Trang chủ Liên hệ       Thứ tư, Ngày 22/01/2025
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
  -  Đất và người Xứ Nghệ
  -  Dân ca Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Truyền thống Nghệ Tĩnh > Đất và người Xứ Nghệ >
  Tiếng khèn Mông trên vùng cao xứ Nghệ Tiếng khèn Mông trên vùng cao xứ Nghệ , Người xứ Nghệ Kiev
 

Hiện nay, các bạn trẻ người Mông ở các xã thuộc huyện miền núi Tương Dương (Nghệ An) vẫn rất thích nghe âm nhạc của dân tộc mình, thích hát những làn điệu dân ca truyền thống. Bởi vậy, khi Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An mở lớp dạy thổi khèn, múa khèn ở bản Huổi Cọ, xã Nhôn Mai đã thu hút rất nhiều bạn trẻ theo học. Đây là tín hiệu rất vui và mở ra cơ hội để nhân rộng lớp học tại các bản, làng khác trên địa bàn các huyện vùng cao, miền núi của Nghệ An.

Mở lớp dạy khèn Mông

Chúng tôi đặt chân tới bản Huồi Cọ (xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương, Nghệ An) vào một ngày đầu mùa Thu. Đây là bản có 55 hộ người Mông định cư đã lâu đời. Cộng đồng người Mông nơi đây vẫn lưu giữ được những nét văn hóa mang đậm bản sắc của dân tộc mình. Hàng ngày, tiếng khèn vẫn vang lên trầm bổng từ đầu bản đến cuối bản như một âm thanh quen thuộc không thể thiếu trong cuộc sống đồng bào nơi đây.

Trưởng bản Huồi Cọ-Và Khua Đớ chia sẻ, những năm trước, khi thấy lớp trẻ trong bản chỉ mê nhạc ngoại, nhạc hiện đại mà quên mất điệu khèn, tiếng “cự xia” (dân ca) của dân tộc mình nên các già làng cảm thấy rất lo lắng. Trong các cuộc họp thôn, một số người đã đề xuất nguyện vọng mong muốn bảo tồn nét đẹp văn hóa này của dân tộc. Tiếp thu những đề xuất, nguyện vọng đó, từ tháng 4 năm 2020, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An đã mở lớp dạy khèn Mông ngay tại bản Huồi Cọ để mọi người được theo học. Thầy dạy chính là nghệ nhân Và Bá Đùa, người thổi khèn hay nhất ở huyện Tương Dương.

Lớp học thổi khèn, múa khèn Mông ở Nhôn Mai (Tương Dương) do nghệ nhân Và Bá Đùa truyền dạy.
Ảnh:  Đình Tuân

Lớp học được mở ra tại Nhà văn hóa bản, thu hút gần 40 người tham gia, hầu hết là tầng lớp thanh-thiếu niên. “Mình là người Mông mà không biết thổi khèn Mông, múa khèn Mông thì ngại lắm. Được bác Và Bá Đùa dạy cho mọi người đều rất hào hứng. Sau mấy tháng, chúng mình đã biết thổi khèn, múa khèn rồi. Còn muốn thổi hay, múa đẹp nữa thì còn phải rèn luyện nhiều”, Và Bá Xểnh, một chàng trai ở Huồi Cọ cho hay.

Gặp nghệ sĩ của bản làng

Rời Huồi Cọ, chúng tôi tới bản Phà Nọi (xã Mường Típ, huyện Kỳ Sơn). Bản nằm chênh vênh bên dòng suối nhỏ với những nếp nhà truyền thống của người Mông. Khi chúng tôi vào bản cũng đúng lúc lũ trẻ dong trâu từ bãi chăn thả về bản. Từ căn nhà gỗ bên đường vọng ra tiếng nhạc trầm bổng, lúc tỷ tê tâm tình, lúc lại ngân vang réo rắt. Nhìn vào, chúng tôi thấy một ông bố trẻ tay cầm khèn ngồi thổi, 2 đứa con nhỏ đang nép vào vai ông bố.

Nhà có khách lạ, ông bố trẻ ngừng tiếng nhạc, ngó lên cất lời chào. Người bố trẻ ấy là Và Bá Dì, năm nay hơn 30 tuổi. Anh là một trong 2 người thổi khèn giỏi nhất bản Pà Nọi.

Nói chuyện về thổi khèn, Và Bá Dì say sưa. Dì cho biết, trong những cuộc giao lưu văn hóa vùng 4 xã Nậm Càn, Na Ngoi, Mường Ải, Mường Típ, anh luôn giành giải cao nhất. Là một người đam mê khèn Mông, lúc nào trong nhà Và Bá Dì cũng có 2 chiếc khèn. Người Mông ở miền Tây xứ Nghệ chẳng mấy ai còn biết cách chế tác khèn Mông như ở các tỉnh miền núi phía Bắc nên họ phải mua khèn từ những người bán rong bên Lào sang, thậm chí phải sang tận nước bạn mới mua được cái khèn như ý.

 Và Bá Dì luyện khèn Mông

Theo Và Bá Dì, người Mông có khá nhiều những điệu múa khèn. Một người được cho là giỏi ít nhất phải biết thổi và múa 6 điệu khèn. Điệu khèn đơn giản nhất gọi là “tờn đí”. Để học được điệu khèn này không hề đơn giản, bởi đó là bài tập đầu tiên. Trong khi việc làm chủ được cái khèn và những nốt nhạc đã là cả một việc gian nan đối với người mới tập thì việc để thổi ra bản nhạc lại càng khó khăn. Một khi đã làm chủ được cây khèn và bài tập đầu tiên thì việc học khèn trở nên đơn giản hơn.

