Trang chủ Liên hệ       Thứ năm, Ngày 12/09/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
  -  Đất và người Xứ Nghệ
  -  Dân ca Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Truyền thống Nghệ Tĩnh > Đất và người Xứ Nghệ >
  Nghĩ về dòng chảy di sản văn hóa xứ Nghệ Nghĩ về dòng chảy di sản văn hóa xứ Nghệ , Người xứ Nghệ Kiev
 

 (Baonghean.vn) - Xứ Nghệ là một trong những cái nôi văn hóa lớn nhất của cả dân tộc trong quá khứ.

Đi suốt chiều dài lịch sử, kể từ khoảng năm 1040 đến 1945 khi vua Lý Thái Tông cử Uy Minh hầu Lý Nhật Quang vào làm Tri châu Nghệ An, đóng ở khu vực ngày nay là quanh Đền Quả Sơn ở huyện Đô Lương. Nghệ An có vị trí chiến lược quan trọng, có những đóng góp to lớn cho công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc, người dân Nghệ An luôn giữ được nét văn hóa đặc trưng trong phong tục tập quán, văn hóa cội nguồn, tinh thần hiếu học.

duong-vo-xu-nghe-quanh-quanhanh-chup-tai-cau-cam-2874.png
"Đường vô xứ Nghệ quanh quanh/ Non xanh nước biếc như tranh hoạ đồ". Ảnh tư liệu: Nguyễn Thanh Hải

Cái nôi văn hoá lớn

Đại Nam nhất thống chí viết: “Học trò chuộng khí tiết, phần nhiều phóng khoáng, dốc chí học hành, văn chương kiệt xuất, không thích hoa mỹ. Khéo việc hàng quán, buôn bán qua lại, chăm chỉ canh tác ruộng đồng, quen việc cần kiệm. Vì đất xấu dân nghèo nên bản tính mộc mạc, luôn chăm chỉ, đôn hậu, vốn trọng uy danh, dạy việc công nghĩa. Phong tục giản đơn, đỗ đạt làm quan vẻ vang, thời nào cũng có người tài khắp cả triều đình và ngoài biên, tên tuổi được ghi trong sách vở. Người ở Hoan Châu tài giỏi, ham học, những điều trông thấy đều được truyền lại”.

Cũng trong Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên chép về lời khen của vua Minh Mạng: “Học trò người Nghệ An là khí khái, hào mại, trừ Phú Xuân và Gia Định ra thôi không đâu bằng. Bởi thế thân binh của các vua thánh triều ta phần nhiều lấy ở Nghệ An, đó là điềm phước cho vương triều”.

pctt9099908-1012020-1539-2918.jpeg
Phối cảnh Đền Quả Sơn (huyện Đô Lương).

Một vùng văn hóa trù phú, rất giàu giá trị nhân văn, làm rạng danh không chỉ cho quê hương mà cả đất nước; với những danh nhân không chỉ của Việt Nam mà cả nhân loại như Nguyễn Du, Hồ Chí Minh; rồi những con người, vùng đất, dòng họ rạng danh núi sông bao thế kỷ. Với xứ Nghệ thì đó là họ Nguyễn Tiên Điền ở Nghi Xuân; họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu ở Can Lộc; họ Hoàng Xuân ở Yên Hồ, Đức Thọ; họ Hồ ở Quỳnh Lưu; họ Nguyễn Sinh ở Nam Đàn; họ Cao Xuân ở Diễn Châu; họ Đặng ở Thanh Chương; họ Nguyễn Đức ở Nghi Lộc; họ Nguyễn Khắc, Hà Huy ở Hương Sơn...

Nghệ An là cái nôi của Hoan Châu và là đất nền tảng của xứ Trại (so với xứ Kinh ngoài Bắc). Cái nôi ấy nuôi dưỡng những nhà tư tưởng, những thế hệ trí thức tiêu biểu nhất của đất nước và nay là những lãnh đạo, để lại nhiều sản văn hoá, dòng họ và danh nhân văn hóa, với nền tảng dân cư mạnh mẽ và chăm chỉ. Qua những đợt di dân trong thế kỷ qua, người Nghệ đã đi khắp thế giới. Tôi đã gặp người Nghệ ở Mỹ, Anh, Pháp, Đông Âu và có thể nói, Nghệ kiều ở khắp nơi, có lẽ là xứ mà chiếm tỷ lệ lớn nhất trong hàng triệu người Việt kiều trên thế giới…

nhungtamguongcongsan-anhdaidien-600x315-2482-2700.jpg
Nghệ An là vùng đất nuôi dưỡng những nhà tư tưởng, những thế hệ trí thức tiêu biểu nhất của đất nước.

