Trang chủ Liên hệ       Thư ba, Ngày 24/12/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ >
  THƠ SÉPTRENCÔ – TIẾNG THÉT CĂM PHẪN CỦA NHỮNG NGƯỜI NÔNG NÔ ĐÒI GIẢI PHÓNG THƠ SÉPTRENCÔ – TIẾNG THÉT CĂM PHẪN CỦA NHỮNG NGƯỜI NÔNG NÔ ĐÒI GIẢI PHÓNG , Người xứ Nghệ Kiev
 

Nhân kỷ niệm 26 năm Quốc khánh Ukraina (24/8/1991-24/8/2017), BBT báo Người xứ Nghệ Kiev trân trọng giới thiệu tới độc giả bài viết của Viện sĩ Viện Hàn lâm VHNT Thế giới Ukraina - PGS-TS Nguyễn Xuân Hòa - người đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy, về Đại thi hào dân tộc Ukraina Taras Shevchenko:

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang cười, kính mắt

                   PGS-TS Nguyễn Xuân Hòa


Trước khi trở thành hoạ sĩ tài ba và nhà thơ vĩ đại của đất nước Ucraina, Tarax Séptrencô đã từng là “gia nô hầu phòng” ở nhà chúa đất, đã trải nếm thân phận của những kẻ “chịu lặng câm muôn thuở”. Hơn ai hết, Séptrencô đã gắn bó máu thịt với những con người chịu cảnh tôi đòi nhưng rất đỗi gần gũi với nhà thơ. Tình cảnh ấy được Séptrencô thổ lộ với Nàng thơ của mình trong nhiều thi phẩm. Trong bài thơ Giấc mơ sáng tác năm 1858 với niềm cảm thông vô bờ, Séptrencô đã nói lên nỗi thống khổ dai dẳng của những người phụ nữ nông nô:
Làm lao dịch cắt lúa mì cho chủ
Mệt rã rời chị đâu dám ngơi tay
Thất thểu bước, chị về… con nhay vú
Người mẹ nông nô ấy mệt mỏi thiếp đi và mơ thấy thằng Ivan của chị:
Thoát kiếp nông nô, giàu có đẹp trai,
Cưới cô gái tự do thôi kiếp đời nô lệ.
Hỡi ôi, tất cả những cái đó chỉ là giấc mơ thôi – giấc mơ của người phụ nữ nông nô và cũng là giấc mơ của chính nhà thơ. Giấc mơ đòi giải phóng, “thoát kiếp đời nô lệ” đã trở thành một trong những chí hướng sáng tác của Séptrencô. Nhà thơ đã hiến dòng thơ của mình cho tầng lớp nhân dân bị nô lệ và khẳng định:
Tôi sống lại hôm nay vì họ
Vì những người bị xiềng xích của tôi
Những kiếp người bất hạnh tôi đòi
Tôi ngợi ca những con người bé nhỏ
Những nô lệ chịu lặng câm muôn thuở
Nguyện một lòng vì họ có tôi
Đứng canh cho quyền được sống làm người…

              

                Taras Shevchenko - Ảnh nguồn Internet


Tarax Séptrencô (1814 – 1861) xuất thân là nông nô. Anh, chị em ruột của nhà thơ cũng là những người nông nô – tư hữu của bọn chúa đất. Trong 47 năm sống dưới chế độ nông nô hà khắc thì 24 năm đầu nhà thơ đã phải cam chịu thân phận kẻ nô lệ bị ràng buộc trong tay tên chúa đất Paven Enghengác. Biết được tài năng có nhiều hứa hẹn về hội họa của Séptrencô, các hoạ sĩ có tên tuổi thời đó đã đứng ra giúp đỡ vào học ở Viện Hàn lâm mỹ thuật Xanh Petécbua. Nhưng trước hết phải giải thoát Séptrencô khỏi thân phận người nông nô. Hoạ sĩ danh tiếng Briunlốp* dạy ở Viện Hàn lâm mỹ thuật và nhà thơ Giucốpxki đã bàn cách kiếm đủ số tiền lớn quá sức tưởng tượng đối với thời bấy giờ - 2500 rúp - để chuộc tự do cho Séptrencô. Hoạ sĩ Briunlốp đã vẽ bức chân dung nhà thơ Giucốpxki, và sau đó nhờ có sự giúp đỡ của Giucốpxki và bá tước Viengoócki** bức chân dung được bán đấu giá tại nhà bá tước sau buổi hoà nhạc có mặt đầy đủ “bàn dân thiên hạ”. Các họa sĩ đã thu đủ số tiền chuộc lại tự do cho Séptrencô. Với “Giấy chứng nhận trả lại tự do”, Tarax Séptrencô được nhận vào Viện Hàn lâm mỹ thuật làm học trò giáo sư hoạ sĩ Briunlốp. Như chim sổ lồng, Séptrencô say mê vẽ tranh, trau dồi cách bố cục tranh, và đồng thời trong thời kỳ này những sáng tác thơ đầu tay của ông cũng lần lượt xuất hiện.
