Trang chủ Liên hệ       Thứ sáu, Ngày 29/03/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
  -  Đất và người Xứ Nghệ
  -  Dân ca Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Truyền thống Nghệ Tĩnh > Đất và người Xứ Nghệ >
  NSUT Đình Bảo lặng thầm sống với nghệ thuật - THUÝ HOA NSUT Đình Bảo lặng thầm sống với nghệ thuật - THUÝ HOA , Người xứ Nghệ Kiev
 

 

Người ta còn nhớ năm 1985, Đoàn dân ca Nghệ Tĩnh dựng vở Mai Thúc Loan, đến đoạn Mai Thúc Loan bị tổng quản tống vào ngục, chưa ai sáng tác được lời hát cho lớp này.  Loan - Vải gặp nhau, người trong ngục, kẻ ngoài ngục bao nhiêu đau xót, nhớ thương, lo lắng, bao điều cần dặn dò, hứa hẹn,... một cảm xúc pha trộn nhiều cung bậc trong một hoàn cảnh đầy kịch tính.

 Những làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh gốc và cả những làn điệu mới được sáng tác đều không thể chuyển tải nổi diễn biến tâm trạng của các nhân vật. Giám đốc Sở Văn hoá lúc đó, ông Trần Nhật Tiến, đã có ý định mời nghệ sĩ Lệ Thi (ở Huế) làm giúp cho. Đêm về, Đình Bảo lặng lẽ mượn cây đàn ghi ta vừa nghĩ lời vừa hát nho nhỏ từ 10 giờ đêm đến sáng. Chưa thạo ký âm, ông cứ ghi theo quy định riêng của mình. Sáng sớm, đồng nghiệp hỏi ông: làm cái chi mà nghe hay rứa? Ông mạnh dạn trình thủ trưởng và anh em nghe thử, mọi người ồ lên sung sướng. Làn điệu ấy ông đặt tên tứ hoa. Làn điệu này được kết hợp của 4 (tứ) làn điệu ví, giặm, thơ trung và quân tử phu dịch trong chèo. Ông chọn 4 làn điệu này bởi ông hiểu rất rõ, ngoài tính chất trữ tình, man mác của dân ca nghệ Tĩnh nói chung, thì ví và thơ trung nghe rất tha thiết, man mác thân thương; thơ trung và giặm giàu chất tự sự, kể lể, khuyên răn phân trần, quân tử phu dịch thì dùng dằng, nhớ thương, da diết. Những đặc tính này kết hợp lại sẽ diễn tả được quá trình diễn biến cảm xúc trào dâng mãnh liệt của Loan và Vải: vừa đau xót phải chia ly, vừa tự kiềm chế nỗi đau để khuyên nhủ lẫn nhau, để hứa hẹn cùng nhau chờ ngày gặp lại. Tứ hoa ra đời, từ đó, các vở kịch hát dân ca đã gỡ được khâu bí khi diễn tả tâm trạng nhân vật trong những tình huống xung đột cao trào, bạo liệt mà các làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh chưa đáp ứng được. Tứ hoa của Đình Bảo cùng với các làn điệu cải biên của các tác giả khác đã đóng góp không nhỏ cho sự thành công của sân khấu dân ca Nghệ Tĩnh. Tứ hoa của ông cùng với không nhiều các làn điệu nổi tiếng như Giận mà thương của Nguyễn Trung Phong, Hát khuyên của Thanh Lưu... đã trở thành những điệu hát có thể sử dụng vào các lớp kịch cao trào, tình huống kịch gay cấn, phức tạp, cũng có thể sử dụng vào các lớp kịch có tính chất yêu đương, giận hờn, tình cảm vợ chồng, cha con, tình cảm người chia xa, hay niềm vui ngày gặp lại... Kể từ đó, hầu như các vở kịch dân ca Nghệ Tĩnh bao giờ cũng có làn điệu tứ hoa xuất hiện. Không chỉ ở sân khấu chuyên nghiệp mà trên sân khấu không chuyên, mỗi khi xuất hiện làn điệu này, diễn viên chưa hát xong công chúng đã rào rào vỗ tay. Bởi nó không chỉ ở sự lột tả tâm trạng giằng xé, bạo liệt, sự xung đột nội tâm của nhân vật mà người nghe hết sức thích thú vì có nhiều cung bậc của giọng điệu, vì sự  ngọt ngào, sâu lắng và mùi mẫn man mác chất cải lương, của thơ ngâm; người hát tốt cũng rất thích hát nó vì có thể khoe được giọng của mình. Nhạc sĩ An Thuyên đã có lần nhận xét: Ông Bảo làm cái này, các nhạc sĩ cũng phải tròn mắt. Còn Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khi xem vở Quyền uy và tội ác (lúc này Đình Bảo đã nghỉ hưu), cứ thắc mắc: vài ba lần trong vở diễn có những lời hát rất hay, là điệu gì nhỉ? Tứ hoa của Đình Bảo, mọi người trả lời. Khi ra về Đại tướng cứ nhắc lãnh đạo Sở Văn hoá: “này nhớ ông Tứ hoa, phải sử dụng ông Tứ hoa”. Vậy là, trong danh mục những làn điệu dân ca xứ Nghệ mới, Tứ hoa của ông được ghi nhận là một trong những làn điệu đặc sắc. Với thời gian, có thể cũng như làn điệu nổi tiếng Giận thương của Nguyễn Trung Phong, người ta không còn nhớ tên ông - tác giả nữa, chỉ biết về một Tứ hoa - làn điệu dân ca xứ Nghệ đặc sắc. Đó là hạnh phúc của một đời nghệ sĩ, là đóng góp của ông cho kịch hát dân ca xứ Nghệ.

