Trang chủ Liên hệ       Thứ sáu, Ngày 26/04/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
  -  Đất và người Xứ Nghệ
  -  Dân ca Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Truyền thống Nghệ Tĩnh > Đất và người Xứ Nghệ >
  ĐẠI TUỆ - NGÔI CHÙA THIÊNG TRÊN ĐẤT ĐỊA LINH NAM ĐÀN ĐẠI TUỆ - NGÔI CHÙA THIÊNG TRÊN ĐẤT ĐỊA LINH NAM ĐÀN , Người xứ Nghệ Kiev
 

  Từ bao đời nay trên con đường xuyên Việt vào Nam, thành phố  Vinh bên bờ sông Lam thơ mộng, với di tích thành cổ Nghệ An là minh chứng lịch sử về một trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của cả một vùng lãnh thổ phía Bắc miền Trung của nước Đại Việt xưa. Và vì thế, khi đạo Phật truyền vào Việt Nam thì Nghệ An cũng mau chóng trở thành trung tâm Phật giáo lớn từ rất sớm. Đời Võ Hậu nhà Đường (năm 685), thi sĩ Trầm Thuyên Kỳ của Trung Quốc đã từng sang tận Nghệ An (xưa là quận Nhật Nam) để được yết kiến Vô Ngại Thượng Nhân ở chùa Sơn Tĩnh, xin làm đệ tử. Khi về nước, thi sĩ còn xúc động để lại bài thơ dài, mà 4 câu đầu được triết gia Nguyễn Đăng Thục dịch là:

    “ Phật xưa sinh ở Tây Thiên
    Mà nay xuất hiện tại miền Nhật Nam
    Thoát vòng phiền não cõi phàm
    Thảnh thơi dưới núi già Lam một tòa.”

    Thống kê  gần đây cho biết cả tỉnh Nghệ An có 261 ngôi chùa cổ, nhiều chùa được xây dựng từ thời Bắc thuộc như các chùa Nhạn Tháp, Bình An, Đồng Bạc, chùa Am, chùa Ná, chùa Lụi… Riêng huyện Nam Đàn có hơn 20 ngôi chùa cổ, nổi tiếng là chùa Nậm Sơn ở Vân Diên, Đại Tuệ ở Nam Anh… Trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, phong hóa của thời gian và cả sự ấu trĩ một thời của con người nên đa số các chùa ở Nghệ An đã thành phế tích. Những năm gần đây, trong xu thế chấn hưng Phật giáo nước nhà, nhiều chùa đã được trùng tu, phục dựng đáp ứng nhu cầu đời sống tâm linh của nhân dân mà điển hình là công trình phục dựng chùa Đại Tuệ.  

chuadaitue6

    Đại Tuệ là ngôi chùa cổ nằm trên đỉnh cao nhất của dãy núi Đại Huệ, thuộc xã Nam Anh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Chùa Đại Tuệ ghi dấu Phật giáo lâu đời trên vùng đất Nghệ An, non nước điệp trùng, trời mây tụ khí lành, cây cỏ xanh tươi bốn mùa. Trải bao mưa nắng thời gian, chùa Đại Tuệ chỉ còn phế tích. Song nhân dân địa phương và du khách vẫn hằng ngày trèo đèo, lội suối, rẽ lau lách, cỏ dại, tìm đường lên nền chùa thắp hương cầu Phật và phụng thờ những người có công với nước. Dãy Đại Huệ là một danh thắng tuyệt đẹp của xứ Nghệ. Đứng trên đỉnh Thăng Thiên ta nhìn thấy dòng Lam Giang uốn lượn, phóng tầm mắt say ngắm toàn cảnh Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương, Hưng Nguyên, Vinh, Nghi Lộc và Hòn Ngư, Hòn Mắt, Hòn Mê ở Biển Đông. Đứng ở sân chùa ta nhìn thấy vùng đất rộng lớn từ Đức Thọ, Hồng Linh, Nghi Xuân và ta sẽ được nhìn rõ hơn dãy Hồng Lĩnh, dãy Thiên Nhẫn. Vì thế trước đây các tạo nhân mặc khách hàng năm vãn cảnh lên chùa vãn cảnh, làm thơ. Đã có nhiều áng thơ văn đầy cảm xúc về chốn cảnh quan kỳ thú này, tiêu biểu như bài thơ của Hoàng Giáp Bùi Huy Bích, đốc đồng trấn Nghệ An (1778 - 1781): 
    “Tiểu thạch tằng loan tối thượng đầu 
     Càn khôn diểu diểu ý du du 
     Thiên tranh liệt chướng hồn nghi dực 
     Đại chiết trường giang lược tự công 
     Khứ lộ xuyên điều tăng hiệp hổ 
     Quy tiên khiêu thái mục tuần ngưu 
     Tối lân thạch tỉnh tuyền nguyên quát 
     Thâm cận dung bình, bất tận thu”

