Trang chủ Liên hệ       Thứ sáu, Ngày 29/03/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
  -  Đất và người Xứ Nghệ
  -  Dân ca Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Truyền thống Nghệ Tĩnh > Đất và người Xứ Nghệ >
  Du ký Nghệ An trăm năm trước Du ký Nghệ An trăm năm trước , Người xứ Nghệ Kiev
 
(Baonghean.vn) - Xã hội Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX, theo xu thế phát triển chung, nhu cầu hiểu biết, khám phá những vùng đất mới ngày càng tăng và trở thành động lực thúc đẩy hoạt động du lịch, đặc biệt với giới hữu sản và tầng lớp trí thức. Ghi dấu giai đoạn này có những du ký đặc sắc, trong đó có những trang du ký sinh động, ấm áp nghĩa tình về vùng đất Nghệ An non xanh nước biếc của đức Cha X., Phạm Quỳnh, Đào Hùng, Nguyễn Đức Tánh, Nguyễn Thành Châu, Mai Hữu Khanh, Thanh Phong, Hồng Sơn, Vũ Tuân Sán…

Toàn cảnh đền Cuông. Ảnh: Sách Nguyễn

Chuyến du ngoạn của Đức Cha X.

Vào ngày đầu tháng 10/1917, đức Cha X. họp thành nhóm “bốn người bà con” cùng thực hiện chuyến du ngoạn dài ngày và được kể lại trong du ký trường thiên in nối 16 kỳ Đi chơi ngoài Bắc Kỳ, Huế và bên Tàu (Nam Kỳ địa phận, năm 1917 - 1918). Đoàn lên tàu biển Paul Lecat từ Sài Gòn ra Tourane (Đà Nẵng), cùng chuyến với quan Toàn quyền Albert Pierre Sarraut (1872 - 1962). Từ đây là sự kết hợp cả những xe kéo tay, đò, mảng, ô tô, tàu hỏa. 
Vừa tròn nửa tháng du ngoạn Đà Nẵng, Hội An, Huế, Quảng Trị, dự định bắt xe hơi ra Vinh “có ý cho biết Nghệ An”, song vừa sắm sửa đi thì có nước lụt, đường sá đứt hết, nên túng thế phải trở lại Đà Nẵng đón tàu thẳng ra Hà Nội.

Sau chuyến du ngoạn mấy tỉnh phía Bắc và qua chơi Vân Nam (Trung Quốc), tới ngày 27/11, đoàn ngược về Nghệ An thăm cảng Bến Thủy: “Mướn xe hơi đi chơi cho biết trong xứ. Đi Bến Thủy gần Vinh chừng mười ngàn thước. Xe lửa ở Hà Nội tới Vinh rồi chạy thẳng qua Bến Thủy ở đó vì là cùng đường, không đi xe được nữa. Tại Bến Thủy có sông tàu đậu cũng là bộn, có tàu đi Hồng Kông nữa đặng chở hàng hóa. Có hai cái nhà máy cưa cây, và nhà máy diêm cũng là một hàng với nhà ở Hà Nội”, rồi xuôi ra mạn biển: “Đi Bến Thủy rồi chở lại chạy ra Cửa Lò xa được hai chục ngàn thước tây, mé biển mát mẻ, là nơi người Tây ra ở nghỉ hứng gió. Có thợ lưới cá biển đi ngoài biển mới về, họ không dùng thuyền dùng ghe, dùng bè bằng tre nhỏ nhỏ như ghe vậy, mỗi người một bè, đi như vậy không sợ chìm. Chúng tôi kêu mấy người thợ lại chụp hình chơi đặng để làm dấu tích. Người quê mùa thật thà vậy là dễ thương quá”... 
Đức Cha X. quan sát và so sánh cuộc sống, cảnh quan các vùng miền với nhau: “Chiều đi dạo châu thành. Phố xá nhà cửa buôn bán ngó cũng như các hạt trong Lục tỉnh, đây là Trung Kỳ, không phải như là Bắc Kỳ, nghĩa là đây thì người Khách bán phần nhiều hơn, còn An Nam thì lại mua phần nhiều hơn. Đi ra phía trong nữa thì coi như ở Bạc Liêu trong Lục tỉnh, cây cối đường xá giống như vậy. Lại có cái sông có chợ và ghe coi cũng là từa tựa.
Song ở Bạc Liêu thì người ta rằng “Dưới sông cá chốt, trên bờ Triều Châu”, còn ở đây thì dưới sông bùn nhiều đến nỗi cạn sông, còn ở trên bờ thì là đàn bà bới đầu tóc, kẻ thì có bánh lái, người có bánh rế, không biết còn có bánh gì nữa không. Ở đây cũng như ở Thanh Hóa, có quan Tổng đốc cai trị dân An Nam chung cùng với nhà nước Tây, vì từ Thanh Hóa sắp xuống thì là thuộc về Trung Kỳ, còn nhà nước An Nam dưới quyền Vua An Nam. Nhà thờ Vinh nhỏ và gọn ghẽ, sạch sẽ, coi đẹp đẽ lắm”...

