Trang chủ Liên hệ       Thứ bẩy, Ngày 27/04/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
  -  Đất và người Xứ Nghệ
  -  Dân ca Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Truyền thống Nghệ Tĩnh > Đất và người Xứ Nghệ >
  Không gian văn hóa xứ Nghệ với các sáng tác của Nguyễn Du Không gian văn hóa xứ Nghệ với các sáng tác của Nguyễn Du , Người xứ Nghệ Kiev
 

 

Tuy chịu ảnh hưởng rất lớn của văn hóa Bắc Kỳ, nhất là kinh thành Thăng Long nhưng trong ký ức và đặc biệt là những năm tháng về sống ở quê nhà Nghi Xuân, không gian văn hóa xứ Nghệ cùng thiên nhiên, phong tục sinh hoạt của quê hương đã có những ảnh hưởng không nhỏ tới cảm quan nghệ thuật cũng như tư tưởng chủ đạo trong rất nhiều sáng tác của Nguyễn Du. Chiều Nghi Xuân bời bời gió, đi dọc theo bờ sông Lam nước dâng bạc trắng, tôi lại mường tượng về một Nguyễn Du vừa uy nghi lẫm liệt vừa sâu lắng, trầm tư trong muôn sự thế thái nhân tình.

Không gian văn hóa xứ Nghệ với các sáng tác của Nguyễn Du

Nguyễn Du - sinh thời dù ở kinh thành Thăng Long hay đi sứ xứ người vẫn một tấc lòng đau đáu về quê cha đất tổ. Dường như quê nhà với những nét văn hóa truyền thống đặc biệt đã có sự ảnh hưởng lớn đến các sáng tác của ông. Biểu hiện đầu tiên chính là việc thi nhân sử dụng khá nhiều phương ngữ trong truyện Kiều. Có thể nhận thấy rất rõ rằng trong Truyện Kiều, bên cạnh việc sử dụng thành thục các thành ngữ, tục ngữ, điển cố, từ Hán Việt, Nguyễn Du là một thi sỹ có ý thức cao trong việc khai thác giá trị biểu cảm của phương ngữ Nghệ Tĩnh. Những phương ngữ Nghệ Tĩnh xuất hiện trong truyện Kiều tuy giản dị nhưng rất nhuần nhuyễn, không bị chênh. Tài năng của thi nhân thể hiện ở chỗ ông đã đưa tiếng nói bình dân lên tầm bác học, đưa tiếng nói của một vùng phổ biến cho nhiều vùng trong việc xây dựng hình tượng nghệ thuật và khai thác tâm trạng nhân vật. Đó chính là biểu hiện của một tầm văn hoá cao, một ý thức dân tộc mạnh mẽ và tài năng nghệ thuật hiếm có.

Điểm lại các công trình khảo sát giá trị biểu đạt và sắc thái ngữ nghĩa của những từ địa phương Nghệ Tĩnh được sử dụng trong Truyện Kiều chúng ta có thể thấy rõ điều đó. Từ xuất hiện đầu tiên trong Truyện Kiều là từ “ả”, từ này trong tiếng Nghệ Tĩnh đồng nghĩa với từ “chị” tiếng phổ thông nhưng cách gọi “ả” thể hiện nhiều sắc thái ngữ nghĩa hơn. Có lúc mang ý nghĩa xem thường: Bên thì mấy ả mày ngài (927) nhưng chủ yếu mang gia trị đề cao, kính trọng: Đầu lòng hai ả tố nga(14), Lại thua ả Lý bán mình hay sao (672) hoặc giúp thể hiện sự thân thiết, gần gũi, khi đã tin nhau mới xưng hô như vậy: “nàng Ban, ả Tạ cũng đâu thế này” (406). Những từ địa phương này phải đặt trong ngữ cảnh mới thấy được cái hay của nó mà nếu thay bằng các từ đồng nghĩa khác sẽ thấy giá trị biểu đạt giảm đi rất nhiều. Cùng với từ “ả”, từ “chi” (gì) xuất hiện khá nhiều và cũng giúp tác giả biểu đạt được rất nhiều ý tứ trong những hoàn cảnh cụ thể, đặc biệt cũng giúp hoàn thiện về thanh vần trong các câu lục bát: Vẻ chi một đoá yêu đào (503), Vườn hồng chi dám ngăn rào chim xanh (504), Ra tuồng trên bộc, trong dâu (507)/Thì con người ấy ai cầu làm chi ! ( 508)… Dẫn ra một vài cứ liệu để thấy rõ Nguyễn Du đã khai thác khả năng biểu đạt và biểu cảm độc đáo của phương ngữ xứ Nghệ đồng thời vẫn giữ được âm hưởng, giọng điệu, cấu trúc của câu thơ lục bát. Từ thực tế đó có thể thấy, chính ngôn ngữ địa phương đã góp phần làm giàu thế giới tâm trạng, khắc hoạ sinh động tính cách nhân vật trong Truyện Kiều. Sử dụng phương ngữ đôi khi là một trở ngại đối với sự tiếp nhận của độc giả nhưng bằng tài năng đỉnh cao của mình, Nguyễn Du đã biến những phương ngữ này thành chất liệu nghệ thuật độc đáo, tô đậm thêm bản sắc văn hoá dân tộc cho Truyện Kiều.