Vốn xuất thân từ lớp người tận cùng của xã hội, bị đày đoạ như “dê, chó, ngựa, trâu” nên Tarax Séptrencô và thơ ông rất gần gũi với nhân dân, trước hết là giới những người tiên tiến của những năm bốn mươi thế kỉ 19. Hơn ai hết Séptrencô hiểu rõ thế nào là ách áp bức của chế độ nông nô. Nhà thơ tin chắc một điều rằng, không có gì có thể dẫn đến sự thay đổi tốt hơn và tất cả những lời lẽ văn hoa mĩ miều về
“tình yêu đối với dân cùng đinh” thốt ra lúc hứng khởi khi nâng cốc sâm banh chỉ là những lời sáo rỗng mà thôi!
Chỉ hai năm sau khi đã trở thành người tự do, tháng Ba năm 1840, nhờ bạn bè giúp đỡ Séptrencô đã cho ra mắt bạn đọc tập thơ Người hát rong (Cốpda*) được dư luận nhiệt liệt hoan nghênh. Nhà văn lão thành Cơvítca Ôxmôvianhencô trong bức thư ngày 23 tháng Mười 1840 đã rất phấn chấn viết cho tác giả tập thơ: “Tôi bắt đầu đọc thơ… chao ơi! tóc trên đầu tôi lơ thơ mà cứ dựng đứng lên. Bà nhà tôi sụt sùi. Tôi ép chặt tập thơ của anh vào ngực. Tuyệt quá, tuyệt quá… Tôi không biết nói gì hơn”. Tập thơ Người hát rong đã nhanh chóng trở thành tập sách yêu quí của những người nông nô. Theo lời của những người đương thời, những gia nhân nông nô nhà mụ chúa đất Xukhanôva đã thuộc lòng thơ Người hát rong. Trước đó, năm 1839, trong bài thơ Khúc bi ca của mình, Séptrencô đã chuyện trò với Nàng thơ, khuyên Nàng thơ hãy đi đến “sân sau, đến với những con người nghèo khó”:
Đến nơi ấy
Anh tìm thấy trái tim người bạn
Trái tim chân thành, chất phác
Đến nơi ấy
Anh sẽ tìm ra Sự thật…
Ấp ủ niềm tin sẽ tìm ra sự thật ở nơi “sân sau” của những trái tim chất phác, trong tập thơ Người hát rong ra đời sau đó một năm, Séptrencô đã nói lên sự phản kháng – tuy còn tự phát – đối với sự bất công xã hội, nói lên nguyện vọng nung nấu muốn thay đổi chế độ xã hội. Cho nên chúng ta không hề ngạc nhiên khi thấy trong thơ ca thời kỳ đầu của Séptrencô xuất hiện hình ảnh những con người bần cùng, khốn quẫn nhất của xã hội. Đó là anh nông nô tứ cố vô thân, là các chị, các cô gái nô tì bị đau khổ vì sự hà hiếp, vì những thói rởm đời của bọn chúa đất có thế lực, là những “con thơ đói lả bên bờ giậu”, là người vợ goá bị thúc thuế, người con trai trụ cột của gia đình bị bắt lính vô thời hạn, là người phụ nữ nông nô còng lưng ngày đêm làm mọi việc lao dịch cho nhà chúa đất. Điển hình nhất về phương diện này là trường ca Catêrina (1838). Trong nền văn học thế giới thế kỷ XIX khó có thể tìm thấy tác phẩm nào mà số phận một cô gái nông nô bị quyến rũ, bị làm nhục và bị ruồng bỏ được miêu tả với tính nhân đạo sâu sắc như trong trường ca Catêrina của Séptrencô. Trong trường ca đầu tiên này, Séptrencô đã hướng