Một người thổi khèn giỏi chưa hẳn đã múa đẹp. Những điệu múa nhìn qua tưởng như đơn giản, nhưng để tập được nó cũng phải tốn công và kiên nhẫn lắm. Ngày mới tập múa khèn, chỉ với điệu múa vừa thổi khèn vừa đá chân ra sau hay về phía trước cũng khiến Và Bá Dì tập luyện mất đúng một mùa trăng. Rồi sau đó, anh đã học được 6 điệu khèn. Có bài chỉ tung tẩy chân tay theo tiết tấu của bản nhạc, có bài vừa tung chân vừa phải đi vòng tròn. Những điệu múa khèn đòi hỏi người tập phải vừa khéo léo lại phải có sức khỏe, bởi lẽ trong khi nhảy múa thì những âm điệu của bản nhạc vẫn phải ngân lên không được đứt quãng. Nếu tiếng nhạc ngừng thì coi như điệu múa này đã trở nên vô nghĩa.

Đến giờ thì điệu múa khó nhất đó là động tác vừa thổi khèn vừa lộn vòng về phía trước và ra phía sau cũng không còn làm khó được Và Bá Dì.

Múa khèn trong Lễ hội đền Vạn (Tương Dương)

Cây khèn- Vật thiêng trong nhà

Không chỉ ở Huồi Cọ, Phà Nọi mà trên các bản làng người Mông khác ở các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong của tỉnh Nghệ An, điệu khèn dường như đã ngấm vào máu thịt của đồng bào Mông. Già làng Lầu Xái Phia ở xã Nậm Càn (huyện Kỳ Sơn) bảo rằng: Bất cứ người Mông nào ở vùng núi cao đều coi cây khèn như một vật thiêng. Đàn ông trưởng thành thường sắm một vài cái khèn, nhỏ to, tùy lúc vui hay buồn đều đem ra thổi. Tiếng khèn thường vang lên trong những ngày hội xuân, lúc rỗi việc nương rẫy. Tiếng khèn có thể giúp người ta quên đi những vất vả trong cuộc sống hàng ngày, để trai xinh, gái đẹp nên duyên trong những buổi ném pao..

Trong đám tang, tiếng khèn là thứ âm nhạc đặc biệt quan trọng. Theo quan niệm của người Mông, thì phải có cái khèn mới làm được đám tang. Tiếng khèn là lời nói và người chết cũng theo những bài khèn đó mà ăn cơm sáng, cơm chiều và về cõi trời. Không có tiếng khèn, người chết sẽ không hiểu được lời nói của người đang sống.

Từ đó, có thể thấy rằng cây khèn không chỉ là một nhạc cụ mà còn là vật thiêng, là nét văn hóa, là tâm hồn của cộng đồng người Mông. Việc lưu giữ loại hình văn hóa đặc sắc này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong xu thế hội nhập và phát triển của đồng bào Mông.

Đào Thọ/ baodantoc.vn

Nguồn quehuongonline.vn

http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/tieng-khen-mong-tren-vung-cao-xu-nghe-20210810144927952.htm


  Các Tin khác
  + Sắc xuân trên Thành Vinh (21/01/2025)
  + Làng gì mà ngày nào cũng phát ra tiếng kêu tại Hà Tĩnh? (14/01/2025)
  + Bế mạc Lễ hội Du lịch và Ẩm thực Sen Nghệ An năm 2024 (02/12/2024)
  + Vượt lũy tre làng, nữ giám đốc HTX ở Hà Tĩnh đưa nước mắm biển Thiên Cầm xuất ngoại (12/11/2024)
  + Một cây cổ thụ là cây trôi đã sống 800 tuổi ở Hà Tĩnh được công nhận cây Di sản Việt Nam (26/09/2024)
  + Đến Hà Tĩnh, ngắm bình minh trên biển Hoành Sơn (17/09/2024)
  + Bản sắc SLNA - sự khác biệt tuyệt vời ở V.League 2024/2025 (31/08/2024)
  + Làng Đỏ - nơi”căm thù như biển lửa, đã đứng lên”… (31/08/2024)
  + Đại gia Trần Quang Luận và hệ sinh thái Thanh Thành Đạt nổi danh xứ Nghệ (15/08/2024)
  + Khát vọng Thanh Chương (11/08/2024)
  + Hà Tĩnh gặp mặt chúc mừng học sinh đoạt HCB Olympic Toán học quốc tế (02/08/2024)
  + Cầu Nhe - nơi ghi dấu tinh thần quả cảm của 53 liệt sỹ (23/07/2024)
  + Vô xứ Nghệ thăm quê Bác (13/07/2024)
  + Về lại Nậm Nơn (02/07/2024)
  + 48 giờ ở Nghệ An (17/06/2024)
  + Bến Thủy - cây cầu thế kỷ của xứ Nghệ (09/06/2024)
  + Đôi vợ chồng "thổi hồn" vào dân ca ví, giặm (06/06/2024)
  + 9 điểm du lịch hấp dẫn không thể bỏ qua khi đến miền Tây xứ Nghệ (26/05/2024)
  + Trần Đình Sơn - "cánh chim đầu đàn” của điền kinh Hà Tĩnh (25/05/2024)
  + Nghệ An: Cả làng kiếm bộn tiền từ con đặc sản "cưỡi máy bay xuất ngoại” (20/05/2024)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 1
Total: 66544236

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July