Nếu như trong Truyện Kiều, không gian văn hóa Xứ Nghệ chỉ biểu hiện sự ảnh hưởng của nó đối với Nguyễn Du qua ngôn ngữ và một số hình ảnh thiên nhiên thì trong thơ chữ Hán của thi nhân, điều đó được thể hiện rất cụ thể qua biểu tượng Hồng – Lam. Biểu tượng này không chỉ bao gồm cảnh quan sơn thủy mà còn là văn hóa, tập tục sinh hoạt của người dân xứ Nghệ thời bấy giờ. Dường như quê nhà luôn là một cõi thiêng liêng đối với Nguyễn Du, thành nỗi đau đáu khôn nguôi dẫu cho cụ phiêu bạt chốn nào trong cõi hồng trần. Nếu như Kinh Bắc quê mẹ và kinh kỳ Thăng Long đã kiến tạo nên sự tinh tế trong tâm hồn thì Núi Hồng sông Lam là địa chỉ tình cảm của nhà thơ. Chính vì lẽ đó mà biểu tượng này xuất hiện rất nhiều trong thơ chữ Hán nhất là trong “Thanh Hiên thi tập”. Độc giả có thể bắt gặp hình tượng này dưới những cụm từ như: Lam thuỷ - Hồng sơn, Hồng Lĩnh - Lam giang, Hồng Lĩnh - Quế giang …

Không gian văn hóa xứ Nghệ với các sáng tác của Nguyễn Du

Bến Giang Đình - một trong "Nghi Xuân bát cảnh". Nguồn Internet

Đọc lại những bài thơ chữ Hán trong buổi chiều Nghi Xuân quạnh quẽ, tôi cứ ngỡ như Nguyễn Du đang thả bộ dọc sông Lam nước dâng bạc trắng mà tha thiết, trìu mến gọi tên những danh thắng của quê cha đất tổ: Lam thủy Hồng sơn vô hạn thắng (Sông Lam núi Hồng đẹp vô cùng), Lam thủy Hồng sơn túc vịnh ngâm (Sông Lam núi Hồng đủ để ngâm vịnh)... Thế nên ý kiến cho rằng Hồng – Lam là nơi khu khú giúp hồn thơ của thi nhân phục hồi sinh khí cũng không có gì là quá. Chẳng những thế mà sau khi về quê sinh sống, Nguyễn Du đã nhanh chóng hòa nhập với những tập tục sinh hoạt của dân quê. Với chí khí của một người trai và tâm hồn phóng khoáng của một thi sỹ, ông sớm trở thành “Hồng Sơn liệp bộ” (phường săn núi Hồng) và “Nam Hải điếu đồ” (nhà chài bể Nam). Say mê với non Hồng, thi nhân đã phát hiện và cảm nhận sâu sắc hơn nét riêng của đất trời và con người nơi đây. Ngoài việc miêu tả và phản ánh sự hoang sơ của núi rừng với nhiều loài thú dữ hay sự khắc nghiệt của sông Lam mùa lũ, với tấm lòng nhân đạo cao cả thấm đẫm tình nhân ái của người Hà Tĩnh, Nguyễn Du còn phán ảnh rất nhiều trong thơ chữ Hán đời sống khổ cực của nhân dân nơi đây. Văn hoá Xứ Nghệ qua tập quán sinh hoạt của nhân dân được Nguyễn Du phản ánh rất sinh động với thảo ốc, sài môn, đoản sa, tàn lạp (nhà tranh, cửa tre, áo tơi, nón rách). Cuộc sống của “chúng sinh” Hồng Lam còn nhiều lần đi vào thơ ông dưới góc nhìn đấy nhân ái bao dung: “Người dân chài nằm gối áo tơi trong chiếc thuyền lẻ loi dưới ánh trăng (Đoản sa ngư chẩm cô chu nguyệt), “Người tiều phu núi Hồng hái củi buổi chiều (Khả tích Hồng sơn thuộc vãn tiều). Và cũng rất lãng mạn như: “Vị sư già ngủ ngon trong mây núi Hồng/ Cò trắng nằm yên trên bãi cát ấm” (Lão nạp an miên Hồng Lĩnh vân/ Phù âu tĩnh túc noãn sa tân)... Đó hẳn là sự kết hợp của một tâm hồn có sự pha trộn của cái tinh tế, lãng mạn (xứ Bắc Kỳ) và tình cảm chân thành, dào dạt (Xứ Nghệ).