    Dịch: 
    “Bậc đá lần lên tới đỉnh cao 
     Núi non man mác dạ nao nao 
     Trời chăng rặng núi như xoà cánh 
     Đất nắn dòng sông tựa uốn quanh 
     Lối cũ ngõ xuyên, sư bỡn hổ 
     Đường về roi phất trẻ dong trâu 
     Lạ cho giếng nước vừa tầm lạ 
     Múc mãi mà nguồn có hết đâu

    Nơi đây trời đất linh thiêng. Sau lưng chùa là đỉnh động Thăng Thiên có bàn cờ Tiên bằng đá. Cách chùa một trăm mét về phía Tây có tảng đá lớn khoảng năm khối, dùng đá gõ vào phát âm thanh như tiếng mõ (nhân dân gọi là Đá Mõ). Trước chùa có một tảng đá lớn giống như ngai vàng (Thạch Ngai) không ai dám ngồi vì tương truyền Thạch Ngai là nơi xưa Hồ Quí Ly và Quang Trung Nguyễn Huệ từng ngồi. Trước chùa khoảng bốn trăm mét có hai trụ đá lớn dựng đứng như cổng chùa thiên tạo. Cạnh chùa có giếng nước cổ sâu hơn hai mét, không bao giờ cạn. Sườn núi hai bên có khe Trúc, khe Mai, lại có ao sen cổ… Theo tài liệu Phật học của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đây là nơi duy nhất trên đất nước ta có ngôi chùa thờ Phật Bà Đại Tuệ. Sách “Nghệ An cổ lục” viết: “Thời cổ có một ngôi sao sa xuống đỉnh núi, sắc sao sáng loá, hình như Sao Chổi. Sao hoá đá, đá ấy rất thiêng” chính là nơi đặt móng xây chùa. Chùa có tên là chùa Đại Tuệ, thờ Phật Bà Đại Tuệ tức là đại diện cho trí tuệ của Đức Phật (Tuệ Giác, Tuệ Kiếm, Tuệ Lực, Tuệ Tâm, Tuệ Mục, Tuệ Nhãn). Chùa Đại Tuệ tương truyền có từ thời vua Mai Hắc Đế đánh quân nhà Đường (năm 627 sau CN). Đến thể kỷ thứ XV, chùa lại được Hồ Vương Quý Ly xây cất lại để thờ Phật bà Đại Tuệ đã giúp Ngài xây thành Đại Huệ làm căn cứ chống giặc Minh. Chuyện xưa kể rằng, ngày ấy Hồ Vương cho xây tường thành trên dãy núi Đại Huệ. Việc xây dựng gặp nhiều khó khăn, dân phu vất vả nhiều mà không xây được thành. Đêm năm mơ thấy Phật Bà Đại Tuệ chỉ vẽ cho cách xây thành bao quanh. Từ đó, việc xây thành đắp luỹ rất thuận lợi. Biết ơn Phật Bà, Hồ Vương giao cho con gái là công chúa Thái Dương ở lại chùa chăm lo, tu bổ thường xuyên, hương khói phụng thờ, đặng cầu cho quốc thái dân an... Đến thời Quang Trung- Nguyễn Huệ, trên đường tiến quân ra Bắc đại phá quân Thanh (1789), vua đã dừng chân ở đây chiêu tập mười vạn quân sĩ tổ chức huấn luyện ở trước sân chùa, nên bãi đất phẳng trước chùa hiện nay vẫn gọi là Bãi Tập. Vua được nhà sư ở chùa mách bảo kế sách hành quân theo thượng đạo Nộn Băng vừa tránh được tai mắt kẻ địch, rút ngắn được đường ra Thăng Long. Thuận lời sư, Quang Trung đã hành quân cấp tốc ra Thăng Long đại phá hai mươi chín vạn quân Thanh trước dự định hai ngày. Chiến thắng trở về, Hoàng Đế chiếu xuống cắt cho chùa 20 mẫu ruộng giao cho chùa để dân làng lo việc hương khói, thờ cúng quanh năm. Hiện cánh đồng dưới chân núi vẫn có tên là ruộng Chùa.  Tại khuôn viên chùa, cách trung tâm khoảng 40m về hướng Đông Nam có 2 ngôi mộ lớn được ghép bằng đá. Theo lời kể của người dân địa phương thì ngôi mộ nằm phía cạnh chùa là mộ của sư thầy, ngôi mộ ngoài là mộ của Hoàng đế Cảnh Thịnh (Nguyễn Quang Toản). Đây là một nghi án của lịch sử rất cần được các sử gia làm rõ. Theo Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Hoàng đế Cảnh Thịnh bị bắt tại Lạng Sơn và đóng cũi giải về kinh đô Phú Xuân, sau đó bị hành quyết. Còn theo truyền thuyết dân địa phương thì bề tôi của Nguyễn Ánh là Nguyễn Văn Thành chỉ bắt được người đóng giả, còn Hoàng đế Cảnh Thịnh thật đã xuống tóc, lặng lẽ lên núi Đại Huệ vào chùa Đại Tuệ đi tu, sống nốt phần đời còn lại ở đây. Chứng cứ là đến ngày 20/10 Âm lịch hằng năm, tăng ni phật tử trong vùng vẫn thường xuyên lên núi Đại Huệ làm giỗ cho Hoàng đế Cảnh Thịnh… Hội thảo khoa học về chùa Đại Tuệ do UBND tỉnh Nghệ An tổ chức ngày 18-10-2009 có sự tham gia đầy đủ các ban ngành, các nhà khoa học trong, ngoài tỉnh đã góp phần sáng tỏ nhiều vấn đề lịch sử của ngôi chùa cổ kính bậc nhất tỉnh Nghệ An, nhưng cũng còn nhiều vấn đề tanh luận, phải tiếp tục nghiên cứu.

