Trang chủ Liên hệ       Thứ hai, Ngày 23/12/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ >
  PHÓNG SỰ-KÝ SỰ: Kỷ niệm không quên (Tiếp) PHÓNG SỰ-KÝ SỰ: Kỷ niệm không quên (Tiếp) , Người xứ Nghệ Kiev
 

Thứ Hai ngày 16/10/2017

(HNM) - Điều gây ấn tượng mạnh, khiến tôi kinh ngạc nhất về nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc là một kỷ niệm. Hồi ấy, tôi đang say sưa biên soạn bộ Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng. Một hôm, nhân ngày xuân, chúng tôi đến thăm nhà Hà Nội học. Câu chuyện thế nào lại trở về Hà Nội những ngày Nhật đảo chính Pháp. Tôi liền khoe điều mình biết được qua những trang nhật ký Nguyễn Huy Tưởng. Rằng cái đêm 9-3-1945 ấy, cha tôi cùng ông Nguyễn Hữu Đang, một người bạn chí cốt trong Văn hóa cứu quốc, tá túc trên một căn gác ở số nhà 73 phố Hàng Quạt. Nghe tiếng súng nổ, cha tôi thầm phục sự phán đoán của “anh em”, thế nào Nhật - Pháp cũng có ngày tận diệt. Bên ngoài, tiếng súng đưa đi đáp lại, những tràng tiểu liên và cả tiếng súng cao xạ. Đạn lạc đến chỗ các ông, sượt qua mái nhà… Tôi còn đang nói thì ông Phúc cắt ngang: “Nhưng mà phố Hàng Quạt đâu có số nhà 73!”.

Tôi sẽ không kể lại mình đã ngạc nhiên như thế nào, nghi hoặc điều nhà Hà Nội học nói ra sao, vì tôi dám chắc nhật ký của cha tôi viết thế. Chỉ biết việc đầu tiên tôi làm sau khi rời nhà ông là đạp xe lên phố Hàng Quạt, để xem cho rõ thực hư. Không có số nhà 73 thật. Phố này ngắn, bên dãy lẻ chỉ đến số nhà sáu mấy. Nhưng về mở lại nhật ký của cha tôi thì đúng là 73 Hàng Quạt. Ở đoạn đó, ông viết: “Tám giờ tối. Ngồi trên gác số 73 Hàng Quạt. Đang nói chuyện thì nghe tiếng tành tạch...”. Nghĩa là sao đây?
 
Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc.

Cùng với nỗi băn khoăn về sự không khớp đó, trong tôi là một sự ngạc nhiên không để đâu cho hết. Làm sao ông Phúc có thể nhớ được rằng một con phố nào đó của Hà Nội chỉ có đến số nhà nào? Mà nhớ và khẳng định “ngay tại trận”, không cần tra cứu sách vở hay tư liệu gì! Người ta có thể nhớ một phố nào đó vào một thời điểm nào đó mang một tên nào khác - điều đó đã khó nhưng còn có thể tin được. Nhưng nhớ cả đến số nhà của một con phố thì quả là phi phàm! Tôi chỉ biết nghĩ vậy…
*
Một thời gian sau tôi chuyển cơ quan, đổi qua làm báo rồi làm sách cho thiếu nhi. Ban đầu, thỉnh thoảng tôi vẫn qua lại nhà thầy Phúc, nhất là hồi còn giữ chuyên mục khoa học ở tòa báo. Tôi đến đặt ông viết về lịch sử, về danh nhân, như về công chúa An Tư cho các bạn đọc nhỏ tuổi. Nhưng rồi đến khi chuyển sang làm sách thì hầu như thôi hẳn. Cuộc sống gấp gáp, công việc ngày một nhiều lên. Nhiều lúc nghĩ tới nhà Hà Nội học, cũng định đến với ông như ngày nào thì lại có việc gì đó đòi hỏi phải làm trước. Dần dần đâm mất thói quen. Trong thâm tâm, tôi tự an ủi mình vẫn luôn nhớ đến ông với lòng quý trọng, nhưng cũng chỉ có thế, tuyệt nhiên không một biểu hiện nào hơn!

Kể cả khi tôi phát hiện ra những trang nhật ký của chị Thục - chị gái thứ hai của tôi viết trong những ngày cha lâm trọng bệnh. Chị tôi chả có khiếu văn chương gì, chỉ đơn giản viết ra tình cảm tự nhiên xuất hiện khi chứng kiến người cha thân yêu sắp phải đi xa. Nhưng những gì chị thuật lại về những ngày đau thương ấy của gia đình sao mà cảm động. Linh cảm cho tôi biết đó là những trang nhật ký rất hay, cần được công bố. Và tôi đã làm việc đó, để những trang nhật ký của chị tôi được ra mắt trên một tờ báo văn chương hàng đầu của đất nước với tiêu đề Về với chúng con bố nhé! Báo ra, bài của chị tôi được rất nhiều người quan tâm. Chị tôi và tôi đã gửi báo tặng không ít người để được chia sẻ. Nhưng tôi đã quên mang tờ báo đó đến khoe với thầy Phúc, người từng quan tâm hỏi thăm chị tôi nhiều năm về trước!

