Trang chủ Liên hệ       Thứ hai, Ngày 23/12/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Người Việt Trên Thế Giới >
  “Shipper hàng không”, nghề cực nhọc của người Việt ở Nga “Shipper hàng không”, nghề cực nhọc của người Việt ở Nga , Người xứ Nghệ Kiev
 

Trong phòng chờ hạng thương gia ở sân bay Nội Bài, một ngày cuối tháng 3/2018, giữa những hành khách ăn mặc sang trọng, áo vest, cặp da, giày bóng lộn có khoảng 30 người Việt Nam trông rất “bình dân”. Tay xách, nách mang, gương mặt phờ phạc, mắt thâm quầng vì thiếu ngủ, họ đã gây nên sự tò mò, hiếu kì cho những người xung quanh.

“Khách VIP” ship cả gừng, riềng, sả, ớt…

Trên chuyến bay mang kí hiệu SU-291 của Hãng hàng không Aeroflot, tôi may mắn được ngồi gần với các vị khách Việt “bình dân” và cũng vô cùng đặc biệt này. Máy bay cất cánh được khoảng 30 phút, tôi lân la bắt chuyện với người phụ nữ ngồi ngay bên cạnh. H, cô gái có khuôn mặt trái xoan, tương đối niềm nở, thấy tôi tò mò, H hóm hỉnh: “Em làm shipper Việt-Nga, chuyên xách giai qua đường hàng không anh ạ”.

Đôi mắt chân chim, lộ rõ sự vất vả nhưng H vẫn tỏ ra vô cùng thoải mái chia sẻ với mọi câu hỏi của tôi. Em cho biết, shipper Việt là nghề mới của người Việt tại Nga mới rộ lên vài năm trở lại đây, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán 2018 vừa rồi. Đó là một cách gọi mĩ miều, thực chất là nghề buôn chuyến, mang hàng từ Việt Nam sang Nga và hàng từ Nga về Việt Nam bằng đường hàng không. Hàng thì thượng vàng hạ cám từ rau sống, bánh kẹo, trái cây đến ớt, sả, mỹ phẩm, rượu Vodka…

 Shipper là nghề mới của người Việt tại Nga mới rộ lên vài năm trở lại đây

Theo H, mỗi chuyến bay có khoảng từ 30 người chuyên nghiệp (thường xuyên bay) và khoảng vài người bán chuyên (tiện công việc ở nhà, thỉnh thoảng mới bay). Tiếng là đi buôn, tay xách nách mang, nhưng hầu hết các “đầu mối” chuyên nghiệp do “bay như đi chợ” nên ai cũng như khách VIP, đi cửa ưu tiên, sở hữu thẻ đen (kim cương), thẻ vàng, thẻ bạc, thẻ titan… của Aeroflot.

H tâm sự, phần lớn những người này đã sang Nga từ lâu, buôn bán trong các khu chợ, khu thương mại của người Việt tại Nga. Vài năm trở lại đây, khách mua giảm đi, buôn bán khó khăn, đi chợ bán hàng không đủ chi phí cho việc thuê nhà, nộp thuế… nên ai ít vốn, không có đủ điều kiện đành phải nghỉ bán hàng. “Cách đây 5-6 năm, chỉ có vài người làm nghề này thôi, họ thu nhập cao lắm vì không có cạnh tranh, hãng hàng không cũng không để ý nhiều nên có người, ngoài tiêu chuẩn hàng gửi Ba-gát, họ còn xách tay được nhiều nên lãi lắm. Gần đây, ở Việt Nam, người ta đã quen dùng một số sản phẩm của Nga và ngược lại, người Việt sống ở Nga cũng rất muốn sử dụng những hàng hoá quê nhà. Chính vì vậy nghề buôn chuyến này mới nở rộ như vậy. Đầu tiên vài người đi, sau đó rủ thêm bạn bè, người nhà, “buôn có bạn, bán có phường mà anh”, H chia sẻ.

Một nét thoáng đượm buồn trên khuôn mặt, H cởi lòng với tôi khi cho biết, H quê Hải Phòng, sang Nga từ năm 2000. Số không may mắn, buôn bán toàn thất bại, sau đó đi làm thêm đủ mọi việc, lúc thì giúp việc gia đình cho chủ người Việt, lúc đi phụ bán hàng khô… Số phận đưa đẩy, kết hôn với chồng lái xe cho một xưởng may ở ngoại ô. Gần 7 năm trời hai vợ chồng mới sinh được một cháu gái. “Bọn em không đủ điều kiện nuôi cháu bên này nên đành gửi ông bà ở Việt Nam nuôi giúp. Nhiều lúc nhớ con cồn cào mà chẳng có tiền về thăm, cũng may có chị bạn chỉ giúp nghề này, vất vả một chút nhưng thỉnh thoảng được về với con anh ạ”, H vui vẻ nói.

