Trang chủ Liên hệ       Thứ năm, Ngày 23/01/2025
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
  -  Đất và người Xứ Nghệ
  -  Dân ca Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Truyền thống Nghệ Tĩnh > Đất và người Xứ Nghệ >
  Cuộc gặp gỡ giữa nhà văn Sơn Tùng và “chim cánh cụt” Hoa Xuân Tứ Cuộc gặp gỡ giữa nhà văn Sơn Tùng và “chim cánh cụt” Hoa Xuân Tứ , Người xứ Nghệ Kiev
 

 

Cuộc gặp gỡ giữa nhà văn Sơn Tùng và “chim cánh cụt” Hoa Xuân Tứ

Hoa Xuân Tứ là một cậu bé sinh ra tại xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, lúc lên 6 tuổi đến xem người lớn kéo che làm mật mía, nghịch đút cây mía vào chẳng may bị cái che nghiến đứt cả hai cánh tay lên tới tận bả vai.

Được các bác sỹ tỉnh nhà cứu sống, từ đó Hoa Xuân Tứ tự mình tập viết bằng chân, tập viết bằng bả vai kẹp bút vào chiếc cằm để học đến lớp 10…

Nghị lực của một cậu bé nghèo nơi thôn dã đó đã được nhà văn SơnTùng viết thành bài báo năm 1966, đăng trên Báo Thiếu niên Tiền phong. Theo lời ông Chu Mạnh, nguyên Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Nghệ An, khi đọc bài báo này, Bác Hồ rất xúc động liền gọi điện thoại cho ông Chu Mạnh đề nghị đặc cách để Hoa Xuân Tứ được dự Đại hội Anh hùng chiến sỹ thi đua toàn quốc năm 1966.

Ra Hà Nội, Hoa Xuân Tứ cùng với Mẹ Suốt được chụp ảnh với Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp… Nhưng thật lạ, do hoàn cảnh xa ngái, lại bươn bả kiếm sống nên chưa một lần Hoa Xuân Tứ được gặp lại nhà văn Sơn Tùng, cũng chưa một lần được đọc bài báo viết về mình như thế nào!

Bây giờ cậu bé Hoa Xuân Tứ ấy đã là một lão nông 62 tuổi, da săn chắc, khỏe mạnh, dẫu khuôn mặt hằn lên nhiều vết nhăn ghi dấu ấn của một cuộc đời vượt khó, cực nhọc. Một buổi trưa tháng Tám mùa thu Hà Nội, vợ chồng Hoa Xuân Tứ đột ngột đến khu tập thể Văn Chương, Hà Nội thăm nhà văn Sơn Tùng.

Cuộc hội ngộ sau 46 năm giữa một nhà văn thương binh nặng với một nhân vật đi vào thơ nhạc diễn ra muộn mằn như là bi kịch của hai số phận, bởi giờ đây nhà văn của “Búp Sen xanh” phải nằm nói chuyện lưa thưa do mảnh đạn trong đầu gây nên căn bệnh xuất huyết não. “Chào bác ạ. Cháu là Hoa Xuân Tứ đây…”, nghe thế, nhà văn SơnTùng chỉ nói được mấy từ “Xuân Tứ à?”, rồi ông lặng im, lặng im rất lâu, trên khoé mắt bỗng ươn ướt đôi giọt nước mắt lăn nhè nhẹ, có lẽ trong ông trí nhớ đang phục hồi và ký ức trong trẻo của những năm sáu mươi đang ào ạt ùa về… Hôm đó, có ai đó nhắc lời bài hát “Hoa Xuân Tứ, người bạn hiền ta yêu biết mấy. Cụt cả hai tay nhưng anh vẫn say sưa hàng ngày. Như con chim không cánh đã gắng biết bay. Hoa Xuân Tứ còn đây đẹp muôn cánh tay thần kỳ…” và thấy vợ chồng Hoa Xuân Tứ cũng lặng im, bà vợ Hoa Xuân Tứ, một dân công hoả tuyến Khu 4 ngày nào bị mất sức cứ ngồi xoa tay cho nhà văn, đôi mắt cũng đượm buồn như chồng mình về cuộc gặp hy hữu có một không hai này…

