Thứ Tư ngày 7/11/2016
(HNM) - Họ là những thanh niên Hà Nội theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, lên đường nhập ngũ, nhận nhiệm vụ bảo vệ biển đảo quê hương. Giữa muôn trùng sóng gió, gian khổ nhưng họ luôn xác định "đảo là nhà, biển cả là quê hương", vững tay súng, tiếp tục viết thêm những trang sử đầy tự hào về những người chiến sĩ Hà Nội ở Trường Sa, khẳng định tinh thần bất diệt "Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội"...
Chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo
“Đã xác định mang trên mình bộ quân phục thì phải hy sinh để bảo vệ đảo, bảo vệ đất nước. Còn người là còn đảo, chúng tôi sẽ nguyện hy sinh, vượt qua gian khó, chắc tay súng, giữ vững chủ quyền của Tổ quốc”. Câu nói đầy khí phách của chàng trai 22 tuổi vang lên giữa tiếng sóng biển khiến chúng tôi xúc động nghẹn lời. Đó là Trung sĩ, nhân viên tín hiệu Nguyễn Văn Căn (phường Yết Kiêu, quận Hà Đông), một người con của Hà Nội đang công tác tại đảo An Bang. Chúng tôi ngồi với nhau dưới những tán cây bàng vuông xanh mướt giữa cái nắng giội lửa xuống đảo, mồ hôi nhỏ thành dòng. Chàng trai với vẻ mặt rất thư sinh cho biết thêm: Tháng 7-2015, tình nguyện viết đơn nhập ngũ, xung phong ra đảo và giờ đây, ước mơ đã được thỏa nguyện.
|
Chiến sĩ Nguyễn Văn Tứ và Vũ Hữu Tọa trên đảo Thuyền Chài. |
Làm nhiệm vụ trên đảo Trường Sa Lớn, Thượng úy Nguyễn Đức Dũng, Trợ lý tham mưu, quê Ứng Hòa, lúc nào cũng tự hào với nhiệm vụ giữ gìn biển đảo quê hương. Đã 32 tuổi và dày dặn kinh nghiệm trong quân ngũ, "đôi lúc cũng nhớ nhà lắm, nhưng chúng tôi luôn đặt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc lên hàng đầu”, Nguyễn Đức Dũng tâm sự. Còn Vũ Văn Dũng quê Sơn Tây, công tác tại đảo Phan Vinh thì chia sẻ: “Biển đảo là một phần máu thịt của Tổ quốc, nên chúng tôi coi đảo nào cũng là nhà, gia đình của mình. Trách nhiệm của chúng tôi là hết sức gìn giữ toàn vẹn phần lãnh thổ, giữ ngôi nhà như lời Bác Hồ năm xưa đã dặn “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”.
Giữa bốn bề là biển, cách đất liền hàng trăm hải lý, trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn trăm bề song những người chiến sĩ ở Trường Sa vẫn kiên cường, vững vàng như thế. Ai cũng cảm thấy vinh dự khi được công tác và chiến đấu trên vùng biển thiêng liêng. Đó vừa là niềm tự hào, vừa là trách nhiệm lớn của mỗi người con Hà Nội.
Ấm tình đồng đội
Trong số 18 người con của Hà Nội mà tôi đã gặp trong chuyến công tác lần này, có nhiều chiến sĩ còn rất trẻ. Trên đảo Thuyền Chài tôi có dịp trò chuyện cùng 2 chiến sĩ trẻ người Hà Nội, đó là Hạ sĩ quản lý Vũ Hữu Tọa, 22 tuổi (Đại Áng, Thanh Trì) và Nguyễn Văn Tứ, 21 tuổi (Phương Đình, Đan Phượng). Tứ mới ra đảo được gần 5 tháng vẫn còn rụt rè khi gặp người lạ, còn Tọa ở đảo đã gần 2 năm, sắp ra quân. “Hai anh em không cùng huyện, nhưng anh Tọa như anh trai em, luôn chỉ dẫn cho em những gì em còn bỡ ngỡ. Đôi lúc, giữa sóng nước mênh mang cũng nhớ nhà, nhưng anh Tọa đã động viên em rất nhiều. Em thấy mình trưởng thành hơn và càng thêm yêu biển đảo”, Tứ cho biết.
Một tình cờ thú vị là đến đảo Phan Vinh tôi gặp được cả 5 cán bộ, chiến sĩ là người Hà Nội. Những chàng trai của Thủ đô, gương mặt giờ sạm nắng gió, nhưng trông rắn rỏi, ánh mắt ngời sáng. Trong số họ, có người đã qua nhiều đảo khác nhau, có người mới ra được vài tháng, nhưng tất cả đều coi nhau như ruột thịt. Bên ấm trà, họ không nói nhiều về mình, chỉ hỏi thăm mọi chuyện ở đất liền, đâu đó bật lên tiếng reo khi biết những người khách chúng tôi sống gần nhà họ. Khi được hỏi về công việc thường ngày, nỗi vất vả của cuộc sống nơi đảo xa, thì ai nấy đều cười và nói: Đây là niềm vinh dự tự hào của những người được đứng canh giữ biển đảo. Sự bình yên của biển đảo, sự an nguy của ngư dân là niềm hạnh phúc đối với những người chiến sĩ nơi đầu sóng.