H có lẽ chỉ là một trong số hàng chục, hàng trăm người phụ nữ gốc Việt ở Nga có hoàn cảnh như vậy. Những biến động của thời thế, thay đổi của chính sách kinh tế, môi trường kinh doanh của Nga buộc họ phải chuyển mình, mưu sinh. Con nhỏ, chân yếu tay mềm không làm được việc nặng, nghề kiếm ra tiền ít đi, nên việc “buôn chuyến” qua đường hàng không trở thành lối thoát cho cuộc sống vốn đầy rẫy bế tắc.

Song để đi được một chuyến hàng như vậy rất vất vả, thậm chí tủi hổ. Mỗi lần chuẩn bị bay từ Việt sang Nga, các “shipper” Việt lại phải “bắn tin” từ qua bạn bè, người quen đến giật status lên facebook… xem có ai gửi gì không thì nhận. Nếu chuyến nào ít người gửi lại phải đi mua hàng cho đủ số lượng. Lịch trình của một shipper được V, một cô gái người Ninh Bình vẽ lại như sau: bay về Việt Nam, gặp con được một lúc lại phải tranh thủ đi trả hàng, đợt nào rỗi rãi thì ở nhà với con được vài ngày; khi nào nhu cầu hàng hoá cao, tranh thủ ở nhà được vài tiếng lại đi mua hàng để mang sang. Thượng vàng hạ cám, ớt, soài, gừng, riềng, lá chuối, mít, đu đủ, chôm chôm… tóm lại những gì người Việt thích thì mang theo tuốt. V nói thêm với tôi: “Chuyến bay từ Nội Bài sang Matxcơva thường cất cánh lúc 10h45 sáng, về nguyên tắc 8h sáng em đã phải có mặt ở sân bay. Chính vì vậy, hôm nào bay là em phải thức dậy từ 4h, nhẹ nhàng hôn con vì sợ nó tỉnh giấc rồi nhờ xe ôm chở mấy kiện hàng ra bến xe để lên xe khách ra Hà Nội. Đến bến xe Mĩ Đình mới dám gọi taxi đưa ra sân bay. Phải tiết kiệm từng tý một mới có chút lãi anh ạ”.

Tôi tiếp tục hỏi chuyện N.T.Ch, một phụ nữ ngoài 20 tuổi, người nhỏ nhắn, có gương mặt rất xinh và đôi mắt đen, to như mắt búp bê của Nga. Ch cũng rất cởi mở trong khi trò chuyện với tôi. Theo lời kể, Ch quê ở Bắc Giang, có một cháu trai đang gửi bà ngoại ở Việt Nam chăm sóc. “Vào những tháng cao điểm như những ngày giáp tết, nhu cầu hàng hoá ở hai đầu đều cao, có tháng em đi 8 chuyến anh ạ. Bây giờ Hãng hàng không Aerofllot ngày nào cũng có chuyến, nên em bay liên tục, gần như không có thời gian nghỉ ngơi, chỉ chập chờn chợp mắt trên máy bay”. Vì coi đây là nghề chính, nên Ch bay liên tục, thẻ bạch kim nên được gửi 4 kiện hàng mỗi lần bay. Ngoài ra, do nhu cầu những ngày tết cao, nên các nhà buôn chuyến chuyên nghiệp còn tìm cách mua thêm số kiện hàng để tăng lợi nhuận.

Theo Ch, có chuyến mang được 20 kiện hàng, chủ yếu mua lại của những người đi công tác, những công nhân sang làm xưởng may, không mang nhiều hàng hoá nên mua lại lợi cả đôi bên. Tuy nhiên, để chuẩn bị đủ từng ấy kiện hàng vô cùng vất vả, mỗi chuyến bay từ Việt Nam sang làm xong mọi thủ tục để ra được và về đến phòng trọ đã 9h tối của Nga, tranh thủ đi giao hàng xong, chỉ còn đúng gần một ngày đi mua sắm cho đủ hàng để 5h chiều ngày hôm sau đã phải có mặt ở sân bay. Thời gian gấp gáp cũng không kịp tắm rửa, nghỉ ngơi. Tranh thủ uống cốc nước chè đen nóng với mấy cái bánh ngọt lại tất tưởi bắt xe ra chợ đêm để mua hàng theo đơn của các chủ cửa hàng ở Việt Nam đặt: bánh, kẹo, sữa, giò, pho-mai, bơ, rượu, thuốc lá, mĩ phẩm…