Ngày xưa khi nhà văn Sơn Tùng đến, hai chú cháu còn nói chuyện để bài báo được hình thành. Nay, sau 46 năm chỉ có một người hỏi và nói chuyện được là Hoa Xuân Tứ, còn nhà văn thì chỉ phát âm được hai ba tiếng. Nhưng đó là cuộc hội ngộ không cô đơn. Bởi lúc nào quanh nhà văn Sơn Tùng cũng có người thân và không bao giờ thưa vắng tình bằng hữu, bè bạn…

Vợ chồng Hoa Xuân Tứ thăm và trò chuyện với nhà văn Sơn Tùng về bài báo in năm 1966.
Vợ chồng Hoa Xuân Tứ thăm và trò chuyện với nhà văn Sơn Tùng về bài báo in năm 1966.
 
Anh Bùi Sơn Định, con trai nhà văn Sơn Tùng là người hỏi chuyện Hoa Xuân Tứ nhiều nhất. Anh thú nhận là từng đọc sách bố mình viết về Hoa Xuân Tứ, từng hát bài về Hoa Xuân Tứ thuở học trò, nhưng đây là lần đầu tiên anh được gặp Hoa Xuân Tứ bằng xương bằng thịt ngoài đời. Ông Tứ kể rằng, nhà ông có 6 anh em, ông là thứ 4. Sau khi dự Đại hội Anh hùng chiến sỹ thi đua năm 1966, thương cậu bé xứ Nghệ cụt tay, Bác Hồ đã chỉ thị Giáo sư Tôn Thất Tùng làm cho Hoa Xuân Tứ một đôi tay giả để có thể tự ăn và đi học.

Giáo sư Tùng gọi Tứ đến đích thân đo đạc rồi làm đôi tay giả bằng da nối vào hai bả vai, néo vào sau lưng Tứ. Giáo sư buộc vào tay phải giả da ấy một cái thìa để mỗi lần ăn cơm, Tứ có thể tự xúc mà ăn. Hoa Xuân Tứ được đưa về Bắc Ninh để ăn học đến hết lớp 4. Lúc đầu cậu tập viết bằng chân, nhưng xấu hổ cứ mỗi lần viết lại đặt chân lên bàn thì… vô lễ, mất lịch sự nên cậu lại tập viết bằng bả vai. Cậu dùng cằm kẹp chặt chiếc bút vào bả vai, mỗi lần viết thì di động cả đầu và vai theo ngòi bút ấy. Tất nhiên, lúc đầu thì viết chậm lắm, nhưng càng ngày càng quen dần nên viết nhanh hơn…

Cứ thế, cứ thế, những hàng chữ nghiêng nghiêng, thẳng tắp đã đưa cậu Tứ học lên đến lớp 4. Rồi một ngày cậu nhớ nhà quá xin cô giáo Tuyết chủ nhiệm lớp cho về Nghệ An, nơi có bố mẹ chờ, gia đình nghèo rớt mồng tơi và tiếng che rền rã suốt mùa kéo mật dọc triền đê làng cậu. Vậy là Hoa Xuân Tứ trở về quê tự nguyện sống cuộc đời lam lũ, vậy mà anh cũng học hết lớp 10 cũ. “Tui viết mỗi ngày mỗi nhanh, sau cũng đi thi đại học đàng hoàng, nhưng bị trượt…”.