Lại nhớ, trong một lần đoàn dựng vở Linh hồn của đá, Thứ trưởng Bộ Văn hoá Đình Quang xem đến đoạn Vĩnh trở về, nhưng lúc đó 2 người đàn ông vừa trong nhà Thanh đi ra. Bao nhiêu hồi hộp vui sướng của người chờ đợi nay người thương đã trở về, nhưng lại lo lắng vì sợ hiểu nhầm, tâm trạng đó không được tập trung khai thác bằng những làn điệu dân ca. Ông Đình Quang chỉ đạo, là kịch hát thì nhất thiết đoạn này phải có hát. Vi Phong - tác giả nghiên cứu dân ca Nghệ Tĩnh, lúc đó bảo: đất này là của ông Bảo. Đình Bảo được vời tới. Đọc xong kịch bản, ông sáng tác ngay. Hôm sau, lời ca được trình lên, mọi người đều sung sướng. Vở diễn này, ông còn gỡ bí cả đoạn sau này: Vĩnh trở về đau đớn tột cùng khi mẹ con Thanh đã hoá đá trong sự mòn mỏi chờ chồng, những lời ca sâu lắng, đậm chất dân gian của ông đã chạm đến cảm xúc mãnh liệt của công chúng:  Nói đi em hay biển đã cạn rồi/Trăng vào tuần khuyết, sóng vùi bãi xưa/Thương em năm tháng đợi chờ/Dẫu hao bấc ngắn đèn mờ có sao. Cả hai đoạn này, ông đều sử dụng tổng hợp cả thơ trung, ví, giặm, quân tử phu dịch và cả tứ hoa.