Chiều ngược lại, gần 4 tiếng làm thủ tục ở sân bay, 9 tiếng đồng hồ trên trời, hạ cánh Nội Bài gần trưa; về đến Hà Nội, giao hàng xong, không có cả thời gian về thăm con, lại phải chuẩn bị cho chuyến bay tiếp theo. Theo Ch, chuyến nào thấy khoẻ thì bay lại ngay vì nhu cầu khách hàng giục giã, không đi sợ bị mất khách, còn chuyến nào mệt quá thì nghỉ ngơi 2 ngày rồi bay tiếp. “Cũng may ở Việt Nam dịch vụ rất tốt, mình đặt hàng gì chỉ cần gọi điện, họ đóng gói mang đến tận nhà, nào soài, mít, gừng, riềng, chôm chôm, rau củ quả các loại… Sợ nhất là khâu bảo quản mà không tốt, sang đến nơi rau bị úa nát, quả bị thối nhiều là hết mất lãi”, Ch. chia sẻ thêm.

 Những thùng hàng được các shipper vất vả đóng gói vận chuyển từ Nga về Việt Nam

Vất vả mưu sinh cho những chuyến tàu “hoàng hôn”

Tiếng loa vang lên trong máy bay yêu cầu hành khách ổn định chỗ ngồi để chuẩn bị phi hành đoàn phục vụ bữa ăn sáng. Với những vị khách đặc biệt người Việt, khẩu phần ăn rất khác biệt. Người thì bánh mì, người xôi chả, lại có cả cơm nắm, muối vừng. Suất ăn trên máy bay được đặt trước chỉ có salad và hoa quả. Thấy tôi ngạc nhiên, H nhanh nhảu giải thích: “Bọn em ăn nhiều đồ trên máy bay, bây giờ nhìn thấy đã sợ rồi. Chính vì vậy, chỉ đặt có salad, hoa quả thôi ăn cho nhẹ nhàng anh ạ”.

Bữa sáng trôi qua thật nhanh, ai cũng vội vã ăn cho xong để tranh thủ chợp mắt – đây là quãng thời gian mà họ có thể nghỉ ngơi, để chuẩn bị sức khỏe chạy hàng cho khách. Với những shipper tại Matxcơva, vận chuyển nhanh và đỡ vất hơn, còn những người ở tỉnh xa đó là quãng đường dài đằng đẵng, hết sức mệt nhọc.

Trò chuyện với S, một cô gái chuyên vận chuyển hàng từ Việt Nam sang một thành phố thuộc tỉnh Chelyabinsk về Việt Nam và ngược lại mới thấy thật cám cảnh cho việc mưu sinh. S kể, mỗi lần ở Việt Nam sang đến sân bay Sheremetryevo, nhận hàng xong lại phải đi gửi tiếp hàng để bay nội địa về thành phố xa. Mỗi lần như vậy phải vạ vật chờ ở sân bay thêm 8 tiếng. Song chiều ngược lại nhọc nhằn hơn nhiều, bởi mỗi ngày chỉ có một chuyến bay lên Matxcơva, 8h sáng hạ cánh, chờ thêm 12 tiếng đến 8h tối mới bay về Việt Nam. Vì không có vốn để mua hàng hoá, nên S chủ yếu vận chuyển thuê, ai gửi gì cũng nhận, miễn không phải hàng phi pháp. Từ Nga về có sữa tươi, kẹo, nấm saga…; ở Việt Nam sang, người đặt mua cân rau muống, người thì chai mắm Phú Quốc, người cân vải thiều, cân mận… “Mọi người gửi và đặt hết được 3 kiện hàng thì còn may, nếu không đặt hết, lại phải đi mua gì đó để bù vào cho hết số lượng; sang đến nơi, bán được thì tốt, không bán được thì lỗ to”, S ngán ngẩm.