người đọc chú ý đến sự nhẫn nhục, sự cam phận hèn mọn của lớp người “chịu lặng câm muôn thuở”. Nhà thơ đồng thời cũng đau xót vạch ra niềm ước mong bé bỏng của cô gái nông nô được đem đứa con trai bất hạnh quay trở về với gã sĩ quan bạc tình, nghĩa là mong nhận được một “sự che chở” mỏng manh, yếu ớt. Gặp lại gã sĩ quan chúa đất, Catêrina đã yếu đuối hạ mình dưới chân gã xin rủ lòng thương:
Em sẽ quên rằng ta đã yêu nhau
Rằng con trai em có anh là cha đẻ
Rằng vì anh, em hoài phí tuổi xuân…
Sự thật đau lòng ấy của những người cùng giai cấp, cùng cảnh ngộ với nhà thơ không thể tồn tại mãi trên đất nước Nga được. Cùng với sự phát triển của xã hội, Séptrencô không chỉ dừng lại ở tình thương đối với lớp người bị đau khổ, mà nhà thơ đã biểu lộ thái độ phản kháng rõ rệt, thái độ của lớp người đã bắt đầu biết gột bỏ “sự nhẫn nhục mê muội” để vùng lên với tư thế đường hoàng tràn đầy lòng tự tin.
Trường ca Catêrina với âm hưởng chống lại chế độ nông nô là sự khởi đầu cho hàng loạt thơ và trường ca sau này của Séptrencô đề cập đến những nỗi khổ đau và cái chế thảm thương của người phụ nữ xuất thân từ nhân dân: Người đàn bà mù (1842), Mụ phù thủy (1847), Công tước tiểu thư (1847), Marina (1848), Marina (1849). Tuy đều nói đến những nỗi khổ đau của những con người bị đè nén, bị chà đạp, nhưng tác giả đã biểu lộ những thái độ khác nhau (trong trường ca Catêrina nhân vật nữ cam chịu một cách thụ động với số phận mình, trong Người đàn bà mù, nhân vật nữ đã trả thù tên chúa đất và sau khi trả được mối hận thù chị đã chết), để rồi cuối cùng nhà thơ lên án chế độ nông nô bất công, vua quan tàn bạo và kêu gọi đấu tranh. Séptrencô tâm niệm với Nàng thơ của mình “chỉ nói lên điều sự thật ở đời này!”. Sau khi đọc bài báo Quyền sở hữu rửa tội* của Ghécxen, Séptrencô thường nhắc đến hình ảnh “chiếc rìu” – tượng trưng cuộc khởi nghĩa vũ trang của nhân dân – trong thơ ca cách mạng của mình. Trong trường ca Những người mới nhập đạo, nhà thơ đã dùng hình ảnh “lưỡi rìu” của nhân dân để nói với Nga hoàng:
Mi sẽ không được chết
Bởi làn sét thiêng liêng
Như một con chó điên
Mi sẽ bị cắt cổ
Bằng một con dao mẻ
Hay một lưỡi rìu cùn!

Trường ca Những người mới nhập đạo là lời kêu gọi đấu tranh, kêu gọinhân dân đứng lên làm cách mạng. Chính tác giả chỉ ra rằng bản trường ca này “hình như được rút ra từ lịch sử La Mã”. Thực ra đó chỉ là một thủ pháp nghệ thuật mượn câu chuyện cổ La Mã, chuyện tên bạo chúa Nêrông** để mô tả nước Nga nông nô của Nga hoàng, mô tả những kẻ chuyên chế độc tài, những tên chúa đất, đồng thời bên cạnh đó mô tả nhân dân bị áp bức và các chiến sĩ quên mình vì tự do của nhân dân.