Những gương mặt tiêu biểu của người Việt thế kỷ XX từ đất Nghệ ra đi vì chí lớn là Phan Bội Châu và Hồ Chí Minh, rồi cùng với những nhân vật như Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Xiển, Đặng Thai Mai... đã đi ra thế giới. Họ ra đi trong một khát khao tìm hiểu, từ sự giao lưu với các nền tri thức thế giới, với các nền văn minh nhân loại (với Phan Bội Châu là Nhật Bản và Trung Quốc, với Hồ Chí Minh là châu Âu, nước Mỹ… ), làm dày thêm lên sự giàu có trong nhận thức, trí tuệ, và bồi đắp họ trở thành những vĩ nhân. Điều gì đã tạo nên sự vĩ đại ấy? Không thể không nói đến - đó là những khát khao được tích tụ lại, những kiên nhẫn và kiên trì tìm đường, gắn với hoàn cảnh không gian, thời gian, bối cảnh nơi chốn sinh ra và lớn lên.

Vì thế, hoàn toàn có thể khẳng định sự tồn tại vững chắc của một vùng văn hóa xứ Nghệ. Một vùng văn hóa nối kết từ lịch sử xa xưa trên sự giàu có vốn văn hóa dân gian và văn chương bác học, trên sự phát triển của cả dân tộc mà kết tinh chính là những vĩ nhân và di sản của họ, cũng là di sản của quê hương, của dân tộc… Xứ Nghệ cho thấy vị trí vô cùng lớn lao, thậm chí có thể nói là một trong những cái nôi lớn lao nhất, với những di sản văn hiến, văn vật, con người lớn lao nhất... trong toàn bộ dòng chảy và sự phát triển của dân tộc Việt,

Khoảng trống hôm nay…

Ngày nay, trong dòng chảy miệt mài của lịch sử, khi chúng ta đang chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của Việt Nam trên thế giới và thậm chí nhìn rõ hơn bức tranh đất nước trong tương lai 2030-2045, đó là một cường quốc tầm trung trong khu vực, một nền kinh tế thị trường vững chắc, sớm hay muộn đôi chút cũng sẽ trở thành một quốc gia công nghiệp hóa. Trong bức tranh ấy, trong dòng chảy ấy, xứ Nghệ sẽ ở đâu?

1144017074205-922019-7449.jpeg
Người dân xin chữ đầu Xuân tại chùa Đại Tuệ (Nam Đàn). Ảnh tư liệu: Thành Cường

Rất nhiều những vấn đề đặt ra đối với cả đất nước Việt Nam nói chung và xứ Nghệ nói riêng: những di sản đổ vỡ, mất mát nhiều lắm trong thế kỷ bom đạn và lạc hậu, đã và đang được xây dựng lại, nhưng nhà cửa, đá và gạch có thể “hồi sinh”, còn biết bao di sản văn hóa phi vật thể khó lòng dựng lại như thế; cái nôi của một vùng đất hiếu học vẫn còn hiện hữu những mệnh đề khó giải khi thiếu nhân lực chất lượng cao trong các ngành nghề, giáo dục đại trà vẫn chưa là điểm sáng, những vấn nạn của ngành giáo dục thời hiện đại còn cần trăn trở tháo gỡ…; xứ Nghệ trong dòng chảy chuyển dịch địa chính trị; sự kết nối của người Nghệ trong và ngoài nước, giữa người Nghệ ở Hà Nội, ở TP. Hồ Chí Minh với quê hương… và những thách thức thế hệ người Nghệ mới tại quê hương đang đặt ra.

Hàng loạt những nhân vật xứ Nghệ trong lịch sử đã để lại di sản lớn lao về văn hóa. Xét riêng về sự học, về một nền móng giáo dục làm căn bản cho việc trồng người thì theo nhận thức của tôi, sự sa sút bộc lộ rõ ở giai đoạn cuối thế kỷ XX, sau khi kết thúc chiến tranh. Tính kế tục của thế hệ xem ra không còn, và sự hẫng hụt đó đang tạo ra một khoảng trống lớn có thể tính bằng vài thế hệ. Sự hẫng hụt này có thể là một trong các nguyên cớ chính, hoặc sâu xa gây hạn chế cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở xứ Nghệ.

