Trang chủ Liên hệ       Thứ sáu, Ngày 27/12/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Người Việt Trên Thế Giới >
  Câu chuyện về người con gái gốc Việt 34 ngày đêm tìm về quê bố (Phần 2) Câu chuyện về người con gái gốc Việt 34 ngày đêm tìm về quê bố (Phần 2) , Người xứ Nghệ Kiev
 
  Thứ năm 24/11/2016 6:49 Phản hồi: 2

 

(Tiếp theo phần 1) 

Cuộc hành trình 34 ngày đêm tìm quê cha, đất tổ


Olia thắp hương trước phần mộ gia đình ở Hà Tĩnh


Anh Dinh không dám than thân, trách phận và cũng không hề có một ý nghĩ tiêu cực, bi quan, mà luôn tự động viên mình là phải vượt qua mọi cơn bĩ cực để thay mặt người vợ bất hạnh ủa mình nuôi các con khôn lớn.

Nhiều lần, anh đứng bên cửa sổ nhìn lên ngọn núi Thiên Sơn cao ngất, tuyết phủ trắng xóa mà không cầm được nước mắt. Olia đứa con gái đầu lòng lên chín tuổi, cứ gặng hỏi anh, làm sao bố khóc. Nghĩ con đã lớn, đã đủ hiểu, anh bảo với cháu rằng, con thấy không, quê bố ở Việt Nam xa lắm, cách ngọn núi cao kia không biết bao nhiêu ngày đường. Bố phải nuôi các em, không có giấy tờ đi lại, bố không thể về Việt Nam, bây giờ ông bà đã già lắm rồi, bố thương ông bà lắm. Olia cầm lấy tay anh nói một cách chắc nịch: “khi nào con lớn, con sẽ tìm về Việt Nam thăm ông bà!” Anh chỉ biết ôm lấy cháu mà khóc, không hề nghĩ rằng, lời nói của Olia là một điều tiên quyết.

Sau ngày Natalia mất được hai năm, trong một lần tình cờ anh gặp một người phụ nữ gốc Nga Olga, biết được hoàn cảnh của anh, chị thông cảm, chia sẻ và đem lòng thương yêu người đàn ông nước ngoài góa bụa và tốt bụng. Chị mang theo đứa con gái riêng của mình đến ở hẳn với anh; và cả gia đình lúc này ngót nửa tiểu đội lại chỉ sống bằng đồng lương eo hẹp của bà, một nhân viên bưu điện.

Nhưng dưới căn nhà nhỏ cũ kỹ ở ngoại ô đó là một khung cảnh hạnh phúc và đầm ấm, Olga yêu các con của anh và Natalia như con đẻ của mình, ngược lại đám trẻ con quý đứa con của cô như em ruột. Các đứa con lần lượt được đi học, Olia vào Đại học Tổng hợp Slavơ, học tiếng Anh và tiếng Nga, các cháu sau vào phổ thông và trường kỹ thuật.


 

 

Ông Dinh và bà Olga

 

Những tưởng rằng câu chuyện của Olia nói ngày nào về việc tìm về quê bố, ông Dinh cho là chuyện con trẻ, nhưng với Olia là một ý nghĩ nghiêm túc và nuôi dưỡng một quyết tâm mãnh liệt. Ra trường, tìm được việc làm với đồng lương ít ỏi, nhưng Olia vẫn hạn chế chi tiêu tới mức tối đa để dành tiền cho chuyến đi tìm quê cha đất tổ trong tương lai. Với khoản tiền xấp xỉ năm trăm đô la tiết kiệm được trong vòng hai năm, Olia lên kế hoạch cho một chuyến đi dài ngày. Cô chọn một người bạn gái đồng hành tâm đầu, ý hợp, xin công ty nghỉ phép, định ngày lên đường vào đầu tháng 5 năm 2008. Cả hai không thể đến Matxcơva của nước Nga, bay về Việt Nam được, vì dấn vốn quá eo hẹp không cho phép. Con đường Olia chọn qua bản đồ là đi ô tô qua Urumchi – Tân Cương, xuyên qua Thanh Hải, giáp Tây Tạng, đi bằng đường bộ xuyên qua sáu tỉnh Trung Quốc mênh mông bằng ô tô tuyến, về Côn Minh, nơi có Lãnh sự quán Việt Nam để xin visa và từ đó qua Lào Cai đi tàu, hoặc ô tô về Hà Nội.

