Trang chủ Liên hệ       Thứ năm, Ngày 23/01/2025
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Người Việt Trên Thế Giới >
  TRƯỜNG SA 2019: KIỀU BÀO VỀ VỚI BIỂN ĐẢO QUÊ HƯƠNG TRƯỜNG SA 2019: KIỀU BÀO VỀ VỚI BIỂN ĐẢO QUÊ HƯƠNG , Người xứ Nghệ Kiev
 

 Trường Sa của hôm nay là một Trường Sa với màu xanh tươi ngập tràn sức sống, là một Trường Sa với cơ sở vật chất khang trang, hiện đại và trên tất cả là nơi mà tình yêu với quê hương đất nước thấm sâu vào từng hạt cát, ngọn cỏ, và cả những nhành san hô.

Ngày 14/4/2019, con tàu kiểm ngư Việt Nam – KN490 đưa 200 thành viên của Đoàn công tác số 5 rời quân cảng Cam Ranh, bắt đầu chuyến hành trình đưa những người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc ở khắp nơi trên thế giới tới với những người lính Hải quân đang ngày đêm canh giữ cho chủ quyền Tổ quốc tại 10 đảo Sơn Ca, Sinh Tồn Đông, Tiên Nữ, Núi Le, Tốc Tan, Phan Vinh, Đá Đông, Trường Sa Đông, Đá Tây, Trường Sa (thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) và Nhà giàn DK1/20 (thuộc thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Chúng tôi hy vọng 55 kiều bào sẽ là những sứ giả lan tỏa tới cộng đồng ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế, không chỉ là thông tin chính xác về vấn đề bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng, mà còn trên tất cả là tình yêu đối với biển đảo quê hương.”

Đại sứ Lương Thanh Nghị
Phó Chủ nhiệm UBNNVNVNONN

 

 Con tàu KN490 đưa người Việt năm châu về với biển đảo Tổ quốc

 Các thành viên Đoàn công tác số 5 chụp ảnh trên boong tàu KN490

Đây là sự kiện thường niên dành cho cộng đồng kiều bào do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao (UBNNVNVNONN), phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức trong liên tục 8 năm qua. Đoàn công tác do Đại tá Đào Ngọc Quỳ - Chính ủy Cục Hậu cần Hải quân - làm Trưởng đoàn; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường - Chủ nhiệm UBNNVNVNONN- làm Phó trưởng đoàn. Đoàn đã tới thăm hỏi, giao lưu văn nghệ và tặng quà cho các cán bộ, chiến sỹ thuộc Quân chủng Hải quân Việt Nam cùng các hộ dân tại Trường Sa và Nhà giàn DK1/20.

Trường Sa trong suy nghĩ của người Việt, vẫn được biết đến là vùng biển trời thiêng liêng, phên dậu của Tổ quốc trên biển Đông. Thế nhưng phải đi qua chuyến hành trình 9 ngày trực tiếp đặt chân tới Trường Sa và tận mắt chứng kiến cuộc sống của quân dân nơi đây, các thành viên Đoàn công tác, trong đó có 55 kiều bào đến từ 19 quốc gia, mới có cơ hội để thấy và cảm nhận một cách toàn diện nhất những gì đang diễn ra nơi đầu sóng ngọn gió, và từ đó, thêm yêu và tin tưởng vào công cuộc gìn giữ chủ quyền của Tổ quốc.

Trường Sa hôm nay

Nhắc đến Trường Sa, có lẽ người ta chỉ nghĩ tới nắng và gió. Ở nơi mà xung quanh là mênh mông một màu xanh thẳm của sóng nước, với đặc trưng khí hậu nhiệt đới và không khí vùng biển nhiều muối mặn, cuộc sống không thể tránh khỏi khó khăn, đặc biệt là về nguồn lương thực và nước ngọt.