Qua hôm sau, tác giả nhận xét, đánh giá tình hình quản lý giao thông vận tải theo mô hình tư nhân, chất lượng, hiệu quả, logistics: “Ngày 28 Novembre. - Mướn xe hơi đi về Huế. Ở tại Vinh có hàng xe hơi An Nam của hội Phạm Văn Phi cũng là hẳn hoi. Ở đâu đâu trong Bắc Kỳ, Trung Kỳ cũng có người thay mặt. Hãng này có xe đi nhiều nơi, nên hoặc muốn đi theo xe thô bộ hành hay là mướn xe riêng cũng được. Đường đất ở Trung Kỳ, Bắc Kỳ dài xa lắm, nên có xe sẵn như vậy cũng là tiện cho người đi đường như chúng tôi. Bởi đó nên khi chúng tôi tới Vinh thì lo mướn xe đi về Huế. Người thay mặt cho hãng tại Vinh cũng là tử tế đãi đáp, ngày trước khi chúng tôi đi Bến Thủy chơi, thì có đi theo mà cắt nghĩa chỉ đàng, ấy là cũng một điều biết chiêu hiền đãi sĩ”

Lại nói, sau mấy ngày du chơi thành Vinh - xứ Nghệ và một lần “thăm lại anh em quen lớn tại Vinh một ngày” rồi chuẩn bị thuê xe hơi xuôi phương Nam. Chỉ tiếc, các vị đã chọn chuyến du lịch đúng vào mùa mưa miền Trung nên ngay sau khi rời Nghệ An thì: “Ông Trời bà Đất ôi! Nào ai dè trong cuộc đi chơi Trung Kỳ, Bắc Kỳ này mà phải đi xuôi về ngược đâu! Khởi sự từ đây mới thấy cực là đa, phải trèo non lội suối, phải ăn cực ngủ khổ như tôi sẽ thuật sau đây. Thiệt là trần ai khổ nhọc”…

Tổng thuật về đường xe lửa Vinh - Đông Hà

Vào tháng 2/1922, Chính phủ Nam Pháp cử phái bộ những quan chức, thân hào, nhân sĩ, trí thức Bắc Kỳ đi quan sát về sự ích lợi đường xe lửa tuyến Bắc Trung Bộ và nhân thể tới Kinh đô Huế diện kiến Vua Khải Định. Học giả, ký giả Phạm Quỳnh - Chủ nhiệm bản báo Nam phong tạp chí, có dự chân vào phái bộ ấy, khi về đã làm tờ trình bằng Pháp văn ghi chép việc du lịch của phái bộ, được dịch in ngay với nhan đề Tổng thuật về việc phái bộ Bắc Kỳ đi quan sát đường xe lửa Vinh - Đông Hà. Tác phẩm thuộc dòng du ký công vụ.

Màn múa rồng, lân đặc sắc của các diễn viên Trung tâm VHTT huyện Nam Đàn tại Lễ hội Đền Vua Mai năm 2019. (Ảnh tư liệu) Đoạn dừng chân ở Nghệ An được phác thảo ngắn gọn: “Chiều tới Vinh, có quan Thượng Nghệ và quan Phó sứ đã đợi sẵn ở ga, chỉ phòng ở các nhà khách sạn cho phái viên nghỉ. Ai nấy xếp đặt hành lý, rồi vào thăm quan Chánh sứ Métaireau. Đến bảy giờ rưỡi thời quan Thượng mới vào dự tiệc trong dinh. Hai quan Thượng Hoàng Trọng Phu và Trần Văn Thông thời nghỉ ở dinh quan Thượng Nghệ, các phái viên khác thời nghỉ ở khách sạn. Sớm mai là ngày 17, lên xe ô tô tự Vinh đi, có ba chiếc xe của Chánh phủ đã xếp sẵn và hai cái xe riêng của ông Bạch Thái Bưởi ở Hải Phòng đem lại và ông Trần Ngọc Thiện ở Bến Thủy đem theo. Quan tỉnh Hà Tĩnh có phái quan Bố tỉnh ra Nghệ đón phái bộ để làm hướng đạo cho đi xem miền Hương Khê, là miền xe lửa sẽ đặt qua sau này (Nam phong tạp chí, 1922)…

