiểu sử, ông Nguyễn văn Mại cho biết: “Ngày tháng 2 [Mậu Tuất, 1898] đến tỉnh. Tháng ấy, tổng đốc Quảng Nam Vương Duy Trinh về kinh sung chức Khảo thí hội, rồi đổi đi Tổng đốc Thanh Hóa. Ông Mộng Mai Ðào Ðăng Tấn sung chức Tổng đốc Quảng Nam.

Ông Mộng Mai dưới triều Tự Ðức có tiếng thi văn và giỏi hát bội. Ông vào Tổng đốc Quảng Nam liền làm một cái nhà mát tại bến sông Vĩnh Ðiện, thường đến uống rượu ngâm thơ, cũng có lúc đến đó xử đoán việc quan. Trước kia ông cùng ta cũng là thầy trò đường thuộc ở viện Cơ mật, nay cũng tương đắc. Tháng 5 năm ấy, nghe tin học trò tỉnh Quảng Nam vào điện thí, đậu Tiến sĩ ba người, Phó bảng hai người. Ông nói với ta: “ Nhà mát chưa có tên, nay được tin mừng, ngày sau các ông tân khoa vinh quy, chúng ta nên đặt tiệc ở đó và đặt tên nhà mát là KHÁN HOA ÐÌNH. Quan Án làm cho một bài ký được không?” Ta tuân lệnh, thảo xong trình duyệt, liền khiến viết vào lụa. Khi các ông tân khoa đến dự tiệc xong, ông Tổng đốc sức cho hát cùng nhã nhạc cờ trống để bài ký đưa ông hội nguyên Trừng Giang Phạm Liệu. Ông Mộng Mai bình sanh ưa bài văn. Sau ông ra Tổng đốc Nghệ An, ta ra Tuần vũ Hà Tĩnh...”( Sđd Bản dịch, tr 98-99.)

Ba vị Tiến sĩ là: Phạm Liệu, Phan Quang, Phạm Tuấn.

Hai vị Phó bảng là: Ngô Chuân, Dương Hiển Tiến.

Khoa thi Hương năm Canh Tý (1900)Thành Thái 12, tại trường thi Thừa Thiên, sĩ tử Quảng Nam đỗ Cử Nhân chiếm tỷ lệ cao nhất so với các tỉnh (14/42 chiếm tỷ lệ 34%) và từ thủ khoa đến vị thứ 4 đều là học trò Quảng Nam:

Huỳnh Thúc Kháng  đỗ Giải nguyên

Nguyễn Đình Hiến đỗ Á nguyên

Phan Châu Trinh

Lê Bá Trinh

Khoa thi Đình năm Tân Sửu 1901, Thành Thái 13, Quảng Nam có 4 người đỗ Phó bảng, còn các tỉnh khác chỉ có 1, 2 người. Bốn vị Phó bảng đó là:

Nguyễn Đình Hiến

Võ Vỹ

Nguyễn Mậu Hoán

Phan Châu Trinh.

Nhân dịp này, Phó Bảng Hà Đình Nguyễn Thuật đã có hai câu đối mừng cho 4 vị tân khoa. Một câu tặng chung cho 3 ông Võ Vỹ, Nguyễn Mậu Hoán và Phan Châu Trinh:

“Niếp túc thượng hanh cù ba bảng nhứt châu sâm tứ kiệt.

Ba cung thao dị sủng nghê thường đồng nhật vũ quần tiên”

Dịch:

Tiếp bước lộ hanh thông đồng tỉnh bảng hoa vầy tứ kiệt.

Xứng thân điều ân trạch một ngày ca vũ với quần tiên”

Và một câu đối tặng riêng cho Phó bảng Nguyễn Đình Hiến:

“Đỉnh Giáp khởi vô tài mạc thị văn chương quan vận hội?

Vân trình du hữu vọng do lai khoa đệ tác đề giai!”

Dịch:

Đậu bảng Giáp cao há vô tài, không do vận hội văn chương ư?

Đường làm quan tiến mãi là từ thềm thang thi cử mà có

                  ( Theo Khoa Bảng Quảng Nam dưới thời nhà Nguyễn, tr 301, 302) 

Khoa Giáp Thìn (1904),Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng cùng đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân.

Riêng Huỳnh Thúc Kháng đỗ Giải Nguyên (đỗ đầu kỳ thi Hương) khoa Canh Tý (1900) và đỗ Hội nguyên (đỗ đầu kỳ thi Hội) khoa Giáp Thìn (1904) nên được gọi là ông Nghè Song nguyên.

Trần Đình Phong không chỉ dạy văn chương, mà còn truyền thụ cho học trò của mình lòng yêu nước thiết tha, tinh thần sẵn sàng dấn thân cứu nước. Các lãnh tụ của phong trào Duy Tân đầu thế kỷ XX như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, những nhà nho yêu nước tiến bộ đó đều là những môn sinh ưu tú của ông.