Tôi không dám hỏi lý do, nhưng không còn đôi tay mà dám cá cuộc đời vào trang sách giống như người chèo thuyền bằng vai vượt đại dương thì kể cũng hiếm người như Tứ! Hoa Xuân Tứ không biết mình đã nổi tiếng qua bài báo của nhà văn Sơn Tùng, cuốn sách của Quang Huy và bài hát của một nhạc sỹ, mà cứ lặng lẽ kiếm sống ở quê nhà. Ông làm bảo vệ ruộng đồng, đưa văn thư cho xã, cày ruộng, gặt lúa, trồng mía, chăn bò, chăn trâu… nghĩa là đủ cả công việc của một nông dân thuần tuý.

Thậm chí, có ngày ông còn được người ta thuê lặn trên sông mò hàng hoá bị chìm đò. Đận đó, hồi chiến tranh chống Mỹ, mấy bè gỗ lim của nhóm thợ bị trôi mất trên sông Lam, có người mách ông bơi lội giỏi liền đến cậy nhờ. Ông ra giá “nếu tìm được thì phải trả công một nửa…”. Người ta đồng ý miệng. Ông lặn xuống lòng sông sâu chừng 4, 5 mét nước. Sông Lam còn có tên là sông Cả, lòng rộng và bao dung như lòng mẹ hôm đó đã nâng cánh cho ông, biến “chim cánh cụt” là Hoa Xuân Tứ thành con rái cá… Lặn xuống, ngoi lên 16 lần, đang nản thì lần lặn thứ 17, thần nước thương ông đã giúp ông tìm được mấy khối gỗ quý đó. Ông không “thanh lý hợp đồng” như đã hẹn, chỉ xin một phiến gỗ đẹp vác về nhà, sau đóng thành 6 cánh cửa nhà mình.

Cũng năm học lớp 10 năm 1970 ấy, Hoa Xuân Tứ lấy vợ qua người bà con giới thiệu. Vợ anh là chị Lê Thị Sự, một cô gái dân công hoả tuyến huyện Nghi Lộc, Nghệ An: “Tui có anh trai đi bộ đội, 12 năm bặt tin tức, bố mẹ sợ mất nòi giống nên bắt tôi lấy vợ sớm…”, Hoa Xuân Tứ tâm sự. Trời đã không thương số phận anh, vì anh  chị sinh được 5 người con thì có một người con gái bị tật nguyền, ngoài 30 tuổi vẫn ở cùng bố mẹ.

Bốn người con của anh chị đã yên bề gia thất nhưng chẳng ai khá giả. Duy người con gái thứ 3 "họa vô đơn chí" chung cảnh tật nguyền, do năm lên 4 tuổi, tai bay vạ gió, một viên đá do lũ trẻ cùng lứa ném nhau trúng vào chỗ hiểm trên đầu, khiến người con gái này trở nên tàn phế. Năm nay đã 30 tuổi mà cô không biết khóc cười, người nhỏ thó như bé lên 10, chân tay dài ngoẵng khẳng khiu, luôn nằm một chỗ co quắp như người bị nhiễm chất độc da cam.

Thật may là từ mấy năm nay, nhờ có quỹ của Nhà nước và xã nhà nên ông Tứ được trợ cấp một tháng 180.000đ, con gái tật nguyền được 360.000đ. Trong căn nhà nhỏ ở xã Hưng Nhân do ông bà tự chắt bóp mà làm nên, đêm đêm cả nhà vẫn quần tụ xem chương trình truyền hình từ chiếc tivi màu, tài sản lớn nhất do người con gái làm công nhân tại TP Hồ Chí Minh gửi về tặng…

Bữa đó, bà Phan Hồng Mai phu nhân của nhà văn Sơn Tùng đã làm cơm để mời vợ chồng Hoa Xuân Tứ từ Nghệ An ra. Bữa cơm được dọn ra trên nền nhà như xưa nay vợ chồng nhà văn mời cơm nhiều văn nhân mặc khách. Chúng tôi cùng anh Bùi Sơn Định xới cơm, gắp thức ăn mời Hoa Xuân Tứ. Ông không đặt bát cơm dưới nền nhà như chúng tôi mà để trên chiếc ghế cao chừng 40cm, ông ngồi xổm, sao cho miệng mình gần bát cơm nhất.