Năm 2008, những tấm pin mặt trời đầu tiên được triển khai lắp đặt, mở đầu cho dự án năng lượng tái tạo và chiếu sáng Trường Sa. 11 năm sau, những gì đang hiện diện trên mảnh đất tưởng chừng chỉ có sóng và gió này đã là những công trình kiên cố, với mái nhà được phủ kín những tấm pin năng lượng mặt trời, ngay kế bên là hệ thống cột điện gió vững vàng. Toàn bộ các đảo đều đã có điện, được phủ sóng truyền hình, điện thoại và mạng Internet. Nhiều đảo và nhà giàn được trang bị máy lọc nước biển thành nước ngọt, giúp hỗ trợ phần nào cho đời sống của cán bộ chiến sỹ và người dân nơi đây.

 Hệ thống năng lượng mặt trời và gió trên đảo Sơn Ca

 Những luống rau xanh mướt

Nhờ hệ thống cung cấp năng lượng đầy đủ, huyện đảo Trường Sa giờ cũng đã có trường học, có đường bay, có bệnh viện hiện đại không thua kém đất liền, trở thành miền đất thân thương cho các mầm non sinh ra và lớn lên, tự hào hát những lời ca trìu mến “Quê em ở Trường Sa”. Bên cạnh đời sống vật chất, thì những ngôi chùa trên huyện đảo Trường Sa luôn là điểm đến tâm linh quen thuộc của quân dân đang sinh sống ở đây.

Đặc biệt hơn, Trường Sa của hôm nay có nhiều lắm màu xanh. Đó là màu xanh của những vườn rau thanh niên, của phong ba, bàng vuông, phi lao… vươn mình mạnh mẽ dưới cái nắng chói chang của biển. Dù là ở các đảo nổi, nơi có nhiều diện tích đất hay các đảo chìm, nơi diện tích đất tự nhiên không có, thì những người lính ngoài nhiệm vụ canh giữ chủ quyền, vẫn nhiệt tình tăng gia sản xuất.

Theo Thiếu tá Nguyễn Văn Trung – Chính trị viên đảo Sinh Tồn Đông, hệ thống rau xanh và cây trồng trên đảo rất được quan tâm và chú trọng. Ở các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa, mỗi chiến sỹ ngoài việc rèn luyện thể lực, phục vụ cho công tác bảo vệ chủ quyền, còn có một nhiệm vụ đặc biệt khác: đó là hàng năm, mỗi chiến sỹ phải trồng được 2 cây xanh, đảm bảo sống được. Để từ đó, sau nhiều thế hệ, những cây con sẽ lớn và tạo thành một hệ sinh thái xanh đặc biệt của Trường Sa.

Ở nơi xa đất liền, khí hậu khắc nghiệt, lương thực có thể không thiếu nhưng rau xanh thì lại là một vấn đề lớn, vì vậy cán bộ chiến sỹ nơi đây phải tự tìm cách trồng rau để đảm bảo cho bữa ăn hàng ngày. Để trồng được rau trên đảo, các chiến sỹ phải tận dụng từng nắm đất gửi từ đất liền ra, nước ngọt tiết kiệm từng giọt và cũng được tận dụng triệt để từ nước thải sinh hoạt. Các thành viên Đoàn công tác không khỏi thích thú trước những luống rau xanh mơn mởn với đủ loại như rau muốn, mồng tơi, rau dền, khoai lang… được che chắn, đặt biển tên cẩn thận.

Chúng tôi cũng đã nhìn thấy những luống rau như thế khi tới thăm Nhà giàn DK1/20. Là cụm Dịch vụ Kinh tế - Khoa học – Kỹ thuật (được xây dựng đầu tiên từ năm 1989), các nhà giàn DK1 đã từng hứng chịu thiệt hại nặng nề về người và của trước những cơn bão biển hung dữ. Sau nhiều lần sửa sang, nâng cấp, Nhà giàn giờ đây đã trở nên vững chắc hơn rất nhiều, vẫn kiên cường bảo vệ cho thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.

“Đứng trên độ cao vài chục mét của Nhà giàn và nhìn xuống biển, cảm xúc của tôi chính là ấn tượng và tự hào. Sự kỳ vĩ của Nhà giàn ngày hôm nay là công sức to lớn của các đồng chí Hải quân, đã hy sinh quên mình để bảo vệ cho chủ quyền của Tổ quốc. Tôi hiểu rằng, bản thân mình cũng như rất nhiều người dân Việt Nam khác, dù ở bất cứ đâu, cũng đều có trách nhiệm bảo vệ cho những công trình như thế này” – nghệ sĩ Trí Minh, kiều bào Đan Mạch, chia sẻ.