    Phải chăng nơi đây là đất địa linh- nhân kiệt nên chùa thiêng lại càng thiêng hay chính vì được kế thừa trí tuệ siêu việt, đạo hạnh sáng ngời của Phật bà Đại Tuệ nên người Nam Đàn bao đời nay làm chủ được thân tâm, kế vãng khai lai, trau rồi hạnh vô ngã, hạnh tinh tấn, hạnh tự giác- giác tha để rồi xuất hiện những bậc vĩ nhân có thể thay đổi cả vận nước tại mỗi khúc quanh của lịch sử dân tộc, được lòng dân phong thánh, muôn đời thờ phụng: Vua Mai Hắc Đế tên thật là Mai Thúc Loan, sinh ra và lớn lên tại xã Đông Liệt, nay là xã Nam Thái (huyện Nam Đàn, Nghệ An). Sau khi ông mất, nhân dân đã xây dựng mộ tại núi Đụn Sơn, hậu cứ của nghĩa quân và là nơi ông trút hơi thở cuối cùng (nay thuộc xã Vân Diên). Đồng thời, người dân cũng lập đền thờ ông tại Vệ Sơn, trung tâm chỉ huy chiến đấu của ông thuở trước, nay thuộc khu dân cư Mai Hắc Đế (thị trấn Nam Đàn) để thờ phụng. Ghi nhớ công lao người mẹ đã có công sinh thành và dưỡng dục ông, nhân dân đã xây mộ tại núi Dẻ, xã Nam Thái. Thành Lục Niên thuộc địa phận huyện Nam Đàn và huyện Thanh Chương. Thành được Lê Lợi xây dựng trên núi Thiên Nhẫn vào cuối năm 1424. Thành có hình chữ nhật được xây dựng theo lối ghép đá trên độ cao 178m. Thành đắp bằng đá núi, đến nay vẫn còn di tích. Trước cửa thành có bờ đá thẳng, dựng đứng xuống, cao chừng vài chục mét, tạo nên thế hiểm trở, có khe nước chảy qua, tạo thành một thác cao gọi là khe Hồ Thành. Chỗ khe nước chảy ra cũng là chỗ cửa thiên tạo tự nhiên của thành Lục Niên. Từ đây, Bộ chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn có thể bao quát và khống chế cả một vùng rộng lớn của lưu vực sông Lam, sông Latheo dõi hoạt động của quân Minh trong thành Nghệ An. Vua lê đã từng chỉ huy nghĩa quân từ căn cứ này vây hãm thành Nghệ An, xây dựng lực lượng vững mạnh về mọi mặt để tiến quân ra Bắc, tiêu diệt quân Minh xâm lược, giải phóng đất nước thế kỷ XV. Về Nam Đàn xuôi thuyền dọc dòng sông Lam thơ mộng đến thăm thắng cảnh khe Bò Đái, núi Đụn Sơn, ta có cơ hội chiêm nghiệm câu sấm nổi tiếng từ 300 năm của Trạng Trình- Nguyễn Bỉnh Khiêm: "Đụn Sơn phân giải (giới tuyến), Bò Đái thất thanh, Nam Đàn sinh thánh". Còn ở phía