Ngày lên đường, ông Dinh dốc toàn bộ số tiền tiết kiệm vẻn vẹn được 100 đô la đưa cho con gái, vâng, một trăm đô la, và một bức thư viết bằng tiếng Việt, đề địa chỉ 192 Phố Quán Thánh, Hà Nội, nơi ngày xưa người anh ruột của ông công tác, với lời dặn dò là, “nếu con tìm về được quê nhà, con dùng 100 đô la này mời cơm anh em, bà ruột thịt.”

Olia và người bạn gái của mình rời nhà trên chuyến ô tô đường dài vượt biên giới sang Urumchi, thủ phủ của vùng Tân Cương và từ đó lần theo lộ trình, đón xe khách đi về theo hướng Đông Nam Trung Quốc. Họ mang theo bánh quy, lương khô, bánh mỳ xukhari loại để được lâu ngày, khi xe dừng tại các quán ăn, chỉ dám mua cháo và xúp ăn thêm và lấy nước vào chai. Buổi tối, hai người tìm trọ tại nhà khách rẻ tiền, không dám chi tiêu gì phí phạm.

Một tai họa đến với Olia vào buổi tối, khi cô ngủ tại nhà khách, kẻ gian rạch  chiếc túi xách lấy đi ví tiền dành chi tiêu dọc đường và chiếc điện thoại, vật dụng rất quý giá của cô. May thay, số tiền để dành và hộ chiếu, cô buộc cất vào áo trong nên vẫn còn nguyên vẹn. Nhưng sự hao hụt tài chính buộc hai cô đã dè xẻn, lại phải chi tiêu dè xẻn hơn. Olia không nói được tiếng Trung Quốc; còn tiếng Nga người Trung Quốc lại không ai biết, dọc đường Olia chỉ giao dịch bằng tiếng Anh. Cái khó làm ló cái khôn, cứ mỗi chặng đường, hai người lại vào đồn công an Trung Quốc trình bày cảnh trạng của mình bằng cách chỉ vào chiếc túi bị rạch, và nhờ họ bắt xin xe hộ.

Những người công an Trung Quốc ái ngại cảnh hai cô gái Kirghizia mang hai chiếc ba lô toòng teng, không tiền hộ thân trên chặng hành trình vạn dặm, đã rất thông cảm và giúp đỡ hết lòng. Nhờ thế, trong suốt chuyến đi của mình, cả hai đã thực hiện việc tiết kiệm rất hiệu quả và an toàn.

Về đến Côn Minh, Olia và người bạn đã tìm đến Lãnh sự quán Việt Nam để tìm hiểu những thông tin qua biên giới Trung Việt và cách thức về Hà Nội để từ đó tìm đường về Hà Tĩnh. Lúc đầu định hỏi xin visa, nhưng sau đó, cô được biết là giữa hai nước Việt Nam và Kirghizia đi lại không cần thị thực. Cô tìm đến một nhà khách nghỉ ngơi lấy lại sức và vào mạng internet. Hồi đó chưa dùng facebook, Olia lên mạng và làm quen được một cô gái Việt Nam biết tiếng Nga, hứa sẽ đón Olia ở bến xe Hà Nội. Được lời “như cởi tấc son”, sáng hôm sau Olia và người bạn đồng hành mua vé xe đi Lào Cai, kết thúc công đoạn đầu tiên vượt qua Trung Quốc.

Mọi chuyện diễn ra thuận lợi, ở Lào Cai, Olia gặp những người Việt Nam nhanh nhẹn, cởi mở, rất mến mộ và sẵn lòng giúp đỡ người nước ngoài; còn giá thức ăn và nhà nghỉ thì rất rẻ. Chuyến tàu Lào Cai – Hà Nội đã đưa cô về Thủ đô Việt Nam, mà Olia nói “tôi có quyền gọi  Hà Nội là của tôi, bởi vì nó là Thủ đô của bố tôi”. Người bạn gái Việt Nam quen qua internet đã niềm nở đón cô và đưa cô về 192 Phố Quán Thánh, mà theo chỉ dẫn của bố cô, đó là nơi trước đây người bác của cô làm việc.