Với chủ trương Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh phong trào Duy Tân đã có các hoạt động sôi nổi đồng bộ như mở trường tân học, tổ chức diễn thuyết, lập hội buôn, nông hội v.v..được quần chúng nhiệt liệt hưởng ứng khiến thực dân Pháp vô cùng lo sợ, tìm cách dập tắt phong trào.

Năm 1908, nhân cuộc biểu tình xin xâu chống thuế nổi lên ở Quảng Nam rồi nhanh chóng lan ra các tỉnh miền Trung, thực dân Pháp bắt Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng và những người tham gia phong trào đày ra Côn đảo còn Trần Quý Cáp thì bị tử hình tại Khánh Hòa dù kẻ thù không tìm ra bằng chứng, người đời gọi bản án đó là “Mạc tu hữu” 

Trong thời gian làm Đốc học Quảng Nam Trần Đình Phong đã chú tâm nghiên cứu về vùng đất này và viết một bài phú rất nổi tiếng nói về đất và người Quảng Nam. Bài phú có thể xem là cuốn giản sử viết về mọi mặt của Quảng Nam: từ vị trí địa lý, lịch sử, văn hóa, truyền thống, kinh tế, tài nguyên đến làng nghề, thời tiết, khí hậu v.v…Trong “Quảng Nam tỉnh phú” ông ngợi khen đất Quảng non cao thủy thanh, nhiều thắng cảnh, có truyền thống hiếu học, nhiều nhân tài, nhiều bậc anh hào nghĩa sỹ :

“Trải xem non cao thủy thanh, thấy rõ hàng châu danh thắng.

Mới biết địa linh nhân kiệt nảy sinh anh tuấn khác thường.

Nam cung ứng tuyển, nhạn tháp đề danh

Xuân thí khôi khoa, vân trình thẳng bước….

….Phò vua lập được công to, trừ cọp chỉ dùng ngòi bút.

Trọng trấn được lòng dân chúng, tuẫn tiết ở chốn biên cương.

Thanh liêm nổi tiếng, khí tiết nêu cao, biết bao những bậc anh hào còn lưu sử sách”

(Quảng Nam tỉnh phú, bản dịch của Hồ Ngận)

Bài phú đã thể hiện tri thức uyên thâm, tài quan sát tinh tế và bao trùm lên tất cả là tình cảm thắm thiết của Trần Đình Phong đối với vùng đất ông gọi là “Địa linh nhân kiệt”

Ông còn viết Quốc triều chánh biên toát yếu và nhiều thơ Hán Nôm rất có giá trị.

Nối chí cha, những người con của Trần Đình Phong đều là những người tài giỏi, có nhiều đóng góp cho vùng đất mà thân phụ các ông đã dày công vun đắp. Trần Đình Phiên, Trần Đình Diệm, Trần Nguyên Đỉnh, Trần Đình Nam là những người có công nhiều trong phong trào Duy tân tự cường những năm đầu thế kỷ XX ở miền Trung.

Trần Đình Phiênlà một trong hai giáo viên chính của trường Dục Thanh được xây dựng ở Phan Thiết năm 1907, cùng với năm xây dựng trường Đông Kinh Nghĩa Thục tại Hà Nội. Khi cụ Huỳnh Thúc Kháng làm báo Tiếng Dân, Trần Đình Phiên làm phụ tá cho cụ Huỳnh Thúc Kháng, quản lý tờ báo trong suốt 16 năm từ 1927 cho đến khi báo đóng cửa vào năm 1943.

Trần Đình Namsinh năm Ất Mùi (1896) tại tỉnh Quảng Nam lúc thân phụ làm Đốc học tại đó. Thuở nhỏ ông học ở Quảng Nam, Huế, rồi tốt nghiệp Trường y sĩ Đông Dương ở Hà Nội.

Ông làm việc tại các bệnh viện Phan Thiết, Huế và tham gia các phong trào yêu nước ở miền Trung. Ông đã giữ chức Thị trưởng Thành phố Đà nẵng trong thời gian ngắn những năm 40.

Sau khi Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương ngày 9 tháng 3 năm 1945, ông được chính phủ Trần Trọng Kim mời giữ chức Bộ trưởng Nội vụ cho đến tháng 8 năm 1945.

Thời Kháng chiến chống Pháp, ông tham gia lực lượng kháng chiến và làm bác sĩ tại Bệnh viện dân y tỉnh Quảng Nam.

Sau Hiệp định Genève 1954 , ông ở lại miền Nam và sống ở Đà Nẵng.