Không chỉ có núi Hồng, sông Lam, thiên nhiên Nghi Xuân cũng đi vào tâm tưởng của thi nhân và được thi nhân vẽ lại bằng ngôn từ rất độc đáo. Một trong những minh chứng rõ rệt nhất là cảnh đẹp Giang Đình (nằm trong bát cảnh của huyện Nghi Xuân) “Giang Đình hữu cảm” là bài thơ kể lại câu chuyện của thân phụ Nguyễn Nghiễm nhưng đồng thời cũng khắc họa đây là điểm hội tụ của văn hoá tôn vinh người tài một thời: Tại bến sông này, xe bồ ngựa tứ, vinh hạnh biết bao nhiêu/ Đoàn thuyền xô nước như rồng thần đấu nhau/ Chiếc tàn quý phấp phới trên không như chim hạc báo điềm lành bay…

Trong sự ảnh hưởng chung của không gian văn hóa xứ Nghệ đối với các sáng tác của Nguyễn Du, không gian diễn xướng của dân ca ví dặm cũng gợi cho thi nhân rất nhiều cảm hứng sáng tác. Chuyện xưa kể lại, trong thời gian sống ở quê nhà, Nguyễn Du thường cùng trai làng phường nón đi hát ví giao lưu với các cô gái phường vải Trường Lưu (Can Lộc). Với những câu hát đối đáp thông minh, tình tứ ông được trai gái các phường hát trong làng, ngoài xã mến phục. Trong thời gian này, Nguyễn Du đã viết bài “Thác lời trai phường nón” trả lời bài “Thác lời trai phường vải” của Nguyễn Huy Quýnh. Bài thơ lục bát chan chứa tình cảm của chàng trai xứ Nghệ độ tuổi đôi mươi và đầy ắp những thành ngữ của dân ca ví dặm: “Tiếc thay duyên Tấn phận Tần/ Chưa quen đã lạ, chưa gần đã xa/ Chưa chi đông đã rạng ra/ Đến giờ vẫn giận con gà chết toi”. Hoặc là: “Hồng Sơn cao ngất mấy trùng/ Đò Cài mấy trượng thì lòng bấy nhiêu/ Làm chi cắc cớ lắm điều/ Mới đêm hôm trước đã chiều hôm sau”. Cũng từ trong không gian diễn xướng của dân ca ví dặm ấy, Nguyễn Du viết bài văn 100 câu tế sống hai cô gái Trường Lưu là O Uy, O Xạ với ngôn từ thấm đẫm văn hóa xứ Nghệ: “Than rằng: Chùa phố Cữu trăng dìu gió dật, ngỡ một ngày nên nghĩa trăm năm/ Doành Đào nguyên nước chảy hoa trôi, bỗng nửa bước chia đường đôi ngả/ Chữ chung tình nghĩ lại ngậm ngùi/ Câu Vĩnh quyết đọc càng buồn bã...”. Như vậy không gian văn hóa độc đáo này đã cung cấp chất liệu nghệ thuật cho những sáng tác của thi nhân và ngược lại thi nhân cũng để lại cho dân ca ví dặm xứ Nghệ nhiều câu hát nổi tiếng còn lưu truyền đến ngày nay.