108585426-3032018-6218.jpeg
Bé trai 5 tuổi đánh trống tế tại Lễ hội đền - chùa Gám ở xã Xuân Thành, huyện Yên Thành. Ảnh tư liệu: Huy Thư

Quê tôi xã Đông Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, ngần ấy năm, chứng kiến nhiều đổi thay đã gợi cho tôi nhiều suy tư trăn trở, vui buồn lẫn lộn. Sau gần 100 năm kể từ Xô viết Nghệ Tĩnh 1930, rồi qua những thập niên chiến tranh và mất mát, qua hơn 30 năm Đổi Mới, nền kinh tế thị trường đã mang lại những thay đổi lớn lao cho quê hương, nhưng tôi đầy ưu tư và lo ngại về văn hóa lẫn con người khi chứng kiến những biểu hiện đứt gãy, sút kém, mòn mỏi.

Trong những dịp về quê để dự các lễ hội, gặp gỡ họ hàng, bà con mà thấy thiếu vắng các tri thức và văn hóa trong hoạt động, trong tư duy và suy nghĩ. Hiệu sách giữa phố huyện Đô Lương, cũng như các huyện khác đã mất hết rồi. Những năm tháng chứng kiến ông tôi cùng những cụ già trò chuyện về văn hóa, về lịch sử và gia tộc đã không còn nữa. Các dòng họ thiếu vắng những gương mặt có tư duy và chất lượng về văn hóa, hiểu biết, uy tín và học thuật, thiếu hẳn những người có sự hiểu biết sâu sắc về lịch sử, gia đình, dòng họ, quê hương.

Thu nhập, cuộc sống của xã hội đã tốt hơn trước đây, nhưng đó chỉ là về mặt vật chất, chứ về tinh thần, văn hóa, truyền thống và tri thức thì dường như có phần suy giảm. Cảm tưởng rằng học thức chung của xã hội tăng lên, nhiều người đỗ đại học hơn, nhưng những tấm gương, những nhân vật có thành tựu và uy tín nổi trội trong xóm làng nhờ đạo đức, kiến thức và tư duy lại ít đi so với trước đây. Họ không ở quê, họ ở lại Hà Nội và các thành phố khác…

71156667-2522019-4620.jpeg
Tung kiệu tại Lễ hội đền Cờn. Ảnh tư liệu: Huy Thư

Trước đây, những cụ già, những thầy đồ hay thầy giáo, nhiều người cũng chỉ là giáo làng hay dạy phổ thông thôi, nhưng tôi nhìn thấy ở họ chất trí thức và học giả như thể là những hòn đá tảng, như thể là kim chỉ nam, là mỏ neo để điều chỉnh và định hướng cho những hoạt động văn hóa trong dòng họ và thôn quê. Những buổi tối ngày thơ bé, cha tôi mời bà con, hàng xóm đến trò chuyện về quê hương và đất nước, về những giá trị văn hóa và lịch sử của làng, của huyện, của các dòng họ. Nhưng thật tiếc, ngày nay, những buổi trò chuyện tri thức như thế ngày càng vơi dần đi.

Hiếm còn cảnh các cụ già chống gậy đi thăm nhau bàn những chuyện văn hóa và giáo dục. Giờ đây, câu chuyện mỗi lần gặp chỉ là chuyện kiếm tiền, xây nhà, ăn uống, hay xầm xì về người này, người kia… Ở đâu đó, anh em họ tộc gặp nhau phần nhiều chỉ là những bữa liên hoan, ăn uống tụ tập có phần ầm ĩ và tốn kém, nhưng sự thân tình lại có phần phai nhạt, gượng gạo. Tụ họp trong khuôn viên nhà thờ vừa được tôn tạo với chi phí hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng, vậy mà nhìn khuôn mặt của mọi người xung quanh đều không thực vui. Những đứa trẻ nhìn nhà thờ và nhìn chúng tôi ngơ ngác, lạ lẫm, còn đâu cảnh đầm ấm, thân thiết ngày nào. Những câu chuyện kể về tổ tiên, ông bà thưa vắng, mà thay vào đó là chuyện tiền nong, tranh tị và so bì, rồi rượu chè có khi gây thành cãi cọ, chẳng ai chịu ai…

Nhiều người đua nhau đóng góp tiền của trong việc xây cất mồ mả, nhà thờ khang trang nhưng thiếu đi những hoạt động có tính văn hóa và chiều sâu, đặc biệt là ở lớp trẻ ở quê. Sự thiếu hụt nhóm người kế cận có trình độ, kiến thức và hiểu biết về văn hóa là điều đáng lo ngại nhất về chất lượng con người của cộng đồng. Ai sẽ tiếp nối những hoạt động hiện nay trong 10-20 năm nữa? Sự kế tục về con người rồi sẽ có nhưng trình độ của họ thế nào? Tôi đang nhìn thấy sự đứt gãy vô cùng lớn về tri thức, hiểu biết và năng lực trong dòng họ, trong quê hương, cộng đồng mà chưa thấy tia sáng nào của sự hàn gắn và tiếp nối.