bờ Nam sông Lam là đình Hoàng Sơn với kiến trúc nghệ thuật độc đáo thời Lê, thành Lục Niên và khu mộ La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp ... Mộ và nhà Nguyễn Thiếp thuộc xã Nam Kim, huyện Nam Đàn. Nguyễn Thiếp (1723 - 1804) vốn quê ở làng Nguyệt Ao, huyện La Sơn, trấn Nghệ An, nay thuộc huyện Đức Thọ tỉnh Hà Tĩnh. Ông giúp Nguyễn Huệ xây dựng thành Phượng Hoàng Trung Đô. Từ am cỏ ở đất nam Đàn, Nguyễn Thiếp ra giúp nhà Tây Sơn, làm Viện trưởng Viện Sùng chính, chuyên dịch sách chữ Hán ra chữ Nôm, thực hiện các biện pháp cải cách giáo dục. Người đương thời gọi ông là La Sơn Phu tử. Sau khi ông qua đời, nhân dân Nam Đàn và con cháu đã mai táng ông và bà Chánh Thất tại đây. Đền Tán Sơn được xây dựng giữa thế kỷ thứ XVI tại xã Xuân Hoà, huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An. Đền thờ cụ phó Đức Vương và Mặc Đăng Lượng. Di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia. Đền Tán Sơn là nơi tập trung thanh niên đi xuất dương tìm đường cứu nước. Trước khi xuất dương, Lê Hồng Sơn đã từng lấy đền Tán Sơn làm nơi hội họp bí mật bàn việc cứu nước với đồng chí Lê Hồng Phong, Phạm Hồng Thái, Hồ Tùng Mậu, Đặng Thái Thuyến, Hữu Văn… Khu di tích Kim Liên là một trong bốn di tích quan trọng bậc nhất tại Việt Nam về Chủ tịch Hồ Chí Minh, lưu giữ những hiện vật, tài liệu, không gian văn hóa - lịch sử về thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những người thân trong gia đình của Người. Toàn bộ khu di tích bao gồm nhà tranh nhỏ của cụ Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan; ngôi nhà của ông bà ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh; nhà thờ chi họ Hoàng Xuân (thuộc cụm di tích Hoàng Trù); nhà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc... Có một điều lý thú là nếu ta quan sát toàn cảnh dãy núi Đại Huệ, dưới góc nhìn của luật phong thủy và theo thuyết “thiên địa nữ nhân- Âm lai dương thụ” thì thấy rõ núi có thế con rồng mà đầu rồng là mộ cụ bà Hoàng Thị Loan, còn chùa Đại Tuệ nằm ở rốn rồng. Có lẽ khi chọn thế đất này đặt mộ mẹ mình, Nguyễn Sinh Khiêm đã chứng tỏ là một nhà phong thủy kiệt xuất của đất địa linh Nam Đàn!... 