Được bay như VIP, xuất ngoại như… đi chợ, tuy nhiên nghề mới của các shipper người Việt tại Nga mới rộ lên trong khoảng 1-2 năm gần đây cũng sắp đến cảnh lụi tàn. Theo chia sẻ của các tay shipper chuyên nghiệp, trước đây, Hãng hàng không Aeroflot tương đối thoải mái với hành lý xách tay, chính vì vậy, mỗi người có thể xách theo vài chục kg (khoản này lãi nhất vì không mất cước phí). Gần đây, để siết chặt, Hãng quy định mỗi người chỉ được xách tối đa 10kg; cẩn thận hơn trong mỗi chuyến bay, có cả nhân viên đứng đo kích thước túi xách, cân nặng. Để “lách luật”, một số shipper tranh thủ tài ngoại giao, nhờ hành khách khác xách hộ, nhưng thường sẽ nhận được những cái lắc đầu từ chối. Số hàng đó, đành bỏ lại tại sân ga và chấp nhận một chuyến bay lỗ ngay trước mắt. Quy định Hãng bay khắt khe, lại thêm hiện nay các công ty xuất khẩu của Nga đã nhập cuộc nên cánh cửa của các shipper này đang dần khép lại. Hiện nay, nắm bắt nhu cầu của nhiều người Việt, đặc biệt những người học tập lao động tại Nga và thị trường rộng lớn ở Nga, các công ty xuất khẩu của Nga đã liên kết với doanh nghiệp Việt Nam xuất hàng Nga như: váng sữa, giò Nga, đồ lưu niệm, pho-mát, rượu vodka… Hàng đi theo đường biển rất phong phú, dồi dào. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, cộng đồng người Việt ở Nga hiện nay cũng không nhiều, nằm rải rác ở các thành phố nên những chuyến hàng từ Việt Nam sang đa phần chỉ lắt nhắt, lấy công làm lãi, không làm ăn lớn được.

Máy bay hạ cánh, tôi vẫn dõi theo đoàn người “đặc biệt” ấy. Họ lớn tuổi có, trẻ tuổi có, nhưng phần đông vẫn là phụ nữ. Những người phụ nữ nhỏ bé nhưng cần mẫn, kiên cường, nhẫn nại… họ đã “bay” liên tục, với mục đích được thường xuyên gặp các con của mình đang được gửi cho người thân chăm sóc ở Việt Nam và để mưu sinh. Và chính họ đã góp phần công sức không nhỏ để đưa sản phẩm Việt ra nước ngoài và đưa văn hoá ẩm thực Nga đến gần với Việt Nam. Song nghề shipper qua đường hàng không này khiến họ phải nếm nhiều khổ ải, cực nhọc.

Ngô Tiến Điệp (Liên bang Nga)

Nguồn quehuongonline.vn

http://quehuongonline.vn/nguoi-viet-o-nuoc-ngoai/shipper-hang-khong-nghe-cuc-nhoc-cua-nguoi-viet-o-nga-20180706150855195.htm


  Các Tin khác
  + Kiều bào chung tay hướng về đồng bào vùng bão lũ (17/09/2024)
  + Kiều bào mang tình cảm sâu đậm hướng về quê hương (31/08/2024)
  + Vụ kiện của bà Trần Tố Nga Người Việt tại Pháp không nản lòng, sẽ tiếp tục cùng bà Trần Tố Nga "trường kỳ kháng chiến" (24/08/2024)
  + Người Việt tại Lebanon gặp khó khăn khi mua vé máy bay để về nước (10/08/2024)
  +  Kiều bào tại Pháp cùng tôn vinh tiếng Việt (23/07/2024)
  +  Vụ 6 người Việt chết tại Thái Lan: Nghi phạm căng thẳng khi chuẩn bị ra tay (19/07/2024)
  +  Chủ tịch nước Tô Lâm thăm, tặng quà Trường song ngữ Lào-Việt Nam (13/07/2024)
  +  Phổ biến, giải đáp nhiều câu hỏi của người Việt Nam ở nước ngoài về Luật Đất đai 2024 (28/06/2024)
  + FBI khám nhà Thị trưởng và doanh nhân gốc Việt nổi tiếng (23/06/2024)
  + Tăng cường giải đáp, hỗ trợ pháp lý cho người Việt ở nước ngoài (12/06/2024)
  + Lao động Việt mang sầu riêng lên metro ở Nhật, người bịt mũi người bỏ đi (07/06/2024)
  + Xúc động hình ảnh nữ cầu thủ gốc Việt đầu tiên chơi ở đội tuyển Mỹ diện áo dài thướt tha (06/06/2024)
  +  Cháy trung tâm thương mại tại Ba Lan có nhiều người Việt Nam kinh doanh (13/05/2024)
  + Gần 70 kiều bào trở về từ 21 quốc gia dự Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng 2024 (21/04/2024)
  + Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Trung Quốc (10/04/2024)
  + Luật Đất đai 2024: Thể hiện chính sách công bằng với người Việt ở nước ngoài (10/04/2024)
  + Tin vui, từ 1/7 Việt kiều sẽ được tự do mua nhà như người trong nước (07/04/2024)
  + Động đất ở Đài Loan: Vợ chồng người Việt "tim đập chân run", hoảng loạn vì không gọi được cho nhau (04/04/2024)
  + Người phụ nữ gốc Việt đầu tiên sắp bay vào vũ trụ (30/03/2024)
  + Người Việt tại Lào gắn kết dựng xây đất nước, vun đắp tình hữu nghị (15/03/2024)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 3
Total: 66001275

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July