Hoa Xuân Tứ dùng miệng so đôi đũa cho bằng nhau, kẹp đôi đũa bằng bả vai với cằm mình rồi và cơm vào miệng… Chao ôi, nhìn ông ăn uống như thế khổ sở quá! Vậy mà hơn 50 năm qua, ông đã ăn uống như vậy, đã sống, làm việc cực khổ mà vẫn vui sống, vẫn nheo cười, không một câu phàn nàn hay than thân trách phận. Dường như ông và vợ đang cố vui để giúp các nhà báo chúng tôi ăn một bữa cơm đạm bạc sao cho ngon miệng…

 

 
Ông Hoa Xuân Tứ viết thư cho nhà văn Sơn Tùng.

Ông Hoa Xuân Tứ viết thư cho nhà văn Sơn Tùng.

 

Theo đề nghị của Hoa Xuân Tứ được viết một bức thư ngắn gửi lại cho nhà văn Sơn Tùng để làm kỷ niệm, anh Bùi Sơn Định đưa ông Tứ vào chiếc bàn mà bao nhiêu năm nay nhà văn Sơn Tùng đã ngồi viết nên những tác phẩm nổi tiếng. Mấy nhà báo chúng tôi tò mò đứng xung quanh xem Hoa Xuân Tứ thao tác bản thảo. Ông rụt rè  ngồi vào bàn viết, dùng răng và môi “đặt” xếp giấy trắng ngay ngắn trước mặt, rồi cặp chặt chiếc bút bi vào giữa bả vai và cằm mình nhọc nhằn di chuyển ngòi bút trên mặt giấy. Người ông lúc ấy như đung đưa theo từng con chữ, cả vai và đầu di chuyển chầm chậm, cứ viết xong một dòng ông lại dùng miệng dịch chuyển tờ giấy cho đúng tầm chiếc bút…

Và kia, sau những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, từng dòng chữ hiện ra thẳng hàng như người bình thường viết bằng tay thuận vậy. Ông ký tên giữa tiếng trầm trồ của chúng tôi. Bất giác tôi bỗng nghĩ, trên chiếc bàn kê bên cửa sổ phòng văn của nhà văn Sơn Tùng, có lẽ mới có hai người thương tật đã viết ở đây. Ngày xưa, sau trận bị đạn M79 của Mỹ bắn găm vào đầu, vào người ngày 15/4/1971 ở chiến trường Tây Nam Bộ, nhà văn SơnTùng với hạng thương binh cao nhất đã cột chiếc bút vào giữa 2 ngón trỏ và ngón cái để viết vì 3 ngón tay còn lại bị quắp lại không thể cử động được. Vậy mà trong suốt gần 40 năm trên chiếc bàn viết đặt trong căn hộ chật chội không có công trình phụ, người Anh hùng Lao động, nhà văn Sơn Tùng đã viết nên 18 tác phẩm văn học, trong đó có 13 tác phẩm viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh tụ, các nhà cách mạng tiền bối của Đảng, với những tác phẩm nổi tiếng như “Búp Sen xanh”, “Bông Sen vàng”, “Hoa Râm bụt”, “Con người và con đường”, “Trái tim quả đất”, “Lõm”, “Sáng ánh tâm đăng”… Và nay, trong buổi sáng sớm mùa thu này, đến lượt người tàn tật Hoa Xuân Tứ có cơ duyên được ngồi bên chiếc bàn viết đầy ánh sáng nhân văn kia để nhọc nhằn viết những dòng thư gửi nhà văn không thể trò chuyện được.