Nhà thơ đã vẽ nên một nước Nga “nhà tù của các dân tộc” đang đẩy nhân dân Nga vào cảnh tối tăm:
Gia đình nào nước mắt cũng thành sông
Bởi người thân bị giam cầm ngục tối
Hay bị đày nơi heo hút xa xăm…
Đó chẳng phải là nước Nga của Nga hoàng Nhicalai I một thời đứng vững được nhờ bộ máy cảnh sát và những vụ khủng bố đẫm máu dưới ngọn roi của Phòng Ba đứng đầu là tên trùm cảnh sát Benkenđoóc đó sao? Nhà thơ tin rằng nhân dân sẽ chiến thắng bọn áp bức, bóc lột. Những người cách mạng bị đoạ đày nay đứng vào đội ngũ các chiến sĩ chống lại chế độ chuyên chế lãnh sứ mạng lịch sử cổ vũ nhân dân vùng lên:
Hỡi bạo chúa Nêrông, ngươi chẳng thoát
Toà án thiên đình giây lát sẽ hiện ra
Sẽ xét xử ngươi trên đường cái lại qua
Nhưng với “Những chiến sĩ phục thù thần thánh” thì Séptrencô nhiệt thành yêu mến và kính trọng:
Hãy ngợi ca
Ngợi ca các anh, những tâm hồn tươi trẻ
Ngợi ca các anh, những hiệp sĩ thánh thần
Đến muôn đời ngợi ca mãi không thôi…
Người đọc sẽ hiểu ngay “những hiệp sĩ thánh thần” này chính là “những người Nga đầu tiên rung tiếng chuông tự do”*.
Trong bài thơ nổi tiếng khác Không nói gở đâu, tôi nào có ốm đau… viết ngày 22 tháng Mười một năm 1858, Séptrencô đã đả phá ảo tưởng đặt tất cả hy vọng vào Nga Hoàng Alếchxanđrơ II của các “ủy ban nông dân” và một lần nữa dứt khoát khẳng định, ngoài chiếc rìu của chính mình thì nhân dân đừng nên trông mong vào cái gì khác:
Hoài hơi nằm há miệng
Điềm lành đừng chờ trông
Tự do không tự đến
Bởi bùa mê Nga hoàng….
Chúng dân cùng chung sức
Rèn cho sắc búa, dao
Lưỡi rìu ta nắm chắc
Cùng đi thức tự do
Đối với Séptrencô không có vua hiền: “Vua chúa bao giờ cũng là lũ bạo chúa và chuyên quyền, là kẻ thù của nhân dân lao động”. Trong những năm tháng đầu tiên bị đi đày (nhà thơ bị đi đày mười năm (1847-1857) Séptrencô đã sáng tạo nên tác phẩm thơ trào phúng tuyệt tác Hai ông vua. Trong thi phẩm này “vua Đavít hiền từ” tuôn ra những lời của Nga hoàng Nhicalai I và tên trung tướng cảnh sát Đuben được mệnh danh là hai tên độc tài chuyên chế toàn nước Nga. Nhà thơ đưa ra một kết luận có tính quy luật:
Để bọn đao phủ trừng phạt những tên đao phủ
Hai vua Nga – hai kẻ sát nhân!
Rõ ràng trong lòng nhà thơ trỗi dậy mối căm thù và sự phản kháng sâu sắc, mặc dù nhà thơ phải sống cuộc đời khổ ải của anh lính quèn bị ràng buộc bởi chế độ quân dịch hà khắc. Nhà thơ đã nói lên một cách tự hào tiếng nói của lớp người bị áp bức, đè nén: “Ta bị trừng phạt, ta bị đọa đày… nhưng ta không hề hối tiếc”. Chính vì vậy thời kỳ sau này (1859-1861), khi nhà thơ đã ý thức sâu sắc trách nhiệm làm người báo hiệu một ngày mới sẽ đến, trong các bài thơ trữ tình, yêu nước và chính trị của Séptrencô ta thường thấy xuất hiện hình ảnh ánh mặt trời rực rỡ, xua tan đêm dài tăm tối – tượng trưng cho ách nông nô chuyên chế ngự trị bao đời ở nước Nga. Nhà thơ tin rằng sẽ đến ngày:
Trên ngai vàng lũ vua quan run rẩy
Chân lý sẽ ca vang trên trái đất này!...