Hỏi thăm chiến sĩ, Trung úy, phân đội trưởng phân đội pháo 85 Nguyễn Xuân Hà (Sơn Trầm, Sơn Tây) có bạn gái chưa, chàng trai 26 tuổi cười ngượng nghịu và lắc đầu. Hơn 2 năm chắc tay súng cùng đồng đội bảo vệ đảo, Hà chưa có điều kiện để làm quen với cô gái nào. Nhưng khi chia tay đoàn công tác, Hà ngượng ngùng nhờ tôi mang giúp một món quà gửi tặng cô bạn thân là giảng viên Đại học Tài nguyên và Môi trường. Còn chàng trai quê ở Ứng Hòa Đặng Đình Hiếu thì chia sẻ “Chị thấy đó, đảo nào trên quần đảo Trường Sa, cũng có dòng chữ “Đảo là nhà, biển cả là quê hương”. Ở đây đảo nào cũng là nhà, chỉ có anh em chung một gia đình, chung một nước Việt Nam, không phân biệt quê quán vùng miền. Chúng em cũng như tất cả các chiến sĩ khác trên quần đảo, đều luôn sát cánh bên nhau, sẵn sàng chiến đấu vì Tổ quốc”.
Tiếp bước truyền thống anh hùng
Được thấy tận mắt những người con của Hà Nội, ngày đêm canh giữ biển trời, hiên ngang, vững vàng trước phong ba bão tố tại Phan Vinh, Thuyền Chài, Tốc Tan, Trường Sa Lớn, Đá Lát, Nhà giàn DK14… chúng tôi càng có niềm tin mãnh liệt vào chủ quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của biển đảo Tổ quốc.
Cũng như nhiều chiến sĩ trẻ khác, cùng ôm ấp mong muốn được chuyển quân nhân chuyên nghiệp để ở lại Trường Sa, phục vụ lâu dài cho đất nước, binh nhì Trần Văn Cảnh, quê Sóc Sơn, tâm sự: “Em làm đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ và ra đảo Trường Sa. Ra đây mới thấy đảo còn nhiều khó khăn vất vả, nhưng chắc chắn em và các đồng đội sẽ vượt qua tất cả để hoàn thành nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin yêu của đất liền gửi gắm”.
Tôi gặp chiến sĩ Đỗ Minh Tâm (Thanh Oai) Trung sĩ khẩu đội trưởng pháo 12 ly 7 khi đang chuẩn bị nấu ăn cho các anh em ở đảo chìm Tốc Tan A. Chàng trai quê Thanh Oai, mồ hôi ướt đẫm chiếc áo hải quân, có giọng nói và nụ cười dễ thương chia sẻ: “So với sự hy sinh của các thế hệ đi trước quả thật những gì vất vả của mình còn quá nhỏ bé. Em nguyện làm hết sức mình, học tập công tác tốt, như bác Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn dặn dò động viên chúng em. “Ngoài việc hoàn thành tốt công việc được giao, còn phải nỗ lực phấn đấu, phát huy tinh thần của người Hà Nội, phát huy truyền thống văn hóa, truyền thống Thủ đô Anh hùng”.
Những chiến sĩ trẻ hôm nay, trong lòng luôn ghi nhớ lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, nay ta có ngày, có trời, có biển, bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải gìn giữ lấy nó”. Với quyết tâm giữ gìn biển đảo quê hương, Thượng sĩ Kiều Văn Lập, quê ở Long Xuyên, Phúc Thọ, đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng biển xanh thẳm. Các thế hệ chiến sĩ hôm nay vẫn đang tiếp nối tinh thần anh dũng của người Hà Nội, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.
Chia tay, tôi không thể quên hình ảnh chàng trai trẻ tay cầm mấy cành hoa ốc xinh xắn đứng đợi dưới tán cây tra, chờ gửi tặng người đất liền. Và nhớ mãi câu nói chắc như đinh đóng cột của chiến sĩ Nguyễn Cảnh Hải “Khi biển đảo Tổ quốc cần, chúng tôi sẵn sàng có mặt”. Ngoài kia, nơi đảo xa, những người lính hải quân vẫn đang trầm mình trong nắng lửa, bão giông, ngày đêm vững chắc tay súng, trong đó có những người con can trường của Hà Nội.
(Còn nữa)
Nguyệt Ánh
Nguồn hanoimoi.com.vn
http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Phong-su-Ky-su/857121/nhung-chien-si-ha-noi-o-truong-sa
|