Cái nghiệp cầm ca của ông khởi đầu và trưởng thành từ vai trò diễn viên chèo. Cái mốc đưa ông rẽ vào một con đường mới, từ đó ông có đóng góp lớn cho kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh là từ khi chuyển sang Đoàn Dân ca Nghệ Tĩnh (1972). Lúc này tỉnh ta bắt đầu có chủ trương thử nghiệm sân khấu hoá dân ca Nghệ Tĩnh. Đam mê, say nghề, ông lặng lẽ tự mày mò thử sáng tác làn điệu, lồng điệu và chuyển thể kịch bản văn học sang kịch hát dân ca. Cùng với những đồng nghiệp cứng cựa trong lĩnh vực này như Thanh Lưu, Vi Phong, Văn Thế... ông đã tham gia chuyển thể và lồng điệu cho một loạt vở kịch hát dân ca như: Chuyện tình ông vua trẻ, Linh hồn của đá, Vẫn còn ra trận, Hạt lúa quê ta, Khi ban đội đi vắng, Biển cồn cào, Quyền uy và tội ác..., lồng điệu cho: Chuyện tình ông vua trẻ, Phan Bội Châu, Nguyễn Biểu, Nguyễn Du... Chuyển thể kịch hát dân ca là một công việc khó vì vừa phải có vốn văn học, hiểu sâu sắc nội dung, tư tưởng chủ đề kịch bản văn học; có năng khiếu sáng tác thơ và nắm chắc luật các thể thơ; nắm vững các làn điệu kịch hát nói chung, kịch dân ca nói riêng, cấu trúc thể thơ của các làn điệu; nắm được tinh thần, hành động xuyên suốt, hình tượng chủ đạo và nhiệm vụ tối cao của vở diễn.... Tự mày mò làm rồi trình bạn, trình cấp trên, những tác phẩm chuyển thể của ông được chấp nhận và dần ông được ghi nhận là một tác giả sáng tác. Nói về công việc này, nhạc sĩ Văn Thành, cũng là người nghiên cứu dân ca xứ Nghệ cho rằng, là một tác giả chuyển thể, Đình Bảo rất hiểu biết về cấu trúc kịch bản dân ca truyền thống. Ông rất nhuần nhuyễn ứng dụng thể thơ biền ngẫu trong dân gian khi xử lý chuyển thể kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh, kết hợp với sự nhạy cảm của người nghệ sĩ đã cho ông những thành công trong nghiệp sáng tác.

Trước khi là một tác giả sân khấu kịch hát, Đình Bảo là một diễn viên. Ông vào được tất cả các loại vai: phản diện, hài, chính. Từ hồi đó, ông đã rất sáng tạo khi hát để lột tả thành công tâm trạng, tính cách nhân vật. Cũng là điệu dặm quen thuộc của dân ca xứ Nghệ, nhưng Đình Bảo có “nốt trầm” rất đắt: “Phạt mấy công tôi xin chịu. Phạt mấy đồng tôi xin chịu”. Chữ phạt thứ hai, không như người khác, hát giống chữ thứ nhất, vì như thế nghe nó đều đều, lại không thể hiện rõ được cảm xúc của nhân vật, ông hát nó vào quãng trầm (quãng này có tính chất lắng sâu, nghẹn ngào) để vừa có sự thay đổi về thính giác, rất ấn tượng với người nghe, vừa mới nói hết cái tâm trạng xấu hổ, day dứt và thành thật nhận lỗi của nhân vật cu Si lỡ tháo nước ruộng trên xuống ruộng dưới để bắt cá trong vở Không phải tôi.... Ông vẫn thường có những sáng tạo “nho nhỏ” như vậy ở cả vai hài lẫn vai chính diện. Ông đã giành được những HCV, HCB tại các hội diễn miền Bắc và toàn quốc bắt đầu từ những năm 1970 cả trên sân khấu chèo cũng như kịch hát dân ca. Nhiều bạn diễn của ông tiếc rẻ, giá như trời cho ông mươi hai tấc chiều cao thì nghiệp diễn của ông hẳn sẽ rạng sáng hơn.

Học văn hóa, ông chỉ hết lớp 7 thì nghỉ. Học nghề, ông chưa trải qua trường nào. Ông không được học nhiều. Một đời ông lặng lẽ tự học. Ông đi xem chèo chui, đọc Truyện Kiều thuê cho ông thợ rèn và “đi hát cho đỡ đói”; Ông học đồng nghiệp, học sách vở... Nhờ có cái vốn này mà ông có Tứ hoa, có những vở kịch dân ca Nghệ Tĩnh để lại những dấu ấn trong lòng công chúng./.