Và lúc đó nhân dân, trong đó có những người nông nô cùng cảnh ngộ với nhà thơ, sẽ thức tỉnh:
Ngày mai đây trăm họ muôn người
Sẽ đàng hoàng đứng lên phán xét:
Nga hoàng kia đưa lên đoạn đầu đài!
Nhà thơ đã tiên đoán ngày cáo chung của chế độ chuyên chế Nga hoàng. Giống như tất cả bầy vua quan của bất kỳ một chế độ chuyên chế nào, cuối cùng cũng sẽ bị diệt vong, tên Nga hoàng dã thú đã bị nhân dân:
…Tóm cổ hắn
Và gông xiềng hắn lại
Đày hắn đi Ai Cập xa xôi
Nếu có một kẻ chuyên chế nào khác xuất hiện và cũng muốn đè nén nhân dân, thì:
Không cho hắn thoát xiềng gông trừng phạt
Trói ngay loài cẩu trệ ngự ngai vàng
Giải hắn đi tống ngục Babilon
Để trăm họ dân nghèo trên trái đất
Không còn nghe tiếng ra oai gầm thét
Của tên vua chuyên chế gian tham…
Như được chấp cánh bởi niềm tin mãnh liệt vào sự đổi đời của nhân dân, nhà thơ đã quả quyết rằng lũ vua chúa công hầu không thể tránh khỏi một kếtthúc bi thảm:
Gió lên từ đồng nội
Thổi bay hết bụi trần
Đường sạch quang rác rưởi
Còn ngươi – thôi lộng hành –
Sẽ chết chìm trong máu
Nhơ bẩn và hôi tanh…
Đến lúc đó trước mắt nhân dân lao động sẽ mở ra một chân trời mới, rộng bao la. Nhà thơ cảm thấy lòng rạo rực khi hướng tới những ngày tương lai đầy sáng tạo đó. Cũng trong thời kỳ này tư tưởng của Séptrencô ngày càng kiên định. Séptrencô bao giờ cũng là người lên tiếng chống lại những ảo vọng về một “Nga hoàng từ thiện” và kêu gọi hãy “rèn gươm, mài kiếm”, thức tỉnh “tinh thần tự do của nhân dân”. Chúng ta biết rằng Ghécxen rất quả cảm trong cuộc đấu tranh vì sự thắng lợi của nhân dân đối với chế độ chuyên chế Nga hoàng. Nhưng trong bức thư gửi cho Nga hoàng Alếchxanđrơ II, Ghécxen đã tỏ ra có những dao động mang màu sắc tự do chủ nghĩa. Trên tờ Tiếng chuông số 60 ra ngày 1 tháng Giêng năm 1860, Ghécxen đã cho in bài xã luận của mình nhan đề Năm 1860. Ở đây một lần nữa Ghécxen không hề nói gì với nhân dân mà chỉ nói với Nga hoàng, trong đó ông kể lại cả những cuộc trò chuyện trước đây của ông với Alếchxanđrơ II. Lời lẽ bài xã luận mang nặng một ảo vọng là toàn bộ trật tự xã hội sẽ được xây dựng lại theo “lời phán truyền của đấng minh quân”. Bài báo của Ghécxen đã làm cho Trécnưsépxki, Đôbrôliubốp, Séptrencô và tất cả những nhà dân chủ cách mạng phải đau lòng.
Phải bằng mọi cách giúp Ghécxen thoát khỏi những lầm lạc và những mơ tưởng hão huyền. Ngày 25 tháng Giêng năm 1859, ngay trước lúc bài xã luận đầu năm của Ghécxen xuất hiện trên tờ Tiếng chuông, Séptrencô đã viết:
Nói thẳng đi anh, chần chừ chi nữa
Những bàn tay nhơ nhớp lũ bay
Nặn Nga hoàng thành phần tượng từ bi
Rồi truyền tụng vua là Thượng đế
Với dân nghèo các người vỗ về an ủi
“Đấng minh quân chỉ ban phước tốt lành”
Không phải vậy! Hãy nói lớn đi anh:
Mọi thượng đế đều là phường lừa bịp
Mọi thần tượng trong cung đền – cùng một giuộc!