Đặc biệt, trên Nam phong tạp chí còn xuất hiện du ký trường thiên Các nơi cổ tích đất Nghệ Tĩnh (in 5 kỳ, 1928-1929) của nhà giáo Nguyễn Đức Tánh. Trong đó, Nguyễn Đức Tánh xác lập bảng “Phụ lục chương trình các cuộc du lịch học khóa về lịch sử”, chia thành ba nhóm di tích chính: Súng thần công cổ (gồm súng đồng và gang, ở 4 nơi) - Các đền đài, lăng tẩm (14 điểm di tích) - Các thành quách cổ (5 điểm di tích) và đưa đoàn học sinh đến thăm Tòa sứ, Võ Miếu trong thành Vinh và thành Phủ Diễn; thăm đền đài, lăng tẩm như Văn Miếu đời Lê ở Yên Trường; các đền Hiển Quang, Tuyên Nghĩa, Nguyễn Biểu, Am Hạ, An Quốc, Thái Phúc và nguồn Hương Truyền ở Lam Thành; qua thăm đền Vua Bà, Mai Hắc Đế (có tượng Chiêm Thành, thế kỷ thứ 7), đình Hoành Sơn, thành Vạn An, Lưỡng Quân Đẩu, Lồi Vương ở Nam Đàn; đền Thục An Dương Vương ở Mộ Dạ Sơn (Diễn Châu)… Có thể coi tác phẩm Các nơi cổ tích đất Nghệ Tĩnh của ký giả - nhà giáo Nguyễn Đức Tánh là bài tập mẫu cho lối văn du ký gắn học với trải nghiệm thực tế giai đoạn từ nửa đầu thế kỷ XX cho tới hôm nay.
Trong một trường hợp khác, nhà Hán học Trúc Khê Ngô Văn Triện chỉ đi tàu đêm qua miền núi Hồng sông Lam cũng bâng khuâng hoài cảm, làm thơ, suy tưởng chuyện người, chuyện đời, thời gian, lịch sử: “Vầng trăng cao treo ở đằng phía trời tây, tỏa ánh trong vắt xuống Hồng Lam non nước. Những đám mây đen ướt át đã bị quét đi đằng nào hết, chỉ còn một vài bè mây trắng, trôi lững lờ trên khoảng vô biên. Tôi mừng rỡ vô cùng, thế là cái ngày mai tươi sáng, quả đã đến với chúng tôi thật. Tôi nhân khẩu chiếm được bốn câu sau này: Hai trăm dặm lẻ vượt trong mưa/ Khí lạnh bằng lời hiu hắt đưa/ Giấc bướm bâng khuâng bừng tỉnh dậy/ Lam Hồng chợt hiện dưới trăng tơ… Xe đã đi qua sông Lam, tôi ngồi nhìn đăm đăm về dải Trường Sơn ở phía Tây, trong lòng bâng khuâng với nhiều mối suy nghĩ.

Một dãy núi cao vời vợi và sừng sững thế kia, thảo nào mấy nghìn năm nay nó đã ngăn cản dân tộc ta bước đường tây tiến. Ngoảnh về phía Tây, ta bị vấp phải những đống đá lớn lù lù ấy, trách nào mà sức bành trướng của dân tộc, chẳng cứ hướng về phía Nam cho mãi đến tận bờ bể nam rồi mới chịu ngừng. Cho hay địa hiểm cũng có giúp ích cho sự bảo vệ cuộc sống của các dân tộc nhiều, những dân tộc ở bên kia Trường Sơn, chắc là họ cũng biết ơn dải núi hiếm có ấy.

Tôi lại nghĩ đến trong khoảng cao ngất xanh mờ kia, về hồi vãn Lê đã có một vị anh hùng cát cứ mấy mươi năm dai dẳng. Vị anh hùng ấy là Hoàng tử Lê Duy Mật, giận vì Vua Lê mất quyền, nổi quân định diệt trừ Chúa Trịnh. Nhưng vì sức yếu không đánh đổ được Trịnh, phải lui vào giữ ở Trấn Ninh, cõi đất len vào giữa khoảng núi non trùng điệp kia, do đời Lê Thánh Tông lấy được của Lào (nay đất ấy lại trở về Lào). Nay chẳng hay lũy cũ Trình Quang, có còn dấu vết gì của Thiên Nam Đế Tử hay đã bị thời gian xóa nhòa đi hết?” (Chơi Huế - Nước Nam, 1943)