Cô trình anh trực ban tấm hộ chiếu mang tên Nguyễn Olia và trao cho anh bức thư, nói là của bố cô, một người Việt đang sống tại Kirghizia. Anh trực ban 192 Quán Thánh xem hộ chiếu, xem bức ảnh của cô, và mở bức thư bằng tiếng Việt:

 “Kính gửi các đồng chí tại 192 Phố Quán Thánh- Hà Nội!
Người cầm bức thư này là con gái của tôi, tên là Olia. Tôi là Nguyễn Duy Dinh hiện sống ở nước Cộng hòa Kirghizia, thuộc Liên Xô, là em của anh Nguyễn Duy Dục. Anh Dục trước đây cũng làm việc tại Bộ Cảnh vệ 192 Phố Quán Thánh, nhưng từ lâu tôi mất liên lạc. Rất mong các đồng chí giúp đỡ liên hệ với anh Nguyễn Duy Dục cho con gái tôi. Trân trọng cảm ơn các đồng chí – Nguyễn Duy Dinh”

Anh trực ban sốt sắng gọi điện thoại đi một số nơi, chỉ sau mấy phút, anh hồ hởi nói với Olia rằng, chỉ một lát nữa, anh Nguyễn Duy Dục sẽ đến.

Olia hồi hộp đứng tựa của chờ. Chừng hai mươi phút, có hai người đi xe máy rẽ vào cổng. Từ xa, nhìn thấy vóc dáng của người đàn ông, bằng linh cảm và trực tính, cô nhận ra đó là bác Dục, vì thấy giống như phiên bản của bố cô vậy. Cô nhào ra ôm chầm lấy ông và hai bác cháu khóc òa lên như con trẻ trước mặt hàng chục người đứng ngỡ ngàng và xúc động.

Đồn công an nối máy cho ông Dục nói chuyện với ông Dinh. Suốt hơn chục phút trao đổi, ông Dục không hiểu người em ở đầu dây nói gì, vì vẫn âm điệu ấy, nhưng ông Dinh chỉ nói bằng tiếng Nga, không thể nói bằng tiếng Việt, chỉ có mấy từ ông cố nhớ nhưng phát âm rất khó. Đã ba chục năm, ông Dinh đã không nói với ai một tiếng Việt nào, đó là điều dễ hiểu, hơn nữa, tình huống xẩy ra lại quá đột ngột, ông chưa kịp định thần.

 

 

Olia và bác ruột Nguyễn Duy Dục

 


Trở về nguồn cội

Những ngày ở nhà bác tại Hà Nội, đối với Olia và người bạn gái đồng hành là khoảng thời gian vô cùng hạnh phúc. Suốt ngày, cô đón bạn bè thời niên ngày xưa của bố nay làm việc ở Hà Nội, rất nhiều bà con đồng hương cùng làng, bà con ruột thịt đến xem mặt cháu gái. Ai cũng dành cho cô một tình cảm thương yêu, nồng hậu. Mọi người đều bày tỏ sự cảm phục và ngưỡng mộ một cô gái mảnh mai nhưng đầy nghị lực, suốt 34 ngày ròng rã, vượt qua gần 10 ngàn km, bằng năm lần đường từ Hà Nội đến Thành phố Hồ Chí Minh, để tìm về nguồn cội.

Cô được đi thăm những danh thắng Thủ đô, được nếm những “món ăn ngon nhất thế giới” mà người bố của cô đã bao lần kể cho cô nghe, nhưng ông không nấu được. Cô được tận hưởng không khí ấm áp và màu xanh bất tận của miền nhiệt đới mà đất nước cô không hề có.

Ba ngày sau, ông Dục thuê một chiếc xe tự lái đưa cô về miền Trung, xã Thạch Bằng, Thạch Hà, Hà Tĩnh, nơi bố cô chôn rau, cắt rốn.

Olia được gặp bà nội, một người bà Việt Nam hiền hậu, suốt đời lam lũ làm lụng và yêu thương con cháu. Dường như cả làng đổ xô đến thăm và xem mặt “đứa con Tây” của anh Dinh, ai cũng muốn ôm lấy Olia, muốn bắt tay, xem nụ cười của cô, lắng nghe giọng nói của cô, mặc dù không ai hiểu cô nói gì. Câu chuyện cô tìm về quê cha giống như một câu chuyện cổ tích hấp dẫn, dẫu không có những tình tiết ly kỳ và gay cấn, nhưng làm cho mọi người vô cùng cảm động.