 Nhà giàn DK1/20

Vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc ta đang chứng tỏ được sức sống ngày càng mãnh liệt của mình.

Những người con xa nhà vì bình yên đất nước

Theo tâm sự của anh Nguyễn Quang Hòa – Chính trị viên đảo Tiên Nữ, những chiến sỹ ở Trường Sa có 3 điều thiệt thòi lớn nhất: thứ nhất là xa đất liền, thứ hai là điều kiện sống thiếu nước ngọt, và thứ ba chính là xa gia đình. Phần lớn những người lính đang công tác tại quần đảo Trường Sa có độ tuổi còn rất trẻ, chỉ mới mười tám đôi mươi. Đón nhận những cái ôm, cái bắt tay, hay lời động viên, thăm hỏi đầy ấm áp từ đồng bào bốn phương, chúng tôi đã thấy nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt sạm nắng của các chiến sỹ, những người đã nhận phần thiệt thòi về mình, sẵn sàng cống hiến cả tuổi trẻ để lãnh thổ mà cha ông ta để lại được toàn vẹn.

“Nếu chúng em không làm nhiệm vụ này, thì ai sẽ là người làm đây? Chúng em ở đây là để bảo vệ cho quê hương, Tổ quốc, bảo vệ người nhà, và bảo vệ cho cuộc sống bình yên cho đất nước mình”. Đó là lời khẳng định đầy quyết tâm của Binh nhất Đỗ Phạm Trung Hiếu – một trong những người lính đang công tác tại đảo Trường Sa Đông.

Dưới cái nắng đến cháy da thịt, bên cạnh cột mốc chủ quyền, những người lính vẫn kiên cường đứng đó với cây súng trong tay, làm trọn bổn phận của mình để bảo vệ cho biển đảo quê hương. So với thế hệ trẻ ở đất liền, các bạn phải chịu rất nhiều thiệt thòi, thế nhưng chính nhờ những con người sẵn sàng hy sinh đó thì chủ quyền Tổ quốc mới được gìn giữ.

Cảm nhận được ý chí của các chiến sỹ, dù tuổi đời còn rất trẻ vẫn quyết tâm bám đảo, bám biển, bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc, rất nhiều kiều bào đã rơi nước mắt. Thay mặt cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường ghi nhận ý chí và quyết tâm của các cán bộ chiến sỹ nơi đầu sóng ngọn gió, đã kiên trì vượt mọi gian khổ để giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. “Đây là cơ hội để kiều bào khắp nơi trên thế giới được chứng kiến cụ thể cuộc sống của quân và dân huyện đảo Trường Sa. Hậu phương chúng tôi, là nhân dân cả nước và cả đồng bào ta ở nước ngoài, luôn luôn hướng về Trường Sa, sẵn sàng chia sẻ mọi khó khăn, cùng góp sức để đời sống của các chiến sỹ ngày một tốt hơn nữa”, Thứ trưởng khẳng định.

 Các chiến sỹ Hải quân Việt Nam tại đảo Trường Sa

 Nụ cười rạng rỡ của những chiến sỹ trẻ

Từng là một người lính của Quân chủng Hải quân Việt Nam, anh Nguyễn Văn Thanh, kiều bào sinh sống tại CHLB Đức, trong chuyến thăm lần này đã có dịp trở về với biển đảo quê hương, thăm anh em đồng đội. Anh xúc động chia sẻ: “Tôi đã có cơ hội được bắt tay, ôm hôn các đồng chí chiến sỹ mà tuổi đời mới chỉ mười tám, đôi mươi, những người mà khi được hỏi về người thân, gia đình thì đôi tay đều run lên. Truyền thống của đồng bào ta hàng nghìn năm nay chính là không bao giờ khuất phục trước quân thù. Có thể trước kia là Bạch Đằng, là Chi Lăng, thì bây giờ là Gạc Ma. Kể cả chiến tranh có xảy ra ngay lúc này đi chăng nữa, tôi tin rằng khi Tổ quốc cần, Tổ quốc kêu gọi, thì những đôi bàn tay run rẩy trước tình cảm của người thân ấy vẫn luôn sẵn sàng là tay súng vững chắc để bảo vệ biên cương của Tổ quốc”.