Anh Bùi Sơn Định nói với Hoa Xuân Tứ: “Ba tôi có kể, ngày bị thương nặng được chuyển từ miền Nam ra, khi đến binh trạm thành Vinh  năm 1972, ba tôi chợt nhớ tới Hoa Xuân Tứ mà mình đã viết. Lúc ấy, ba tôi thầm nghĩ, phải học tập nghị lực của anh Tứ để phấn đấu vượt qua cơn hiểm nghèo…”. Nghe thế, Hoa Xuân Tứ chỉ nheo mắt cười, ý chừng không dám nhận thiện ý ấy…

Theo lời ông Hoa Xuân Tứ, ước muốn ra thăm nhà  văn Sơn Tùng đã có từ lâu, nhưng thật may mắn lần  này được nhà báo Tuyết Lan cùng Ban Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam tài trợ đưa tận ra Hà Nội. Phút chia tay thật cảm động! Khi về đến quê nhà, ông Hoa Xuân Tứ đã cẩn thận gọi điện đến chúng tôi thông báo đã về đến nhà an lành. Hoa Xuân Tứ không quên gọi điện cho bà Phan Hồng Mai cảm ơn về sự đón tiếp và những món quà của gia đình nhà văn Sơn Tùng, của các nhà báo, người thân đến thăm nhà văn bất ngờ gặp ông ở đấy đã tặng tận tay.

Ông dè dặt  nói với bà Phan Hồng Mai qua điện thoại: “Cô ạ, số tiền mà gia đình cô cho, cùng mọi người ở đấy, cả Báo Pháp luật nữa, tính ra được hơn 11 triệu đồng. Cả một năm nhà cháu cũng chưa bao giờ làm được nhiều như thế… Cô cho cháu gửi lời cảm ơn tới mọi người mà cháu chưa kịp biết tên…”.
 
Theo H.T
Công an Nhân dân

  Các Tin khác
  + Sắc xuân trên Thành Vinh (21/01/2025)
  + Làng gì mà ngày nào cũng phát ra tiếng kêu tại Hà Tĩnh? (14/01/2025)
  + Bế mạc Lễ hội Du lịch và Ẩm thực Sen Nghệ An năm 2024 (02/12/2024)
  + Vượt lũy tre làng, nữ giám đốc HTX ở Hà Tĩnh đưa nước mắm biển Thiên Cầm xuất ngoại (12/11/2024)
  + Một cây cổ thụ là cây trôi đã sống 800 tuổi ở Hà Tĩnh được công nhận cây Di sản Việt Nam (26/09/2024)
  + Đến Hà Tĩnh, ngắm bình minh trên biển Hoành Sơn (17/09/2024)
  + Bản sắc SLNA - sự khác biệt tuyệt vời ở V.League 2024/2025 (31/08/2024)
  + Làng Đỏ - nơi”căm thù như biển lửa, đã đứng lên”… (31/08/2024)
  + Đại gia Trần Quang Luận và hệ sinh thái Thanh Thành Đạt nổi danh xứ Nghệ (15/08/2024)
  + Khát vọng Thanh Chương (11/08/2024)
  + Hà Tĩnh gặp mặt chúc mừng học sinh đoạt HCB Olympic Toán học quốc tế (02/08/2024)
  + Cầu Nhe - nơi ghi dấu tinh thần quả cảm của 53 liệt sỹ (23/07/2024)
  + Vô xứ Nghệ thăm quê Bác (13/07/2024)
  + Về lại Nậm Nơn (02/07/2024)
  + 48 giờ ở Nghệ An (17/06/2024)
  + Bến Thủy - cây cầu thế kỷ của xứ Nghệ (09/06/2024)
  + Đôi vợ chồng "thổi hồn" vào dân ca ví, giặm (06/06/2024)
  + 9 điểm du lịch hấp dẫn không thể bỏ qua khi đến miền Tây xứ Nghệ (26/05/2024)
  + Trần Đình Sơn - "cánh chim đầu đàn” của điền kinh Hà Tĩnh (25/05/2024)
  + Nghệ An: Cả làng kiếm bộn tiền từ con đặc sản "cưỡi máy bay xuất ngoại” (20/05/2024)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 66557782

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July