Tôi cảm nhận dường như những “mỏ neo” đóng vai trò trụ cột về văn hóa và tinh thần đã mất mát đi rất nhiều, vì thế, ngày nay chỉ còn cái vỏ bề ngoài qua những nhà cửa to hơn, mồ mả to hơn, đền thờ lớn hơn, những bữa tiệc linh đình nhưng quá ít những đầu tư chú trọng thực sự cho các nền tảng tri thức và văn hóa. Những sự đầu tư mà 90% chỉ là gạch vữa, vôi cát, là gỗ, là sắt thép… mà thiếu đi cái hồn và cái tâm của con người. Những con người có chất lượng nhất, giỏi giang nhất lần lượt rời quê hương ra đi và rất ít trở về, để lại khoảng trống mênh mông về văn hóa và hiểu biết.

Những người trẻ quê tôi sinh ra sau năm 2000 sống ở các đô thị lớn như Hà Nội, mối quan hệ gắn bó với vùng đất Nghệ An rồi đây chỉ còn là một sợi dây mờ nhạt. Các thế hệ trẻ dần dần trở nên cách biệt với quê, cách biệt về văn hóa, về lịch sử và cách biệt với cộng đồng; sau này nếu có về quê thì chắc cũng chỉ trong dịp lễ hội hoặc cùng lắm vài năm một lần, như những chuyến du lịch, rồi thưa dần. Mối quan hệ giữa nhóm con cháu sinh ra ở Hà Nội và ở quê chắc chắn sẽ mờ nhạt đi rất nhiều so với thế hệ của cha chú mà tôi gọi là thế hệ kết nối, và thế hệ của tôi là thế hệ chuyển giao.

Sau cùng, trong mọi sự đứt gãy và trống vắng đó, giải pháp ý nghĩa nhất phải là nâng cao dân trí, văn hóa và hiểu biết truyền thống về dòng họ, về quê hương mà ở đó, trình độ, hiểu biết, đạo đức và phẩm chất con người là nền tảng vững chắc nhất cho một cộng đồng thịnh vượng và bền vững.

https://baonghean.vn/nghi-ve-dong-chay-di-san-van-hoa-xu-nghe-post284631.html


  Các Tin khác
  + Bản sắc SLNA - sự khác biệt tuyệt vời ở V.League 2024/2025 (31/08/2024)
  + Làng Đỏ - nơi”căm thù như biển lửa, đã đứng lên”… (31/08/2024)
  + Đại gia Trần Quang Luận và hệ sinh thái Thanh Thành Đạt nổi danh xứ Nghệ (15/08/2024)
  + Khát vọng Thanh Chương (11/08/2024)
  + Hà Tĩnh gặp mặt chúc mừng học sinh đoạt HCB Olympic Toán học quốc tế (02/08/2024)
  + Cầu Nhe - nơi ghi dấu tinh thần quả cảm của 53 liệt sỹ (23/07/2024)
  + Vô xứ Nghệ thăm quê Bác (13/07/2024)
  + Về lại Nậm Nơn (02/07/2024)
  + 48 giờ ở Nghệ An (17/06/2024)
  + Bến Thủy - cây cầu thế kỷ của xứ Nghệ (09/06/2024)
  + Đôi vợ chồng "thổi hồn" vào dân ca ví, giặm (06/06/2024)
  + 9 điểm du lịch hấp dẫn không thể bỏ qua khi đến miền Tây xứ Nghệ (26/05/2024)
  + Trần Đình Sơn - "cánh chim đầu đàn” của điền kinh Hà Tĩnh (25/05/2024)
  + Nghệ An: Cả làng kiếm bộn tiền từ con đặc sản "cưỡi máy bay xuất ngoại” (20/05/2024)
  + Chiêm ngưỡng hàng cây xà cừ cổ thụ trên quê hương Bác (20/05/2024)
  + Đổi thay trên quê hương Bác (20/05/2024)
  + Sáng tháng Năm về thăm quê Bác (16/05/2024)
  + Xúc động Chương trình nghệ thuật “Làng Sen nuôi chí lớn” (10/05/2024)
  + Ngược biên giới gặp anh nông dân hiến tặng 4.000m2 đất xây trường (10/05/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Gặp người lính "khoét núi, ngủ hầm" (08/05/2024)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 5
Total: 63570596

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July