                 Theo Tạp chí Văn hóa Nghệ An


  Các Tin khác
  + Vui hội đền Chín Gian (23/03/2024)
  +   Đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh Khu lưu niệm Đại tướng Chu Huy Mân (17/03/2024)
  + Tưng bừng khai hội Đền Thanh Liệt năm 2024 (17/03/2024)
  + Công an Nghệ An xứng danh anh hùng, đồng sức đồng lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân (10/03/2024)
  + Những chiến sĩ áo trắng vùng biên: Quyết không bỏ nghề, tất cả vì sức khỏe nhân dân (06/03/2024)
  + Về "làng Khoa bảng " xem bà con nông dân làm du lịch (06/03/2024)
  + Dòng sông Mai Giang chảy qua thị xã nào của Nghệ An, có lễ hội gì mà vạn người trên bờ cổ vũ? (02/03/2024)
  + Nghệ sĩ Lê Thanh Phong và hành trình đưa ví, giặm vượt biên giới (01/03/2024)
  + Nhiều viên gạch quý hiếm tại đền thờ Trạng nguyên Hồ Hưng Dật (01/03/2024)
  + Lưu mãi nét đẹp văn hoá Thổ ở làng Mo Mới (01/03/2024)
  + Nghĩ về dòng chảy di sản văn hóa xứ Nghệ (01/03/2024)
  + Đặc sản thịt chua xứ Nghệ vào vụ Tết (30/01/2024)
  + Biển Cửa Lò ở Nghệ An có từ bao giờ, cái tên Thiên Cầm ở Hà Tĩnh sao lại liên quan đến Hồ Quý Ly? (30/01/2024)
  + Một cây cổ thụ 700 năm tuổi ở Hà Tĩnh tương truyền cứu vua Lê Thái Tổ nay vẫn xanh um, quả thơm khắp làng (30/01/2024)
  + TẢN MẠN CHUYỆN Ở XÓM... (02/11/2023)
  + Ngôi chùa nhà Trần với tích tiên nữ giáng trần dạo chơi, rửa chân ở Hà Tĩnh có gì đặc biệt? (16/10/2023)
  + Làng cổ ở Nghệ An là làng duy nhất của Việt Nam có tới 3 nhà khoa bảng giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám (16/10/2023)
  + Bí ẩn ngôi chùa cổ do con trai vua Lý Thái Tổ lập, cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an ở Hà Tĩnh (16/10/2023)
  + Đây là con đèo nổi tiếng giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình, có Hoành Sơn Quan do vua Minh Mạng cho xây năm 1883 (16/10/2023)
  + Cuộc thi kỳ lạ ở một làng ven biển Hà Tĩnh, dân thi chạy bằng hai cây gậy cao lênh khênh (28/08/2023)
Playlist

GIỚI THIỆU
 

Kính thưa quý độc giả 

Website nguoixunghekiev.vn

hoạt động chính thức từ tháng

10/2012. và  phi lợi nhuận.

Trang tin đăng tải tin tức 

của cộng đồng người Việt tại Kiev

và toàn Ucraina, đồng thời lấy tin 

từ các trang báo mạng khác trên

nguyên tắc trích dẫn nguyên bản 

đường nguồn chính. Là những

người làm báo không chuyên nên

chắc chắn sẽ gặp sai sót không

mong muốn, chúng tôi sẽ tiếp thu 

chân thành những góp ý xây dựng 

của quý độc giả để cho trang tin 

ngày càng hoàn thiện hơn, xin gửi

về mục liên hệ trên mặt báo hoặc

Email: hosytruc@gmail.com

ĐT: 093-712-24-57

093-973-97-39

Xin trân trọng cảm ơn.

Biên tập: Hồ Sỹ Trúc

 

 

 
 
 

 

 


QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 1
Total: 59759241

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July