Olia, bà nội đọc thư của ông Dinh

Mọi người trong nhà chỉ cho Olia tấm ảnh của bố cô đặt trong ngăn kéo bàn thờ và giải thích rằng, đã nhiều lần cả gia đình đã định đặt lên bàn thờ hương khói, vì ai cũng nghĩ rằng bố cô đã chết. Hồi đó có tin cho rằng, sau khi Liên Xô tan vỡ, một số người lưu vong bị giết, trong đó có anh Nguyễn Văn Dinh; lại có tin là anh Dinh bị bọn cướp bắt và bị thủ tiêu do nạn phân biệt chủng tộc. Ông Dục đã nhiều lần nhờ báo cộng đồng ở Nga đăng tin tìm người nhà, nhưng vẫn bặt âm, vô tín. Chỉ có bà nội cô, trong thẳm sâu linh cảm của người mẹ, là vẫn tin rằng ông Dinh còn sống và bà kiên quyết không cho đưa ảnh lên bàn thờ để cúng.

Olia cùng với những người thân ra nghĩa trang thắp hương cho những người quá cố, đi thăm những người cao niên trong làng, gặp những người bạn học thời phổ thông của bố. Lần đầu tiên trong đời Olia và người bạn gái của cô được nhìn thấy biển, bởi vì cả đất nước Kirghizia nằm sâu trong lục địa, bốn phía chỉ toàn là núi đá, thảo nguyên và những dòng sông chảy xiết. Đất nước và con người Hà Tĩnh đã để lại cho Olia một ấn tượng rất đỗi sâu sắc, bởi vì ngay từ tấm bé, cô được nuôi dưỡng trong sự đùm bọc của gia đình, giờ đây, cô càng hiểu rằng, chỉ có miến đất này mới ban cho người bố và sau đó là Olia một tình cảm sâu nặng đến như vậy.

“Ngày vui ngắn chẳng tày gang”, Olia và bạn cô phải quay trở lại Kirghizia vì đã quá phép của công ty. Hôm ra đi, cả nhà tiễn Olia và người bạn ra Thành phố Hà Tĩnh giữa những giọt nước mắt lưu luyến chia tay, những cái ôm thật chặt và những gói nhỏ, gói to quà cáp “cây nhà lá vườn” bà con gửi tặng.

Visa Trung Quốc cấp cho Olia và người bạn chỉ được một tháng, đã hết hạn, không xin tiếp được, họ đành phải chọn đường bộ từ Hà Tĩnh qua Viêng Chăn (Lào), đi ô tô qua Bangkok, từ đó bay về Tasken, thủ đô Uzbekistan. Từ Tasken đi ô tô về nhà chỉ có vẻn vẹn chưa đầy 350 km. Sau chuyến hành trình lịch sử, Olia trở lại Kirghizia mang theo trong lòng những kỷ niệm không thể phai mờ hình ảnh quê cha, đất tổ; về tình máu mủ, ruột rà và vẻ đẹp không nơi nào có được của nước Việt thân thương.

Vĩ thanh

 

 

 

Olia trên đường phố Hà Nội

 

Olia đã dành cho tôi gần như suốt buổi chiều để ôn lại chặng hành trình xuyên dọc đất nước Trung Quốc về quê Việt. Cô khoe với tôi những tấm ảnh chụp ở Việt Nam cùng những người thân. Giữa chừng câu chuyện, tôi hỏi Olia: “Cháu có bao giờ đặt ra giả thiết là nếu gặp khó khăn quá, cháu bỏ giữ chừng chuyến đi; hoặc về Việt Nam không tìm được xóm làng thì cháu sẽ tính sao?”. Olia trả lời ngay: “Không hề có ý nghĩ ấy chú ạ. Cháu đã quyết ra đi là không bỏ cuộc và cháu tin chắc là sẽ tìm được quê hương bố cháu!”

Olia đã có gia đình, có một cháu gái đẹp như thiên thần, chồng cô là một kỹ sư làm việc ở cơ quan viễn thông.

Người em trai của cô hiện đang làm việc phiên dịch tiếng Nga và tiếng Anh tại một công ty du lịch Vũng Tàu.