Khi những người con đất Việt xa quê hương đoàn tụ với những người lính xa nhà, cùng mang trong mình nỗi lòng đau đáu hướng về nguồn cội, nói với nhau lời dặn dò rằng “các anh chị cứ yên tâm, tụi em sẽ cố gắng bảo vệ bờ cõi linh thiêng của đất nước mình”, đó chính là khoảnh khắc thiêng liêng nhất.

Tấm lòng từ năm châu bốn biển

Đại diện cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, 55 đại biểu kiều bào từ 19 quốc gia đã đem theo những món quà thiết thực nhất gửi tặng các chiến sỹ ngoài đảo xa, với hy vọng có thể hỗ trợ phần nào cho cuộc sống của các anh.

Với tổng giá trị lên đến 1,2 tỷ đồng, những món quà dù là tivi, tủ lạnh, máy tính… hay chỉ đơn giản là những vật dụng hàng ngày như sổ, bút viết… cũng đều là tấm lòng chân thành nhất của đồng bào sống xa quê hương.

Sau mỗi hải trình thăm huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn, các câu lạc bộ, hội, đoàn lại được thành lập trong cộng đồng người Việt khắp nơi trên thế giới, với mục đích và ý nghĩa gắn liền với vấn đề chủ quyền biển đảo thiêng liêng. Được thành lập từ năm 2017, Câu lạc bộ Trường Sa CHLB Đức không chỉ tập hợp những kiều bào đã từng có cơ hội tới thăm Trường Sa, mà còn chào mừng cả những người Việt có tình yêu và mong muốn đóng góp cho công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

 Đại biểu kiều bào tặng quà cho quân và dân huyện đảo Trường Sa


Giọt nước mắt tiếc thương của kiều bào đối với những anh hùng liệt sỹ đã hy sinh

“Năm 2018, Câu lạc bộ có tặng ô che nắng cho các đảo. Hôm nay, khi được tới thăm đảo Sơn Ca và thấy món quà của mình đang giúp đỡ phần nào cho cuộc sống của các chiến sỹ, cá nhân tôi thấy hết sức tự hào. Năm nay, chúng tôi tặng một sân vận động đa năng cho đảo Sinh Tồn và 30 thùng quà bao gồm nhiều phần quà nho nhỏ như bút, sách và những vật dụng cá nhân cần thiết dành tặng cán bộ chiến sỹ Hải quân ở các đảo và nhà giàn mà chúng tôi được ghé thăm” – chị Lưu Thu Hiền, thành viên Câu lạc bộ Trường Sa, cho biết.

Ở Ba Lan, Quỹ vì Trường Sa cũng đã được thành lập và đang ngày một mở rộng thêm, với những hoạt động tích cực hướng về biển đảo. Chị Cao Hồng Vinh, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Ba Lan, cũng là thành viên của Quỹ, chia sẻ: “Được sự tư vấn của UBNNVNVNONN, chúng tôi được biết tình hình cơ sở vật chất hiện nay ở các đảo. Vì vậy, trong chuyến thăm lần này, Quỹ vì Trường Sa đã quyết định gửi tặng các đảo Trường Sa và Nhà giàn 12 bộ máy tính. Năm nay, Ban vận động Quỹ cũng đã được thành lập, khi trở về, chúng tôi sẽ hoạt động tích cực hơn nữa, đóng góp mỗi người một chút để giúp đỡ phần nào cho các chiến sỹ”.

Ngoài ra, còn có rất nhiều món quà tới từ cộng đồng người Việt tại Nga, Hàn Quốc, Úc, Thái Lan, CH Séc… Thế nhưng, có lẽ đối với các chiến sỹ, thì tình cảm của bà con mới chính là món quà vô giá nhất, như lời khẳng định của Trung úy Nguyễn Tiến Tảo – Chính trị viên đảo Trường Sa Đông: “Mặc dù vẫn còn những khó khăn, thiếu thốn, nhưng những gì Đoàn mang tới với các chiến sỹ, dù là tình cảm hay vật chất thì chúng tôi đều trân trọng. Tấm lòng chính là món quà quý giá nhất!”.