    Đạo Phật thường nói đến 12 mối nhân duyên giúp chúng sinh quay về với Phật tính, chứng ngộ đạo pháp, tiếp nhận hồng ân Tam Bảo. Dường như đã hội đủ 12 mối nhân duyên ấy dẫn dắt Thượng tọa Thích Thọ Lạc đến với công trình phục dựng chùa Đại Tuệ. Vốn là sư trụ trì chùa Pháp Hoa to đẹp, bề thế giữa Sài Thành hoa lệ, phật tử đông đúc, công quả đủ đầy để thầy Thọ Lạc hưởng nhàn nghiên cứu kinh sách, viết trước tác cho hàng hậu học. Nhưng thầy đã tình nguyện ra Hà Thành, tìm về làng nhỏ Yên Phú ở huyện Thanh Trì chịu bao nỗi gian trân, khổ hạnh để cùng dân làng vận động quyên góp, phục dựng lại Yên Phú cổ tự- một ngôi chùa 2000 ngàn năm tuổi, đang bị xuống cấp thành một kiệt tác kiến trúc Phật giáo của thủ đô. Giữa lúc công trình bước vào giai đoạn hoàn công, phật sự sắp được viên thành thì Phật tổ lại mách bảo thầy Thọ Lạc đi tiếp vào Nghệ An, tìm về Nam Đàn, leo núi Đại Huệ, làm tiếp một phật sự mới ở chùa Đại Tuệ. Có một sự trùng hợp lịch sử đến kỳ lạ giữa hai ngôi chùa cổ: Chùa Yên Phú do sư bà Phương Dung kiến lập từ trước cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, còn chùa Đại Tuệ lại là nơi duy nhất ở nước ta thờ Phật bà Đại Tuệ. Cả hai ngôi chùa đều liên quan đến các vĩ nhân họ Hồ- một dòng họ vĩ đại của đất địa linh Nam Đàn, sản sinh ra bốn vị Hoàng đế của bốn triều đại là Hồ Quý Ly- Nguyễn Huệ- Nguyễn Nhạc và Chủ tịch Hồ Chí Minh thời hiện đại. Mùa xuân năm Kỷ Mão (1789), Hoàng đế Quang Trung- Nguyễn Huệ còn có tên là Hồ Thơm đã dẫn đại quân qua núi Đại Huệ, quê hương của Hồ Chí Minh, được Phật bà Đại Tuệ dẫn lối chỉ đường, đến cửa ngõ kinh thành Thăng Long lại tập kết quân sĩ ở chùa Yên Phú đánh lớn Ngọc Hồi, mở đường cho đại quân làm nên chiến thắng Đống Đa lịch sử, giải phóng đất nước khỏi họa xâm lăng của nhà Thanh. Phải chăng hào quang Phật tổ, Bồ tát đã soi đường và anh linh các vĩ nhân kiệt xuất họ Hồ trong lịch sử đã dẫn dắt chính quyền và nhân dân trong tỉnh Nghệ An, tận huyện Nam Đàn ra thủ đô Hà Nội rước thầy Thọ Lạc về trụ trì chùa Đại Tuệ. Là bậc chân tu đao hạnh, với học vấn cao minh tốt nghiệp Thạc sĩ ở Đài Loan, đang làm tiếp bậc Tiến sĩ ở Mỹ về thần học, thầy đã không quản ngại khó khăn vất vả, dồn hết sức lực và trí tuệ đi khảo sát vùng núi Đại Huệ, cùng các nhà khoa học tổ chức hội thảo ở Vinh,  xây dựng “Dự án phục dựng chùa Đại Tuệ”. Theo tài liêu qui hoạch thiết kế, khu vực chùa Đại Tuệ có diện tích xây dựng trên 20ha với gần 20 hạng mục công trình, từ Tháp thờ Phật Mẫu Đại Tuệ, Chính điện, Thích Ca điện, Bốn điện thờ Tứ đại Bồ Tát, Thiền đường, Tịnh độ đường, Tổ đường và vãng sinh đường, Lầu chuông khánh, Giảng đường, Thư viện, Trai đường, nhà Tăng Ni xá, Nhà khách, Cổng Tam quan… Không gian nội thất sẽ đúc và bầy trên các điện thờ hàng loạt tượng chư Phật, Bồ Tát, các vị La Hán, đúc chuông khánh, các đồ pháp khí… Quanh chùa sẽ trồng rừng cây ăn quả, cây thuốc, làm đường lên chùa, khuôn viên cây cảnh, hồ ao, bãi đậu xe, trạm hạ thế… Vừa qua, một số nhà hảo tâm đã phát tâm hỗ trợ nhà chùa, hợp sức với UBND tỉnh Nghệ An mở được con đường dài 4,8 km từ chân núi Đại Huệ lên đỉnh dốc Thăng Thiên, tạo đường cho khách thập phương lên chùa thuận lợi.