Năm 1964, ông được mời tham gia Thượng Hội đồng Quốc gia. Tuy nhiên, chỉ sau 3 tháng, Thượng hội đồng bị giải tán. Trong cuộc bầu cử năm 1967, ông đã từ chối đề nghị tham gia liên danh với ông Trần Văn Hương ứng cử vào chức vụ Phó Tổng thống.

Ông qua đời năm 1974 tại Đà Nẵng, thọ 78 tuổi, an táng tại khuôn viên chùa Quan Thế âm, Ngũ hành sơn, Đà Nẵng.

Ngoài công việc của một bác sĩ, Trần Đình Nam còn viết sách y học. Ông cũng cộng tác với nhà sách Quan Hải tùng thư của Đào Duy Anh tại Huế viết sách khoa học tự nhiên và xã hội.

Trần Đình Phong cùng các con của ông là những nhân sĩ yêu nước xuất thân từ Nghệ An nhưng xem Quảng Nam- Đà Nẵng là quê hương thứ hai của mình nên đã đem hết tài năng, nhân cách của người trí thức Nghệ An góp phần làm cho văn hóa Quảng Nam- Đà Nẵng tỏa sáng. Những cống hiến lớn lao của gia đình ông là tiêu biểu cho mối quan hệ gắn bó lâu đời giữa người xứ Nghệ với người xứ Quảng trong quá trình khai phá và xây dựng vùng đất này.

 Tài liệu tham khảo

Lê Xuân Nhương- Tiến sĩ Trần Đình Phong http://www.ubndhyenthanh.nghean.vn

Phạm Ngô Minh- Trương Duy Hy- Khoa bảng Quảng Nam dưới thời nhà Nguyễn 1601-1919, nxb Văn Nghệ 2007

Quốc Sử quán triều Nguyễn- Đại Nam nhất thống chí, quyển 5 Tỉnh Quảng Nam, người dịch Á Nam Trần Tuấn Khải và Tu Trai Nguyễn Tạo, Nha Văn hóa Bộ Quốc gia Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa ấn hành năm 1960

Lam Giang- Trần Quý Cáp và tư trào cách mạng dân quyền đầu thế kỷ XX, nxb Đông A

Khâm Định Đại Nam Hội điển sự lệ- nxb Thuận Hóa Huế 1993, Tập VII

Nguyễn Mại- Lô giang tiểu sử

Trần Đình Phong- Quảng Nam tỉnh phú

                                Theo Tạp chí Văn hóa Nghệ An

Hồ Ngận- Bản dịch Quảng Nam tỉnh phú      


  Các Tin khác
  + Sắc xuân trên Thành Vinh (21/01/2025)
  + Làng gì mà ngày nào cũng phát ra tiếng kêu tại Hà Tĩnh? (14/01/2025)
  + Bế mạc Lễ hội Du lịch và Ẩm thực Sen Nghệ An năm 2024 (02/12/2024)
  + Vượt lũy tre làng, nữ giám đốc HTX ở Hà Tĩnh đưa nước mắm biển Thiên Cầm xuất ngoại (12/11/2024)
  + Một cây cổ thụ là cây trôi đã sống 800 tuổi ở Hà Tĩnh được công nhận cây Di sản Việt Nam (26/09/2024)
  + Đến Hà Tĩnh, ngắm bình minh trên biển Hoành Sơn (17/09/2024)
  + Bản sắc SLNA - sự khác biệt tuyệt vời ở V.League 2024/2025 (31/08/2024)
  + Làng Đỏ - nơi”căm thù như biển lửa, đã đứng lên”… (31/08/2024)
  + Đại gia Trần Quang Luận và hệ sinh thái Thanh Thành Đạt nổi danh xứ Nghệ (15/08/2024)
  + Khát vọng Thanh Chương (11/08/2024)
  + Hà Tĩnh gặp mặt chúc mừng học sinh đoạt HCB Olympic Toán học quốc tế (02/08/2024)
  + Cầu Nhe - nơi ghi dấu tinh thần quả cảm của 53 liệt sỹ (23/07/2024)
  + Vô xứ Nghệ thăm quê Bác (13/07/2024)
  + Về lại Nậm Nơn (02/07/2024)
  + 48 giờ ở Nghệ An (17/06/2024)
  + Bến Thủy - cây cầu thế kỷ của xứ Nghệ (09/06/2024)
  + Đôi vợ chồng "thổi hồn" vào dân ca ví, giặm (06/06/2024)
  + 9 điểm du lịch hấp dẫn không thể bỏ qua khi đến miền Tây xứ Nghệ (26/05/2024)
  + Trần Đình Sơn - "cánh chim đầu đàn” của điền kinh Hà Tĩnh (25/05/2024)
  + Nghệ An: Cả làng kiếm bộn tiền từ con đặc sản "cưỡi máy bay xuất ngoại” (20/05/2024)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 66561958

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July