Hãy nói đi anh! Sự thật sẽ chói loà.
Những vần thơ trên trên đây chính là những suy nghĩ cần đưa ra để trả lời bài viết của Ghécxen. Và thế là câu trả lời bài xã luận của Ghécxen đã xuất hiện trên tờ Tiếng chuông số 64 ra ngày 1 tháng Ba năm 1860 dưới nhan đề Bức thư từ một tỉnh lẻ, ký bút danh Một người Nga. Bức thư từ một tỉnh lẻ rõ ràng đã được chuẩn bị soạn thảo và bàn bạc thống nhất trong nhóm các nhà dân chủ cách mạng đứng đầu là Trécnưsépxki với sự tham gia Đôbrôliubốp và Séptrencô. Bức thư đã gây một ấn tượng mạnh mẽ trong dư luận xã hội, nhất là trong giới thanh niên. Qua Bức thư từ một tỉnh lẻ mọi người đều nhận thấy tư tưởng kiên định, dứt khoát của những người dân chủ cách mạng và cũng là của Séptrencô. Chúng ta hãy đọc đoạn cuối của bức thư gửi Ghécxen: “Ngài đừng rung Tiếng chuông báo giờ làm lễ mà hãy đổ hồi những tiếng chuông cảnh tỉnh! Hãy kêu gọi nước Nga đứng dậy cầm lấy búa rìu. Ngài hãy nhớ rằng đã hàng trăm năm nay đức tin vào thiện căn của Nga hoàng đã giết chết nước Nga. Xin Ngài chớ làm kẻ nâng đỡ cho niềm tin đó”. Rõ ràng ở đây các nhà dân chủ cách mạng dưới bút danh Một người Nga đã nhân danh nhân dân kêu gọi Ghécxen chớ quá mê muội với “Khúc tấu ca đức vua” từ bi mà hãy cùng với nhân dân cầm lấy búa rìu vì “chỉ có lưỡi rìu mới có thể cứu nổi” nhân dân. Tư tưởng đó đã được phản ánh trong thơ ca Séptrencô, nhất là thời kỳ sau khi mãn hạn bị đi đày. Nhưng ở nước Nga Xa hoàng tác phẩm của nhà thơ đương nhiên là bị cấm xuất bản. Lúc sinh thời chỉ có gần 40 tác phẩm (tức là chỉ khoảng 1/5 toàn bộ sáng tác) của nhà thơ được công bố. Hơn thế nữa suốt 10 năm bị lưu đày, Séptrencô vẫn bị lệnh nghiệt ngã của Hoàng thượng “cấm viết và vẽ” ràng buộc. Chính vì vậy mà từ những năm 40 thế kỷ trước, các giới tiến bộ ở Ucraina cũng như ở nước Nga đã không ngừng tiến hành cuộc đấu tranh đề truyền bá những bài thơ cách mạng của Séptrencô. Đến những năm 60, giới các nhà dân chủ cách mạng lại tiếp tục cuộc đấu tranh này một cách tích cực và kiên trì hơn. Có thể nói, trong thời kỳ xuất hiện bối cảnh cách mạng đầu tiên ở nước Nga và suốt trong những năm 60, bên cạnh những di sản văn học của Trécnưsépxki, Đôbrôliubốp, Ghécxen, Ôgaríôp và Nhiêcraxốp, thơ ca của Séptrencô đã đóng một vai trò rất quan trọng trong việc hình thành những tư tưởng dân chủ cách mạng, và trong một số tác phẩm, Séptrencô đã sáng tác với tư cách là người hoa tiêu của con tàu đi trong bão táp. Tháng Ba năm 1861 cùng với thơ ca bất tử của mình, trong đó có những vần thơ thống thiết và căm hờn, nhà thơ nông nô Séptrencô đã vĩnh biệt cuộc đời sau khi chế độ nông nô chuyên chế ở nước Nga bị xoá bỏ*. Bên cạnh “những cuộc nổi loạn của nông dân cứ lớn mạnh lên từng chục năm một đòi được giải phóng” (V.I. Lênin), thơ ca của Séptrencô đã góp tiếng nói vào phong