    Sau nhiều tháng chuẩn bị, ngày rằm tháng ba năm Tân Mão (17/4/2011) tại bãi đất bằng trên đỉnh núi Đại Huệ cao 420m, đã cử hành đại lễ khởi công phục dựng chùa Đại Tuệ. Tới dự lễ có đại diện Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban tôn giáo Chính phủ, lãnh đạo tỉnh Nghệ An và đông đảo tăng ni phật tử. Từ mờ sáng, gần chục ngàn người dân đủ mọi lứa tuổi đã hăm hở leo núi bằng ô tô, xe máy và cả đi bộ về chùa dự lễ. Nhân dịp này, Thượng tọa thích Bảo Nghiêm thay mặt Trung ương giáo hội phật giáo Việt Nam đã ban đạo từ và quyết định bổ nhiệm Thượng tọa Thích Thọ Lạc làm trụ trì chùa Đại Tuệ. Ngay trong sáng khởi công động thổ xây dựng chùa, các tăng ni, phật tử và nhiều tổ chức, cá nhân đã cúng tiến xây dựng chùa với tổng số tiền lên tới hơn 50 tỷ đồng. Mới hay khi tâm đã hướng Phật con người ta trở nên vô ngã, hoan lạc và tràn đầy niềm tin vào Ban v động quyên góp và quản lý Dự án do Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng-  nguyên Tư lênh quân khu IV tình nguyện làm Trưởng ban. Dự kiến chùa sẽ được xây dựng trong vòng 2 năm, kinh phí khoảng 200 tỷ, khi hoàn thành sẽ là không gian tâm linh thiêng liêng, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng và du lịch của du khách thập phương. Mới hay mọi sự ở đời được lòng dân là được tất cả, có thể cảm hóa đến muôn loài trong vũ trụ khôn cùng. Ngay từ tháng 9/2009, khi thầy Thọ Lạc vừa cùng các kiến trúc sư hoàn tất khảo sát, lập xong bản thiết kế phục dựng chùa Đại Tuệ thì xuất hiện sự kiện rất lạ. Ông Nguyễn Nghĩa Bình - người tình nguyện lên đây canh giữ Chùa Đại Tuệ từ năm 1991 - kể lại: “Gần 20 năm canh giữ chùa, tôi chưa từng gặp bất kỳ một con rùa nào. Nhưng khoảng 8 giờ sáng ngày 23/9 vừa qua, tôi đang quét dọn thì bỗng phát hiện hai cụ rùa ẩn sau Chùa Đại Tuệ. Hai cụ nằm im lặng, không nhúc nhích. Tôi đã thắp hương cấu khấn, xin được bế hai cụ vào trong chùa cho nghỉ…”. Ông Bình còn cho hay, hai “cụ” rùa nặng mỗi cụ nặng hơn 15kg, mai đen nhánh, có độ tuổi khoảng 140 năm…

