Trang chủ Liên hệ       Thứ năm, Ngày 23/01/2025
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
  -  Đất và người Xứ Nghệ
  -  Dân ca Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Truyền thống Nghệ Tĩnh > Đất và người Xứ Nghệ >
  Ngày toàn thắng trong hồi ức một người con liệt sĩ Ngày toàn thắng trong hồi ức một người con liệt sĩ , Người xứ Nghệ Kiev
 
(Baonghean.vn) - Ngày 30/4/1975, giữa bầu không khí vui mừng toàn thắng của quê hương, đất nước, ở một ngôi trường nhỏ của huyện Đô Lương (Nghệ An), một cậu bé ngồi bần thần trong một góc phòng.
 

Cậu nhìn quanh lớp học, thấy bạn bè, thầy cô, cả ngôi trường làng ôm chầm lấy nhau vỡ òa trong tiếng reo hò phấn khởi; còn cậu, niềm vui đan cài với nỗi buồn, hạnh phúc vương lẫn với bao mất mát, vui bao nhiêu lại thương nhớ bấy nhiêu… 

“Cậu bé” năm nào nay đã là người đàn ông tuổi xấp xỉ lục tuần. 44 năm trôi qua, nhớ lại ngày lịch sử ấy, vẫn đau đáu không thôi ký ức về người cha đã anh dũng hi sinh trên đường hành quân ra trận. Có biết bao câu chuyện riêng, nỗi đau riêng như thế? Những nỗi đau thương, mất mát của triệu triệu cá nhân, gia đình đã góp phần làm nên chiến thắng, hòa bình hôm nay. Xin gửi tới độc giả một câu chuyện, một ký ức như thế, trong ngày đặc biệt này…

Đã 44 năm kể từ ngày 30/4/1975. Lúc đó, tôi đang học lớp 9 (hệ 10 năm) ở trường cấp III Đô Lương I. Tôi còn nhớ, khi các thầy thông báo “ta” đã giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam thì tất cả học sinh đều sững người trong giây lát vì bất ngờ. Sau đó thì chạy tới ôm chầm lấy nhau mà khóc. Sung sướng quá! Trong niềm vui chung của toàn dân tộc, có niềm vui của lớp tôi, của trường tôi. Riêng tôi, ngồi bần thần ở một góc phòng. Tôi nghĩ về cha trong ngày chiến thắng. Liệu cha tôi có thể vì một lý do nào đó mà trở về, chứ không phải là đã bị hy sinh như giấy báo tử? 

Cha tôi là liệt sĩ Chu Văn Phú. Theo hồ sơ liệt sĩ thì cha tôi sinh năm 1935, nhưng các ông bà trong họ thì nói cha tôi sinh năm 1930. Ông hi sinh ngày 2/2/1970, trên đường 20 Quyết thắng, gần cửa khẩu Ca Ròng, biên giới Việt - Lào thuộc miền Tây Quảng Bình. Thời kỳ đó, bị đòn đau trong cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân nên Đế quốc Mỹ đã phải tuyên bố ngừng ném bom đánh phá miền Bắc để hai bên ngồi vào bàn đàm phán. Quân đội ta tranh thủ lúc này để tập trung vận chuyển lương thực, đạn dược, vũ khí cho chiến trường miền Nam thông qua các tuyến đường giáp ranh giữa hai nước Việt - Lào.

Tuy Đế quốc Mỹ tuyên bố ngừng ném nom đánh phá miền Bắc, nhưng chính quyền Sài Gòn vẫn cho không quân vi phạm Hiệp đình ngừng bắn, xâm phạm vùng trời miền Bắc ở khu vực Quảng Bình - Vĩnh Linh để đánh phá, hòng ngăn cản các đoàn quân ta đang trên đường hướng vào miền Nam để thực hiện đòn quyết định cuối cùng. Lúc hy sinh, cha tôi đang là tài vụ thuộc Binh trạm 36, Cục Vận tải, Tổng cục Hậu cần, đóng quân tại xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Đoàn 559 vận chuyển bằng xe cơ giới trên tuyến đường Trường Sơn chi viện cho chiến trường miền Nam. Ảnh tư liệu
Vì Binh trạm 36 kết nghĩa với xã Hưng Trạch nên cha tôi được đưa về làm lễ truy điệu và mai táng tại nghĩa trang của xã, chứ không mai táng tại nghĩa trang của Phân viện 559 (Bộ đội Trường Sơn). Nghe nói, lễ truy điệu của ông được tổ chức rất trang trọng, có đại diện Bộ Quốc phòng vào dự, quay phim chụp ảnh để làm tư liệu tố cáo Ngụy quyền Sài Gòn vi phạm lệnh ngừng ném bom.