trào chung đó. Rõ ràng Nga hoàng cấm thơ Séptrencô vì thơ ca của ông không chỉ là một hiện tượng văn học của nước Nga, mà còn là vũ khí sắc bén trong cuộc đấu tranh chống lại chế độ chuyên chế. Từ những năm 90, Mắcxim Gorki là người truyền bá tích cực nhất thơ ca Séptrencô. Theo sáng kiến của nhà đại văn hào năm 1904 tập thơ Người hát rong dịch ra thơ Nga đã được dự kiến xuất bản. Mặc dù bị chế độ kiểm duyệt gắt gao của Nga hoàng trói buộc, năm 1906 tập thơ đã ra mắt bạn đọc. Những năm đầu thế kỷ này, Bếtnưi, Xêraphimôvích và các nhà văn dân chủ Nga khác cũng là những người truyền bá rất tích cực thơ ca Séptrencô. Chế độ kiểm duyệt Nga hoàng không sao ngăn chặn được tiếng tăm ngày càng lớn của nhà thơ Ucraina vĩ đại, chúng đành chịu bó tay trước sự thâm nhập của thơ ca “bị cấm” của ông cứ tự nhiên đi vào quảng đại quần chúng. Năm 1914, nhân 100 năm ngày sinh Séptrencô, chính phủ Nga hoàng không còn cách nào khác đã ra lệnh cấm tiến hành lễ kỷ niệm ngày sinh nhà thơ. Trước sự kiện này V. I. Lênin đã viết: “Việc cấm làm lễ kỷ niệm ngày sinh Séptrencô, đứng trên phương diện của hình thức tuyên truyền chống lại chính phủ mà xét, là phương sách tuyệt diệu, hết sức may mắn và mỹ mãn đến mức không thể hình dung ra một hình thức tuyên truyền nào tốt hơn”. Chỉ có Cách mạng tháng Mười vĩ đại mới phá tung được xiềng xích của chế độ chuyên chế Nga hoàng trói buộc thơ ca Séptrencô. Ngày nay thơ ca của ông, trong đó có mảng thơ ca cách mạng và “thơ ca trong tù” sáng tác trong mười năm bị đi đày, là di sản quí giá không chỉ của nền văn học Ucraina mà của cả nền văn học Nga thế kỷ XIX.
* Các Páplôvích Briunlốp (1799-1852): Họa sĩ Nga, tác giả bức tranh cỡ lớn Ngày cuối cùng của thành phố Pômpêi lừng danh của châu Âu.
** Viengoócxki (1788-1856): nhạc sĩ Nga, bá tước, tác giả nhiều bản tình ca.
* Cốpda: nghệ sĩ hát rong ở Ucraina chơi đàn cốpda (một loại đàn giống như đàn ghita)
* Quyền sở hữu rửa tội là bài báo của Ghécxen viết năm 1853 ở Luân Đôn, trong đó có câu: “Hắn (tên địa chủ) chỉ bị hạn chế bời chiếc rìu của người mugích. Rõ ràng là chiếc rìu này sẽ chặt đứt cái núi rối của quyền lực bọn địa chủ” (Lêônít Khinculốp).
* * Nêrông (37-68): hoàng đế La Mã, một bạo chúa khét tiếng trong lịch sử.
* Lời của Séptrencô: ý nói các chiến sĩ tháng Chạp (những người tham gia cuộc khởi nghĩa ngày 14 tháng Chạpnăm 1825 trên quảng trường Xênát). * Ngày 19 tháng Hai năm 1961 Nga hoàng Alếchxanđrơ II nối ngôi Nhicalai I, đã phải tuyên bố hủy bỏ chế độ nông nô chuyên chế để tránh nguy cơ tan rã và bị lật đổ. Đây là một cuộc cải cách có tính chất nửa vời, bịp bợm vì nông dân vẫn sống cơ cực như trước.

BBT Báo Người xứ Nghệ Kiev


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 4
Total: 66027167

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July