Thế rồi, như đã nói, tôi biên soạn lại tập sách An Tư với hai chương bổ sung. Cuốn sách ra đời, tôi hạnh phúc vô cùng, đem tặng nhiều người, nhưng không phải nhà Hà Nội học - người từng nói để tôi thêm yên tâm về “nghệ thuật tiểu thuyết” ở tác phẩm này!

Thậm chí là cả khi tôi biên soạn bộ Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng để đưa in. Bấy giờ là thời kỳ đổi mới, đời sống xã hội có sự cởi mở. Những trang nhật ký của cha tôi rất chân thực, đã được sự thẩm định kỹ lưỡng của nhà xuất bản nhận in. Bộ sách gồm ba tập, trong đó tập 1 bao gồm quãng thời gian từ năm 1930, khi cha tôi bắt đầu thói quen viết nhật ký đến năm 1945, khi ông rời Hà Nội lên chiến khu dự Quốc dân đại hội Tân Trào. Nghĩa là bao hàm cả sự kiện Nhật đảo chính Pháp mà cha tôi đã thuật lại khá chi tiết.

Trong đó, ở đoạn có nói đến số nhà 73 phố Hàng Quạt, với trách nhiệm của người biên soạn, tôi đã không quên ghi chú, phố Hàng Quạt hiện nay không có đến số nhà 73. Và để lý giải cho chuyện này, tôi đã dẫn lời nhà Hà Nội học, đại ý thời trước Cách mạng, phố Hàng Quạt có thể còn được nối thêm một đoạn nữa của phố tiếp giáp, và số nhà 73 trong Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng là ở trên đoạn tiếp nối ấy.

Vâng, tôi đã không quên ghi chú điều đó để tránh sự thắc mắc có thể có của những độc giả kỹ tính. Nhưng tôi đã quên mang sách đến tặng tác giả Phố và đường Hà Nội, phải, chính ông, người mà tôi đã dẫn lời để chú giải!
*
Thời gian qua đi, tôi được giao một cương vị nhất định ở nhà xuất bản mới. Hè năm ấy, cơ quan tôi tổ chức cho anh chị em đi nghỉ ở Quảng Bình. Sau một cuộc hành trình nhiều giờ hết tàu hỏa lại ô tô, chúng tôi đến nơi là một resort tuyệt đẹp bên bờ biển. Tôi đang chờ đến lượt mình nhận phòng thì có điện thoại. Tôi vừa đưa lên nói “A lô” thì đầu dây kia đã có tiếng hỏi: “Có phải là ông Thắng không?”. Giọng nói nghe quen quen. Nhưng là ai thì tôi không nhận ra, chỉ biết đáp vâng và hỏi lại, “nhưng là ai đấy ạ?”. “Phúc đây mà. Nguyễn - Vinh - Phúc đây”, giọng nói nhấn mạnh. Và tiếp: “Thằng Thắng nó quên tôi rồi!”, kèm theo một tiếng như cười. Lúc này thì tôi “tá hỏa” thực sự. Bất ngờ vì ông gọi thì ít mà trách mình thì nhiều. Làm sao tôi có thể thất thố như thế với ông được!

Nhưng xem ra ông không hề giận. Giọng hồ hởi, ông cho biết phải hỏi qua mấy người mới có được số điện thoại của tôi. Tôi lúng búng rằng không phải mình quên ông, tôi vẫn luôn nhớ tới ông, chỉ vì… Chẳng để tôi thanh minh thêm, ông lại nói “thằng Thắng nó quên tôi rồi”. Nhưng rõ ràng không có ý trách, ông nhắc lại như thể chỉ coi đó là một sự thường tình. Thậm chí giọng ông còn vui nữa. Ông bảo vừa đọc cuốn sách về nhà sử học mà nhà xuất bản chúng tôi ấn hành. “Sách tốt lắm”, ông khẳng định...

Hạnh phúc thay cho người làm nghề như tôi khi góp phần làm ra ấn phẩm lọt vào mắt xanh của thầy Nguyễn Vinh Phúc, người đã không quên khích lệ tôi, cho dù, có lúc, tôi đã thật không phải với ông.

Nhưng quên thì làm sao có thể quên được! Và đó chính là lý do để tôi viết những dòng này. Và tôi tin, rất nhiều người sẽ không quên ông - một “Công dân Thủ đô ưu tú” đã được vinh danh năm 2010!
Nguyễn Huy Thắng
Nguồn hanoimoi.com.vn
http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Phong-su-Ky-su/880501/ky-niem-khong-quen



  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 3
Total: 66023846

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July