Ngày giấy báo tử về đến gia đình tôi, nghe tin như sét đánh ngang tai. Năm 1970, khi cha tôi hy sinh thì tôi khoảng 11-12 tuổi, đang học cấp 2. Đứa em út của tôi thì mới sinh. Thời kỳ đó cực kỳ khó khăn. Mẹ tôi một nách năm đứa con, lam lũ vất vả không kể xiết. Nhớ thương chồng hi sinh, nước mắt, khổ đau đành nén chặt trong lồng ngực, chỉ dám thổn thức mỗi đêm khuya, khi công việc đồng áng đã ngơi, con cái đã ngủ say. Tôi là con trai đầu, lại gần gũi cha nhiều nhất trong 5 anh chị em, nên ký ức về cha đậm nét vô cùng. Bấy giờ tôi ước mình lớn thật nhanh, mau trưởng thành để có điều kiện đưa cha về với mẹ, với các em, với gia đình, quê hương. 

Rồi cũng đến ngày đó. Ấy là năm 1983. Cưới vợ xong một tuần là tôi xách xe đạp đi Quảng Bình ngay. Tôi và một ông chú đã đạp xe như vậy cho vào đến xã Hưng Trạch, huyên Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình - nơi có thông báo là có phần mộ của cha tôi.
Mặc dù đất nước đã thống nhất gần 10 năm, nhưng hậu quả của chiến tranh còn rất nặng nề. Dọc đường chúng tôi đi, làng xóm vẫn tiêu điều, nhân dân nhiều vùng vẫn nghèo đói. 

 

Khi đến xã Hưng Trạch, việc đầu tiên là chúng tôi đi đến các nghĩa trang để tìm mộ của cha, nhưng mất mát hi sinh trong chiến tranh khốc liệt quá, nghĩa trang trên đất Bình - Trị - Thiên nhiều vô cùng, lần tìm mãi như vậy không ổn. Tôi bàn với ông chú là phải vào gặp chính quyền xã Hưng Trạch. Khi đến nơi, chúng tôi đã báo cáo và trình bày lý do, nguyện vọng và mục đích của việc hai người chúng tôi đến đây. May mắn, lãnh đạo xã đều rất nhiệt tình, bởi tất cả mọi người đều là người quen của cha tôi. Và thế là, Chủ tịch xã trực tiếp đưa chúng tôi ra nghĩa trang để nhận phần mộ; phân công các đoàn thể để giúp chúng tôi việc cất bốc hài cốt vào sáng mai.  

Ảnh chụp bên lề Đại hội thi đua quyết thắng của Binh trạm 36, Cục Vận tải, Tổng cục Hậu cần thời gian khoảng năm 1969. Ảnh tư liệu

Nghĩa trang liệt sỹ của xã Hưng Trạch nằm sát với khu tập thể của giáo viên trường tiểu học. Nghĩa trang có khoảng 30 ngôi mộ. Ở chính giữa có một ngôi mộ to, phía trước có một cây bông trang lớn, hoa rất đẹp. Bác chủ tịch xã dẫn chúng tôi đến và nói: “Đây là mộ đồng chí Chu Văn Phú.” Như có thần giao cách cảm của tình phụ tử, tôi đã ôm và nằm lên ngôi mộ để khóc như chưa bao giờ được khóc. Các thầy, cô của trường kéo ra rất đông. Tất cả mọi người đều khóc. Đã mấy chục năm khi cha tôi chia tay cả nhà để vào Nam theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, cũng như biết bao đồng đội của mình, ông đã chẳng kịp chờ đến ngày chiến thắng…

Sáng hôm sau, tất cả các ban, ngành, đoàn thể của xã tập hợp đông đủ. Họ đã giúp chúng tôi cất bốc hài cốt của cha tôi, vừa làm vừa kể những tình cảm của ông dành cho nhân dân và chính quyền địa phương thời đó thật cảm động. Sau khi hoàn thành việc cất bốc, chính quyền xã đã tổ chức truy điệu và tiễn đưa ông trở về quê. 