Chiều Nghi Xuân bời bời gió. Đại thi hào vẫn lặng yên trong dáng hình vừa uy nghi vừa trầm tư sâu lắng như đã thu trọn vào tâm tưởng muôn trùng nước non xứ Nghệ. Lửng thửng dọc sông Lam mùa nước nổi, tôi như nghe trong mỗi nhịp sóng vỗ bờ hay từng đợt gió vi vút trên ngàn thông xanh thẫm của 99 đỉnh non Hồng lời thi nhân vọng lại: “Vạn lý hương tâm hồi thủ xứ/ Bạch vân nam hạ bất thăng đa” (Muôn dặm nhớ quê đầu nghoảnh lại/ Mây trắng về Nam lớp lớp bay)… Phải, Xứ Nghệ – nơi quê cha đất tổ với không gian văn hóa đặc sắc luôn là nỗi nhớ thường trực trong tâm hồn thi nhân. Hồng trần đã thế thì nơi suối vàng kia điều đó dễ gì đổi thay!

TUỆ MẪn

theo hà tĩnhonline


  Các Tin khác
  + Ngắm cây cầu dài nhất tuyến cao tốc Bắc - Nam sắp hoàn thành (07/04/2024)
  + Khám phá vẻ đẹp huyền bí hang Dơi Khét trên núi Phá Èn (07/04/2024)
  + Ở một xã của tỉnh Nghệ An có con đường hoa gạo đỏ rực, người ta kéo đến quay phim, chụp ảnh (03/04/2024)
  + Vui hội đền Chín Gian (23/03/2024)
  +   Đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh Khu lưu niệm Đại tướng Chu Huy Mân (17/03/2024)
  + Tưng bừng khai hội Đền Thanh Liệt năm 2024 (17/03/2024)
  + Công an Nghệ An xứng danh anh hùng, đồng sức đồng lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân (10/03/2024)
  + Những chiến sĩ áo trắng vùng biên: Quyết không bỏ nghề, tất cả vì sức khỏe nhân dân (06/03/2024)
  + Về "làng Khoa bảng " xem bà con nông dân làm du lịch (06/03/2024)
  + Dòng sông Mai Giang chảy qua thị xã nào của Nghệ An, có lễ hội gì mà vạn người trên bờ cổ vũ? (02/03/2024)
  + Nghệ sĩ Lê Thanh Phong và hành trình đưa ví, giặm vượt biên giới (01/03/2024)
  + Nhiều viên gạch quý hiếm tại đền thờ Trạng nguyên Hồ Hưng Dật (01/03/2024)
  + Lưu mãi nét đẹp văn hoá Thổ ở làng Mo Mới (01/03/2024)
  + Nghĩ về dòng chảy di sản văn hóa xứ Nghệ (01/03/2024)
  + Đặc sản thịt chua xứ Nghệ vào vụ Tết (30/01/2024)
  + Biển Cửa Lò ở Nghệ An có từ bao giờ, cái tên Thiên Cầm ở Hà Tĩnh sao lại liên quan đến Hồ Quý Ly? (30/01/2024)
  + Một cây cổ thụ 700 năm tuổi ở Hà Tĩnh tương truyền cứu vua Lê Thái Tổ nay vẫn xanh um, quả thơm khắp làng (30/01/2024)
  + TẢN MẠN CHUYỆN Ở XÓM... (02/11/2023)
  + Ngôi chùa nhà Trần với tích tiên nữ giáng trần dạo chơi, rửa chân ở Hà Tĩnh có gì đặc biệt? (16/10/2023)
  + Làng cổ ở Nghệ An là làng duy nhất của Việt Nam có tới 3 nhà khoa bảng giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám (16/10/2023)
Playlist

GIỚI THIỆU
 

Kính thưa quý độc giả 

Website nguoixunghekiev.vn

hoạt động chính thức từ tháng

10/2012. và  phi lợi nhuận.

Trang tin đăng tải tin tức 

của cộng đồng người Việt tại Kiev

và toàn Ucraina, đồng thời lấy tin 

từ các trang báo mạng khác trên

nguyên tắc trích dẫn nguyên bản 

đường nguồn chính. Là những

người làm báo không chuyên nên

chắc chắn sẽ gặp sai sót không

mong muốn, chúng tôi sẽ tiếp thu 

chân thành những góp ý xây dựng 

của quý độc giả để cho trang tin 

ngày càng hoàn thiện hơn, xin gửi

về mục liên hệ trên mặt báo hoặc

Email: hosytruc@gmail.com

ĐT: 093-712-24-57

093-973-97-39

Xin trân trọng cảm ơn.

Biên tập: Hồ Sỹ Trúc

 

 

 
 
 

 

 


QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 60410486

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July