Nhân ngày Xuân, đọc lại mấy trang du ký về Nghệ An giai đoạn đầu thế kỷ XX cách ngày nay vừa khoảng trăm năm càng hiểu thêm cái hay của thể tài văn học du ký. Đọc văn du ký về Nghệ An chính là “Ngồi một chỗ mà thấy ngoài muôn dặm”, thấy cả cõi người hôm qua, hôm nay và ngày mai. Nhiều trang du ký Nghệ An thực sự có ý nghĩa là bảo tàng bằng ngôn từ nghệ thuật, ghi chép lại hình ảnh cuộc sống, cảnh quan môi trường một thuở trăm năm, thiết thực phục vụ cho bộ môn văn hóa - văn học địa phương và những người ham thích du ngoạn, yêu thích thể tài văn học du ký.

  Các Tin khác
  + Vui hội đền Chín Gian (23/03/2024)
  +   Đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh Khu lưu niệm Đại tướng Chu Huy Mân (17/03/2024)
  + Tưng bừng khai hội Đền Thanh Liệt năm 2024 (17/03/2024)
  + Công an Nghệ An xứng danh anh hùng, đồng sức đồng lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân (10/03/2024)
  + Những chiến sĩ áo trắng vùng biên: Quyết không bỏ nghề, tất cả vì sức khỏe nhân dân (06/03/2024)
  + Về "làng Khoa bảng " xem bà con nông dân làm du lịch (06/03/2024)
  + Dòng sông Mai Giang chảy qua thị xã nào của Nghệ An, có lễ hội gì mà vạn người trên bờ cổ vũ? (02/03/2024)
  + Nghệ sĩ Lê Thanh Phong và hành trình đưa ví, giặm vượt biên giới (01/03/2024)
  + Nhiều viên gạch quý hiếm tại đền thờ Trạng nguyên Hồ Hưng Dật (01/03/2024)
  + Lưu mãi nét đẹp văn hoá Thổ ở làng Mo Mới (01/03/2024)
  + Nghĩ về dòng chảy di sản văn hóa xứ Nghệ (01/03/2024)
  + Đặc sản thịt chua xứ Nghệ vào vụ Tết (30/01/2024)
  + Biển Cửa Lò ở Nghệ An có từ bao giờ, cái tên Thiên Cầm ở Hà Tĩnh sao lại liên quan đến Hồ Quý Ly? (30/01/2024)
  + Một cây cổ thụ 700 năm tuổi ở Hà Tĩnh tương truyền cứu vua Lê Thái Tổ nay vẫn xanh um, quả thơm khắp làng (30/01/2024)
  + TẢN MẠN CHUYỆN Ở XÓM... (02/11/2023)
  + Ngôi chùa nhà Trần với tích tiên nữ giáng trần dạo chơi, rửa chân ở Hà Tĩnh có gì đặc biệt? (16/10/2023)
  + Làng cổ ở Nghệ An là làng duy nhất của Việt Nam có tới 3 nhà khoa bảng giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám (16/10/2023)
  + Bí ẩn ngôi chùa cổ do con trai vua Lý Thái Tổ lập, cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an ở Hà Tĩnh (16/10/2023)
  + Đây là con đèo nổi tiếng giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình, có Hoành Sơn Quan do vua Minh Mạng cho xây năm 1883 (16/10/2023)
  + Cuộc thi kỳ lạ ở một làng ven biển Hà Tĩnh, dân thi chạy bằng hai cây gậy cao lênh khênh (28/08/2023)
Playlist

GIỚI THIỆU
 

Kính thưa quý độc giả 

Website nguoixunghekiev.vn

hoạt động chính thức từ tháng

10/2012. và  phi lợi nhuận.

Trang tin đăng tải tin tức 

của cộng đồng người Việt tại Kiev

và toàn Ucraina, đồng thời lấy tin 

từ các trang báo mạng khác trên

nguyên tắc trích dẫn nguyên bản 

đường nguồn chính. Là những

người làm báo không chuyên nên

chắc chắn sẽ gặp sai sót không

mong muốn, chúng tôi sẽ tiếp thu 

chân thành những góp ý xây dựng 

của quý độc giả để cho trang tin 

ngày càng hoàn thiện hơn, xin gửi

về mục liên hệ trên mặt báo hoặc

Email: hosytruc@gmail.com

ĐT: 093-712-24-57

093-973-97-39

Xin trân trọng cảm ơn.

Biên tập: Hồ Sỹ Trúc

 

 

 
 
 

 

 


QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 1
Total: 59770094

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July