Vào ngày đầu tiên và cuối cùng của chuyến hải trình, Đoàn công tác đã làm lễ tưởng niệm, bày tỏ sự ghi nhớ và lòng tiếc thương vô hạn những anh hùng liệt sỹ, cán bộ chiến sĩ Hải quân ưu tú đã anh dũng hy sinh tại khu vực Gạc Ma và thềm lục địa phía Nam.

Nói lời tạm biệt vào ngày cuối cùng tại đảo Trường Sa Lớn, 200 thành viên trên con tàu KN490 đã cùng đồng thanh hô vang “Kiều bào yêu Trường Sa”, và rồi xúc động nghẹn ngào khi được đáp lại rằng “Trường Sa yêu kiều bào”. Chuyến thăm Trường Sa và nhà giàn DK1 kết thúc đã để lại vô vàn cảm xúc khó quên cho những thành viên của Đoàn công tác số 5. Tin rằng, mỗi người Việt có cơ hội được đặt chân lên vùng biển đảo thiêng liêng này, sẽ đều ý thức về bổn phận của mình đối với Tổ quốc, và sẽ có những hành động thiết thực nhất để góp phần bảo vệ cho chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quê hương Việt Nam.

Mai Phương

Nguồn quehuongonline.vn

http://quehuongonline.vn/nguoi-viet-o-nuoc-ngoai/truong-sa-2019-kieu-bao-ve-voi-bien-dao-que-huong-20190521145235382.htm


  Các Tin khác
  + Kiều bào chung tay hướng về đồng bào vùng bão lũ (17/09/2024)
  + Kiều bào mang tình cảm sâu đậm hướng về quê hương (31/08/2024)
  + Vụ kiện của bà Trần Tố Nga Người Việt tại Pháp không nản lòng, sẽ tiếp tục cùng bà Trần Tố Nga "trường kỳ kháng chiến" (24/08/2024)
  + Người Việt tại Lebanon gặp khó khăn khi mua vé máy bay để về nước (10/08/2024)
  +  Kiều bào tại Pháp cùng tôn vinh tiếng Việt (23/07/2024)
  +  Vụ 6 người Việt chết tại Thái Lan: Nghi phạm căng thẳng khi chuẩn bị ra tay (19/07/2024)
  +  Chủ tịch nước Tô Lâm thăm, tặng quà Trường song ngữ Lào-Việt Nam (13/07/2024)
  +  Phổ biến, giải đáp nhiều câu hỏi của người Việt Nam ở nước ngoài về Luật Đất đai 2024 (28/06/2024)
  + FBI khám nhà Thị trưởng và doanh nhân gốc Việt nổi tiếng (23/06/2024)
  + Tăng cường giải đáp, hỗ trợ pháp lý cho người Việt ở nước ngoài (12/06/2024)
  + Lao động Việt mang sầu riêng lên metro ở Nhật, người bịt mũi người bỏ đi (07/06/2024)
  + Xúc động hình ảnh nữ cầu thủ gốc Việt đầu tiên chơi ở đội tuyển Mỹ diện áo dài thướt tha (06/06/2024)
  +  Cháy trung tâm thương mại tại Ba Lan có nhiều người Việt Nam kinh doanh (13/05/2024)
  + Gần 70 kiều bào trở về từ 21 quốc gia dự Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng 2024 (21/04/2024)
  + Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Trung Quốc (10/04/2024)
  + Luật Đất đai 2024: Thể hiện chính sách công bằng với người Việt ở nước ngoài (10/04/2024)
  + Tin vui, từ 1/7 Việt kiều sẽ được tự do mua nhà như người trong nước (07/04/2024)
  + Động đất ở Đài Loan: Vợ chồng người Việt "tim đập chân run", hoảng loạn vì không gọi được cho nhau (04/04/2024)
  + Người phụ nữ gốc Việt đầu tiên sắp bay vào vũ trụ (30/03/2024)
  + Người Việt tại Lào gắn kết dựng xây đất nước, vun đắp tình hữu nghị (15/03/2024)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 1
Total: 66563774

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July