    Tạo hóa ban tặng cho huyện Nam Đàn một quần thể danh thắng thiên nhiên vô cùng hấp dẫn , khí hậu trong lành, phong cảnh nên thơ như núi Đại Huệ. Núi Thiên Nhẫn, hồ Tráng Đen, thác Hồ thành… Lich sử huy hoàng mấy ngàn năm dựng nước và giữa nước của dân tộc lại trao cho người dân Nam Đàn bảo tồn nhiều di tích của các dòng họ vĩ đại, các danh nhân kiệt xuất. Đó chính là tiềm năng to lớn để Nam Đàn phát triển ngành du lịch sinh thái- lịch sử- văn hóa tâm linh.
...

Theo VŨ NGỌC TIẾN


  Các Tin khác
  + Ngắm cây cầu dài nhất tuyến cao tốc Bắc - Nam sắp hoàn thành (07/04/2024)
  + Khám phá vẻ đẹp huyền bí hang Dơi Khét trên núi Phá Èn (07/04/2024)
  + Ở một xã của tỉnh Nghệ An có con đường hoa gạo đỏ rực, người ta kéo đến quay phim, chụp ảnh (03/04/2024)
  + Vui hội đền Chín Gian (23/03/2024)
  +   Đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh Khu lưu niệm Đại tướng Chu Huy Mân (17/03/2024)
  + Tưng bừng khai hội Đền Thanh Liệt năm 2024 (17/03/2024)
  + Công an Nghệ An xứng danh anh hùng, đồng sức đồng lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân (10/03/2024)
  + Những chiến sĩ áo trắng vùng biên: Quyết không bỏ nghề, tất cả vì sức khỏe nhân dân (06/03/2024)
  + Về "làng Khoa bảng " xem bà con nông dân làm du lịch (06/03/2024)
  + Dòng sông Mai Giang chảy qua thị xã nào của Nghệ An, có lễ hội gì mà vạn người trên bờ cổ vũ? (02/03/2024)
  + Nghệ sĩ Lê Thanh Phong và hành trình đưa ví, giặm vượt biên giới (01/03/2024)
  + Nhiều viên gạch quý hiếm tại đền thờ Trạng nguyên Hồ Hưng Dật (01/03/2024)
  + Lưu mãi nét đẹp văn hoá Thổ ở làng Mo Mới (01/03/2024)
  + Nghĩ về dòng chảy di sản văn hóa xứ Nghệ (01/03/2024)
  + Đặc sản thịt chua xứ Nghệ vào vụ Tết (30/01/2024)
  + Biển Cửa Lò ở Nghệ An có từ bao giờ, cái tên Thiên Cầm ở Hà Tĩnh sao lại liên quan đến Hồ Quý Ly? (30/01/2024)
  + Một cây cổ thụ 700 năm tuổi ở Hà Tĩnh tương truyền cứu vua Lê Thái Tổ nay vẫn xanh um, quả thơm khắp làng (30/01/2024)
  + TẢN MẠN CHUYỆN Ở XÓM... (02/11/2023)
  + Ngôi chùa nhà Trần với tích tiên nữ giáng trần dạo chơi, rửa chân ở Hà Tĩnh có gì đặc biệt? (16/10/2023)
  + Làng cổ ở Nghệ An là làng duy nhất của Việt Nam có tới 3 nhà khoa bảng giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám (16/10/2023)
Playlist

GIỚI THIỆU
 

Kính thưa quý độc giả 

Website nguoixunghekiev.vn

hoạt động chính thức từ tháng

10/2012. và  phi lợi nhuận.

Trang tin đăng tải tin tức 

của cộng đồng người Việt tại Kiev

và toàn Ucraina, đồng thời lấy tin 

từ các trang báo mạng khác trên

nguyên tắc trích dẫn nguyên bản 

đường nguồn chính. Là những

người làm báo không chuyên nên

chắc chắn sẽ gặp sai sót không

mong muốn, chúng tôi sẽ tiếp thu 

chân thành những góp ý xây dựng 

của quý độc giả để cho trang tin 

ngày càng hoàn thiện hơn, xin gửi

về mục liên hệ trên mặt báo hoặc

Email: hosytruc@gmail.com

ĐT: 093-712-24-57

093-973-97-39

Xin trân trọng cảm ơn.

Biên tập: Hồ Sỹ Trúc

 

 

 
 
 

 

 


QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 4
Total: 60391408

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July