Ông Nguyễn Văn Dinh sau ngày Olia khai thông con đường về quê mẹ, ông đã được cấp giấy tờ chính thức, chấm dứt vĩnh viễn tình trạng “không quốc tịch”, có một khoản lương hưu nho nhỏ và hiện đang làm bảo vệ cho một công ty. Ông đã kịp về Việt Nam thăm mẹ trước khi bà mất. Ở Việt Nam, ông đã tìm cách liên hệ được với hầu hết bạn bè đồng môn hồi du học và có những cuộc hội ngộ đầy ân nghĩa. 

Nhờ nhóm anh em người Việt đang làm ăn sinh sống tại Bisket, ông giao lưu thường xuyên và tiếng Việt trong ông đã hồi lại hoàn toàn. Ông đọc sách văn học, tin tức thời sự, thậ
m chí còn làm thơ tặng bạn bè ngày sinh nhật bằng tiếng Việt.

Như một nông dân chính hiệu, ông nuôi bò sữa, nuôi ngựa, nuôi cả đàn gà thả trong vườn. Hôm tôi rời Bisket, ông tiễn tôi đến tận chân đồi, và nhắc đi, nhắc lại: “Dù bận mấy, mùa hè này cũng phải trở lại với chúng tôi, mọi người sẽ dành cho anh một món tiên dược, đó là sữa ngựa non vắt trực tiếp, rất hiếm, uống đến đâu là bổ đến đó. Anh đừng quên nhé!”

Nguyễn Huy Hoàng – LB Nga
Theo baonga.com
http://baonga.com/nguoi-viet-5-chau.nd172/cau-chuyen-ve-nguoi-con-gai-goc-viet-34-ngay-dem-tim-ve-que-bo--phan-2.i77401.html



  Các Tin khác
  + Kiều bào chung tay hướng về đồng bào vùng bão lũ (17/09/2024)
  + Kiều bào mang tình cảm sâu đậm hướng về quê hương (31/08/2024)
  + Vụ kiện của bà Trần Tố Nga Người Việt tại Pháp không nản lòng, sẽ tiếp tục cùng bà Trần Tố Nga "trường kỳ kháng chiến" (24/08/2024)
  + Người Việt tại Lebanon gặp khó khăn khi mua vé máy bay để về nước (10/08/2024)
  +  Kiều bào tại Pháp cùng tôn vinh tiếng Việt (23/07/2024)
  +  Vụ 6 người Việt chết tại Thái Lan: Nghi phạm căng thẳng khi chuẩn bị ra tay (19/07/2024)
  +  Chủ tịch nước Tô Lâm thăm, tặng quà Trường song ngữ Lào-Việt Nam (13/07/2024)
  +  Phổ biến, giải đáp nhiều câu hỏi của người Việt Nam ở nước ngoài về Luật Đất đai 2024 (28/06/2024)
  + FBI khám nhà Thị trưởng và doanh nhân gốc Việt nổi tiếng (23/06/2024)
  + Tăng cường giải đáp, hỗ trợ pháp lý cho người Việt ở nước ngoài (12/06/2024)
  + Lao động Việt mang sầu riêng lên metro ở Nhật, người bịt mũi người bỏ đi (07/06/2024)
  + Xúc động hình ảnh nữ cầu thủ gốc Việt đầu tiên chơi ở đội tuyển Mỹ diện áo dài thướt tha (06/06/2024)
  +  Cháy trung tâm thương mại tại Ba Lan có nhiều người Việt Nam kinh doanh (13/05/2024)
  + Gần 70 kiều bào trở về từ 21 quốc gia dự Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng 2024 (21/04/2024)
  + Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Trung Quốc (10/04/2024)
  + Luật Đất đai 2024: Thể hiện chính sách công bằng với người Việt ở nước ngoài (10/04/2024)
  + Tin vui, từ 1/7 Việt kiều sẽ được tự do mua nhà như người trong nước (07/04/2024)
  + Động đất ở Đài Loan: Vợ chồng người Việt "tim đập chân run", hoảng loạn vì không gọi được cho nhau (04/04/2024)
  + Người phụ nữ gốc Việt đầu tiên sắp bay vào vũ trụ (30/03/2024)
  + Người Việt tại Lào gắn kết dựng xây đất nước, vun đắp tình hữu nghị (15/03/2024)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 66128698

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July