Trong suốt hành trình trở về, tôi đã không rời cha nửa bước. Về đến ga Vinh, chú cháu tôi trải ni lông nằm giữa sân ga. Đêm xuống, tôi lấy dây dù mang sẵn buộc vào cái rương đựng hài cốt bố tôi rồi cuốn vào cổ, buộc chặt vào tay. Sáng sớm dậy, chú cháu tôi lại chở cha tôi về quê trên chiếc xe đạp cũ. Mấy trăm cây số bon bon, chỉ khi về đến đầu làng, cách nhà chỉ còn khoảng 1 km nữa thì xe mới xịt lốp. Hẳn là là cha tôi muốn đi bộ để ngắm lại cảnh quê hương, làng xóm sau mấy chục năm xa cách?

Ở nhà, mẹ tôi và anh em họ tộc, chính quyền địa phương đang đợi. Ai cũng cảm động. Rời quê hương nhập ngũ năm 1965, cha tôi là cán bộ ban tài chính của xã, mới ngoài 30 tuổi, đẹp trai, hay cười, ai cũng mến; bây giờ sau mấy chục năm xa cách trở về với đã trở thành liệt sĩ. Bây giờ thì cha tôi đã nằm yên nghỉ vĩnh viễn tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đô Lương. Lúc này đây, trong thời khắc của ngày chiến thắng, tôi đang có mặt tại thành phố Hồ Chí Minh - nơi mà cách đây 44 năm đã diễn ra sự kiện quan trọng trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Giờ phút này đây tôi đang khóc. Không biết có ai khóc như tôi nữa hay không? Tôi khóc vì nỗi mất mát quá lớn của gia đình. Tôi khóc vì niềm vui lớn của Dân tộc.

Biết nói sao cho đủ lòng biết ơn vô vàn dành cho cha tôi, cho các bác, các anh đã giành cả tuổi thanh xuân, cả sự sống cho tự do, độc lập của đất nước và hạnh phúc của chúng ta ngày hôm nay. Nhắc lại ký ức trong ngày chiến thắng năm xưa, để nhắc nhớ bản thân, con cháu tôi và tất cả chúng ta đừng bao giờ lãng quên rằng: đằng sau chiến thắng là những hy sinh, sau nụ cười là nước mắt. Nhớ và trân quý điều đó, để thêm động lực, niềm tin bước tiếp tương lai…


  Các Tin khác
  + Sắc xuân trên Thành Vinh (21/01/2025)
  + Làng gì mà ngày nào cũng phát ra tiếng kêu tại Hà Tĩnh? (14/01/2025)
  + Bế mạc Lễ hội Du lịch và Ẩm thực Sen Nghệ An năm 2024 (02/12/2024)
  + Vượt lũy tre làng, nữ giám đốc HTX ở Hà Tĩnh đưa nước mắm biển Thiên Cầm xuất ngoại (12/11/2024)
  + Một cây cổ thụ là cây trôi đã sống 800 tuổi ở Hà Tĩnh được công nhận cây Di sản Việt Nam (26/09/2024)
  + Đến Hà Tĩnh, ngắm bình minh trên biển Hoành Sơn (17/09/2024)
  + Bản sắc SLNA - sự khác biệt tuyệt vời ở V.League 2024/2025 (31/08/2024)
  + Làng Đỏ - nơi”căm thù như biển lửa, đã đứng lên”… (31/08/2024)
  + Đại gia Trần Quang Luận và hệ sinh thái Thanh Thành Đạt nổi danh xứ Nghệ (15/08/2024)
  + Khát vọng Thanh Chương (11/08/2024)
  + Hà Tĩnh gặp mặt chúc mừng học sinh đoạt HCB Olympic Toán học quốc tế (02/08/2024)
  + Cầu Nhe - nơi ghi dấu tinh thần quả cảm của 53 liệt sỹ (23/07/2024)
  + Vô xứ Nghệ thăm quê Bác (13/07/2024)
  + Về lại Nậm Nơn (02/07/2024)
  + 48 giờ ở Nghệ An (17/06/2024)
  + Bến Thủy - cây cầu thế kỷ của xứ Nghệ (09/06/2024)
  + Đôi vợ chồng "thổi hồn" vào dân ca ví, giặm (06/06/2024)
  + 9 điểm du lịch hấp dẫn không thể bỏ qua khi đến miền Tây xứ Nghệ (26/05/2024)
  + Trần Đình Sơn - "cánh chim đầu đàn” của điền kinh Hà Tĩnh (25/05/2024)
  + Nghệ An: Cả làng kiếm bộn tiền từ con đặc sản "cưỡi máy bay xuất ngoại” (20/05/2024)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 4
Total: 66555750

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July